Văn há»cVăn há»c nÆ°á»›c ngoà iThÆ¡ và ThÆ¡ Trẻ 6.9.2002
Rainer Maria Rilke
ThÆ° gá»i má»™t nhà thÆ¡ trẻ
Phạm Thị Hoà i dịch
Lá»i dẫn
Dạo đó là cuối thu năm 1902 - tôi ngồi Ä‘á»c má»™t cuốn sách dÆ°á»›i những cây dẻ già trong khuôn viên của há»c viện quân sá»± ở Neustadt, Wien. Tôi chăm chú và o đó đến ná»—i không hay biết là cha Horacek, ông thầy hiá»n từ và uyên bác, giáo sÆ° duy nhất trong há»c viện không mang hà m sÄ© quan, đến bên tôi tá»± lúc nà o. Ông cầm cuốn sách từ tay tôi, nhìn bìa sách và lắc đầu. " ThÆ¡ Rainer Maria Rilke Æ°?", ông tÆ° lá»± há»i. Ông láºt và i trang, lÆ°á»›t qua và i câu thÆ¡, trầm ngâm nhìn ra xa, cuối cùng thì gáºt đầu. " Váºy là cáºu bé René đã thà nh má»™t nhà thÆ¡. "
Và tôi được ông kể cho nghe vá» cáºu bé xanh xao mảnh dẻ, hÆ¡n muá»i lăm năm trÆ°á»›c được cha mẹ dẫn đến há»c trÆ°á»ng trung há»c quân sá»± ở Sankt Pölten để sau nà y thà nh sÄ© quan quân Ä‘á»™i. Khi ấy thầy Horacek Ä‘ang là m cha sở ở đó, ông còn nhá»› rõ cáºu há»c trò cÅ©. Ông mô tả, đấy là má»™t thiếu niên lặng lẽ, nghiêm trang, đầy năng lá»±c, Æ°a là m ngÆ°á»i ngoà i cuá»™c, nhẫn nại chịu Ä‘á»±ng cảnh bó buá»™c của sinh hoạt trong kà túc xá, và bốn năm sau thì cùng nhiá»u há»c trò khác chuyển lên trÆ°á»ng cao há»c quân sá»± ở Mährisch-Weißkirchen. DÄ© nhiên thể lá»±c của chà ng trai không đủ để trụ lại đó, nên cha mẹ lại Ä‘Æ°a vá» Praha để há»c trÆ°á»ng khác. ÄÆ°á»ng Ä‘á»i của chà ng sau nà y ra sao thì cha Horacek không biết.
CÅ©ng dá»… hiểu là nghe xong, tôi láºp tức quyết định gá»i những thá» bút của mình cho Rainer Maria Rilke và xin ông cho ý kiến. ChÆ°a đầy hai mÆ°Æ¡i, lại Ä‘ang đứng trÆ°á»›c nguỡng cá»a của má»™t nghá» trái vá»›i sở nguyện, tôi hi vá»ng nếu có nổi má»™t ai đó để chia sẻ cảm thông thì đấy phải là tác giả của táºp " Ngã ca ". Và tôi gá»i kèm má»™t bức thÆ°, trong đó không chủ định mà tôi bá»—ng thổ lá»™ má»i tâm tình nhÆ° trÆ°á»›c đây chÆ°a chÆ°a bao giá» và sau nà y cÅ©ng không lặp lại lần thứ hai vá»›i ai khác.
Nhiá»u tuần trôi qua má»›i có thÆ° trả lá»i. Bức thÆ° gắn xi mầu xanh mang dấu bÆ°u Ä‘iện Paris cầm nặng trong tay, và trên phong bì cÅ©ng nhÆ° trong thÆ°, từ dòng đầu đến dòng cuối Ä‘á»u cùng má»™t nét chữ đẹp, rõ, vững chãi. Quan hệ thÆ° từ của tôi vá»›i Rainer Maria Rilke bắt đầu từ đó, Ä‘á»u đặn, kéo dà i đến năm 1908 rồi tắt dần, vì cuá»™c Ä‘á»i đẩy tôi và o chÃnh những lÄ©nh vá»±c mà lòng quan tâm ấm áp nhẹ nhà ng và cảm Ä‘á»™ng của nhà thÆ¡ từng mong tránh đỡ cho tôi.
NhÆ°ng Ä‘iá»u đó không quan trá»ng. Quan trá»ng là muá»i bức thÆ° sau đây, quan trá»ng cho nháºn thức vá» cái thế giá»›i mà Rainer Maria Rilke đã sống và sáng tạo, và quan trá»ng cho nhiá»u ngÆ°á»i Ä‘ang và sẽ trưởng thà nh của hôm nay và ngà y mai. Và khi má»™t báºc vÄ© nhân lên tiếng thì những kẻ nhá» bé hãy lặng im.
Berlin, tháng Sáu 1929
Franz Xaver Kappus
1.
Paris, 17 tháng Hai 1903
Thưa ông,
Thư ông vừa đến tay tôi cách đây ít ngày. Cảm ơn ông đã gửi vào đó thật nhiều tin cậy và ưu ái. Ngoài ra tôi chẳng biết nói gì hơn. Tôi không thể đi sâu vào cách viết của ông, vì tôi không hề có bất cứ một ý định phê bình nào. Lời phê là thứ ít khả năng chạm vào tác phẩm nghệ thuật nhất: kết quả bao giờ cũng chỉ là những hiểu lầm ít hay nhiều may mắn mà thôi. Mọi sự đều không dễ gì nắm bắt được và nói ra được như người đời thường xui cho ta tưởng: phần lớn các sự kiện đều là thứ bất khả ngôn, diễn ra trong một không gian chưa từng có từ ngữ nào buớc vào, và bất khả ngôn hơn cả là các tác phẩm nghệ thuật, những hiện hữu đầy bí ẩn, đời chúng còn mãi trong khi đời chúng ta thì qua đi.
Đã thưa trước với ông như vậy, đến đây tôi chỉ xin phép thêm rằng, thơ ông không có phong cách riêng, nhưng hiển nhiên là có những manh nha thầm và kín của cái riêng tư. Điều đó tôi cảm thấy rõ nhất trong bài thơ cuối cùng, bài Tâm hồn tôi. Ở đó có một cái gì riêng muốn lên tiếng và thành hình. Và trong bài thơ hay, bài Gửi Leopardi, có lẽ cũng loé lên một cái gì như thể họ hàng với cái lớn lao và đơn côi nói trên. Tuy nhiên, các bài thơ ấy còn chưa là chính mình, chưa độc lập, cả bài cuối cùng và bài Gửi Leopardi cũng vậy. Bức thư ông nhã ý kèm theo cũng cắt nghĩa giùm tôi một vài khiếm khuyết mà khi đọc thơ ông tôi chỉ cảm chứ không nêu đích danh được.
Ông hỏi, thơ ông có được không. Ông hỏi tôi. Trước đây ông đã hỏi người khác. Ông gửi thơ đến các tạp chí. Ông so sánh chúng với những bài thơ khác, và ông băn khoăn khi bị những toà soạn nào đó từ chối. Vậy tôi đề nghị (vì ông đã cho phép tôi khuyên), ông hãy bỏ hết những chuyện đó đi. Ông đang trông cậy vào bên ngoài, mà đấy chính là điều không nên làm trong lúc này. Không ai có thể khuyên ông và giúp ông, không một ai. Chỉ có một cách mà thôi. Ông hãy đi vào chính mình. Hãy truy tìm cái nguyên do khiến mình cầm bút; hãy kiểm tra xem nó có bắt rễ từ chỗ sâu xa nhất của trái tim không, hãy tự thú xem nếu không viết mình có chết nổi không. Và trước hết hãy tự hỏi mình vào giờ khắc tĩnh mịch nhất trong đêm: ta có phải viết không? Ông hãy đào xới trong bản thân mình, tìm câu trả lời tận gốc. Và nếu nó khẳng định, nếu ông có quyền đáp lại câu hỏi nghiêm trọng ấy bằng một lời mạnh mẽ và giản dị rằng, ta phải viết, thì ông hãy xây đời mình trên sự tất yếu đó; cuộc đời ông ngay cả trong những khoảnh khắc vô tình và tầm thường nhất cũng phải trở thành dấu hiệu và chứng chỉ của cái thôi thúc ấy. Rồi ông hãy đến gần thiên nhiên. Rồi hãy thử làm người thứ nhất nói về những gì mình chứng kiến và trải qua và yêu thương và đánh mất. Ông đừng viết thơ tình; lúc đầu ông nên tránh những thể loại đã quá thông dụng và quen thuộc: đấy là những thể loại khó nhất, vì sức phải lớn và chín muồi mới đưa ra được một cái gì riêng giữa vô số thành công và phần nào là thành công xuất sắc của người đi trước. Vì vậy ông đừng bén mảng đến những mô-típ chung chung, mà nên lui về với những mô-típ do chính đời thường của mình cung cấp; ông hãy tả những nỗi buồn và niềm mong ước, những ý nghĩ thoảng qua và lòng tin vào một cái đẹp nào đó - hãy tả tất cả với lòng chân thành tha thiết, thầm lặng và nhẫn nhục, và hãy dùng mọi vật quanh ông, những hình ảnh trong mơ và đối tượng của ký ức, làm phương tiện diễn đạt. Nếu ông thấy đời thường của mình quá nghèo nàn thì xin đừng buộc tội nó, hãy buộc tội chính mình, hãy tự nhủ rằng mình không đủ tầm thi sĩ để gọi ra những tài nguyên của nó; bởi lẽ đối với kẻ sáng tạo, không có cái gì là nghèo và không chỗ nào là nghèo nàn. Ngay ở trong tù chăng nữa, tường cao không để lọt một tiếng động từ thế giới bên ngoài, nhưng tuổi thơ trong ta, nguồn của cải vuơng giả và huy hoàng đó, kho báu của hồi ức, còn đó. Ông hãy tập trung vào đấy. Hãy tìm cách nhấc lên những sự kiện đã chìm của cái dĩ vãng xa xăm ấy; bản lĩnh của ông sẽ được củng cố, nỗi cô đơn sẽ tỏa rộng và trở thành một ngôi nhà mờ tỏ, cách xa tiếng ồn của người đời - và khi thơ bật lên từ cuộc hướng nội, từ chốn đắm mình trong cõi riêng của mình như vậy, ông sẽ không còn nghĩ đến việc hỏi ai rằng thơ ấy có được không. Ông cũng sẽ không tìm cách bắt các tạp chí phải chú ý đến thơ mình nữa: bởi lẽ ông sẽ thấy tiếng thơ ấy là tài sản tự nhiên, là một mảnh và một giọng nói của đời mình. Một tác phẩm nghệ thuật chỉ được khi nó nảy sinh từ tất yếu. Nguồn gốc phát sinh ra nó chứng tỏ giá trị của nó: không có cách thẩm định nào khác. Vì vậy, thưa ông, tôi không biết khuyên ông điều gì hơn là hãy đi vào chính mình và xem xét lại những tầng sâu, nơi bắt nguồn của cuộc đời. Ở đó ông sẽ tìm ra lời đáp cho câu hỏi rằng mình có phải sáng tạo không. Cho dù lời đáp ấy thế nào cũng xin ông nhận lấy và đừng suy diễn. Rất có thể nó nói rằng, ông sinh ra để làm nghệ sĩ. Thì ông hãy hứng trọn cái nghiệp của mình và gánh vác nó, gánh vác sức nặng và tầm vóc lớn lao của nó mà không hề hỏi đến thù lao ngoài đời. Bởi lẽ kẻ sáng tạo phải là một thế giới cho riêng mình, tìm ra mọi thứ trong mình và trong thiên nhiên mà hắn liên đới.
Nhưng cũng có thể sau khi hạ buớc tìm vào cõi đơn côi và vào chính mình như vậy, ông lại đành từ bỏ ý định trở thành thi sĩ (như đã nói, chỉ cần cảm thấy không viết mà mình vẫn sống được là tuyệt đối không nên cầm bút). Nhưng cuộc hành trình ấy, tôi mong ông hãy thực hiện nó, đã không uổng. Chắc chắn là từ đó trở đi, cuộc đời ông sẽ tìm ra những lối đi riêng của nó, và lời tôi chẳng đủ để nói hết lòng cầu chúc cho những nẻo đường ấy được tốt lành, thịnh vượng và rộng dài.
Tôi biết nói gì nữa đây? Dường như mọi thứ đều nhấn mạnh vào cái lý của mình, mà rốt cuộc tôi cũng chỉ biết khuyên ông hãy lặng lẽ và nghiêm trang đi hết sự phát triển của bản thân. Ông sẽ chỉ làm phiền nó nếu cứ hướng ra ngoài và chờ đợi lời đáp từ bên ngoài cho những câu hỏi mà chỉ có thâm tâm ông, trong giờ phút tĩnh lặng nhất, may ra mới trả lời được mà thôi.
Tôi rất vui khi ông nhắc đến thầy Horacek trong thư; tôi luôn giữ lòng kính trọng sâu sắc và niềm biết ơn qua nhiều năm tháng đối với con người uyên bác đáng mến ấy. Mong ông nhắn lại tình cảm đó; thầy đã có lòng nhớ đến tôi và tôi xin đa tạ.
Những bài thơ ông đã tin cậy gửi gắm tôi cũng xin trao lại. Và một lần nữa xin cảm ơn lòng tin cậy lớn và nồng nhiệt của ông, một người dưng như tôi thật không xứng đáng được nhận nhưng cũng hy vọng đáp lại phần nào bằng tất cả khả năng và lòng thành.
Trân trọng và chia sẻ,
Rainer Maria Rilke
2.
Viareggio, gần Pisa (Italia), 5 tháng Tư 1903
Mong ông thứ lỗi cho tôi, thưa ông, vì mãi hôm nay tôi mới đáp ơn bức thư ngày 24 tháng Hai của ông được: suốt thời gian qua tôi khó chịu trong người, không hẳn là ốm, nhưng cái mệt mỏi như dạng cúm nó hành hạ, khiến tôi không làm được việc gì. Rồi sau đó thấy không có chiều hướng thay đổi, tôi bèn ra đây, vùng biển miền Nam dễ chịu này đã có lần giúp được tôi. Nhưng tôi vẫn chưa khoẻ hẳn, viết cũng còn khó, mong ông coi mấy dòng ít ỏi này làm nhiều vậy.
Tất nhiên mỗi bức thư của ông đều làm tôi vui, mong ông biết như vậy, chỉ có điều ông phải rộng lượng với thư đáp của tôi, có lẽ nó sẽ chẳng giúp gì cho ông; bởi lẽ thực ra, và chính trong những vấn đề sâu xa và hệ trọng nhất, chúng ta ai cũng đơn độc như ai, mà để người này có thể khuyên bảo hay thậm chí giúp đỡ người kia, thì nhiều thứ phải sinh, nhiều thứ phải thành, cả một tập hợp các sự vật phải hội đủ để may ra một lần làm nổi điều đó.
Hôm nay tôi chỉ muốn nói cùng ông hai điều:
Sự châm biếm: Ông đừng để nó chế ngự ông, nhất là vào những khoảnh khắc kém sáng tạo. Còn vào những khoảnh khắc sáng tạo, ông hãy sử dụng nó, như thêm một phương tiện để nắm bắt đời sống. Ðược dùng thuần khiết thì nó cũng tinh khiết, và ta không cần xấu hổ về nó; còn nếu ông cảm thấy quá thân với nó, nếu ông sợ sự thân mật với nó lớn dần thì hãy hướng tới những đối tượng lớn lao và nghiêm túc, trước những đối tượng ấy nó sẽ trở nên nhỏ bé và bất lực. Ông hãy tìm kiếm tầng sâu của sự vật: sự châm biếm không bao giờ mò xuống chỗ đó - và khi nào chạm như thế đến đường ranh của cái lớn lao, ông hãy kiểm tra ngay xem cách lĩnh hội ấy (sự châm biếm) có xuất phát từ một tất yếu của con người mình hay không. Chịu ảnh hưởng của những vấn đề nghiêm túc, sự châm biếm hoặc sẽ rời khỏi ông (nếu nó chỉ là một cái gì ngẫu nhiên), nhưng cũng có thể (nếu nó thật sự bẩm sinh thuộc về ông) sẽ lớn mạnh thành một công cụ nghiêm túc và đứng vào hàng những phương tiện mà ông sẽ phải sử dụng để tạo dựng nghệ thuật của mình.
Và điều thứ hai hôm nay tôi muốn nói với ông là:
Ðối với tôi chỉ vài quyển trong những sách tôi có là không thể thiếu, và hai trong số đó thậm chí luôn có mặt trong hành trang, dù tôi ở bất kỳ đâu: Kinh Thánh, và sách của đại văn hào Ðan Mạch Jens Peter Jacobsen. Tôi chợt hỏi, ông có biết những tác phẩm của nhà văn này không. Ông có thể dễ dàng tìm đọc chúng, vì một phần đã được dịch rất hay và xuất bản ở tủ sách Universal của nhà xuất bản Reclam. Ông hãy tìm đọc tập Sáu truyện ngắn của J.P. Jacobsen và cuốn tiểu thuyết Niels Lyhne, và hãy đọc truyện ngắn mở đầu tập truyện, nhan đề Mogens. Một thế giới sẽ ùa vào ông, niềm hạnh phúc, sự phong phú, chiều kích lớn lao khôn lường của một thế giới. Ông hãy sống trong những cuốn sách ấy một hồi, hãy học những gì ông cho là đáng học, nhưng trước hết là hãy yêu chúng. Tình yêu ấy sẽ đền đáp cho ông ngàn lần và cả ngàn lần, và bất kể cuộc đời ông sau này ra sao, - tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nó sẽ luồn vào tấm vải dệt nên sự phát triển của ông như một trong những sợi tơ quan trọng nhất trong mọi chỉ tơ của những kinh nghiệm, thất vọng, và niềm vui.
Nếu phải kể ra ai đó đã cho tôi biết chút ít về bản chất của sáng tạo, về chiều sâu và sự vĩnh cửu của nó, tôi chỉ có thể nêu ra hai cái tên: tên của Jacobsen, đại đại-văn-hào, và tên của Auguste Rodin, điêu khắc gia độc nhất vô nhị trong tất cả các nghệ sĩ đương thời.
Và xin chúc ông thành công trên mọi dặm đường!
Rainer Maria Rilke
3.
Viareggio, gần Pisa (Italia), 23 tháng Tư 1903
Thưa ông, bức thư vào dịp lễ Phục Sinh của ông đem đến cho tôi thật nhiều niềm vui, nó nói lên nhiều cái hay nơi ông; và ý kiến của ông về nghệ thuật lớn lao và trìu mến của Jacobsen cho thấy tôi đã không lầm khi dẫn cuộc đời ông cùng rất nhiều vấn đề của nó đến chốn phì nhiêu ấy.
Giờ đây Niels Lyhne sẽ mở ra trước ông, một cuốn sách đầy những điều tuyệt diệu và những chiều sâu; càng đọc lại càng thấy dường như mọi thứ đều chứa trong đó, từ làn hương nhẹ thoáng nhất của cuộc đời đến mùi vị đậm đà của những trái cây đời nặng nhất. Chẳng có gì trong đó là không được hiểu, không được biết, không được thâu tóm và không được cảm nhận trong dư âm run rẩy của hồi ức; không một trải nghiệm nào là quá nhỏ nhoi; và sự kiện bé bỏng nhất nở ra như cả một số phận, còn bản thân số phận thì như một tấm dệt kỳ diệu, dài rộng, trong đó mỗi sợi tơ đều do một bàn tay dịu dàng vô tận luồn đặt cạnh một sợi tơ khác và được cả trăm sợi khác nâng giữ. Ông sẽ được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao của lần đầu tiên đọc cuốn sách ấy, sẽ đi qua những bất ngờ không kể xiết của nó như trong một giấc mơ mới. Nhưng tôi có thể nói với ông rằng, ngay cả sau này ta vẫn đi qua những cuốn sách như vậy và ngạc nhiên như thuở ban đầu, ma lực tuyệt vời của chúng không hề mất đi, sự kỳ diệu đã choán ngợp người đọc lần đầu tiên không hề suy giảm.
Càng đọc ta càng thưởng thức được nhiều hơn, càng cảm ơn hơn, và có lẽ càng sáng rõ và giản dị hơn trong cách nhìn, sâu sắc hơn trong niềm tin ở cuộc sống, và hạnh phúc hơn, lớn lao hơn trong cuộc đời.
Sau này ông phải đọc cuốn sách tuyệt vời về số phận và những khát vọng của nàng Marie Grubbe và những bức thư của Jacobsen, những trang nhật ký và phác thảo, và cuối cùng là những vần thơ (tuy bản dịch chỉ bình thường) ngân vang vô tận. (Tôi khuyên ông nếu có dịp hãy tìm mua bộ toàn tập tác phẩm của Jacobsen, - trong đó có tất cả. Bộ sách gồm ba tập, bản dịch tốt, do Eugen Diederich xuất bản ở Leipzig, tôi nhớ là mỗi tập chỉ năm hay sáu mác).
Về Hoa hồng phải mọc nơi đây…(một tác phẩm với hình thức và sự tinh tế không gì sánh nổi), ý kiến của ông tất nhiên là hoàn toàn hợp lý so với ý người viết lời giới thiệu. Và nhân đây xin nói luôn: càng ít đọc phê bình nghệ thuật càng tốt, - đấy hoặc là những quan điểm bè phái đã hoá đá và vô nghiã trong sự cứng nhắc vô hồn, hoặc là những trò khéo chơi chữ, hôm nay thì quan điểm này được tung hô, ngày mai thì quan điểm ngược lại. Tác phẩm nghệ thuật là thứ cô đơn vô tận và phê bình là thứ ít liên quan đến nó nhất. Chỉ tình yêu là có thể nắm bắt, nâng giữ và công bằng với nó. Ông hãy luôn coi mình và cảm xúc của mình là đúng mỗi khi phải đối diện với những lời nói đầu, lời giới thiệu và phê bình kiểu đó; giả sử ông không đúng chăng nữa thì sự trưởng thành tự nhiên của đời sống nội tâm với thời gian sẽ dần dẫn ông đến những nhận thức khác. Hãy để năng lực thẩm định của mình tự nó phát triển thầm lặng, không bị quấy quả, cũng như mọi tiến bộ, nó phải bắt nguồn từ sâu tận bên trong và không gì có thể dồn ép, thúc đẩy nó. Tất cả đều là thai dưỡng rồi mới sinh nở. Hãy để cho mỗi ấn tượng và mỗi hạt mầm của một cảm xúc tự hoàn thiện trong chính nó, trong bóng tối, trong vô ngôn, vô thức, nơi lý trí của chính ta không với tới, và hãy kiên trì và nhẫn nhục chờ đợi giờ phút một sự sáng mới ra đời: chỉ như vậy mới là sống nghệ sĩ: trong nhận thức cũng như trong sáng tạo.
Ở đó không có phép đếm thời gian, một năm chẳng tính, mười năm chẳng là gì, làm nghệ sĩ là: không tính và không đếm; tự chín dần như cái cây chẳng hối thúc nhựa sống và một lòng tin tưởng đứng trong bão tố mùa xuân mà không bợn chút lo âu rằng có thể mùa hè chẳng đến. Mùa hè sẽ đến. Nhưng nó chỉ đến với những người kiên nhẫn, những người tồn tại đó như thể sự vĩnh cửu trải ra trước họ, mênh mông và lặng lẽ vô lo nhường ấy. Tôi học điều đó ngày ngày, tôi học điều đó trong đau đớn và tôi cảm ơn nỗi đau: kiên nhẫn là tất cả!
Về Richard Dehmel: Ðọc sách của ông ta (và nhân đây xin nói luôn là với con người ông ta mà tôi có quen sơ cũng vậy), mỗi khi gặp một trong những trang hay, tôi luôn sợ trang tiếp theo có thể sẽ phá hỏng tất cả và đảo lộn cái đáng yêu thành cái đáng bỏ đi. Ông đã nhận xét khá trúng về ông ta: 'Sống và viết như động cỡn'. Quả thật trải nghiệm nghệ thuật rất gần với trải nghiệm dục tính, với nỗi đau và niềm hoan lạc của nó, gần tới mức cả hai hiện tượng thực ra chỉ khác nhau ở hình thức ấy đều chung một khát vọng và thoả nguyện. Nếu được phép dùng chữ 'tính dục' thay cho 'động cỡn', tính dục theo nghiã lớn, rộng, tinh khiết, không bị bất kỳ một nhầm lẫn nào của giáo hội làm cho đáng ngờ, thì có lẽ nghệ thuật của ông ta là rất vĩ đại và vô cùng quan trọng. Thi lực của ông ta lớn và mạnh như một bản năng nguyên thủy, nó chứa đựng những tiết tấu riêng, không hề khoan nhượng, và ào ra như núi đổ.
Nhưng hình như cái thi lực đó không phải lúc nào cũng hoàn toàn thành thực và không làm bộ. (Và đấy cũng chính là một trong những thử thách khó khăn nhất đối với kẻ sáng tạo: hắn phải xử sự với những ưu điểm lớn nhất của mình như kẻ ngây thơ và vô thức nếu không muốn tước đi sự trọn vẹn và tự nhiên của chúng!) Và khi thi lực ấy trào qua bản năng của ông ta đến chỗ tính dục thì nó không bắt gặp một con người trong trắng như nó đang cần. Ðấy không phải là một thế giới tính dục hoàn toàn chín muồi và tinh khiết, đấy là một thế giới không đủ tính người, chỉ thuần tính đực, thế giới của động cỡn, của say sưa và không ngơi nghỉ, chồng chất bởi những định kiến cố hữu và những ngạo mạn mà thằng đàn ông dùng để chồng chất và bóp mép tình yêu. Ông ta chỉ yêu với tư cách thằng đàn ông chứ không phải thằng người, do đó cách cảm nhận về tính dục của ông ta có cái gì đó chật hẹp, có vẻ như hoang dã, độc địa, hữu hạn, không vĩnh cửu, làm giảm thiểu nghệ thuật của ông ta, khiến nó thành lập lờ nước đôi và đáng ngờ. Nghệ thuật ấy không phải là không có tì vết, nó bị ấn định bởi thời gian, bởi nhiệt huyết, và sẽ ít trụ lại. (Nhưng phần lớn nghệ thuật đều như vậy!) Tuy thế, ta vẫn có thể vui với những chỗ nó thật sự lớn, chỉ không nhất thiết phải vong thân trong đó và trở thành môn đệ cho cái thế giới của Dehmel, thế giới vô cùng phấp phỏng, đầy rẫy ngoại tình và rối rắm, và xa lạ với những số phận thực sự, những số phận làm ta đau đớn hơn mấy thứ khổ ải hữu hạn kia nhiều, mà cũng cho ta nhiều cơ hội vươn tới độ lớn và nhiều dũng cảm hướng tới vĩnh cửu hơn.
Cuối cùng, về tác phẩm của tôi, tôi rất muốn gửi cho ông tất cả những cuốn có thể làm ông vui. Nhưng tôi rất nghèo, và khi sách của tôi đã ra đời thì chúng không còn thuộc về tôi. Tôi không đủ khả năng mua chúng và tặng cho những người sẽ ưu ái chúng dù tôi rất muốn.
Vì vậy tôi ghi lại tên các tác phẩm gần đây nhất của tôi (và nhà xuất bản), những cuốn mới nhất, tổng cộng tôi đã xuất bản chừng 12 hay 13 cuốn, và ông thân mến, đành để ông có dịp thì đặt mua cuốn này hay cuốn kia vậy. Tôi rất vui khi được biết sách của tôi ở bên ông.
Tạm biệt ông.
Rainer Maria Rilke
4.
Worpswede gần Bremen,16 tháng Bảy 1903
Mươi ngày trước tôi rời Paris, người ốm và mệt, đến một vùng đồng bằng phía bắc, cảnh rộng và yên tĩnh và bầu trời nơi đây có lẽ sẽ làm tôi khoẻ lại. Nhưng tôi khởi hành giữa một cơn mưa dài, hôm nay mới có vẻ hơi ngớt trong cảnh đất trời xao xác; và nhân lúc trời mới hửng này tôi gửi lời thăm ông.
Ông Kappus vô cùng thân mến: tôi đã để một bức thư của ông lâu không phúc đáp, không phải tôi quên - mà trái lại, bức thư ấy thuộc loại mỗi lần bắt gặp trong đống thư cũ là ta mở ra xem lại, trong đó tôi nhận ra ông như từ một khoảng cách rất gần. Ðấy là bức thư viết ngày mồng hai tháng Năm, chắc ông còn nhớ. Ðọc thư như giờ đây, giữa yên tĩnh mênh mông nơi xa vắng này, nỗi ưu tư đẹp đẽ của ông về đời sống làm tôi xúc động, hơn cả lúc ở Paris là nơi mọi thứ vang lên khác hẳn bởi sự ồn ào quá cỡ, khiến tất cả cứ rung lên. Ở đây quanh tôi là cảnh vật bao la lộng gió ngàn khơi, ở đây tôi cảm giác rằng không một ai có thể trả lời cho ông những câu hỏi và những cảm xúc tự hàm chứa một đời sống riêng, sâu trong chính chúng; bởi lẽ ngay cả những kẻ xuất sắc nhất cũng lầm lạc trong ngôn từ nếu buộc phải diễn tả những điều khẽ khàng nhất và hầu như bất khả ngôn. Tuy thế, tôi tin rằng ông sẽ không đến nỗi vô vọng nếu chịu khó bám vào những thứ có thể làm dịu cặp mắt như ở đây. Nếu ông hướng tới thiên nhiên, hướng tới cái giản dị trong đó, cái nhỏ bé, hầu như không ai thấy mà có thể vụt lớn thành vĩ đại và khôn lường từ lúc nào chẳng rõ; nếu có nổi tình yêu dành cho cái nhỏ nhoi ấy, và chỉ đơn thuần như một người đầy tớ tìm cách thu phục lòng tin của những gì dường như nghèo nàn thanh đạm: ông sẽ thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn, nhất quán hơn, và cũng thân thiện hơn thì phải, có lẽ điều đó không nằm trong lý trí, lý trí thì ngơ ngác tụt lại đằng sau, mà nằm trong tận cùng ý thức ông, trong sự tỉnh táo và trong tri thức. Ông còn trẻ lắm, còn đứng trước mọi bước khởi đầu, và tôi đề nghị ông, trong khả năng cho phép, ông thân mến, hãy kiên nhẫn với mọi điều còn chưa được giải đáp trong trái tim ông, và hãy thử yêu lấy chính những câu hỏi như yêu các căn buồng khóa trái và những cuốn sách viết bằng một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Bây giờ ông đừng truy tìm những lời đáp, ông chẳng nhận được đâu, vì đằng nào ông cũng không thể sống chúng. Mà vấn đề quan trọng là sống tất cả. Vậy bây giờ ông hãy sống những câu hỏi. Có thể dần dần một ngày nào đó, sau này, ông bước hẳn vào câu trả lời lúc nào chẳng biết. Có thể ông có sẵn trong mình khả năng hình thành và kiến tạo, là lối biểu hiện đặc biệt trong sáng và đầy ân sủng của đời sống; ông hãy tự tu dưỡng cho được như vậy, - nhưng hãy tin tưởng chấp nhận cái sẽ đến, ngay cả khi nó chỉ xuất phát từ ý chí, từ một thúc bách nào đó trong tâm khảm ông, thì cũng xin ông chấp nhận và đừng ghét bỏ gì hết. Vâng, tính dục thật nặng nề. Nhưng tất cả những gì chúng ta phải gánh vác đều nặng nề, hầu như mọi thứ nghiêm túc đều nặng nề, và mọi thứ đều là nghiêm túc. Ông chỉ cần hiểu ra điều ấy, và bằng bản năng và tư chất con người mình, bằng vốn liếng kinh nghiệm và tuổi thơ và sức lực mình, hãy thiết lập một quan hệ hoàn toàn riêng tư (không vướng bận bởi khuôn mẫu và tục lệ) với tính dục, được như vậy ông sẽ chẳng sợ đánh mất mình và chẳng sợ không xứng đáng với cái tài sản quý giá nhất đó.
Lạc thú thân xác là một trải nghiệm dục tính, không khác gì việc quan sát thuần túy, hay cái cảm giác khi một trái cây ngon no tròn trên lưỡi; nó là một kinh nghiệm lớn, vô tận, ban cho chúng ta, là một tri thức về thế giới, là tổng hoà và hào quang của mọi tri thức. Chúng ta đón nhận nó, điều đó không có gì là xấu; xấu là ở chỗ hầu hết mọi người đều lạm dụng và phung phí nó, dùng nó làm kích thích tố tống vào những chỗ mệt mỏi của đời mình, và dùng nó để phân tán thay vì góp nhặt cực khoái. Con người cũng đã biến việc ăn uống thành một cái gì khác: thiếu thốn ở chỗ này trong khi thừa mứa ở chỗ kia đã khoả ngầu cái nhu cầu trong sáng đó, và những nhu cầu thiết yếu, sâu sắc, giản dị khác để đời sống có thể tái sinh cũng đã bị vẩn đục như vậy. Nhưng riêng từng người thì có thể làm chúng trong trở lại và sống trong trẻo (riêng từng người chẳng được, vì quá lệ thuộc, thì chí ít là gã cô đơn). Gã sẽ nhớ ra rằng, mọi cái đẹp nơi cỏ cây và muông thú đều ở dạng lặng lẽ muôn thuở của tình yêu và khát vọng, gã sẽ nhìn con thú cũng như ngắm cái cây nhẫn nại và tự giác giao hòa và sinh sôi và nảy nở, không vì lạc thú thân xác, không vì đau đớn thân xác, mà tuân theo những tất yếu lớn hơn cả lạc thú lẫn đớn đau và mạnh mẽ hơn cả ý chí và khả năng đề kháng. Ôi, ước gì con người hãy ngoan ngoãn hơn mà đón nhận điều bí ẩn tràn đầy trong cả những vật nhỏ mọn nhất nơi trái đất này, giữ gìn nó, chịu đựng nó nghiêm túc hơn, và thấy rõ nó nặng nề khủng khiếp chứ đừng coi nhẹ. Ước gì con người hãy tôn kính tính năng sinh sản của mình, một tính năng duy nhất, dù nó biểu lộ bằng tinh thần hay thể xác; bởi lẽ sáng tạo tinh thần cũng bắt nguồn từ sáng tạo thể xác, cùng một bản chất, và chẳng qua là sự lập lại khẽ khàng hơn, mê mẩn hơn và vĩnh cửu hơn của lạc thú xác thịt mà thôi. Ý tưởng "làm kẻ sáng lập, sinh thành, kiến tạo" sẽ chẳng là gì hết nếu không được khẳng định và thực thi liên tục và rộng khắp thế gian, nếu không được vạn vật và muôn loài ngàn lần tán đồng - và hương vị của nó sở dĩ đẹp đẽ và phong phú khôn tả nhường ấy chỉ vì chứa chan kí ức thừa kế từ công cuộc tác thành và sinh nở của triệu triệu sinh linh. Muôn ngàn đêm ân ái đã lãng quên sống dậy trong một ý tưởng sáng tạo và ban cho nó tầm cao cùng vẻ cao sang. Và những kẻ đêm đêm đến với nhau, dính vào nhau trong lạc thú ấp ủ, là thực hiện một công việc nghiêm túc, là góp nhặt ngon ngọt, chiều sâu và sức mạnh cho khúc ca của một thi sĩ nào đó rồi sẽ xuất hiện, sẽ đứng dậy để cất lời khoái lạc khôn tả. Họ gọi tương lai đến gần; và dù họ có nhầm lẫn và mù quáng ôm nhau chăng nữa thì tương lai vẫn đến, một sinh linh mới trỗi dậy, và quy luật bừng tỉnh trên nền tảng của cái dường như là ngẫu nhiên, qua đó một tinh trùng khỏe mạnh giàu sức đề kháng sẽ len đến tế bào trứng đang rộng mở đón nó. Ông đừng để mình bị lung lạc bởi bề nổi; dưới tầng sâu tất cả đều trở thành quy luật. Và những kẻ sống sai và sống dở điều bí ẩn nêu trên (rất nhiều kẻ như thế) chẳng qua chỉ chuyển nó đi tiếp như một bức thư đóng kín mà không hay biết mà thôi. Và ông cũng đừng rối trí, vì cách mệnh danh thì đa dạng và bản thân các trường hợp thì phức tạp. Có lẽ trùm lên tất cả là một mẫu tính vĩ đại như khát vọng chung. Vẻ đẹp của nàng trinh nữ, một thực thể "chưa đóng góp gì" (như ông đã diễn đạt rất hay) là mẫu tính còn đang tự đoán, đang chuẩn bị, đang hồi hộp và khao khát. Còn vẻ đẹp của người mẹ là mẫu tính đang phục vụ, và trong lão bà là một kí ức lớn lao. Và tôi có cảm giác là trong người nam cũng có mẫu tính, cả về tinh thần lẫn thể xác; sự sản ra ở người nam cũng là một dạng sinh nở, và sinh nở chính là tác thành từ chốn dồi dào sâu kín nhất. Và có lẽ các giới tính gần gũi nhau hơn người ta vẫn tưởng, và khi người nam và người nữ thoát khỏi mọi nhầm lẫn và ác cảm, không còn tìm đến nhau như hai đối cực, mà chung lưng như anh em và láng giềng, như người với người, để đơn giản là cùng nhau nhẫn nại và nghiêm trang gánh cái gánh nặng chất lên mình là giới tính, đấy có lẽ sẽ là cuộc đại-cách-tân thế giới.
Nhưng tất cả những gì mà một ngày nào đó may ra là khả dĩ đối với số đông thì kẻ cô đơn ngay tự lúc này đã có thể chuẩn bị và xây đắp bằng đôi tay ít nhầm lẫn hơn. Vì thế, ông thân mến, hãy yêu lấy sự cô đơn, và hãy cam chịu nỗi đau nó gây nên bằng lời oán thán du dương. Ông bảo rằng những người gần gũi bỗng thành xa lạ, như thế là quanh ông đã bắt đầu xa vắng. Và khi tầm gần đã hoá xa thì tầm xa hẳn là đã xa tận những vì sao và mênh mông lắm; ông hãy mừng cho độ tăng trưởng của chính mình, đằng nào thì ông cũng chẳng đem ai vào đó được, và hãy tốt với những kẻ còn đang tụt lại, hãy an tâm và bình thản trước họ và đừng hành hạ họ bằng những hoài nghi của ông, đừng kinh khiếp họ bằng niềm lạc quan hay phấn khởi mà họ không hiểu nổi. Ông hãy tìm ra một cách chung sống giản dị và tin cậy nào đó với họ, không nhất thiết phải thay đổi khi ông khác đi và ngày càng khác đi; hãy yêu lấy nơi họ đời sống ở một dạng khác và hãy rộng lượng với những người đang già đi, họ sợ hãi nỗi đơn độc, còn ông lại tin cậy nó. Hãy tránh tiếp tay cho tấn thảm kịch giằng xé giữa cha mẹ và con cái, nó tiêu hủy rất nhiều sức lực của đám trẻ và tàn phá tình yêu của người già, là thứ tình yêu sưởi ấm và tác động mặc dù chẳng hiểu gì. Ðừng bắt họ khuyên bảo và cũng đừng mong họ cảm thông, nhưng hãy tin vào một tình yêu cất giữ cho mình như một gia tài thừa kế, và hãy cầm chắc rằng trong đó có sức mạnh và phúc lành, là nơi ông có thể đậu lại mà vẫn đi được xa.
Trước mắt, ông đang bước vào một nghề buộc ông phải tự lập và chỉ hoàn toàn trông cậy vào chính mình trong mọi phương diện, như thế là tốt. Hãy kiên nhẫn đợi xem đời sống sâu thẳm trong ông có bị bó buộc trong cái khung của nghề nghiệp đó không. Tôi coi đó là một nghề rất khó khăn và đầy đòi hỏi, vì bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu nặng nề, và hầu như không dành chỗ cho phong cách cá nhân trong công việc. Nhưng ngay cả trong những hoàn cảnh hết sức xa lạ thì ông vẫn có nỗi cô đơn làm quê hương và chỗ dựa, và từ đó ông sẽ tìm ra mọi đường đi cho mình.
Tôi dành sẵn mọi lời cầu chúc theo bước ông đi, và tôi tin tưởng ở ông.
Rainer Maria Rilke
5.
Rom, 29 tháng Mười 1903
Ông thân kính,
Tôi nhận được bức thư đề ngày 29 tháng Tám của ông ở Florenz, và mãi hôm nay - hai tháng sau - mới trả lời ông được. Mong ông thứ lỗi cho sự chậm trễ này, - nhưng tôi không ưa viết thư dọc đường, vì viết một lá thư đâu chỉ cần dụng cụ tối thiểu, tôi cần nhiều hơn thế: một chút yên tĩnh và cô đơn, và một khoảnh khắc không quá xa lạ.
Chúng tôi đến Rom khoảng sáu tuần trước, vào lúc thành Rom còn vắng vẻ, nóng bức, phát sốt, và thêm vào đó là những khó khăn thực tế trong sinh hoạt, khiến chúng tôi mãi không được yên ổn, và chốn tha phương với nỗi thiếu quê hương đè nặng trĩu.
Ngoài ra phải kể thêm là Rom (nếu ta chưa quen) những ngày đầu buồn ngột ngạt: cái không khí bảo tàng u ám và kém sinh động mà thành phố này thở ra, đống dĩ vãng (nuôi sống một hiện tại nhỏ nhoi) mà nó moi ra và gắng gượng bảo tồn, rồi mấy thứ đã biến dạng và hư hỏng đó lại được nống lên vô tận bởi được các học giả và những nhà ngữ học trợ lực cùng đám du lịch thường lệ hùa theo, mấy thứ đó chẳng qua là tồn đọng ngẫu nhiên của một thời và của một sự sống không phải là và không nên là sự sống của chúng ta. Cuối cùng, sau mấy tuần liên tục kháng cự, tuy còn lúng túng đôi chút, ta lại thấy ta tìm về chính mình, và tự nhủ: Không, nơi đây chẳng nhiều cái đẹp hơn nơi nào, và hết thảy những thứ đã qua bao tay thêm nếm và cải biên mà các thế hệ đều mãi ngưỡng mộ kia, chúng chẳng nghiã lý gì hết, chẳng là gì hết, chúng vô hồn và vô giá trị; - nhưng nơi đây nhiều cái đẹp, bởi lẽ mọi nơi đều nhiều cái đẹp. Những dòng nước vô cùng sống động túa qua máng cổ vào thành lớn, nhảy múa nơi những vòi phun bằng đá trắng trên bao nhiêu quảng trường và tỏa vào những bể chứa rộng thênh thang, chúng rào rạt ban ngày và rào rạt lúc đêm về, đêm ở đây mênh mông, đầy sao và mịn mềm trong gió. Và những khu vườn, những đại lộ không thể nào quên, và những bậc thềm theo ý tưởng của Michelangelo, những bậc thềm xây theo mẫu nước chảy xuôi, - dòng đổ rộng rãi và mỗi bậc lại sinh ra một bậc, như mỗi lớp sóng sinh ra từ một lớp sóng. Ta thu nhặt bản thân qua những ấn tượng ấy, hồi lại chính mình từ đống ngồn ngộn đầy đòi hỏi đang nói năng và múa mép kia (ôi nó lắm mồm làm sao!), và học dần cách nhận ra những điều rất ít ỏi chứa đựng sự vĩnh cửu mà ta yêu, và sự cô đơn mà ta có thể khẽ khàng tham dự.
Hiện tại tôi vẫn ở trong thành, trên đồi Kapitol, cách tác phẩm của Marc Aurel không xa, bức tượng kỵ sĩ đẹp nhất còn lại của nghệ thuật La Mã; nhưng vài tuần nữa tôi sẽ dọn đến một chỗ yên tĩnh và thanh đạm, một căn lầu gió cổ, khuất sâu trong một công viên, xa lánh chốn phố phường cùng những ồn ào và ngẫu nhiên của nó.
Tôi sẽ ở đó suốt mùa đông, vui với sự yên tĩnh lớn lao và chờ nó ban cho những giờ tốt lành và cần mẫn... Tôi sẽ viết dài hơn cho ông và sẽ nói về bức thư của ông khi đến đó, là nơi tôi được thoải mái hơn, như ở nhà mình. Hôm nay việc của tôi (lẽ ra tôi nên làm sớm hơn mới phải) chỉ là báo lại cho ông rằng cuốn sách ông nhắc đến trong thư (có đăng những tác phẩm của ông) đã không đến tay tôi. Nó có quay về chỗ ông không, có thể là từ Worpswede chăng? (Vì: bưu kiện không được phép chuyển tiếp ra nước ngoài). Có lẽ đấy là khả năng may mắn nhất và tôi rất mong là như vậy. Hy vọng nó đã không thất lạc - đáng tiếc đấy không phải là trường hợp ngoại lệ trong tình trạng bưu điện ở Ý.
Nếu không, chắc chắn tôi đã vui lòng đón nhận cuốn sách đó (như tất cả những gì mang dấu hiệu của ông); và tôi sẽ luôn đọc, đọc lại và sống cùng những dòng thơ mới của ông (nếu được ông tin cậy) với tất cả khả năng và nhiệt tình. Chào ông và chúc ông mọi điều.
Rainer Maria Rilke
6.
Rom, 23 tháng Mười Hai 1903
Ông Kappus thân mến,
Tôi không muốn để ông phải mong thư khi lễ Giáng Sinh đã tới, và giữa ngày lễ ông phải gánh chịu nỗi cô đơn nặng nề hơn lúc thường. Nhưng nếu nó quả là lớn thì ông hãy vui lên; bởi lẽ, cô đơn thiếu tầm vóc thì còn ra làm sao (ông tự hỏi như vậy); cô đơn chỉ có một, đấy là nỗi cô đơn lớn và không dễ gánh chịu, và hầu như ai rồi cũng có những giờ phút muốn đánh đổi nó lấy một sự đàn đúm nào đó dù tầm thường và rẻ rúng, lấy một cái vỏ của giao tiếp với bất kỳ ai, với kẻ thiếu tư cách nhất... Nhưng có lẽ đấy chính là những giờ phút cho cô đơn trưởng thành; bởi lẽ sự trưởng thành của nó đau như sự trưởng thành của các cậu bé và buồn như tiết lập xuân. Nhưng ông không nên rối trí vì lẽ đó. Ðiều thiết yếu vẫn chỉ là: cô đơn, nỗi cô đơn lớn lao tự bên trong. Ði vào chính mình và không gặp bất kỳ ai nhiều giờ đằng đẵng, phải làm được như vậy. Cô đơn, như lúc ta còn là đứa trẻ cô đơn khi người lớn đi đi lại lại, vướng víu trong những chuyện có vẻ lớn lao và trọng đại, vì người lớn trông bận rộn lắm và ta chẳng hiểu họ làm gì. Và một ngày kia ta bỗng thấy công việc của họ nghèo nàn, nghề nghiệp của họ cứng nhắc và không còn gắn liền với đời sống nữa, vậy cớ sao ta không tiếp tục làm như đứa trẻ, nhìn vào đó như nhìn thứ gì xa lạ, từ chiều sâu của thế giới riêng mình, từ chiều rộng của nỗi cô đơn riêng mình, mà nỗi cô đơn tự nó đã là công việc, là chức vụ, là nghề nghiệp? Cớ sao phải đánh đổi cái vô tri hiền triết của đứa trẻ lấy chống đỡ và khinh bỉ, trong khi vô tri là riêng một cõi, còn chống đỡ và khinh bỉ chính là tham dự vào chỗ mà mình muốn thoát ra bằng cách dùng chúng làm phương tiện.
Ông thân mến, hãy nghĩ đến thế giới mà ông mang trong mình, và tùy ông muốn gọi việc đó là gì cũng được: là hồi ức về tuổi thơ, hay là khát vọng về tương lai, - chỉ có điều hãy để ý xem trong mình có gì trỗi dậy, và đặt nó trên mọi thứ mình ghi nhận được ở xung quanh. Ðời sống nội tâm nơi ông đáng cho ông dành trọn tình yêu, ông phải bỏ công ra với nó như thế nào đó và đừng mất quá nhiều thời gian và dũng cảm để lý giải chỗ đứng của ông giữa người đời. Mà ai bảo rằng ông có một chỗ đứng? - Tôi biết, nghề nghiệp của ông vất vả và đầy mâu thuẫn với ông, tôi đã thấy trước và biết rằng ông sẽ ai oán. Bây giờ đã như vậy, tôi không thể an ủi mà chỉ biết khuyên ông hãy ngẫm xem, phải chăng mọi nghề nghiệp đều như thế, đầy đòi hỏi, đầy thù địch với mỗi người, như thể thấm đẫm lòng căm ghét của những kẻ đã đành câm lặng và bực bội mà nhận lấy cái phận sự tẻ nhạt. Hoàn cảnh của ông bây giờ không bị những khuôn mẫu, định kiến và sai lầm đè nặng hơn mọi hoàn cảnh khác, và có thể có những hoàn cảnh nào đó ra vẻ tự do hơn, nhưng không một hoàn cảnh nào nội tại là dài, rộng, và gắn bó với những điều lớn lao chứa đựng đời sống đích thực. Chỉ riêng gã cô đơn là như một vật thể tuân theo những quy luật sâu xa, và khi gã bước vào một sớm mai mới hé, hay phóng mắt vào buổi tối đầy sự kiện, và cảm nhận điều gì đang diễn ra, khi ấy mọi hoàn cảnh rời khỏi gã như rời khỏi một người đã chết, mặc dầu gã còn đó sờ sờ giữa đời sống. Ông Kappus thân mến, những điều bây giờ ông, một sĩ quan, phải trải qua chắc cũng tương tự như trong bất cứ nghề nghiệp nào hiện hành, thậm chí nếu bỏ qua mọi vị trí nghề nghiệp, chỉ cần tiếp xúc riêng và nhẹ nhàng với xã hội mà thôi cũng chẳng đỡ được cái cảm giác bó buộc đó. Chỗ nào cũng vậy; nhưng đấy đâu phải là lý do để sợ hãi hay buồn rầu; nếu không chung được với người thì ông hãy thử gần với vật, chúng sẽ không bỏ rơi ông; vẫn còn đó những đêm và gió lướt trên cây và trên nhiều vùng đất; vẫn tràn đầy sự kiện nơi muông thú và trong vạn vật để ông tham dự; và trẻ nhỏ vẫn như thế, như ông thuở bé, buồn rầu và hạnh phúc, - và mỗi khi nhớ về tuổi thơ là ông lại được sống giữa chúng, bầy trẻ cô đơn, còn đám người lớn chẳng là gì hết, tư cách họ hoàn toàn không đáng giá.
Và nếu ông sợ hãi và khổ sở khi nhớ về tuổi thơ cùng những thứ liên quan đến nó là cái giản dị và yên tĩnh, vì ông không thể tin vào Thượng Ðế hiển hiện khắp trong đó nữa, khi ấy, ông Kappus thân mến, ông tự hỏi, mình đã đánh mất Thượng Ðế thật chăng? Ðúng ra, phải chăng ông chưa bao giờ có Người? Vì có vào lúc nào kia chứ? Ông cho rằng một đứa trẻ có thể chứa nổi Người, trong khi những đấng nam nhi vất vả lắm mới gánh được Người và sức nặng của Người làm oằn lưng phụ lão ư? Ông cho rằng ai đã thật sự có Người lại có thể đánh mất Người như đánh mất một viên đá nhỏ ư, hay là ông không cho rằng ai đã có Người chỉ có thể bị lạc khỏi Người? Nhưng nếu ông nhận ra rằng, Người không tồn tại nơi tuổi thơ của ông, và trước đó cũng không, nếu ông đoán ra rằng Christus bị lừa bởi khát vọng của chính mình và Muhammed bị gạt cũng bởi kiêu hãnh của chính mình, và nếu ông kinh hoàng thấy ngay lúc này đây, giờ phút này, khi chúng ta đang nói về Người thì Người cũng không tồn tại, thì ông có quyền gì mà thấy thiếu Người, là đấng chưa bao giờ tồn tại, như thiếu một người đã thuộc về dĩ vãng, và tìm kiếm Người như thể Người đã mất?
Sao ông không cho rằng Người là đấng sẽ đến, là đấng tương lai, từ vĩnh cửu mà ra, là trái chín của cái cây mà chúng ta là lá? Ông ngần ngại gì mà không liệng ngày sinh của Người vào những thời sẽ đến, rồi sống cuộc đời ông như một ngày đau và đẹp trong lịch sử một cuộc thai nghén vĩ đại? Ông không thấy đó sao, mọi thứ đang diễn ra đều là khởi đầu, và liệu đấy có phải là sự khởi đầu của Người chăng? Vì sự khai mở tự nó luôn tuyệt đẹp như vậy? Nếu Người là đấng toàn thiện nhất thì phải chăng trước Người ắt là kém cỏi hơn, để Người có cái dồi dào và thừa thãi mà tuyển lựa cho mình? Phải chăng Người là đấng sau chót để mà gom tất cả vào mình, và chúng ta liệu có nghĩa gì nếu đấng mà chúng ta khao khát đã tồn tại trước rồi?
Như ong làm mật, chúng ta lấy cái ngọt ngào nhất từ mọi thứ và đắp nên Người. Chúng ta bắt đầu thậm chí từ cái nhỏ mọn, cái không đáng để ý (chỉ cần việc đó xuất phát từ tình yêu), chúng ta khởi công xây Người bằng việc làm và nghỉ ngơi sau đó, bằng một im lặng hay niềm vui nho nhỏ cô đơn, bằng mọi thứ do một mình ta làm, không có ai tham gia và cổ động. Người, là đấng mà chúng ta không có ngày chứng kiến, cũng như các bậc tiền bối đã không được chứng kiến chúng ta. Nhưng những người đã khuất từ lâu ấy vẫn còn đó trong ta, là món quà kèm theo, là gánh nặng chất lên số phận ta, là máu rạt rào, và là cử chỉ từ những tầng sâu của thời gian ngóc dậy.
Liệu có gì tước đi được cái hy vọng của ông mong hòa làm một với Người, đấng xa vời, đấng tột cùng không?
Ông Kappus thân mến, ông hãy mừng lễ Giáng Sinh với lòng thành kính ấy, rằng có lẽ Người cần chính nỗi sợ cuộc sống của ông để khai mở; có lẽ chính những ngày chuyển tiếp này là lúc tâm trí ông bận rộn với Người, như ông thuở còn là một đứa trẻ đã từng nín thở mà bận rộn với Người. Ông hãy kiên nhẫn, đừng miễn cưỡng và xin nhớ rằng, đất chẳng cản mùa xuân khi mùa xuân muốn đến, và ít nhất chúng ta có thể làm một điều là không gây khó cho sự trở thành của Người hơn mức ấy.
Mong ông vui và vững lòng.
Rainer Maria Rilke
7.
Rom, 14 tháng Năm 1904
Ông Kappus thân mến,
Từ hôm nhận được thư ông đến nay đã lâu, mong ông đừng trách; đầu tiên là công việc, rồi phiền nhiễu và rốt cuộc lại đau ốm nữa cứ thay nhau cản trở, mà ý tôi là muốn phúc đáp thư ông vào lúc yên tĩnh và tốt lành. Hiện giờ tôi đã thấy dễ chịu hơn (tiết lập xuân vừa rồi ở đây cũng thấu cảnh trời đất chuyển mùa thất thường ác nghiệt) và có dịp viết thư thăm ông, ông Kappus thân mến, và (tôi nhiệt thành mong muốn) nói về điều này điều kia trong thư ông theo chỗ tôi còn nhớ.
Ông thấy đấy: tôi đã chép lại bài sonnet của ông vì thấy nó hay và giản dị và đi bằng bút pháp thật lặng lẽ trong thể loại sinh ra nó. Ðấy là những vần thơ hay nhất tôi được đọc của ông. Và bây giờ xin gửi lại ông bản chép tay đó, vì tôi biết, xem lại tác phẩm của mình viết bằng chữ của người khác là rất quan trọng và đầy kinh nghiệm mới. Ông hãy đọc, như thể đấy là thơ người khác, và trong thâm tâm ông sẽ cảm thấy rõ đấy là thơ mình. Ðọc bài sonnet ấy và thư ông nhiều lần là một niềm vui đối với tôi, xin cảm ơn ông về cả hai thứ.
Trong cô đơn, ông đừng để mình bị lung lạc bởi một chút gì đó nơi ông đang muốn bứt khỏi cô đơn. Nếu ông biết dùng cái nguyện vọng ấy, bình thản và đầy ưu thế như sử dụng một công cụ, thì chính nó sẽ giúp ông trải rộng niềm cô đơn trên địa dư bao la. Người đời (nhờ những khuôn mẫu) nhắm vào cái dễ nhất của dễ mà giải quyết mọi sự; nhưng chúng ta hiển nhiên là phải bám vào cái khó; mọi sự sống đều bám vào đó, vạn vật trong thiên nhiên sinh sôi và tự vệ theo từng cách riêng và thành ra một thể riêng, tìm cách khẳng định mình bằng mọi giá và đương đầu với tất cả. Chúng ta chẳng biết nhiều cho lắm, nhưng điều chắc chắn là phải bám vào cái khó, nó sẽ không bỏ rơi ta; cô đơn được là tốt, vì cô đơn khó; khó, nên ta được thêm một cớ để cô đơn.
Yêu được cũng là tốt: bởi yêu là khó. Người yêu người, có lẽ đấy là điều khó nhất mà ta được giao phó, là tột cùng, là cuộc thử thách và kỳ sát hạch cuối cùng, là công việc mà mọi công việc khác chỉ chuẩn bị cho nó mà thôi. Vì lẽ đó mà lớp trẻ, là những người mới vào nghề trong mọi lĩnh vực, chưa thể biết yêu: họ phải học yêu. Học yêu bằng toàn bộ con người mình, bằng toàn bộ sức lực tề tựu quanh trái tim cô đơn, phấp phỏng và nhảy thót. Nhưng khoá học yêu là cả một thời gian dài khép kín, cho nên yêu là cô đơn dài lâu và cô đơn lút đời, là đơn độc tăng tiến và đào sâu cho kẻ nào yêu. Yêu thoạt tiên không hề là vong thân, dâng hiến và hoà cùng ai đó (vì như vậy hoá ra là một sự hòa hợp của cái chưa sáng tỏ, chưa hoàn thành, chưa điều chỉnh ư?), yêu là một duyên cớ cao thượng để mỗi người tự chín, trở thành một cái gì đó trong chính mình, trở thành thế giới, vì một ai đó mà trở thành thế giới cho bản thân mình; yêu là một đòi hỏi lớn, một đòi hỏi không khiêm nhượng, chọn mặt mà gửi sứ mệnh của tầm xa. Lớp trẻ chỉ nên sử dụng tình yêu ban cho mình theo nghĩa đó, như nhiệm vụ tự tu dưỡng ("ngày đêm gõ búa và nghe ngóng"). Vong thân, dâng hiến, và mọi hình thức chung sống không phải là những thứ dành cho họ (họ còn phảichắt chiu, nhặt nhạnh lâu, rất lâu nữa), mà là cái chung cuộc, có lẽ là cái mà kiếp người hiện tại hầu như còn bất cập.
Nhưng những người trẻ tuổi lại nhầm lẫn liên tục và nghiêm trọng ở chỗ: họ (với bản tính thiếu kiên nhẫn) lao vào lòng nhau khi tình yêu ập đến, họ vung vãi bản thân, hệt như toàn bộ những cung cách lộn xộn, bừa bãi, thiếu ngăn nắp của họ... Nhưng liệu sau đó thì thế nào? Ðời sống biết làm gì với cái đống tan tành quá nửa mà họ gọi là chung sống ấy, mà họ ưa gọi là hạnh phúc, nếu có thể, và là tương lai ấy? Ở đó người này chỉ tự đánh mất mình vì người kia, và đánh mất nốt người kia cùng bao nhiêu người khác còn muốn đến. Và đánh mất tầm xa cùng những triển vọng, đánh đổi những điều khẽ khàng, đến rồi lại đi, đầy tiên cảm, lấy một sự túng chí cằn cỗi, tuyệt không sinh hạ gì được nữa ngoài một chút ghê tởm, thất vọng và nghèo hèn, và lối thoát là rúc vào một trong vô vàn những khuôn mẫu xã hội như những trú quán công cộng rải khắp ngả đường nguy hiểm nhất này. Không một lĩnh vực nào trong cõi nhân sinh được trang bị nhiều khuôn mẫu đến thế: dây đai bảo hiểm đủ mọi kiểu sáng chế, thuyền và phao sẵn sàng; quan điểm xã hội đã biết đường tạo chốn nương thân đủ loại, bởi lẽ, vốn đã coi tình ái là giải trí thì cũng phải thu xếp sao cho tình ái được dễ, rẻ, vô hại và an toàn như mọi trò giải trí công cộng.
Nhiều người trẻ tuổi tuy nhận ra sức ép của sai lầm, họ yêu sai, nghĩa là cứ yêu dâng hiến và thiếu cô đơn (đám trung bình sẽ mãi mãi là như vậy), và cũng muốn vực dậy cái tình cảnh mình mắc phải, tiếp thêm sức sống cho nó theo cách hoàn toàn cá nhân của riêng mình; bởi lẽ bản năng mách họ rằng những vấn đề của tình yêu, hơn mọi điều quan trọng khác, là thứ không thể đem ra ra giải quyết công khai và chiếu theo khuôn mẫu này nọ; rằng đó là những vấn đề mật thiết giữa người với người, mỗi trường hợp đòi hỏi một giải đáp mới, riêng biệt, và chỉ mang tính cá nhân mà thôi -: nhưng họ, những kẻ đã lao vào nhau, không còn rào biên giới cho riêng mình, không còn phân biệt cái tôi của mình, nghĩa là chẳng sở hữu một chút riêng nào nữa, họ làm sao tìm nổi một lối thoát từ chính mình, từ chốn sâu thẳm của sự cô đơn đã rơi vãi?
Họ hành động trên cơ sở cùng bất lực, và khi họ, đầy thiện ý, muốn trốn tránh khuôn mẫu mà họ nhìn thấu (hôn nhân chẳng hạn), thì lại rơi tõm vào vòng trói của một giải pháp ít ồn ào hơn, nhưng cũng rập khuôn chết người như vậy; bởi quanh họ khi đó - hết thảy là khuôn mẫu; thay vì hành động trên cơ sở một cuộc chung sống non nớt và u ám thì nay mỗi hành động đều theo khuôn mẫu: mỗi quan hệ nảy sinh từ chỗ rắc rối ấy đều có khuôn của nó dù khác thường đến mấy (tức là dù vô luân theo nghĩa thông thường đến mấy); thậm chí ly hôn cũng là một hành động theo khuôn mẫu, một quyết định ngẫu nhiên, không của riêng ai, vô sinh và vô lực.
Ai nghiêm túc để ý sẽ thấy rằng tình yêu cũng gian nan như cái chết, chưa có một giải thích và giải pháp nào, chưa có biển chỉ đường và chưa có đường đi cho nó; và sẽ không có một quy tắc chung nào dựa trên thoả thuận cho hai thứ đó, tình yêu và cái chết, hai nhiệm vụ mà chúng ta gánh vác trong bọc kín và cứ để nguyên không mở như thế trao tiếp cho người khác. Nhưng chúng ta rồi sẽ giáp mặt những điều vĩ đại ấy ở khoảng cách gần hơn, tùy mức từng người bắt tay vào thử sống. Những đòi hỏi mà công việc vất vả của tình yêu đặt ra cho sự phát triển của chúng ta là khổng lồ, và chúng ta, những người mới vào nghề, không thể nào kham nổi. Nhưng nếu chúng ta ráng chịu, và gánh lấy tình yêu ấy như một khoá học, chứ không đánh mất mình vào mọi trò dễ dãi và nhẹ dạ, nơi người đời lẩn tránh cái nghiêm túc tuyệt đối của kiếp người, - nếu được như vậy thì mai sau hậu sinh của chúng ta có chăng sẽ thấy trong đó một tiến bộ nho nhỏ, một chút đỡ đần khuây khoả; thế cũng là nhiều lắm.
Thực ra chúng ta chỉ vừa kịp làm một việc là nhìn nhận khách quan và không định kiến quan hệ giữa cá nhân người này với cá nhân người kia, còn thử sống những quan hệ ấy thì không có tấm gương nào cho ta noi theo. Nhưng theo dòng thời gian, rồi sẽ có một chút gì đó dìu dắt ta trong bước chân chập chững ban đầu.
Người thiếu nữ và người phụ nữ trong bước phát triển mới của riêng mình sẽ chỉ bắt chước tính xấu của đàn ông, lặp lại những nghề nghiệp đàn ông nhất thời mà thôi. Khi cơn lúng túng của thời quá độ qua đi, ta sẽ thấy người đàn bà trải qua vô vàn những bộ lốt khác nhau (và thường là lố bịch) ấy, chỉ để rửa sạch bản chất của riêng mình khỏi ảnh hưởng bóp méo của phái kia. Người đàn bà được đời sống ghé thăm và trú lại một cách trực tiếp hơn, phồn thực hơn, và tin cậy hơn, hẳn phải trở nên chín chắn hơn, nhân bản hơn gã đàn ông nhẹ cân nổi trên bề mặt cuộc đời, chẳng hề được sức nặng của trái thai nào từ bên trong kéo xuống, gã đàn ông hấp tấp và tự phụ, coi thường cái mà gã tưởng mình yêu. Nhân cách ấy của phụ nữ từ đau thương và hạ nhục mà thành, và nó sẽ hiện ra, khi người đàn bà đã cởi bỏ những khuôn mẫu về nữ-tính-đơn-thuần trong mọi hóa thân của hình thức bên ngoài, và kẻ nam nhi nào hôm nay chưa nhìn ra điều đó thì sẽ bị bất ngờ và đánh gục. Một ngày nào đó (đặc biệt ở các nước phương bắc hiện nay đã lấp lánh những dấu hiệu đáng tin cậy), một ngày nào đó sẽ xuất hiện người thiếu nữ và người phụ nữ mà danh tính không chỉ nói lên sự tương phản với nam tính, mà nói lên một điều gì đó khiến người ta không nghĩ đến giới hạn và bổ sung, chỉ còn nghĩ đến cuộc sống và kiếp người: là người nữ.
Bước tiến đó sẽ biến đổi đời sống tình ái đầy nhầm lẫn hiện nay (trước hết là sẽ vô cùng trái ý đám đàn ông lỗi thời), đổi thay tận gốc và tạo thành một quan hệ theo nghĩa giữa người với người chứ không còn là giữa đàn ông và đàn bà. Và cái tình yêu nhân bản hơn hẳn ấy (là thứ sẽ diễn ra đầy tôn trọng và khẽ khàng, tốt đẹp và sáng tỏ trong buộc vào và cởi ra) sẽ gần giống như tình yêu chúng ta gắng công nhọc nhằn chuẩn bị, là tình yêu cho hai nỗi cô đơn bảo vệ lẫn nhau, tách nhau ra và ngả mũ chào nhau.
Còn điều này nữa: Ông đừng nghĩ rằng mối tình lớn ông phải hứng trọn ngày nào, khi còn là một cậu bé, nay đã mất; liệu ông có thể khẳng định rằng những ước vọng lớn và tốt lành đã chẳng chín dần trong ông từ ngày ấy, và biết bao dự định còn theo ông đến giờ? Tôi tin rằng, mối tình ấy đọng lại trong ký ức ông mạnh mẽ và đầy quyền năng như thế. Vì đó là nỗi cô đơn sâu sắc đầu tiên trong đời ông và là công tác nội tâm đầu tiên mà ông tiến hành cho cuộc đời mình. Xin chúc ông, ông Kappus thân mến, mọi điều tốt lành.
Rainer Maria Rilke
8.
Borgeby gard, Flädie, Thụy Điển, 12 tháng Tám 1904
Tôi lại muốn trò chuyện cùng ông chốc lát, ông Kappus thân mến, mặc dù những điều tôi muốn nói hầu như chẳng giúp được ai, và chẳng ích lợi gì. Ông gặp nhiều chuyện buồn đã qua, và ông bảo rằng cả sự qua đi ấy cũng nặng nề và bực dọc. Nhưng, xin ông ngẫm lại xem, chính ra những buồn đau ấy đã chẳng xuyên thẳng qua con người ông đó sao? Phải chăng bao thứ nơi ông đã biến đổi, ông đã khác đi ở đâu đó, ở một góc nào đó trong con người mình ngay giữa lúc buồn? Chỉ những nỗi buồn đem ra để át người đời là nguy hiểm và tồi tệ; chúng chỉ tạm lui như những căn bệnh được chữa chạy qua loa và điên rồ, ngơi đi một chốc để rồi lại bùng lên khủng khiếp hơn; và tích tụ trong nội tâm thành vật sống, là vật sống bị bỏ qua, bị khinh bỉ, phí phạm và có thể chết người. Nếu đủ khả năng nhìn xa hơn tầm hiểu biết của mình và vượt ra ngoài những thành tựu của tổ tiên đôi chút, có lẽ chúng ta sẽ dành cho nỗi buồn nhiều tin cậy hơn là niềm vui. Bởi lẽ buồn là những khoảnh khắc cho một cái gì mới mẻ chợt bước vào ta, một cái gì chưa biết; những cảm xúc của chúng ta bỗng rụt rè bối rối im hơi, mọi thứ trong ta lùi lại, yên tĩnh dâng lên, và chính giữa là cái mới, cái chưa ai biết, lặng im đứng đó.
Tôi cho rằng hầu hết nỗi buồn của chúng ta là những khoảnh khắc căng nhưng ta lại tưởng đấy là tê liệt, sở dĩ như vậy vì ta không còn nghe ra những cảm xúc lạ lẫm của mình. Vì ta đơn độc với cái mới lạ vừa bước vào nơi ta; vì bỗng chốc bao nhiêu cái đã thuộc và đã quen bị nẫng đi bằng hết; vì ta đang giữa bước quá độ không thể dừng chân. Cho nên nỗi buồn cũng qua đi: cái mới trong ta, cái vừa nhập cuộc, tiến thẳng vào tim ta, đến căn buồng sâu kín nhất trong tim và lập tức thôi không còn đó, - bởi nó đã vào trong máu. Và ta không hay biết nó là cái gì. Ta dễ tưởng chẳng có cái gì xảy ra, nhưng kỳ thực ta đã đổi khác, như căn nhà đổi khác khi một người khách lạ bước vào. Ta chẳng biết người đó là ai và có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy là tương lai cũng lẻn vào ta theo cách đó, để hoá thân thành ta, rất lâu trước khi nó thực sự là tương lai. Khi buồn, sở dĩ rất cần phải cô đơn và nhạy bén, vì: cái khoảnh khắc dường như vô sự và bất động khi tương lai lẻn vào ta chính ra lại gần gũi đời sống hơn nhiều so với thời điểm khác kia, thời điểm ồn ào và ngẫu nhiên, khi nó, tương lai, như từ bên ngoài ập đến. Buồn càng âm thầm bao nhiêu, càng nhẫn nại và cởi mở bao nhiêu thì cái mới thấm vào ta càng sâu, càng chắc bấy nhiêu, ta càng chiếm được nó, và nó càng trở thành số phận của ta, và một ngày nào đó sau này khi nó "diễn ra" (nghĩa là từ trong ta bước ra, đến với người khác), sâu trong thâm tâm ta sẽ thấy nó và ta thật gắn bó và gần gũi. Và điều đó là cần thiết. Cần thiết là, chúng ta không gặp phải điều gì xa lạ, mà chỉ gặp thứ gì từ lâu đã thuộc về ta -và sự phát triển của chúng ta sẽ tiến dần tới chỗ đó. Người ta đã phải đảo hoán cách nghĩ về rất nhiều khái niệm thuộc chuyển động, rồi dần dần người ta cũng sẽ vỡ lẽ ra rằng, cái mà chúng ta gọi là số phận là thứ từ trong con người bước ra chứ không phải từ ngoài bước vào. Chỉ vì rất nhiều người đã không ngấm hết số phận khi nó còn cư trú trong họ, và không chuyển hóa nó vào trong mình, nên lúc nó bước ra họ không biết đấy là cái gì; họ thấy nó lạ mặt, nên lúng túng kinh hoàng mà dứt khoát cho rằng nó vừa mới ập vào người họ, vì họ quả quyết là trước đó chưa từng bắt gặp một cái gì tương tự trong mình. Người ta đã từng nhầm lẫn rất lâu về chuyển động của mặt trời, và vẫn tiếp tục nhầm lẫn về chuyển động của cái sẽ đến. Tương lai, thưa ông Kappus, đứng yên tại chỗ, còn chúng ta thì chuyển động trong không gian vô cùng.
Như thế, hỏi làm sao không gian truân?
Và lại nói về sự cô đơn, càng ngày ta càng thấy rõ, đó quả thực không phải là thứ cho ta chọn lấy hay bỏ đi được. Chúng ta cô đơn. Chỉ có thể tự huyễn hoặc và làm như không có chuyện đó mà thôi. Nhưng thừa nhận, rằng chúng ta cô đơn, và thậm chí lấy đó làm tiền đề thì tốt hơn biết bao. Như thế đương nhiên là ta chóng mặt, bởi ta bị tước sạch mọi điểm dừng quen thuộc cho con mắt, gần thì chẳng còn gì mà xa thì chao ôi xa tít tắp. Ai vừa bước khỏi nhà mà lập tức bị đưa lên chót vót trên đỉnh núi, không được chuẩn bị và chuyển tiếp dần dần, chắc cũng cảm thấy điều tương tự: một sự bất an tuyệt đối, một sự bỏ mình vào chốn vô danh, như thể sẽ bị tiêu diệt. Hắn tưởng mình sẽ ngã, hay sẽ bị liệng vào khoảng không, hoặc nổ tung thành ngàn mảnh: bộ não hắn chắc phải gồng sức bịa ra điều gì đó để lấy lại hồn vía và minh mẫn trở lại. Khi người ta cô đơn, mọi khoảng cách, mọi kích thước đều biến đổi như vậy; nhiều biến đổi trong số đó diễn ra đột ngột, và những ảo giác khác thường, những cảm giác lạ lùng, dường như vượt ra ngoài mọi khả năng chịu đựng, bỗng xuất hiện như với người đứng trên đỉnh núi. Nhưng chúng ta cũng cần phải trải qua điều đó. Phải coi đời mình là rộng, rộng hết mức; trong đó phải đủ chỗ cho mọi thứ, kể cả thứ không chịu nổi. Xét cho cùng, đấy là chỗ dũng cảm duy nhất mà chúng ta phải có: dũng cảm đương đầu với cái lạ lùng nhất, cái kỳ bí nhất, cái không thể giải thích nhất. Ðời sống đã tổn thất bao nhiêu vì cái hèn của người đời theo nghĩa đó; những sự kiện được mệnh danh là "hiện tượng", cái được gọi là "thế giới quỷ thần", cái chết, tất cả những thứ thân thích với ta đó bị cơ chế phòng thủ ngày nay gạt phăng ra khỏi đời sống, đến nỗi các giác quan có thể lĩnh hội chúng đã bị héo mòn. Khỏi cần nhắc đến Thượng Ðế. Nhưng nỗi sợ trước những điều không thể giải thích đâu chỉ làm nghèo cuộc đời của mỗi cá nhân, mà quan hệ giữa người với người qua đó cũng bị hạn chế, như thể bị nhấc ra khỏi dòng chảy của những khả năng vô tận, đặt lên một chỗ hoang vu trên bờ, chỗ không xảy ra điều gì hết. Bởi lẽ chẳng riêng gì sự lười biếng đẩy quan hệ của người đời tới nông nỗi cứ lặp đi lặp lại nguyên xi và đơn điệu hết chỗ nói, đấy là nỗi sợ trước một sự kiện mới, không thể lường trước và người ta e mình không kham nổi. Nhưng chỉ có ai sẵn lòng chấp nhận mọi sự, ai không loại trừ cả điều thách đố nhất, mới trải qua quan hệ với người khác như một thể sống động và tận dụng hết kiếp sống của riêng mình. Bởi lẽ ta hình dung mỗi kiếp người như một căn phòng có thể to hay nhỏ, nhưng thực ra phần lớn chỉ biết có một góc phòng, một bậu cửa sổ, một vệt nơi họ đi đi lại lại. Như thế họ cảm thấy tương đối an toàn. Vậy mà nhân bản hơn nhiều là sự bất an đầy nguy hiểm đã thôi thúc những tù nhân trong truyện của Poe sờ soạng xem mặt mũi cái nhà tù khủng khiếp của họ ra sao, để mà quen với nỗi kinh hoàng khôn tả nơi đày ải. Nhưng chúng ta không là tù nhân. Bẫy và thòng lọng không rình rập quanh ta, và chẳng có gì hù dọa hay hành hạ ta. Ta được đẩy vào đời sống là môi trường thích hợp với ta nhất, và hơn thế, qua hàng ngàn năm thích nghi ta đã giống đời sống này đến mức chỉ cần nín thở, khéo đổi màu, là hầu như không khác gì mọi vật xung quanh. Chúng ta chẳng có lý do gì mà ngờ vực thế giới này, vì nó không chống lại ta. Nó lắm kinh hoàng ư, thì đấy là những kinh hoàng của chúng ta; nó nhiều vực thẳm ư, thì những vực thẳm ấy thuộc về chúng ta, còn những hiểm nguy thì chúng ta phải cố mà yêu lấy. Và nếu ta thu xếp đời mình theo chỉ dẫn của nguyên tắc là phải bám vào cái khó, thì điều còn rất đỗi xa lạ bây giờ rồi sẽ thành rất đỗi tin cậy và thân thiết. Ta làm sao quên được cái huyền thoại trong những huyền thoại xưa ở buổi sơ khai của mỗi dân tộc, huyền thoại về con rồng phút chót bỗng hoá thành nàng công chúa; có lẽ tất cả những con rồng của cuộc đời ta đều là những nàng công chúa chỉ mong một lần được thấy chúng ta tuấn tú và dũng cảm. Có lẽ mọi cái đáng sợ, xét cho cùng, là cái bất lực đang mong được ta cứu giúp.
Ông Kappus thân mến, ông đừng hoảng sợ khi một nỗi buồn, đồ sộ chưa từng thấy, lừng lững hiện ra trước mặt, khi một nỗi bồn chồn như áng sáng và bóng mây lướt trên tay và trên mọi hành động của ông. Ông nên nghĩ rằng như thế chính là có một sự kiện nào đó diễn ra nơi mình, rằng đời sống không bỏ quên ông, rằng nó nắm ông trong tay và sẽ không để ông rơi ngã. Cớ sao ông lại muốn loại trừ một lo âu nào đó, một nỗi đau nào đó, một phiền muộn nào đó ra khỏi cuộc đời, ông đâu biết những trạng thái ấy làm được gì cho mình kia chứ? Sao ông phải theo đuổi mãi câu hỏi, rằng mọi thứ từ đâu mà ra và sẽ đi về đâu? Ông biết đó, ông đang ở giai đoạn chuyển tiếp và không muốn gì hơn là tự biến đổi. Những đoạn trước của ông nếu có gì bệnh tật thì ông hãy nhớ rằng, bệnh chính là phương tiện để giải phóng một cơ thể khỏi những ngoại tố; ta chỉ cần giúp cho cơ thể ốm, cho cơ thể mắc trọn căn bệnh và được phát bệnh, vì đấy là tiến bộ của nó. Trong con người ông bây giờ, ông Kappus thân mến, có biết bao điều diễn ra; ông phải kiên nhẫn như một con bệnh và vững tin như người khỏi bệnh; vì có thể ông là cả hai. Và hơn thế: ông còn là thầy thuốc có nhiệm vụ trông coi chính mình. Nhưng bệnh nào cũng thế, có những ngày thầy thuốc chẳng biết làm gì hơn ngoài chờ đợi. Và đấy là điều trước tiên ông nên làm trong lúc này, nếu ông thực sự là thầy thuốc của chính mình.
Xin ông đừng quan sát bản thân quá mức. Ðừng vội vàng kết luận từ điều gì xảy ra với mình; cứ để im cho nó xảy ra. Nếu không, ông dễ đi đến chỗ nhìn nhận quá khứ của mình, là thứ đương nhiên góp phần vào mọi chuyện bây giờ ông gặp phải, bằng cái nhìn trách cứ (nghĩa là cái nhìn đạo đức). Những lầm lạc, mong ước và khát vọng của thời niên thiếu còn lại trong ông không phải để ông nhớ đến và kết tội. Hoàn cảnh khác thường của một tuổi thơ cô đơn và bất lực thật nặng nề, phức tạp, bị bao điều tác động và đồng thời tách khỏi mọi tương quan thực của đời sống, cho nên nếu có chăng một thói xấu đặt chân vào đó, ta cũng không thể đơn giản gọi đó là thói xấu. Nhìn chung phải hết sức thận trọng với cách định danh. Biết bao trường hợp là cái tên của tội ác làm tan nát một kiếp người chứ không phải chính bản thân hành vi tội ác, hành vi cá nhân và vô danh, có lẽ là một tất yếu của cuộc đời này và dễ dàng được cuộc đời dung thứ. Và sở dĩ ông có cảm tưởng sức lực bỏ ra là lớn, vì ông đánh giá quá cao chiến thắng; không phải nó là thứ "lớn lao" mà ông tưởng mình giành được, mặc dù cảm giác của ông là đúng; lớn lao là ở chỗ: có một cái gì chân và thực đã ở sẵn trong ông, cho ông dùng để thay thế sự huyễn hoặc kia. Nếu không, chiến thắng của ông chẳng qua là một phản ứng đạo đức mà thôi, không có ý nghĩa sâu xa gì, còn đằng này, nó trở thành một đoạn đời ông, ông Kappus thân mến, cuộc đời mà tôi nghĩ đến với bao lời cầu chúc. Ông còn nhớ cuộc đời ấy ngay từ thuở ấu thơ đã khao khát vươn tới những điều lớn lao như thế nào không? Bây giờ tôi thấy nó tạm biệt những điều lớn lao để khao khát những điều còn lớn lao hơn nữa. Vì thế nó không ngớt gian truân, nhưng cũng vì thế mà nó không ngừng lớn.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói là: ông đừng cho rằng kẻ đang tìm cách an ủi ông đây sống dễ dàng gì với những lời giản dị và thầm lặng đôi khi đã làm ông đau. Ðời hắn buồn và vất vả, và tụt lại sau đời ông nhiều. Nhưng nếu không như vậy, hắn đã chẳng tìm ra nổi những lời kia.
Rainer Maria Rilke
9.
Furuborg, Jonsered, Thụy Ðiển, 4 tháng Mười Một 1904
Ông Kappus thân mến,
Thời gian bặt thư vừa qua, tôi một phần rong ruổi trên đường, một phần bận quá không viết gì được. Và hôm nay tôi đã mỏi tay vì phải viết nhiều thư, nên cầm bút cũng hơi khó. Nếu đọc cho người khác viết hộ chắc tôi sẽ trò chuyện được nhiều với ông hơn, nhưng thế này xin ông tạm bằng lòng với vài dòng ngắn ngủi đáp lại bức thư dài của ông vậy.
Tôi thường nghĩ đến ông, ông Kappus thân mến, và cầu chúc cho ông thiết tha đến mức lẽ ra qua đó cũng giúp được ông phần nào mới phải. Còn những bức thư, tôi thường hoài nghi, liệu chúng có giúp ích gì chăng? Xin ông đừng nói rằng: có, chúng có giúp. Ông hãy tiếp nhận chúng, đừng cám ơn nhiều, và ta sẽ chờ xem cái gì sẽ tới.
Bây giờ đi vào những vấn đề cụ thể của ông có lẽ cũng chẳng ích gì; bởi lẽ, về tính hoài nghi của ông, về sự bất lực không thể hòa đời sống nội tâm với đời sống bên ngoài, hay về tất cả những gì còn làm ông ray rứt, tôi chỉ có thể nhắc lại điều đã nói: mong ông tìm thấy đủ kiên nhẫn trong chính mình để mà chịu, và đủ dại khờ để mà tin; mong ông ngày càng thân thiết với cái khó và với nỗi cô đơn của mình giữa người đời. Còn lại, hãy để đời sống tự nó đi đường nó. Hãy tin lời tôi: đời sống luôn có lý, trong mọi trường hợp.
Còn về những cảm xúc: mọi cảm xúc tổng kết và nâng đỡ trọn vẹn con người ông đều là trong sạch, không trong sạch là cái cảm xúc chỉ tóm bắt một phía của con người ông và do đó kéo lệch ông. Mọi ý nghĩ của ông hướng về tuổi thơ đều thiện. Mọi thứ nâng ông vượt lên trên mức xưa nay của chính ông trong những giờ phút sung sức nhất đều tốt. Mỗi tăng tiến đều lành nếu nó nằm trong toàn bộ huyết mạch ông, nếu nó không là cuồng say, không là phiền muộn, mà là niềm vui cho ta nhìn thấu đáy. Ông có hiểu ý tôi muốn nói không?
Và tính hoài nghi của ông có thể trở thành một tính cách hay, nếu ông chịu khó giáo dục nó. Nó phải trở nên hiểu biết, phải thành năng lực phê phán. Mỗi khi nó định xui ông ghét bỏ điều gì, ông hãy hỏi nó vì sao điều đó lại xấu, hãy yêu cầu nó đưa ra chứng cớ, hãy kiểm tra nó, và có thể ông sẽ thấy nó lúng túng, xấu hổ, nhưng cũng có thể nó sẽ nổi đóa. Nhưng ông đừng nhân nhượng, hãy bắt nó phải lập luận, và lần nào cũng hành động chăm chú và kiên quyết như vậy, rồi sẽ đến ngày từ một kẻ quấy phá nó trở thành một công nhân tốt của ông, có lẽ là thông minh nhất trong số công nhân xây dựng đời ông.
Ông Kappus thân mến, mọi điều tôi có thể nói cùng ông hôm nay chỉ là như vậy. Nhưng đồng thời tôi gửi ông một thi phẩm nhỏ, in riêng, hiện đã đăng trong tờ Tác Phẩm Ðức ở Praha. Trong đó tôi sẽ tiếp tục cùng ông tâm tình về sự sống và cái chết, và về sự vĩ đại và tuyệt đẹp của cả hai.
Rainer Maria Rilke
10.
Paris, ngày Giáng Sinh thứ hai, 1908
Ông Kappus thân mến, ông nên biết tôi vui nhường nào khi nhận được bức thư rất hay của ông. Tôi thấy những tin thực tế và rõ ràng, như bao giờ cũng vậy, mà ông vừa cho biết có vẻ tốt đẹp, và càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy là thật sự tốt đẹp. Lẽ ra tôi định viết cho ông vào đêm Giáng Sinh, nhưng mùa đông này tôi sống liên tục và nhiều lẽ trong công việc, thế là cái lễ cổ truyền đến nhanh quá, hầu như tôi chẳng có thời gian sắm sửa những đồ cần thiết nhất, lại càng ít thời gian để viết thư.
Nhưng những ngày lễ này tôi nghĩ nhiều đến ông và hình dung ông âm thầm ra sao trong chốn xa biệt cô đơn giữa núi non hoang vu với những ngọn gió lớn phương nam quật xuống như muốn nuốt phăng từng mảng núi.
Sự yên tĩnh nơi ấy phải mênh mông lắm mới đủ chỗ cho những âm thanh và chuyển động như thế, và nếu tính thêm vào đó cả biển ngoài xa cũng hiện diện và cùng lên tiếng, có lẽ là tiếng sâu thẳm nhất trong hoà âm tiền sử này, thì tôi chỉ biết cầu cho ông hãy tin cậy và kiên nhẫn để sự cô đơn vĩ đại tự làm việc với chính nó, nó là thứ không thể xóa khỏi cuộc đời ông nữa; là một ảnh hưởng khuyết danh, tác động liên tục và nhẹ nhàng quyết định trong mọi trải nghiệm và hành động sắp tới của ông, cũng như dòng máu của tổ tiên trong chúng ta không ngừng chảy và hòa vào máu của chính ta để làm thành một thể duy nhất không lặp lại, là chúng ta, trong mỗi bước ngoặt của cuộc đời.
Vâng, tôi mừng là ông đã mang theo sự tồn tại chắc chắn, diễn tả được ấy, mang theo chức danh, quân phục, công vụ, tất cả những thứ hạn hẹp và sờ nắm được ấy, trong khung cảnh như thế, với một đội quân nhỏ và đơn độc, sẽ trở nên nghiêm túc và thiết thực, đòi hỏi một tinh thần phục vụ tỉnh táo vượt ra ngoài tính chất trò chơi và cái mất thời giờ của binh nghiệp, và chẳng những cho phép mà chính ra còn rèn giũa nên một khả năng sáng suốt độc lập. Và điều thiết yếu là chúng ta được ở trong những hoàn cảnh gây dựng nên chúng ta và đôi khi đặt chúng ta trước những sự tự nhiên vĩ đại.
Cả nghệ thuật cũng chỉ là một cách sống, và ta có thể sống như thế nào đó, không tự biết, mà chính là chuẩn bị cho nó; trong mỗi nghề nghiệp hiện thực ta gần gũi nó, làm hàng xóm của nó hơn là trong những thứ nghề phi hiện thực và nghệ nghẽo nửa mùa, những thứ này tỏ vẻ kề cận nghệ thuật, nhưng thực tế là chối bỏ và công kích nghệ thuật, đại loại như toàn bộ giới báo chí thường làm, cũng như hầu hết đám phê bình và ba phần tư cái gọi là và muốn được gọi là văn chương. Tóm lại, tôi mừng là ông đã qua được cái nguy cơ rơi vào chỗ đó, và đang cô đơn và dũng cảm có mặt ở đâu đó giữa một hiện thực thô ráp. Mong rằng năm mới đến sẽ bảo toàn và tiếp sức cho ông.
Thân ái,
Rainer Maria Rilke
Nguồn: nguyên tác tiếng Äức: Rainer Maria Rilke, Briefe an einen jungen Dichter, Insel Verlag, 40. Auflage 1992 / Bản tiếng Việt xuất bản lần đầu tại NXB Há»™i Nhà Văn, Hà Ná»™i 1995
|