trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
5.3.2005
Hồng Vinh
Phát triển nền tảng lí luận đáp ứng nhu cầu xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
(Báo cáo đề dẫn đọc tại buổi Khai mạc Hội thảo của Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương ngày 14.1.2005, tại Hà Nội)
 
Hội thảo Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển tại Viện Văn học (Hà Nội) ngày 25.11.2004 kết thúc bằng bài phát biểu của ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương ĐCSVN, mà tính chất cởi mở trong một số điểm nhất định đã là lí do khiến nó được một bộ phận của giới văn nghệ trong nước đặc biệt hoan nghênh và bị một bộ phận khác lên tiếng phê phán (xem thêm bài của Trần Thanh Đạm). Không lâu sau, ngày 14.1.2005, cũng tại Hà Nội, Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương ĐCSVN, do ông Nguyễn Khoa Điềm làm chủ tịch, tiến hành một hội thảo, khai mạc bằng bản Báo cáo đề dẫn, trong đó quan điểm cởi mở của những người lãnh đạo văn nghệ trong nước một lần nữa được nhắc lại và đẩy xa hơn ở những điểm then chốt. Bản báo cáo nêu rõ thái độ không chấp nhận “sự cô lập, tách biệt, bảo thủ…, kìm hãm nước ta trong vòng lạc hậu so với thế giới”, thừa nhận những “nhược điểm như giản đơn, sơ lược, cực đoan và giáo điều…, coi nhẹ tính đặc thù của văn nghệ”, ủng hộ “phong cách đa dạng”, đòi hỏi “rũ bỏ các hạn chế, rào cản về sáng tạo”, tuyên bố “nhà văn được toàn quyền tự do lựa chọn nội dung và hình thức”, công nhận “trong thế kỉ XX ở phương Tây, lí luận văn học, mĩ học, triết học phát triển chưa từng thấy, các khuynh hướng xuất hiện thay thế nhau, lật đổ nhau, bổ sung nhau, tạo thành một dòng chảy lớn”, và ở câu hỏi hạt nhân về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, cũng đưa ra một diễn đạt khá ôn hoà: “Ở đây cần tránh các quan niệm cực đoan, đi tìm văn nghệ thuần túy, hoặc xem văn nghệ chỉ là một vũ khí phục vụ một cách thô thiển cho chính trị.”

Dòng chảy văn nghệ tại Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh mới, một Đổi Mới II, một đường lối cải cách rót từ trên xuống, như một số người đang hân hoan nhận xét? Xin giới thiệu cùng độc giả Báo cáo đề dẫn này.
talawas
1.

Lí luận có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống. Đó là những công cụ được đúc kết một cách khoa học, có ý nghĩa phổ biến, có tác dụng giúp con người nhận thức bản chất, khắc phục các nhận thức cảm tính, bề ngoài, làm cơ sở để xác định phương hướng đúng đắn trong hoạt động thực tiễn, mở đường đi tới tương lai.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung cũng như lãnh đạo văn hóa, văn nghệ nói riêng, Đảng ta luôn luôn coi trọng lí luận. Nhưng lí luận bắt nguồn từ thực tiễn. Thực tiễn thay đổi thì lí luận cũng không ngừng điều chỉnh, đổi mới.

Lí luận văn nghệ cũng như mọi thứ lí luận thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đều không phải là bộ môn khoa học thuần túy. Nó luôn luôn dựa vào các học thuyết tư tưởng, triết học, đạo đức, chính trị, mĩ học nhất định để xây dựng hệ thống quan điểm của mình. Bản thân lí luận văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội, một hệ thống định hướng giá trị nhất định. Với lí luận này thì tác phẩm này được khẳng định, với lí thuyết kia thì khuynh hướng kia được đề cao. Một lí luận văn nghệ khoa học phải kết hợp được tính khoa học phổ biến và tính lịch sử cụ thể.


2.

Lí luận văn nghệ Mác-xít được tiếp nhận vào Việt Nam đã làm cho mọi người hiểu được các vấn đề to lớn như mối quan hệ giữa văn nghệ và xã hội, văn nghệ với đời sống, văn nghệ với thời đại, văn nghệ với chính trị, với giai cấp và dân tộc, từ đó làm thay đổi căn bản lí luận văn học Việt Nam trước đó, mở đường cho lí luận văn nghệ bước lên con đường khoa học.

Tuy nhiên trong thời kì đấu tranh cách mạng chống ngoại xâm và thống nhất đất nước, do yêu cầu cụ thể của điều kiện lịch sử, lí luận văn nghệ của chúng ta mới tập trung nhấn mạnh vào một số vấn đề bức thiết nhất, như văn nghệ và tuyên truyền, văn nghệ và chính trị, văn nghệ và dân tộc, đề cao tính chiến đấu, tính giáo dục, thể hiện tập trung trong các yêu cầu của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, coi đó là phương pháp tốt nhất. Các quan điểm ấy đã có tác dụng tích cực trong sự nghiệp xây dựng nền văn nghệ cách mạng, phụng sự đắc lực công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Ngày nay trong bối cảnh mới và thực tiễn mới, một số nội dung cụ thể của các quan điểm ấy đã không còn phù hợp, bởi vì chúng không tránh khỏi các nhược điểm như giản đơn, sơ lược, cực đoan và giáo điều. Chẳng hạn trong khi nhấn mạnh chức năng đấu tranh giai cấp, phục vụ chính trị lại có biểu hiện coi nhẹ tính đặc thù của văn nghệ, coi trọng chức năng giáo dục mà coi nhẹ tác dụng hưởng thụ thẩm mỹ; coi trọng việc phản ánh thực tại mà chưa chú ý đúng mức vai trò sáng tạo của chủ thể; nhấn mạnh lập trường chung, thế giới quan chung mà coi nhẹ cá tính sáng tạo. Những biểu hiện sơ lược ấy trên thực tế đã có phần hạn chế sức sáng tạo và thành tựu văn nghệ của chúng ta. Đó là nguyên nhân của căn bệnh sơ lược trong văn nghệ nước ta mà các bức thư của Trung ương Đảng gửi các đại hội văn nghệ đều lưu ý. Đó cũng là nguyên nhân làm cho tiếng nói phê bình văn học đôi khi rơi vào quy chụp, áp đặt tùy tiện.


3.

Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, chuyển hướng theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước những thách thức mới và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đối với văn nghệ, Đảng ta đã lãnh đạo công cuộc đổi mới trong văn nghệ, điều chỉnh và đổi mới các quan điểm văn nghệ của mình. Chúng ta kiên trì đường lối văn nghệ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, coi văn nghệ là những sản phẩm văn hóa, có giá trị lâu dài, thỏa mãn nhu cầu tinh thần nhiều mặt, làm vẻ vang cho văn hiến dân tộc. Chúng ta khẳng định tính năng động của chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng yêu cầu văn nghệ bám sát cuộc sống, phát hiện các giá trị tích cực làm giàu cho đời sống tinh thần của con người. Về phương diện sáng tác, chúng ta khuyến khích mọi tìm tòi, thể nghiệm các phương pháp mới và phong cách đa dạng, rũ bỏ các hạn chế, rào cản về sáng tạo. Nhà văn được toàn quyền tự do lựa chọn nội dung và hình thức, nhưng tự do luôn đi đôi với trách nhiệm công dân và tư cách người nghệ sĩ- chiến sĩ.

Trong quá trình chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, định hướng XHCN, sáng tác văn nghệ có thêm những nguồn kích thích mới, làm cho văn nghệ gắn bó với nhu cầu đa dạng của công chúng, nhưng cũng đã xuất hiện xu hướng thương mại hóa cực đoan, có nguy cơ làm cho văn nghệ xuống cấp về đạo đức và thẩm mĩ.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta có quan điểm rộng rãi trong giao lưu, tiếp xúc; tiếp nhận các giá trị lí luận văn nghệ của thế giới để làm giàu cho văn nghệ nước nhà. Chúng ta cũng chủ trương kết hợp kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn nghệ thế giới nhằm xây dựng nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


4.

Những quan điểm mới mẻ của Đảng về văn nghệ đã thổi một luồng sinh khí vào đời sống văn nghệ Việt Nam. Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX sáng tác đã bắt đầu đa dạng, xuất hiện những cây bút mới, những đề tài mới, những tìm tòi, thể nghiệm mới. Những tác phẩm mang nội dung giải trí đã có chỗ đứng, đặc biệt là trong sân khấu, ca nhạc, điện ảnh. Văn học, nghệ thuật từ thời đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đa dạng, phong phú hẳn lên. Thơ, văn, âm nhạc, điện ảnh viết về tình yêu, về số phận cá nhân, đời thường có số lượng nhiều hơn trước. Nhiều vấn đề đời sống trước đây chưa được đề cập, nay đã được khơi lại. Đề tài lịch sử được coi trọng. Về hình thức văn nghệ lại càng đa dạng hơn trước. Đã có thử nghiệm về dòng ý thức, độc thoại nội tâm, bố cục mở v.v… Đã có những đổi mới về ngôn ngữ về văn học. Đã có nhiều tác phẩm ưu tú được bình chọn qua các giải thưởng hoặc được độc giả bình chọn và khẳng định trong dư luận.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tác phẩm tuy nhiều nhưng độ kết tinh còn ít, tác phẩm viết về đời thường, số phận cá nhân nhiều, nhưng thường sa vào tản mạn, vụn vặt, thiếu độ tập trung, thiếu sức khái quát cao và có chiều sâu. Chưa có được những tác phẩm có vóc dáng tầm cỡ, khỏe mạnh, vững chắc, đánh dấu thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Nhiều tác phẩm chưa phản ánh sâu sắc những khát vọng lớn của con người và dân tộc Việt Nam, thiếu tính lí tưởng, thiếu nền triết lí sâu sắc. Nhiều sáng tác thiếu ý thức về nghệ thuật, để ngòi bút trôi theo sự sai khiến của bản năng và vốn sống, sức tưởng tượng còn nghèo nàn.

Trong một số lĩnh vực như sân khấu, điện ảnh ngôn ngữ nghệ thuật còn cũ kí, đơn điệu, nghèo nàn. Không ít tiểu phẩm giải trí rẻ tiền.

Dấu vết bắt chước, mô phỏng còn thấy rõ đây đó trong không ít sáng tác. Biểu hiện thương mại hóa có nơi có lúc khá đậm.

Về phương diện lí luận cũng có nhiều đổi mới. Đã có những công trình tổng kết truyền thống lí luận văn học dân tộc. Di sản lí luận văn học thế kỉ XX của Việt Nam, bao gồm các tác giả có khuynh hướng khác nhau đều được in lại. Chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, phân tâm học, lí thuyết tiếp nhận, lí thuyết đọc và nói chung các trường phái khác nhau của lí luận văn học và mĩ học trên thế giới đã bước đầu được làm quen. Thi pháp học được vận dụng và có những thành công. Văn học so sánh, cách tiếp cận kí hiệu học, tự sự học, văn hóa học cũng đang được chú ý. Tuy vậy, nhìn chung phần nhiều lí luận chỉ mới ở mức giới thiệu để bổ sung mặt bằng kiến thức, mà chưa có nhiều sức sống trong thực tiễn phê bình, nghiên cứu; và do đó, cũng chưa thể hiện sự lựa chọn và phát triển. Trong thế kỉ XX ở phương Tây, lí luận văn học, mĩ học, triết học phát triển chưa từng thấy, các khuynh hướng xuất hiện thay thế nhau, lật đổ nhau, bổ sung nhau, tạo thành một dòng chảy lớn, nhưng sự giới thiệu của ta mới chỉ dừng ở khuynh hướng riêng lẻ, mà ít có cái nhìn trọn vẹn trong cả quá trình, cho nên thường chưa có nhận thức toàn diện. Mặt khác sự giới thiệu hãy còn sơ lược, khiếm khuyết.

Nếu so với toàn bộ bức tranh lí luận văn nghệ của thế giới trong thế kỉ XX, thì lí luận của chúng ta có phần còn xa lạ và nghèo nàn. Những gì chúng ta đã đặt trọn niềm tin và quen dùng, nay cảm thấy nhiều điều không đủ căn cứ lí luận để lí giải những vấn đề phức tạp của văn nghệ hiện tại. Đồng thời những gì mới đưa vào lại còn xa lạ, đáng ngờ. Điều đó thiết nghĩ là do sự biến đổi của cách mạng và lịch sử xảy ra quá nhanh, sự chuẩn bị về lí luận không theo kịp. Sự đổi mới lí luận văn nghệ không giống như đổi thay công nghệ, chỉ cần mua linh kiện và dây chuyền sản xuất là cho ngay được hiệu quả kinh tế. Ở đây đòi hỏi phải đổi thay mặt bằng kiến thức, chuẩn bị thái độ, phương pháp tiếp nhận, chọn lọc và vận dụng sáng tạo thì lí luận mới mới đi vào cuộc sống. Chúng ta nhớ lại, ngay như lí luận văn nghệ mác-xít tuy được đề xuất từ giữa những năm 30 thế kỉ XX mà tới giữa những năm 60 ta mới gặt hái được một số thành công trong nghiên cứu, phê bình, mà đó là lúc thừa hưởng nhiều thành tựu của Liên Xô. Cho đến năm 1986, đất nước bắt đầu sự nghiệp đổi mới, với thời gian chưa đầy 18 năm chúng ta khó có thể có một nền lí luận văn nghệ như mong muốn. Một phần do nhận thức về đổi mới lí luận văn nghệ quá chậm, thiếu tạo điều kiện, tổ chức, kinh phí, hợp tác, giao lưu. Sự chậm trễ về lí luận không chỉ có nguyên nhân ở các nhà nghiên cứu, mà chủ yếu ở lãnh đạo các cấp, các ngành chuyên môn; và phải chăng đó cũng còn do tâm lí coi thường lí luận khá phổ biến trong giới sáng tác?


5.

Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là xây dựng một nền lí luận văn nghệ tiên tiến, khoa học, đủ sức giải quyết các vấn đề bức thiết đang đặt ra cho sáng tác góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Một đặc điểm quan trọng nhất của đất nước hiện nay là chúng ta đang chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong bối cảnh giao lưu văn hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế toàn cầu hóa. Trong xu thế đó, sự cô lập, tách biệt, bảo thủ là không thể chấp nhận, vì hậu quả chỉ là kìm hãm nước ta trong vòng lạc hậu so với thế giới. Cơ hội phát triển chỉ dành cho dân tộc nào nhanh chóng nắm bắt và xử lí đúng đắn các thông tin mà sự tiến bộ của các ngành khoa học, công nghệ của nhân loại mang lại. Xu thế và bối cảnh ấy đặt ra cho chúng ta trước những thách thức – đối thoại cũng nhiều hơn, trực tiếp hơn và phức tạp hơn.

Vấn đề đầu tiên là hiện đại hóa lí luận văn nghệ, do nó đã đặt ra và giải quyết hàng loạt vấn đề mà lí luận văn nghệ trước đây chưa biết tới. Các kiến thức mới là cách tiếp cận mới đem lại khả năng hiểu biết và nhìn nhận văn nghệ sâu sắc hơn. Chúng ta không thể chỉ đóng khung cách nhìn văn nghệ trong các phạm trù truyền thống và các khái niệm ấy cũng không thể chỉ hiểu theo cách cũ. Do đó nhiệm vụ không thể thoái thác của giới nghiên cứu lí luận văn nghệ nước ta, là đứng vững trên những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đi sâu nghiên cứu các vấn đề về lí luận văn nghệ cơ bản, trả lời thật khoa học và thuyết phục các vấn đề mà văn nghệ đương đại đặt ra. Thiếu lí luận cơ bản làm nền tảng thì các nhận định về văn học dễ dàng trở nên tùy tiện, cảm tính. Để giúp cho công việc đó, việc giới thiệu lí luận hiện đại cần được triển khai có tổ chức; đồng thời cũng phải có thái độ ứng xử thích hợp. Trong mỗi lí luận đều có các giá trị phổ quát và các giá trị lịch sử, cụ thể: Gắn với một điều kiện xã hội và ý thức hệ nhất định, do đó cần khai thác các giá trị phổ quát để làm giàu cho chính mình, cần có thái độ đối thoại thẳng thắn trước những vấn đề còn tranh cãi và phê phán những quan điểm sai trái lệch chuẩn.

Triết học mác-xít và lí luận văn nghệ macxít là một di sản rất phong phú, nhiều mặt. Do nhiệm vụ lịch sử quy định, trong thời gian qua chúng ta thiên về khai thác các nội dung đấu tranh xã hội, mà ít khai thác các gợi ý lí luận sâu sắc khác. Giá trị quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác- Lênin là phương pháp luận. Nguyên tắc lịch sử, cụ thể đến nay vẫn là điểm tựa vững chắc để xem xét vấn đề. Tính cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin thể hiện ở tinh thần phê phán, phép biện chứng, tính thực tiễn, là cơ sở để chúng ta lựa chọn, phân tích, tiếp thu tinh hoa lí luận văn nghệ thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa tri thức và giao lưu văn hóa trên cơ sở những giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin chúng ta cần có thái độ thực sự cầu thị, sự phân tích biện chứng nhằm đối thoại, hấp thụ những hạt nhân hợp lí, phê phán các tư tưởng sai trái, cực đoan, ngộ nhận.

Qua hơn một trăm năm tồn tại, với sự cố gắng của nhiều thế hệ, lí luận mác-xít đã tỏ ra có nội dung khoa học vững chắc. Quan điểm lịch sử và thẩm mĩ đối với các hiện tượng nghệ thuật thể hiện trong lí luận về cái đẹp, cái bi, về chủ nghĩa hiện thực, về phản ánh, về phê phán xã hội học dung tục… đến nay vẫn còn ý nghĩa. Tư tưởng chủ đạo của lí luận văn học mác-xít là nhìn văn nghệ trong mối quan hệ không tách rời với đời sống xã hội và sự tiến bộ của con người trong thực tiễn. Quan niệm đó không bao giờ lỗi thời. Nó cung cấp một cơ sở đúng đắn để đánh giá mọi lí luận.

Vấn đề thứ hai là vận dụng lí luận để soi sáng và giải quyết các vấn đề của thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp văn nghệ của dân tộc phát triển, tạo nên nhiều thành tựu xứng đáng với thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của nhân dân.

Trong điều kiện hiện nay chúng ta cần quan tâm các vấn đề sau:

  1. Vấn đề hàng đầu trong văn nghệ bao giờ cũng là mối quan hệ giữa văn nghệ và đời sống, văn nghệ và tư tưởng. Lênin từng nói nếu một nghệ sĩ là vĩ đại thì ông ta phải phản ánh ít ra vài ba khía cạnh chủ yếu của cuộc sống. Suy rộng ra nếu có một nền văn nghệ lớn thì nó phải phản ánh được các vấn đề hệ trọng của con người và thời đại. Văn nghệ không thể có sức sống mạnh mẽ nếu thiếu vắng các tư tưởng sâu sắc, các tình cảm lớn và lí tưởng cao đẹp.

    Hiện nay trên thế giới có luồng tư tưởng tuyên bố “con người đã chết”, “chủ nghĩa nhân tạo truyền thống chỉ là hoang tưởng”, “thời đại con người trong văn học đã cáo chung”. Có quan điểm cho rằng sở dĩ văn học sa sút về lí tưởng là do con người trong thực tế cũng băng hoại về lí tưởng, chỉ còn biết chạy theo tiền tài, danh vọng, quyền lực, hưởng thụ; có quan điểm cho rằng thời đại hiện nay là thời đại khủng hoảng của lí tính, của tư tưởng trung tâm, của ý nghĩa và cái cao cả… cho nên, văn nghệ sĩ ngả về phía hư vô, xem sáng tác văn học chỉ là trò chơi của cái biểu đạt. Những hiện tượng đó là có thật và có ảnh hưởng không tốt. Tư tưởng hư vô, tuyệt vọng phản ánh sự suy thoái tinh thần của một số tầng lớp người, nhưng không phải là tất cả. Nhà văn Mĩ E.Hemingway đã khẳng định con người có thể bị tiêu diệt, chứ không thể bị đánh bại. Con người là bất tử. Chính sự suy thoái của tinh thần nhân văn ở một số nhà sáng tác đã gieo rắc các tư tưởng hư vô vào cuộc sống. Tinh thần nhân văn đích thực không bao giờ chết. Đó là tư tưởng đã đưa con người từ mông muội đến văn minh, khích lệ con người vượt qua các thành kiến trung cổ để đi vào hiện đại, nâng đỡ con người vượt qua mưa bom bão đạn đi tới giải phóng. Đối với người Việt Nam đã vượt qua chiến tranh, vượt lên chính mình để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác thì tinh thần nhân văn càng không thể chết. Không thể chết tình yêu Tổ quốc, yêu di sản cha ông, tình yêu con người, yêu đồng loại và yêu bản thân mình, phấn đấu để tự thực hiện mình. Hoài nghi, từ bỏ chủ nghĩa nhân văn là tự tước bỏ vũ khí của mình trước các hiện tượng tiêu cực, tự thủ tiêu mình.

  2. Vấn đề thứ hai là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Chúng ta đã có thời kì chỉ coi trọng nội dung, coi nhẹ hình thức, đã đến lúc phải đặt hình thức nghệ thuật vào đúng vị trí của nó, vì không có hình thức thì không có nghệ thuật. Hình thức lại phải luôn mới, đa dạng mới đáp ứng các nhu cầu thẩm mĩ. Hình thức nghệ thuật là ngôn ngữ giao tiếp của nó. Vấn đề bức xúc hiện nay là trong nhiều ngành nghệ thuật ngôn ngữ nghệ thuật cũ kĩ quá, sáo mòn quá, không đủ sức hấp dẫn công chúng. Vấn đề đổi mới hình thức hiện nay là một đòi hỏi bức thiết đối với mọi ngành nghệ thuật, là thử thách lớn đối với mọi tài năng. Song vấn đề lí luận phải giải quyết là đổi mới, sáng tạo hình thức theo phương hướng nào để không rơi vào hình thức chủ nghĩa mới. Đó là điều cần có nhận thức rõ trong phương hướng đổi mới hình thức. Thoát li thực tại và cắt đứt truyền thống là con đường dẫn đến căn bệnh hư vô trong nghệ thuật.

  3. Vấn đề thứ ba là lí luận tiếp nhận. Cần làm rõ các qui luật tiếp nhận của công chúng. Cần điều tra xã hội học về nhu cầu của công chúng hiện nay, họ chờ đợi gì, mong mỏi gì ở văn nghệ. Trong thị hiếu tiếp nhận hiện nay có vấn đề gì đang đặt ra, có gì đang thay đổi. Coi thường công chúng là sai mà lí tưởng hóa họ cũng không đúng. Công chúng nghệ thuật rất đông đảo và đa dạng. Cần coi trọng nhu cầu văn nghệ của đông đảo quần chúng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong quân đội và nhu cầu của các tầng lớp công chúng ở thành thị.

  4. Vấn đề thứ tư, là phát huy truyền thống lí luận văn học và nghệ thuật nước nhà. Nước ta có lịch sử văn học lâu đời, lại có một thế kỉ XX hiện đại hóa văn học, trong đó có nhiều giá trị có ý nghĩa quốc tế và lâu dài. Nước ta ở vào giữa các nền văn hóa lớn châu Á và trên con đường giao lưu tiếp xúc phương Tây, ta có cách tiếp nhận và sáng tạo của ta. Có thể về mặt kết tinh các giá trị lí luận văn học và nghệ thuật chưa nhiều, song thời nào ta cũng tiến theo các xu thế tiến bộ của nhân lọai. Vì thế cần nghiên cứu, tổng kết sâu sắc, khoa học, khách quan các thành tựu lí luận văn nghệ ở nước ta để làm cơ sở cho sự phát triển trong tương lai.

  5. Vấn đề thứ năm, là tiếp thu tinh hoa lí luận và nghệ thuật của thế giới. Việc tiếp thu tinh hoa văn nghệ thế giới để làm giàu cho mình là điều không thể thiếu, song tính chủ động lựa chọn và sáng tạo của người Việt Nam rất lớn. Nếu không sẽ không thể có nền văn học như đã và đang có. Ở đây tự ti dân tộc sẽ dẫn đến chủ nghĩa hư vô, tự đánh mất mình và thái độ sùng ngoại, vọng ngoại có cơ sẽ làm tê liệt ý chí sáng tạo và đối ngoại của người Việt, dẫn đến tệ sao phỏng, bệ nguyên xi các tư tưởng nước ngoài. Trong thời đại ngày nay, sự tiếp nhận tinh hoa nhân loại để tự phát triển mình trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ, y tế, truyền thông… có rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận, thúc đẩy sự đổi mới văn nghệ trong thời gian qua. Song trong thời đại ngày nay lí luận văn nghệ trên thế giới phát triển và biến đổi dữ dội, và chúng không ngừng tác động, va đập vào ta, do đó sự tiếp nhận và đối thoại phải đặt ra thường trực. Điều này đòi hỏi giới lí luận có ý chí và phương thức tiếp cận những thông tin cập nhật, tham gia các diễn đàn trao đổi học thuật quốc tế và tự mình tổ chức các diễn đàn giao lưu tại Việt Nam.

  6. Vấn đề thứ sáu là quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là vấn đề có tầm quan trọng cần được chú ý nghiên cứu một cách sâu sắc, thuyết phục. Bản chất ý thức hệ của văn nghệ mới là điều không thể phủ nhận. Nhưng mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị nằm trong các mối quan hệ nhiều mặt giữa văn nghệ và văn hóa, kinh tế, đời sống v.v… tự thân nó cũng là quan hệ nhiều chiều. Ở đây cần tránh các quan niệm cực đoan, đi tìm văn nghệ thuần túy, hoặc xem văn nghệ chỉ là một vũ khí phục vụ một cách thô thiển cho chính trị.


6.

Lí luận văn nghệ là một lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, các vấn đề cần nghiên cứu chắc còn nhiều. Cần huy động một lực lượng đông đảo các nhà nghiên cứu lí luận, các nhà văn nghệ sĩ và các nhà quản lý tích cực tham gia vào công việc này. Các trường, viện, trong các công trình khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở; trong các luận án cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cần khuyến khích và dành một tỷ lệ thích đáng cho các đề tài lí luận văn nghệ. Các nhà xuất bản, các báo, tạp chí cũng cần thường xuyên khai thác các đề tài lí luận, làm cho lí luận được quan tâm rộng rãi. Cũng cần tạo điều kiện để thành lập Hội Lí luận Văn nghệ Việt Nam, tiến tới có tạp chí lí luận riêng, tạo diễn đàn chung cho giới lí luận văn nghệ trong cả nước.

Tại hội nghị này chúng tôi mong nghe được thật nhiều ý kiến, những đề xuất, suy nghĩ về lĩnh vực mà chúng ta và những người yêu mến lí luận văn nghệ quan tâm. Chúng ta tin tưởng vào nhiệt tình của các nhà lí luận và tương lai tốt đẹp của lí luận văn nghệ Việt Nam.

Nguồn: Báo Văn nghệ ra ngày 26.02.2005