trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
3.10.2008
Nam Đan
Lúng liếng là lúng liếng ơi
 
Em ơi buồn làm chi
anh đưa em về bên kia sông Ðuống... [1]

Bên kia sông Ðuống có điều gì kỳ diệu hay thú vị mà nhà thơ Hoàng Cầm lại hẹn đưa “em” qua đó trong lời thơ? Riêng tôi, tôi thầm mong có ngày nào đó cũng sẽ đưa em về bên kia sông Ðuống, vì ở đó là Bắc Ninh, là quê hương của làn điệu quan họ, đưa em về một lần cho biết.

Trước đây tôi chưa bao giờ được xem và nghe quan họ trực tiếp. Có lần tôi được nghe nghệ sĩ Thúy Cải trình diễn qua radio. Với những kinh nghiệm thoáng qua và không thấu đáo như vậy, quan họ là một cái đẹp dân dã mơ hồ, một cõi miền thơ mộng xa xôi nào đó mà tôi chưa được chứng thực trong đời thật.

Tôi hình dung Hội Lim với các liền anh áo the điệu nghệ và lịch lãm, các liền chị thôn nữ xinh xắn yếm thắm, nón quai thao, dải lụa mỡ gà; có con thuyền từ từ cập bến, liền anh đưa tay cho liền chị thẹn thùng nắm lấy bước lên; có đêm xuân trăng ngời xanh biếc, hai bên trai gái hát lời say đắm duyên tình đến tận khi ngày rạng; có lời ca “giã bạn” đằm thắm, lưu luyến người ơi người ở đừng về; có những gặp gỡ, có những hẹn hò, có những nụ hôn sắp chạm vào má, và có cả những bịn rịn chia tan như trong các... video clip.

Trong chuyến ra Bắc ngắn ngày vừa rồi, mấy người bạn ở Hà Nội rủ tôi đến làng Diềm, để nghe quan họ. Chúng tôi sửa soạn máy ảnh, máy ghi âm, và sửa soạn cả nỗi hào hứng về một kinh nghiệm thú vị trong đời.

Xe 12 chỗ, trừ tài xế, tất cả chỉ 8 người đi, gồm có 2 đôi tình nhân và 4 người đi lẻ. Hà Vũ Trọng về từ Canada, đi cùng bạn là Quỳnh Như ở Sài Gòn ra. Sara người Tây Ban Nha về chơi Việt Nam với Duyên, du học sinh từ Hà Nội. Trưởng đoàn là họa sĩ Như Huy. Anh từng đến sống ở làng Diềm vài tháng chỉ để học hát quan họ. Sau khi vào Nam sống, mỗi lần ra Bắc là anh đều trở lại thăm và được xem như người con đi xa của làng.

Xe qua cầu sông Ðuống. Cầu rung rinh rung rinh...

Sông Ðuống trôi đi một dòng lấp lánh... [2]

Buổi chiều nắng tắt, con sông hẹp hai bờ cây lá màu xanh sậm đang thẩm dần trong ánh hoàng hôn. Nước sông chừng như không trôi. Tôi ngó theo, rong bèo trên dòng không di động. Tôi tự hỏi, trong hai câu thơ của Hoàng Cầm, khi ông gọi bên kia sông Ðuống, không biết ông muốn nói bên nào. Là bờ bên phía Hà Nội hay bờ bên phía Bắc Ninh? Có lẽ bên kia là phía Bắc Ninh. Vì lên là lên Hà Nội, mà về thì lại về Bắc Ninh chăng?

Xe đỗ ở đầu làng. Hai đứa bé khoảng 4, 5 tuổi đang ngồi chơi thơ thẩn bên thềm nhà tò mò nhìn chúng tôi. Một đứa ở truồng khoe bụng vẫy tay chào rồi cười hồn nhiên. Hai bên đường làng là những ngôi nhà lợp ngói, tối và cũ kỹ. Dọc vệ đường, rơm rạ được bó lại từng bó để phơi. Người ta còn phơi rơm trên các mái nhà. Nhìn đâu cũng thấy rơm rạ, trước sân mỗi nhà có một ụ chất cao. Tháng này đang vào ngày mùa, mọi người đều bận rộn gặt hái nên đi suốt quãng đường tôi không thấy bóng dáng các thanh niên. Phân trâu bò vương vãi trên đường. Phảng phất trong không khí mùi phân ải, mùi rơm rạ, mùi đồng đất, mùi nắng gió... tất cả tổng hợp lại thành một mùi rất đặc trưng: “mùi thôn dã” của đồng quê Bắc Việt. Cũng là nông thôn như nhau, nhưng khứu giác của tôi cho biết mùi thôn dã này khác hẳn với cái mùi mà tôi đã gặp ở đồng ruộng các tỉnh Nam bộ. Loa phát thanh chương trình tin tức, thời sự trong ngày vang vang trên cao, loáng thoáng những từ “chỉ tiêu”, “năng suất” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Một người đàn bà nặng nhọc kéo chiếc xe cút-kít đóng thùng gỗ chất đầy rơm rạ, sau xe có một thằng bé đẩy giúp mẹ, hai mẹ con bước chậm từng bước. Lưng gò xuống, những ngón chân bấu lại cố bám lấy mặt đường trơn, chiếc nón lá che sụp tầm mắt của chị.

Tôi có cảm giác thời gian trong ngôi làng này cũng lừ đừ lặng yên như dòng nước của con sông Ðuống chiều nay. Một thứ thời gian ngầy ngật nặng nề như sau một cơn say mà con người không muốn ngồi dậy. Quang cảnh trong mắt tôi là một hiện thực không đổi của nông thôn Bắc Việt ở đầu thế kỷ trước mà tôi được xem qua phim ảnh. Yên bình nhưng trầm buồn. Và nghèo, nghèo quá! Tôi cảm thấy rợn trên da mình những ngọn gió thổi se sắt qua cánh đồng chiều mùa đông lạnh trong màn mưa chùng hiu hắt. Ðồng chiều cuống rạ... [3]

Bên tay trái là ngôi đình làng Viêm Xá, Như Huy nói cửa võng của đình có chạm 99 cái đầu rồng. Ở đây còn có một miếu thờ Vua Bà. Theo truyền thuyết thì Vua Bà là bà tổ của quan họ. Vậy ý kiến cho rằng quan họ là một lối hát đối đáp giữa hai bên trai gái do Hiếu Trung Hầu, một vị hoạn quan của triều vua Lê Cảnh Hưng, đặt ra có thật đúng không? Hay quan họ là một điệu hát do các nghệ sĩ vô danh đặt ra từ xa xưa, và Hiếu Trung Hầu là người có công bổ sung, hệ thống hóa và hoàn thiện nó?

Vùng Kinh Bắc có cả thảy 49 làng quan họ. Viêm Xá là tên chữ của làng Diềm. Quan họ làng Diềm kết bạn với quan họ làng Xim Bịu. Theo tác giả Toan Ánh, “Hai bọn quan họ thuộc hai làng khác nhau, một bọn nam và một bọn nữ, sau khi đã hát với nhau nhiều lần ở nhiều hội xuân và cũng đã mời nhau về để hát đêm nhiều canh, thường kết bạn với nhau. Kết bạn, nghĩa là đôi bên giao kết chỉ hát với nhau ở hội và không hát với bọn nào khác.” [4]

Ðể thực hiện giao ước kết bạn này, mỗi bên hẹn ngày sửa soạn một bữa lễ mang đến cúng tạ thần đình làng phía bên kia. Sau khi kết bạn cùng nhau, hai bên xem nhau như người thân trong gia đình, chia sẻ tất cả những vui buồn, khó khăn cũng như sung sướng. Nhưng điều kì lạ là họ không được lấy nhau thành duyên chồng vợ, và tình bạn này sẽ gắn bó đến hết cả một đời người.

Tương truyền rằng, có khi người liền anh của làng bên này sang thăm bạn là liền chị của làng bên kia, mà người liền chị ấy đã có gia đình. Người chồng của liền chị sẽ giúp vợ sửa soạn một mâm cơm tiếp bạn của vợ mình. Ðiều thú vị là anh chồng sẽ tế nhị cáo từ rồi bỏ đi đâu đó, để cho vợ mình tự do tiếp bạn. Hai người có thể hát đôi, tâm tình với nhau qua đêm, và nhỡ có chuyện gì xảy ra hay không thì chỉ có đôi bạn quan họ và những bức vách biết. Hôm sau người chồng trở về thì mọi sinh hoạt trở lại bình thường như mọi ngày, như chưa từng có cuộc gặp gỡ huyền hoặc ấy của cô vợ. Tôi nghĩ, cả ba người đều là những kẻ siêu việt, vai nào cũng cần có lòng can đảm dị thường. Phải có niềm tin tuyệt đối vào sự son sắt của vợ mình, và một bộ dây thần kinh bằng thép thì người đàn ông mới hành xử được đường hoàng và hào hiệp như vậy. Chàng liền anh cũng “chì” không kém. Nhỡ mà có gì thì vàng đá ắt nát tan, rồi tên tuổi lên báo Công an như chơi. Vài nơi ở châu Âu cũng có tục lệ gần giống thế, nhưng không phóng khoáng bằng. Trong một số ngày được quy định, người bạn tình cũ của cô gái đã có chồng có thể mang đàn sáo đến đứng trong vườn hay dưới cửa sổ nhà nàng ca hát cho nàng nghe suốt đêm, dĩ nhiên người chồng cũng cùng thưởng thức. Đến rạng sáng thì chàng tình nhân lẳng lặng ra về, chờ đến dịp tới sang năm!

Như Huy kể, anh đã sửa một cái lễ để xin được thọ giáo các cụ ở làng Diềm học hát quan họ, lễ gồm có hoa quả, bánh ngọt, trầu cau. Anh theo học trong ba tháng, chỉ như mới lớp vỡ lòng, và trong thời gian đó anh sống với gia đình cụ Giành. Trong quan họ của làng Diềm hiện nay có hai cụ bà lớn tuổi được tôn trọng nhất là cụ Giành và cụ Ký. Cụ Hà Thị Ký đã được tổ chức UNESCO công nhận là người gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể.

Chúng tôi tranh thủ đi ra đê chơi trước khi trời chạng vạng tối. Men theo đường ruộng khoảng bốn cây số, có chỗ phải lội, chúng tôi đứng trên đê nhìn bao quát vùng ruộng đồng sông nước. Vài cánh cò sà xuống cắp mồi. Tiếng lao xao huyên náo của đàn vịt cả ngàn con được nuôi thả khua động niềm tĩnh lặng trên đồng.

Buổi quan họ tối nay được tổ chức ở nhà cụ Giành. Cụ Giành 85 tuổi, là chủ nhà chứa của làng. Nhà chứa ở đây không mang ý nghĩa thông tục, mà để chỉ ngôi nhà của một gia đình giàu có trong làng, tại ngôi nhà này gia chủ thường đón tiếp khách từ các nơi xa đến làng chơi quan họ. Chồng mất sớm vào năm cụ 35 tuổi, cụ sống với con cháu trong ngôi nhà này cho đến ngày nay. Ðã 85 tuổi mà trông cụ vẫn còn rất khỏe mạnh. Tôi thấy cụ chào khách xong lại lăng xăng chỉ huy phân công con cháu và tự tay làm lấy một số công việc nhà. Qua lời kể, cuộc đời cụ là cuốn phim sống qua những biến đổi lịch sử của vùng đất này.

Mâm cơm được bày ra trên hai tấm chiếu trải ngoài sân. Khách và chủ ngồi quanh quây quần. Rượu được mang ra trong nhiều bình nhựa bốn lít, rồi lại sang ra trong các ấm trà, rót tràn ly. Người con trai đại diện cho chủ nhà rót mời từng người, cung cách đơn giản mà ân cần.

Cơm nước xong, buổi chơi quan họ bắt đầu. Trước đó, anh con trai cụ Giành đã đến từng nhà các liền anh, liền chị trong làng để mời mọi người đến tham gia. Theo đúng trình tự, khởi đầu là cụ Giành và cụ Ký cùng hát bài “Hôm nay khách đến chơi nhà”. Bài hát thay lời gia chủ tỏ lòng mến mộ và lòng hiếu khách. Tiếp theo đó là các bài hát khác rất trữ tình như “Lúng liếng là lúng liếng ơi” do các liền anh, liền chị khác trình bày.

Ðêm càng khuya cuộc chơi càng hào hứng. Hết đôi này lại đến đôi khác hát. Tôi nhận thấy khi hát thì hai người ngồi đối diện nhau, một chân co lên, một tay chống cằm, và đặc biệt là họ nhìn vào mắt nhau như muốn cảm nhận tất cả những tâm tình mà người kia muốn trao chuyển, chứ không chỉ ở các lời hát mà thôi. Cụ Giành giải thích rằng có hai tư thế khi hát: Một là ngồi như thế này trên trường kỷ hoặc trên sàn nhà. Hai là đứng cầm nón quai thao che nghiêng, khi che như vậy chiếc nón còn có tác dụng điều hướng âm thanh như một chiếc loa. Còn một giọng hát hay thì cần có bốn yếu tố : vang, rền, nẩy và ngọt. Ngoài ra, một người hát giỏi cần phải học thuộc nhiều bài hát, và tập cho mình có được khả năng ứng đối nhanh nhạy tức thì. Ngày nay, theo xu thế kinh tế thị trường, ở nhiều nơi quan họ đã được thương mại hóa thành một món hàng, hay thành mồi câu của ngành du lịch, chứ không còn là cái đẹp văn hóa dân dã thuần mộc. Có người gọi đùa đó là quan họ văn công, hay tệ hơn, quan họ mậu dịch.

“Lóng lánh là lóng lánh ơi/ mắt người nhìn là nhìn lóng lánh/ rằng là có đôi là đôi ý a sao trời/ là chứ tôi có nhìn người muốn kết phu lý tình là kết nhân duyên....”

Ngày xưa sao các cụ tán tỉnh nhau hay thế, với những vời vợi sao trời thì quả là lãng mạn lắm thay. Mà có vẻ cũng đốt giai đoạn lắm, chỉ mới nhìn thôi mà đã muốn kết phu lý tình, kết nhân duyên rồi thì cũng tốc hành lắm.

Ðêm đã khuya, men say của rượu, của cau trầu ngấm vào lòng người. Men say của lời hát ngấm vào lòng người. Sau nhiều bài “giã bạn” lưu luyến, dẫu van nhau: người ơi người ở đừng về, thì người cũng phải về thôi. Tôi chỉ tiếc chưa gặp được một hay vài cô thôn nữ như lòng hằng mong đợi trước chuyến đi. Ơi là thôn nữ, đêm trăng các nàng đâu mất cả rồi?

Xe qua cầu. Nhìn xuống dòng sông Ðuống nước tối om, tôi hiểu rằng có một đời sống khác bên ngoài cái thực tại mà tôi đang sống. Không phải con người luôn cần một loại ma túy nào đó để phần hồn được sống còn qua nghịch cảnh hay sự nhàm chán của thực tại?

Trước mắt tôi, con sông lừ đừ chảy hiện ra trong thơ, trong lời quan họ, bỗng lấp lánh mơ hồ như con mắt lúng liếng nhìn vào góc khuất của tâm hồn con người. Có lẽ chuyện hoang đường bắt đầu từ đây...

© 2008 talawas



[1]Thơ Hoàng Cầm
[2]Thơ Hoàng Cầm
[3]Thơ Hoàng Cầm
[4]Trích từ sách Nếp cũ- Hội hè - Ðình đám của tác giả Toan Ánh