Khen-chê phải minh bạch
Việc lập giải thưởng xưa nay là việc người Việt nam chúng ta không ham làm. Trong một nghìn lí do vì sao như vậy có thể kể ra một lí do đặc biệt:
Khi lời chê và lời phê bình thường phải đội lốt lời khen (mà ví dụ điển hình là ý kiến của
Lê Dã Thảo trên trang talawas ngày 11/10/2003) thì lời khen cũng thường không dám rõ ràng minh bạch. Giai thoại về cái rắm thơm-cái rắm thối cho thấy khen-chê đối với chúng ta là thứ có thể đánh lộn sòng rất nhanh. Trong khi đó một giải thưởng là lời tuyên bố công khai, minh bạch về một giá trị. Chúng ta không dám chịu trách nhiệm cho lời chê của mình thì cũng không dám chịu trách nhiệm cho lời khen của mình. Tóm lại là chúng ta không dám hành xử một cách sòng phẳng với các giá trị. Chính vì thế chúng ta để mặc cho các "cấp trên" nào đó tổ chức ra những giải thưởng nào đó mà chúng ta không quan tâm, không công nhận. Tình trạng chung của các giải thưởng văn chương Việt nam hiện nay là:
- Ít về số lượng (một nước có dân số ít hơn ta là Pháp, mỗi năm có tổng cộng hơn 600 giải thưởng văn chương; Đức có gần 1000 giải, Nhật cũng hàng trăm giải, giải văn chương của Mĩ thì nhiều không kể xiết!)
- Uy tín không cao. Đáng tiếc là như vậy. Giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn Việt nam không được dư luận rộng rãi tín nhiệm, ngược lại như năm vừa qua, nó lại là đề tài cho báo chí trong nước chế giễu, có nhà văn được giải còn từ chối không nhận. Những sự việc bê bối như việc ăn chia tiền giải thưởng, vừa đá bóng vừa thổi còi, chưa kể những áp lực phi văn chương khác, khiến giải thưởng này chỉ còn là một thứ hình thức tương đối vô nghĩa. Hơn nữa giải thưởng này vì những ràng buộc tuy đã trở thành lỗi thời nhưng vẫn chưa vất bỏ đi được, không quan tâm đến những nhà văn Việt nam sống ở nuớc ngoài nhưng vẫn viết bằng tiếng Việt.
Tình trạng đó thực ra là rất đáng xấu hổ cho một nước tự hào có truyền thống văn học! Lâu nay cứ chấp nhận như vậy chúng ta trốn tránh trách nhiệm bằng cách lấy cớ rằng chỉ có các "cấp trên" mới có thẩm quyền lập giải thưởng. Không rõ các "cấp trên" ấy vui lòng hay bực mình vì "bên dưới" cứ đổ tất cả trách nhiệm lên đầu mình như vậy. Không có điều luật, chỉ thị, văn bản dưới luật nào ở Việt nam ngăn cấm việc lập một giải thưởng cho văn nghệ. Một tờ báo hay một doanh nghiệp tư nhân có thể trao giải thưởng hàng năm thì bất kì ai trong chúng ta hay một nhóm nào đấy cũng có thể lập ra một giải thưởng. Ở nước ngoài phần lớn các giải thưởng đều do cá nhân gây quỹ lập nên. Theo tôi biết, nhà nước Việt nam hiện nay đang có chính sách khuyến khích các sáng kiến của nhân dân trong mọi lĩnh cực phát triển đất nước. Vì vậy cũng như
Xanh Melan tôi nói
Yes cho giải thưởng Bùi Giáng và nói
Yes cho nhiều giải thưởng nữa, càng nhiều càng tốt!
Vấn đề là chất lượng
Trong cuộc "cạnh tranh" lành mạnh giữa các giải thưởng thì cuối cùng chất lượng của tác phẩm hay tác giả đoạt giải sẽ quyết định uy tín của giải thưởng. Nếu những người chủ trương giải thưởng Bùi Giáng không bình chọn được tác phẩm hay tác giả xứng đáng thì giải thưởng đó tất yếu cũng sẽ chịu chung số phận như các giải thưởng hiện nay và sẽ bị một giải thưởng khác thay thế. Đơn giản là như vậy. Tất nhiên điều đó không dễ, ngay cả giải Nobel không phải năm nào cũng được trao cho người xứng đáng, đã có hai nhà văn từ chối không nhận giải Nobel là nhà văn Pháp Jean Paul Sartre và nhà thơ Liên Xô cũ Boris Pasternak, trong khi nhiều nhà văn xuất sắc lại bị giải này bỏ qua. Nhưng cho đến nay vào mỗi dịp tháng mười hàng năm cả thế giới vẫn hồi hộp đón tin nhà văn nào sẽ được viện hàn lâm Thụy Điển để mắt tới. Tôi cầu chúc cho giải thưởng Bùi Giáng được nhiều người Việt yêu văn chương khắp nơi đón chờ như vậy vào mỗi dịp đầu tháng mười hàng năm.
Cái tên chỉ là cái tên
Giải thưởng nào cũng cần một cái tên, nhưng nếu đem cái tên Bùi Giáng gắn với giải thưởng này để giễu cợt như cách giễu cợt Lê Dã Thảo thì theo tôi không đứng đắn. Giải thưởng Bùi Giáng cần những lời cổ vũ chân thành chứ nhiệt liệt hoan nghênh theo tinh thần "cái rắm thơm-cái rắm thối" của ông Lê Dã Thảo là cách xưa lắm rồi, không ai chịu được nữa. Nói thẳng ra là cái cách bóng gió ám chỉ ấy rất sốt ruột. Ông Lê Dã Thảo không cần phải hâm mộ Bùi Giáng nếu ông không thích. Nhưng lấy tác phẩm của Bùi Giáng suy ra giải thưởng Bùi Giáng thì thật là vô nghĩa lí. Vừa rồi Thành phố Hồ Chí Minh trao giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu 2000-2003 cho đủ thể loại tác phẩm trong đó có nhiều thể loại chưa từng xuất hiện ở thời cụ Đồ Chiểu. Nếu cứ theo cách giễu cợt của ông Lê Dã Thảo thì người được giải chỉ được làm thơ lục bát và văn tế, rồi lại phải mù cả hai mắt nữa chăng? Hoặc ai được nhận vào học ở trường viết văn ở Hà Nội mang tên Nguyễn Du là cũng ngất xỉu vì giữa thời hậu hiện đại mà phải gánh lục bát với thơ chữ Hán hay sao? Đó là chưa kể những đánh giá rất tùy tiện của ông Lê Dã Thảo về Bùi Giáng, chẳng hạn về tính bình dân. Bình dân của Việt nam mà viết bộ
Tư tưởng hiện đại về triết học phương Tây, bàn về Heidegger, dịch Gide, Camus, Saint-Exupéry, Shakespeare...như Bùi Giáng ư? Còn về tính bảo tàng, xin nói là vô khối tác phẩm văn học Việt nam được viết ra hôm nay chưa sống một ngày đã đáng xếp vào kho rồi, trong khi những "câu thơ sáng" - như cách nói của nhà văn Phạm Thị Hoài - của Bùi Giáng thì quả nhiên rất xứng đáng được một chỗ trang trọng trong bảo tàng văn học của Việt nam, chỉ tiếc rằng cho đến nay Bùi Giáng vẫn "đứng bên lề" mọi bảo tàng!
Giá trị hiện kim
Giải Goncourt ở Pháp trị giá 1 quan nhưng vẫn đầy uy tín. Giải Nobel cũng đầy uy tín nhưng trị giá hơn một triệu đô la. Theo tôi nếu giải thưởng Bùi Giáng vừa có uy tín vừa có giá trị hiện kim thì tốt hơn, vì sự an ủi vật chất đối với hoàn cảnh các nhà văn Việt nam hiện nay cũng quan trọng không kém sự khích lệ về mặt tinh thần. Chúc giải thưởng Bùi Giáng và nhiều giải thưởng nữa mau chóng góp phần thúc đẩy văn học nghệ thuật Việt nam sinh sôi đa dạng!
Hà nội, 12.10.2003
© 2003 talawas