trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
31.5.2005
Nguyễn Đình Thi
Chống chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ
 1   2 
 
I.

Những cuộc tranh luận sôi nổi từ mấy tháng nay đang làm nổi bật vấn đề chống chủ nghĩa xét lại thành vấn đề nóng hổi trung tâm của văn nghệ ta. Cách đây một năm, trong khi phê bình những quan điểm hẹp hòi, đơn giản, tầm thường hóa văn nghệ, Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai đã nêu lên sự cần thiết phải chống chủ nghĩa xét lại. Đại hội đã lên án khuynh hướng tư tưởng phá hoại và những luận điểm “xét lại” trên báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm xuất bản hồi cuối năm 1956.

Trong năm vừa qua, có một lúc trên báo chí tình hình như lặng êm đi. Nhưng thật ra cuộc đấu tranh tư tưởng vẫn tiếp tục, chung quanh nhiều vấn đề về sáng tác cũng như về phê bình. Trên tuần báo Văn, lại thấy phát biểu một số quan điểm nghệ thuật sai lầm. Điều nguy hiểm là một số văn thơ mang khuynh hướng xấu của báo Nhân văn cũ, đã xuất hiện trở lại.

Một lần nữa, đời sống chứng tỏ là trên mặt trận tư tưởng không thể có sự chung sống êm đềm giữa cái đúng với cái sai, giữa đường lối của Đảng và những đường lối chống Đảng. Hơn ba năm vừa qua, từ ngày hòa bình lặp lại, trong văn nghệ ta đã diễn ra nhiều trận giao phong tư tưởng ráo riết, dai dẳng, có những trận quyết liệt. Đó chính là cuộc đấu tranh không thể điều hòa giữa tư tưởng vô sản với tư tưởng tư sản, giữa đường lối văn nghệ của Đảng với những khuynh hướng chọi lại đường lối đó.

Trong cuộc tranh luận chung quanh tập thơ Việt-bắc của Tố-Hữu hồi đầu năm 1955, đã thấy nẩy ra luận điểm của Lê-Đạt về “điệu tâm hồn” của người văn nghệ sĩ. Lê-Đạt vịn vào cái “điệu tâm hồn” đó để dìm thấp lập trường, quan điểm giai cấp và ý thức phục vụ chính trị, phục vụ quần chúng trong thơ Tố-Hữu. Cũng lúc bấy giờ, trong quân đội,một nhóm văn nghệ sĩ như Trần-Dần, Từ-Phác, v.v… đã đòi lập một chi hội văn nghệ độc lập, không chịu sự lãnh đạo chính trị, và lãnh đạo về tổ chức của Quân đội. Những quan điểm lệch lạc đó đã bị đánh bại trong một cuộc đấu tranh đầu tiên kéo dài mấy tháng, nhưng thực chất tư tưởng tư sản trong những luận điểm và chủ trương của Lê-Đạt hay Trần-Dần chưa bị vạch ra trước dư luận.

Đầu năm 1956, trong tập sách Giai phẩm mùa xuân, cũng nhóm văn nghệ sĩ trên đây đã phất lên nhiều lá cờ, nào là “chống công thức, tìm cái mới”, nào là “chân thành làm người”. Tập Giai phẩm mùa xuân có nhiều bài thơ đưa ra những tình cảm rẫy rụa, những tư tưởng vô chính phủ, nhìn vào cuộc sống dưới chế độ ta ở miền Bắc một cách đen tối và hằn học, kêu la đòi quyền “làm người”. Thật ra, những tác giả của các bài thơ đó đã đem con mắt bế tắc của chủ nghĩa cá nhân, vô chính phủ, để nhìn vào cuộc sống mới của chúng ta. Thấy chủ nghĩa cá nhân của họ bị cùng đường thì họ kêu la cuộc sống chung quanh là “công thức”, không cho “làm người”. Trong tập sách Giai phẩm mùa xuân, tư tưởng tư sản đã biểu hiện trầm trọng thêm một mức, không những nó chống lại đường lối văn nghệ của Đảng, nó còn tiến công vào bản chất chế độ ta, nó gieo rắc hoài nghi, bi quan và hằn học đối với cuộc sống mới của xã hội ta. Cuộc đấu tranh quyết liệt đó với tập Giai phẩm mùa xuân tuy còn một vài khuyết điểm, nhưng là một cuộc đấu tranh đúng và cần thiết.

Sau đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Liên-xô, đã có những cơn sóng gió nổi lên trong văn nghệ. Việc chống tư tưởng sùng bái cá nhân, chống giáo điều, rõ ràng đã làm cho những văn nghệ sĩ lớn lên trong ý thức trách nhiệm, trong sự cố gắng suy nghĩ độc lập. Nhưng cũng có những người cầm bút lúc đó trong tư tưởng bị đảo lộn và mất phương hướng suy nghĩ đúng. Dưới chiêu bài “chống giáo điều”, những tư tưởng thù địch với chủ nghĩa xã hội, những tư tưởng sai lầm cũ của chủ nghĩa cá nhân đã quật dậy, một luồng tư tưởng xấu, có tính chất “xét lại” đã thành hình trong văn nghệ.

Những khó khăn của tình hình thế giới và trong nước lúc đó càng làm cho cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ trở nên thêm gay gắt và phức tạp. Cơn sốt rét “chống cộng sản”, “chống Liên - xô” mà bọn đế quốc chủ nghĩa hết sức tạo ra hồi bấy giờ, đã gieo hoang mang vào một số người không vững vàng trong nước ta”. Đảng ta phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất, thì kẻ thù đế quốc, phong kiến và bọn tay sai của chúng đã khấp khởi mừng và ra sức hoạt động để phá hoại. Đồng thời một vài giới tư sản ở thành thị đã lợi dụng lúc Đảng tự phê bình để mở cuộc tiến công vào lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng. Họ bơm to những khuyết điểm, phủ nhận thành tích của Đảng, đòi sửa lại những nguyên tắc của Nhà nước, những đường lối chính sách căn bản, theo lối tự do tư sản. Cuộc đấu tranh giai cấp đó đã phản ánh vào trong văn nghệ: báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm khi ấy đã ra đời.

Trong bài nói chuyện ở Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường-Chinh đã phân tích rõ: “Báo Nhân văn là sự kết hợp giữa hai trạng thái tư tưởng dưới đây:

  1. Do những động cơ bất chính mà vu khống, xuyên tạc, làm cho tờ báo biến thành một công cụ gieo rắc nọc độc vào tư tưởng bạn đọc, hệt như một cơ quan “tác động tinh thần” của chế độ cũ ở miền Bắc.

  2. Do thắc mắc, hoang mang trước nhiều vấn đề của xã hội và của đời sống văn nghệ mà chưa tìm được hướng đi, lối thoát, lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng tư sản, cho nên đã phát ngôn vô trách nhiệm và đề xướng quan điểm tư sản về nghệ thuật và tự do.

Báo Nhân văn đã mở cuộc tiến công của nó một cách khôn khéo. Bước đầu, nó đề cập đến một số vấn đề văn học, nghệ thuật, tình cảm, rồi lan qua các vấn đề xã hội, pháp lý, kinh tế, cuối cùng đi thẳng vào những vấn đề chính trị. Trong khoảng thời gian xảy ra biến cố ở Hung-ga-ri, thì tờ báo Nhân văn đã lộ rõ trắng trợn khuynh hướng chính trị của nó và đã tự bộc lộ mặt nạ trước quần chúng.

Nhớ lại quá trình đấu tranh với báo Nhân văn, chúng ta thấy trong hàng ngũ văn nghệ đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có người mới đầu còn khen tờ báo đó là “dũng cảm”. Có người không tán thành thái độ đả kích của báo Nhân văn, nhưng đồng tình một phần nào với những vấn đề mà báo đó nêu lên. Có người thấy báo Nhân văn là xấu nhưng lại rụt rè, không tán thành đấu tranh quyết liệt với nó, “lo cho lãnh đạo bị cô lập”. Khi cuộc đấu tranh của quần chúng đã nổi lên rầm rộ, và tờ báo đã nói trắng những quan điểm chính trị nguy hại của nó, thì một số văn nghệ sĩ trước kia tán thành nó, tới bây giờ cũng không cho nó là đúng nữa. Song các bạn đó chỉ thấy báo Nhân văn sai vì đi quá trớn vào vấn đề chính trị, các bạn đó cho rằng nếu nó cứ đứng ở lĩnh vực văn học nghệ thuật thì không sao.

Tất nhiên số ý kiến như trên chỉ là số ít, số rất đông văn nghệ sĩ đã không lầm và từ lâu đã thấy tờ báo Nhân văn là xấu. Nhưng qua đấu tranh, chúng ta mới dần dần thấy rõ hơn thực chất của nó. Khuynh hướng tư tưởng của báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm là khuynh hướng đối địch với Đảng, với chế độ, với chủ nghĩa xã hội. Không phải chỉ khi báo Nhân văn đề cập thẳng những vấn đề chính trị nó mới có khuynh hướng đó, mà khi nó đề cập những vấn đề văn hóa, văn nghệ, thì khuynh hướng tư tưởng của nó vẫn chỉ là một. Trong những sáng tác văn nghệ của Nhân văn, Giai phẩm đã biểu hiện ra ở một số nét như sau:

  1. Bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản là không “nhân văn”, là “chà đạp con người”, bôi nhọ những đảng viên cộng sản là “khổng lồ không tim”, không phải là “cộng sản chân chính”, xuyên tạc sự giáo dục của Đảng là “rập khuôn đầu óc và tâm hồn”, văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa là “công thức, giả tạo”, đẻ ra những “thi sĩ máy”. Dưới chiêu bài “đề cao con người”, “chống công thức”, báo Nhân văn, Giai phẩm đã đề cao chủ nghĩa cá nhân, “tự do” cá nhân, đòi quyền, “tự do” cho những lối sống và tình cảm ích kỷ trụy lạc.

  2. Phản đối chuyên chính, đòi “dân chủ”, “tự do” theo lối tư sản trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Đả kích từ Mậu dịch, quản lý hộ khẩu, Bưu điện, cơ quan báo chí, bệnh viện, cho tới Quốc hội, nói chung là đả kích vào bộ máy Nhà nước của ta, đòi tự do đối lập với Chính phủ, trong lúc bọn phản động đang âm mưu phá hoại và một vài giới tư sản đang tiến công ta.

  3. Đưa ra chiêu bài “chống sùng bái cá nhân” để xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng là “đảng trị”, là sự độc đoán của một bè phái quan liêu mâu thuẫn với quyền lợi quần chúng. Đem đối lập quần chúng với lãnh đạo, khích quần chúng chống lãnh đạo. Như trong một luận điểm khá điển hình của Trương-Tửu cho rằng “những lực lượng sản xuất dân tộc, được cách mạng giải phóng thoát ách đế quốc và phong kiến đang vấp phải trong bộ máy quan hệ sản xuất mới, những chính sách, những tổ chức, những tác phong lãnh đạo, những cán bộ chấp hành cản trở bước đường phát triển của nó”. Đáng chú ý là luận điểm đó và các luận điểm tương tự được đưa ra và phát triển về nhiều khía cạnh trong lúc cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đã diễn ra hàng ngày ở miền Bắc, mà Nhân văn, Giai phẩm không hề nhắc tới, làm như không có cuộc đấu tranh đó.

  4. Phỉnh nịnh đầu óc quốc gia chủ nghĩa tư sản, đả kích Liên-xô, cho sự giáo dục con người ở Liên-xô là “rập khuôn”, văn học nghệ thuật Liên-xô là “công thức”, không có giá trị. Vin vào khẩu hiệu “trăm hoa đua nở” để xuyên tạc đường lối văn học nghệ thuật của Trung quốc, làm hình như đường lối đó chọi với đường lối Liên-xô. Khi thấy Trung-quốc chống chủ nghĩa xét lại, thì lại cố đi tìm một thứ đường lối “cộng sản dân tộc” ở nơi khác.

  5. Phủ nhận những thành tích to lớn của nhân dân ta, của Đảng ta trong công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, phủ nhận những kết quả to lớn của cải cách ruộng đất, những thành tích trong việc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, phủ nhận những thành tích mà văn nghệ ta đã đạt được từ sau Cách mạng tháng Tám, cho rằng văn nghệ mới của ta kém văn nghệ hồi thuộc Pháp. Thổi phồng những khuyết điểm về mọi mặt của ta, xuyên tạc để gieo rắc hoài nghi hoang mang và bôi đen chế độ ta.

  6. Riêng về văn nghệ, thì trong Nhân văn, Giai phẩm đã đề xướng “trăm hoa đua nở” theo lối tự phát vô chính phủ, “hoa lành, hoa độc, hoa thối, hoa thơm” đều có quyền nở tự do như nhau. Thực chất là nó đòi hủy bỏ sự lãnh đạo của Đảng, nêu khẩu hiệu “trả văn nghệ về cho văn nghệ”, “văn nghệ và chính trị vỗ vai nhau hai bên cùng có lợi” v.v...

Nói tóm lại, báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm đã tập trung một cách khá điển hình những thứ tư tưởng chống Đảng, chống chế độ, chống chủ nghĩa xã hội trên những vấn đề nguyên tắc cơ bản, cũng như trong từng mặt cụ thể của đời sống. Có thể nói nhiều lập luận xuyên tạc trên tờ báo Nhân văn và những tập Giai phẩm, Đất mới không khác gì những lập luận ở cái kho tuyên truyền xuyên tạc của “thế giới tự do” Mỹ. Một mặt khác, Nhân văn, Giai phẩm đã tập trung vào đề xướng “chủ nghĩa tự do” tư sản về chính trị và văn nghệ. Khuynh hướng tư tưởng của báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm là một biểu hiện nghiêm trọng và xấu nhất của tư tưởng tư sản ở nước ta về chính trị và văn nghệ trong thời gian vừa qua.

Một đặc điểm của báo Nhân văn và những tập sách Giai phẩm là rêu rao lừa bịp “phấn đấu cho chủ nghĩa Mác-Lê-nin chân chính”, “tự nguyện đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng”, “dũng cảm nói sự thật với Đảng”, nhưng trên thực tế thì xuyên tạc của nghĩa Mác-Lê-nin, đả kích sự lãnh đạo thực tại của Đảng, bới móc, xỏ xiên, bóp méo sự thật để bôi đen đời sống chế độ ta. Trong Nhân văn, Giai phẩm có những hơi hướng, nhắc ta nhớ lại những thứ luận điệu “muốn cộng sản chân chính thì phải chống Đảng cộng sản” của bọn Tơ-rốt-kít ngày trước.

Báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm đã gãi đúng vào chỗ ngứa của tất cả những kẻ luyến tiếc chế độ cũ và xã hội thối nát cũ. Một vài giới tư sản đã ủng hộ nó, và hà hơi cho nó. Mỹ Diệm ở miền Nam đã bỏ nhiều công sức thổi phồng nó, cổ vũ nó. Điều đó không có gì lạ, vì những tư tưởng chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội không thể nào tránh khỏi đi ngược lại quyền lợi tối cao của Tổ quốc, của nhân dân ta.

Cuộc đấu tranh với báo Nhân văn đã cho chúng ta thấy rõ thực chất nguy hiểm của những thứ lý luận “xét lại”, núp dưới những chiêu bài “chống giáo điều”, “phát triển chủ nghĩa Mác cho hợp với thời đại mới”, nhưng thật ra là đả kích vào những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Chủ nghĩa xét lại là một tấm áo khoác để che đậy tư tưởng tư sản, nó kỵ với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, với tư tưởng vô sản như lửa với nước, trái lại nó ngoặc với những thứ tuyên truyền phản động của kẻ địch một cách “đồng thanh tương ứng” rất tự nhiên và nhạy bén.


II.

Một số “lý luận gia”, “học giả” của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ ta như Trương-Tửu, Phan- Khôi là những người đã có khá nhiều “thành tích” trong việc xuyên tạc chủ nghĩa Mác, hoặc chống lại chủ nghĩa Mác từ hàng chục năm nay. Những nhà văn nghệ sĩ lớp trước không lấy gì làm lạ trước những “lý luận Trương Tửu”, hay “lý luận Phan-Khôi”. Nhưng sau cách mạng Tháng Tám, có lúc các “lý luận gia”, “học giả” đó đã nói ngược lại những điều họ nói ngày trước, do đó một số văn nghệ sĩ trẻ, hoặc học sinh, thanh niên, có lẽ cũng yên trí đó là những “nhà lý luận, học giả” đi theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Tới nay, họ lại quay ngược lại một lần nữa, thì sự quay ngược lại lần này chỉ có nghĩa là tư tưởng cũ của họ đã hiện trở lại nguyên hình để đả kích, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin và chống Đảng cộng sản.

Ngoài những “lý luận” của một số “học giả” như trên, trong khi đấu tranh với chủ nghĩa xét lại, chúng ta thấy cũng có những quan điểm lệch lạc của một số nhà văn nghệ, vì còn lúng túng hoặc vướng mắc trước những vấn đề mới, hoặc vì không nắm vững đường lối văn nghệ của Đảng, và còn chịu ảnh hưởng những tư tưởng nghệ thuật tư sản cho nên ở điểm này hoặc điểm khác, đã rơi vào sai lầm.

Chủ nghĩa xét lại đã biểu hiện trong văn nghệ ta như thế nào? Hiện nay, trong giới văn nghệ đang sôi nổi phân tích và phê phán nó. Theo tôi thấy, về các vấn đề văn nghệ khuynh hướng xét lại đã đưa ra khá nhiều luận điểm, nhưng nhìn chung thì những điểm chính là nó chống lại đường lối văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ công nông binh, và chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Nó đưa ra nhiều khẩu hiệu trống rỗng về “tự do”, “chân thành”, “tìm cái mới”, v.v… thật ra đó chỉ là những khẩu hiệu của “nghệ thuật vị nghệ thuật” cũ rích”. Núp dưới những khẩu hiệu giả trá ấy, nó đòi “tự do” cho những tư tưởng phản động hoặc lạc hậu, chống lại chế độ ta, chống lại chủ nghĩa xã hội.

Về vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị, chủ nghĩa xét lại biểu hiện ở chỗ nó phủ nhận vai trò của thế giới quan Mác-Lê-nin, phủ nhận lập trường giai cấp trong sự sáng tác văn nghệ. Nó đề xướng tự do vô trách nhiệm của văn nghệ sĩ, thật ra là đòi trở về với “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Dưới cớ là “dũng cảm phát hiện sự thật”, nó chủ trương lối sáng tác bôi đen và xuyên tạc bản chất của cuộc sống chúng ta.

Trong bức thư gửi các họa sĩ năm 1951 ở Việt Bắc, Hồ Chủ Tịch có nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” Những lời nói giản dị và sáng rõ đó, có lẽ cũng là bài học lớn nhất mà đời sống kháng chiến đã làm cho chúng ta hiểu thấu. Rời bỏ cuộc đời cũ, ném mình lên những con đường của kháng chiến, những người văn nghệ đã dần dần thấy rằng phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, phục vụ đời sống quần chúng, phục vụ cách mạng, đó là lẽ sống, là ý nghĩa nghệ thuật và của cả cuộc đời chúng ta nữa. Văn học nghệ thuật là một vũ khí đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp, và chỉ có đi vào chính giữa cuộc đấu tranh ấy thì văn nghệ mới khám phá được sự thật ở tận gốc đời sống và mới thực có sáng tạo mãnh liệt và lớn lao. Người văn nghệ sĩ cách mạng là người chiến sĩ cầm bút, có ý thức rõ rệt về công việc chiến đấu của mình, có lập trường đúng trong sự suy nghĩ và trong tình yêu ghét của mình, có trách nhiệm trong sự sáng tác.

Điều thay đổi căn bản trong quan niệm ấy về văn nghệ đã làm cho rơi rụng những quan niệm cũ kỹ về “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “nghệ thuật tự nó là cao nhất”, “nghệ sĩ tự do ở trên hết mọi đòi hỏi thấp kém của cuộc đời” v.v… Chúng ta đã thấy nghệ thuật mà tự quay vào nó, tự lấy nó làm ý nghĩa của nó, thì không có nguồn sống và chỉ có thể héo mòn đi, mà trên thực tế thứ nghệ thuật đó thường chỉ là một trò chơi cho bọn ăn không ngồi rồi, một công cụ lừa bịp và đầu độc trong tay bọn hút màu mủ của nhân dân lao động cực khổ. Nói “nghệ thuật tự nó cao nhất’ chỉ là tự lừa mình, và mắc lừa bọn chủ của một xã hội mất hết phẩm giá, và nghệ sĩ cũng mất đến cả nhân cách.

Những vui sướng và tự hào của chúng ta trong những ngày gian khổ lăn lộn ở chiến dịch, ở nông thôn đã làm cho chúng ta hiểu rõ rằng nhiệm vụ “kỹ sư tâm hồn” cao quý và cũng nặng trách nhiệm như thế nào. Chúng ta tự thấy cần thiết phải học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin để có một thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn, giúp cho chúng ta đổi mới được cả tâm hồn, trí óc, làm cho chúng ta có thể lớn lên trong cuộc sống, trong việc làm, trong sự suy nghĩ và tình cảm. Chúng ta muốn mỗi dòng chữ của chúng ta góp được một cái gì đó có ích cho kháng chiến, cho đời sống, đem đến được một cái gì đúng, tốt cho người đọc chúng ta.

Viết theo yêu cầu của cách mạng, viết theo yêu cầu của cuộc chiến đấu, viết cho đúng với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng, đâu phải làm vậy là biến thành “thi sĩ máy”! Chỉ có kẻ thù hoặc những người đã mất suy xét mới nói như vậy. Trái lại, viết để phục vụ quần chúng, sáng tác theo yêu cầu của Tổ quốc, của cuộc chiến đấu, đó là ngọn lửa sáng rực trong tâm hồn của chúng ta, đó là điều mong muốn và vinh dự của chúng ta tự đòi hỏi ở ngòi bút của mình. Càng biết tự đòi hỏi như thế, chúng ta càng biết tôn trọng ngòi bút của chúng ta, không sùng bái mơn trớn nó, mà biết quí nó và nghiêm khắc với nó, làm cho ngòi bút của chúng ta lớn lên. Chính cái ý thức chính trị, cái tinh thần trách nhiệm của người cầm bút, chính mối liên hệ chặt chẽ của sự sáng tác với đời sống lao động và phấn đấu cách mạng của quần chúng là cái mới và là một nguyên tắc căn bản của văn học nghệ thuật, đi theo đường lối của Đảng. Và chính cái vũ khí cách mạng của người văn nghệ ngày nay là lập trường quan điểm giai cấp, là thế giới quan và nhân sinh quan Mác - Lê-nin, là đường lối chính sách của Đảng. Nhờ vũ khí đó, mà con mắt chúng ta trở nên sắc bén hơn và nhìn rõ được sự thật của đời sống. Nhờ vũ khí đó, nghệ thuật của chúng ta không những phản ánh được đúng đời sống mà còn cải tạo được đời sống đó, cải tạo được tâm hồn con người theo phương hướng tiến lên của cách mạng.

Vì vậy, những khuynh hướng “xét lại” trước hết nhằm tước vũ khí tư tưởng của chúng ta, phá bỏ hoặc làm yếu mối liên hệ giữa văn nghệ với cuộc chiến đấu cách mạng. Trong hoàn cảnh chủ nghĩa Mác-Lê-nin có uy thế lớn lao trong quần chúng, tư tưởng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “nghệ sĩ không chịu ràng buộc gì của đời sống”, v.v… không thể hiện lại nguyên hình. Nó phải khoác ngoài những tấm áo mới, mang một mặt nạ mới.

Trong Giai phẩm mùa thu, Trương-Tửu đưa ra nhiều luận điệu, thổi phồng bản chất đặc biệt của người văn nghệ sĩ, tôn nịnh văn nghệ sĩ là “lương tâm của thời đại”, cho rằng tự bản chất người văn nghệ sĩ chân chính đã có khuynh hướng về cái tốt, cái thật, cái đẹp rồi. Do đó chỉ cần người văn nghệ sĩ “tự do” và “chân thành” nghe theo lương tâm mình là sẽ thấy sự thật, dũng cảm viết sự thật. Trong bài Từ Pơ-rô-lê-cun đến trăm hoa đua nở, Nguyễn-Hữu-Đang cũng đưa ra lập luận như trên phỉnh nịnh người trí thức là có “bản chất rất khác thường”, “có khả năng tiến bộ đặc biệt”, đi theo cách mạng theo “một nhu cầu cơ thể như bản năng làm mẹ thôi thúc con người phụ nữ và các con vật cái”! Gần đây, Phùng-Quán trong bài Lời mẹ dặn cũng nêu cao ngọn cờ “chân thật”, và cho lý tưởng là “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”. Chúng ta cũng nhớ một số ý kiến khác của những văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn cho rằng càng nêu lên lập trường, càng có ý thức chính trị, chỉ càng làm cho văn nghệ khô khan đi. Vì “tình cảm chân thành”, hãy gác “lập trường” gác “chính trị” sang một bên!

Tất cả những lời đẹp đẽ và trống rỗng về “ lương tâm thời đại”, về “tự do” và “chân thành” đó chỉ là những cách khác nhau để đi tới kết luận rằng người văn nghệ sĩ chỉ cần vâng theo mình, và chỉ cần tự biểu hiện mình khi sáng tác, như Trương-Tửu nói “nghệ sĩ chỉ có thể chiếu tỏa ra ngoài đời cái ánh sáng của chính bản thân mình”. Tự do của văn nghệ sĩ khi đó tức là tự do chỉ vâng theo đòi hỏi của mình. Cái đuôi hồ ly của “nghệ thuật vị nghệ thuật” mốc meo lại thò ra. Chúng ta cần vạch trần cái luận điệu lừa phỉnh: tự bản chất văn nghệ đã là tiến bộ, người văn nghệ sĩ tự nghe theo mình thì “tự nhiên” sẽ thấy sự thật và sẽ chiến đấu cho chính nghĩa. Trong các văn nghệ sĩ lớp trước, hầu hết đã trải qua cuộc đời cũ mà biết rất rõ rằng vì lúc đó chỉ nghe theo mình mà không nghe thấy cách mạng, nên đã bảo anh chị em chúng ta đi vào những lầm lạc đau đớn, quằn quại. Và “bản chất” người văn nghệ sĩ tiểu tư sản chúng ta có phía tiến bộ là yêu nước, ghét thực dân, ghét bọn vua quan, nhưng cũng có phía không tiến bộ là thường mang nặng đầu óc cá nhân, đầu óc vô chính phủ. Chỉ có ánh sáng của cách mạng, của thực tế phấn đấu với quần chúng, của tư tưởng vô sản là cải tạo được chúng ta, làm chúng ta thật hiểu rõ đời sống. Hơn thế, chúng ta còn biết rất rõ rằng trong văn nghệ sĩ, không phải là không có bọn phản cách mạng, chúng rất hằn học chửi lại cách mạng, phá cách mạng, và chúng còn làm công việc nhơ bẩn đó với rất nhiều “nghệ thuật” nữa.

Ranh giới giữa cái tốt và cái xấu trong văn nghệ là: phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hay phản lại Tổ quốc, phản lại nhân dân. Ranh giới đó là: cách mạng hay phản cách mạng, chứ không phải là tự do nghe theo mình, hay không tự do nghe theo mình. Đối với người văn nghệ sĩ chân chính, vấn đề là khi mình có tình cảm, ý nghĩ đúng, thì mình nghe theo, và mình cũng có can đảm đấu tranh đến cùng với những ý nghĩ và tình cảm không đúng, ngược lại với lợi ích của cách mạng. Cố nhiên, nói như vậy không phải chúng ta bảo rằng người văn nghệ sĩ có thể giả dối khi viết theo yêu cầu của cách mạng. Bọn phản động thường rêu rao như vậy. Trái lại, chỉ những người văn nghệ sĩ cách mạng mới có thể nói thật, trung thành với sự thật và chiến đấu đến cùng cho sự thật.

Một lập luận thứ hai cũng do Trương-Tửu đưa ra là: văn nghệ xưa nay luôn luôn chống đối lại thực tại, nó chỉ có ý nghĩa và có giá trị khi nào nó chống đối. Người văn nghệ sĩ chân chính phải là người không bao giờ bằng lòng thực tại. Luận điệu này thật ra đã cũ lắm. Từ năm 1946, trong cuốn Tương lai văn nghệ Việt-nam, Trương-Tửu nói về “tân văn nghệ”, cũng đề ra cho “tân văn nghệ” đó cái nhiệm vụ gọi là đem gieo rắc trong tâm hồn người ta “chất men bất phục tùng và phản kháng”. Câu này lấy nguyên của Ang-đơ-rê Dít (André Gide), một văn sĩ phản động Pháp. Một phía khác, trong Giai phẩm mùa xuân, Lê-Đạt kêu gào “mới! mới! luôn luôn mới! Bay cho cao! Bay cho xa! Gần đây Trần-Dần cũng phát cờ “Hãy đi mãi”, “Không bằng lòng hiện trạng”.

Tất cả những ý kiến trên đây có khía cạnh nguy hiểm là đều có vẻ mặt rất “tả”, rất “tiền phong”, “cách mạng hơn cách mạng”, “cộng sản hơn Đảng cộng sản”. Và cách kêu gọi “xông lên”, “bay lên”, “dấn vào kho thuốc nổ của đời sống”, “chất men bất phục tùng và phản kháng”, cũng dễ hấp dẫn người ta, với vẻ say sưa của nó. Song bất cứ người nào suy xét cũng thấy được tính chất ngụy biện và sự lệch lạc của những lập luận đó.

“Văn nghệ phải luôn chống đối”, người văn nghệ sĩ chân chính phải “không bao giờ bằng lòng với thực tại”, như vậy cũng có nghĩa là “có bất mãn mới là biết suy nghĩ”. Nhưng vấn đề là chống đối cái gì, chống đối chế độ nào, bất mãn với cái gì, với thực tại nào? Chống đối đế quốc, phong kiến, tư bản thì tốt, chống đối với Tổ quốc, nhân dân, với cách mạng thì chỉ đi vào chỗ đồi bại và tiêu diệt.

Bất mãn với cái xấu của xã hội cũ thì đúng, nhưng bất mãn vì dục vọng cá nhân của mình không đạt được thì sai. “Tìm cái mới, luôn luôn mới, đi mãi, mở đường” nhưng vấn đề là tìm cái mới nào, ở đâu, làm gì? Đi mãi, nhưng đi đâu, đi làm gì? Mở đường nhưng mở con đường nào? Tất cả những kêu gào như vậy đều trở thành vô nghĩa và còn có thể trở thành nguy hiểm, nếu vì muốn “mới”, muốn “đi mãi”, muốn “mở đường” mà chống lại nguyên tắc của cách mạng, chống lại những cái tốt trong đời sống, vì cho nguyên tắc hoặc cái tốt là “cũ”, là “quá thời”. Những thứ lý luận về “chống đối, nổi loạn, đi mãi”, v.v… trên đây thật ra là cái mặt tô son đã thối ruỗng trong thời kỳ cuối cùng của nó, - thời kỳ đế quốc chủ nghĩa. Ăng-đơ-rê Dít cũng đã nói nhiều đến sự nổi loạn, và cho sự nổi loạn ấy không cần mục đích gì, tự bản thân nó là cái lẽ của nghệ thuật. Ăng-đơ-rê Man-rô (André Malraux) cũng nói đến triết lý “hành động để hành động”, để có cái say sưa của hành động, không cần biết đó là hành động để làm gì. Trên những tấm áp phích tuyên truyền mộ lính nhảy dù sang Triều-tiên hoặc vào lính lê dương sang Việt-nam trước đây, người ta thấy vẽ những người con gái đẹp xa xôi và in những khẩu hiệu: “Hỡi các bạn thanh niên, cái mới lạ và hành động đang chờ các bạn!” Cái thế hệ thanh niên “cao bồi” mà “lối sống Mỹ” đã đẻ ra ở khắp nơi nào đó bén mảng đến chính là một sản phẩm của thứ triết lý phản động này. Trong văn học ta trước cách mạng cũng đã có nhiều người ca tụng lối “yêu để mà yêu”, và vì cái cách yêu “cao thượng” đó mà có quyền hành hạ, cấu xé, ruồng bỏ người mình yêu. Và cũng đã có nhà văn một thời “đi để mà đi” và cũng đi mãi không biết tới đâu và để làm gì cuộc đời mình. Tất cả những cái đó nghệ thuật tức là “sáng tạo để sáng tạo”, cái bộ mặt già cỗi của “nghệ thuật vị nghệ thuật” lại hiện ra ở đây. Thực chất của tất cả những luận điệu đó vẫn chỉ là tư tưởng đòi thỏa mãn dục vọng cá nhân, thích thú cá nhân, không cần có trách nhiệm gì với đời sống chung quanh; đó là cách hưởng lạc và sự tự hành hạ của một thứ chủ nghĩa cá nhân đã đến độ tắc tị tột cùng của nó. Ở đây, nó có cái khía cạnh “anh hùng” vô chính phủ đôi khi làm cho người ta tưởng lầm rằng nó là cách mạng. Trong xã hội cũ, cái nghệ thuật “nổi loạn để nổi loạn”, “mới để mới” ấy đưa đến những thứ chủ nghĩa quái dị siêu thực, đa đa v.v… và có lúc nào đó đã đánh lừa một số nghệ sĩ chán ghét sự phè phỡn của bọn thống trị tư bản chủ nghĩa. Nhưng trong bề sâu, đó vẫn là một thứ nghệ thuật phản động, xa lạ với cách mạng, với cuộc chiến đấu của quần chúng. Bọn thống trị không sợ thứ nghệ thuật đó mà còn coi đó là một món ăn lạ, đầy kích thích. Và những nghệ sĩ “nổi loạn” ấy thật ra chẳng nổi loạn gì chống bọn thống trị mà chỉ như những đứa con hư của nhà giàu, ăn chơi phá phách, để rồi lại trở về ăn năn với bố mẹ, và bóc lột người khác. Chỉ trừ khi nào người nghệ sĩ đã giác ngộ cách mạng, đi vào quần chúng, phục vụ quần chúng, thì mới dứt bỏ được với xã hội cũ. Trong xã hội mới của chúng ta, trong xã hội cách mạng đang xây dựng, thì cái tâm lý nổi loạn phá phách của văn nghệ đồi trụy cũ không những sai lạc nguy hiểm, làm hại cách mạng, và chống lại cách mạng.

Để áp dụng trong sáng tác cái lý luận chống đối nói trên, Trương-Tửu đã đưa ra cách viết gọi là “phát hiện khuyết điểm để kiểm tra chính sách”. Trương-Tửu nêu lên cho văn nghệ cái nhiệm vụ gọi là “dũng cảm phát hiện sự thật”. Khi người ta phê bình thái độ đả kích, bới móc và xuyên tạc của báo Nhân văn thì báo đó cũng trả lời: không phải chúng tôi chống Đảng, chống chế độ, chúng tôi chỉ phát hiện khuyết điểm để giúp Đảng sửa chữa.

Gần đây trong những cuộc tranh luận về vấn đề “biểu hiện thực tế”, cũng có một vài nhà văn đưa ra một chủ trương tương tự, là văn nghệ chỉ cần nêu lên vấn đề, còn giải quyết vấn đề là công việc của Đảng, Chính phủ và cơ quan có trách nhiệm.

Để bênh vực cho chủ trương như trên, có người vin vào câu nói nổi tiếng của Ăng-ghen: “Khuynh hướng phải toát ra từ bản thân tình thế và hành động chứ không nên nói trắng ra một cách bộc lộ, và nhà thơ không nhất thiết phải đưa sẵn nguyên vẹn cho độc giả cách giải quyết lịch sử tương lai của những sự xung đột xã hội mà nhà thơ diễn tả”. Câu nói của Ăng-ghen rất đúng, đó là một nguyên tắc căn bản của văn nghệ hiện thực; xưa cũng như nay, hiện thực cổ điển cũng như hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhà văn nghệ diễn tả sự thật của đời sống chứ không phải diễn thuyết về cách giải quyết đời sống. Trong tác phẩm văn học, phải để cho sự sống thực tự nó nói lên khuynh hướng của nó chứ nhà văn đừng đứng ra mà diễn thuyết về thế giới quan, nhân sinh quan hoặc lập trường tư tưởng của mình. Làm trái với điều trên đây, tác phẩm văn nghệ sẽ đi vào chỗ khái niệm, hoặc rơi vào lối khẩu hiệu cứng nhắc nào mà bộ xương không có máu thịt của cuộc đời. Nhà thơ cũng không nhất thiết phải đưa sẵn cho người đọc cách giải quyết những sự xung đột, mà có thể để cho người đọc tự suy nghĩ thấy cách giải quyết bao hàm trong sự việc và tình hình miêu tả tác phẩm. Ăng-ghen chống lại lối khái niệm hóa văn nghệ, nhưng không hề nói rằng tác phẩm không cần có khuynh hướng gì, những sự xung đột không cần có cách giải quyết nào. Trái lại, Ăng-ghen nói đến khuynh hướng của tác phẩm, cách giải quyết những sự xung đột xã hội, nghĩa là nói đến lập trường tư tưởng của nhà văn trước đời sống và trách nhiệm của nhà văn trong khi nêu lên những vấn đề của đời sống.

Chủ trương gọi là sáng tác để “phát hiện sự thật, phát hiện vấn đề, phát hiện khuyết điểm”, v.v… khác hẳn với ý kiến của Ăng-ghen ở chỗ nó cho rằng tác phẩm không cần có khuynh hướng gì, nhà văn khi tả một sự việc không cần có ý kiến gì về sự việc đó cũng được, tóm lại tác phẩm không cần bao hàm thế giới quan nào, tác giả không cần có lập trường nào, chỉ cần “dũng cảm nói sự thật”. Trước hết, trong văn nghệ thực tế không có sự việc nào mà chúng ta mô tả lại không có ý kiến nhận xét phê phán của ta về phía này hay phía khác. Các nhà văn đều biết rất rõ là cùng một sự vật, cùng một việc, cùng một con người mà có năm bảy cách nhìn, cách cảm, cách đánh giá, cách trình bày. Đời sống miêu tả trong văn học nghệ thuật là đời sống sáng tạo lại, và trong sự sáng tạo đó cách nhìn, cách cảm xúc của nhà văn nghệ có một vai trò quyết định. Nhìn đúng, cảm xúc đúng thì tả đúng và làm rõ sự thật lên, nhìn sai, cảm xúc sai thì sự thật bị bóp méo đi, thành ra giả tạo. Cho nên chủ trương gọi là “dũng cảm phát hiện vấn đề”, thật ra chỉ là bào chữa, che đậy cho những lập trường thái độ không đúng.

Một là nó phản ánh sự bất lực và rối trí của nhà văn trước những vấn đề phức tạp của đời sống thấy có những việc rắc rối song không biết vấn đề thực ở đâu và phải giải quyết như thế nào. Theo tôi, đó là trường hợp một số sáng tác đã phê bình gần đây như “Một ngày chủ nhật”, “Thao thức”, hay là “Cây Hà-nội”, “Ông lão hàng xóm”. Những trường hợp ấy nhà văn cần cố gắng vượt lên, chứ không thể nêu sự bất lực và hoang mang thành một chủ trương sáng tác để làm lây hoang mang sang người khác.

Hai là nó bào chữa cho thái độ “tài tử” vô trách nhiệm của nhà văn, khi miêu tả đời sống. Thấy chuyện thì tôi nêu lên, kết quả thế nào là việc khác, giải quyết không phải là việc của tôi, đó chỉ là một biến hình của “nghệ thuật vị nghệ thuật”, chơi rỡn vói ngòi bút.

Nhưng nguy hiểm nhất là cái chủ trương “phát hiện sự thật” trên đây dễ trở thành cái giấy thông hành giả để công khai hóa những thái độ xấu, muốn đả kích vào đời sống của chúng ta. Những kẻ có ác ý, và cả kẻ địch cũng không cần gì hơn từng nấy để có thể nghiễm nhiên bới móc mọi khuyết điểm, mọi cái xấu, đem chắp lại thành những hình ảnh đen tối về đời sống, những hình ảnh không đúng thật, lấy những hiện tượng xấu ghép vào nhau để xuyên tạc bản chất chế độ ta, gieo rắc hoang mang, thất vọng, thù hằn. Chính đó là thủ đoạn xuyên tạc quen thuộc của lối “tác động tinh thần”. Đó cũng là phương pháp đã kích xuyên tạc của bọn Tờ-rốt-kit: ví dụ như qua cán bộ của Đảng mà đả kích chính sách, qua những khuyết điểm của chính sách mà làm cho hoài nghi toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Trong Nhân văn, Giai phẩm, có nhiều bài cũng đã dùng phương pháp đó để gieo rắc ấn tượng đen tối đối với chế độ ta, Đảng ta. Như đưa ra chiêu bài “tặng những người cộng sản chân chính” mà mạt sát những người cộng sản hiện thời, “nhân câu chuyện mấy người tự tử”, vì bị bố mẹ ép duyên mà đặt vấn đề “bục công an đặt giữa trái tim người”, v.v…

Chống lại lối sáng tác bôi đen, và xuyên tạc như trên, không hề có nghĩa là ngăn cấm văn nghệ đấu tranh với những cái xấu còn rớt lại trong chế độ ta và phê bình những khuyết điểm trong các công tác. Không những văn nghệ có quyền mà còn cần phải làm những công việc đó. Vấn đề là nhà văn nghệ phải có lập trường đúng để nhận rõ cái gì là tốt, cái gì là xấu đối với ta, có lập trường đúng, có đủ trình độ chính trị mới nêu lên được vấn đề một cách đúng đắn và thấy được phương hướng giải quyết, không gọi là cái trắng là đen, và cái đen là trắng, cũng không đem khó khăn để tự nát mình và nát người khác. Khi phê bình những cái xấu, những khuyết điểm, nhà văn nghệ cần nhận rõ bản chất chế độ ta là tốt. Khi phê bình là để sửa chữa, để xây dựng, để làm cho chế độ ta, xã hội ta tốt hơn, tiến bộ hơn. Những điều đó, Đảng đã nhiều lần khuyên nhủ chúng ta, nếu ai không nghe thì đó chỉ là vì không muốn nghe mà thôi.

Nguồn: Học Tập, tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao Ä‘á»™ng Việt Nam, số tháng 3.1958, trang 5-22