trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
16.11.2004
Lê Trần Huy Phú
Thư ngỏ gửi bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Úy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội
 
Kính thưa Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội,

Tôi vừa được đọc bài trao đổi của Bà với phóng viên VietNamnet, với tựa đề “Chưa nên có luật cấm hay thừa nhận hiện tượng “gay”” (http://www.vnn.vn/chinhtri/doinoi/2004/11/344821/). Bà là người đầu tiên trong cơ quan quyền lực nhà nước công khai bàn đến đồng tính luyến ái. Do vậy, cuộc trao đổi này có ý nghĩa không nhỏ, vì có thể phần nào cho thấy chỉ báo về thái độ từ chính quyền đối với vấn đề. Và cũng do vậy, với tư cách một người nghiên cứu thuộc ngành nhân văn, tôi thấy mình có trách nhiệm phản hồi, để đông đảo bạn đọc rộng đường hơn trong nhận định.

Thư ngỏ này là một tiếng nói thành tâm, nhằm góp thêm thông tin, mà không hề mảy may có ý định công kích hay “dạy đời”.


1. Một thái độ đáng trân trọng

Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Bà. Với cương vị người đứng đầu một trong những uỷ ban có vai trò lớn trong cơ quan lập pháp, thời gian qua, Bà luôn lên tiếng bảo vệ các quyền lợi dân sinh, quan tâm các đến thành phần trong xã hội. Và nay, Bà lại lên tiếng trong vấn đề mà bấy lâu vẫn không chính thức thảo luận đến.

Hết sức cảm kích khi bà cho rằng người đồng tính luyến ái “đáng thương chứ không đáng trách gì họ! Bởi vì cái đó nhiều khi bản thân họ cũng không ý thức việc đó! Có khi từ bản năng con người trước một cái vẻ đẹp của người khác, chẳng qua con người đó đồng giới với mình!” Điều này cho thấy Bà nhìn đã nhìn đồng tính ái là một vấn đề tự nhiên, không phải do con người tự chọn lựa con đường tình cảm đầy gian truân và bất trắc, mà trong sự xung đột của bản thân và kỳ thị của xã hội, không ít người đã rơi vào trạng thái stress kéo dài đầy nguy hiểm, hoặc đành chọn cho mình một đời sống tiêu cực theo hướng này hay hướng khác (cho họ và cho những người liên quan), thậm chí không ít người từng tính đến chuyện tự kết liễu.

Chỉ cần một ít tinh ý là có thể nhận ra, chính Bà là người dẫn dắt cuộc phỏng vấn chứ không phải người phỏng vấn. Và sự dẫn dắt này là để chủ động đưa quan điểm rằng không dùng luật để cấm hay thừa nhận đồng tính luyến ái. Ngay khi trả lời câu hỏi thứ hai, mà vốn không đề cập đến luật pháp, Bà đã lập tức khẳng định tính vô hiệu nếu luật pháp quy định (được ngầm hiệu là cấm) đối với vấn đề này. Với suy diễn phần nào võ đoán của tôi, phải chăng đã có ý kiến từ những ai đó, đề nghị dùng luật pháp để chế tài hiện tượng này, và cuộc trao đổi với VietNamnet chính là để có câu trả lời chính thức của Bà nói riêng và của lãnh đạo Quốc hội nói chung cho cách đặt vấn đề như vậy? Cho dù suy diễn này không đúng, ở đây tôi vẫn muốn bày tỏ sự tán thưởng, và cả sự biết ơn, về một quan điểm đúng đắn, trước sự chủ động của Bà trong việc bác bỏ ý tưởng đưa luật pháp can thiệp vào quan hệ tình cảm cùng phái theo hướng áp chế nó.

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý rằng không ra pháp luật cấm, không khuyến khích đồng tính luyến ái, mà khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề, để đưa lời đáp đúng đắn cho hiện tượng này. Có thể có người hiểu cuộc trao đổi của Bà là tiêu cực cho người đồng tính ái, nhưng nhận định của riêng tôi, chính là Bà đang bảo vệ cho họ, trên tinh thần bao dung và tôn trọng sự xác thực khoa học đối với vấn đề. Người đồng tính luyến ái, cũng như bạn bè ủng hộ họ, không trông mong gì hơn thế từ phía chính quyền và toàn thể cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, như tôi đã nhận định trong bài viết “Nhìn bằng đôi mắt bao dung”: “những gì mà luyến ái đồng giới trước nay vốn phải hứng chịu chính là sự bất khoan dung xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và những định kiến thiếu sự đồng cảm trước đồng loại, sự bỏ mặc của các thế hệ trước đối với hiện tượng đang trở nên một thực tế bán công khai này ở phần giới trẻ có liên quan.” Với tất cả sự trân trọng chân thành dành cho Bà, tôi vẫn buộc phải nói rằng thông tin mà Bà tiếp nhận còn hết sức thiếu thốn, từ đó, những trình bày của Bà có thể vô tình khiến cộng đồng hiểu sai không ít về tình cảm cùng phái.


2. “Bệnh lý” và cơ sở sinh học

Đồng tính luyến ái không hề là một căn bệnh, cả về sinh lý lẫn tâm lý. Đó không phải là một nhận định tùy tiện, càng không phải là người đồng tính luyến ái tự biện hộ, mà là kết luận của các tổ chức khoa học hàng đầu thế giới.

Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association, APA), tổ chức y học chuyên ngành lâu đời nhất ở nước này, và cũng là hội tâm thần học lớn và uy tín nhất thế giới, hiện có hơn 35.000 hội viên, từ năm 1973 đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi Danh sách các Triệu chứng và Bệnh rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders). Từ đó đến nay, Hiệp hội này, đóng vai trò là người dẫn đầu, cùng với Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) và Hiệp hội Y học Hoa Kỳ (American Medical Association), v.v…, bằng thiên chức khoa học của mình, luôn lên tiếng đấu tranh, không chỉ trên bình diện khoa học, mà cả trên bình diện chính trị, cho quyền tồn tại xã hội và pháp lý của người đồng tính luyến ái.

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO), mà vai trò của nó đối với y học toàn cầu là không ai có thể phủ nhận, năm 1992 cũng làm điều tương tự như APA đã làm vào năm 1973. Trong Phiên bản thứ 10 của Danh sách Phân loại các Chứng bệnh trên Thế giới (International Classification of Diseases, 10th Edition) đã không còn hiện diện “bệnh” đồng tính luyến ái nữa.

Giờ đây, nếu không là bệnh, không còn cơ sở cho sự thương hại, phải chăng tình cảm đồng giới trở thành một chọn lựa lối sống đáng lên án? Hoàn toàn không như vậy. Dưới ánh sáng khoa học – dù việc soi rọi của nó rất chậm chạp (một phần do những tác động chống đối của các lực lượng bảo thủ) so với sự trưởng thành nhanh chóng trong xu hướng tình cảm giới tính của nhiều lớp thanh thiếu niên và sự uẩn ức, uất ức mà họ phải gánh chịu – cơ sở sinh học của đồng tính luyến ái đang ngày càng được minh chứng vững chắc.

Tôi xin trích nguyên văn thông tin đã được giới thiệu trên mạng VietNamnet trước đây:

“Năm 1991, bác sĩ LeVay, khoa Thần kinh, Viện Salk (Mỹ) đã công bố nghiên cứu giải phẫu một phần não vùng dưới đầu của 41 tử thi. Đây là những người đã tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong số họ, có 16 người đồng tính luyến ái. Bác sĩ phát hiện ra rằng, những người đồng tính luyến ái, thành phần INH3 (cấu trúc nhỏ được biết đến như một yếu tố điều khiển thái độ tính dục ở động vật có vú) nhỏ gấp hai lần so với những người khác.

Năm 1993, một nhóm nghiên cứu y học do Dean Harner đứng đầu đã tìm mối liên hệ giữa gene và chứng đồng tính luyến ái. Họ tìm thấy một điểm đặc biệt trên nhánh dài của nhiễm sắc thể X, được truyền từ mẹ sang con và thường gặp ở những người đồng tính luyến ái.”
(http://www.vnn.vn/suckhoe/bacsitaigia/2003/11/36613/)
Tôi xin nói thêm rằng công trình về gene đồng tính ái sau đó bị một nhóm khác cho là không chính xác, vì những thử nghiệm của họ không cho kết quả tương tự. Tuy nhiên, nhóm của Harner vẫn không hề từ bỏ kết luận của mình. Trên tinh thần khách quan khoa học, ta có thể nói gene đồng tính ái vẫn chưa có đủ tính xác thực cuối cùng, nhưng sự thận trọng cần thiết đó không hề làm suy giảm chút nào thực tế sinh học tự nhiên của luyến ái đồng giới. Một khám phá khoa học mới nhất đã đưa ra ánh sáng cơ chế di truyền của khuynh hướng cùng phái trong tình cảm.

Ngày 12.10.2004, nhóm các nhà di truyền học tại University of Padua, Ý, do Andrea Camperio-Ciani dẫn đầu, đã tìm ra cơ chế giải thích cho điều được gọi là “Nghịch lý Darwin” của tính dục đồng giới: đàn ông đồng tính luyến ái sinh sản ít hơn đàn ông dị tính luyến ái, tại sao tính dục đồng giới vẫn luôn được duy trì, đời này sang đời khác? Nghiên cứu của nhóm Camperio-Ciani chứng minh tác di truyền của đặc điểm đồng tính bên “dòng máu” phía người mẹ có ảnh hưởng lên (những) người con trai, và chính những người cô/ dì, chị/ em gái của họ là những “vật mang”, tiếp tục truyền tác nhân di truyền đồng tính cho (các) thế hệ sau.

Các khoa học gia này thận trọng cho rằng những gì họ khám phá không phải là tác nhân duy nhất của đồng tính luyến ái, mà còn có yếu tố văn hóa và trải nghiệm tính dục, nhưng đã một lần nữa mạnh mẽ cho thấy rõ ràng có một tác nhân di truyền-gene với tư cách một quy định sinh học nơi người đồng tính luyến ái. Cần lưu ý thêm, nghiên cứu lần này được tiến hành trên diện rộng, đủ đảm bảo cho tính phổ biến của nó: đối tượng nghiên cứu là 98 người đồng tính và 100 người dị tính, cùng với hơn… 4.600 người thân thuộc của họ (ở đối tượng phức tạp như con người, và ở vấn đề phức tạp như vậy, con số chọn mẫu như thế có thể xem là chóng mặt trong thống kê học.).

Chính cơ sở sinh học-tự nhiên của tính dục đồng giới tự nó đã là một khẳng định, đã là một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng, mà cũng là tiếng gọi lương tri đồng loại đối với sự tồn tại bình đẳng về mặt xã hội và pháp lý cho người đồng tính ái.


3. Đạo đức và khoan dung

Đồng tính luyến ái không là “bệnh”, và càng không phải là “bệnh hoạn”. Nếu từ này được hiểu theo nghĩa y vụ (ví dụ “nó bệnh hoạn luôn”), lời đáp đã được tôi đề cập ở trên. Nhưng nếu từ này được hiểu theo nghĩa đạo đức, dù người nói hoàn toàn không ác ý, nó sẽ gây nhói lòng cho phía này, và có thể gây kỳ thị từ phía khác.

Tôi hoàn toàn không đồng tình với một số quan niệm và hành vi xã hội, cũng như quan niệm và hành vi tình dục của một bộ phận người đồng tính luyến ái, dù về mặt tâm thần học, tâm lý học và tình dục học, nhiều hành vi trong số này có thể được cảm thông ở mức độ nào đó. Thế nhưng, phần lớn các quan niệm và hành vi của người đồng tính luyến ái cũng chỉ nằm trong quan niệm và hành vi chung của con người, gồm cả hành vi lành mạnh và hành vi không lành mạnh. Gắn kết một số quan niệm và hành vi nào đó, cho dù là trong hoạt động tình dục, mà ở người dị tính cũng có, xem như “bệnh hoạn” ở người đồng tính, là việc làm bất công.

Quan hệ tình cảm giữa những người đồng giới, như quan hệ giữa những người dị giới, cũng có loại người thủy chung và không chung thủy. Nó cũng có loại nghiêm túc và cũng có loại lẳng lơ. Nó cũng có tình yêu thật lòng và tình cảm tiền bạc. Nó cũng có hy sinh và phản bội. Nó cũng có phạm pháp hình sự và tranh chấp dân sự. Nó cũng có tình bạn và tình yêu. Nó cũng có tiếng sét ái tình và tình yêu lý trí. Nó cũng có người biết tiết chế và kẻ dâm tặc. Nó cũng có tư cách và vô liêm sỉ. Nó cũng có người trí thức và kẻ vô học. Nó có những kẻ xấu xa, nhưng cũng không thiếu những con người đang hàng ngày đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia, từ vị trí xã hội mà họ đảm nhận...

Trừ những người thích thể hiện sự khác phái trong con người mình – mà đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ, hoặc là do đặc điểm thật trong cơ thể họ, hoặc là một biểu thị phản ứng tâm lý-hình thể trước định kiến xã hội – thì người đồng tính luyến ái, về mặt thể chất vật lý lẫn mặt xã hội, hoàn toàn không khác biệt gì so với người dị tính luyến ái, ngoài điều duy nhất: họ có tình cảm giới tính với người cùng giới tính, là điều vốn có cơ sở sinh học-di truyền, như đã nói.

Ngoài phần nổi “gay lộ” của tảng băng, người đồng tính luyến ái, nam cũng như nữ, họ sống hàng ngày bên cạnh chúng ta. Họ có thể là người con, người cha, người mẹ, người họ hàng, người bạn, người đồng nghiệp, người thuộc cấp hay cấp trên của chúng ta. Họ có thể là người công nhân, anh cảnh sát, chị thư ký, là nghệ sĩ, bác sĩ, giảng viên, quan chức… Họ có thể là các chuyên gia, khoa học gia, triết gia, chính trị gia… Họ là người dân thường mà cũng có thể là người lãnh đạo. Cuộc đời của họ trôi qua bình dị như bao người, mà cũng có thể ghi lại những dấu vết trong lịch sử, chính trị, khoa học, nghệ thuật…

Khi nào xã hội có thể nhìn những biểu hiện bình thường này ở những người đồng tính ái là… bình thường, khi nào xã hội không đánh giá một biểu hiện, một hành vi đáng trách của một gay, một nhóm lesbian nào đó thành một vấn đề kinh khiếp của tất cả những người đồng tính luyến ái, thì khi đó xã hội đã có thái độ chấp nhận và khoan dung.

Khoan dung ở đây được đề cập không như một động thái đạo đức, điều mang nghĩa rằng có sự tha thứ cho sai lầm. Khoan dung, trên bình diện xã hội, văn hóa và chính trị, được hiểu là thái độ sẵn sàng chấp nhận những niềm tin và hành động khác với mình của các thực thể xã hội khác. Diễn đạt khác đi, đó là sự dung chứa lẫn nhau những dị biệt giữa các nhóm xã hội, nhóm văn hoá, và cả giữa các (nhóm) quốc gia khác nhau. Chính là từ đây mà hình thành sự đa văn hoá xã hội, trong đó có đa văn hóa tôn giáo, đa văn hóa sắc tộc, đa văn hóa tính dục… Khoan dung và đa văn hóa hàm chứa, mà cũng là một hệ quả của xã hội công dân và dân chủ: quyền tồn tại xã hội và bình đẳng của các nhóm thiểu số, trong đó có thiểu số tính dục.

Hiểu như vậy sẽ thấy rằng khoan dung xã hội đối với tình cảm đồng giới không có nghĩa là bộ phận không đồng tính ái là những người đứng trên, là những người có tư cách đạo đức hơn, và có quyền phán xét đối với người đồng tính ái, để rồi từ đây ban cho họ sự tha thứ. Mà đúng ra, là cả hai nhóm người có khuynh hướng tình cảm giới tính trái ngược (dù đương nhiên có cán cân hoàn toàn không tương xứng) này, có tư cách bình đẳng nhau trên lĩnh vực tình yêu, tình dục, bình đẳng về mặt giá trị và đạo đức, và mỗi phía cần chấp nhận niềm tin tình cảm, hành động tình ái của phía bên kia. Đó là sự chấp nhận lẫn nhau giữa con người với con người, mà không phải một ai đó, một nhóm người nào đó cho rằng mình cao quí hơn về tình cảm giới tính và tính dục, để rồi cho mình cái quyền phán xét điều này ở người khác một cách độc đoán.

Không thiếu những người đồng tính ái có học thức, có tri thức, có nhân cách, có đóng góp lớn lao trong xã hội, có tình cảm cao quí, có tình yêu và hy sinh đáng trân trọng; và cũng đầy ra đó những người có tình yêu dị tính nhưng thiếu năng lực, thấp hèn, ích kỷ, phi nhân. Vế thứ nhất xin hãy thử chịu khó tìm hiểu những vấn đề lịch sử, học thuật có liên quan (tiếc rằng tài liệu tiếng Việt cực kỳ hiếm); xin hãy chịu khó đọc ở những bài viết nghiêm túc, những cái tâm, những tình cảm chân thật, những tấm lòng, những giằng xé, mất mát, khổ đau… được thể hiện trên các forum mạng. Còn vế sau thì vẫn hàng ngày chúng ta vẫn phải va chạm trong cuộc sống, thiết nghĩ không cần phải nói nhiều.

Xin đừng hiểu lầm rằng tôi muốn nói người đồng tính ái thì cao quí còn người dị tính ái là thấp hèn, nghĩ như vậy có họa là ở người mất trí. Ý tôi là nhân cách tùy ở đạo đức của mỗi người, không phải ở khuynh hướng tình cảm giới tính của họ. Cái chân, thiện, mỹ có ở cả người dị tính và đồng tính, và ngược lại, cái giả dối, cái ác độc, cái xấu xa có ở người thích người cùng phái hay khác phái. Đơn giản là giữa khuynh hướng đạo đức, năng lực tri thức và kỹ năng thực tế, với khuynh hướng tình cảm giới tính, là những phạm vi khác biệt nhau. Không thể vì khuynh hướng tình cảm giới tính mà gắn kết vào đó là cao quí hay thấp hèn, là tốt hay xấu. Sự gắn kết đó, nếu có, chính là sự định kiến phi nhân bản mà con người, trên con đường tiến hóa đạo đức, nếu không lọc bỏ được, sẽ là sự thui chột đạo đức mang tính người.


4. Luật pháp và sự thừa nhận

Suy luận võ đoán của tôi rằng đã có ý kiến dùng luật pháp can thiệp vào quan hệ tình cảm cùng giới tại Việt Nam, được liên kết không chỉ với trao đổi của Bà, mà còn với sự kiện còn nóng hổi tại Hoa kỳ.

Việc mười một bang của Hoa Kỳ trong ngày 02.11 vừa rồi bỏ phiếu chuẩn thuận ngăn chặn hôn nhân đồng giới (một kết quả mà ai có quan tâm đều dự báo được), cùng lúc với chiến thắng của Tổng thống Bush, có nghĩa là việc tu chính hiến pháp Liên bang để thực hiện sự cấm đoán này sẽ được tiếp tục theo đuổi. Đó không phải là chiến thắng đạo đức và chiến thắng của “lòng dân”, mà là chiến thắng của một chiến lược tôn giáo hóa chính sách của nhà nước thế tục, là chiến thắng của chiến lược gây chia rẽ trong một quốc gia vốn có sự dung chứa đa văn hóa.

Ai đó ở Việt Nam muốn lấy đây làm gương, nếu đúng, xin nói thẳng, đó là loại ý kiến đi ngược lại dòng tiến hóa chung của luật pháp trong vấn đề này. Đi đôi với việc bình thường hóa quan hệ cùng giới trong đời sống, xu hướng của luật pháp tiến bộ là tháo khoán những luật kỳ thị chống người đồng tính luyến ái nay còn rơi rớt lại từ trong lịch sử, cùng lúc, tăng cường các luật bảo vệ họ trong lĩnh vực công ăn việc làm, an sinh xã hội, và định hình các mô hình pháp lý thừa nhận quan hệ chung sống của họ. Mục tiêu mà chính quyền Bush đang theo đuổi: tái luật hóa chống quan hệ đồng giới, mà cụ thể là hôn nhân, nếu không muốn nói là duy nhất, thì cũng hoàn toàn là thiểu số trên thế giới đang có xu hướng luật hóa để thừa nhận quyền của cộng đồng này.

Các tổ chức y học hàng đầu (WHO, APA…), các tổ chức nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch, Amnesty International…), Liên hiệp quốc và các cơ quan chuyên trách của nó (U.N. Human Rights Committee…), Liên hiệp Châu Âu, và ngay cả Đệ tứ Quốc tế Cộng sản…, đều khẳng định quyền tồn tại xã hội của các cộng đồng thiểu số về tình cảm giới tính.

Trong khi tại nước Mỹ, các thế lực bảo thủ chuẩn bị ca khúc khải hoàn vì hạ gục được một bộ phận vốn chỉ là tuyệt đại thiểu số yếu thế và yếm thế - người đồng tính luyến ái, thì lẳng lặng hơn, ở Châu Âu, ngày 27.10 đã nổ ra một “khủng hoảng” (theo đúng cách nói của giới truyền thông), nguyên nhân không phải vì ủng hộ mà là vì công kích đồng tính luyến ái. Tầm mức của khủng hoảng không nhỏ một chút nào, khi nó liên quan đến các định chế chính trị của Liên hiệp Châu Âu. Đó là việc Chủ tịch mới của Uỷ hội Châu Âu (tương đương hành pháp) phải rút lại danh danh Uỷ hội trước sự phản đối của các dân biểu Nghị viện Châu Âu, vì trong danh sách, Rocco Buttiglione, người Ý, dự kiến giữ chức vụ Cao ủy viên phụ trách Tư pháp, trước đó đã phát biểu có ý bài xích đồng tính luyến ái. Chính quyền Ý vẫn dành sự ủng hộ cho nhân vật này, nhưng tự ông sau đó đã phải rút lui và cũng không dám thừa nhận thái độ bài đồng tính luyến ái của mình, khi thanh minh rằng ông chỉ là nạn nhân của việc trích dẫn sai ngữ cảnh. Cuộc khủng hoảng nhân sự cấp cao này đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Điều này cho thấy, việc tôn trọng phẩm giá của người đồng tính cùng với sự tồn tại pháp lý trong các quan hệ của họ là một tiêu chuẩn không thể bỏ qua trong đời sống chính trị Châu Âu.

Cũng lẳng lặng như thế, mới ngày 09.11 đây thôi, tại nước Anh, đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ tại Châu Âu, Hạ viện đã thông qua Dự luật Đối ngẫu Dân sự (Civil Partnership Bill), mà truyền thông nước này gọi đó chính là hôn nhân, chỉ trừ tên gọi.

Đây chỉ là sự thừa nhận pháp lý gần nhất đối với quan hệ đồng giới. Trước đó, điều này đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ở nhiều cấp độ khác nhau, không phải chỉ vỏn vẹn ở điều là có hai nước (đầu tiên: Hà Lan và Bỉ) cho phép hôn nhân đồng giới. Để có đầy đủ chi tiết, mong Bà và những ai quan tâm đọc văn bản có tên “Không phân biệt đối xử trong hôn nhân dân sự: Nhìn từ luật pháp và thực tiễn nhân quyền quốc tế” (Non-Discrimination In Civil Marriage: Perspectives From International Human Rights Law And Practice), do Human Rights Watch phát hành ngày 04.09.2003, mà tôi đã dịch cùng bài viết “Hôn nhân: Bình đẳng pháp lý cho các quan hệ đồng giới”, đăng tại talawas.

Từ ngày 04.09.2003 đến nay, tiến trình nhìn nhận pháp lý đối với tình cảm đồng giới cứ tiếp tục nối dài.

Đầu tháng 12.2003, Hạ viện Thụy Sĩ thông qua dự luật cho phép đăng ký quan hệ gia đình của các cặp cùng giới. Và tháng 6.2004, toàn thể Quốc hội nước này cũng đã thông qua dự luật. Cuối tháng 12.2003, Quốc hội Israel thông qua lần đầu dự luật về một số quyền giới hạn cho các đối ngẫu có cùng giới tính. Vào ngày cuối của năm 2003, trong khi chính phủ Bảo thủ Astralia vẫn giữ thái độ không chấp nhận việc chính thức hóa quan hệ chung sống đồng giới, bang Tasmania đã cho tiến hành đăng ký quan hệ của các cặp này, cùng với các phúc lợi như các cặp dị giới. Tại Canada, dù lịch trình hợp thức hóa hôn nhân đồng giới ở cấp Liên bang đã bị đình hoãn so với dự định là cuối năm 2003, nhưng lần lượt các vùng đã thực hiện điều này: Ontario (06.2003), British Columbia (07.2003), Quebec (03.2004), Yukon (07.2004), Manitoba (09.2004). Nhìn vào bản đồ, một phạm vi tương đương hai phần ba lãnh thổ Canada đã hợp thức hóa hôn nhân đồng giới. Ngày đầu tháng 10.2004, chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua dự luật mà khi có hiệu lực sẽ trao quyền hôn nhân đầy đủ cho những người cùng giới. Và tháng 11 này là nước Anh, như đã nói.

Có thể nói, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng các quốc gia đi vào hiệu lực chính thức trong việc công nhận pháp luật hôn nhân đồng giới hoặc một hình thức tương đương hư vậy.

Tại Hoa Kỳ, kể từ năm 2000, khi bang Vermont đi tiên phong trao các quyền gia đình cho các cặp đồng giới bằng hình thức "Kết hợp Dân sự" (Civil Union), đến nay, sự công nhận đối với gia đình đồng giới vẫn tiếp tục diễn ra, bên cạnh sự chống đối hết sức gay gắt.
Ngày 30.03.2004, Hạ viện Maryland, thông qua dự luật Đối ngẫu Cuộc đời (Life Partners) cho người đồng tính luyến ái. Ngày 26.06.2003, Tối cao Pháp viện Liên bang ra phán quyết bác bỏ Đạo luật Hành vi Đồng giới (Homosexual Conduct Statute) của bang Texas. Tối 19.09.2003, Thống đốc sắp mãn nhiệm của California đã ký thành luật “Đạo luật về Quyền và Trách nhiệm Đối ngẫu Gia đình” (Domestic Partners Rights and Responsibilities Act of 2003), khi có hiệu lực vào tháng 01.2005, sẽ trao cho các đôi đồng giới chung sống gia đình có đăng ký của bang hầu hết các quyền và nghĩa vụ pháp lý của hôn nhân. Ngày 11.11.2003, Thống đốc bang Wisconsin phủ quyết một dự luật đến từ các nhà lập pháp nhằm tái định nghĩa hôn nhân là duy nhất giữa nam và nữ. Ngày 18.11.003, Tòa án tư Pháp Massachusetts ra một phán quyết khiến, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hôn nhân của những người cùng giới tính được nhìn nhận pháp lý. Và vào ngày 20.05.2004, những hôn sự cùng phái tính hợp pháp đầu tiên đã được thực hiện trên đất Hoa Kỳ. Trước đó, ngày 12.01.2004, Thống đốc New Jersey đã ký thành luật dự luật Đối ngẫu Gia đình đồng giới của bang.

Xin nói thêm, cho dù Đảng Cộng hòa hiện nắm hành pháp, chiếm đa số trong lập pháp, và sẽ bổ nhiệm những thẩm phán về phe với họ tại Tối cao Pháp viện Liên bang, điều đó không có nghĩa là tu chính hiến pháp chống hôn nhân đồng giới sẽ chắn chắn có được. Muốn một tu chính đi vào Hiến pháp, nó cần được hai phần ba của cả Thượng và Hạ viện chuẩn thuận, cùng lúc với hai phần ba các bang đồng ý. Và trước bầu cử, sau khi đã “mềm hóa” dự khoản tu chính chống gay này, ngày 14.07.2004, Thượng viện vẫn đã thất bại trong việc thông qua.

Ngay tại Châu Á, không nói đến Thái Lan, thì những năm qua, Nam Hàn và Singapore, những nơi có tiếng là hà khắc với đồng tính luyến ái, cũng đã từng bước bóc dỡ những cấm kỵ. Đài Loan thì đã có kế hoạch thừa nhận hôn nhân cùng giới từ cuối tháng 10.2003. Nếu (chỉ là nếu) việc luật hóa chống quan hệ đồng giới được thực hiện tại Việt Nam – xin quay về quê nhà - thì đây sẽ là nơi duy nhất của Châu Á và là nơi thứ hai trên thế giới (sau Hoa Kỳ của Bush), vào lúc này mà còn (có dự định) thực hiện sự kỳ thị chính thức chống người đồng tính luyến ái bằng luật pháp. Điều đó, không kể mặt đối nội, về đối ngoại không thể tránh khỏi những xung đột về chính trị, pháp lý, và văn hóa với Liên hiệp Châu Âu, một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trên trường quốc tế.


5. Việt Nam: kỳ thị và chấp nhận

Thưa Bà Nguyễn Thị Hoài Thu,

Những gì đã được nói ở trên, dù hoàn toàn không đủ cho một trình bày chính thức về đồng tính luyến ái, nó cũng là một cái nhìn tổng quan về mặt khoa học và bối cảnh thế giới đối với vấn đề. Nay tôi xin nói chút ít về thái độ đối với luyến ái đồng giới tại Việt Nam.

Nói đến đồng tính luyến ái, điều đầu tiên được đề cập thường là sự kỳ thị. Nó được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau: từ chỗ chọc ghẹo, nhìn bằng cặp mặt khó chịu; rồi báng bổ, xúc phạm, xem là không đúng, không đạo đức, xa lánh; nặng nề hơn là tấn công, phân biệt đối xử trong công ăn việc làm, phúc lợi; và đỉnh cao là sự kỳ thị “hợp pháp” bằng luật pháp. Ở Việt Nam, hiện những biểu hiện ở các cấp độ sau không có, vì thực chất nền văn hóa Việt Nam là có tính khoan dung.

Nhận thức phổ biến trong nước trước nay vẫn xem đồng tính luyến ái là “bệnh”. Cách nhìn này trở thành “thói quen”, và cũng trở thành cái cớ cho những người bênh vực họ người đồng tính ái lên tiếng, kêu gọi một sự thương hại, “từ bi hỉ xả” từ xã hội, mà cũng là để tránh bị chụp mũ luôn là đồng tính cho người lên tiếng.

Những e ngại rằng cách nhìn truyền thống khó chấp nhận đồng tính luyến ái, là không vững chắc. Thật ra, khác với truyền thống Thiên chúa giáo và Hồi giáo, tại Việt Nam, ngoài “bệnh” ra, đồng tính luyến ái không hề bị quy là “tội lỗi”. Một nền văn hóa xuất phát từ Phật giáo, ngay từ trong gốc kinh điển của nó lẫn các diễn dịch, đều không hề tỏ thái độ lên án đồng tính luyến ái, mà chỉ có vấn đề xa lánh nhục dục nói chung. Truyền thống Phật giáo vốn là vị tha và khoan dung.

Thái độ khoan dung ở Việt Nam thể hiện rất rõ. Những người có cùng giới tính cặp kè nhau, có cử chỉ thân mật (nắm tay, bá vai, ôm bụng, ngủ chung, quấn quít bên nhau…) là điều hoàn toàn bình thường. Các “bóng lộ” hay “ô-môi” thì thoải mái phô bày trước người khác, và mọi người xung quanh, trừ một số ít ác ý, phổ biến vẫn là có một cái nhìn thoáng qua rồi thôi. Ai đó có biểu hiện hơi “nữ tính” (nét mặt, giọng nói, cử chỉ…), dù người khác có thể nói sau lưng này kia, nhưng vẫn không có khoảng cách trong các quan hệ công việc và tập thể, nếu không vì nguyên nhân khác. Một số gay hiện cũng đã khai xuất (come out, chỉ sự công khai xuất hiện, công khai thừa nhận của người đồng tính ái), công khai quan hệ yêu đương, gia đình…

Thế nhưng ba, bốn năm trở lại đây, dường như thái độ kỳ thị lại manh nha biểu hiện. Trên báo chí trong nước, chúng ta có thể thấy một vài tờ báo, một số phóng viên chuyên khai thác đề tài đồng tính gắn với các hiện tượng tiêu cực: những khu vực tụ tập của gay, những website sex gay, hành động mãi dâm trá hình, hành vi công khai của “bóng lộ”, hậu trường đồng tính của giới ca sĩ, những vụ án hình sự liên quan đến đồng tính, “nạn dịch” đồng tính đang lan tràn, v.v… Lên án những hành vi không lành mạnh của người đồng tính (và cả người dị tính) là điều cần thiết, nhưng vấn đề là kiểu thông tin mang vẻ định kiến, một chiều, có yếu tố “câu khách”, “câu cơm” như vậy lại diễn ra trong bối cảnh các thông tin khoa học, cũng như những khía cạnh của vấn đề đặt trong bối cảnh xã hội công dân, thì lại hết sức thiếu vắng. Những điều đó, cùng lúc với sự phớt lờ, không hay biết đến đời sống tiêu cực âm thầm mà người đồng tính luyến ái phải gánh chịu, đã khiến định hình trong dư luận về một nỗi lo trước nguy cơ đồng tính, đồng nghĩa với sự đồi trụy, xấu xa của toàn thể cộng đồng này, bao gồm cả số “nổi” và “chìm”. Trong khi đó, cùng một tính chất sự việc, nếu ở người dị tính, thì lại được xem bình thường và chỉ khoanh lại trong vụ việc.

Và, hệ quả là đã định hình cái gọi là “tệ nạn” đồng tính luyến ái!

Cách nhìn bất công đó thời gian gần đây đã có giảm đi, do những tòa báo, những nhà báo có lương tâm, và một số nhân vật bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề. Các thông tin internet, từ tiếng nói của những người trong cuộc đến những người ửng hộ sự thừa nhận xã hội đối với họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Theo tôi, tiến trình nhìn nhận đồng tính luyến ái tại Việt Nam đã bắt đầu, và có thể không quá lâu dài và gian nan như ở các nước khác. Tôi nghĩ rằng cuộc trao đổi của Bà Nguyễn Thị Hoài Thu không nằm ngoài tiến trình đó.

Tôi cũng cho rằng ngay lúc này, ở nước ta, chưa phải là lúc nhìn nhận bằng luật đối với đồng tính luyến ái. Cần một giai đoạn chuyển tiếp trong nhận thức xã hội. Tuy nhiên, điều cho rằng “Nước người ta khác, nước mình khác!” cùng với so sánh về việc hợp pháp hóa mãi dâm, là không được thỏa đáng cho lắm. Thời đại hội nhập dành rất ít đất cho sự duy ý chí, cô lập của riêng mình, cho quyền phán xét chủ quan trên thân phận của người khác từ những tiêu chuẩn “đạo đức” vốn dựa trên những chuẩn mực cũ, không căn cứ vào cứ liệu khoa học.

Ở đây tôi không tiếp tục phân biệt hai vấn đề hoàn toàn khác nhau giữa mãi dâm và đồng tính luyến ái, mà chỉ nêu hai ví dụ. Một là nhiều năm trước, giới y học trong nước đã đề ra giải pháp phát kim tiêm cho người nghiện ma túy để giảm thiểu lây truyền AIDS, nhưng những người có quyền quyết định không chấp nhận, vì cho rằng như vậy là thừa nhận tệ nạn ma túy. Thái Lan thực hiện giải pháp đó, và nay họ là một trong những nước thành công trong việc kìm chế AIDS, trong khi ta là một trong những nước có tốc độc lây nhiễm cao, đặt biệt trong những người tiêm chính ma túy! Ví dụ thứ hai: việc giáo dục giới tính trong trường học. Trong khi cứ loay hoay với lo ngại “vẽ đường cho hươu chạy”, chỉ “vẽ” lờ mờ, nên “hươu” không rõ, chạy tán loạn, theo đủ đường (sai). Kết quả: tỉ lệ phá thai vị thành niên ngày một cao, vượt xa các nước dám “vẽ đường” rõ cho “hươu”!

Không có gì ngạc nhiên, với tư cách người nắm trọng trách, Bà đương nhiên đưa nhận định dường như vẫn phải nằm trong cách nhìn “chính thống” hiện nay về đồng tính luyến ái. Ngoài cái nhìn bệnh lý, giải pháp giáo dục cho thanh niên tránh tình yêu đồng giới cũng “cổ điển” không kém.

Bên ngoài, APA, với cái nhìn khoa học, đã trên một lần bác bỏ mạnh mẽ những “liệu pháp” tâm thần, tâm lý nhằm hoán cải người đồng tính “trở về” với dị tính. Lập trường này đã được tôi dịch nguyên văn kèm theo trong bài “Các nhà tâm thần học bảo vệ cho “bệnh” đồng tính luyến ái”. Tương tự, việc “giáo dục” ở ta cũng chưa hẳn là giải pháp khoa học và khả thi.

Giáo dục như thế nào đây? Chuyện phát giác người đồng tính trong tổ chức đoàn, hội hay tại cơ quan… để “giáo dục” họ, tôi nghĩ, với người biết tôn trọng nhân phẩm và tính cá nhân của người khác, thì không bao giờ có thể đưa ra, vì ở ta “giáo dục” kiểu đó thường biến tướng thành tự kiểm, hứa “tự nguyện” sửa chữa (đi kèm với sự chế tài ngầm về danh hiệu thi đua, tiền thưởng, cơ hội đề bạt…). Còn nếu giáo dục đại trà bằng những buổi buổi nói chuyện, liệu có tác dụng, liệu có đủ người đủ kiến thức và khả năng? Đó còn là chưa kể đại trà kiểu này lại vô tình khuấy lên một chiến dịch chống đồng tính luyến ái, lại lan truyền cách nhìn “bệnh hoạn” về đồng tính luyến ái, lây lan hoang mang về “bệnh dịch” đồng tính vây quanh, rồi nhìn nhau dò xét... Cách giáo dục, “uốn nắn” như vậy, nếu tạm cho là có thể (chỉ tạm thôi), chỉ nên là giải pháp riêng tư, áp dụng trong phạm vi gia đình, bạn bè, và tư vấn, mà không thể là “vận động” xã hội.

Không kỳ thị, không khuyến khích, vì bản thân đồng tính luyến ái không phải mặc nhiên là tốt hay xấu, cả về đạo đức lẫn sức khỏe, mà tốt hay xấu là ở mỗi con người cụ thể cùng với lối sống của họ, trong đó có việc sinh hoạt tình dục, dù đồng tính hay dị tính. Do vậy, không luật hóa, không ca ngợi đồng tính luyến ái (đương nhiên rồi), nhưng cũng không nên tạo dư luận không tốt cho hiện tượng này bằng cách chỉ khai thác (quá đáng) những biểu hiện tiêu cực nào đó của một bộ phận đồng tính luyến ái, để rồi khuấy lên tâm lý kỳ thị vốn không có trong truyền thống dân tộc ta. Nếu có tâm, xin hãy để cho xã hội có được một thời gian chuyển tiếp trong việc nhìn nhận công tâm hơn, thông qua việc nghiên cứu và cung cấp thông tin từ các nhà khoa học.

Các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực (tâm thần học, tâm lý học, xã hội học, tình dục học, và cả luật học, chính trị học, triết học…) cần vào cuộc để có lời đáp cho hiện tượng này, là ý kiến hoàn toàn đúng đắn. Đúng như Bà nói: “Nếu như nó không phương hại đến sức khoẻ, không hại gì đến đạo đức lối sống thì không nên cấm! Nếu nó phương hại đến cuộc sống của con người, của thanh niên, các nhà khoa học nên khuyên thanh niên: Không nên yêu người cùng giới, nhất là không nên sinh hoạt tình dục!”

Tuy nhiên, vấn đề còn là nhà khoa học cần được tự do nghiên cứu và lên tiếng đúng với nội dung khoa học vốn có của sự việc, chứ không phải là họ được “định hướng” trước là nên khuyên thanh niên thế này, thế kia, với nội dung sẵn có là “bệnh hoạn”, là phương hại cho sức khỏe, là không đạo đức…

Tôi hoàn toàn tin rằng, với tinh thần khách quan của mình và thiên chức của mình, các nhà khoa học Việt Nam, khi nhập cuộc, sẽ không đi ngược với các kết quả nghiên cứu có uy tín về vấn đề này trên thế giới. Lời đáp sẽ là cần sự thừa nhận xã hội đối với tình yêu cùng giới. Tôi tin rằng, với trọng trách của mình, khi phát biểu về vấn đề, Bà cũng đã ít nhiều tiếp xúc với thông tin khoa học, và với ý kiến “Nếu như nó không phương hại đến sức khoẻ, không hại gì đến đạo đức lối sống thì không nên cấm!”, đó chính là cánh cửa đang và sẽ mở ra. Tôi cũng tin rằng trong xu hướng hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập về pháp lý, và, quyết định, trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội công dân, ở Việt Nam, việc nhìn nhận xã hội đối với luyến ái đồng giới chỉ là về thời gian.

Thưa Bà Chủ nhiệm,

Tất cả những thông tin mà tôi đã ngỏ cùng Bà là những điều hoàn toàn có thể được kiểm chứng và có thể nghiên cứu sâu hơn, từ các nguồn sẵn có trên internet, chỉ tiếc rằng nguồn tiếng Việt rất ít. Tôi mong rằng với cái tâm của mình, Bà có thể dành ít hời gian để tham khảo thêm chuyên mục “Đồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại” tại talawas. Nơi đây hoàn toàn không phải là diễn đàn của người đồng tính, mà là tiếng nói của giới trí thức và văn nghệ sĩ, trong đó có không ít người có khả năng và vị trí học thuật hay văn học nghệ thuật.

Xin chân thành cám ơn Bà đã kiên nhẫn đọc thư ngỏ quá dài này. Kính chúc bà sức khỏe, hạnh phúc, và tiếp tục gặt nhiều thành công trên một cương vị đáng nể trọng.

Kính bút,

© 2004 talawas