[1]
Hơn tuần lễ nay mọi người xôn xao về chuyện talawas bị dựng “hàng rào", nhiều bạn bè của tôi ngoài Hà Nội gọi điện hỏi có vào được talawas không? Chả hiểu thế nào chứ bản thân tôi vẫn đọc talawas đều như vắt chanh và tôi không tin có chuyện đó. Nhưng bốn ngày nay (6, 5, 4, 3 tháng 6) thì tôi cũng không vào được. Dù sao tôi vẫn dứt khoát không tin có chuyện talawas bị “cấm vận". Tin sao được khi nhan nhản những trang Web cởi truồng, bắn súng, bóp cổ, vẫn có thể truy cập thoải mái. Thế thì có ai mà dở hơi, rách việc đi tốn công “rào" cái trang chỉ thuần tuý văn nghệ.
Thực ra thì chuyện dựng “tường lửa" chỉ là trò trẻ con, với một kẻ amateur về kĩ thuật “đi-gi-tồ" như tôi thì việc vượt tường lửa cũng chẳng khó khăn gì, nhưng vì chưa tin chuyện đó, nên tôi chưa dùng đến giải pháp kĩ thuật. Hơn nữa, mình đọc một tờ báo đàng hoàng mà lại đi làm cái việc xé rào trèo tường, tôi thấy hành động đó giống như việc một thằng nhóc 14 tuổi lén lút truy cập trang sex. Thật chẳng hay ho gì.
Nhưng đến ngày hôm nay (6 /6) thì cái niềm tin kia của tôi bị lung lay, khi tôi đọc bài:
Ðiều quan trọng nhất là giáo dục thẩm mĩ và ý thức của con người – phỏng vấn ông Ðỗ Qúi Doãn, thứ trưởng bộ văn hoá thông tin – đăng trên Văn Nghệ số 23 ra ngày 5/6.
Nhìn chung, bài phỏng vấn này chẳng có gì đặc biệt. Nó na ná như những bài viết, những phát biểu của các giới chức thẩm quyền về vấn đề quản lí internet mà báo chí gần đây có đăng tải khá nhiều. Nhưng điều đặc biệt tác động tới tôi, khiến cái niềm tin của tôi bị lung lay, đó là trong lời dẫn của toà soạn có dòng: “Nhưng cũng có những thế lực lợi dụng đại lộ thông tin này để chuyên chở những Cái ác và sự Thù hận đến với con người ..." Và ngay sau đó, câu hỏi thứ ba của phóng viên là: “... hiện nay có khá nhiều trang Web của những người Việt sống ở hải ngoại, những trang Web này thực chất là những tờ báo không cùng quan điểm chính trị hay văn hoá với chính phủ trong nước ví dụ như Talawas ..." Một điều khá đặc biệt ở đây là trong toàn bài chỉ duy nhất một trang Web được nhắc tới một cách cụ thể, đó là talawas. Như vậy, có thể hiểu rằng họ coi talawas là trang Web chuyên chở Cái ác và sự Thù hận. Ðiều này khiến tôi thực sự hoang mang, khiến tôi nghi ngờ trình độ, khả năng nhận thức của mình. Vì nghi ngờ chính mình, nên tôi phải đọc kĩ lại bài phỏng vấn nhạt nhẽo này.
Ðầu tiên, tôi muốn bàn về câu của phóng viên khi cho rằng talawas là tờ báo không cùng quan điểm chính trị hay văn hoá. Về khía cạnh quan điểm chính trị - có thể khẳng định trang talawas hoàn toàn không dính líu, liên quan tới chính trị. Nếu đây là một trang Web về chính trị thì tôi đã dẹp nó ra khỏi bộ nhớ của đầu mình, bởi tôi chỉ hiểu chính trị theo nghĩa hẹp. Với tôi chính trị là thứ thối tha, không bao giờ nên quan tâm. Về khía cạnh quan điểm văn hoá – Theo cách nói của phóng viên tờ Văn Nghệ thì ta có thể hiểu rằng không cùng quan điểm về văn hoá với chính phủ trong nước tức là sai lầm, là phản động. Văn hoá là một khái niệm rộng lớn, nhưng nòng cốt của văn hoá chính là văn học-nghệ thuật. Tôi luôn cho rằng những quan điểm trái chiều nhau trong văn học nghệ thuật được cọ xát chính là động lực thúc đẩy phát triển. Vậy mà tờ Văn Nghệ – tiếng nói của Hội nhà văn, tinh thần văn hoá của đất nước - lại không cho là như thế.
*
Triệt tiêu những quan điểm khác ta. Ta là chân lí. Ta đội vương miện hoa hậu cho Thị Nở thì cũng chớ có bàn ra tán vào.
*
Như trên tôi đã kể, bốn ngày nay tôi không truy cập được talawas tại nhà, mà lại không muốn trèo tường - nghe mách nước rằng ra mấy điểm dịch vụ internet có thể vẫn truy cập được – nên tôi bèn “vi hành" ra mấy quán internet. Bốn ngày vừa qua, tôi lang thang hơn chục điểm internet. Ðiểm lớn có chừng 5 – 6 chục máy, điểm nhỏ có chừng 2 chục. Thời gian đông khách nhất là vào tầm trưa và tối. Trong bốn ngày lang thang, tôi chịu khó để ý xem các “công dân mạng" này hay vào internet tìm kiếm thông tin gì? Và con số thống kê của tôi là: Số người vào các điểm dịch vụ này để lấy thông tin từ các trang Web chỉ có ... tôi. Số còn lại (phần lớn là thanh, thiếu niên) họ vào internet để chat. Tỉ lệ máy tính nối mạng với dân số thuộc loại thấp, mà nhu cầu vào mạng phần lớn chỉ là chat, thì theo tôi, những cái nguy cơ từ mạng internet mang lại thực sự là không lớn. Và số người vào mạng để tìm kiếm những thông tin nghiêm túc (như talawas chẳng hạn) thì đều có đủ bản lĩnh để phân biệt tốt xấu, đúng sai. Vì vậy sự lo ngại của báo Văn Nghệ và ông thứ trưởng văn hoá có quá cẩn thận không?
Trở lại với bài phỏng vấn – cũng như nhiều bài viết hay phát biểu của giới chức thẩm quyền – thì lo ngại lớn nhất và thường được nhắc tới đầu tiên bao giờ cũng là những trang Web kích động bạo lực, tình dục, văn hoá đồi truỵ độc hại. Như trên tôi đã viết, với tỉ lệ máy tính nối mạng và tình hình thực tế tôi quan sát, thì cái văn hoá độc hại không phải hoàn toàn tới từ internet. Thật trớ trêu là thứ văn hoá độc hại có khi lại tới từ chính nền nghệ thuật trong nước. Những chương trình tấu hài đầy những lời lẽ dung tục, những tiểu phẩm hài nhố nhăng vẫn tràn ngập trên tivi từ trung ương tới địa phương; những ca sĩ đài còn ngọng nghịu nhưng đã trở thành ngôi sao với những lối trang phục và động tác hình thể kinh dị hơn Mĩ; chèo cải biên với những màn múa chèo trong trang phục... hai mảnh; báo lá cải, thậm chí cả báo “Thiếu niên tiền phong" cũng ngập tràn những hình ảnh người mẫu khoe vú, khoe đùi, ca sĩ “ngôi sao", diễn viên điện ảnh Hàn Quốc... với những lời bình tán câu khách rẻ tiền v.v. và v.v. Những thứ văn hoá đó có thể không là đồi truỵ, nhưng dứt khoát là thấp kém, là độc hại. Vậy thì sự lo lắng của giới quan chức văn nghệ về mạng internet có vẻ như không phải là các trang Web kích dâm, mà từ thứ khác. Thứ gì thì ngoài tầm hiểu biết của tôi. Xin miễn bàn.
*
Người ta thường nói: “Muốn xui con người làm điều gì thì hãy cấm hắn ta làm điều đó". Sự cấm đoán luôn là biểu hiện của trạng thái lo sợ, yếm thế, tự ti. Và trong một chừng mực nào đó, một lệnh cấm sẽ mang lại đặc quyền đặc lợi cho một thiểu số người (chắc hẳn ai cũng biết, kẻ ủng hộ tối đa cái lệnh cấm rượu của chính phủ Mĩ vào những năm 30 thế kỉ trước là ông trùm Al Capone.)
Trong phát biểu của mình, ông thứ trưởng có nói : “Quốc gia nào cũng đau đầu trong việc quản lí. Trung Quốc mới đây đã đóng cửa hàng nghìn quán Cà phê Internet. Singapore cũng có những biện pháp quản lí rất cứng rắn. Mĩ cũng rất đau đầu về chuyện này". Người bạn lớn Trung Quốc của chúng ta từng có những truyền thống như “đốt sách chôn Nho" từ đời Tần Thuỷ Hoàng, hay “Cách mạng văn hoá" gần đây, thì việc họ đóng cửa Cà phê Internet hoàn toàn dễ hiểu. Còn việc Singapore quản lí rất cứng rắn như thế nào? Mĩ rất đau đầu ra sao, phải dùng Panadon hay Paracetamol? Không thấy ông thứ trưởng nói cụ thể.
*
Có một ý kiến của ông thứ trưởng Ðỗ Qúi Doãn khiến tôi tâm đắc: “Ta phải chứng minh được cái xấu, cái cực đoan hay sự thù địch ở một trang Web nào đấy cho người dân hiểu. Ví dụ như talawas từ Ðức thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được. Chúng ta chỉ có thể cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai mà thôi. Khi chúng ta đưa ra nhiều điều tốt đẹp thì cái xấu sẽ tự phải mất đi". Tôi hi vọng rằng các quan chức văn nghệ nước ta quán triệt tinh thần này. Tôi cũng hi vọng một ngày nào đó mình sẽ nhận ra talawas là một trang Web xấu.
Sài Gòn, rạng sáng 7/6
© 2004 talawas
[1]Tôi viết bài này với mục đích là đăng báo trong nước, nhưng sau khi viết xong, đọc lại thì tôi nghĩ rằng chắc chắn chả có tờ báo nào trong nước đăng bài này, nên đành lại phải gửi talawas vậy. Hy vọng từ đây nó cũng đến tai những ông quan văn nghệ.