trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtKiến trúc
31.7.2004
Kiến Lửa
Chuyện kể về kiến trúc
 1   2 
 
Hồi thứ Ba:

Phùng xoè phối cảnh, thân chủ mê ly,
Hù dọa 3d, bà con kiêng nể
Vì ham của rẻ, trúng bả Thầu gian
Thấy giá ngon ăn, dính mồi Kiến tặc.

Sau nhiều năm trường Kiến ta hoan hỉ thu tiền nhận sinh viên thả cửa để đáp ứng nhu cầu bằng cấp của thiên hạ thì ngành kiến trúc lại chuyển tới thời kỳ suy bại về lương tâm nghề nghiệp. Các sinh viên ra trường xâu xé tranh ăn giành “độ” dành “khứa” ì xèo trên cơ sở “tiền nghĩa” rồi tha hồ mà “binh lụi, xây ẩu” gây mất niềm tin sâu sắc ở khách hàng. Tội cho những anh Kiến làm ăn chân chính chán nản buộc lòng phải bỏ nghề lui về nhà ăn lương vợ.

Sử nhà Kiến chép rằng:

“Tổ Kiến trúc ngày xưa đã tiên đoán đến chuyện này nên buồn rầu ghê lắm vìø thấy mình không giúp gì được. Thôi thì “gặp thời thế, thế thời phải thế” biết làm sao. Mà giúp bằng cách nào thì Tổ còn bí tít-tìn-tịt huống chi ai khác.

May thay, nhờ lòng thành khẩn chai tịnh cầu quỷ thần, Tổ đêm nằm mộng thấy Vương Thúy Kiều hiện lên nói:

Này anh thuộc lấy nằm lòng,
Vành ngoài bảy chử, vành trong tám nghề.
Em làm được thì ai chả làm được.

Rồi Kiều bất thần nhào vô ôm đại Tổ khiến Tổ giựt mình té lăn cù xuống đất mà thức dậy.

Tổ thấy điềm lạ liền bấm tay tính được quẻ Dịch là “Hỏa Ðịa Tấn” hóa “Lôi Ðịa Dự” dựa theo điềm mộng: Kiều nhảy vô ôm mình (Tấn), mình hoảng hốt (Dự) té lăn cù (Tấn). Việc này sẽ tương quan tương hợp với ý nghĩa: Cứ liều mạng làm ăn đại (Tấn) thì nổi danh (Dự) như sóng cồn (Tấn).

Liền sau đó nhớ lại câu “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”, Tổ dành hết tâm huyết điều nghiên thêm mắm dặm muối suốt đêm để viết ra một cẩm nang gối đầu truyền cho các Kiến đời sau. Hiệu quả của cẩm nang thần sầu tựa hồ “Tịch Tà Kiếm Phổ” trong giới giang hồ võ hiệp.

Ðây, nguyên văn do Tổ viết:

Thời thế nhiễu nhương, làm ăn thất bát. Nhân nằm mộng thấy Thúy kiều giáng hạ chỉ bảo, ta viết cẩm nang này hầu truyền cho hậu thế làm kế sinh nhai.

Kiều:

Bảy chử tám nghề,
Nếu chàng không chê,
Em xin chỉ giáo...

Nhân đấy, Ta hỏi:

Ta xin thọ giáo,
Vậy nghĩa là sao?

Kiều giảng:

Bảy chữ nghĩa là:
  • Nổ (Múa mép “cương” hết ga, rù quến thiên hạ để bắt công trình)
  • Lụi (Vẽ “lụi” hồ sơ để giành khách trước rồi tính sau)
  • Ghép (Ghép các chi tiết kiến trúc công trình khác thành kiến trúc của mình)
  • Hù (In phối cảnh, làm phim 3D cho le lói cho khách “rét” ý đồ mình)
  • Chôm (Bí mật “ẵm” bản vẽ chổ khác về phô-tô lại làm tác phẩm của mình)
  • Chế (“Luộc” công trình cũ thành công trình mới để xài tiếp)
  • Tẩu (Biết “chạy” khi thiết kế hay thi công bị “bể ổ”)

Ta khen:

Quả là hay vậy!
Tám nghề còn lại,
Xin giảng tận tường.

Kiều giảng:

Tám nghề tức là:
  • Thiết kế dân dụng
  • Thiết kế công nghiệp
  • Thiết kế quy họach (3 nghề này trường Kiến trúc đã dạy)
  • Thiết kế phối cảnh (Binh phối cảnh cho đẹp để câu khách)
  • Quảng cáo dự án (Phô trương dự án áp đảo thiên hạ)
  • Lắp ghép kiến trúc (ghép nhiều chi tiết bản vẽ khác vô thành hồ sơ của mình)
  • Cải tạo thiết kế (Sửa chửa hồ sơ bị vẽ “lụi”)
    Cấp cứu công trình (Khi thi công bị tê liệt do vẽ “lụi”, phải chỉnh sữa khẩn cấp)


Ta khen:

Quả thật là hay.

Kiều giảng:

Ðó là những bí kíp chân truyền. Dân Kiến ráng tu luyện thiết kế lâu năm tất có người lên làm vua như vua nhà phố, vua biệt thự, vua bếp, vua vệ sinh, vua phối cảnh, vua mô hình... Tệ lắm cũng là một Ðại Kiến Trúc Sư. Chứ sự học thì vô cùng tựa Ðông Hải. Em không tài nào một đêm mà giảng hết vậy.”

Cẩm nang làm sáng mắt biết bao nhiêu chàng Kiến và là một diệu kế xóa đói giảm nghèo cho cả râu ria tộc họ nhà Kiến hai cẳng. Chẳng làm lạ khi thấy bụng Kiến Chúa nào cũng ngày càng phệ do được bầy Kiến Thợ tận tình cung cấp bia bọt, em út thừa mứa quanh năm...

Chuyện của Tổ còn nhiều nữa, ấy là chuyện về sau...

Vì cạnh tranh gay gắt với các đồng nghiệp nên họ Kiến phải học thêm mọi thủ thuật để mà tồn tại. Ðể thuyết phục đám khách hàng chưa rành về chuyên môn là dùng phối cảnh. Ngày xưa nhà trường cũng đã tinh ý dạy phối cảnh cho mọi người nhưng nói trắng ra là để câu khách thì quá sống sượng nên không ai dám tuyên bố huỵch tọet. Anh sinh viên ban đầu phải rị mọ tập dựng hình, tô màu., tỉa chi tiết bản vẽ phối cảnh. Trước áp dụng cho đồ án của mình. Sau đó là thỉnh thoảng bắt mối bên ngòai để kiếm thêm chút đỉnh. Nhiều ông cũng dấu mấy tuyệt chiêu không cho bạn bè biết dù chỉ là mẹo vặt. Ngày ấy vẽ một phối cảnh cũng được lắm tiền nên có anh chỉ vẽ thuê chơi chơi mà bạc tiền rủng rỉnh.

Càng về sau, khi càng văn minh thì thiên hạ lại càng làm biếng tư duy do quá ỷ lại vào phương tiện khoa học kỹ thuật, nên dần dần bản vẽ khó được khách hàng hình dung nổi và phối cảnh càng thêm cần thiết để nói chuyện với thân chủ. Thay vì vẽ nghiên cứu kỹ lưỡng cả mấy ngày về một mặt bằng kiến trúc, người ta chỉ vẽ sơ sịa cũng ra một phối cảnh thật đã mắt vừa sướng hai tay, chất lượng thừa sức bỏ bùa mê hoặc khách.

Nhớ ngày trước có thầy tên Th. đã dạy khai tâm SVKT như sau:

“Khi người ta bịnh, thì người ta tìm tới Bác sĩ. Khi người ta có tội, họ cầu khẩn Luật sư. Hai vị này hét bao nhiêu tiền thì khách cũng phải chạy trả cho đủ vì họ không cần khách mà khách cần họ. Ngược lại, khi người ta giàu có sung sướng họ mới tìm đến Kiến trúc sư. Vì thế họ coi Kiến trúc sư không ra ký lô nào hết. Kiến trúc sư cần tiền nên phải dùng hết bản lĩnh của mình mà cố gắng chinh phục thân chủ ”.

Từ khi có máy vi tính thì công việc KTS Kiến trúc sư thay vì dễ dàng hơn, đàng này ngược lại càng thêm mệt mỏi phức tạp do dùng sai mục đích. Người ta dùng vi tính để “binh” công năng cho lẹ trong khi ở bên chúng ta thì dùng để thiết kế mỹ quan đầy râu ria mắm muối mà chinh phục khách. Mà muốn như vậy thì KTS phải mất giờ học nhiều thủ thuật đồ họa không ăn nhập gì với kiến trúc để pha chế trong khi thời gian đầu tư vô ý tưởng cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Các phối cảnh nhờ vậy được sản xuất hàng lọat ở mỗi công trình. Gặp phần mềm Photoshop hỗ trợ nên anh em có thể ghép công trình người khác làm của mình, thậm chí ôm luôn một hay nhiều phối cảnh nào đó scan từ tài liệu bên ngòai, “luộc” lại một ít bằng ánh sáng, “mông má” thêm màu sắc là có tác phẩm mới đỡ mất công “binh” tới lui mất thì giờ. Thêm máy in tối tân làm cho chất lượng tác phẩm đẹp hơn thực tế hỏi khách hàng nào không khoái mà nhắm mắt ký hợp đồng cái rẹt? Gặp khách hàng khó, thì vẽ thêm phối cảnh công trình vào ban đêm lung linh đèn đóm hay hàng lọat phối cảnh khác từ trong ra ngòai nhà lẫn từng chi tiết phóng to để thôi miên khách cho lẹ. Ðụng nhiều độ lớn thì đòi hỏi công phu cao hơn. Lúc đó máy vi tính phải làm việc ngày lẫn đêm để sản sinh ra một bộ phim phối cảnh hoành tráng nếu trời thương đừng chơi cúp điện bất tử. Có lúc nhà Kiến còn phải chi tiền cho chuyên gia làm thêm mô hình lộng kiếng kiêu sa để khách sờ mó tận tay mà yên tâm. Ðó chỉ là giai đọan đầu để giành khách.

Giai đọan tiếp sau thì bắt buộc phải khai triển kỹ thuật sao cho nó khả thi và hợp lý. Anh nào lơ mơ khâu này thì coi như mất cả chì lẫn chài. Thông thường vì ham dành khách mà vẽ phối cảnh bất chấp kỹ thuật. Ðến khi vẽ vô kỹ thuật thì mọi cái tệ hại mới lòi ra. Lý do ban đầu là vì mặt bằng binh “lụi” cho có nên về sau hậu quả khôn lường. Thêm khổ một nổi là dân bên ngòai không thèm nghe lời ông KTS chân chính mà khoái nghe lời mấy cha hàng xóm hay đặc biệt là ông thầy địa lý dựa trên cơ sở mấy tạp chí Kiến trúc lá cải đủ lọai bán tràn lan bên ngoài. Nghe mấy chư vị đó bàn ra bàn vô vài lần thì tinh thần chủ nhà lung lay rồi tự xây theo ý mình.

Nhắc tới mấy ông thầy địa lý thì nhiều chuyện lắm. Vì học thuyết Ðông phương dựa vào “hình - lý - khí – số”. Nếu có 1 trong 4 yếu tố không đạt thì coi như kết quả sai. Chưa kể rằng tính “Ðồng nhi Dị – Dị nhi Ðồng” (giống mà khác, khác mà giống) và tính “biến hóa” được ít ai thấu hiểu tận cùng. Khác với Tây phương, lý Ðông phương không thể dựa vào công thức đầy tính máy móc để gọi là “nghiên cứu”. Mà cái “lý” thì ít ông thầy nào dám đề cập tới. Vì để thuyết phục thân chủ, mấy thầy ưa dùng “số” bằng cách tra sách thì có chứng cớ cho chủ nhà tin lẹ hơn. Chỉ ông nào thật cao cơ mới dám dùng đủ “hình - lý - khí - số”. Phần vì tính “Ðồng Dị - Biến Hóa” nên chẳng ông nào coi giống ông nào. Mỗi ông có phương pháp áp dụng “liều” nặng hay “liều” nhẹ theo ý riêng mình. Gặp chủ nhà nào ham coi nhiều thầy thì cứ phân vân và thay đổi ý kiến xoành xoạch làm KTS không biết đường nào “binh” cho yên ổn. Có ông thầy bày đặt lập trình vi tính để dễ thuyết phục khách và có lúc còn dám tự ý thiết kế và bắt KTS đem ra khai triển xong rồi ông ngồi sửa lại kích thước địa lý của từng chi tiết cho phù hợp! Chỉ nói cây thước địa lý thôi mà thị trường có khoảng trên 5 cây với kích thước khác nhau, hỏi biết lựa cây nào gọi là chuẩn? Rồi cách trấn yểm mỗi ông chơi mỗi khác riết thành ra đá nhau làm thiên hạ càng mất niềm tin vô các môn học Ðông phương mà vẫn nhắm mắt u mê dùng “trật thuốc”. Rồi thêm thầy bùa, thầy ngãi, thầy mo, thầy chùa, thầy cúng... thiệt giả tùm lum quần thảo chủ nhà kéo theo KTS bị vạ lây. Thơ rằng:

... Thầy địa lý thỏa tài sáng chế,
Thước Lỗ Ban được thế ra oai
Cửa trong cho tới cửa ngoài,
Hướng nhà, hướng bếp, chiều dài cầu thang...
“Sinh Lão Bịnh...” số thang đếm bậc,
“Càn Khôn Ly...” hướng mặt của giường,
Từng ly tấc chớ coi thường,
Ði cầu đúng hướng, ra đường đúng phương(!)...

Khi căn nhà xây xong thì KTS cũng không dám nhận làm tác phẩm của mình dù khách có thể vừa ý khen không ngớt. Nhìn lại phối cảnh bảo đảm cũng chưa chắc giống thật là bao. Hên thì coi như ông KTS ấy được khách hàng vừa ý mà đỡ mất công nghiên cứu. Chưa kể được khách quảng cáo nên nổi tiếng trong thiên hạ. Tha hồ bắt thêm khách nhà giàu khác. Xui thì 2 bên đều lãnh đủ. KTS đổ thừa nói là vì chủ nhà không tuân thủ hòan toàn bản vẽ, nhờ thế cái tội vẽ lụi của “Kiến tặc” được trắng án. Có lúc khách hàng tự làm theo ý mình rồi nói rằng KTS không làm gì cả để kiếm cớ xù tiền hay có lúc lợi dụng một lỗi nào đó để trừ tiền gỡ vốn ít nhiều. Có lúc khách hàng dụ KTS vẽ cho đã rồi sau đó đưa tiếp qua nhiều KTS khác để chắt lọc nhào trộn ý tưởng, rồi ông KTS nào cũng đều bị xù như nhau với lý do là làm không vừa ý. Nên có người nói rằng chưa bị xù tiền lần nào tức chưa là KTS. Gặp sự cố do vẽ lụi không thực thi được trong thi công thì công việc cải tạo thiết kế hay cấp cứu công trình là thường, có lúc phải cầu cứu tới đồng nghiệp khác. Có lúc cũng do lỗi chủ nhà đổi ý bất tử dù đã ký giao kèo thỏa thuận hai bên. Nhiều công trình hoàn thành với bề ngoài thấy “nét tưng” mà không sử dụng được do nứt, lún, thấm dột vì vật liệu bị nhà thầu hao hớt hay kỹ thuật thầy thợ “tay ngang”, cũng có lúc do KTS binh “lủng” pạc-ti. Có ông thầu dám mạnh mồm nói rằng cứ thêm 10 triệu bạc là ổng sẵn sàng lên một tấm sàn dễ ợt! Bên Kiến trúc thì bạo phổi nói kiểu gì “binh” cũng “tới” láng. Khách hàng là người chịu thiệt thòi nhứt. Cái khổ trong xây dựng là khi khách hàng đã lãnh đủ thì họ mới sáng mắt mà hối tiếc vì không chịu tin lời mấy ông KTS chân chính. “Sự thật mất lòng” nên mấy ông này cũng chẳng được ai ưa rồi từ đó ế độ dài dài. Tới nước này thì khách không còn khả năng tìm KTS khác giỏi hơn nữa vì gần như sạt nghiệp. Ðồn ra cho thiên hạ thì chính mình cũng có lỗi nên chẳng ai dại nói ra cho thiên hạ cười mình thối óc. Thành ra mấy anh Kiến “binh lụi” chụp giựt vẫn có đất sống dài dài. Ðám thầu chơi trò “thi công tới đâu binh tới đó” cứ phây phây sống trên đầu mấy khách hàng ngây thơ. Chẳng ai thèm ý thức rằng số tiền lớn trả cho một ông Kiến đàng hoàng vẫn rẻ hơn quá nhiều so với một sự cố hay thiệt hại kỹ thuật nhỏ trong công trình do đám “Kiến tặc cấu kết Thầu gian” quậy mà ra.

Người ta nói rằng để có một công trình tốt trước tiên cần có một sự hòa hợp về ý tưởng giữa KTS và khách hàng như cặp vợ chồng. Mà nhắc tới vợ chồng thì phải đề cập tới cái tệ nạn ngọai tình và con riêng. Cái “ngoại tình-con riêng” ấy trong xây dựng cũng không khác trong tình yêu là bao nhiêu. Việc này gây thiệt hại cho nền kiến trúc nước nhà không ít và KTS hay khách bên nào cũng sẵn sàng phũ phàng công khai cắm sừng bên kia không thương tiếc. Cảnh bên khách nhờ KTS đến vẽ nhà của mình giống như căn nhà X, Y nào đó trong sách hay bên đường A,B. Dĩ nhiên dân Kiến rất tự ái nhưng trước cảnh kiếm cơm nhiều người buộc lòng phải đau khổ tuân theo không chống đối để rồi có một công trình không vừa ý với lương tâm mình chưa kể cũng là lý do để khách tìm cớ quỵt tiền với cớ là tất cả ý tưởng đều do khách đưa ra hết trọi. Hay trong lúc thi công khách tự ý thay đổi thiết kế theo ý người khuất mặt nào đó làm tiêu ma hết ý đồ của Kiến. Ngược lại có KTS ăn cắp công trình ở nơi khác nói là ý tưởng của mình mà dụ khách khỏi mất công nghiên cứu chi cho mệt. Khách, dù có biết, nhiều khi cũng phải nhịn và làm ngơ vì nó cũng “đẹp giai” quá. Tóm lại thì khi công trình hoàn tất người ta không thể nào truy ra được một phong cách hay trường phái kiến trúc của nó do bị tính “dị hợp tử” quá nghiệt ngã.

Có cái nhiêu khê như là khi chủ nhà ban đầu không hình dung, dự trù hết tòan bộ mọi chuyện. Trước hết là tiền. Hễ đụng một sự cố phát sinh nào thì coi như công trình bị kẹt vốn. Rồi người KTS có lúc phải vẽ lại “cấp cứu” hay chủ nhà tự xoay sở để “chữa cháy” cho vừa hầu bao. Thế là phá sản mọi ý đồ của nhà Kiến. Có lúc chủ nhà không hình dung được không gian của công trình rồi yêu cầu KTS vẽ cho to lên thêm nữa mới thấy “đã”. Mãi tới khi hòan thành thì vỡ lẽ rồi “thầy đổ tớ, tớ đổ thầy” gây nhiều xích mích. Vô số sự cố khác như là luật lệ thay đổi, hàng xóm thưa kiện nhau, tranh chấp, tai nạn lao động... luôn rình rập đe dọa làm phá hết chương trình dự kiến giữa nhà Kiến và chủ nhà.

Chỉ nói về những công trình nhỏ là đủ cho thấy hết mọi vấn đề. Chẳng cần phải mất công đề cập tới công trình lớn làm chi vì báo chí đề cập hoài hoài hàng ngày. Thiên hạ vì quá chú ý chuyện lớn mà quên đi chuyện nhỏ trước mắt mới ra như vậy. Ðó cũng là lý do tác giả phải ngứa tay viết vài dòng mong giúp bà con tỉnh ngộ. Mong bà con tha thứ nếu viết có gì đụng chạm. Mời bà con vui lòng xem tiếp hồi sau để biết thêm được chuyện nào hay chuyện đó mà phòng thân.


Hồi thứ Tư

Trúng vô thời thế, xây dựng tràn lan
Hạ cám thượng vàng, dân đen lãnh đủ.
Ham mới nới cũ, đô thị tan hoang,
Tấc đất tấc vàng, liệt cường xâu xé.

Nói tiếp về Tổ, sau khi viết thành công quyển cẩm nang, vì ngồi suốt đêm nghiên cứu động não miệt mài quá độ, thêm bị cái vụ té lăn chiêng xuống giường hồi đêm kia nên lúc này mới thấy mình mẩy rêm không kể xiết. Tổ linh tính thấy chuyện không yên bèn đánh tay tính thêm một quẻ nữa. Nhằm quẻ: “Lôi Ðịa Dự” hóa “Thuần Khôn”.

Thôi chết! Tức là:

Xây dựng bùng nổ (Dự) tùm lum (Thuần Khôn)
Làm ăn chụp giựt (Dự) làm tan hoang (Thuần Khôn)... vân vân...

Càng giải quẻ Tổ càng lo lắng và ân hận. Tiếc rằng đã lỡ viết rồi mà bỏ thì uổng văn của mình quá. Thôi đành chịu vậy! Tổ đành tiếp tục rặn ý viết thêm một “cẩm nang cứu giải” trong trường hợp khẩn cấp. Về sau trước khi tịch, Tổ bắt buộc đệ tử phải luôn truyền bá song song hai cẩm nang. Anh nào làm sai sẽ bị Tổ vật đừng trách! Song có vài đồ đệ sẵn tánh xấu ưa giấu nghề, bất chấp lời nguyền, vô ý một cách tính toán làm thất lạc bản gốc “cẩm nang cứu giải” nên Tổ giận lắm. Ðể tránh bị Tổ phạt, nên về sau, lễ Truyền thống nào cũng phải nhắc tới Thần Kiến trúc, thậm chí một vài năm có thêm cả lễ tế Thần kiến trúc cho chắc ăn là vậy.

Tổ tiên tri không sai. Nhiều năm gần đây khi xây dựng được mùa, ngoài KTS ra, tất cả kỹ sư, thầu tay ngang tay dọc đều có thể làm thiết kế kiêm xây dựng. KTS cũng nhảy vô làm thầu để cạnh tranh với đối thủ. Rồi ngoài ngành xây dựng ra, ngành nào có tiền cũng mở thêm công ty xây dựng được thoải mái. Muốn chất lượng cỡ nào cũng được đáp ứng tới bến. Hễ dính tới xây dựng là có tiếng, tốt xấu tính sau.

“Người người xây dựng, nhà nhà xây dựng, đâu cũng xây dựng được” búa xua. Riết đâu cần học kiến trúc cũng có thể xây nhà dễ ợt vì kiến trúc đã đại chúng hóa đến tận cùng của xã hội. Cứ ra đường là gặp dân Kiến Trúc. Hễ làm quen là anh nào cũng “xì” ra hàng cọc cái “cạc vi-sít” rải như truyền đơn nào là giám đốc, phó giám đốc, manager...tệ lắm cũng là một design supervisor (nói văn chương là “cai thiết kế”). Kèm theo thêm đủ chức vị “sư” này “sỹ” nọ đầy nhóc tấm “cạc”. Ðã lỡ tốn một lần thuê thợ thì phải yêu cầu thợ nó in nhiều nhiều chữ cho đáng đồng tiền bát gạo và xứng cái danh mình hằng mong ước. Tình hình này thì riết KTS chỉ khác với người ngoài duy nhứt ở cái bằng mà thôi. Tội gì học cho tốn tiền mất thì giờ nếu không muốn bon chen khoa bảng với chúng nhân. Ðất đai lên giá vô tội vạ. Ðất vườn, đất ruộng, đất tôn giáo, đất nghĩa địa... đều thổ cư hóa đến tột cùng mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu xây dựng của thiên hạ. Dân Kiến làm ăn ban đầu còn dễ dàng, càng về sau bị nhiều “ngoại đạo” dành ăn nên Kiến thật hay Kiến lụi chẳng ai biết nổi. Lợi dụng Kiến thiệt–Kiến giả dành ăn nhau, nhiều “ngư ông” nảy ra sáng kiến nhập vật liệu xây dựng, sách vở, các mẫu nhà trên thế giới vào để mà “đắc lợi”. Ðầu tiên là dụ cho khách hàng mua mấy cái catalô mẫu nhà từ lạ tới lập dị chưa từng có. Từ đó khách hàng sáng tạo kết hợp thêm nhiều kiểu từ nhiều nguồn tạo một phong cách kiến trúc cho riêng mình. Người ít học thì cứ tự do bắt chước cái có sẵn bên hàng xóm mà xây cho chắc ăn vì chẳng có ai chết mà sợ. Chưa có luật bảo vệ bản quyền kiến trúc của nên bà con cứ thoải mái chụp hình, cóp-py lại cái có sẵn và từ đó theo giống là yên bụng. Tất cả biến cái đất này thành cái thế “quần Kiến tranh thực”, tự do hơn cả thế giới tự do vì ai cũng làm xây dựng được mà không bị ai khác kềm hãm ý tưởng và hành động của mình. Các trường phái thế giới từ ngàn xưa đến nay tha hồ được phát huy và thí nghiệm trong cái thiên đường xây dựng này đến tận cùng ngõ hẻm. Chúng còn được vinh dự sánh vai kề bên nhau làm khu phố thêm đa đạng như một cuộc thi hoa hậu đường phố. Kiểu kiến trúc mới về ồ ạt, chưa biết chất lượng ra sao song nhiều người cũng đã thẳng tay phá sạch những căn nhà cổ vô giá của mình để “lên đời” cho thiên hạ nể. Rồi cái phố nhà ta nó trở nên phong phú với nhiều chủng lọai. Trường phái tân cổ giao duyên này đến nay chưa ai có thể định nghĩa được rõ ràng. Ðại khái nó tạm có cái tên dài, khá dài, dài vô tận: “Chino-greco-romano-franco-americano... vietnamese[1] . Bác sĩ còn phải lỡ tay giết ít nhứt vài người mới có kinh nghiệm để thành bác sĩ giỏi thì KTS trước khi nổi tiếng thì thiết kế tiêu tùng vài căn nhà là chuyện tất nhiên không chối cãi. Nên sẵn dịp này các Kiến thả cửa chế biến, nhào nặn các chi tiết kiến trúc từ nhiều nguồn tài liệu, nhiều công trình tham khảo để “dợt thử ” ý tưởng của mình. Nhiều anh rút kinh nghiệm ở dơ hồi trong trường rồi sản sanh ý tưởng lấy gạch cầu tiêu mà ốp mặt tiền nhà cho dễ rửa ráy, càng thêm sạch sẽ. Mấy anh sẵn tính lười thì có sáng kiến dùng cây nhựa cắm trong các bồn hoa cây xanh để đỡ mất công tưới tiêu, trừ sâu gì ráo mà luôn thấy thấy xanh rờn. Thí nghiệm vũ khí thì bị chống kịch liệt chứ thí nghiệm ý tưởng thì nhiều người còn khuyến khích nhứt là những người không bỏ cắc nào ra và mình chẳng mất mát gì mà sợ. Tạm tóm tắt thì bộ mặt mấy khu phố loại “kiến trúc nhà dân” được diễn tả như sau:

Quán thiên hạ đèn mờ, đèn tỏ
Phố nhà ta đủ kiểu: cửa vòm,
Lan can “bà chửa” khum khum,
Hoa văn “rồng lộn”, cột lùn, cột vuông
Sơn trắng xóa trên tường ba mặt
Gạch vệ sinh ốp lát mặt tiền.
Phù điêu vằn vện ốp lên,
Tượng Lân, Sư, Chó dựng bên lối vào.
Mái đủ loại muôn màu muôn cách
Tượng đại bàng tung cánh phía trên,
Trong nhà, bồn tắm như tiên,
Kiểu nằm, kiểu đứng lại thêm kiểu ngồi.
Ðủ vật liệu, ôi thôi! nội thất
Kiểu Việt, AÂu, Trung Quốc lung tung,
Ðài Loan loè loẹt đèn chùm,
Hy-La, “Gô-tích” um tùm hoa văn.
Thang xương cá tung hoành uốn lượn,
Cạnh quầy bar ngất ngưỡng giữa nhà,
Kề bên: hồ cá, bồn hoa,
Salon đồ sộ kiêu sa muôn màu.
Phòng giải trí thần sầu, lác mắt,
Karaoke, dàn nhạc, video...
Sắm toàn đồ hiệu cho kiêu,
Sao cho lác mắt bao nhiêu người ngoài...

Song song phần “xịn” của “chợ” xây dựng thì cũng có phần “dỏm” mà giới bình dân gọi là “chợ trời xây dựng”. Ai vào đó đều tự do thiết kế, thi công, tính toán, thoải mái kỳ kèo mọi thứ trong xây dựng từ tiền thiết kế phí, thời gian thực hiện, chất lượng công trình, vật liệu,... ngay cả kết cấu và tải trọng công trình nếu cần cũng sẵn sàng được anh em trả giá miễn cho nhẹ tối đa kinh phí. Ðúng luôn theo nghĩa “chợ trời” trong thực tế với kết quả và hậu quả của nó. Vì tiền là căn bản, mục đích nên tất nhiên cũng có tệ nạn trung gian đủ chủng loại: cò nhà, cò giấy phép, cò mô hình, cò phối cảnh, chuyên gia quảng cáo thiết kế cho các công ty, buôn lậu (làm xây dựng không chính thức), và cả... Kiến tặc, Thầu gian (chôm ý tưởng công trình, làm lụi, vẽ lụi, xây ẩu... rồi... ôm tiền quất ngựa truy phong). Lâu lâu cũng có những vụ thanh toán nhau vì tiền đúng bài phim Tàu, phim Mỹ. Chưa nói tới mấy trò “thanh lý môn hộ” lặt vặt thì nhiều không kể xiết.

Nói riêng về loài Kiến hai cẳng, trong thời buổi nhiễu nhương này số Kiến chúa thành công thì ít mà số thất bại hay đi làm Kiến thợ thì đông vô kể. Kiến thợ cũng bị Kiến chúa bóc lột và xù tiền như ai. Thây kệ trong trường trước đây là “anh em” chứ ra trường thì “chúng ông, chúng mày” ráo! Rồi “bôi mặt đá nhau” không ai cấm. Dân Kiến tốt bụng thì lại chẳng khi nào nói khoe khoang ào ào ra ngoài nhiều nên thiên hạ chẳng ai biết rõ đâu mà tìm, trừ khi có khách quen giới thiệu tới. Khắp nơi tràn lan Kiến thợ, đa số là bị buộc “bán thân” cho “lầu xanh Thiết kế” để cong lưng vẽ hoài theo ý của người khác phứt cho rồi mà chẳng được tiền bao nhiêu. Ðường đường là một Ðại Kiến trúc sư mà lúc nào cũng phải bị “e thẹn cúi đầu” trước thu nhập của mấy ả “hàng một triệu” mới tức chớ.

Cái kiếp “sống nhờ lương” mà lương không đủ sống thì sướng nhờ cái chi chi nữa hở trời!

Thỉnh thoảng có thấy mấy anh sinh viên ra trường năn nỉ xin làm không công cho mấy văn phòng KTS để học thêm nghề. Thời thế bắt mấy bác sĩ “chạy“ xin làm không công cho bịnh viện vài năm mới được ra làm phòng mạch tư chưa đủ sao mà bây giờ lại tới lượt hành hạ loài Kiến hai cẳng?

Trong sự bùng phát xây dựng tất nhiên gặp nhiều thủ tục khách hàng phải giải quyết. Thì tất cả đều sẵn sàng có người chạy lo phục vụ khách hàng tới nơi tới chốn. Kiến nhà ta để tiếp tục cạnh tranh tồn tại thì ô-kê “lãnh sô” chơi đại luôn cho công việc xong tới nơi tới chốn. Riết rồi từ chuyên môn ban đầu là khâu thiết kế, Kiến nhà ta liều mạng thực tập dần để làm căn nhà thân chủ từ a-z một mình. Có Kiến sau khi thiết kế xong thì đứng ra làm “cò” thi công cho thân chủ luôn để vét hụi kế. Nếu công trình gặp sự cố thì lại nghiêng về thân chủ làm bộ tư vấn mà xúi thân chủ lấy lý do chất lượng thi công kém mà trừ tiền thầu cho bỏ ghét vừa để tiết kiệm tiền. Nếu êm xui thì đứng nghiêng qua ông thầu mà đòi phần trăm. Do đó luôn được lòng một trong hai bên và thừa cơ bắt tiếp các công trình khác. Anh nào tệ lắm cũng biết chỉ đường cho khách “chạy” sao cho đúng chỗ , đúng thầy, đúng thuốc. Nhưng khi rành rẽ các khâu thủ tục thì nhiều Kiến lại “lục” tay nghề dần. Có anh đạt đến tuyệt đỉnh võ công chỉ bằng độc chiêu ký giấy. Vì trong dân gian đã có câu rằng: “Một tràng chất xám thua đám nước bọt, đám nước bọt không bằng giọt bút bi” là thế.

Khi kiếm ăn càng dễ dàng thì Kiến cũng như lòai khác càng giảm bản năng sinh tồn tức là không còn bền bỉ nghiên cứu chuyên môn cho mệt xác trong khi “chạy ngòai” hiệu quả hơn. Thấy khách hàng không rành chuyện xây cất thì cũng chẳng ai tội gì vẽ kỹ, cứ “thi công tới đâu binh sửa sai tới đó”. Vì vậy thấy hoài chuyện nhiều nhà xây xong phát sinh đủ sự cố mẹ, sự cố con, trong khi...

Rủ nhau, Kiến tặc, Thầu gian,
Ôm tiền chạy sạch, cùng ăn chia lời,
Chúng ông đã trốn đằng trời,
Chủ nhà ở lại chịu đời đắng cay...

... với mọi hậu quả phát sinh không lường trước được.

Ðất đai lên giá vùn vụt, xây dựng thoải mái, nghề xây dựng thu tiền như nước, hỏi ai hổng ham? Thấy miếng mồi quá ngon trước mắt thì việc giành ăn xâu xé không tránh khỏi.

Tại vậy mà xưa nay, bên Tây có câu: “Qui terre a, guerre a” [2] . Quả là chí lý!

Rồi đời sau có thơ vịnh rằng:

... Cảnh xâu xé loi nhoi lúc nhúc,
Như cá tra giành giựt mọi ngày,
Sặc mùi “Ðại Kiến” bậc thầy
Mồm loa mép dãi, lưỡi dài hơn râu.
Trò “bảy chữ” thuộc làu như cháo,
Chiêu “tám nghề” chơi bạo thẳng tay,
Corbusier phải chạy dài,
Kenzo Tange thấy mặt mày thất kinh...

Thị trường béo bở tất nhiên bị liệt cường xâu xé như Trung hoa đời cuối Mãn Thanh. Các Kiến, Thầu trên toàn thế giới đổ xô vào để chia lợi nhuận. Thôi thì khắp nơi nhan nhản tập đoàn “hàng ngoại” với chất lượng và giá cả đáng nể. Không ai cấm những tay Kiến tặc, Thầu gian “ngoại nhập” tràn vô khi không còn đất sống bên bản quốc. Cũng Kiến này Kiến nọ mặt mày bảnh tỏn, ăn nói miệng dẻo quẹo đi dụ khách hàng đúng họ Kiến nhà ta. Ban đầu còn chảnh chỉ tuyên bố nhúng tay vô các “độ” công trình lớn. Dần dà thất thế vì nội lực yếu thì công trình “nhà dân” hay trang trí lặt vặt họ cũng chẳng từ. Khách hàng vốn quá sợ các “gian tặc” nội địa thì khi vừa thấy “hàng ngoại” tất nhiên sẵn sàng bỏ số tiền lớn ra thuê mà không cần thắc mắc, trả giá. Trúng tay “Kiến tặc” ngoại nhập thứ dữ thì kể như tiền nào họa nấy và tệ hơn với nhiều ý tưởng lông lá ngoại bang chưa từng có xưa nay. Dân tứ xứ đổ về phải luôn hợp tác nhau cho tăng thế lực để cạnh tranh với lực lượng nội địa hùng hậu sẵn có. Cứ thế nên dần dần hàng trăm “ông khổng lồ“ về quy hoạch, xây dựng, địa ốc xịn, dỏm nhảy vô đây tha hồ giựt dây cho giá nhà lên cao thả cửa. Dân đen bị lóa mắt trước mấy chân dung tươi rói của “thần tượng Franklin” hay mấy cục “999” bóng lộn nên cứ bán đất củ chạy mua nhà chỗ khác liên tục. Thơ rằng:

...Cảnh chụp giựt tràn lan bát nháo,
Quậy lung tung, nổ láo kiếm tiền.
Chỉ thương một lũ dân đen,
Nghe tin giải tỏa mấy phen hết hồn...

Tuy vậy có nhiều Kiến “ngoại” vô đây hợp tác nhau rồi bị “dính chấu” ôm nhau chết chùm vì bên nào cũng tưởng bên kia giỏi hơn mình để mà dựa hơi nhờ vả. Nếu có đụng chuyện kiểu gì thì rồi công trình cứ bỏ phế đó mặc cho khách hàng méo mặt tự xử phần còn lại với hầu bao đã bị rút sạch.

Khi Kiến chúa ngọai vào đây buộc lòng phải tìm Kiến thợ nội địa như các lực lượng lính “khố đỏ, khố xanh” làm sức mạnh. Và để chỉ huy đám lính này cũng cần có đầy đủ Kiến bộ sậu nào là Kiến thầy đội, thầy cai, cập-rằng, thầy thông hay cô ký, loong-toong chạy việc..., chưa kề cả mấy “me”, mấy “bồi” ngoài biên chế, nội ngoại nhiều ít tùy theo nhu cầu công việc và tình cảm. Gặp Kiến chúa tài giỏi và nhân từ thì anh em nhà Kiến thợ đỡ khổ dù áp lực công việc căng thẳng hơn nhiều nơi khác, nhưng bù lại có dịp học hỏi trau dồi nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Ðó chỉ là cái phúc tí ti.

Than ôi! Lương cao thì cao (trung bình 200-500 usd/tháng, trong khi một lượng vàng khoảng 500 usd) nhưng thử đọc sách truyện sử rồi dại dột đem lương mình ra so sánh thì biết. Bảo đảm sẽ không ai cầm được nước mắt vì lương hàng tháng thời ấy của một cung nữ hay thái giám cũng đã tròm trèm 3 lượng! (cứ thử đọc bộ “Nam Quốc Sơn Hà” của Yên Tử cư sỹ Trần Ðại Sỹ thì rõ). Buồn thay! Trong khi lương một sếp ngoại quốc thì trung bình 2500-4000 usd/tháng.

Cái họa không nhỏ nếu Kiến nào lọt vô ổ Kiến “lụi từ trên xuống dưới”. Từ lão Kiến Chúa “tiền nhiều hơn chữ” đến một đám Cai, Ðội tài năng, đạo đức chẳng ra gì và nói nhiều hơn làm. Rồi thêm một đám lâu la tay sai chỉ biết nhắm mắt tuân lịnh núp dưới đuôi mấy quan thầy. Mấy xếp dùng “mồm miệng đỡ tay chân” tha hồ trây trét công việc. Có gã xếp, để có dịp rút kinh nghiệm thiết kế, nhắm mắt nướng quân thả cửa để “thí nghiệm chiến trường” thiết kế với nhiều ý đồ quái đản và bất khả thi. Lính Kiến không làm được thì cũng sẵn có mấy tên Ðội, Cai tha hồ chửi đổng mà chẳng sợ bị kiện cáo gì vì mấy tiếng ấy không nằm trong tự điển thì đếch anh Kiến nào hiểu được! “Bảy chữ tám nghề” được chuyên môn hóa lẫn hiện đại hóa bằng mọi phương tiện vi tính đi sau miệng lưỡi. Tất nhiên dẫn đến tai họa từ “charette” đến hậu quả thiết kế là không tránh khỏi mà “bom đạn” lỗi lầm được trút thả ga lên đầu đám Kiến thợ với lý do chất lượng hồ sơ không đạt, cũng vừa là nhằm “đỡ đạn cứu nguy” cho trách nhiệm quản lý. Từ đó mấy thầy chú mới có cớ ép buộc đám Kiến thợ tự nguyện làm ngòai giờ miễn phí thường xuyên mà không oán trách được do trình độ ngoại ngữ Kiến thợ không đủ để lý giải biện bạch “tay đôi”. Ðám tay sai nghẹn họng vì lương không còn sức lên tiếng đấu tranh bảo vệ “người đằng mình”. Nhiều anh chị bị cho “lên đường” oan mạng chỉ vì lương tâm nghề nghiệp buộc họ bất tuân thượng lệnh hơn là vì trình độ kém. Nhiều anh bị đuổi do “gian thần sàm tấu” mà mình không đủ từ vựng để tự bào chữa. Nguyên nhân quái đản hơn là tài mình quá giỏi nên xếp quê độ tống khứ đi cho rảnh mắt để khỏi mất công ganh tỵ. Rốt cuộc chẳng ai thưa kiện được ai vì chứng cớ đều là lời nói bị gió bay mất. Con Kiến kiện củ khoai còn chưa nên thân thì kiện cái gì nữa được? Công cuộc “đánh nhỏ thua nhỏ, đánh lớn thua lớn” cứ kéo dài dài tùy theo nguồn “đạn dược” của ổ Kiến, miễn sao lợi ích cá nhân của mấy Kiến sếp chóp bu không sứt mẻ là được. Có người đồn rằng bên nước ngoài cũng có đường dây “chạy” bằng cho mấy sếp trước khi vào đây hành nghề nên mới xảy ra mấy tệ nạn trên. Chẳng biết có đúng không? Trước mắt là một chuyện thật 100% như sau: tại một công ty thiết kế kiến trúc 100% vốn nước ngoài nọ có một ông Kiến Tây chức vụ “Ðê-em-mờ” (D.M: design manager) với thành tích trên lý lịch 15 năm hành nghề (nghe kinh lắm!). Cách “binh” bài độc nhất vô nhị của ông là: dùng máy scan mấy công trình kiến trúc trong tạp chí sau đó sai “lính” dùng photoshop xử lý lại ít mắm muối, ghép qua ghép lại làm ra tác phẩm của mình, cũng như lấy nhiều thành phần bản vẽ khác nhau của thiên hạ chế thành bản vẽ mới vừa tăng thêm tính đa dạng về phong cách. Binh bài thì binh từ phối cảnh trước, rồi suy ngược về mặt bằng. Thậm chí còn bắt mấy xì-táp (staff) thể hiện các mặt bằng chi tiết lát gạch nền nhà hay địa hình khu đất quy hoạch bằng phối cảnh thì ông mới chịu đọc (!). Ông có cái bạo gan là bố trí quy hoạch sân tennis hay mấy sân thể thao ngoài trời khác theo đủ tám hướng tùy theo ý thích của mình cho đã mắt. Cái biệt tài này của ông mới ác đạn: giải quyết trường hợp ý đồ bị “lủng” do lỡ “binh” công trình lấn vọt ra ngoài ranh đất. Cách thức đơn giản nhẹ nhàng thôi: cứ tiếp tục “binh” lấn ra ngoài xả láng và giải thích một cách cực kỳ trí tuệ:“ Ðề nghị của nhà thiết kế: yêu cầu khách hàng mua thêm phần đất bên cạnh như vầy... như vầy... theo bản vẽ này để tăng giá trị của công trình mới”. Hay chưa? Ðã vậy sẵn quyền sinh sát trong tay nên hể bị “bể ổ” là ông luôn đổ thừa lỗi cho cấp dưới rồi đuổi người như ngoé khiến nhiều anh chị tài giỏi đều bị nhục vì mang tiếng oan là bất tài không ít... Ở bên Việt Nam mấy “kiến ngoại” không nhiều nên ai có nhu cầu tìm gặp ông này để trau đổi kinh nghiệm thì cứ hỏi thăm dần là tìm được ông ngay. Mấy Kiến buồn đời kể chuyện ra ngoài để dãy bày tâm sự lại bị thiên hạ chê là xạo vì ai cũng tưởng đã là công ty “ngoại” thì phải đàng hoàng hơn công ty “nội” nhiều (?!).

Tức khí sanh tình, lợi dụng tính chiến đấu của thơ văn mà có mấy bài thơ được vài Kiến thi sỹ mô tả lại kiếp nạn của dân Kiến “khố đỏ, khố xanh”:

Ai ơi! Vẽ lụi cho mau!
Xếp cần phối-cảnh làm câu trau mình.
Scan tài-liệu công-trình khắp chốn,
Chép CD ảnh bốn phương trời,
Thu gom chi tiết nơi nơi,
Xì-keo (scale) từng bộ-phận rời ghép vô.
Photoshop chơi trò mà mắt,
“Mắc-3D” (3D-Max) thêm-thắt đại tài.
Công-trình tứ xứ về đây
Như hoa đậu trái, như cây thêm cành.
Theo trường-phái “Ngoại Tình Kiến-trúc”
Lắm “con rơi”, bức-xúc anh em.
Làm đêm thân xác rã mềm,
Sáng ra đổi ý, kéo thêm tới chiều
Mặc ai nấy tiêu-điều mỏi mệt,
Tiền ngoài giờ, xếp đếch xì ra,
Việc thì trây líp ba-ga,
Trây lui trét tới, trét qua trây về.
In khổ lớn, ép-phê cuồn-cuộn,
Giấy photo ấn-tượng sửng-cồ.
Giao-thông phối-cảnh sơ-đồ,
Mô-hình cơ-cấu, họa-đồ dọc ngang
Ảnh phối-cảnh kinh-hoàng thiên-hạ,
Ðủ mọi “viu” (view) thấy cả đề-tai (detail),
Châm vào mắm muối lai-rai,
Cứ theo “mửng” ấy, đúng bài là êm...
...xuôi theo kiểu “xêm xêm lai thít” (same same like this)
Xếp nhà ta là “típ” anh tài,
Xẻo-xui “bể ổ ” tầy-huầy,
Ðổ thừa ai đó, cho ngay “lên đường”
“Người thay của” chuyện thường ở huyện.
“Của hơn nguời” hết chuyện lạ đời.
Dựa theo phối-cảnh tuyệt-vời,
All you! See that, mau ngồi triển khai!

“Im-mê-điát! Tu-đai, đu-ít! (Immediate, today, do it!)
Thít uyệc-giăng! Phi-nít tu-nai! (This urgent! Finish tonight!)
Bic-gơ! mo đạc! mo lai! (Bigger! More dark! More light!)
Cất hia! pát thít! thát rai,... Ố-kề! (Cut here! Paste this! That’s right, OK!)
Tú-đờ xuýt, stốp-pê men-nẳng! (Tout de suite, stoppez maintenant!)
Ðề-mẹc-đê, giơ mẳng phú xa! (Demerdez, je m/en fous ca!)
Tu phu xơ truyếc là ba! (Tu fous ce truc là-bas!)
Vẻng xi! xken vít puộc moa xơ là! (Viens ici!, scannes vite pour moi celà!)
A-lê vít! Pát xà oong nốt! (Allez vite! Passes à un autre!)
Phu troa-đê ken giốt ốp-xông!... (Fous 3D quelques autres options!...)
Sa-lô! Mẹt!Tú lơ mông! (Salaud! Merde! Tout le monde!)
Tút en-ca-páp đờ com-prăng-drờ!” (Tous incapables de comprendre!”) [3]

Thầy Ðội giận, chửi xơ chửi xói,
Ðếch lạ chi “nhất Ðội nhì Trời”!
Tay thì trây việc rối bời,
Mồm phun mắm muối chẳng thôi bao giờ.
Mùa cao điểm nổi lo không dứt,
Tìm Cập-rằng phụ giúp thầy Cai,
Tuyển dân kiến-trúc sắc tài,
3d, Phô-(tô)-sốp để xài dài lâu...
Khiến lắm kẻ lo sầu méo mặt,
Tựa cung phi nhan sắc “về chiều”
Hết thời, thất sủng hẩm-hiu,
Lãnh cung rộng mở, đìu-hiu tháng ngày...
“Cục cưng mới” xếp xài mửa mật,
Xếp ra “quần”, vô “quật” tới lui,
Thừa cơ, Cai “dí” túi-bùi (túi-bụi),
Dựa oai, chấm mút dưới đuôi quan thầy.
Búa-xua cảnh tối ngày “sa-rết”(charette)
“Tống” việc xong, mới biết mình hay,
Kèm theo sản-phẩm dẫy đầy,
Nhân viên ai có dám xài hay chăng?

Một bài khác:

“Chợ trời thiết kế” biết hay chưa ?
Ngất ngưởng “lầu xanh”* trọn bốn mùa.
Làm đêm miễn phí bao nhiêu bận ?
Của ở người đi đã mấy phùa ?
“Cải tạo thiết kế “ khi nát bét.
“Cấp cứu công trình“ lúc te tua.
Khố đỏ, khố xanh, đây, đủ cả,
Cập-rằng, Cai, Ðội “quất” từa lưa.

* vì bấy giờ công ty ấy thuê mặt bằng tại một cao ốc sơn màu xanh.

Có thêm một bài vè đang lưu truyền:

Chuyên môn là ta,
Ba hoa là xếp
Khó khăn trùng điệp,
Giải quyết mặc ta
Xếp ưa đàn bà,
Ta là đàn ông.
Xếp “binh” lòng vòng,
Ta làm bỏ mẹ,
Xếp ưa ọ ẹ,
Ta buộc lắng tai,
Xếp biết mình sai,
Ta đã bị bay ...
“lên đường” vĩnh viễn!

Với cách này thì mới hy vọng thiên hạ ai cũng thấu hiểu và Kiến nào cũng “thấm dần kinh nghiệm vào đầu” rồi liệu mà giữ mình sau này...

Chuyện đời Kiến viết không tài hết dù dùng sạch cả rừng trúc Nam Sơn. Lấy hết nước biển Ðông cũng không gột hết nỗi nghiệp chướng đeo đẳng dân Kiến.

Ôi thương thay!

Mà vẫn có người say mê Kiến trúc và lỳ lợm dấn thân vào.

Je ne regrette rien,
J’avance. [4]
(Paul Éluard)

Thật đáng phục những người ấy!

Trân trọng biết ơn nhiều đồng nghiệp đã tậm tâm bổ sung ý tưởng cho bài.

“Sự thật luôn bị che giấu nhưng vẫn tồn tại mãi mãi”. Chuyện kể chơi rủi có sai cũng không ai chấp vì mục đích chỉ mua vui mà chẳng hại ai, không có ý xuyên tạc bất cứ ai. Tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm khi có kiện cáo về những việc trên.

Bắt đầu viết 3-3-2004 lúc giờ Thân (Ðịa-Thiên Thái – Ðịa-Trạch Lâm). Viết xong sơ bộ ngày 17-3-04. Hoàn thành ngày 22-4-04. Lúc giờ Hợi (Ðịa Lôi Phục – Thuần Chấn).

© 2004 talawas


[1]“Trungquốc-hilạp-la mã-pháp-mĩ... việtnam”
[2]“Ai có đất thì có chiến tranh”
[3]tạm dịch:
Lập tức, hôm nay, làm ngay!
Cấp bách! Làm xong đêm nay!
To hơn! Tối hơn! Sáng hơn!
Cắt đây! Dán chỗ này! Ðúng rồi, được!
Lập tức! Ngưng liền!
Mánh mung, bất cần!
Mi làm hư chuyện!
Ở đó! Tới đây! Quét mau cho ta cái này!
Gấp lên! Qua cái khác!...
Kệ sát 3-chiều chọn cái khác !
Ðiếm thúi! Cứt! Tất cả mọi người!
Tất cả không có khả năng hiểu nổi!”
[4]“Tôi không hối tiếc/ Tôi tiến tới”