trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
17.6.2004
Quốc Việt
Thuần tuý văn chương và nhạy cảm chính trị
 
Nhà thơ Lí Đợi, và không chỉ một mình anh, cho rằng một vài cá nhân ở cấp làng, cấp xã, do ghen ăn ghét ở nên dựng tường lửa chặn talawas. Ý kiến này rất thú vị và tôi nghĩ rằng không phải là không có lí trong môi trường Việt Nam, nhất là qua đợt tranh luận “Hoa Thủy Tiên”, một vài cá nhân bị chạm nọc, rồi qua bài phỏng vấn của báo Văn Nghệ với ông thứ trưởng Đỗ Quí Doãn, trong đó có chỉ đích danh talawas.

Tất nhiên mỗi người có một ý kiến khác nhau và như chị Phạm Thị Hoài đã nói: phỏng đoán chẳng mất tiền, và ở Việt Nam thì ít có cơ hội nào khác ngoài phỏng đoán. Tôi đang ở nước ngoài và chẳng cảm thấy mình ở vào vị trí có thể chất vấn các vị quan chức văn hoá nên cũng xin phỏng đoán một vài lí do, tổng kết lại các ý kiến nêu ra trên talawas trong những ngày gần đây. Theo đó, talawas bị chặn do:
  • tranh giành bạn đọc: từ các tờ báo, diễn đàn trong nước. Điều này khó tin vì talawas là báo điện tử. Nó không thể tranh giành độc giả với báo in. Thêm nữa, mỗi ngày talawas có 3-4 bài, bản chất của các bài này không thay thế được thông tin của báo in hay các trang điện tử khác.

  • tư thù cá nhân: có mấy vị bị chạm nọc bèn gộp talawas với BBC, đài Á Châu Tự Do… vào một rọ “tuyên truyền cho cái ác và sự thù hận”. Nếu Nguyễn Huy Thiệp chỉ hơi hỗn với Nàng Thơ một tí mà còn bị chụp cho cái mũ chửi cả Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, cả đất nước và dân tộc, cả cha mẹ và nhân dân thì talawas cũng không ít tội hơn.

  • e sợ ảnh hưởng từ không khí tự do, dân chủ và cởi mở của diễn đàn: e sợ không khí tự do sẽ là làn gió mát cho mọi người hướng tới. Việc talawas “không cùng quan điểm chính trị hay văn hoá với chính phủ” có thể sẽ là một điều không tốt với việc tuyên truyền đường lối chính trị văn hoá trong nước?

  • e sợ phạm húy: nhiều bài trong chủ đề về chiến tranh của talawas đã động chạm đến cái nhìn một chiều chính thống về cuộc chiến 1954-1975. Cái nhìn chính thống đó là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm chứ nhất định không phải là cuộc nội chiến có yếu tố ngoại xâm. Khi còn một đội ngũ hùng hậu những nhà văn nhà thơ chống Mĩ trong bộ máy quản lí văn hoá tư tưởng thì việc đăng lên một vài tác phẩm của những người anh em từng ở bên kia chiến tuyến, cho dù thuần túy văn chương và hiện thực, là một hành động mạo phạm. Cho dù là một hành động thực sự đáng kể theo chủ trương hoà hợp và hoà giải dân tộc, nó cũng bị coi là một hành động trái tai gai mắt nhiều người (những người đã đổ máu, đổ tuổi trẻ, và niềm tin?). Có thể, đau khổ của một bộ phận dân chúng sau cái ngày 30-4-1975 là một điều không thể chấp nhận được?
Có một điều cần phải làm rõ, theo tôi, là talawas không phải là một diễn đàn thuần túy văn chương nghệ thuật để đưa ra nghi vấn là nó có vi phạm vào các chủ đề nhạy cảm chính trị hay không. Nếu chính trị là hiện thực xã hội, là văn hoá và tư tưởng thì talawas không xa lạ với tất cả những cái đó. Đặt ra một lằn ranh giữa “nhạy cảm chính trị” và văn chương thuần túy là một suy nghĩ tự hoang tưởng và tự lừa dối. Nếu e sợ thông tin có thể có tác động xấu thì chỉ còn một cách là không làm gì.

Cũng hoàn toàn không có nghĩa khi đặt ra câu hỏi rằng talawas bị tường lửa có phải là do nó đã vi phạm nguyên tắc trung lập hay không. Đối với một chế độ toàn trị tư tưởng thì trung lập phải có nghĩa là im lặng hoàn toàn và tuyệt đối. Một khi đã lên tiếng về hiện thực một cách độc lập và khách quan, một khi đã giữ vị trí trung lập và dân chủ bằng lời nói thì talawas, dưới con mắt những người quản lí văn hoá trong chế độ toàn trị, đã không còn trung lập: nó đã đứng về phiá chân lí và hiện thực. Thực tế thì chủ trương của talawas được viết ra một cách hoàn toàn rõ ràng, ngắn gọn. Và ban biên tập của talawas có vẻ như đã bám rất sát chủ trương đó.

Để có thể xét xem phỏng đoán nào gần với sự thật, xin hãy xem xét vài sự kiện mà tôi được biết qua báo chí, xảy ra trước khi talawas bị tường lửa:

  • Những tin tức về việc quản lí internet của người anh em Trung Quốc xuất hiện đều đặn trên báo chí trong thời gian vừa qua.

  • Hội nghị lí luận phê bình ở tp Hồ Chí Minh ba tháng trước, trong đó động đến rất nhiều vấn đề quản lí, kể từ việc kêu gọi thành lập mặt trận văn hoá trên internet đến yêu cầu trung ương đảng tham gia chỉ đạo mặt trận này.

  • Hội nghị liên bộ về quản lí thông tin do một phó thủ tướng chủ trì, diễn ra một tuần trước khi talawas bị tường lửa. Một trong các kết luận của hội nghị là việc thắt chặt quản lí việc đưa thông tin xấu trên mạng. Báo chí không nói thế nào là “tin xấu”, có lẽ để dành đất cho cơ quan quản lí định nghĩa và diễn dịch, theo tinh thần mà George Orwell đã vạch ra. [1]

  • Quyết định của bộ công an về quản lí internet công cộng: người vào mạng phải trình chứng minh thư nhân dân, cơ sở phải lưu giữ thông tin lướt mạng trong 30 ngày. Tôi không nghĩ rằng lướt qua một trang web khiêu dâm lại đáng để cho nhà nước theo dõi truy tìm. Còn chuyển thông tin ra nước ngoài thì người ta chỉ cần vào bất cứ một trang cung cấp dịch vụ email là đủ, không cần phải tới tận trang web “xấu”. Vậy trang web “xấu” cần theo dõi các công dân mạng ở đây không thể là gì khác ngoài các trang web tư tưởng hoặc có những giọng điệu không cùng cung bậc với truyền thông nhà nước. Bằng quyết định này, nhà nước đang biến các điểm dịch vụ internet thành điểm kiểm soát dịch vụ thông tin. Hãy nghe một đại diện Bộ Văn Hoá Thông tin phát biểu một cách rất vô tư: “có biện pháp quản lí thì chắc chắn phải tốt hơn là không có gì”.

Xâu chuỗi tất cả các sự kiện này thì khó có thể cho rằng tường lửa chỉ là kết quả của các địa phương, rằng lãnh đạo trung ương còn bận trăm công nghìn việc quan trọng, hơi đâu mà cấm với thả một diễn đàn liên mạng đặt ở tận bên Đức. Cũng khó có thể đồng ý rằng đó chỉ là do ghen ghét cá nhân hoặc tranh giành độc giả thuần túy. Tuy rất buồn, tôi đành phải đồng ý với Phan Xuân Lâm: chính quyền hình như đang thả lỏng dân chúng và chỉ nhăm nhe kiểm soát uốn nắn giới trí thức. Hay là chính quyền vẫn đang tìm cách duy trì một đám dân chúng dễ bảo, “kiên định chính trị”, cho dù phải trả giá bằng dốt nát.

Nhưng sẽ không có một chế độ toàn trị nếu không có một xã hội toàn trị. Ý kiến của Tưởng Bình Minh rất có thể là số ít trên talawas nhưng hoàn toàn có thể là đại diện cho số đông ở Việt Nam, nhất là trong bộ máy quản lí văn hoá tư tưởng. Khi mỗi người vẫn còn cho mình độc quyền đánh giá tốt, xấu về tư tưởng; khi mỗi người vẫn tự dành cho mình “độc quyền đúng đắn chính trị” trước những người khác, khi ấy sự đàn áp những diễn đàn thực sự dân chủ, cởi mở, và trung lập sẽ vẫn còn xảy ra. Và talawas cùng với bạn đọc và bạn viết, trong cũng như ngoài nước còn phải đi một con đường dài, nhưng nhất định sẽ tới đích. Phản ứng của bạn đọc talawas trong nước cho thấy điều đó.

Chỉ mong sao những người có trách nhiệm trong việc phát huy sức mạnh của văn hoá tư tưởng trong việc xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, văn minh, tôn trọng con người ở Việt Nam nhận thức được điều đó và cùng chung tay làm cho con đường tất cả cùng phải đi qua đó ngắn lại.

Cuối cùng tôi xin được đề nghị tác giả Tưởng Bình Minh dẫn ra những bài viết trên talawas đã lạm dụng khiá cạnh chính trị để chúng ta cùng phân tích và mổ xẻ. Hy vọng rằng qua đó chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn những lo âu thầm kín của những người quản lí văn hoá, cũng như dần dần tiếp cận những vấn đề được coi là nhạy cảm chính trị một cách nhạy cảm nhất. Bởi tôi tin rằng một quyết định cấm một “quán ăn trí tuệ” trên internet cần phải dựa trên những chứng cứ thuyết phục, những tiêu chí có cơ sở, chứ không thể dựa trên cảm tính mơ hồ hay đơn giản chỉ vì những món ăn ở đó có mùi vị cay chua không hợp lưỡi. Như Patrick Raszelenberg đề nghị, một cuộc “tự kiểm điểm” các nội dung của talawas có thể là cần thiết vào lúc này, không phải cho mục đích tự kiểm duyệt, mà là một cuộc khám xét tổng thể những căn nguyên của căn bệnh dị ứng.

Một cuộc mổ xẻ như vậy, theo tôi sẽ rất thú vị và bổ ích, cho tất cả chúng ta. Xin mời anh Tưởng Bình Minh.

© 2004 talawas



[1]“Đặc trưng của nhà nước toàn trị là tuy nó kiểm soát tư tưởng, nhưng nó lại không xác dịnh dứt khoát tư tưởng ấy là gì.” George Orwell: “Chế độ toàn trị và văn chương”, talawas 24.3.2004, Phạm Minh Ngọc dịch.