Cách đây khoảng một năm tôi có tham gia buổi họp mặt do P.E.N. Club tổ chức nhân kỉ niệm 300 năm ngày ra đời tác phẩm AEROPAGITICA của John Milton, một cuốn sách mỏng, xin được nhắc lại, được ông chắp bút nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Trên những tờ rơi quảng bá cho cuộc họp mặt người ta đã cho in một câu nói nổi tiếng của Milton về tội ác của việc “giết” sách.
Có bốn diễn giả. Một người thực sự nói về tự do ngôn luận, nhưng lại là tự do ngôn luận ở Ấn Độ; người thứ hai nói một cách lưỡng lự và bằng những thuật ngữ chung chung rằng tự do là điều tốt; người thứ ba thì tấn công vào luật lệ liên quan đến văn chương đồi truỵ. Người thứ tư dành phần lớn thời gian biện hộ cho những cuộc thanh trừng ở Nga. Có một số thính giả phát biểu, nhưng người thì nói đến vấn đề văn chương đồi truỵ và luật lệ trong lĩnh vực này; người thì đơn giản là tán dương nước Nga Xôviết. Nói chung mọi người đều ủng hộ quyền tự do trong lĩnh vực đạo đức, tức là tự do thảo luận công khai trên báo chí vấn đề tình dục, nhưng tự do chính trị thì không được ai nhắc tới. Có lẽ phải một nửa trong số mấy trăm người có mặt hôm đó có liên quan trực tiếp đến vấn đề viết lách, nhưng không một người nào có thể nói rõ ràng rằng tự do ngôn luận, nếu quả thật nó còn có ý nghĩa nào đó, là tự do phê bình và tự do đối lập. Điều đặc biệt là không có người nào trích dẫn cái tác phẩm mà họ đang kỉ niệm cả. Cũng không có ai nhắc đến những cuốn sách từng bị “giết” ở Anh và Mĩ trong thời gian chiến tranh vừa qua. Ấn tượng cuối cùng mà cuộc gặp mặt để lại là mọi người đều ủng hộ kiểm duyệt
[1] .
Chuyện đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trong thời buổi này, khái niệm tự do tư tưởng bị tấn công từ hai phía: một mặt là những kẻ thù về lí luận, tức là những kẻ biện hộ cho chủ nghĩa toàn trị và mặt khác là những kẻ thù trực tiếp, kẻ thù trên thực tế, nghĩa là các nhóm độc quyền và bộ máy quan liêu. Nhà văn hay nhà báo nào muốn giữ được sự trung thực cũng thấy ngay rằng anh ta bị xã hội phá đám còn dữ dội hơn là sự bức hại trực tiếp nữa. Báo chí nằm trong tay một vài người giầu có, sự độc quyền trong lĩnh vực phát thanh và phim ảnh, dân chúng không chịu bỏ tiền mua sách là những thứ trực tiếp chống lại anh ta, buộc hầu như tất cả các nhà văn phải kiếm sống bằng cách viết thuê; việc phình ra của các cơ quan nhà nước như Bộ Thông tin và Hội đồng Anh, là những cơ quan giúp giữ cho nhà văn khỏi chết đói nhưng đồng thời cũng làm mất thì giờ của anh ta và buộc anh ta phải có ý kiến thế này hay thế kia, và không ai thoát khỏi ảnh hưởng méo mó của cái không khí chiến tranh kéo dài suốt mười năm qua. Mọi thứ trong thời đại của chúng ta cùng hiệp lực vào để biến nhà văn, và tất cả các nghệ sĩ khác nữa, thành một quan chức hạng bét, chuyên xử lí các đề tài do cấp trên đưa xuống và không bao giờ được nói cái mà anh ta cho là toàn bộ sự thật. Nhưng trong cuộc đấu tranh chống lại cái số phận đó, anh ta không hề nhận được một sự trợ giúp nào từ phía các đồng nghiệp; nghĩa là không có dư luận xã hội đủ mạnh nhằm giúp anh ta tin rằng mình có lí. Trong quá khứ, ít nhất là trong suốt thời Tin lành, quan niệm về nổi loạn và quan niệm về sự trung thực trí thức vẫn hoà quyện với nhau.
Kẻ dị giáo – dù đấy là chính trị, đạo đức, tôn giáo hay mĩ thuật – là người không chịu bẻ cong lương tâm của mình. Thế giới quan của anh ta được thể hiện trong bài hát của những người gọi là Revivalist như sau:
Dám làm một Daniel
Dám đứng một mình, cô đơn
Dám có mục tiêu của mình
Dám nói to lên điều đó.
Muốn cập nhật hoá bài hát này thì phải thêm vào đầu mỗi dòng từ “không”. Vì điểm đặc biệt của thời đại chúng ta là những kẻ nổi loạn chống lại trật tự hiện hành, ít nhất là phần lớn và là những người tiêu biểu nhất trong số họ, lại đồng thời cũng nhà những người chống lại sự trung thực trí thức. “Dám đứng một mình, cô đơn” là tội phạm về mặt tư tưởng và cũng nguy hiểm trên thực tế nữa. Sự độc lập của các nhà văn và các nghệ sĩ đang bị các lực lượng kinh tế mơ hồ gặm nhấm dần, trong khi đó những người đáng lẽ phải bảo vệ thì lại cũng tìm cách huỷ hoại nó. Tôi muốn nói đến hiện tượng thứ hai trong bài viết này.
Lí lẽ mà người ta thường dùng để chống lại tự do tư tưởng và tự do báo chí là những thứ chẳng đáng quan tâm ở đây. Tất cả những người từng giảng dạy và tranh luận có kinh nghiệm đều giữ những lí lẽ đó ngay trên đầu môi chót lưỡi. Ở đây tôi không có ý định bác bỏ lời tuyên bố quen thuộc rằng tự do chỉ là ảo tưởng hay là trong các nước toàn trị người dân còn được hưởng nhiều quyền tự do hơn là các nước dân chủ, mà muốn thảo luận một định đề còn tinh tế và nguy hiểm hơn nhiều, đấy là tự do chỉ gây rắc rối còn tính trung thực tri thức cũng chỉ là một hình thức của tính ích kỉ mà thôi. Mặc dù những khía cạnh khác của vấn đề vẫn chiếm vị trí nổi bật, tranh luận về tự do ngôn luận và tự do báo chí về bản chất là tranh luận về sự cần thiết phải nói dối, hay ngược lại, không được phép dối trá. Bản chất vấn đề là quyền đưa tin về các sự kiện vừa xảy ra một cách trung thực, dĩ nhiên là có tính đến sự thiếu thông tin, thành kiến và khả năng tự huyễn mà người quan sát nào cũng có. Như thế là có vẻ như tôi nói rằng điều đó chỉ liên quan đến “phóng sự”, tức là một trong những lĩnh vực của văn chương, nhưng sau đây tôi sẽ cố gắng chứng tỏ rằng trên tất cả các thang bậc của văn chương, mà hầu như chắc chắn là trong tất cả mọi lĩnh vực nghệ thuật, đều cùng tồn tại một vấn đề như thế, chỉ khác nhau về mức độ mà thôi. Nhưng trước hết cần phải loại bỏ những vấn đề không liên quan mà cuộc tranh luận này thường hay vướng mắc vào.
Kẻ thù của tự do tư tưởng luôn cố gắng thể hiện như là những người bảo vệ kỉ cương, những người chống lại chủ nghĩa cá nhân. Họ tìm mọi cách để không đả dộng đến vấn đề sự-thật-chống-lại-dối-trá. Dù cách thể hiện có thể khác nhau, nhưng nhà văn không chịu bán đứng quan niệm của mình bao giờ cũng bị dán cho cái mác là ích kỉ. Anh ta sẽ bị kết tội hoặc là nấp trong tháp ngà, hoặc là kẻ thích khoe khoang hoặc là kẻ muốn chống lại trào lưu chung của lịch sử nhằm bám lấy đặc quyền đặc lợi phi lí. Người Thiên chúa giáo và người cộng sản giống nhau ở chỗ cho rằng phía đối lập không thể vừa thông thái vừa trung thực được. Cả hai đều ngụ ý rằng “chân lí” đã được tìm thấy rồi, còn kẻ dị giáo, nếu không phải là một thằng ngu thì cũng là một thằng đã biết rõ “chân lí” nhưng không nói ra, hắn kháng cự chỉ vì có những động cơ ích kỉ mà thôi. Trong văn chương cộng sản, cuộc tấn công vào tự do tri thức thường được che đậy bằng những lời kết án hùng hồn như “chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản”, “ảo tưởng về chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX” v.v… kèm theo là những lời thoá mạ như “lãng mạn” và “uỷ mị”, tức là những từ muốn hiểu thế nào cũng được cho nên rất khó phản đối. Cuộc tranh luận vì vậy mà không thể đi vào thực chất được. Người ta có thể chấp nhận - đa số những người hiểu biết sẵn sàng chấp nhận - luận điểm của chủ nghĩa cộng sản rằng tự do thật sự chỉ có thể tồn tại trong xã hội phi giai cấp và người đang đấu tranh để đưa xã hội đó đến gần cũng là người gần như đạt được tự do như thế rồi. Nhưng đồng thời người ta lại lén lút đưa thêm vào một lời khẳng định hoàn toàn không có cơ sở rằng mục tiêu của đảng cộng sản là xã hội phi giai cấp và rằng ở Liên Xô mục tiêu đó đang trở thành hiện thực. Nếu công nhận rằng lời khẳng định thứ hai có thể được rút ra từ lời khẳng định thứ nhất thì mọi cuộc tấn công vào lương tri và sự tử tế của con người cũng đều có thể biện hộ được. Trong khi đó bản chất của vấn đề đã bị người ta lảng tránh. Tự do tri thức là tự do tường trình những điều trông thấy, nghe thấy hay cảm thấy và không có trách nhiệm phải bịa ra những sự kiện và tình cảm tưởng tượng. Những lời tố cáo quen thuộc chống “tư tưởng thoát li thực tế” và “chủ nghĩa cá nhân”, “chủ nghĩa lãng mạn” v.v… thực ra chỉ là những thuật ngữ nhằm biến việc xuyên tạc lịch sử thành ra một công việc có vẻ đứng đắn mà thôi.
Mười lăm năm về trước, bảo vệ tự do tri thức là bảo vệ nó nhằm chống lại những người bảo thủ, những người Thiên chúa giáo và ở mức độ nào đó là chống lại bọn phát xít, vì ở Anh chủ nghĩa phát xít chưa đóng vai trò nổi bật nào. Hiện nay thì phải bảo vệ nó nhằm chống lại những người cộng sản và những người “bạn đồng hành” của họ. Không cần phải thổi phồng ảnh hưởng trực tiếp của Đảng Cộng sản Anh, vốn chẳng có bao nhiêu người, nhưng không còn nghi ngờ gì rằng huyền thoại Nga đã gây ra những ảnh hưởng độc hại của lên đời sống tinh thần của nước Anh. Những sự kiện mà nhiều người biết đã bị che giấu và xuyên tạc đến mức người ta phải tự hỏi rằng liệu có bao giờ viết được cái lịch sử chân thực về thời đại chúng ta hay không. Xin được dẫn ra ở đây một trong hàng trăm thí dụ. Sau khi nước Đức thua trận người ta mới phát hiện ra rằng có rất nhiều người Nga – đa số không phải vì lí do chính trị - bỏ trốn và chiến đấu cho quân Đức. Ngoài ra có một ít, nhưng tỉ lệ cũng không phải là nhỏ, tù binh chiến tranh và công chức lưu dung người Nga đã không chịu trở về Liên Xô, ít nhất là đã có một số người bị buộc phải hồi hương. Nhiều nhà báo biết, nhưng báo chí Anh hầu như không nhắc đến những chuyện như thế, trong khi đó các nhà báo thân Nga tiếp tục biện hộ cho những vụ thanh trừng và phát vãng hàng loạt hồi những năm 1936-1937 bằng cách tuyên bố rằng ở Liên Xô không có “bọn Quisling
[2] ”. Đám mây dối trá và xuyên tạc bao trùm lên các đề tài như nạn đói ở Ukraine, nội chiến ở Tây Ban Nha, chính sách của Nga ở Ba Lan v.v... không phải hoàn toàn là do người ta đã cố tình nói dối, tất cả các nhà văn và nhà báo ủng hộ một cách tuyệt đối Liên Xô - ủng hộ theo cách người Nga muốn - buộc phải ngầm đống ý với việc xuyên tạc một cách cố ý các đề tài quan trọng. Trước mặt tôi là một cuốn sách, có thể thuộc loại cực kì hiếm, do Maxim Litvinoff
[3] viết vào năm 1918, mô tả các sự kiện vừa diễn ra trong cuộc Cách mạng Nga. Cả cuốn sách không có một dòng nào nói về Stalin, nhưng lại đánh giá cao vai trò của Trotsky, Zinoviev, Kamenev và những người khác. Một người cộng sản có tư duy trung thực sẽ phải làm gì với những cuốn sách như thế? Trong trường hợp tốt nhất thì anh ta, giống như bất kì một kẻ ngu dân nào khác, sẽ nói: đây là tài liệu không thích hợp và nên cấm. Còn nếu vì một lí do nào đó mà nó được xuất bản “có sửa chữa” thì người ta sẽ tìm cách bôi nhọ Trotsky và đưa thêm vào đoạn nói về Stalin, sẽ không có một người cộng sản trung thành nào phản đối chuyện đó. Những chuyện giả mạo tương tự như thế đã từng diễn ra trong suốt mấy năm gần đây. Nhưng điều quan trọng không phải những sự kiện như thế đã từng xảy ra mà quan trọng là toàn thể giới trí thức cánh tả đã không hề có phản ứng gì sau khi những chuyện như thế bị lộ tẩy. Thật khó mà phản đối những lí lẽ kiểu như “chưa phải lúc” nói ra sự thật hoặc nó “sẽ bị những kẻ nào đó lợi dụng”, rất ít người cảm thấy lo lắng về sự kiện là những điều dối trá mà họ nhắm mắt làm ngơ trong tương lai sẽ có thể nhảy từ các trang báo sang những cuốn sử kí.
Dù người ta có nói gì đi chăng nữa thì việc nói dối một cách có tổ chức trong các nhà nước toàn trị cũng không phải là thủ đoạn nhất thời, không phải là những thông tin theo kiểu phản gián thời chiến. Nó là bản chất của chế độ toàn trị và sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi các trại tập trung và cảnh sát mật đã không còn. Một số trí thức cộng sản vẫn ngấm ngầm tin vào cái huyền thoại rằng mặc dù hiện thời chính phủ Nga buộc phải sử dụng biện pháp tuyên truyền dối trá và tạo dựng ra những phiên toà v.v... nhưng nó vẫn bí mật ghi lại các sự kiện chân thực và sẽ công bố trong tương lai. Tôi nghĩ chúng ta có thể nói một cách chắn chắn rằng không làm gì có chuyện như thế, bởi vì đấy là cách hành động của nhà sử học tự do, của người tin rằng quá khứ là bất biến và kiến thức đúng đắn về lịch sử là một giá trị tự thân và đương nhiên phải như thế. Nhưng quan điểm toàn trị lại cho rằng lịch sử là cái gì đó cần phải được sáng tạo ra chứ không phải là để nghiên cứu. Thực chất, nhà nước toàn trị là nhà nước thần quyền và để giữ vững địa vị của mình, tầng lớp cai trị phải được coi là không bao giờ sai. Nhưng trên thực tế làm gì có ai lúc nào cũng đúng, cho nên người ta phải thường xuyên sắp xếp lại các sự kiện đã qua để chứng tỏ rằng chưa bao giờ có sai lầm hoặc một thắng lợi tưởng tượng nào đó quả thực đã từng xảy ra. Và thế là những thay đổi lớn về chính sách bao giờ cũng đi kèm với sự thay đổi trong học thuyết và đánh giá lại các nhân vật lịch sử lỗi lạc nào đó. Chuyện đó thì ở đâu cũng có, nhưng trong các xã hội chỉ cho phép tồn tại một quan điểm duy nhất thì điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới những sự dối trá trắng trợn. Trên thực tế, chế độ toàn trị đòi hỏi phải thường xuyên viết lại quá khứ, và cuối cùng nó có thể buộc người ta không được tin vào ngay chính sự tồn tại của sự thật khách quan nữa. Những người ủng hộ chế độ toàn trị ở nước ta thích cãi rằng vì không thể đạt được chân lí tuyệt đối cho nên dối nhiều hay dối ít thì cũng vậy. Họ còn khẳng định rằng tất cả các tài liệu lịch sử đều chứa đầy thiên kiến và không chính xác, hơn nữa, vật lí hiện đại đã chứng minh rằng thế giới mà ta tưởng là thật thực ra chỉ là ảo ảnh, chỉ có những kẻ hủ lậu mới tin vào cảm thụ của các giác quan. Nếu xã hội toàn trị có thể trở thành vĩnh viễn thì chắc chắn là nó sẽ tạo ra một hệ thống tư duy theo kiểu tâm thần phân liệt, trong đó lương tri sẽ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và trong một số ngành khoa học chính xác, nhưng sẽ bị các chính khách, các nhà sử học và xã hội học bác bỏ. Hiện đã có rất nhiều người cho rằng không nên xuyên tạc tài liệu khoa học nhưng xuyên tạc một sự kiện lịch sử lại là chuyện bình thường. Chế độ toàn trị thường tạo áp lực mạnh nhất lên những người làm việc trong nhưng lĩnh vực đan xen giữa văn học và chính trị. Hiện các môn khoa học chính xác không bị áp lực mạnh mẽ đến mức ấy. Đấy có thể là một phần lí do vì sao mà ở bất cứ nước nào các nhà khoa học thường dễ dàng theo đuôi các chính phủ của họ hơn là các nhà văn.
Để không lạc đề, xin nhắc lại điều tôi đã nói ban đầu: ở Anh, kẻ thù trực tiếp của sự thật và cũng là kẻ thù của tự do tư tưởng là các ông chủ ngành báo chí, các ông trùm ngành phim ảnh và các giới chức quan liêu, nhưng về lâu dài thì triệu chứng nguy hiểm nhất lại là sự suy giảm khát vọng tự do ở ngay chính trong hàng ngũ trí thức. Có người sẽ nghĩ rằng từ đầu đến giờ tôi chỉ nói đến ảnh hưởng của kiểm duyệt đối với lĩnh vực báo chí chính trị chứ không phải là ảnh hưởng của nó đối với văn chương nói chung. Cứ cho là nước Nga Xôviết là một vùng cấm trong báo chí Anh quốc, cứ cho là các vấn đề như Ba Lan, nội chiến ở Tây Ban Nha, Hiệp định Nga - Đức v.v... không được đem ra thảo luận một cách nghiêm túc, và nếu một người nào đó nắm được thông tin mâu thuẫn với quan điểm chính thống thì anh ta hoặc là phải bóp méo nó hoặc là phải ngậm miệng - cứ cho là như thế thì vì sao văn chương, theo nghĩa rộng hơn của từ này, lại có thể bị ảnh hưởng được? Chả lẽ nhà văn nào cũng là một chính khách và cuốn sách nào cũng là một bài “phóng sự” trực tiếp hay sao? Chả lẽ một nhà văn, ngay cả dưới chế độ độc đoán nhất, lại không giữ được sự tự do nội tại và không thể nguỵ trang những tư tưởng phi chính thống của anh ta một cách khéo léo sao cho nhà cầm quyền không thể nào phát hiện được hay sao? Còn nếu nhà văn chia sẻ quan điểm đang thịnh hành thì làm sao nó lại câu thúc anh ta cho được? Văn chương, cũng như mọi ngành nghệ thuật khác, chẳng đơm hoa kết trái trong những xã hội không có xung đột lớn về quan điểm và không có sự cách biệt quá mức giữa người nghệ sĩ và độc giả hay sao? Chả lẽ nhà văn nào cũng là một kẻ nổi loạn hay một nhân cách đặc biệt hay sao?
Cứ mỗi lần đề cập đến tự do tri thức trước những thách thức của chế độ toàn trị là y như rằng ta được nghe những lí lẽ như thế, khi thì dưới dạng này, lúc dưới dạng khác. Đấy là do người ta hoàn toàn không hiểu văn chương là gì và nó được hình thành như thế nào, hay nói đúng hơn vì sao văn chương lại xuất hiện? Người ta cho rằng nhà văn chỉ đơn giản là một anh hề hoặc là một tay viết mướn, có thể nhảy từ đường lối tuyên truyền này sang đường lối truyên truyền khác cũng dễ dàng như người thợ kèn chuyển giai điệu vậy thôi. Nhưng nói cho cùng, người ta viết sách để làm gì? Trừ những cuốn sách hạ cấp, văn chương chính là ghi lại kinh nghiệm sống nhằm tạo ảnh hưởng đến quan điểm của người đương thời. Và vì ta đang nói đến tự do ngôn luận cho nên không có sự cách biệt lớn giữa một nhà báo với một nhà văn giầu tưởng tượng “phi chính trị” nhất. Nhà báo là người không được tự do và anh ta biết như thế khi anh ta buộc phải viết những điều dối trá hoặc phải ỉm đi những tin tức mà anh ta cho là quan trọng; nhà văn giầu tưởng tượng cũng không được tự do khi anh ta buộc phải xuyên tạc những tình cảm cá nhân của mình mà theo quan điểm của anh ta thì chính là các sự kiện có thực. Muốn làm cho thật rõ nghĩa, anh ta có thể bóp méo hoặc châm biếm hiện thực nhưng anh ta không thể xuyên tạc những hình ảnh xuất hiện trong chính óc não của mình; nếu anh ta nói yêu cái mà mình không yêu, tin cái mà mình không tin thì sẽ chẳng thể nào thuyết phục được ai. Nếu anh ta bị buộc phải làm như thế thì khả năng sáng tạo của anh ta sẽ khô héo dần. Tránh các đề tài có thể tạo ra tranh luận cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Không có cái gọi là văn chương phi chính trị một trăm phần trăm, nhất là trong thời đại của chúng ta, khi mà nỗi sợ hãi, lòng căm thù và trung thành mang ý nghĩa chính trị trực tiếp gần như đã hiện diện trong tâm trí của mỗi con người, chỉ cần có cơ hội là bùng phát. Ngay cả một điều cấm đoán (taboo) đơn lẻ cũng có thể làm méo mó toàn bộ nhận thức, vì nếu được tự do phát triển thì tư tưởng nào cũng có thể dẫn đến một tư tưởng bị cấm đoán cả. Như vậy là bầu không khí tinh thần của chế độ toàn trị có ảnh hưởng tai hại đối với tất cả những người viết văn xuôi, mặc dù nhà thơ, nhất là các nhà thơ trữ tình, có thể cho là thở được. Có khả năng là trong mọi chế độ toàn trị, đấy là nói trường hợp nó kéo dài được quá hai thế hệ, kiểu văn xuôi đã từng tồn tại suốt bốn trăm năm qua sẽ đi đến chỗ cáo chung.
Văn chương đôi khi đã từng nở hoa kết trái dưới các chế độ độc tài, nhưng như nhiều người đã chỉ rõ: các chế độ độc tài trong quá khứ không phải là chế độ toàn trị. Lúc đó bộ máy đàn áp còn kém hiệu quả, giai cấp cầm quyền thường thối nát, thờ ơ hoặc có quan điểm tương đối phóng khoáng và các học thuyết tôn giáo giữ thế thượng phong trong xã hội thường bài bác cái lí thuyết về sự toàn trí toàn năng và bất khả sai lầm của con người. Ngay cả như thế thì sự thật vẫn là: văn chương chỉ đạt được những đỉnh cao tót vời trong những giai đoạn dân chủ và tự do tư tưởng mà thôi. Cái mới của chế độ toàn trị là học thuyết của nó không những là bất khả tranh biện mà còn biến hoá khôn lường nữa. Người ta phải chấp nhận nó nếu không muốn bị “rút phép thông công”, nhưng mặt khác, lại phải sẵn sàng đón nhận sự thay đổi của nó vào bất cứ lúc nào. Thí dụ như thái độ lúc thế này lúc thế khác, không ăn nhập gì với nhau của những người cộng sản Anh hay “những người bạn đường” của họ đối với cuộc chiến tranh giữa Anh và Đức. Suốt nhiều năm trời, đấy là nói trước tháng 9 năm 1939
[4] , họ phải căm thù “những tội ác của chủ nghĩa Quốc xã” và tìm mọi cách vạch mặt Hitler; nhưng trong thời gian khoảng một năm tám tháng sau tháng 9 năm 1939 họ lại phải tin rằng nước Đức đáng thương hơn là đáng trách và từ “Quốc xã”, ít nhất là trên các văn bản, đã được rút khỏi từ điển. Nhưng ngay sau khi nghe bản tin thời sự lúc 8 giờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941
[5] là họ lại phải tin rằng thế giới chưa từng thấy loài quỉ dữ nào độc ác hơn là chủ nghĩa Quốc xã. Chính khách có thể dễ dàng làm chuyện thay đổi như thế, nhưng nhà văn thì lại khác. Nếu anh ta phải thay đổi phương hướng theo đúng sự chỉ đạo thì anh ta phải bịa tạc hoặc là đè nén tất cả các tình cảm của mình. Dù thế nào thì anh ta cũng đã phá huỷ chính khả năng sáng tạo của mình. Anh ta đánh mất không chỉ cảm hứng sáng tạo, mà dưới ngòi bút của anh ta ngôn từ cũng chỉ còn là những từ ngữ vô hồn. Trong thời đại của chúng ta những bài viết về chính trị gần như chỉ là những câu chữ đã được chế biến sẵn, được lắp ghép vào với nhau bằng những con ốc chẳng khác gì trò lắp ghép của trẻ con. Đấy là kết quả tất yếu của quá trình tự kiểm duyệt. Muốn có một ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc và sống động thì người ta phải tư duy một cách can đảm, mà một người có tư duy can đảm thì không thể là người chính thống về chính trị được. Cái thời “của đức tin” có lẽ đã khác, nhưng lúc đó tôn giáo chính thống giữ thế thượng phong cũng đã hình thành khá lâu rồi và thái độ của người ta đối với nó cũng không được nghiêm túc như bây giờ. Trong trường hợp đó người ta có thể giữ phần lớn tâm trí của mình khỏi ảnh hưởng của cái tôn giáo mà người ta chính thức theo. Ngay cả như thế thì cũng phải nói rằng văn xuôi đã gần như biến mất trong thời đại đức tin duy nhất mà châu Âu từng biết đến. Suốt thời Trung cổ gần như không có một tác phẩm văn xuôi nào và tác phẩm viết về sử học cũng chẳng có bao nhiêu; tất cả các lãnh tụ tinh thần đều thể hiện những tư tưởng giá trị nhất của mình bằng một thứ tử ngữ gần như không thay đổi trong suốt hàng ngàn năm.
Chế độ toàn trị hứa hẹn cho chúng ta không phải là thời đại của đức tin mà là một thời đại điên rồ. Xã hội biến thành toàn trị khi mà cơ cấu của nó trở thành giả tạo một cách trắng trợn, nghĩa là khi mà giai cấp cầm quyền đã mất vai trò nhưng vẫn dùng vũ lực hoặc những trò bịp bợm để tiếp tục nắm quyền. Xã hội như thế, dù có tồn tại bao lâu, cũng không thể trở thành một xã hội khoan dung hay ổn định về trí thức được. Nó không bao giờ cho phép ghi lại một cách chân thực các sự kiện hoặc ghi lại những tình cảm chân thành, là những thứ mà sáng tạo văn học luôn đòi hỏi. Nhưng người ta có thể bị chế độ toàn trị lung lạc ngay cả khi không sống trong một nước toàn trị. Bản thân sự bành trướng của một số tư tưởng nào đó có thể đầu độc bầu không khí tinh thần, làm cho hết đề tài văn chương này đến đề tài văn chương khác bị rơi vào vùng cấm. Nơi nào mà người ta cố tình áp đặt một hệ tư tưởng chính thống - thậm chí là hai hệ tư tưởng chính thống, vẫn thường xảy ra như thế - thì văn chương tử tế phải cáo chung. Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha là một thí dụ điển hình. Cuộc chiến tranh này đã gây ra một chấn động lớn đối với đa số trí thức Anh, nhưng họ lại không thể viết về nó một cách chân thành được. Người ta chỉ được phép nói hai việc, và cả hai đều là những điều dối trá trắng trợn, kết quả là người ta đã viết hàng ngàn trang về cuộc chiến nhưng vẫn chẳng có gì đáng đọc cả.
Không thể nói một cách chắc chắn rằng tư tưởng toàn trị cũng có ảnh hưởng tai hại đối với thơ như đối với văn xuôi. Do tác động qua lại của một loạt lí do, trong xã hội toàn trị nhà thơ có thể cảm thấy dễ thở hơn nhà văn. Trước hết, các quan chức cũng như những người “thực tế” thường rất coi thường các nhà thơ, họ không thèm quan tâm đến những điều nhà thơ nói. Thứ hai, điều nhà thơ nói, tức là ý nghĩa của tác phẩm của anh ta, nếu được chuyển thành văn xuôi sẽ chẳng có gì quan trọng, ngay cả với chính nhà thơ. Tư tưởng của bài thơ bao giờ cũng đơn giản, và chỉ là mục đích ban đầu của bài thơ, cũng như đề tài chỉ là mục đích ban đầu của một bức tranh. Thơ là kết hợp của âm điệu, cũng như tranh là sự kết hợp của sắc mầu. Thực vậy, các trích đoạn của một bài thơ, thí dụ các điệp khúc của một bài ca, có khi chẳng có nghĩa gì. Vì thế mà nhà thơ có thể dễ dàng tránh được những đề tài nguy hiểm và những phát ngôn mang tính dị giáo, còn nếu vạn nhất có nói ra những điều như thế thì cũng có thể không bị để ý. Nhưng cái chính là, khác với một tác phẩm văn xuôi có giá trị, một bài thơ hay không nhất thiết phải là sản phẩm cá nhân. Một số dạng thơ, thí dụ như những bài ballad có thể là sản phẩm đồng sáng tạo của một nhóm người. Người ta vẫn còn tranh cãi xem liệu những bài ballad cổ xưa của Anh hay Scotland là sản phẩm của cá nhân hay của nhóm người; nhưng dù thế nào thì chúng cũng không phải là sản phẩm của một cá nhân nào, theo nghĩa là mỗi người hát mỗi khác. Trên sách báo cũng không có hai bản ballad hoàn toàn giống nhau. Các sắc dân bán khai thường cùng nhau làm thơ nữa. Một người nào đó ứng tác, có thể cùng với một nhạc cụ nào đó, một người khác đó tiếp tục khi ca sĩ đầu tiên “hết vốn” và quá trình như thế cứ tiếp tục cho đến khi được một bài ca hay một bài ballad đủ dài, nhưng không thể nói tác giả là ai.
Không thể có kiểu cộng tác thân mật như thế trong sáng tác văn xuôi. Một tác phẩm văn xuôi nghiêm túc nhất định phải được sáng tác trong nỗi cô đơn, trong khi cảm giác hưng phấn khi thấy mình là một phần của đám đông có thể giúp cho việc làm thơ. Thơ - thậm chí là một bài thơ hay, mặc dù không phải là hay nhất – có thể tồn tại ngay trong những chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất. Ngay trong những xã hội nơi mà tự do và cá tính đã bị loại bỏ hoàn toàn thì người ta cũng vẫn cần những bài hát ca ngợi lòng yêu nước, các bài ca vinh danh chiến thắng hoặc những bài tụng ca; đấy là những bài thơ có thể làm theo đơn đặt hàng hoặc sáng tác cùng nhau mà vẫn không nhất thiết là không có giá trị nghệ thuật. Văn xuôi lại là chuyện khác: giới hạn tư duy giết chết khả năng sáng tạo của nhà văn. Nhưng lịch sử của các xã hội toàn trị hay của các nhóm người chấp nhận quan điểm toàn trị cho ta thấy rằng mất tự do là tai hoạ đối với mọi hình thức văn chương. Trong những năm Hitler cầm quyền, văn chương Đức đã hoàn toàn biến mất, nước Ý cũng chẳng khá hơn. Có thể nói văn chương Nga, qua những tác phẩm được dịch cho đến nay, cũng đã đi vào thoái trào ngay từ những ngày đầu sau cách mạng, dù rõ ràng là thơ có vẻ khá hơn văn xuôi. Trong suốt mười lăm năm qua chỉ có vài cuốn tiểu thuyết Nga có thể coi là nghiêm túc mà thôi. Ở Tây Âu và Mĩ rất nhiều nhà văn là đảng viên cộng sản hoặc là những người ủng hộ tích cực của đảng, thế nhưng cái phong trào cánh tả rộng lớn đó cũng chỉ cho ra được cực kì ít tác phẩm đáng đọc. Mặt khác, nhà thờ Thiên chúa giáo cũng triệt hạ một vài hình thức văn chương, đặc biệt là tiểu thuyết. Trong suốt ba trăm năm liệu có bao nhiêu người vừa là con chiên ngoan đạo lại vừa là một tiểu thuyết gia lỗi lạc? Đơn giản là một số đề tài không thể được tán dương, chế độ độc đoán là một trong những đề tài như thế. Chưa có ai viết được một cuốn sách ca ngợi Toà án Giáo hội mà lại hay. Trong thời đại toàn trị, thơ ca có thể sống sót được; chế độ độc tài có thể có lợi cho một số ngành nghệ thuật hoặc nửa nghệ thuật, thí dụ như kiến trúc, nhưng người viết văn xuôi thì chỉ có một lựa chọn: ngậm miệng hay là chết. Văn xuôi, như chúng ta đã biết, là sản phẩm của chủ nghĩa duy lí, của thời đại Tin lành và tính độc lập cá nhân. Việc phá huỷ tự do tri thức sẽ làm tê liệt những người cầm bút theo thứ tự như sau: nhà báo, nhà xã hội học, nhà sử học, nhà văn, nhà phê bình và cuối cùng là nhà thơ. Trong tương lai có thể xuất hiện một loại văn chương kiểu mới, không cần tình cảm cá nhân, không cần quan sát một cách trung thực đời sống, nhưng hiện nay chuyện như thế là không thể tưởng tượng được. Nhiều khả năng hơn là nếu nền văn hoá phóng khoáng mà chúng ta đã từng biết từ thời Phục hưng cáo chung thì nghệ thuật văn chương cũng sẽ cáo chung.
Dĩ nhiên là việc in ấn vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng, và việc khảo sát xem trong xã hội toàn trị cứng rắn người ta sẽ đọc cái gì cũng là vấn đề lí thú. Báo chí sẽ vẫn còn cho đến khi kĩ thuật vô tuyến đạt được đỉnh cao mới, nhưng ngoài báo chí ra thì ngay từ bây giờ đã có thể đặt câu hỏi là liệu quần chúng nhân dân trong các nước công nghiệp hoá có còn nhu cầu về bất cứ loại sách văn học nào nữa hay không. Dù thế nào thì họ cũng không muốn chi cho việc đọc tương đương với việc chi tiêu cho những phương tiện nghỉ ngơi và giải trí khác. Tiểu thuyết và truyện ngắn có thể sẽ bị phim ảnh và đài phát thanh đè bẹp. Có thể là một vài hình thức sáng tác mang tính giật gân hạ cấp sẽ tiếp tục tồn tại, đấy là loại văn chương được sản xuất theo lối dây chuyền, khả năng sáng tạo của con người lúc đó sẽ chỉ còn ở mức tối thiểu.
Tài khéo léo của con người có lẽ sẽ chỉ còn là điều khiển những chiếc máy viết sách mà thôi. Ngay từ bây giờ đã có thể thấy quá trình cơ giới hoá như thế trong phim ảnh và đài phát thanh, trong lĩnh vực quảng cáo, tuyên truyền và trong phạm vi báo chí hạ cấp. Phim của hãng Disney là một thí dụ, đây là những bộ phim được sản xuất theo kiểu nhà máy, một phần được sản xuất bằng các máy móc cơ khí, phần khác được đội ngũ các nghệ sĩ, những người phải hi sinh phong cách cá nhân cho công việc chung, làm ra. Kịch bản phát thanh thường được những người viết thuê chấp bút, mà cả đề tài cũng như cách xử lí đã được quyết định từ trước; nhưng đấy cũng mới chỉ là nguyên liệu thô, nó còn phải được những người sản xuất và kiểm duyệt nhào nặn nhiều lần nữa. Những cuốn sách do các cơ quan khác nhau của chính phủ đặt hàng cũng có số phận tương tự như thế. Việc sản xuất truyện ngắn, tiểu thuyết đăng nhiều kì và thơ phú cho những tờ tạp chí lá cải còn giống việc sản xuất dây chuyền hơn nữa. Những tờ báo như tờ WRITER đăng đầy quảng cáo của những trường dạy viết văn, mà trường nào cũng sẵn sàng bán cho bạn những cốt truyện với giá chỉ vài shillings. Bên cạnh cốt truyện, một vài trường còn bán cả câu mở đầu và câu kết cho từng chương nữa cơ. Một số trường cung cấp cho bạn một cái gì đó tương tự như công thức đại số, người mua có thể sử dụng để tự xây dựng lấy cốt truyện. Số khác bán những quân bài ghi tên nhân vật và tình huống, chỉ cần tráo các quân bài rồi sắp xếp lại là có ngay một cốt truyện mới. Có khả năng là văn học trong xã hội toàn trị, nếu lúc đó người ta thấy vẫn cần đến văn học, sẽ được sản xuất theo những cách như thế. Trí tưởng tượng - thậm chí tâm thức, nếu có thể - sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi quá trình viết lách. Sách vở sẽ được các quan chức lập kế hoạch về nội dung và sẽ trải qua rất nhiều cấp xem xét để cuối cùng, khi ra lò nó sẽ giống như một chiếc xe Ford ở cuối dây chuyền lắp ráp, nghĩa là không còn là sản phẩm của cá nhân nữa. Không có nghĩa là tất cả các sản phẩm kiều ấy đều là đồ vất đi, nhưng tất cả những gì không phải là đồ vất đi đều là mối đe doạ đối với cơ cấu của nhà nước. Di sản văn chương sẽ phải đem đốt hoặc ít nhất cũng phải viết lại một cách cẩn thận.
Nhưng lúc này chủ nghĩa toàn trị chưa giành được thắng lợi trọn vẹn ở bất cứ đâu. Xã hội ta, nói một cách bao quát, vẫn còn là xã hội tự do. Để thực hiện quyền tự do ngôn luận người ta còn phải đấu chiến đấu chống lại các áp lực về kinh tế và áp lực của dư luận chung, nhưng chưa phải chiến đấu chống lại cảnh sát mật. Có thể nói và in gần như bất cứ điều gì miễn là đừng gây ra một sự chú ý quá đáng là được. Nhưng điều khủng khiếp nhất, như tôi nói ban đầu, lại là thái độ thù địch một cách cố ý của chính những người mà tự do đáng lẽ phải là điều quí giá nhất. Đối với dân chúng thì ủng hộ hay chống đối tự do đều chẳng có ý nghĩa gì. Họ chẳng ủng hộ việc đàn áp những kẻ dị giáo và cũng sẽ chẳng đứng lên bảo vệ. Đấy là những người vừa ôn hoà lại vừa thiển cận, họ không thể tiếp thu được thế giới quan của chủ nghĩa toàn trị. Cuộc tấn công trực diện và có chủ đích vào sự lương thiện trí thức xuất phát từ chính các nhà trí thức lớn của chúng ta.
Có khả năng là giới trí thức thân Nga nếu không bị cái huyền thoại đặc biệt này cuốn hút thì cũng bị một cái huyền thoại tương tự lôi vào vòng ảnh hưởng mà thôi. Nhưng dù sao thì huyền thoại Nga cũng hiện diện rồi và tác dụng tiêu cực mà nó gây ra cũng đã rõ rồi. Khi chứng kiến cảnh những người có văn hoá cao tỏ thái độ bàng quan đối với việc đàn áp và bức hại thì người ta buộc phải tự hỏi: thái độ vô liêm sỉ hay sự thiển cận của họ, cái nào đáng khinh hơn? Thí dụ như nhiều nhà khoa học đã hâm mộ Liên Xô một cách mù quáng. Có vẻ như họ nghĩ rằng bóp nghẹt tự do không phải là vấn đề quan trọng vì nó không có ảnh hưởng gì đến lĩnh vực hoạt động của họ. Liên Xô là nước lớn, lại đang phát triển rất nhanh, rất cần các cán bộ khoa học cho nên sẽ phải tỏ ra hào phóng đối với họ. Các nhà khoa học, đấy là nói nếu họ tránh xa các lĩnh cực nguy hiểm như tâm lí học chẳng hạn, là những người có nhiều đặc quyền đặc lợi. Ngược lại, các nhà văn thì bị đàn áp. Nói cho ngay, những con điếm văn chương như Ilya Ehrenburg hay Alexei Tolstoy được trả những khoản nhuận bút cao ngất trời, nhưng cái có giá trị nhất đối với một nhà văn, tức là tự do ngôn luận thì đã bị tước đoạt rồi. Trong số các nhà khoa học Anh, những người đang ca ngợi một cách nhiệt tình cơ hội của các nhà khoa học Nga, cũng có một vài người có khả năng hiểu được chuyện đó. Nhưng phản ứng của họ lại là: “Các nhà văn ở Nga bị ngược đãi. Thế thì sao? Tôi không phải là nhà văn”. Họ không nhận ra rằng bất kì sự đàn áp tự do tri thức nào, bất kì sự đàn áp quan niệm về chân lí khách quan nào, cuối cùng đều đe doạ tất cả các lĩnh vực tư duy.
Hiện nay nhà nước toàn trị còn tỏ ra khoan dung đối với các nhà khoa học vì nó đang cần họ. Ngay cả trong nước Đức Quốc xã, các nhà khoa học, trừ người Do Thái, đều được đối xử một cách tương đối tốt và cộng đồng khoa học Đức nói chung không có thái độ chống đối Hitler. Trong giai đoạn lịch sử hiện nay, ngay cả các nhà độc tài cứng rắng nhất cũng buộc phải tính đến thực tại vật chất, một phần vì thói quen tư duy tự do còn sót lại và một phần là vì họ đang cần chuẩn bị cho chiến tranh. Khi mà thực tại vật chất chưa thể bị phớt lờ một cách toàn diện và khi mà hai nhân với hai phải bằng bốn, đấy là nói lúc người ta đang thiết kế một cái máy bay chẳng hạn, thì nhà khoa học còn có việc làm và còn được hưởng một mức độ tự do nào đó. Tỉnh ra, đấy là lúc chế độ toàn trị đã vững chắc, thì đã muộn rồi. Lúc này, đấy là nói nếu nhà khoa học còn muốn bảo vệ tính trung thực tri thức thì ông ta phải có trách nhiệm ủng hộ các đồng nghiệp trong lĩnh vực văn chương và không được coi là vấn đề nhảm nhí khi nhà văn buộc phải ngậm miệng hoặc bị đẩy đến chỗ phải tự sát, còn các tờ báo thì nói dối một cách có hệ thống.
Dù quan hệ với các môn khoa học tự nhiên, với nhạc, hoạ và kiến trúc có như thế nào đi nữa thì có một điều chắc chắn là, như tôi đã có gắng chứng minh, nếu tự do tư tưởng không còn thì văn chương cũng sẽ cáo chung. Nó không chỉ cáo chung trong những đất nước toàn trị mà việc nhà văn chấp nhận tư tưởng toàn trị, việc nhà văn tìm cách biện hộ cho sự ngược đãi và xuyên tạc thực tại cũng đồng nghĩa với sự tự sát trong vai trò một nhà văn của anh ta. Không có cách nào khác. Những lời tố cáo “chủ nghĩa cá nhân” và “tháp ngà”, thói đạo đức giả cho rằng “tính cá nhân chân chính chỉ có thể hình thành thông qua quá trình gắn bó với quần chúng” không thể thay đổi được sự kiện là một tâm hồn đã bị mua chuộc là một tâm hồn đồi bại. Nếu tại một thời điểm nào đó tính tự nhiên không tái xuất hiện thì sẽ không còn sáng tạo văn chương nữa và chính ngôn ngữ cũng trở thành khác hẳn hiện nay, và có thể chúng ta sẽ học được cách tách quá trình sáng tạo văn chương khỏi sự trung thực trí thức nữa. Nhưng hiện nay chúng ta chỉ biết có một điều: trí tưởng tượng, cũng giống như một số loài động vật hoang dã, không thể sinh sản được trong ngục tù. Bất cứ nhà văn hay nhà báo nào phủ nhận sự kiện này – và gần như tất cả những lời ca ngợi Liên Xô đều chứa đựng hoặc ngụ ý cái sự phủ nhận đó - thực chất là đang làm cái việc thủ tiêu chính mình.
1946 г.
Bản tiếng Việt © 2008 talawas
[1]Nói cho ngay, lễ hội kỉ niệm của P.E.N Club kéo dài chừng một tuần hay hơn không phải lúc nào cũng diễn ra ở trình độ như thế. Tôi đã không gặp may. Nhưng các bài diễn văn ở đó (được xuất bản với tên gọi
Tự do tư tưởng) chứng tỏ rằng thời đại này không có người nào đủ sức bảo vệ tự do tư tưởng như Milton đã từng làm cách đây ba trăm năm, mà đấy lại là giai đoạn nội chiến nữa. (Chú thích của tác giả)
[2]Maxim Litvinoff (1896-1951) tham gia cách mạng từ năm 1898, từng là Bộ trưởng (dân uỷ) Ngoại giao Liên Xô (ND).
[3]Quisling là tên một nhà hoạt động chính trị Na Uy đã cộng tác với Đức trong Thế chiến II, sau này thành danh từ chung chỉ bọn phản bội (ND).
[4]Đây là lúc kí Hiệp định Xô-Đức, thường gọi là Hiệp định Ribentrov-Molotov (ND).
[5]Ngày Đức tấn công Liên Xô (ND)