trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
9.3.2004
Nguyễn Thị Minh Thái
Mong đợi gì hơn?
 
Cuối năm 2002, Hồ Anh Thái làm cả thiên hạ bất ngờ, khi từ chối nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho cuốn Tự sự 265 ngày của anh (Nxb Hội Nhà văn 2001). Trả lời phỏng vấn của tôi trên báo An ninh Thủ đô hồi đầu năm 2003, Hồ Anh Thái đã nói huỵch toẹt theo cách Nam Bộ rằng, anh không muốn miếng bánh giữa làng, dù các cụ xưa từng nói: một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Hồ Anh Thái còn nói rõ: Tôi không từ chối giải thưởng của Hội Nhà văn, tôi chỉ từ chối cách làm việc của Hội đối với các giải thưởng hàng năm. Anh hoàn toàn không tán đồng cách đánh giá của Hội thông qua việc xếp loại A, B, C cho tác phẩm văn chương hàng năm, và cho đó là một lỗi văn hóa, bởi quyền xếp loại và phân ngôi thứ là của người đọc và thời gian, chứ không thuộc quyền hành chính của Hội Nhà văn.

Mới đây, cũng chính Hồ Anh Thái là người đầu tiên lên tiếng trên báo Lao Ðộng (28.12.2003) và cũng gây sốc thiên hạ, khi được hỏi: Cuốn nào trong năm nay theo anh xứng đáng được nhận giải Hội Nhà văn Việt nam hơn cả, thì chính Hồ Anh Thái đã trả lời rất Hồ Anh Thái rằng: Ngoài mấy cuốn vừa nhắc ở trên (với tư cách tổng thư kí Hội Nhà văn Hà Nội, anh khen giải thưởng văn xuôi của Hội NVHN năm nay đẹp, với tập Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn, với hai tập sách dịch bề thế và công phu của Dương Tường (Cái trống thiếc) và Trần Ðình Hiến (Ðàn hương hình), tôi thích Cơn giông của Lê Văn Thảo, và nếu không buộc phải khiêm tốn giả dối thì xin nói thẳng: đó là Cõi người rung chuông tận thế.

Ngay sau đó, trong cuộc bàn tròn Văn học 2003 nhìn lại của báo Thể thao-Văn hóa số 3, ngày 9.1.2004, Nguyễn Quang Lập lên tiếng ủng hộ: Giải thưởng Hội Nhà văn vừa công bố có cái trao đúng nhưng lại có cái để sót, như cuốn tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái đặt trong tương quan chung và trong đời sống văn học là đáng được giải lắm chứ.

Nhà văn Ðà Linh, tức Nguyễn Ðức Hùng, Tổng biên tập NXB Ðà Nẵng (nơi xuất bản Cõi người rung chuông tận thế cuối 2002, và ngay sau đó in lần thứ hai vào đầu năm 2003), đã lí giải việc NXB nhất định in cuốn tiểu thuyết này vì hai lẽ: văn viết lạ và viết về công cuộc chống cái ác rất hay. Có lẽ không chỉ ở sự tinh tế ở văn phong, lối biểu đạt độc đáo, nhuần nhuyễn trong cấu tứ; mà chính ở chỗ anh đã cho thấy những giao nhịp phức điệu giữa con người cá thể và nhân loại
Ðặc biệt, trong lần tái bản ấy, NXB Ðà Nẵng đã có sáng kiến in thêm phần "Dư luận" vào cuối cuốn sách, gồm những bài viết của các nhà văn, nhà báo về Cõi người rung chuông tận thế.
Tất cả những thông tin vừa đưa ở trên chứng tỏ rằng, nhà viết tiểu thuyết Hồ Anh Thái đã rất ý thức được cái viết của mình, biểu lộ trong việc tìm tòi thi pháp mới trong cuốn tiểu thuyết này, và thậm chí có thể tiên liệu được giá trị văn chương của nó đối với bạn đọc. Chỉ những cây bút có ý thức nghề nghiệp rất cao mới có thể như vậy. Và trong cuộc tiếp xúc với cuốn tiểu thuyết, quả là người đọc Việt Nam hiện đại đã bị hấp dẫn bởi Cõi người rung chuông tận thế.

Vì thế, Hồ Anh Thái có quyền tự đề cử cuốn tiểu thuyết của mình. Tại sao không? Khi có một sự tương phản đặc biệt và nổi bật đến thế trong Cõi người rung chuông tận thế? Tương phản giữa một bên là sự không dày dặn gì về số trang với một bên là sự đa thanh đáng ngạc nhiên trong giọng điệu tiểu thuyết của một nhà văn từng trải, bắt đầu dày dạn, phong phú đầy biến điệu trong cách viết.

Cuộc gây hấn của Hồ Anh Thái trong Cõi người rung chuông tận thế thực sự đã đạt kết quả hơn nhà văn mong đợi. Gióng lên một hồi chuông đa thanh trầm bổng, nhặt khoan, nhà văn cảnh tỉnh người đọc về cái ác và có lẽ còn muốn nhắn nhủ thêm rằng, tránh xa cái ác, chỉ còn cách neo tựa vào cái Ðẹp.

Và với một cuốn tiểu thuyết như thế, dù Hội Nhà văn có bỏ qua, không trao giải thưởng năm 2003, nhưng tôi thiết nghĩ, thời gian và bạn đọc đã bỏ phiếu thuận, Hồ Anh Thái lại tự biết thế nào là được, là đủ, là phẩm giá riêng trong chính văn chương tiểu thuyết của mình thì đó chẳng phải là hạnh phúc cao nhất của cái viết đấy sao? Vậy còn có thể mong đợi gì hơn?
Nguồn: Báo Sinh Viên Việt Nam, ngày 04.2.2004