trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
6.9.2004
Lê Trần Huy Phú
Các nhà tâm thần học bảo vệ cho “bệnh” đồng tính luyến ái
 
Tôi vừa đọc lại một số bài về đồng tính luyến ái trên talawas, trong số những bài gây chú ý nhất có Dịch dị tính luyến ái, một căn bệnh dễ lây của Ý Nhi. Bài này đưa ra được các cứ liệu khoa học nghiêm túc và phong phú về nguyên nhân “căn bệnh” đồng tính luyến ái. Để góp thêm vào những cứ liệu này, tôi xin trình bày một số ý liên quan đến tâm thần học. Những ý kiến này đã được tôi trình bày tại một diễn đàn khác, nhưng trình bày lại, đầy đủ hơn, tại một diễn đàn trí thức như talawas là điều nên làm.

Khi gặp gỡ thực tế một số gay, những gì nghe được làm tôi thật sự kinh hãi về nguy cơ AIDS, nhưng cũng có điều khiến tôi thấy thiệt thòi cho gay Việt. Chuyện bối cảnh xã hội thì không nói rồi, đương nhiên mà, nhưng đáng nói là dường như một bộ phận (không nhỏ) gay Việt còn quá mù mờ về bản thân. Một mặt, đó là do không tiếp cận được đến những thông tin khoa học và xã hội chính xác của vấn đề luyến ái đồng giới. Mặt khác, định kiến áp đặt khiến họ dù thừa nhận cái bẩm sinh không thể tránh khỏi trong khuynh hướng tình cảm, tình dục của mình, nhưng vẫn tự ti, mặc cảm. Trong số những điều đó có việc họ vẫn xem đồng tính luyến ái là một căn bệnh.

Như tôi đã viết ở bài Nhìn bằng đôi mắt bao dung, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association, APA) từ năm 1973 đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các triệu chứng và bệnh rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders). Tổ chức Y tế Thế giới (Word Health Organization, WHO) cũng đã làm điều tương tự vào năm 1992 trong phiên bản thứ 10 của danh sách phân loại các chứng bệnh trên thế giới (International Classification of Diseases, 10th Edition).

Tháng 12 năm 1992, APA cũng phát đi một tuyên bố chính thức, với lời kêu gọi sau: “Xét thấy luyến ái đồng giới tự thân nó không hề hàm chứa việc có hay không sự thiệt hại, tính ổn định, sự tin cậy, trong năng lực xã hội chung hay khả năng tác nghiệp (ở người đồng tính ái), Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ kêu gọi các tổ chức y tế trên thế giới và cá nhân các nhà tâm thần học ở các quốc gia hãy thúc đẩy trên đất nước mình việc bãi bỏ những trừng phạt pháp lý đối với tình cảm và tình dục đồng giới có sự đồng thuận giữa những người trưởng thành. Ngoài ra, APA cũng kêu gọi các tổ chức và cá nhân này hãy thực hiện mọi việc có thể để giảm đi những xỉ nhục có liên quan đến luyến ái đồng giới, ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào”.

Trước đó, năm 1980, APA đưa một triệu chứng mới vào danh sách bệnh học. Đó là chứng đồng tính ái tự hại (ego-dystonic homosexuality), được định nghĩa là có ở “những người mà quan tâm tính dục nguyên thủy của họ hướng về người cùng giới, nhưng hoặc bất an, hoặc xung đột, hoặc muốn thay đổi khuynh hướng tính dục đó”. Vậy là vào lúc đó, dưới cái nhìn tâm thần học, người đồng tính ái thì bình thường, chỉ những người đồng tính đang trong giai đoạn bất ổn với khuynh hướng tình cảm của mình hay trốn tránh nó, mới là có bệnh. Nhưng vào năm 1987, đồng tính ái tự hại cũng không còn bị xem là bệnh nữa, vì các nhà tâm thần học cho rằng hầu như người đồng tính luyến ái nào cũng trải qua giai đoạn tự xung đột đó.

Thời gian vừa qua, trong nước cũng đã có vài ý kiến cảm thông rất mạnh mẽ với luyến ái đồng giới, như đạo diễn Lê Hoàng hay ca sĩ Phương Thanh. Đây là điều hết sức đáng trân trọng, có thể xem như tín hiệu công khai đầu tiên của quá trình nhìn nhận xã hội. Nhưng những ý kiến này, và dư luận xã hội nói chung, vẫn vô tình hay cố ý xem đây là bệnh. Có thể hiểu các ý kiến này là do thiếu thông tin (cũng như người đồng tính ái thôi), mà cũng có thể hiểu nó được chọn như một phương cách cổ điển khi đưa vấn đề ra trước dư luận, nhằm kêu gọi một sự cảm thông mà nói thẳng ra, giống như một sự thương hại! Đây có lẽ là phương cách dễ dàng nhất, dễ chấp nhận nhất, nhưng cũng thiết nghĩ rằng trong bối cảnh xã hội thông tin ngày nay, cách thức đó có vẻ như quay ngược về lịch sử, vì việc y học xếp luyến ái đồng giới thành một căn bệnh để nhận được sự chấp nhận xã hội là điều “xưa như trái đất” rồi. Và trong bối cảnh xã hội đó, không thể có cách nào hiệu quả nhất mà cũng rốt ráo nhất ngoài việc tiếp cận vấn đề từ những kết quả khoa học chính thức, cũng như các khía cạnh văn hóa, xã hội khác.

Vậy kết quả khoa học chính thức được nói đến ở đây là gì? Đó là kết luận của giới khoa học rằng đồng tính ái cũng chỉ là một biểu hiện của sự đa dạng sinh học về mặt tính dục của con người mà thôi, mà một trong những cơ sở của nó là giữa người dị tính ái và đồng tính ái có sự khác biệt trong việc chi phối hành vi phái tính từ não bộ.

Dưới đây tôi chọn giới thiệu một văn bản của APA phát hành năm 2000, bác bỏ mạnh mẽ việc cố tình lờ đi các cứ liệu khoa học về luyến ái đồng giới để rồi tìm cách “chữa trị” cho nó. Đọc văn kiện này tôi đã tự hỏi không biết có ai đó cực đoan đến nỗi kết luận rằng toàn bộ các nhà tâm thần học của APA đều đồng tính luyến ái hết hay không, khi họ bảo vệ mãnh liệt cho người đồng tính ái, không chỉ trên phạm vi bệnh học, mà còn cả trên bình diện chính trị, xã hội, đạo đức? Đó chỉ là suy nghĩ có vẻ đùa vui một chút của tôi, nhưng vấn đề ở đây là lương tâm và lương tri của người làm khoa học nói riêng, và của con người nói chung. Quyền tồn tại bình đẳng về mặt tình cảm giới tính và quyền công dân đầy đủ cho người đồng tính ái (tức các quyền hôn nhân, con nuôi, thừa kế, thụ hưởng hưu bổng, an sinh xã hội của đối ngẫu gia đình…) nào có dính dáng tý gì đến quyền lợi của các nhà tâm thần học, nhưng họ lại kiên quyết bảo vệ, vì đó chính là thiên chức khoa học của họ, là thiên chức của những nhân cách mang tính người trước đồng loại của mình, là tính hiệp nghĩa – “thấy chuyện bất bình, rút đao tương trợ”, để bảo vệ cho quyền con người của những con người cũng là người như mình. Người Việt ta liệu có được tính hiệp nghĩa như vậy không? Đó là câu hỏi mà tôi mong rằng sẽ được mọi người nghĩ đến.


*

Tuyên bố lập trường của COPP [1] về các liệu pháp tập trung thay đổi khuynh hướng tính dục (Những liệu pháp bù đắp hay hoán cải )

Lê Trần Huy Phú dịch và chú thích

Hội đồng Quản trị chuẩn thuận tháng Ba, 2000
Hội đồng Toàn thể chuẩn thuận tháng Năm, 2000

Lời dẫn:

Tháng 12 năm 1998, Hội đồng Quản trị đã phát hành Tuyên bố Lập trường khẳng định Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ chống lại bất kỳ giải pháp tâm thần nào như liệu pháp “bù đắp”, hay còn gọi là liệu pháp hoán cải, vốn dựa trên điều cho rằng luyến ái đồng giới tự nó là một rối loạn tâm thần, hay trên cơ sở một giả thiết tiên thiên rằng “người bệnh” cần thay đổi khuynh hướng tính dục đồng giới của anh hay chị ta (xem Phụ lục). Trên tinh thần đó, APA liên kết với các tổ chức chuyên môn có lập trường hoặc chống lại hoặc phê phán các liệu pháp “bù đắp”, như Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, Hiệp hội Y học Hoa Kỳ, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Hiệp hội Tư vấn Hoa Kỳ, và Hiệp hội Quốc gia Nhân viên Xã hội (tham chiếu số1).


Tuyên bố chính thức sau đây được Hội đồng Quản trị phát hành, mở rộng và trình bày cụ thể hơn tuyên bố trên, nhằm phát biểu thêm về những vấn đề chuyên môn và chính sách công có liên quan đối với những liệu pháp được thiết kế nhằm thay đổi khuynh hướng tình cảm giới tính và bản sắc tính dục của “người bệnh”. Những điều trình bày ở đây thay thế cho tuyên bố năm 1998.

Tuyên bố lập trường:

Trong quá khứ, việc định nghĩa tính dục đồng giới như một căn bệnh đã làm vững chắc sự xỉ nhục đạo đức xã hội đối với các quan hệ cùng phái (2). Trong bối cảnh hiện nay, việc khẳng định đồng tính luyến ái là một rối loạn tâm thần xuất phát từ những cố gắng làm giảm đi sự chấp nhận xã hội đang ngày một tăng đối với luyến ái đồng giới như sự đa dạng bình thường của tính dục con người. Do vậy, thay đổi khuynh hướng tính dục trở thành vấn đề mang tính chính trị cao. Sự hòa nhập của người đồng tính nam và nữ trong dòng chủ đạo của xã hội Hoa Kỳ bị chống đối từ phía những người lo sợ rằng sự hòa nhập như vậy là sai trái về đạo lý và đe doạ đến cấu trúc xã hội. Những tranh luận chính trị và đạo đức quanh vấn đề này đã làm mù mờ các cứ liệu khoa học, bằng việc viện đến những vấn đề về động cơ và tính cách cá nhân trên cả hai mặt của vấn đề. Văn bản này sẽ cố gắng soi rọi vấn đề nóng bỏng đó.

Sự vững chắc, tính hiệu quả và đạo đức của những nỗ lực lâm sàng nhằm thay đổi khuynh hướng tình cảm giới tính của một cá nhân, đã không được thừa nhận (3,4,5,6). Đến nay, không một kết quả nghiên cứu nghiêm túc khoa học nào có thể xác định hoặc là hiệu quả thực tế hoặc là nguy hại của những trị liệu “bù đắp”. Có một số cứ liệu khoa học - theo những tiêu chuẩn chọn lọc - về những rũi ro nghịch biện với những lợi ích của giải pháp này, cùng các hệ quả lâu dài của những liệu pháp “bù đắp”. Các tài liệu như vậy gồm những báo cáo vặt vãnh về các cá nhân nào đó cho rằng đã thay đổi, nhiều người thì khẳng định những nỗ lực thay đổi đã gây hại cho họ, số khác thì xác định đã thay đổi để rồi sau đó công khai rút lại khẳng định này (7,8,9).

Dù có ít dữ liệu khoa học về các “bệnh nhân” đã trải qua những trị liệu này, vẫn có thể đánh giá các lý thuyết nhằm hợp lý hóa những liệu pháp “bù đắp” và hoán cải. Trước tiên, chúng xung đột với lập trường khoa học của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, nơi mà từ năm 1973 đã cho rằng đồng tính luyến ái, tự thân nó, không là một rối loạn tâm thần. Lý thuyết của các trị liệu “bù đắp” định nghĩa luyến ái đồng giới hoặc như sự lôi cuốn tiến triển hay một biểu hiện tệ hại của bệnh học tâm lý, hoặc là cái gì đó kết hợp cả hai (10-15). Trong những năm gần đây, những người thực hiện liệu pháp “bù đắp” đã hợp nhất các lý thuyết phân tâm học cũ vốn xem đồng tính luyến ái có tính bệnh học, với những niềm tin tôn giáo truyền thống vốn kết án tính dục đồng giới (16, 17, 18).

Phê phán khoa học sớm nhất đối với các lý thuyết và niềm tin tôn giáo trước đây - những cái đem lại cơ sở lý luận cho các liệu pháp “bù đắp” hay hoán cải, ban đầu đã đến từ các nhà tình dục học (19-17). Sau đó, phê phán cũng nổi lên từ các nguồn phân tâm học (18-39). Cũng đã gia tăng trong số các tổ chức tôn giáo khi họ lập luận chống lại truyền thống và những diễn dịch kinh thánh vốn lên án đồng tính luyến ái và làm cơ sở cho kiểu trị liệu “bù đắp” có tính tôn giáo (40-46).

Các khuyến nghị:

  1. APA xác quyết lập trường năm 1973, rằng đồng tính luyến ái tự thân nó không là một rối loạn tâm thần để mà chuẩn đoán. Những cố gắng công khai gần đây nhằm tái bệnh học tính dục đồng giới bằng khẳng định nó có thể được điều trị, đã được hướng dẫn không bởi những nghiên cứu tâm thần học và khoa học nghiêm túc, mà đôi khi bởi các lực lượng tôn giáo và chính trị chống lại quyền công dân đầy đủ cho những người đồng tính nam và nữ. APA cho rằng mình cần đáp lại một cách nhanh chóng và thích đáng, với tư cách là một tổ chức khoa học, bằng khẳng định rằng luyến ái đồng giới bị biến thành căn bệnh cần chữa trị là do các nhóm chính trị và tôn giáo .

  2. Với tư cách nguyên tắc chung, nhà trị liệu không nên xác định mục đích chữa trị hoặc bằng sự cưỡng ép, hoặc thông qua sự tác động khéo léo. Các liệu pháp tâm lý nhằm cải hoán hoặc “sửa chữa” luyến ái đồng giới dựa trên những lý thuyết tiến triển mà tính xác thực khoa học của nó là có vấn đề. Hơn nữa, các báo cáo lặt vặt về những “trường hợp trị liệu” cũng gặp phải đối trọng của những khẳng định rải rác về sự nguy hại tâm lý. Trong bốn thập niên qua, các nhà trị liệu “bù đắp” không đưa ra được bất kỳ nghiên cứu khoa học nào minh chứng cho những khẳng định trị liệu của họ. Cho đến khi một nghiên cứu như vậy đã có được, APA khuyến nghị các đạo đức gia thực hành hãy kìm chế những nỗ lực thay đổi khuynh hướng tình cảm giới tính của người khác, kìm chế các quả quyết y học, và đừng gây ra các tác hại.

  3. Tài liệu của liệu pháp “bù đắp” sử dụng những lý thuyết khiến nó khó định dạng các tiêu chuẩn chọn lọc khoa học cho cách thức trị liệu. Tài liệu này không những làm ngơ tác động sỉ nhục xã hội trong những nỗ lực có động cơ nhắm vào việc chữa trị đồng tính luyến ái, nó đồng thời cũng là một tài liệu sỉ nhục hăng hái đối với luyến ái đồng giới. Tài liệu của liệu pháp “bù đắp” cũng có hướng cường điệu kết quả những trị liệu này, nhưng lại lờ đi bất kỳ rũi ro tiềm tàng nào cho “người bệnh”. APA khuyến khích và ủng hộ những nghiên cứu tại NIMH [2] và của cộng đồng nghiên cứu khoa học, nhằm tiếp tục xác định thêm nữa những rũi ro của liệu pháp “bù đắp” đối nghịch với những lợi ích của nó.



Tài liệu tham chiếu:

(1) National Association for Research and Treatment of Homosexuality, (1999), American Counseling Association Passes Resolution to Oppose Reparative Therapy. NARTH Website (http://www.narth.com/docs/acaresolution.html).
(2) Bayer, R. (1981), Homosexuality and American Psychiatry; The Politics of Diagnosis. New York: Basic Books.
(3) Haldeman, D. (1991), Sexual orientation conversion therapy for gay men and lesbians: A scientific examination. In Homosexuality: Research Implications for Public Policy, ed. J. C. Gonsiorek & J. D. Weinrich. Newbury Park, CA: Sage Publications, pp. 149-161.
(4) Haldeman, D. (1994), The practice and ethics of sexual orientation conversion therapy. J. of Consulting and Clin. Psychol., 62(2):221-227.
(5) Brown, L. S. (1996), Ethical concerns with sexual minority patients. In: Textbook of Homosexuality and Mental Health. ed. R. Cabaj & T. Stein. Washington, D.C.: American Psychiatric Press, pp. 897-916.
(6) Drescher, J. (1997), What needs changing? Some questions raised by reparative therapy practices. New York State Psychiatric Society Bulletin, 40(1):8-10.
(7) Duberman, M. (1991), Cures: A Gay Man’s Odyssey. New York: Dutton.
(8) White, M. (1994), Stranger at the Gate: To be Gay and Christian in America. New York: Simon & Schuster.
(9) Isay, R. (1996), Becoming Gay: The Journey to Self-Acceptance. New York: Pantheon.
(10) Freud, S. (1905), Three essays on the theory of sexuality. Standard Edition, 7:123-246. London: Hogarth Press, 1953.
(11) Rado, S. (1940), A critical examination of the concept of bisexuality. Psychosomatic Medicine, 2:459-467. Reprinted in Sexual Inversion: The Multiple Roots of Homosexuality, ed. J. Marmor. New
York: Basic Books, 1965, pp. 175-189.
(12) Bieber, I., Dain, H., Dince, P., Drellich, M., Grand, H., Gundlach, R., Kremer, M., Rifkin, A., Wilbur, C., & Bieber T. (1962), Homosexuality: A Psychoanalytic Study. New York: Basic Books.
(13) Socarides, C. (1968), The Overt Homosexual. New York: Grune & Stratton.
(14) Ovesey, L. (1969), Homosexuality and Pseudohomosexuality. New York: Science House.
(15) Hatterer, L. (1970), Changing Homosexuality in the Male. New York: McGraw Hill.
(16) Moberly, E. (1983), Homosexuality: A New Christian Ethic. Cambridge, UK: James Clarke & Co.
(17) Harvey, J. (1987), The Homosexual Person: New Thinking in Pastoral Care. San Francisco, CA: Ignatius.
(18) Nicolosi, J. (1991), Reparative Therapy of Male Homosexuality: A New Clinical Approach. Northvale, NJ: Aronson.
(19) Kinsey, A., Pomeroy, W., & Martin, C. (1948), Sexual Behavior in the Human Male. Philadelphia, PA: Saunders.
(20) Kinsey, A., Pomeroy, W., & Martin, C. and Gebhard, P. (1953), Sexual Behavior in the Human Female. Philadelphia, PA: Saunders.
(21) Ford, C. & Beach, F. (1951), Patterns of Sexual Behavior. New York: Harper.
(22) Hooker, E. (1957), The adjustment of the male overt homosexual. J Proj Tech, 21:18-31.
(23) Bell, A .& Weinberg, M. (1978), Homosexualities: A Study of Diversity Among Men and Women. New York: Simon and Schuster.
(24) Bell, A., Weinberg, M. & Hammersmith S. (1981), Sexual Preference: Its Development in Men and Women. Bloomington, IN: Indiana University Press.
(25) LeVay, S. (1991), A difference in hypothalamic structure between heterosexual and homosexual men. Science, 253:1034-1037.
(26) Hamer, D., Hu, S., Magnuson, V., Hu, N. & Pattatucci, A. (1993), A linkage between DNA markers on the X-chromosome and male sexual orientation. Science, 261:321-327.
(27) Bem, D. (1996), Exotic becomes erotic: A developmental theory of sexual orientation. Psychol. Review, 103(2):320-335.
28) Marmor, J., ed. (1965), Sexual Inversion: The Multiple Roots of Homosexuality. New York: Basic Books.
(29) Mitchell, S. (1978), Psychodynamics, homosexuality, and the question of pathology. Psychiatry, 41:254-263.
(30) Marmor, J., ed. (1980), Homosexual Behavior: A Modern Reappraisal. New York: Basic Books.
(31) Mitchell, S. (1981), The psychoanalytic treatment of homosexuality: Some technical considerations. Int. Rev. Psycho-Anal., 8:63-80.
(32) Morgenthaler, F. (1984), Homosexuality Heterosexuality Perversion, trans. A. Aebi. Hillsdale, NJ: The Analytic Press, 1988.
(33) Lewes, K. (1988), The Psychoanalytic Theory of Male Homosexuality. New York: Simon and Schuster. Reissued as Psychoanalysis and Male Homosexuality (1995), Northvale, NJ: Aronson.
(34) Friedman, R.C. (1988), Male Homosexuality: A Contemporary Psychoanalytic Perspective. New Haven, CT: Yale University Press.
(35) Isay, R. (1989), Being Homosexual: Gay Men and Their Development. New York: Farrar, Straus and Giroux.
(36) O'Connor, N. & Ryan, J. (1993), Wild Desires and Mistaken Identities: Lesbianism & Psychoanalysis. New York: Columbia University.
(37) Domenici, T. & Lesser, R., eds. (1995) Disorienting Sexuality: Psychoanalytic Reappraisals of Sexual Identities. New York: Routledge.
(38) Magee, M. & Miller, D. (1997), Lesbian Lives: Psychoanalytic Narratives Old and New. Hillsdale, NJ: The Analytic Press.
(39) Drescher, J. (1998) Psychoanalytic Therapy and The Gay Man. Hillsdale, NJ: The Analytic Press.
(40) Boswell, J. (1980), Christianity, Social Tolerance and Homosexuality. Chicago, IL: University of Chicago Press.
(41) McNeil, J. (1993), The Church and the Homosexual, Fourth Edition. Boston, MA: Beacon.
(42) Pronk, P. (1993), Against Nature: Types of Moral Argumentation Regarding Homosexuality. Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans.
(43) Boswell, J. (1994), Same-Sex Unions in Premodern Europe. New York: Villard Books.
(44) Helminiak, D. (1994), What the Bible Really Says About Homosexuality. San Francisco, CA: Alamo Press.
(45) Gomes, P. J. (1996). The Good Book: Reading the Bible with Mind and Heart. New York: Avon.
(46) Carrol, W. (1997), On being gay and an American Baptist minister. The InSpiriter, Spring, pp. 6-7,11.



Phụ lục:
Tuyên bố lập trường của APA về trị liệu tâm thần và khuynh hướng tính dục, 11/12/1998

Hội đồng Quản trị Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã xóa đồng tính luyến ái khỏi DSM [3] vào năm 1973, sau khi xem xét những bằng chứng cho thấy đó không phải là một rối loạn tâm thần. Năm 1987, chứng đồng tính tự hại cũng không còn trong DSM-III-R sau khi xem xét tương tự.

Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ gần đây chưa có tuyên bố lập trường chính thức về những trị liệu nhằm thay đổi khuynh hướng tình cảm giới tính của các cá nhân - cũng được biết đến như liệu pháp “bù đắp” hay hoán cải. Tài liệu Ghi nhận Thực tế về các Vấn đề Đồng tính luyến ái và Lưỡng luyến tính ái của APA năm 1997 tuyên bố rằng không có bằng chứng khoa học nào được công bố minh chứng cho hiệu quả của liệu pháp bù đắp với tư cách một trị liệu nhằm thay đổi khuynh hướng tính dục của người khác.

Những rũi to tiềm tàng của liệu pháp bù đắp là rất lớn, gồm cả trầm cảm, bất an, và hành vi tự hủy hoại, vì nhà trị liệu có cùng định kiến xã hội chống lại luyến ái đồng giới, có thể gia cường thêm chứng căm ghét bản thân vốn có nơi người bệnh. Nhiều người bệnh đã trải qua liệu pháp bù đắp thuật lại rằng họ đã được nghe những điều không chính xác rằng những người đồng tính thì cô độc, không hạnh phúc, là những người không bao giờ có được sự chấp nhận hay toại nguyện. Sự khả dĩ có thể có được hạnh phúc và thoả mãn trong các quan hệ giữa người với người ở người luyến ái đồng giới, nam hay nữ, đã không được trình bày, mà cũng không được xem là những tiếp cận thay thế để giải quyết những tác động bêu rếu xã hội được bàn đến. APA nhìn nhận rằng trong tiến trình trị liệu tâm thần có thể có những chỉ báo lâm sàng thích hợp cho việc cố gắng thay đổi hành vi tính dục (chứ không phải thay đổi khuynh hướng).

Vài tổ chức chuyên môn tầm cỡ, như Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Hiệp hội Quốc gia Nhân viên Xã hội, và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố chống lại liệu pháp bù đắp vì những nguy hại có liên quan cho người bệnh. Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã tỏ rõ lập trường chống lại sự phân biệt đối xử, thành kiến và cư xử vô đạo đức trước tính đa dạng, gồm cả sự phân biệt đối xử trên cơ sở của khuynh hướng tình cảm giới tính.

Vì thế, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ chống lại bất kỳ trị liệu tâm thần nào, như là liệu pháp bù đắp hay hoán cải, vốn dựa trên cơ sở của điều được cho rằng tự thân đồng tính luyến ái là một rối loạn tâm thần, hay trên cơ sở khẳng định tiên thiên rằng người bệnh cần phải thay đổi khuynh hướng tính dục đồng giới của anh hay chị ta.

© 2004 talawas



[1]COPP: Center for Organizational and Personnel Psychology: Trung tâm Tâm lý học Tổ chức và Nhân sự.
[2]NIMH: National Institute of Mental Health: Học viện Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần, một trong 27 thành viên của NIH (National Institutes of Health, Hệ thống Học viện Y tế Quốc gia)
[3]DSM: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders: Danh sách các Triệu chứng và Bệnh rối loạn Tâm thần
DSM-III-R: Danh sách các Triệu chứng và Bệnh rối loạn Tâm thần, Phiên bản thứ 3