Nhà phê bình và lý luận văn học nổi tiếng Pháp và có lẽ là của phương Tây là Tzvetan Todorov (ông là người Pháp gốc Bulgaria) trong lời tựa cuốn sách
Phê bình của phê bình (Critique de la critique), Seuil, 1984. Tôi không có bản tiếng Pháp, phải sử dụng bản dịch tiếng Anh của Catherine với nhan đề là
Văn học và các nhà lý luận của nó (Literature and its Theorists), Cornell University Press, 1987 có một đoạn rất quan trọng như sau:
Ý niệm của chúng ta về văn học và bình luận văn học không phải đã có từ buổi bình minh của lịch sử. Sự xác định bản thân khái niệm “văn học” và tất cả những gì thuật ngữ đó kéo theo như hiện nay là một hiện tượng cách đây không lâu, mới từ cuối thế kỷ XVIII. Trước đó, cố nhiên người ta đã có thể xác định các thể loại lớn (thơ, tự sự, kịch) cũng như các thể loại đó bao gồm là một cái gì đó rộng hơn cái mà ngày nay chúng ta gọi là văn học. “Văn học” ra đời từ một sự đối lập với ngôn ngữ thực dụng, ngôn ngữ này tìm lý do tồn tại của mình ở bên ngoài nó; trái lại, văn học là một thứ ngôn từ tự thỏa mãn nơi chính bản thân mình. (Tôi nhấn mạnh hai chữ “đối lập” và toàn câu này – TTĐ). Điều này dẫn đến một mặt sự mất giá của các mối quan hệ giữa tác phẩm với những gì mà nó dẫn giải hoặc hoặc diễn tả hoặc giáo huấn- tức là giữa bản thân tác phẩm với tất cả những gì bên ngoài nó; mặt khác, nó tập trung chú ý đến cấu trúc của bản thân tác phẩm, đến sự đan kết lẫn nhau ở bên trong đoạn mạch, các đề tài, các hình ảnh của nó. Từ các nhà Lãng mạn, đến các nhà Siêu thực và các nhà Nouveau roman (tiểu thuyết mới), các trường phái văn học khác nhau, tất cả đều tuân theo các nguyên tắc cơ bản này, mặc dù các trường phái ấy có thể khác nhau trên các chi tiết và hệ thuật ngữ. Khi nhà thơ Archibald Maclesh trong một bài thơ nổi tiếng có tính chất cương lĩnh của ông viết rằng:
Một bài thơ không có ý nghĩa gì cả
Nó chỉ tồn tại
(A poem should not mean
But be)
thì ông chỉ đưa ra cái xu hướng văn học tự thân này đi đến cực đoan: bản thân ý nghĩa được cảm nhận như cái gì hoàn toàn bên ngoài.
(Sđd. tr.4).
Trong sách
Dẫn luận lý luận văn học (Literary Theory – An Introduction, Basil Blackwel Ltd, 1986), tác giả là Terry Eagleton, một nhà lý luận Anh tự xưng là mác–xít đã viết trong chương I: “Dẫn nhập: Văn học là gì?” một đoạn văn như sau (chú ý có ngữ điệu phê phán):
Có lẽ người ta cần một cách tiếp cận khác đối với văn học. Có lẽ văn học được định nghĩa không phải bởi vì nó có tính hư cấu, tính tưởng tượng hay không mà bởi vì nó sử dụng ngôn ngữ theo một cách riêng. Theo lý thuyết này, văn học là một cách viết, theo lời của nhà phê bình Nga Roman Jakobson trình bày, đó là một sự cưỡng bức (hay một thứ bạo lực - violence) có tổ chức đối với ngôn ngữ bình thường, làm lệch lạc nó một cách có hệ thống so với ngôn ngữ hàng ngày.
(Sđd.tr.2).
Chính vì quan niệm về văn học như trên cho nên các nhà lý luận trên đây đều luôn tôn vinh các nhà hình thức chủ nghĩa Nga đầu thế kỷ XX, xem họ là thủy tổ của lý luận văn học hiện đại. T.Todorov vốn là người Đông Âu thông thạo ngôn ngữ Slave hơn các đồng nghiệp phương Tây nên chính ông cùng với R. Jakobson đóng vai trò tiên phong trong việc “phục sinh” chủ nghĩa hình thức Nga cũng như sau này lại tán dương M.Bakhtin (vì lý do chính trị nhiều hơn là lý do học thuật). Còn T.Eagleton thì cho rằng thời điểm khởi đầu của lý luận văn học hiện đại là năm 1917, khi Victor Chklovski xuất bản bài tiểu luận
Nghệ thuật như là thủ thuật (
Iskusstvo kak priom – Art as Device), mặc dù chính ông đã thừa nhận là tác giả cùng với số đông các nhà lý luận cùng quan điểm với ông, trừ một vài người như Roman Jakobson gốc Do Thái, ly khai và lưu vong, tất cả sau đều từ bỏ chủ nghĩa hình thức, tham gia cách mạng Bôn sê vích sau năm 1917, trở thành các nhà lý luận kiệt xuất của văn học Xô Viết (Cũng giống như đa số các nhà “Thơ Mới” của ta từ bỏ thơ mới để tham gia cách mạng sau 1945, nhưng sau đó lại có một số nhà phê bình nhiệt tình quá cỡ “phục sinh” và “tôn vinh” họ hơn cả chính họ). Ngoài bản thân V. Chklovski còn có những người như B.Tomachevski, V.Vinogradov,… (mà ngày nay người ta giả vờ như chưa từng có họ trên đời và trong lĩnh vực thi pháp, thi học), đã trở thành những cây đại thụ văn học và ngữ học Xô Viết. Dù các nhà lý luận lưu vong và ly khai nói trên cùng các “đồng chí” của họ ra sức che giấu, song cái đuôi bài Xô, chống Cộng của họ vẫn thường lòi ra, và chính thái độ chính trị khoác áo học thuật đó đã góp phận đưa họ lên trên cả những nhà lý luận chân chính của các nước phương Tây, để trở thành các “ngôi sao” lý luận của khu vực này trong thế kỷ XX. Một khi phong trào bài Xô chống Cộng sau “chiến tranh lạnh” nguội đi thì trong thực chất, các ngôi sao này vụt tắt, các nhà lý luận tiên phong này “mèo lại hoàn mèo”. Khi chủ nghĩa cấu trúc trong lý luận, chủ nghĩa hiện đại trong sáng tác mất thiêng, phải thay bằng chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại hợp thời, hợp mốt hơn, thì các nhân vật này trổ tài cơ hội đi tiên phong phê phán cái tín điều ngày xưa của mình, trở lại “ve vãn” “làm ăn” với chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hiện thực. Như T.Todorov đã trở về song làm ra vẻ xướng xuất một “
Chủ nghĩa phê bình đối thoại”
(A Dialogic Criticism) sau khi đối thoại với các nhà lý luận đủ mọi khuynh hướng của phê bình phương Tây trong đó có những người rất đứng đắn. Tôi không tính T.Eagleton vào nhóm cơ hội này, ông là người Anh, thủy chung tự nhận là mác xít (phương Tây) nên đi đến kết luận trong sách
Dẫn luận lý luận văn học của mình bằng chương “mác xít hơn cả Marx”: “
Chủ nghĩa phê bình chính trị” (Political Criticism), sau khi làm một cuộc hành trình từ Hiện tượng luận, Giải thích học, lý thuyết tiếp nhận, Chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc, Phân tâm học,… với những lý giải và phê phán cũng khá xác đáng và có phần sâu sắc. Dĩ nhiên, ngoài các “ngôi sao” như T. Todorov và một số nhà lý luận “xuất sắc” khác ứng thời xuất hiện và tung hoành thì một số đông các nhà học giả đứng đắn, trầm tĩnh, sâu sắc vẫn giữ vị trí uyên bác của mình tại các trường đại học và các diễn đàn tri thức khác, chưa nói các nhà lý luận, phê bình “cánh tả” vẫn mài sắc ngọn bút phê bình lý luận của mình trên trực tuyến văn học dấn thân vì hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền, tiến bộ xã hội chân chính. Dĩ nhiên, trong thế giới phương Tây, họ khó mà trở thành “ngôi sao” mà rất dễ trở thành “cái gai” hoặc trở thành bơ vơ…
Nhà thơ Tố Hữu của chúng ta viết về Nguyễn Du thế kỷ XVIII mà có quy chiếu đến các “Nguyễn Du” của phương Tây thế kỷ XX:
Hỡi lòng tê tái thương yêu/ Giữa dòng trong đục cánh bèo lênh đênh/ Ngổn ngang bên nghĩa bên tình/Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao/ Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào/ Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường. Tìm đường cho cuộc sống có ý nghĩa giữa xã hội tao loạn đã khó, tìm đường cho văn học trong bối cảnh dòng trong dòng đục chen nhau phải đâu là sự dễ? Thế kỷ XX đã thế, thế kỷ XXI nào có thuận lợi hơn? Tôi vẫn nghĩ: đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội có khi còn khó hơn đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, vì thứ chủ nghĩa này chuyên dùng hàng gian, hàng giả, hàng nhái, luôn luôn thay đổi màu sắc. Phải chăng lịch sử đang lặp lại ở điểm này khi đoạn ráp ranh thế kỷ XX - thế kỷ XXI có cái gì đó đồng dạng với thời đoạn giáp ranh thế kỷ XIX – XX, khi trung tâm cách mạng chuyển rời về phía Đông và V.I. Lenin nối bước K. Marx và F.Engels. Các nhà tương lai học dự báo một sự trỗi dậy của châu Á và phương Đông trong thế kỷ XXI không phải là không có căn cứ. Nhớ lại bài viết của Lenin:
Châu Á văn minh, châu Á dã man. Nghịch lý bao giờ cũng là bề ngoài của thuận lý.
Tôi xin trở về với sai lầm thế kỷ trong lý luận văn học phương Tây – đúng ra chỉ là một bộ phận thôi, bộ phận nổi lên bề mặt của hệ thống lý luận ấy. Thứ lý luận này xuất phát từ một
tiền đề sai lầm về căn bản, được đúc kết trong nguyên lý được dẫn ở đầu bài này của T. Todorov, phụ họa theo hay được phụ họa bởi R. Jakobson. Hạt nhân của nguyên lý sai lầm này là ở hai chữ “
đối lập” (
opposition)
giữa ngôn ngữ nghệ thuật của văn học với các loại hình ngôn ngữ khác của xã hội, của nhân loại, từ đó các nhà lý luận này dựng một bức Vạn lý trường thành hay chiến lũy Maginot giữa văn học từ thuở khởi đầu của lịch sử với “văn học” từ thế kỷ XVIII trở đi. T.Todorov nói đó là từ phong trào Ánh sáng và Chủ nghĩa lãng mạn (không phải ở Pháp mà ở Đức, nên mới lấy khởi điểm là thế kỷ XVIII). Đó thực sự là một sai lầm về nguyên lý, cắt đứt quá khứ, cách tân với truyền thống, phất ngọn cờ nổi loạn của chủ nghĩa tiền phong, chủ nghĩa cấp tiến, san bằng quá khứ để xây dựng hiện tại. Nhưng “đuổi cái tự nhiên đi, nó sồng sộc chạy về”, “văn học” mới không thể đối lập với “văn học” cũ được, ở phương Đông hay ở phương Tây đều như vậy: phi cổ bất thành kim. Hơn nữa ở đây, các nhà lý luận cực đoan này còn đối lập văn học cổ với kim bằng cách đối lập hai thứ ngôn ngữ: văn học và phi văn học, nghệ thuật và phi nghệ thuật, cho rằng một bên thì hướng nội (tự thỏa mãn với mình), một bên (mà thực ra là tất cả các lĩnh vực còn lại của ngôn ngữ văn hóa và văn hóa ngôn ngữ) thì cho là hướng ngoại, đi tìm lý do tồn tại của mình ở bên ngoài về phương pháp thực chất là một sự ngụy biện tinh vi. Chính từ đó mà sinh ra các khái niệm mới như
immanence, intransitivity, self – sufficience, non – referentiability (tự khép kín, không chuyển giao, tự thỏa mãn, không quy chiếu – TTĐ tạm dịch), “sự cưỡng chế từ trục đối vị lên trục ngữ đoạn “, v.v. và v.v…, cùng với bao nhiêu thuật ngữ rối rắm và rắc rối khác. Các nhà “lý luận văn học” này biện minh rằng: nghiên cứu văn học là một khoa học cũng giống như thuyết tương đối, thuyết lượng tử, nó khó hiểu, rắc rối là chuyện thường, anh không hiểu vì anh ngoại đạo, anh không thể bước vào cái mê hồn trận của hệ thống thuật ngữ của chúng tôi. Trước đây, người ta từng dọa đại chúng nhân dân: văn học là ngôi đền thiêng không dành cho bọn phàm phu tục tử, bây giờ, lý luận văn học cũng thế, nó trở thành một thứ mê cung, bát quái trận đồ, nếu không phải Dédalle và Icar thì không điều binh phá trận được. Chủ nghĩa cấu trúc ra đời trong lý luận, chủ nghĩa hiện đại tung hoàng trong sáng tác, “phê bình mới” đứng ở giữa đem cái này giải thích hay giải mã cái kia, đem cái kia minh họa và phụ họa cho cái này, càng triển khai càng chui sâu vào cái sừng trâu bế tắc, tắc tị. Sáng tác cũng như phê bình thi nhau làm xảo thuật. Những thứ này ở Việt Nam ta, một bài thơ “thuận nghịch độc” cũng đã khéo gấp 10 lần. Dù lập luận, biện giải quanh co, song đây là một sự đối lập giả tạo giữa “viết cái gì” và “viết thế nào”, cho rằng chỉ có văn học mới trau dồi hình thức (thế nào), còn mọi thứ ngôn từ khác đều “thực dụng”, “chức năng”, hạ cấp. Các nhà phong cách học ngây thơ nhất cũng thấy sự phi lý của sự đối lập này (Thực ra đây chỉ là sự phân hóa của các phong cách ngôn từ khác nhau chứ không phải “đối lập” nhau. Chính vì vậy mà R. Jakobson không bao giờ lý giải được thông suốt cái “
tính văn học” là gì, cái “
chức năng thi ca” là gì và càng lý giải thì càng tắc tị. Đó là lý do dẫn đến cái chết của chủ nghĩa cấu trúc kế thừa chủ nghĩa hình thức trong văn học để được thay thế bằng chủ nghĩa hậu cấu trúc ngày càng vô lý hơn: từ chỗ xem tác phẩm là “vô nghĩa” đi đến xem tác phẩm có “vô số nghĩa”. Rõ ràng là lý luận mà không còn lý trí nữa). Xu hướng sáng tác văn học cùng với lý luận văn học này, nói như Hoài Thanh, trở thành một trò chơi tiêu khiển cho bọn nhàn rỗi, không ăn nhập gì với cuộc đời chung, sáng tác hết chuyện khôn dồn sang chuyện dại, lấy cái bẩn, cái xấu làm cái sạch, cái đẹp. Mượn lời cụ Ngô Đức Kế: “Bây giờ phải trái điên đảo, đen trắng lẫn lộn nhèo, lấy thối làm thơm tôn nịnh làm thánh, đã vũ phu thì cho là ngọc, nàng Vô Diệm thì cho là sắc khuynh thành, sáng tác đưa nhau vào con đường hư ngụy, văn hóa bày ra một tấn xú kịch nhân danh nghệ thuật, thẩm mỹ”. Đồng chí Trường Chinh năm 1948 đưa ra một so sánh rất đúng và rất hay về các trường phái nghệ thuật “ba lăng nhăng” này, đặc biệt sau thế chiến II: chúng giống như nấm độc sặc sỡ mọc trên thân cây gỗ mục về tinh thần và văn hóa của xã hội phương Tây. Về sau thì sự sặc sỡ đó cũng không còn mà thêm vào đó là sự bôi bác “quấy hồ bôi lọ” văn học, nhân danh dùng cái xấu để bênh vực cái đẹp, cái ác để đấu tranh cho cái thiện, song thực tế chỉ tiếp cận với các thứ “văn học đen”, “văn học con heo”. Đúng là như vậy, những kẻ sùng bái, phụ họa chúng ở khắp nơi, không nên ám cách bào chữa, tán dương cái thứ nấm độc đó làm gì. Nên xem chúng là một loại rác công nghiệp, một loại chất thải hạt nhân nguy hiểm hay một loại bệnh phẩm y tế đầy vi khuẩn và siêu vi mà “văn học” các nước giàu qua tay một số đại lý tiếp thị lưu vong như talawas, Tiền Vệ,… đang tìm cách tống tháo sang các nước nghèo hi vọng ở đó có những người dốt hoa mắt trước “văn minh, văn hóa” phương Tây hân hoan tiếp nhận chúng. Trong lúc đó, có những con người khôn ngoan, lành mạnh phương Tây đang tìm về thế giới phương Đông như những nơi còn lưu giữ được môi trường thiên nhiên và văn hóa trong sạch. Họ chân thành khuyến cáo những người lương thiện tại nước này đừng đi theo vết xe mà họ đã trải qua, hãy giữ lấy truyền thống tốt lành và hiện tại chân chất của mình, hãy học ở phương Tây những gì là tinh hoa, chứ không phải vơ về thứ cặn bã, rác rưởi chứa trong các bao bì hào nhoáng, sang trọng.