trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giớiXã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
12.11.2004
Lê Trần Huy Phú
Về một kiểu ý kiến đối với nguyên nhân đạo đức xã hội trong thắng lợi của tổng thống Bush
 
Tôi vừa đọc bài viết “Nhiệm kỳ thứ hai cho Bush” của tác giả Hữu Nghị, đăng trên Tuổi Trẻ Online. Tôi cũng nhận được từ một người bạn mẩu tin “4 nguyên nhân thắng lợi của Tổng thống Bush” đăng trên báo ngày của Tuổi Trẻ (5-11-2004), với tác giả là Duy Văn. Thường xuyên theo dõi tờ báo tiếng tăm, có tâm, có dũng khí và cấp tiến này trên internet, tôi được biết tác giả bài viết đầu là nhà phân tích, bình luận chủ lực và có uy tín của tòa báo về các vấn đề quốc tế, còn tác giả sau cũng có vị trí như vậy nhưng ở mảng thông tin dịch thuật. Nhận định như thế có nghĩa là tôi đã tỏ thái độ đánh giá cao đối với hai chuyên gia này. Tuy nhiên, cần có một ít phản hồi để rộng đường dư luận.

Bốn nguyên nhân từ tin của Duy Văn là:

  • Không khí sợ hãi được duy trì có hiệu quả
  • Các giá trị đạo đức và xã hội được nhấn mạnh đúng mức (chính sách của ông Bush chống lại việc tài trợ các nghiên cứu khoa học muốn hủy hoại phôi thai, luật cấm phá thai ở giai đoạn cuối, luật xử phạt nặng hơn những kẻ tấn công phụ nữ mang thai, chủ trương chống hôn nhân đồng tính…)
  • Quần chúng được huy động tốt, bộ máy vận động tranh cử hiệu quả
  • Các thông điệp của Bush đơn giản

Mẩu tin này được ghi ở cuối là “theo Libération”. Không có điều kiện đối chiếu nguyên văn bản nguồn, tôi lấy làm băn khoăn trước điều được loan, tập trung vào nguyên nhân thứ hai. Như được dẫn nguyên văn từ dịch giả, chúng ta thấy ngay chỉ bằng điều thứ hai này thôi, Bush xứng đáng nhận được nhiệm kỳ hai, với những giá trị đạo đức đáng trân trọng. Thực tế lại không hẳn như thế, vì:

  1. Trước hết cần nói rõ là nội các Bush không đơn giản chống lại tài trợ nghiên cứu khoa học hủy hoại phôi thai. Điều này không nên được trình bày mập mờ với bạn đọc, mà nên chính xác rằng Tổng thống Bush chịu sự chi phối của các tổ chức Thiên chúa giáo Hoa Kỳ (trên tinh thần của Giáo hội tại Vatican), nên nghiêng về việc chống lại nghiên cứu tế bào mầm. Đó là loại tế bào hiện được trích xuất chủ yếu từ phôi người, có thể phát triển thành các loại tế bào khác trong cơ thể, kể cả những tế bào “chí tử” và không thể tái sinh trưởng hay tăng thêm, như tế bào thần kinh và các tế bào nội tạng… Nhiều chứng bệnh nan y mà nay khoa học vẫn bất lực, và nhiều sinh mạng con người, sẽ được giải quyết và cứu sống trong tương lai không xa lắm nếu các nghiên cứu này được tiến hành suôn sẻ, không có những thế lực chống đối.

    Cũng cần nói rõ rằng phôi người là trứng ở giai đoạn vừa thụ tinh, chưa phải ở giai đoạn bào thai, càng không phải là thai nhi đã hình thành rõ một cơ thể người. Những thế lực tại Hoa Kỳ, khi cố tình lập lờ thông tin giữa phôi với bào thai và con người, thổi phồng một “con người” chưa có bất kỳ một dấu hiệu người nào, và đồng thời là việc làm được kiểm soát (không hề có chủ đích sinh sản) cho mục đích vì con người, mà phớt lờ sự khổ đau, khắc khoải hàng ngày, hàng giờ của hàng triệu con người bệnh tật – bằng xương bằng thịt và đã hoàn toàn hiện hữu trên đời này, cùng với nỗi đau của thân nhân của họ - đó không có gì khác hơn là đạo đức giả, là vô đạo đức khoác áo đạo đức.

  2. Tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe rằng chính quyền Bush chỉ chủ trương cấm phá thai ở giai đoạn cuối. Những ai quan tâm đến thông tin quanh cuộc chiến đạo đức này chắc hẳn chưa từng biết là họ chỉ nói đến giai đoạn cuối của thai kỳ. Một kiểm chứng rất đơn giản mà mọi người có thể thấy ngay lập tức: chỉ là một phôi thai mà họ còn kiên quyết không cho xâm phạm, dù là vì mục đích y học, huống hồ là một thai nhi đã nên hình hài, dù chưa vào giai đoạn cuối, với mục đích hoàn toàn vất bỏ.

  3. Về chủ trương phạt nặng hành động tấn công phụ nữ mang thai: quá tốt! Nhưng có điều nó chỉ là sự kéo dài của việc bảo vệ phôi thai, thai nhi như ở trên, chứ không phải xuất phát chính từ việc bảo vệ phụ nữ hay chống bạo lực (phần nào nói lên điều này là việc muốn xem quyền sở hữu súng là “quyền tự nhiên”, điều mà trên trái đất này Chúa trời chỉ ban cho duy nhất có công dân Mỹ, vì công dân mọi nơi khác đều mặc nhiên không cho rằng mình có quyền đó!).

  4. Về chủ trương đối với quan hệ tình cảm đồng giới, xin nói đến sau.

  5. Có phải những “giá trị đạo đức và xã hội” đó được “nhấn mạnh đúng mức” không? Không, mà phải nói rằng chúng đã được thổi phồng đến mức cực đoan, có chủ đích, đầy những định kiến xã hội và tôn giáo.

Ban đầu được khuấy động lên là chuyện sở hữu súng. Vào thời Clinton vấn đề đã tạm ổn thỏa, nhằm bảo vệ sinh mạng người vô tội trước sự lạm dụng súng ống tư nhân, bằng những biện pháp nghiêm ngặt kiểm soát việc cất giữ súng trong văn bản luật tạm thời. Dưới trào Bush, vấn đề bị lật lại, ồn ào, và vừa rồi là Tổng thống đã không ký triển hạn.

Kế đến, trước những thành tựu ngoài sức tưởng tượng và ồ ạt trong lĩnh vực sinh học (nghiên cứu tế bào mầm, kỹ thuật nhân bản vô tính, giải mã bộ gene người), nguy cơ con người – thay cho Chúa trời – tự quyết định mệnh sinh học của mình hiện ra ngày một rõ (tất nhiên là đầy những rủi ro, bất trắc, nếu không được kiểm soát hay rơi vào tay những thế lực tàn ác nào đó), khiến những người bảo thủ tập trung cuộc chiến vào tế bào mầm, vì nó có vẻ dễ tấn công nhất (nhân bản vô tính người thì đương nhiên công luận thiên về chống rồi; còn mã bộ gene được giải thì khó mà có cớ chống được). Một vấn đề khoa học đã đột ngột trở thành vấn đề gay gắt về chính trị và tôn giáo, rồi lên án ầm ĩ của thế lực tôn giáo bảo thủ đối với lực lượng khoa học. Và chính quyền Bush hiện vẫn không thiên về các nhà khoa học. Điều này không thể xem là “nhấn mạnh đúng mức” được.

Sự kiện cuối cùng nhưng căng thẳng nhất, là chuyện quan hệ và hôn nhân của người đồng tính luyến ái. Sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ đạo luật chống kê giao đã có từ lâu ở bang Texas - đạo luật hết sức phi lý trong một thời đại tự do, dân chủ, ở một xã hội cho là tự do, dân chủ nhất thế giới, khi nó xem là có tội đối với hành động tình dục ở chốn riêng tư của những người trưởng thành đồng thuận - chính quyền Bush, đại diện cho các thế lực bảo thủ, bắt đầu mở cuộc chiến tuyên truyền và quyền lực chống lại “các thẩm phán năng động” (từ ngữ sáng tạo của chính Tổng thống Bush) ở cấp liên bang và các bang. [1]

Cuộc chiến này nói riêng và cuộc chiến chống đồng tính luyến ái nói chung, được các tổ chức tôn giáo bảo thủ và hành pháp lẫn phe Cộng hòa “nhấn mạnh đúng mức” đến độ trở thành một vấn đề quốc gia, vấn đề đảng phái, vấn đề tư tưởng hệ (trong khi ở Canada láng giềng cũng căng thẳng nhưng không hề “đúng mức” như vậy). Sự “đúng mức” của họ đến độ những người Dân chủ rơi vào thế bị động trước vấn đề, khi các ứng viên tổng thống và người “có máu mặt” của họ vài lần công khai kêu gọi phe bên kia đừng biến chuyện không đâu đó thành chủ đề tranh cử tổng thống và khiến chia rẽ đất nước. (Đáng trách cho các chiến lược gia của Dân chủ khi mà cho đến thời kỳ vận động tranh cử vẫn chưa nhìn ra đó là một chiến lược hoàn toàn có tính toán từ lâu của Cộng hòa).

Trở về với mẩu tin của Duy Văn. Có một điều nhiều người cũng thấy, là các báo Pháp, dù thiên tả hay thiên hữu, từ trước khi có cuộc chiến Iraq đến nay, đều đồng lòng ủng hộ thái độ của chính phủ họ, đều không thiện cảm với cách điều hành và chính sách của nội các Bush, nên việc diễn giải nguyên nhân đạo đức xã hội theo kiểu chặt đầu chặt đuôi rồi vo thành một hình ảnh chân chính cho Tổng thống Bush như thế này, là đều hơi lạ.

Bài viết của Hữu Nghị đi xa hơn nhiều so với Duy Văn. Đó là quan điểm của người viết mà không đơn thuần chỉ là trích dịch từ đâu đó, và đồng thời cũng đưa ra hẳn nhận định mới về chiến thắng của Tổng thống Bush, có tính khái quát, đạt đến tầm sâu của sự vận động văn hóa – đạo đức bên dưới những biểu hiện bề mặt của chiến thắng.

Hai nguyên nhân chiều sâu được đưa ra là, một: “nước Mỹ tìm kiếm một trật tự xã hội?”, và hai: nước Mỹ thỏa mãn tự ái. Nếu nguyên nhân thứ hai là sự mở rộng thêm cách nhìn phê phán chính sách đối ngoại của chính quyền Bush, thì nguyên nhân đầu, ngay cái tít đã là rất mới mẻ với người Việt Nam. Nội dung của nó cũng thế.

Tác giả đặt câu hỏi chiến thắng đó phải chăng là nước Mỹ muốn tìm lại trật tự xã hội sau hơn bốn thập kỷ “hoang đàng” của làn sóng phản chiến và hippies? Câu trả lời là điều này có thể được chứng minh bằng việc 11 bang trong ngày 2-11 đã tỏ thái độ bác bỏ đối với hôn nhân đồng tính, rằng đông đảo người Mỹ “đã chán ngấy trước những hiện tượng xã hội như đồng tính và văn hóa phóng túng mà điển hình là “văn hóa rap””.

Có thể với chữ “hoang đàng” đặt trong ngoặt kép, cho thấy tác giả không ác cảm với phản chiến và hippies, nhưng không hiểu sao từ đó lại có thể có liên kết hết sức đột ngột giữa phản chiến và hippies với đồng tính luyến ái và rap. Cũng không biết những trình bày sau về đồng tính và rap có phải là ẩn chứa một chữ “hoang đàng” không còn theo ý trong ngoặc kép hay không.

Tôi cho rằng ý tưởng nước Mỹ tìm kiếm một trật tự mới là đáng suy nghĩ. Thế nhưng nó thuộc phạm vi nghiên cứu chuyên sâu của các học giả chính trị học, xã hội học…, vì vấn đề không đơn giản được lý giải cô lập trong phạm vi của phản chiến hay luyến ái đồng giới. Ở đây xin tiếp tục nói về những liên quan trong lý giải khía cạnh đạo đức xã hội được Hữu Nghị trình bày.

Nếu chỉ nói đến vấn đề ở chiều sâu tận cùng của việc tìm kiếm trật tự xã hội mới, e rằng sẽ một lần nữa khiến độc giả trong nước rơi vào tình trạng lập lờ của thực tế cuộc bầu cử. Không bác bỏ giả thiết về sự tìm kiếm này, nhưng cũng không thể tránh được cái nhìn thắc mắc là một khi đã là một khuynh hướng thực chất chi phối bên dưới các hiện tượng, nó hẳn phải diễn ra như một tiến trình, có chuyển tiếp, phát sinh, phát triển, đằng này tại sao lại diễn ra quá đột ngột đến vậy? Sự đột ngột này trải rộng khắp nơi. Cho đến 2, 3 tháng cận bầu cử mà người Dân chủ vẫn còn ngây ngô kêu gọi đối thủ đừng thế này, đừng thế kia, trong khi nội dung đó chính là chiến lược ra đòn chí mạng của Cộng hòa. Châu Âu gần đây mới sực tỉnh và ngỡ ngàng về hố phân cách văn hóa giữa hai bờ Đại Tây Dương. [2] Người Việt trong nước thì gần như còn chưa biết đến xung đột giá trị trong lòng nước Mỹ hiện nay, thể hiện qua việc thông tin cung cấp cho công chúng không đề cập đến những tranh đấu của những quan niệm “giá trị đạo đức” đối lập nhau, dù nó đang diễn ra hết sức sôi sục trước bầu cử…

Câu trả lời cho sự đột ngột này rất đơn giản, mà hầu như các nhận định kết quả bầu cử từ giới truyền thông đến giới chính trị trên thế giới đều ghi nhận, và không hiểu sao có lẽ chỉ ở truyền thông Việt Nam là né tránh loan đi thông tin này. Đó là việc phe Cộng hòa đã kích thích tình cảm và cách nghĩ Thiên chúa giáo trong lòng cử tri, như một thứ vũ khí ý thức hệ để chống lại đối thủ, và từ đây mà chắc chắn huy động được lá phiếu của giới cử tri ngoan đạo. Xin dẫn ra ba lập trường khác nhau:

Ý kiến trung lập của truyền thông, BBC cho rằng:

“Những người chủ trương Thiên chúa giáo bảo thủ vốn đã được coi như là chủ chốt cho sự thắng cử của đảng Cộng Hoà và ông Bush đã tập trung vào những đề tài như hôn nhân đồng tính và nghiên cứu tế bào mầm vốn đã giúp thức tỉnh nhóm ủng hộ nòng cốt của ông.”
( www.bbc.co.uk )

Ý kiến của những người chống Bush (và cũng chẳng ủng hộ Kerry) từ đệ tứ quốc tế:

Cuộc bầu cử này “là cực điểm của một chiến lược được những người Cộng hòa phát triển trên ba thập niên qua, nuôi dưỡng những tình cảm tôn giáo theo đường lối chính thống để tạo một lực lượng làm cơ sở cho phản ứng xã hội và chủ nghĩa quân phiệt.”
( www.wsws.org)


Ý kiến của người Cộng hòa cũng không cần úp mở khi việc nhìn nhận bản chất Thiên chúa giáo trong thắng lợi của mình. Rod D. Martin, Phó Chủ tịch Liên đoàn Quốc gia các Nghị hội Cộng hòa (National Federation of Republican Assemblies) viết:

“Trong nhiều năm tôi đã nói với các bạn: tương lai của liên minh Cộng hòa là ở sự tình tự (lie with) với người Thiên chúa giáo Phúc âm. Chỉ phần nhỏ trong số họ - một phần tư - mà đi bỏ phiếu bình thường thì có nghĩa là hơn bất kỳ nhóm nào khác ở Mỹ, với động cơ đầy đủ, họ có thể cuốn đi tiến trình cuộc bầu cử này, và cuối cùng định hình lại nước Mỹ. Nếu người Thiên chúa giáo bỏ phiếu theo số lượng của họ, cánh tả sẽ không bao giờ thắng ở cuộc tuyển cử khác. Quốc hội sẽ tràn ngập phe bảo thủ, nghị trình xã hội cấp tiến sẽ bị đè bẹp, và điều tốt hơn, nuớc Mỹ tự do sẽ nhanh chóng xuất hiện.

Đêm thứ ba (2-11) điều đó cuối cùng cũng đã bắt đầu diễn ra… Nền tảng cuộc chiến của Cộng hòa… đã đưa họ đến những thùng phiếu… gần một phần tư cử tri trên khắp nước xác định “những giá trị đạo đức” là lý do họ bỏ phiếu, và như nhà tự do tôn giáo nổi tiếng Hunter S. Thompson nói, “họ bỏ phiếu như họ cầu nguyện.”

Nó chính là một khởi đầu…”
( www.thevanguard.org )

Lựa chọn chiến lược này là cực kỳ sáng suốt trong việc xây dựng một cơ sở xã hội chuẩn bị cho kỳ tuyển cử mà nếu xét về mặt lý trí, là thất lợi cho Bush: một Tổng thống được thường xuyên “nhắc tuồng” và “bắn trước nghĩ sau”, kinh tế đi xuống và thâm thủng ngân sách khổng lồ, lừa dối công chúng về động cơ chiến tranh Iraq và xâm phạm quyền con người đối với tù nhân, thất bại ngoại giao và khuyến khích tâm trạng chống Mỹ trong khắp thế giới Hồi giáo…

Và, để lấp vào hố khiếm khuyết khó lòng lấp được đó trong điều kiện chính trị - xã hội bình thường, những người Cộng hòa đã biết dùng đến đức tin để đè bẹp lý trí.

Đây quả thật là một chiến lược không thể tưởng tượng được trong thời đại dân chủ thế tục. Hơn hai trăm năm trước, các cuộc cách mạng tư sản đã làm công việc mà đời đời sẽ mãi ca ngợi, là khai sinh một xã hội công dân, pháp quyền, dân chủ và tự do, với một trong những nguyên tắc nền tảng nhất của nó là sự tách rời giữa Nhà nước và Nhà thờ (hệ quả là trong đời sống công cộng có tách rời giữa công việc tôn giáo và quan hệ trần tục, giữa giá trị tâm linh và thực tế cuộc sống…). Xâm phạm bất kỳ một nguyên tắc nền tảng nào của xã hội dân chủ thế tục, trong đó có việc hoặc là can thiệp của nhà nước vào đời sống tôn giáo, hoặc là biến các giá trị tôn giáo thành chuẩn mực xã hội và pháp luật, cũng đồng thời là nguy cơ và hiện thực của sự mất tự do, phi dân chủ, điều mà ta đã thấy (và lên án) ở hầu hết các quốc gia Hồi giáo.

Dù chính trị lắm khi rất đê hèn và bẩn thỉu, nhưng trong thời đại ngày nay mà sử dụng chiêu bài tôn giáo đến mức cực đoan cho mục đích chính trị, thì quả thật đã gần như đi đến tận cùng của chiến lược mị dân. Làm sao mà bất kỳ một vấn đề thế tục nào lại có thể chống đỡ nổi trước một lực lượng giáo dân chiếm tuyệt đại đa số, đang trong tình trạng khích động về đức tin, về triển vọng giáo luật thần thánh biến thành pháp luật trần thế!

Nếu xem việc chính quyền Hoa Kỳ hiện nay dùng những chuẩn mực Thiên chúa giáo trong tranh cử và áp dụng nó vào đời sống là chính đáng, thì chớ có mà phê phán gì đối với sharia [3] của các nước Hồi giáo, hoặc chế độ đẳng cấp theo kiểu Hindu giáo vẫn hiện diện ở nhiều vùng của Ấn độ.

Thử hình dung nếu một giáo luật căn bản của Thiên chúa giáo trở thành luật pháp xã hội: không cho phép ly dị và buộc chỉ được tái giá khi một trong hai đối tác hôn nhân đã chết đi. Khi đó, ngay ở thời đại tự do mưu cầu hạnh phúc này (miễn không xâm phạm đến quyền đó của người khác), sẽ có bao nhiêu cuộc đời phải sống vập vờ trong những hôn nhân không hạnh phúc, bao nhiêu đứa trẻ sẽ phát triển một tính cách tiêu cực trước di chứng u uất trong đời sống gia đình, v.v…? Hay hãy thử tưởng tượng các thế lực chính trị nào đó tại quốc gia Phật giáo sẽ theo bước Hoa Kỳ, kiên quyết đánh bại đối thủ chính trị bằng việc kích thích đức tin, đưa các tiêu chuẩn của tôn giáo này áp đặt vào cuộc sống, như phải từ bỏ dục, tửu…, phải ăn chay, hoặc như theo quan niệm của Phật tử Việt Nam, để cấm người Thiên chúa giáo ăn thịt cầy… Sẽ ra sao đây?

Tôi tôn trọng tín ngưỡng của người Thiên chúa giáo, đồng cảm với giáo lý yêu thương con người của nó, và cũng hoàn toàn thấy được vai trò không gì thay thế của nó trong đời sống tinh thần và tâm linh của con người. Thế nhưng, lạm dụng đức tin, nhân danh đức tin để tôn giáo hóa đời sống thế tục, để chống lại quyền con người của các cộng đồng thiểu số trong xã hội, mà cụ thể những người đồng tính luyến ái, đối tượng chính của đích nhắm đức tin và chính trị lần này tại Hoa Kỳ [4] , là điều không thể chấp nhận được bởi lương tri của những ai sống trong nền dân chủ thế tục và tôn vinh những giá trị của nó. Tự do hành đạo Thiên chúa đã là một điều được toàn thể loài người thừa nhận, kể cả người vô thần và người đồng tính luyến ái; nhưng sao Thiên chúa giáo, nói đúng ra chỉ là các thế lực Thiên chúa giáo cực đoan, cho đến ngày nay, lại vẫn có thể dành cho mình quyền buộc người khác không được quyền tự do hành xử theo những gì thuộc về họ?

Lịch sử đã ghi nhận cả một giai đoạn rất lâu dài mà Giáo hội tự do đưa người lên giàn hỏa vì những người này nói lên tiếng nói của nhận thức khoa học, hoặc vì đơn giản họ là “phù thủy”. Lịch sử đã ghi nhận Giáo hội hợp tác với các thế lực quốc xã Đức, Ý. Thời gian gần đây cũng ghi nhận vụ tai tiếng quá lớn của một số giới chức sắc Thiên chúa giáo ở giáo phận Boston và một số nơi khác trong việc lạm dụng tình dục trẻ em (trai), mà ở thời điểm vài thập kỷ trước, khi Toà thánh biết chuyện, đã có những mật chỉ rằng phải ém nhẹm sự việc… Trong số những sự kiện ghi dấu ấn đó, có lần nào Giáo hội không nhân danh đức tin hay đạo đức?

“Giá trị đạo đức” mà những người Thiên chúa giáo bảo thủ tại Hoa Kỳ và chính quyền hiện nay khuyếch trương cực kỳ rầm rộ, để chống lại đối thủ chính trị và các cộng đồng tính dục thiểu số, như vậy, thật sự có là đạo đức?

Và, với tất cả những gì vừa được trình bày, việc thông tin theo như kiểu đưa nhận định về nguyên nhân đạo đức xã hội trong thắng lợi của Bush ở hai bài báo mà tôi đề cập ở đây, kiểu thông tin thiếu hẳn những dữ liệu đầu-đuôi, thiếu hẳn thông tin cần thiết để người đọc có thể tự mình đánh giá vấn đề khách quan hơn, sẽ khiến độc giả được định hướng là chân lý đạo đức thuộc về kẻ mạnh và số đông bảo thủ. Nếu trước đó Tuổi Trẻ và báo chí trong nước đã không né tránh và đưa tin khách quan về những gì thật sự nổi cộm đang diễn trong cuộc chiến tranh cử, những gì tôi vừa nói sẽ không thành vấn đề.

Là người chủ trương khoan dung và chấp nhận xã hội đối với luyến ái đồng giới, tôi nghĩ rằng cách thông tin về một sự kiện có tầm quan trọng nhất nhì trong năm, từ các tác giả của một trong những tờ báo uy tín nhất nước, mà lại vô tình khiến đồng tính luyến ái mặc nhiên bị xem là vô đạo đức trong nhận thức của người đọc ở một xã hội còn quá thiếu thông tin khoa học và quá thừa thành kiến về hiện tượng này, là một việc làm không thích đáng. Và không thích đáng không chỉ vì điều đó, mà còn vì đã phần nào xem thường độc giả, dù không chủ tâm.

© 2004 talawas



[1]Có thể xem thêm “Hôn nhân: bình đẳng pháp lý cho các quan hệ đồng giới” của tôi tại talawas.
[2]Có thể xem thêm “Bush chỉ là chất xúc tác” trên talawas.
[3]Luật Islam tại nhiều quốc gia Hồi giáo, có từ chín thế kỷ nay, được người Islam cho là luật không thể thay đổi.
[4]Quan điểm của phe bảo thủ không chỉ là cấm hôn nhân đồng giới, mà còn cấm cả hình thức “kết hợp dân sự” của những người đồng tính, thậm chí còn chủ trương phân biệt đối xử, không chấp nhận những dự luật chống sự kỳ thị trong việc làm và chăm sóc y tế đối với họ. Bản thân Kerry cũng không đồng tình với hôn nhân đồng giới, chỉ chấp nhận “kết hợp dân sự”, nhưng vẫn bị công kích dữ dội.