trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
29.10.2008
 
Stuckism chống nghệ thuật Ý niệm và chủ nghĩa Hậu hiện đại
Phan Nhiên Hạo dịch và giới thiệu
 1   2 
 
Nhiệt thành cổ vũ, ái mộ, khuyến khích, chia sẻ… hay không phản đối, hoang mang, hoài nghi, không thích, dửng dưng…, những cấp độ ấy trong thái độ của giới văn nghệ và trí thức Việt Nam đối với chủ nghĩa Hậu hiện đại và một số loại hình của nghệ thuật đương đại đều tồn tại. Nhưng một thái độ như ở những người Stuckist sau đây thì chưa xuất hiện trong bối cảnh văn hoá văn nghệ Việt Nam. Xin mời độc giả tham khảo qua sự giới thiệu và bản dịch của Phan Nhiên Hạo.
talawas
Trường phái nghệ thuật Stuckism [1] [có thể dịch: “chủ nghĩa Mắc kẹt” hay “chủ nghĩa Bảo lưu”] thành lập năm 1999 tại Anh bởi hai nghệ sĩ Billy Childish [2] và Charles Thomson. Stuckism chủ trương hội họa hình thể, chống nghệ thuật Ý niệm và chủ nghĩa Hậu hiện đại.

Tiền thân của Stuckism là những nhà thơ Medway Poets, một nhóm nghệ sĩ trẻ tụ tập quanh Đại học Medway và Đại học Nghệ thuật Maidstone, North Kent, giữa những năm bảy mươi. Medway Poets là những nghệ sĩ "tham vọng, ồn ào và năng nổ, thường trình diễn với các nhóm nhạc punk". Nhóm này tan rã vào những năm tám mươi.

Giáng sinh 1996, Billy Childish và Charles Thomson, hai cựu thành viên của Medway Poets, tình cờ gặp nhau ở London. Những cuộc chuyện trò điện thoại tiếp theo, lúc đầu chủ yếu bàn việc in tổng tập thơ Medway Poets, dần dần giúp hai người tìm lại được đồng cảm nghệ thuật.

Ngày 28 tháng 1 năm 1999, Charles Thomson đề nghị Billy Childish cùng thành lập trường phái Stuckism.

Tên gọi Stuckism xuất phát từ một phê phán của Tracey Emin - sau này là nghệ sĩ Ý niệm nổi tiếng - về tranh của Billy Childish, lúc hai người còn bồ bịch nhau: "Your paintings are stuck, you are stuck, stuck, stuck!" [Tranh của anh bị mắc kẹt, anh là đồ mắc kẹt, mắc kẹt, mắc kẹt!]. Billy Childish dùng chính ngôn từ công kích của Emin để đặt tên cho trường phái nghệ thuật của mình, như một cách tự nói trước (preemptive statement) và có tính tự trào [3] .

Tháng 4 cùng năm, Thomson và Childish viết "The Stuckists" [Những nhà Mắc kẹt], tuyên ngôn nghệ thuật đầu tiên của trường phái Stuckism. Tháng 1 năm 2000, hai người cho ra đời "Remodernism" [chủ nghĩa Hồi phục Hiện đại], chủ trương phục hiện tinh thần nguyên ủy của Hiện đại và phủ nhận Hậu hiện đại. Một số tuyên ngôn khác của Stuckism lần lượt ra đời trong năm 2000, tiếp tục tấn công Hậu hiện đại và các phó sản nghệ thuật, văn chương của nó.

Billy Childish rời nhóm năm 2001, chủ yếu vì xung đột tính cách, như chuyện thường thấy trong các nhóm nghệ thuật: "Vấn đề của tôi là trở thành một thành viên của nhóm. Tôi rất độc lập. Tôi là thủ lĩnh của chính mình. Tôi rất kiêu ngạo và nóng nảy khi bị người khác kiểm soát."

Như một trường phái nghệ thuật được khởi xướng bởi các nghệ sĩ sáng tác, Stuckism không chỉ lý thuyết mà còn thực hành, thông qua việc vẽ tranh, tổ chức triển lãm, và nhất là các hoạt động phản đối Phòng tranh Nghệ thuật Anh quốc - thường gọi Tate Gallery - và Giải thưởng Turner hàng năm của nó. Theo Stuckism, Tate Gallery, dưới sự điều khiển của Sir Nicholas Andrew Serota, đã dùng công quỹ để khuyếch trương loại nghệ thuật Ý niệm tào lao, biến Phòng tranh Quốc gia thành đại lý quảng cáo cho những trùm đầu cơ nghệ thuật như Charles Saatchi [4] , Lisson Gallery, White Cube Gallery. Từ năm 2000 đến nay, nhóm Stuckist thường xuyên tổ chức phản đối trước Tate Gallery mỗi dịp Giải thưởng Turner được công bố. Những người phản đối đôi khi mặc trang phục hề, hàm ý Giải Turner và nghệ thuật Ý niệm chỉ là trò hề. Năm 2000, Charles Thomson, sáng lập viên của Stuckism, trao tận tay [5] Sir Nicholas Serota bức biếm họa tựa đề "Sir Nicholas Serota Makes an Acquisitions Decision" [Ngài Nicholas Serota cân nhắc một quyết định sưu tập], vẽ ông giám đốc Phòng tranh đang nhe răng cười trước chiếc quần lót đàn bà đỏ chói với hai câu hỏi hiện trong đầu: "Đây có phải là hàng Emin thứ thiệt, giá 10.000 bảng Anh", "Hay đây là đồ dỏm vô giá trị". Tracey Emin, như đã nói, là bồ cũ của Billy Childish, nhưng sau sáng tác theo đường hướng ngược hẳn với Childish. Năm 1999, bà được đề cử Giải Turner với tác phẩm "My Bed" [Giường tôi] trưng bày chiếc giường của chính tác giả với chăn đệm lộn xộn, kèm theo vỏ chai rượu, tàn thuốc lá, bao cao su xài rồi, và quần lót dính kinh nguyệt. Tracey Emin đứng chung trong nhóm Young British Artists (còn gọi Brit Artists hay Britart) với Damien Hirst, nghệ sĩ Ý niệm đắt giá nhất thế giới hiện nay.

Damien Hirst nổi tiếng với những tác phẩm ngâm xác thú vật bán hàng triệu đô la. Mới tháng 9 vừa rồi, ông bán đấu giá một loạt tác phẩm mới, cũng gồm nhiều xác ướp thú vật, thu về 198 triệu đô la. Chỉ riêng tác phẩm "The Golden Calf" [Bê vàng] ngâm xác con bê với sừng và móng bọc vàng, trên đầu gắn một đĩa vàng, đã được trả 18,3 triệu. Năm 2007, tác phẩm "Lullaby Spring" [Ru xuân], trình bày một tủ thuốc kim loại đựng 6.136 viên thuốc sơn màu, bán 19,2 triệu. Tác phẩm "For the Love of God" [Vì lòng yêu Trời] gắn 8.601 viên kim cương lên một đầu lâu, bán hơn 100 triệu. Công việc "sáng tác" của Hirst, từ ướp xác thú vật cho đến vẽ tranh, phần lớn đều được làm bởi các cộng sự, bản thân Hirst nhúng tay vào rất ít.

Năm 1991, dưới sự bảo trợ tài chính của đại gia quảng cáo Charles Saatchi, Hirst cho ra đời tác phẩm "The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living" [Bất khả vật chất của cái chết trong trí tưởng kẻ sống]. Toàn bộ tác phẩm này là một xác cá mập dài 4,3 thước - do ngư dân Úc đánh bắt theo đơn đặt hàng của Hirst - ngâm trong bồn kính đựng foóc-môn. Tiền mua cá mập tốn 6.000 bảng Anh, phí tổn cho toàn bộ tác phẩm là 50.000 bảng. Năm 2004, Saatchi bán lại tác phẩm cá mập của Hirst cho tỉ phú người Mỹ Steven Cohen với giá 12 triệu đô la. Tháng 4 năm 2003, trong khi xác cá mập của Hirst được trưng bày ở phòng tranh mới của Saatchi, nhóm Stuckist mượn xác một con cá mập khác, nặng 148 kg, trưng bày trong cửa sổ phòng tranh riêng của họ. Con cá này do ông chủ tiệm đồ điện Eddie Saunders câu được ở Florida năm 1989. Những người Stuckist đặt tên cho tác phẩm cá mập của họ là "A Dead Shark isn't Art" [Một con cá mập chết không phải là nghệ thuật], và nêu câu hỏi tại sao xác cá mập của Hirst được coi là tác phẩm vĩ đại trong khi xác cá mập của Saunders thì không; và vì xác cá mập của Saunders đã được treo trong tiệm đồ điện của ông này trước xác cá mập của Hirst đến hai năm, họ cho rằng có thể Hirst đã chôm ý tưởng của Saunders. "Tác phẩm" của Saunders, theo Charles Thomson, thậm chí còn hay hơn tác phẩm của Hirst, vì chính tay Saunders đã câu cá mập, trong khi Hirst phải mướn người khác.

Nghệ thuật Ý niệm của Hirst, như nhà phê bình nổi tiếng Robert Hughes nhận xét, đã hoàn toàn trở thành một "nhãn hiệu thương mại" của thị trường tiêu thụ siêu trưởng giả. Stuckism gọi những nghệ sĩ Ý niệm thời trang như Hirst là bọn "làm ma cô cho tầng lớp đặc tuyển tự lừa mị".

Stuckism lúc thành lập chỉ gồm 13 nghệ sĩ, nay đã lan ra 44 quốc gia, với 183 nhóm độc lập. Điều lệ lập nhóm của Stuckism rất thoải mái:

"Stuckism là một phong trào tự thực hành [DIY - do it yourself] của các nghệ sĩ độc lập, đồng ý với nhau về nguyên tắc, nhưng diễn giảng theo kiểu riêng. Stuckism chủ trương hội họa hình thể có ý tưởng. Bạn có thể tìm hiểu thêm qua những tuyên ngôn, tác phẩm, bài viết, và phỏng vấn [của Stuckism]. Tuy vậy, cần lưu ý rằng những món này chỉ là chất xúc tác, không phải (mặc dù có lời đồn) là những giáo điều. Bạn không cần phải đồng ý với mọi thứ, nhưng cũng sẽ vô nghĩa nếu bạn không đồng ý với bất cứ điều gì. Quyết định là do bạn, nếu muốn định danh với phong trào và nếu cảm thấy tác phẩm của bạn tương hợp với nó. Bạn tự tuyên bố về mình, và điều đó không ngụ ý sự phong nhận của chúng tôi, hay ngược lại."

*


Tôi giới thiệu và dịch vài tuyên ngôn Stuckism dưới đây, đơn giản chỉ muốn cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho giới văn nghệ Việt Nam. Nó không có nghĩa người dịch đồng ý với tất cả những quan niệm của Stuckism.

Một số quan điểm của Stuckism, như có thể thấy, gắn liền với người và việc cụ thể của nghệ thuật đương đại Anh quốc, nơi mà nghệ thuật Ý niệm đã trở thành chính thống và bị thương mại hóa trầm trọng (với những xác ướp thú vật bán hàng triệu đô la).

Hoàn cảnh nghệ thuật Anh quốc khác xa Việt Nam, nơi nghệ thuật Ý niệm chỉ bắt đầu được du nhập và đang tìm cách sống còn dưới lưỡi búa của chính trị chuyên chế. Ở Việt Nam hiện nay, nghệ thuật Ý niệm nên được khuyến khích, nhằm đa dạng hóa nền mỹ thuật chỉ vẽ tranh và nặn tượng mấy chục năm qua. Tôi nghĩ nghệ thuật Ý niệm (theo nghĩa rộng, dùng để chỉ nghệ thuật đương đại không vẽ tranh nói chung) [6] hoàn toàn có khả năng tạo ra những tác phẩm giá trị với thông điệp chính trị-xã hội mạnh mẽ; ngược lại, nó cũng có thể trở thành tháp ngà xa rời thực tại của loại nghệ sĩ màu mè, bộ tịch.

Hiện tượng Stuckism một lần nữa cho thấy, so với phương Tây, nghệ thuật Việt Nam luôn chậm chân vài thập kỷ. Chúng ta cần học phương Tây, càng nhiều càng tốt, nhưng đừng ảo tưởng về sự mới của mình - xài đồ mượn làm sao mới được - để rồi dùng cái mới “dỏm” đó như một tiêu chí đánh giá nghệ thuật, hễ ai không đứng dưới cờ của mình thì bất luận làm gì cũng bị cho là dở, là “nhai lại” (trong khi mình cũng chỉ là một loài nhai lại, mà chưa chắc đã ợ xong). Nghệ sĩ sáng tác phần đông không thích đi theo một chủ nghĩa nào - trừ khi tự mình đẻ ra món gì đó - đơn giản vì họ là những người đầu óc độc lập. Điều đó không có nghĩa họ là những kẻ dốt nát. Ngược lại thì đúng hơn.

Sau cùng, những lỗi dịch thuật nếu có dưới đây, tôi hy vọng sẽ nhận được những góp ý dịch thuật, thay vì những suy diễn trớt quớt kiểu người dịch là tay sai… công an.


*


Stuckism
(Thành lập năm 1999)

Mười ba nghệ sĩ (kể cả người trong bức chân dung) đầu tiên của Stuckism. Người mặc áo thun trắng là Charles Thomson, người đội mũ ngồi góc bên phải là Billy Childish. (London, 10.2000)



"Tranh của anh bị mắc kẹt
anh là đồ mắc kẹt!
Mắc kẹt! Mắc kẹt! Mắc kẹt!
Tracey Emin


Những người Stuckist
(Tuyên ngôn đầu tiên)

Chống chủ nghĩa ý niệm, chủ nghĩa khoái lạc, và sự sùng bái nghệ sĩ-tự kỷ
  1. Stuckism tìm kiếm sự xác thực. Bằng cách tháo bỏ cái mặt nạ khôn ngoan và chấp nhận mình đang ở đâu, những người Stuckist có khả năng diễn đạt không kiểm duyệt.

  2. Hội họa là phương tiện tự khám phá. Nó đưa ta trọn vẹn vào quá trình hành động, cảm xúc, suy tư, dự tưởng, làm hiển lộ tất cả những điều này với biên độ mênh mông và những chi tiết gần gũi.

  3. Stuckism đề nghị một hình mẫu nghệ thuật có tình toàn bộ. Là nơi gặp gỡ giữa ý thức và vô thức, trí tuệ và cảm xúc, tâm linh và vật chất, riêng tư và công cộng. Hiện đại là trường phái phân mảnh - với đặc điểm nghệ thuật bị cô lập và cường điệu gây hại cho cái toàn thể. Sự bóp méo trầm trọng kinh nghiệm đời sống dẫn đến dối trá tự kỷ.

  4. Họa sĩ không vẽ tranh thì không phải họa sĩ.

  5. Nghệ thuật mà phải ở trong phòng tranh để trở thành nghệ thuật thì không phải nghệ thuật.

  6. Những người Stuckist vẽ tranh vì vẽ tranh mới là chuyện đáng nói.

  7. Những người Stuckist không bị mê hoặc bởi tiền bạc lấp lánh, mà chỉ chú tâm hoàn toàn vào quá trình vẽ tranh. Thành công đối với người Stuckist là nhảy ra khỏi giường mỗi sáng và vẽ.

  8. Bổn phận của người Stuckist là khám phá chứng loạn thần kinh và sự ngây thơ của hắn thông qua vẽ tranh rồi đem bày ở chốn công cộng, và như thế làm giàu cho xã hội bằng cách cung cấp một hình thức chung để chia sẻ kinh nghiệm riêng và một hình thức riêng để chia sẻ kinh nghiệm chung.

  9. Người Stuckist không phải loại nghệ sĩ làm nghề mà là những người nghiệp dư (amare, có nghĩa là tình yêu trong tiếng Latin) họ chấp nhận rủi ro trên mặt vải hơn là núp đằng sau những vật dụng làm sẵn (ví dụ như cừu chết). Người nghiệp dư, mà [khả năng] không thua người chuyên nghiệp chút nào, luôn thể nghiệm tiên phong, không vướng víu bởi nhu cầu được xem là hoàn hảo. Những cú nhảy vọt trong nỗ lực của nhân loại được tạo nên bởi những cá nhân gan dạ, vì họ không phải bảo vệ cái địa vị của mình. Khác với những kẻ chuyên nghiệp, những người Stuckist không sợ thất bại.

  10. Vẽ tranh là điều bí ẩn. Nó tạo nên những thế giới trong những thế giới, mở lối đến những hiện thực tâm lý không thấy được bằng mắt thường trong đời sống. Kết quả [là những sản phẩm] khác biệt một cách căn bản với chất liệu được sử dụng. Một vật thể hiện hữu (chẳng hạn con cừu chết) chặn đường dẫn đến thế giới nội tâm và chỉ có thể là một bộ phận của cái thế giới vật chất trong đó nó hiện hữu, dù là một vùng đất cỗi cằn hay một phòng tranh. Nghệ thuật-làm sẵn là một biện minh cho chủ nghĩa vật chất.

  11. Chủ nghĩa Hậu hiện đại, trong khi bắt chước một cách non nớt sự thông minh và hóm hỉnh của nghệ thuật hiện đại, đã tự lạc lối vào một ngõ cụt ngu ngốc. Những gì một thời từng là hành trình tìm kiếm và khiêu khích (như chủ nghĩa Dada) đã nhường chỗ cho sự khôn lanh nhàm chán với mục đích khai thác thương mại. Những người Stuckist kêu gọi loại nghệ thuật sinh động với tất cả những kinh nghiệm con người; dám diễn tả ý tưởng trong những sắc màu nguyên thủy; và có khả năng trải nghiệm chính nó một cách không láu lỉnh!

  12. Chống chủ nghĩa bành trướng của nhóm Brit Art và loại nghệ sĩ-tự kỷ. Stuckism là một "non-movement" [phi-phong trào] mang tính quốc tế.

  13. Stuckism chống chủ nghĩa (ism). Stuckism không trở thành chủ nghĩa vì Stuckism không phải là chủ nghĩa Stuckism, nó chỉ mắc kẹt!

  14. Nhóm Brit Art, được bảo trợ bởi Saatchi, chủ nghĩa bảo thủ chính thống và Đảng Lao động, đang nhạo báng chính những tuyên bố của nó về lật đổ và tiền phong (avant-garde).

  15. Nghệ sĩ-tự kỷ không ngừng phấn đấu để được công chúng thừa nhận và kết quả là lúc nào cũng sợ thất bại. Nghệ sĩ Stuckist chấp nhận rủi ro thất bại một cách tự nguyện và có ý thức bằng cách chuyển hóa ý tưởng của hắn vào việc vẽ tranh. Trong khi ám ảnh thất bại của các nghệ sĩ-tự kỷ tất yếu dẫn đến cảm giác tự ghê tởm, thất bại mà người Stuckist trải qua chỉ khiến hắn hiểu sâu sắc hơn sự phù phiếm của những phấn đấu [để được công chúng thừa nhận]. Những người Stuckist không phấn đấu - nhằm tranh giành chuyện định danh định vị - những người Stuckist dấn thân vào từng khoảng khắc.

  16. Những người Stuckist từ bỏ công việc hì hục của trò chơi tạo mới lạ, gây sốc và dụ khị. Những người Stuckist không nhìn tới cũng không nhìn lui mà chỉ dấn thân vào việc tìm hiểu thân phận con người. Những người Stuckist đề cao quá trình hơn thói khôn lanh, chủ nghĩa hiện thực hơn trừu tượng, nội dung hơn rỗng tuếch, trào lộng hơn tinh quái, và vẽ tranh hơn là làm đỏm.

  17. Nếu ước nguyện của những nhà nghệ thuật Ý niệm là luôn khôn lanh, bổn phận của những người Stuckist là luôn luôn sai.

  18. Những người Stuckist phản đối sự vô sinh của hệ thống phòng tranh với những bức tường trắng và kêu gọi bày triển lãm trong nhà, trong những bảo tàng viện cũ kỹ, có salon, bàn ghế, và trà nước. Khung cảnh để trải nghiệm nghệ thuật (chứ không phải để xem) không nên giả tạo và trống hoắc.

  19. Tội ác giáo dục: thay vì tìm cách phát triển sự diễn đạt cá nhân thông qua phương cách nghệ thuật thích hợp và bằng cách đó khiến xã hội giàu có, hệ thống trường mỹ thuật đã trở nên hoàn toàn quan liêu, với động cơ thương mại là chính. Những người Stuckist kêu gọi một chính sách tuyển chọn công khai trong tất cả các trường nghệ thuật dựa trên tác phẩm cá nhân, bất chấp điểm số học bạ, hay không có cũng được.

    Chúng tôi cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chính sách chiêu dụ đám học sinh giàu có và bất tài trong nước cũng như từ ngoại quốc.

    Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các tòa nhà đại học mở cửa cho việc dạy bổ túc và các hoạt động giải trí của dân chúng địa phương. Trường lớp và đại học không có khả năng mang lại tiện ích cho cộng đồng nơi nó tọa lạc thì chẳng có lý do gì để được chấp nhận.

  20. Stuckism nhận lấy tất cả những thứ mà nó lên án. Chúng tôi chỉ lên án chuyện dừng lại tại điểm xuất phát - Stuckism xuất phát từ điểm dừng lại.

Billy Childish và Charles Thomson
4. 8. 1999

Những tên tuổi sau đây được đề nghị lên Cục Điều tra để cân nhắc làm thành viên Stuckist danh dự: Katsushika Hokusai, Utagawa Hiroshige, Vincent van Gogh, Edvard Munch, Karl Schmidt-Rotluff, Max Beckman, Kurt Schwitters

(dịch từ nguyên bản tiếng Anh)


*


Thư ngỏ của những người Stuckist gởi Sir Nicholas Serota

Gần ngày khánh thành tòa nhà mới Bankside Tate [thuộc Phòng tranh Anh quốc Tate Gallery], Billy Childish và Charles Thomson, đồng sáng lập viên nhóm nghệ thuật chống Brit Art và chủ trương tranh vẽ, những người Stuckist, chỉ trích sự điều hành của Sir Nicholas Serota ở Tate Gallery - bao gồm việc bỏ ra 700.000 bảng Anh để mua loạt tranh 31 bức đá mài (của Joseph Beuys) – và đề cập một số vấn đề liên quan đến chính sách mua và triển lãm tranh trong tương lai của ngài giám đốc.


Sốc vì mới, hay ngáp vì quá hiển nhiên?

Bất cứ ai đến với nghệ thuật đương đại nhằm kiếm tìm một đường hướng, sự thật, hay đơn giản để mở mang đầu óc sẽ rất, rất thất vọng.

Chủ nghĩa Hậu hiện đại, "nghệ thuật tiên phong chính thức" của chúng ta là một cỗ máy tiếp thị sành điệu, trơn nhẵn, nơi sự tinh khôn và chủ nghĩa yếm thế của loại nghệ thuật tự kỷ đã tước mất cảm xúc, nội dung và niềm tin. Chưa từng có một phong trào nào tự tuyên bố mình là kẻ dẫn đường những rốt cuộc lại tụt hậu quá xa như vậy trước những mong đợi và quan tâm của cái xã hội mà nó tự cho mình đứng cao hơn.

Từ những năm 1960 đã có sự chuyển hướng đến giải trung tâm, đến tâm linh và thái độ tôn trọng mới đối với các quy luật tự nhiên. Bản chất tự kỷ cằn cỗi của chủ nghĩa Hậu hiện đại thậm chí không chú ý đến chuyện đang diễn ra, thay vào đó nó cứ tiếp tục rao bán sự lém lỉnh và biếm nhạo của mình trong cố gắng rỗng tuếch nhằm tỏ ra nguy hiểm và thời trang. Thiên hạ không muốn những chợ ngoài thành phố, không muốn loại thực phẩm biến đổi gene và không muốn nghệ thuật Ý niệm.

Sự ngu ngốc của chủ nghĩa Hậu hiện đại nằm trong tuyên bố rằng nó là đỉnh cao của lịch sử nghệ thuật - nhưng cùng lúc phủ nhận những giá trị căn bản cho sự tồn tại của nghệ thuật. Nó nhắm đến việc đề cập những vấn đề quan yếu nhưng thực chất là vô nghĩa và không tồn tại bên ngoài cuộc đối thoại lẩn quẩn của chính nó. Giá trị nghệ thuật được quyết định bởi mức độ hiểu biết và tầm nhìn của nghệ sĩ. Đây là một quá trình không ngừng được làm cho sâu sắc. Ưu tiên của các nghệ sĩ Brit Art, tuy vậy, là nuôi dưỡng cái tiếng tăm truyền thông của mình trong đám nghệ sĩ được nuông chiều. Ám ảnh này thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật giả tạo, biếng nhác và lừa bịp của họ.

Sáng tạo nghệ thuật chủ yếu nhằm mang lại ý nghĩa. Nghệ thuật không được sáng tạo hay trả giá bằng kinh nghiệm thì vô nghĩa. Năm 1915 trò đùa của Dada có tính khẩn cấp và táo bạo: nhưng như một phát ngôn của biếm nhạo Hậu hiện đại thì trò này cùn đến độ không tin được. Nếu có bất cứ phát minh và viễn kiến nào trong chủ nghĩa Hậu hiện đại, chúng chỉ ở trong lãnh vực tiếp thị nghệ thuật.

Thượng đế chết đâu đó giữa Thế chiến Thứ nhất, và mặc dù đánh ông ta ngã ngựa đã là trò rất vui, nhìn cái đám nghệ sĩ được nuông chiều hôm nay đá ông ta khi đã nằm dưới đất thật chẳng buồn cười chút nào (đặc biệt trong khi những đại lý bán tranh, như bọn buôn bán xe hơi đắt tiền, đứng trong bóng râm, mặc đồng phục Gucci, lách cách bấm máy tính và thì thào vào những chiếc điện thoại di động thô bỉ). Chúng tôi gọi loại nghệ thuật mà những tay múa rối này giật dây là "nghệ thuật tai nạn xe". Vì khán giả duy nhất mà nó thu hút là kẻ bị dẫn dụ bởi thói tò mò bệnh hoạn.

Những ông tổ của Dada sẽ lấy làm xót xa trước thói tuân phục và sự thiếu can đảm của đám hậu duệ vờ vĩnh này. Người ta không khỏi cảm thấy cái chủ nghĩa tình cảm nhạt phèo của Saatchi sẽ khiến Duchamp ước gì ông ta đã là một họa sĩ màu nước thay vì trưng bày cái bồn tiểu trước đây.

Đám đồ đạc ảm đạm và trò lắp ráp sáo mòn của những "ngôi sao nghệ thuật" mới nhất chỉ xả rác lên sàn các phòng tranh và đua nhau làm chúng ta buồn chán bằng sự hiển nhiên cực độ của họ. Trong khi đó, giới phê bình trình diễn trò thể dục dụng cụ tinh thần lố lăng nhằm nói lên điều gì đó về những thứ chẳng có gì đáng nói vì [thật ra] chúng chẳng nói về điều gì cả.

Cần chỉ ra rằng một vật dụng hàng ngày, ví dụ cái giường, trong môi trường bình thường của nó, tức là phòng ngủ, luôn chỉ là cái giường. Thật ra nó vẫn là cái giường khi đem đặt trong cửa sổ khu mua sắm hay ném xuống một con kênh. Ngoài ra chúng tôi khẳng định cái giường khốn khổ đó vẫn chỉ là một cái giường - không hơn không kém - ngay cả khi được treo lủng lẳng trên đỉnh tháp Eiffel hay bằng cách nào đó đáp xuống mặt trăng. Cái giường dường như chỉ thôi là cái giường và bằng cách nào đó trở thành nghệ thuật khi được đặt trong không gian "có tính ngữ cảnh" của phòng tranh. Suy ra công trạng của sự hóa thân kỳ diệu này thuộc về tay chủ phòng tranh. Trong thế giới nghệ thuật hôm nay, chủ phòng tranh là người thực hiện sự biến đổi mầu nhiệm biến một vật dụng trần tục thành tác phẩm thiên tài!

Bây giờ hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra với một vật dụng trong hoàn cảnh không may như vậy; để cho đa dạng, hãy nhìn vào quá trình "nghệ thuật hóa" một cục gạch thay vì cái giường. Trong tiền kiếp của nó, cục gạch không có ý nghĩa gì - chỉ là một hiện thể với công dụng tiềm ẩn (phần lớn dùng để xây tường). Nhưng vì giờ đây nó không còn là cục gạch mà là tác phẩm nghệ thuật, mà nghệ thuật theo định nghĩa là một hoạt động có ý nghĩa, ta phải tìm một ý nghĩa cho nó. Một giám tuyển nghệ thuật xuất hiện trên truyền hình quốc gia, tuyên bố cục gạch là biểu tượng tuổi thơ thiệt thòi của một nghệ sĩ thành phố Birmingham. Nhà phê bình hàng đầu có thể thấy ở đây một biện chứng nữ quyền. Đến lượt khách xem tranh có thể tiếp nhận nó như một tái hiện nghệ thuật tối giản cái tam giác [bằng gạch] nổi tiếng của Carl Andre [7]

Sự thật là, vì cục gạch chẳng nói lên điều gì, nó có thể nói lên bất cứ cái quái gì mà người ta muốn. Điều này khiến cho cái vật thể nghệ thuật đặc biệt [như cục gạch] hoàn toàn thừa thãi, vì một quá trình tưởng tượng như vậy có thể đạt được dễ dàng bằng cách mở mắt ra ở bất cứ nơi đâu rồi chú tâm vào vật thể đầu tiên hiện ra trong tầm nhìn - tiến trình logic của nghệ thuật đi vào đời sống sẽ thành tựu viên mãn và nhu cầu về nghệ thuật sẽ hoàn toàn chấm dứt. Quá giỏi!

Điều này cho thấy sự ngớ ngẩn của cái trường phái theo đuổi những thực hành như trên và sự ngụy biện về "phát triển" liên tục của dòng chảy lịch sử nghệ thuật. Cách rất xa cái đỉnh cao thành tựu, Brit Art kém cần mẫn, không kích thích và ít ý nghĩa hơn một triển lãm trung bình của hội nghệ thuật nghiệp dư địa phương.

Hội họa, bằng cách chuyển hóa kinh nghiệm nội tâm vào những hình ảnh có thể tiếp cận và nhận biết được, mang chiều sâu của cộng hưởng và sự bí ẩn cần thiết đối với tâm lý con người như thức ăn và nước uống đối với cơ thể.

Sắc tố là một phần bản chất trong tự biểu hiện của con người. Việc vẽ tranh tồn tại từ thời những hang động Lascaux, nó đem đến cho chúng ta khả năng đương đầu tức thì, nhận diện và liên hệ đầy cảm xúc với tiềm năng và giới hạn của chúng ta. Chỉ khi có can đảm giao tiếp với sự trung thực như vậy, chúng ta mới bắt gặp chính mình.

Một bức họa của Delacroix, một bức màu nước từ lớp học bổ túc hay một bức tranh của trẻ con là nghệ thuật, ngay cả khi bị vứt trên đường phố. Chúng tôi gọi điều này là "chủ nghĩa của cái mà nó là".

Trong bất cứ ngữ cảnh nào, một bức tranh cũng là một bức tranh. Tương tự như vậy một con cá mập chết chỉ là một con cá không sự sống, trong bất cứ ngữ cảnh nào. Và chuyện những kẻ khờ khạo trả bao nhiêu tiền để mua nó không thành vấn đề, số phận của chủ nghĩa Hậu hiện đại là ở trong thùng rác lịch sử, trong khi tranh vẽ sẽ luôn có vị trí trung tâm trong kiến thức của nhân loại và sự nhận hiểu về chính nó [8] .

Billy Childish và Charles Thomson
26. 2. 2000

(dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

© 2008 talawas



[1]Stuckism: đọc như stất-ki-dzưm; tính từ là Stuckist: đọc như stất-kíst
[2]Nguyễn Đăng Thường có dịch một số bài thơ của Billy Childish đăng trên Tienve
[3]Xem video Charles Thomsom giải thích tên Stuckism
[4]Saatchi & Saatchi là một trong những công ty quảng cáo hàng đầu thế giới, hiện có chi nhánh tại Sài Gòn.
[5]Xem video Charles Thomson trao biếm họa đến giám đốc Tate Gallery
[6]Conceptual Art (nghệ thuật Ý niệm) vừa là tên một trường phái nghệ thuật riêng, bắt đầu vào những năm 1960, vừa hay dùng để gọi chung nghệ thuật đương đại không vẽ tranh (như cách những người Stuckist gọi nghệ thuật đương đại Anh quốc không vẽ tranh trong những tuyên ngôn của họ). Xem thêm Wikipedia http://en.wikipedia.org/wiki/Conceptual_art.
[7]Carl Andre, sinh 1935, nghệ sĩ Ý niệm nổi tiếng, theo trường phái tối giản, có tác phẩm xếp đặt bằng gạch tại Tate Gallery.
[8]Khi nhận được thư bức thư ngỏ trên đây, Sir Nicholas Serota trả lời ngắn gọn như sau: “Cảm ơn về thư ngỏ gởi ngày 6 tháng 3. Quý vị sẽ không ngạc nhiên để biết rằng tôi không có ý kiến gì về bức thư ngỏ, hay về tuyên ngôn Remodernism”. (Ký tên)