trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
1.6.2004
Trần Đạo
Trần Ðức Thảo, một kiếp người
Kiến Văn dịch
 
Bốn mươi năm kể từ quyết định trở về nước cho đến lúc quay lại Paris (1952-1992) chính là quãng thời gian mà Trần Đức Thảo đã tự nguyện trải qua để "làm cho cuộc đời ăn nhập với triết học". Với tư cách là một người Marxist, ông đã góp phần căn bản trong việc cung cấp cho "vận động hiện thực" diễn ra suốt nửa cuối thế kỉ vừa qua tại Việt Nam một biện minh triết học, một cứu cánh luận mang tầm lịch sử thế giới. Cuộc vận động này, oái oăm thay, đã chà đạp không thương xót lên số phận cá nhân và tư cách trí thức của ông. Vượt lên phạm vi của những hệ lụy chính trị, bốn mươi năm đó đồng thời cũng là hành trạng lí thuyết của triết gia Trần Đức Thảo với mục tiêu "liên hợp được những cội rễ vật chất, sinh vật, lịch sử, xã hội của con người với ý thức tự do của nó" (Trần Đạo). Hành trạng tư tưởng thuần lí này, một ngoại lệ đặc biệt trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, về phần mình lại không in một dấu ấn đáng kể nào lên đời sống tinh thần hay tác động đến viễn cảnh của nó, khả dĩ tạo ra một lằn ranh truyền thống mới. Các tư liệu sau đây: bài phát ngôn lập trường chính thức trên tạp chí "Học Tập" năm 1958 (Khắc Thành), hồi ức của một người đồng hành trí thức có số phận may mắn hơn (Nguyễn Đình Thi), tiếng nói suy tư của một học trò cũ (Nguyễn Bản) và nhận định về sự nghiệp triết học của Trần Đức Thảo, nhìn từ mốc cuối cùng của cuộc đời ông ở Paris (Trần Đạo), là những mảng ghép đầy tương phản có thể gợi ra bức tranh toàn cảnh của một số phận và sự nghiệp đặc biệt. Bức tranh ấy, trong thời gian gần đây, có nguy cơ đã bị biến dạng bởi một số thao tác tráo trở của "vận động hiện thực" trong giai đoạn tái địa phương hoá và hậu triết học triệt để của nó.

talawas
Sinh thời Jean Paul Sartre coi ông là một trong số rất hiếm những người mácxít không chìm đắm trong tụng niệm, dám xông pha nơi biên ải của sự hiểu biết. Ðúng là Trần Ðức Thảo đã xông pha khi ông công bố Phénoménologie et matérialisme dialectique [1] Ông đã tìm cách thống nhất tính ý hướng (intentionnalité) của ý thức, tính tự do của con người với quá trình vận động của Lịch sử. Ông đã theo dõi những bước đi chập chững của sinh học cuối thập niên 1940, cố tìm nhịp cầu nối liền sự sống với tư duy. Ông đã choảng cả trọng khối của hiện thực vào quan điểm siêu việt (transcendance) của các bạn đồng song ở phố Ulm. Ðối với các nhà "mácxít" chính thống, ông làm loé sáng cái intentionnalité rất có vấn đề. Hai sự khước từ ấy, hai đòi hỏi ấy, là nội lực quán xuyến những tác phẩm của ông. Trong cõi hỗn mang của Lịch sử, ông đòi được trọn vẹn cả phần xác lẫn phần hồn. Một con người tự do. Ðã 40 năm nay.

Ngày ấy, tương lai Trần Ðức Thảo tưởng chừng rộng mở và sáng chói. Rốt cuộc, nó tối om, như tiền đồ của chị Dậu trong Tắt đèn. Là người triệt để mácxít, ông không tin có thể phủi đời mà hiểu được con người. Sự thấu hiểu thế giới chỉ chớm nở, hưng phấn thông qua hành động. Ông muốn trả giá, trả nợ đời để được tư duy thân phận con người cho tới cùng:

"Phần thứ nhì của Phénoménologie etmatérialisme dialectique (1951) do đó đã dẫn tôi tới một ngõ cụt, và lúc đó tôi đã hy vọng tìm ra giải pháp trong cách mạng Việt Nam. Cuối sách, khi nói tới "vận động hiện thực của lịch sử", chính là bóng gió nói tới cách mạng Việt Nam." [2]

Trung thành với truyền thống sĩ phu, ông xếp bút nghiên, rời Pháp, về chiến khu Việt Nam. Con người tự do ấy đã tự biến mình thành chiến sĩ. Là nhà triết học, qua chiến đấu, ông sẽ khắc tự do của mình vào quá trình xây dựng nhân cách của nhân loại.
Người ta kể lại rằng Trần Ðức Thảo ước mơ thuyết giảng chủ nghĩa Mác cho các nhà lãnh đạo Ðảng. Nếu đúng vậy, quả là bé cái lầm. Họ xếp ông vào một xó để dịch tác phẩm của tổng bí thư Trường Chinh ra tiếng Pháp, nhân tiện để dạy ông chủ nghĩa Mác hiện thực của guồng máy Ðảng.

Chủ nhiệm Khoa sử Trường đại học tổng hợp, mà rồi Trần Ðức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển để ăn. Họ chặt đứt mọi liên hệ của ông với thế giới, họ cô lập ông ngay giữa đồng bào của mình. Ông vẫn nghiên cứu với những phương tiện trong tầm tay. Vẫn một nỗi ám ảnh khôn nguôi: làm sao, một ngày kia, liên hợp được những cỗi rễ vật chất, sinh vật, lịch sử, xã hội của con người với ý thức tự do của nó. Lâu lâu, giữa hai đợt bom Mỹ, ta vẳng nghe tiếng nói của Trần Ðức Thảo. Ðâu đó một bài nghiên cứu đăng trên một tạp chí. Ta biết ông còn sống, còn tư duy. Thế là đủ! Chẳng có gì đáng tự hào, cũng chẳng có gì phải dằn vặt lương tâm. Còn biết bao việc khác, cấp bách, phải làm. Vả chăng, có điều luật văn minh nào kết tội sự thờ ơ trước một tư duy đang lâm nguy?

Rồi tới lúc họ bán tống bán tháo chủ nghĩa cộng sản. Bán, bán hết. Hải sản, dầu mỏ, hồng ngọc, gỗ quý... đàn ông, đàn bà, trẻ con, từng container, từng chuyến charter, Ðông Tây Nam Bắc, đủ mười phương tám hướng... bán luôn cả linh hồn của Ðảng. Ông chẳng bao giờ có gì để bán. Chỉ còn một điều để cho: sự đòi hỏi còn nguyên vẹn từ tuổi trẻ. Họ sử dụng ông một lần chót, để ông sang Paris gặp gỡ trí thức, bảo vệ cái lý tưởng mà họ đã hết tin tưởng. Biết đâu đấy. Lầm to, cái lầm tất yếu của mọi vương triều trong buổi suy tàn. Trên mảnh đất năm nào đã loé lên tư tưởng của mình, Trần Ðức Thảo đã tìm lại cỗi rễ của sự trưởng thành, hưng phấn của tuổi trẻ: "cái đà nội tâm của những năm chót thời tôi ở Pháp" [3] đã tái khởi động ngay từ những ngày đầu của Perestroika.

Tình cờ, tôi được gặp ông, vài tháng trước khi ông chết. Ông sống đơn độc trong một căn phòng bé tí, rệu rạo. Dán lững thững bò khắp nơi, trên tường, trên trần. Ðôi mắt ông, đôi mắt sáng, thơ ngây như mắt trẻ con, không thấy chúng. Bạn bè bảo tôi rằng ông Thảo bây giờ lẩm cẩm rồi, sau bao nhiêu năm bị truy bức, tâm thần của ông đã bị nhị phân (schizophrénie). Song tôi đã gặp một con người minh mẫn.

Biết ông đã từng tranh luận với Sartre, tôi hỏi ông nghĩ sao về tác phẩm Phê phán lý trí biện chứng. [4] Ông nói: "Sartre là nhà triết học duy nhất đã đặt ra những câu hỏi đáng đặt". Tôi lại hỏi ông về trước tác của ông, và nói thực là tôi thấy chúng máy móc. Ông khoát tay như muốn gạt chúng đi, và đưa cho tôi tác phẩm cuối cùng, còn dưới dạng bản nháp.

Ông nói đôi điều về cuộc sống của ông ở Paris. Mỗi ngày ông còn viết được một trang. Ông vẫn lạc quan, vẫn hy vọng, qua sự tiếp cận những khoa học mới, ông sẽ mở ra con đường mới. Ông chưa biết nhân loại mảnh mai lắm, ông chưa tưởng tượng được quá khứ có thể phủ dập tương lai. Bạn bè muốn giúp ông, ông thường từ khước. Ông quá sợ bị kết nạp vào các trường, các phái, các nhà thờ. Tôi hiểu ông đã lâm bệnh nặng. Căn bệnh của ông có một cái tên: Tự do. Ông muốn vận dụng nó để làm gì? Hãy nghe ông nói, một lần chót:

"... khi tự vấn mình, ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri thức, và cái trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý thức biến thế giới tự nhiên thành một nhân giới, xứng đáng với con người." [5]

Cái Chân trong tri thức! Ông đã sống nhầm thời đại. Thời đại này chỉ hiểu hiệu quả trước mắt. Cái Thiện trong hành động! Ông đã chọn nhầm thế giới. Thế giới này chỉ tuân theo lợi nhuận. Cái trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh! Ông đã nhầm nhân loại. Nhân loại hôm nay chỉ ao ước cơm áo, giải trí và những hàng rào.
Không khuất phục được ông lúc sống, họ tìm cách quản lý cái chết của ông. Họ gắn một huân chương hạng hai lên quan tài của ông, để quay phim. Muộn quá rồi. Ông đã ra đi, mang theo hoài bão, chỉ để lại một sự đòi hỏi, cho những cuộc đời thầm lặng. Người chiến sĩ, người cộng sản, nhà tư tưởng không hề bỏ cuộc ấy đã ra đi. Sống như ông đã phải sống, có lẽ chỉ có thể chết như ông đã chết. Tôi hồi tưởng đôi mắt ông, đôi mắt sáng, thơ ngây tựa mắt trẻ con. Và tôi tự nhủ, xét cho cùng, đời ông thật buồn mà thật đẹp, vì ông đã biết chết như chẳng mấy người biết sống, sống mà không hề biết bán mình. Trần Ðức Thảo là một nhà triết học chân chính.

30-4-1993
Các bài khác về/của Trần Đức Thảo trên talawas:

Trần Đức Thảo: Niên biểu, 24.4.2004
Michel Keil: Tưởng niệm Trần Đức Thảo, 24.4.2004
Đặng Phùng Quân: Đọc lại Trần Đức Thảo, 24.4.2004
Nguyễn Quyến: Triết gia Trần Đức Thảo, người chiến binh của niềm hi vọng, 26.4.2004


[1]Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Minh Tân, Paris 1951.
[2]Un itinéraire. Một hành trình. Tác giả xuất bản, Paris 1992.
[3]Un itinéraire. Một hành trình. Tác giả xuất bản, Paris 1992.
[4]Critique de la raison dialectique.
[5]... la conscience dans son appel à soi-même pose l'exigence du bien dans l'action, du vrai dans la connaissance, et du beau dans l'achèvement des processus vécus. Par là, la conscience fait du monde naturel un monde humain, valable pour l'homme. Un itinéraire. Một hành trình. Tác giả xuất bản, Paris 1992.
Nguồn: Tạp chí Diá»…n Đàn, Paris 1993