Văn há»cGiải thưởng Bùi Giáng Loạt bài: Kỉ niệm 5 năm ngà y mất của Bùi Giáng (07.10.1998-07.10.2003)
1 10.10.2003
Phạm Thị Hoà i
Một giải thưởng văn chương mang tên Bùi Giáng
Ông sống số phận mình qua thơ, và chẳng lấy thơ làm mục đích tối hậu.
Ông để lại hàng chục ngàn trang văn chương và tư tưởng, và chẳng lấy đó làm nghề để tận tụy, làm trường tranh đấu, làm tham vọng, ám ảnh, tuyệt thú, làm bản năng và định mệnh, làm khí quyển bọc hành tinh này.
Ông cả đời không làm việc gì ngoài viết, mà có thể và đã tồn tại ngoài vòng chữ nghĩa, ở những cõi người ta khác.
Chúng ta, phần lớn sống với văn chương như một thói quen đã được phê chuẩn và cài đặt ít nhiều chu đáo vào cuộc đời, tự nhủ rằng mình không biết gì về những cõi ấy. Thật thế ư? Chúng quá lạ lùng, cao xa, hay ngay từ đầu ta đã chọn con đường dễ nhất: Khoanh cho ta một địa phận nghệ thuật vừa sức, và nhấc ông ra ngoài? Ta không dọn cho ông một chỗ như từng dọn hay mong dọn cho riêng mình, với cái cớ rằng ông ngao du với chấu chuồn, thiết gì một chốn đậu. Không sửa sang cho ông, như thường miệt mài gọt rũa hay tưởng đang gọt rũa mình công phu lắm, với cái cớ rằng chữ nghĩa của ông từ ngàn khơi đổ về, chẳng ai biên tập một đại dương. Không thẩm định, không đòi hỏi, không đặt niềm tin, không thất vọng, ta nhẹ ban cho ông hai chữ "thiên tài". Thiên tài chơi cuộc khác, sống kiếp khác, chết bia mộ khác. Thiên tài văn chương là loại đồng nghiệp dễ chịu nhất. Thiên tài văn chương tự hủy như ông là loại tha nhân đáng yêu nhất, tai nạn nơi ông không chạm một sợi lông nào nơi ta. Từ khoảng cách an toàn ấy ta hào phóng ca tụng ông như đã làm thế với Nguyễn Du, chắc mẩm không một câu Kiều nào còn làm ta mất ngủ. Và lúc nào bối rối thì đã sẵn giai thoại nối tiếp giai thoại về ông, chúng biết cách phát biểu; đã sẵn một căn bệnh đáng giá nhất trong mọi căn bệnh ở kẻ phi thường để giải thích; đã sẵn một huyền thoại để nương theo.
Mãi lần đầu vào Sài gòn năm 1989 tôi mới được dẫn vào huyền thoại ấy, để cực nhọc đãi từ mấy trăm trang của cuốn Bài ca quần đảo, tác phẩm Bùi Giáng đầu tiên tôi tìm được, vài chục câu thơ hay. Vàng lẫn trong cám vẫn trọn vẹn vàng, nhưng một câu thơ sáng không nhất thiết càng rực rỡ giữa rừng câu mù mịt. Nhưng sự thất vọng ấy chưa đáng kể bằng nỗi kinh ngạc khi nghe những người canh giữ huyền thoại khuyến cáo, rằng tôi là con đẻ của Miền Bắc đỏ, Miền Bắc cách mạng và chiến thắng, tôi đang trồi lên cùng dòng chủ lưu đổi mới, tôi không có cách gì hiểu Bùi Giáng; và khuyến cáo: hãy rời khỏi trường học của tri thức, hãy xếp vũ khí của lí trí phê phán, hãy rũ bỏ hành trang kinh nghiệm thâu nhặt ở đời, được như thế là đã đến gần Bùi Giáng. Mọi huyền thoại đều mong người ta đến gần mình bằng tay trắng, đầu trần, chân không và một lòng khuất lụy như vậy.
Chúng ta không rộng quyền hành động tới mức có thể dễ dàng đè một huyền thoại này ra lột, ươm sẵn một huyền thoại khác cho tương lai, hay đơn giản là cai hẳn nhu cầu về huyền thoại. Song càng đọc Bùi Giáng tôi càng thấy bất chấp mọi kì tích, ông không siêu phàm, thần thoại, trên mọi hạng mục và ngoài mọi luật lệ. Chẳng hề là giải pháp, là phép mầu, ông chỉ sống đến cùng những mảnh đời mà chúng ta không dám sống, chỉ thâu tất cả những mâu thuẫn, bất hạnh, bất lực, mặc cảm, khát khao và thành tựu của không ai khác ngoài chính chúng ta vào một tụ điểm, những thứ không giới hạn ở một Miền Nam trước 75, chúng còn nguyên bây giờ, năm năm sau ngày ông mất.
Không một số phận văn chương nào của cả thế kỉ vừa qua, từ vị thế bên lề mà thâu tóm những vấn đề điển hình của văn học và xã hội Việt nam hơn số phận Bùi Giáng. Không một sự nghiệp văn chương nào của cả thế kỉ ấy cần được thôi phận sự huyền thoại, để chỉ là chính nó, văn chương, hơn sự nghiệp của Bùi Giáng. Và khó tìm được một tên tuổi nào thanh thoát hơn để làm một biểu tượng chung cho văn học Việt nam đương đại.
Trong ý nghĩa ấy, tôi đề nghị thành lập một giải thưởng văn chương Việt nam mang tên Bùi Giáng, hàng năm trao vào ngày giỗ ông, 7 tháng Mười, trùng mùa với nhiều giải thưởng văn chương quốc tế quan trọng, cho một tác phẩm sáng tác, biên khảo hay dịch thuật văn học thể hiện mạnh mẽ cái ước vọng mà Bùi Giáng tận mình đi theo, ước vọng tự do và sáng tạo.
© 2003 talawas
|