trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
31.10.2008
Sống Chậm
Ký ức về những cơn mưa
 
Bữa nọ, nhân dự khai trương quán café Prima ở ngay đầu đường Lê Thánh Tôn, mấy anh em đều ở tuổi “nhi bất hoặc”, “tri thiên mệnh” ngồi nói chuyện về con cái. Bọn trẻ bây giờ học giỏi, thông minh nhưng hình như chúng thờ ơ với những người xung quanh, không biết quý trọng những gì chúng được hưởng. Tôi cũng góp vào một vài mẩu. Thấy câu chuyện có tính nhân văn, nên mấy anh đề nghị gom góp lại gửi cho mọi người cùng đọc. Đây là những câu chuyện thật, nhưng để dễ đọc tôi có neutralize, chỉnh sửa một số chi tiết. Mong rằng bài tản văn này sẽ hữu ích phần nào!


Câu chuyện số 1

Năm 2006, tôi được lãnh đạo cho đi công tác ở Hồng Kông. Buổi tối cuối cùng được mời dự gala dinner của giới tài chính. Vì không khí vui, cởi mở hơn cả Oktoberfest [1] , nên có uống rượu, nhảy nhót nên làm rơi mất mấy cái danh thiếp. Hôm sau, tôi nhận được một email trong đó có hình scan cái card visit của chính tôi.

Quái lạ, sao lại có người mất công scan card của mình rồi lại gửi cho mình nhỉ? Xem tiếp trang scan thứ hai thì thấy một số điện thoại cùng một dòng ghi chú viết tay của mình. Thì ra vì sợ tôi mất đi một số điện thoại ghi ở phía sau card mà người tốt vô danh nào đó đã mất công scan và gửi email cho khổ chủ. Việc đó khiến tôi lưu tâm và suy nghĩ nhiều. Rồi một lần, có ai đó gửi nhầm cho tôi một email với nội dung về học tập (không phải spam mail). Nhớ lại câu chuyện chiếc card visit và người tốt vô danh, tôi đã gửi trả lại email đó kèm theo câu chuyện trên. Bản thân nghĩ là mình làm được một việc tốt. Mọi việc không dừng ở đó và dưới đây là chuyện tiếp theo.


Câu chuyện số 2

Cô gái ấy cảm kích lắm, viết mail cảm ơn tôi và thỉnh thoảng có gì cần hỏi ý kiến lại gửi email cho tôi. Đó là một cô bé khá đặc biệt, học giỏi ở trường Đại học Kinh tế. Hôm được nhận học bổng của Xi-măng Hà Tiên, cô bé ấy (gọi tôi là chú, đến nay tôi vẫn chưa hề biết mặt) gửi cho tôi một email nói về niềm sung sướng vô bờ và tự hào vì được lãnh đạo cao nhất của công ty đến trao tận tay học bổng ở trụ sở Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Cô bé có một nhận xét tinh tế rằng của cho không bằng cách cho. Học bổng không nhiều, nhưng sự trọng thị của ban giám đốc đã làm các sinh viên cảm động và mong muốn được cống hiến cho nhà máy.

Tôi chạnh lòng tự hỏi việc con cái thờ ơ, không biết quý trọng những gì chúng có, có phải là lỗi ở cách dạy dỗ của chính chúng ta? Có phải vì ta đã cho chúng quá nhiều, chăm bẵm quá kỹ? Cách cho lại cũng không hợp lý?

Một hôm khác, không biết có tâm sự gì cô bé ấy gửi cho tôi một bài thơ với nhan đề

Tặng anh một bài thơ con nít – Mưa

Một hạt mưa rơi
Từng hạt mưa rơi
Bé đang ngồi chơi
Vội đóng cửa sổ
Mưa như pháo nổ
Toé muôn bóng tròn
Bé chạy lon ton
Xếp thuyền thả nước
Mưa làm thuyền ướt
Thương quá là thương
Bé muốn ra đường
Cứu nguy thuyền giấy
Nghĩ thì nghĩ vậy
Bé chẳng dám đâu
Sợ bị ốm lâu
Nghỉ học buồn lắm

Kèm theo đó là vài dòng cảm nghĩ: “Em đọc bài thơ này và thấy nhớ tuổi thơ quá! Hồi nhỏ, trời mưa là nước ngập vào tận nhà, chờ mẹ về lâu lắm, anh Ba xếp thuyền cho em thả, những con thuyền chở nặng những ước mơ. Bây giờ lớn lên, không hiểu sao không còn thương anh Ba nhiều như ngày xưa nữa...”

*


Đọc bài thơ cô bé chép tặng, kỷ niệm bỗng nhiên hiện về, rõ từng nét một như mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Người châu Âu hay nhớ đến tuyết rơi, người Việt thì hay nhắc tới những cơn mưa, và tôi thì nhớ mãi...


Mưa phố Sài Gòn

Một chiều đầu tháng Tám, Sài Gòn có trận mưa. Lúc đó tôi đang ngồi với anh bạn từ HN vào. Trời mưa tầm tã. Chưa bao giờ anh bạn người Bắc thấy Sài Gòn mưa lớn và dai như vậy bởi lẽ trong đầu anh, mưa miền Nam chỉ ào một chốc rồi tạnh. Hình như, trong cách nghĩ của người miền Bắc, mưa Sài Gòn cũng hời hợt như người Sài Gòn vậy. Bây giờ anh bạn tôi mới được mục sở thị một cơn mưa Sài Gòn dữ dội, hai mắt cứ dán chặt vào màn mưa mà ngắm nghía, mà trầm tư suy nghĩ. Hai thằng ngồi ôn lại những ngày học thêm về lập trình Pascal ở trường Bách khoa Hà Nội, nhớ lại những buổi hẹn hò, hỏi thăm các cô gái cũ bây giờ ra sao. Chỉ tiếc là đoạn kết của cuộc nói chuyện thú vị đó là một hậu quả nghiêm trọng. Lúc về đến góc Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nước dâng cao quá, xe như nổi lên, đạp ga mà bánh xe quay tít, nước chui cả vào trong sàn xe, đành chết trân giữa biển người, xe và nước. Sợ mấy anh ở cơ quan ra về lúc này dễ bị ngập nước vỡ máy, nên vội vàng gọi điện thông báo, mong mọi người đừng bị khổ sở như mình.




Mưa trên sông

Rằm tháng Bảy âm lịch 2008, mấy anh em Phòng Khai thác mời đi cúng cô hồn trên sông Sài Gòn. Lúc về ghé ngang quán Gió. Chắc cũng không nhiều người biết quán này. Nó chỉ là một quán lá tồi tàn xập xệ ngay sát mép nước, gần vị trí cầu Phú Mỹ đang xây, nhưng tôm cua cá thì rất tươi ngon. Trời chợt đổ cơn mưa. Mưa giăng mịt mù có lúc không biết đâu là nước sông, đâu là nước trời đổ xuống. Bình thường, nhìn từ trên bờ sông Sài Gòn không quá lớn, nhưng nếu ngồi trên sàn quán thì thấy cũng mênh mông. Nhìn ra sông mưa rơi hối hả, nước chảy xiết, mấy cụm lục bình trôi lẻ loi, một chiếc phao neo cô độc, tự nhiên thấy mình bé nhỏ và vô nghĩa quá. Rượu uống đã lâng lâng, nhìn mưa lòng dạ thêm rối bời. Ngẫm mình mạng thuỷ – “thiên hà thuỷ” –, thân ta chỉ như muôn vàn giọt nước quá bé nhỏ đang rơi xuống sông, buồn vì chưa làm được gì nhiều báo đáp bậc sinh thành, tri ân các anh và bạn bè đã cưu mang, giúp đỡ từ khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, buồn vì chưa làm gì được cho đời...


Mưa Sài Gòn 17 năm về trước

Hồi mới vô Sài Gòn, chưa mua được xe đạp, ba thằng chung nhau thuê một chiếc xích-lô đi làm (cánh xe ôm mấy lần zin ba từ kho 18 lên tới 27-28 Tôn Đức Thắng bị công an phạt nên sợ không dám đi). Hồi đấy xích-lô chưa bị cấm vào trung tâm nên chạy được khắp nơi, đi xích-lô thích lắm. Nhiều người đi, thanh niên tụi tôi cũng đi chẳng ngại gì. Xích-lô Sài Gòn đẹp nhất nước, khác hẳn thứ cùng loại của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, lại có mái che khá đẹp. Thú nhất là đi xích-lô dưới trời mưa: hé rèm nhìn ra, thấy dòng người dù trong mưa gió vẫn hối hả qua lại, cảm thấy mảnh đất Sài Gòn sao sôi động thế! Tự nhủ rồi mảnh đất này sẽ gắn chặt với đời mình. Có những đêm mưa tầm tã, chui vào xích lô chạy từ cơ quan về nhà trọ, ăn tối bằng mỳ gói không nước. Nhớ nhà và buồn, lòng tê tái, tự hỏi đời mình rồi sẽ ra sao.


Những cơn mưa khi ta còn nhỏ

Trên đường đi học bất chợt gặp mưa, đúng lúc còi báo động máy bay Mỹ rú lên “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý...”, bèn nhảy đại xuống hố cá nhân ngập nước. Trên nước, dưới nước, xung quanh cũng nước, tuy sợ nhưng thích thú. Học lớp Hai ở miếu làng, phía trước hậu cung có cái sân gạch. Mưa lớn là thành bể bơi, cả lũ trần truồng tắm mưa và cứ thế chạy về nhà. Lớp Ba học ở ‘đống họ Bùi’ (nghe nói do người Tàu vun thành đống yểm bùa chôn của). Đống cao lắm. Mỗi lần mưa khó lòng leo lên, ngày nào đi học cũng bị “vồ ếch” (chắc rằng các em, các cháu bây giờ không biết vồ ếch là gì đâu). Trẻ con xưa thường rủ nhau vặt trộm hoa quả vườn nhà người, không ít lần bị chó rượt đuổi, cắn rách cả quần đùi, rơi mất cặp. Gặp khi trời mưa bão, ta có thể lượm những quả bòng non ăn vào thấy tê cả lưỡi, tha hồ nhặt nhãn, vải, me từ trên trời rụng xuống. Thời ấy mấy nhà có tiền mua hoa quả cho trẻ con ăn, vì thế mỗi mưa to gió lớn là một bữa đại tiệc thỏa mãn vị giác. Mưa còn là “mì chính” nữa. Tháng Bảy, tháng Tám mưa lớn, buổi tối cắt cái lốp xe đạp hỏng đi soi cá vui như hội, sáng mai nhà có bữa ăn tươi, nồi riêu cá ngọt lừ ai mà không nhớ. Trẻ con ở thành phố cũng có phần vì mưa tôm cá nhiều nên bán rẻ lắm, đâu chỉ 3, 4 hào một mớ cá rô ron.

Những trận mưa như thế chỉ để lại những kỷ niệm vui về tuổi ấu thơ, tuyệt không một chút gì khổ sở.


Những cơn mưa ác mộng

Lớn lên, mưa là thấy buồn. Có cả những lần mưa là nỗi kinh hoàng. Cuối năm học cấp I, nơi ăn chốn ở nhà tôi xem ra còn chưa tệ lắm. Ngôi nhà ba gian cửa gỗ bức bàn có hai trái làm buồng, tuy lợp rạ nhưng sau cũng được phủ một lớp giấy dầu. Mỗi khi có mưa lớn, tôi thường ra ngồi ở bậu cửa cùng hai đứa em thả thuyền, cảnh giống như bài thơ cô bé tặng ở trên. Nhưng rồi mấy năm sau, gia cảnh sa sút, nhà dột nát, lần mưa nào cũng phải căng túm tấm vải nhựa trong nhà, rồi lấy xoong nồi hứng nước. Năm 1977 có trận bão số 7 ác liệt không thể nào quên. Về chiều, gió giật mỗi lúc một mạnh, mưa như tạt nước, trong nhà không còn một chỗ nào khô. Nhà chỉ có bà nội và ba đứa cháu. Bố ở Quảng Ninh, mẹ đi học ở Kiến An chưa về kịp. Một cơn giật của gió khiến ngôi nhà đã từ từ khụyu xuống. Các chú bác chắc là ở xa, lo chống bão nhà mình nên cũng chẳng ai sang xem các cháu thế nào cả. Gió lớn quá, bà phải lọ mọ dẫn các em sang nhà ông chú họ ở cách đấy trăm mét trú tạm. Còn mình, lòng tự nghĩ là con trai thì phải ở lại với ngôi nhà. Lúc ấy trẻ con nghĩ thế, lớn lên mới thấy là nguy hiểm. Cũng may, đến chập tối thì gió đã màn màn và ngôi nhà không sụp xuống hẳn mà chỉ đổ ở tư thế quỳ. Hết bão, hơn chục thầy cô giáo ở trường mẹ dạy đến giúp dỡ căn nhà đổ ra rồi dựng lại thành một gian nhỏ hơn. Phần còn lại làm củi đun dần mấy năm rồi hết, nay chỉ còn sót lại một cánh cửa gỗ. Tiếng là nhà mới, nhưng cũng chỉ được hai năm đầu, còn suốt mấy năm học cấp II, gian nhà ngang ấy cũng không thể gọi là chốn che thân lúc trời mưa gió. Đã mấy lần trong mưa ba anh em ngồi khóc hu hu. Nghĩ đời mấy mẹ con cơ cực quá, lòng giận bố sao cứ đi công tác xa. Ước gì ta mau lớn, giàu có để xây cho mẹ ngôi nhà lợp ngói. Giờ đây, đọng lại trong ký ức về thời ấy là nỗi lo sợ về những trận mưa.


Thời đại học, mưa có mòi lãng mạn

Có cô bé mắt to tròn, khiến mình phải đội mưa đứng ngóng trước cổng trường Ngô Quyền. Chờ mãi, nước mưa từ balcon rạp Lê Văn Tám đổ xuống dềnh lên cả bậc thềm. Thế rồi thấy em trèo lên xe máy một chàng trai nào đó vụt mất. Buồn! Trận mưa ấy như dấu chấm hết cho một mối tình sinh viên. Mưa trong ký túc xá thì lại thật vui, hơn hai chục cái giường tầng trong căn phòng thông thống, mấy nhóm nghêu ngao hát, kẻ thì lẩm nhẩm đọc bài thơ về mưa của Huy Cận, chỗ thì đánh bài tú lơ khơ bôi râu, mấy anh bộ đội xuất ngũ đi học thì ra cắm quán mua rượu uống, đám thì ngồi cạnh cửa sổ đợi con gái đi qua là giơ tay ra túm... Đọng lại trong ký ức về quãng thời gian này là những “cơn mưa em bất chợt”, “mưa dịu êm như ru”, “mưa sạch trong cơn khát”... Nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng mau bị quên.

*


Thế đấy, với tôi mưa là những câu chuyện gắn liền với mỗi bước trưởng thành. Bao nhiêu trận mưa, bây giờ gom lại chỉ còn những thế. Mỗi tuổi cảm nhận về tuổi ấu thơ, về cơn mưa mỗi khác, càng lớn dường như cảm xúc về chúng càng nhạt dần và mau chóng bị quên đi. Bây giờ đi xe hơi, đâu biết nắng mưa bên ngoài. Lúc xuống xe nếu mưa đã có ô, vào nhà hàng quán xá còn có người mang dù che tận cửa xe nữa. Bây giờ, nhà cao cửa rộng, mưa lớn đóng cửa kéo rèm, chỉ còn nghe những tiếng rào rào, lộp bộp... Bây giờ, có hàng trăm trận mưa cũng chẳng nghĩa lý gì. Mưa bây giờ vẫn giống mưa xưa, nhưng giờ cảm xúc đã có phần chai lỳ. Ít nhớ hiện tại, hay nhắc lại chuyện ngày xưa. Có lẽ ta già mất rồi! Nhân đọc bài thơ cô bé tặng, tôi cậm cạch gõ từng con chữ, tạm khắc họa lại bốn mươi năm cuộc đời mình, từ lúc còn bé tý với những thăng trầm cùng mưa, kẻo sau này không bắt gặp lại được cảm xúc này nữa. Mười phần, chỉ mong các con tôi thấu hiểu một hai để biết cha mẹ chúng ngày xưa sống thế nào, để chúng sống có cảm xúc, có tình cảm với mọi người.


Lời đáp của cô bé không biết mặt

Cơn mưa trong lòng anh (tự nhiên cô bé lại chuyển cách gọi từ ‘chú’ sang ‘anh’) làm em thêm hiểu anh hơn, dù sao khi trở về với chính mình, người ta luôn cần món ăn kỷ niệm để nuôi sống phần tâm thức. Cần lắm những cơn mưa để làm tươi mát tâm hồn, nhất là khi ta cảm thấy mình già cỗi, đơn độc và kiệt sức với những lo toan. Anh làm em nhớ những kỷ niệm về mưa gắn liền với tuổi thơ của em. Chắc chắn là không nhiều khốn khó như anh nhưng em vẫn biết thế nào là "vồ ếch" khi trời mưa.

Em sẽ dành thời gian để đọc lại bài viết này của anh. Đọc email anh mà em đang vui cũng muốn rớt nước mắt, hiểu thêm về thế hệ trước sống khổ cực như thế nào, hiểu là để thực hiện ước mơ, phải hy sinh và đánh đổi nhiều thứ như thế nào.

Chị Hai em nói, trước 30 tuổi, người ta tiêu xài “tình cảm” một cách phóng khoáng và phung phí, tạo lập những mối quan hệ xã hội, gặp gỡ bạn bè, đi tìm nửa con tim... tất cả những thứ ấy giành lấy gần hết quỹ thời gian ít ỏi của mỗi con người, gia đình là ưu tiên từ dưới đếm lên. Đến khi qua 30, đã có gia đình hay có ý nghĩ về một gia đình, đã có sự ổn định cuộc sống nên họ bắt đầu “lượm lặt” tình cảm, để đến khi một ngày "không đẹp trời" nào đó, họ không đơn độc giữa cuộc đời với những bước chông chênh. Anh có già đi đâu, chỉ là đang trên hành trình lượm lặt lại kỷ niệm, lượm lặt lại tình cảm để nhuộm màu cho tâm hồn đang có dấu hiệu “xuống sắc” thôi mà.

Anh nên gửi email này cho chị, con cái và bạn bè đọc đi, khéo chừng lại có cuộc họp mặt tưng bừng để ôn lại kỷ niệm ngày thơ ấy, lúc đó tha hồ thả hồn trên dòng sông ký ức. Ký ức để người ta tiếp tục vui sống chứ không phải để dung dưỡng nỗi buồn quá khứ. Ghi lại cảm xúc rồi thì phải vui sống với hiện tại, tiếp tục vượt khó khăn để hữu ích cho đời anh nhé!

(Ảnh tác giả tự chụp trên sông Sài Gòn)

Sài Gòn, 17-10-2008

© 2008 talawas



[1]Oktoberfest: Một lễ hội được tổ chức hằng năm ở München (bang Bayern, Đức) trong vòng cuối tháng Chín và đầu tháng Mười, kéo dài 16 ngày. Đây là một trong những sự kiện nổi tiếng nhất của thành phố München, đồng thời là hội chợ lớn nhất thế giới, thu hút khoảng sáu triệu người tham gia mỗi năm. (Chú thích của talawas)