trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
21.3.2005
Cao Tôn
Những bóng ma của Marx
 
Something is rotten in the state of Denmark…
The time is out of joint: O cursed spite
that ever I was born to set it right!

(Vương quốc này có gì thối nát…
Thời bất ổn: Ôi! Ma nghiệt và oan trái
Tôi phải sống và đi tìm chính đạo!...)
Shakespeare, Hamlet (trong đề từ của J. Derrida)


Tháng 4 năm 1993, ở một đại học Hoa Kỳ có một cuộc hội thảo với đề tài: Chủ nghĩa Marx đi về đâu? (Whither Marxism?), Jacques Derrida (1930-2004) đã trình bày trong hai buổi một thuyết trình: Những bóng ma của Marx (Spectres de Marx), xuất bản thành sách (Galilée – Paris 1993) mà Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Tổng cục II Bộ Quốc phòng Việt Nam đã dịch ra tiếng Việt và phát hành năm 1994. Sau khi đọc qua bản dịch này, tôi có ý tham gia bình luận trong bối cảnh chính trị hiện đại.

Những bóng ma của Marx không phải là một triết luận. Mà thật nếu J. Derrida được coi là một triết gia, thì là một triết gia theo truyền thống của Heidegger. Cái truyền thống mà ở Việt Nam, có thể nói chúng ta đã có với một nhà thơ-văn tiền phong tiêu biểu: Bùi Giáng (1926-1998). Vấn đề của tư tưởng gia, theo quan niệm của Heidegger, không phải là đưa ra một thuyết lý hay một giáo điều mà xác định nhân sinh là thử tại (Dasein) trong cõi hiện hữu với bốn chân trời luôn luôn di động (die Lebenswelt). Cái cõi đó dưới con mắt của Bùi Giáng là vũ trụ thi ca và ngôn từ. Theo J. Derrida, nổi tiếng với ý niệm giải cấu (la déconstruction), trong thế giới mà ở đó chúng ta thử tại không có gì là một tổng thể cố định, chúng ta phải biết cảm nhận tất cả đều là những tổng hợp bản chất hỗn loạn (brownian?) mà chúng ta giải thể và tái tạo.

Cái vũ trụ quan, nhân sinh quan xê dịch đó thể hiện ngay qua những công trình triết lý của Heidegger, tràn trề suy tư đối thoại với người xưa. Ở Bùi Giáng là nguồn tư tưởng, mà thật là nguồn thi ý vỡ bờ và bất tận. Riêng về phần ông, J. Derrida cũng duy trì ý niệm giải cấu đối với chính mình, những sáng tác của ông, mà tôi được biết, đều là những văn bản ý tưởng tạp hợp đột phá, buộc người đọc phải tự tạo lại cho mình một hệ thống nào đó nếu không muốn rơi vào mê đồ (le labyrinthe), cái mê đồ của chính thế giới tư duy nhân sinh thực tại.

Nhắc lại như vậy là để nhấn mạnh ngay đây rằng tôi không có ý trong bài tản văn này trình bày chúng ta phải hoặc nên hiểu Những bóng ma của Marx thế nào cho đúng tư tưởng của J. Derrida. Theo tôi nghĩ, có lẽ chúng ta phải đọc bài thảo luận này như chúng ta ngồi nghe tác giả bay bổng bàn cãi trong bảy tám tiếng đồng hồ và giữ lại cho chúng ta mỗi người những ý tưởng nào thích đáng để nhìn lại thế giới hỗn loạn thực tại xung quanh, đảm nhận bản thân của từng người, thành phần của con người nhân loại tổng thể trong cái giai đoạn toàn cầu hóa này. Về phần tôi, trong bài này xin khiêm tốn trình bầy những cảm nhận tiếp thu của riêng tôi, và có lẽ tôi còn tự hỏi những bóng ma nào, của Marx hay của những gì khác, vẫn cần thiết và ám ảnh người Việt Nam chúng ta, những người đang sống trong một của ba bốn thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản.

Trước hết tại sao lại nói về những bóng ma? Bóng ma Liêu trai, bóng ma linh hồn người đã chết? Nhưng thật là cuộc hội thảo nói trên với đề tài: Chủ nghĩa Marx đi về đâu? mang hàm ý sự cáo chung của xã hội cộng sản chủ nghĩa, J. Derrida thấy cần phải nhắc lại bản tuyên ngôn của Cộng sản Đệ nhất Quốc tế, mà Friedrich Engels và Karl Marx soạn năm 1848, trong đó có câu: “Trên lục địa Âu Châu này, Âu Châu già cỗi, một bóng ma đã tới phủ đầy, bóng ma của Cộng Sản!” (Ein Gespenst geht um in Europa – das Gespenst des Kommunismus!). Vậy bóng ma đây cũng là sự ám ảnh, một linh tính khắc khoải chờ đợi, dù rằng mỗi khi ta nói tới bóng ma là ta nghĩ tới một cái gì quá cố trở về vật vờ sinh động trước nhãn quan, trong tiềm thức.

Đó chính là bóng ma đấng vua cha của Hamlet trở về xác định tội ác của vua em kế vị, giết anh để chiếm đoạt cả ngai vàng lẫn hoàng hậu. Chuyện của Hamlet là chuyện của một triều đại, chuyện của một đất nước nhưng cốt yếu vẫn là vấn nan riêng tư của một con người. Chúng ta có thể giải thích sự hiển hiện của bóng ma -chỉ trực tiếp tuyên cáo riêng cho Hamlet- qua phân tâm học freudian rằng đó chỉ là ảo ảnh của một áp chế đè nặng trên tâm trí của Hamlet, thầm nhận ra tội ác và mối thù mà chính mình phải đứng ra đòi nợ máu… Cũng với cái nhìn đó, chúng ta có thể nghĩ tới bóng ma Đạm Tiên trong giấc mơ của Kiều, hiện thân sự phản kháng tuyệt đối ẩn chìm trong tiềm thức của Kiều chống đối cái cương thường lễ giáo phong kiến trong xã hội Nho giáo, mà người đàn bà đa tình và tài hoa như Kiều chỉ còn biết ước vọng bằng mọi cách thoát ly.

Nhưng J.Derrida nói đến những bóng ma, không phải để trở lại bàn luận về “những mặc cảm áp chế” (tỉ như complexe d’Oedipe) trong phân tâm học freudian, mà nhìn lại vấn đề khái niệm thời gian. Sự liên tục quá khứ, hiện tại, tương lai; trước hết hiện tại đang sống (le présent vivant) -trừ phi đang sống như súc vật ăn hay ngủ- là một sự liên đới giữa quá khứ và tương lai, trong cái nghĩa là hàm chứa ngay trong “thời khắc bây giờ” -không có nghĩa gì tự nó- những cái gì đã qua, không còn sống nữa nhưng vẫn có mặt cùng một cái gì sẽ đến, nội dung không biết ra sao nhưng hiện đấy.

Có thể nói trong nhân sinh văn hóa của con người hiện đại, cái “bây giờ” thì lại chỉ là “ngày mai”, ngày mai của đồng tiền, của tiện nghi, ngày mai triển khai cơ giới, súng đạn tân tiến,… ngày mai của những cái biết. Con người hiện đại không cần đến quá khứ, chỉ cần có “trí nhớ”. Một câu nói cực đoan nhưng nói rất rõ rằng trong sự khống chế của khoa học kỹ thuật, đời sống văn hóa cũng như vật chất của con người hiện đại càng ngày càng phụ thuộc vào guồng máy khoa học kỹ thuật, cho đến nỗi đầu óc của chúng ta tất cả cũng đều như trở nên bộ máy vi tính điện tử. Chúng ta không nghĩ về quá khứ, chúng ta biết rất nhiều, ghi nhớ tất cả, tưởng nếu cần lúc nào cũng có thể lôi ra những tư liệu để thiết kế tối ưu những công trình cho ngày mai, ngày mai này con người sống lâu hơn, điều kiện vật chất luôn luôn cải tiến, không ưu phiền không thiếu thốn… Ngay như sự kiện gần đây “Động đất sóng thần, 26.12.2004”, thảm họa thiên tai ở Ấn Độ dương mang tới bao nhiêu đau khổ và mất mát cho con người, tức khắc được giải hóa bằng đồng tiền (tuy nhiên cùng với con số sinh mạng), dẫn đến hội nghị khẩn cấp đưa ra đề án để không bao giờ còn xẩy ra lại một thiên tai thảm họa như vậy nữa. Những phản ứng của thế giới văn minh nghĩ cho cùng thật là niềm tự hào của nhân loại, nhưng gián tiếp chứng tỏ sự ngạo mạn phi lý của con người. Ngạo mạn rằng tất cả thiên nhiên, vũ trụ là nằm trong tầm tay, trong sự hiểu biết khống chế của con người. Không một giây phút nào toàn thể thế giới biết ngừng lay động, trấn tĩnh suy ngẫm về cái bé nhỏ của con người trước tiềm lực vô biên của thiên nhiên. Chúng ta sống với siêu hình học, siêu hình học của cái biết khoa học, của khả năng kỹ thuật. Chúng ta nghĩ rằng rồi đây sẽ biết cả cái khởi đầu của vũ trụ và cả cái chung kết của tất cả những vì sao cùng với “những lỗ đen”! Tâm thức toàn khối của chúng ta là hướng về ngày mai, cái ngày mai huy hoàng mà loài người sẽ đi chinh phục những vì sao, chúa tể cả vũ trụ…

Cái siêu hình học “ngày mai huy hoàng” đó hầu như thâm nhập vào tư duy của mỗi người, trong đời sống chính trị cũng như trong đời sống văn hóa nghệ thuật hằng ngày. Đặc biệt ở những xã hội khoa học kỹ thuật tân tiến, người ta nghĩ đã đạt tới cái thế giới tự do chung cục, ai cũng sẵn có một kho tàng tư liệu, một trí nhớ không cùng của tất cả những gì cần biết và ai ai cũng múa may làm một cái gì cho cái ngày mai với tiềm năng vô tận không quá khứ. Ngay ở Việt Nam, mà tự do tư tưởng chỉ mới được manh nha, đã có một tầng lớp người tự nhận là “thế hệ A Còng”, “ tiền phong Hậu Hiện Đại” . Thế nào là “thế hệ A Còng”, thì thật không nói gì hơn những điều mà tôi đã nhấn mạnh. Đó là thế hệ biết hết và nhớ hết, biết rất nhanh những gì người xưa đã biết, nhớ rất nhanh những gì người xưa đã làm, như đã biết và nhớ nên không cần phải suy tư về những cái gì đã qua, cốt yếu bây giờ là làm cái gì mới, tân tiến hơn, tránh đường rày nhắc lại. Còn “Hậu Hiện Đại”? Có lẽ phải nói là: “Chủ nghĩa hậu hiện đại” (Post-modernism), với cái nghĩa là đi sau và xa hơn “Chủ nghĩa hiện đại” (Modernism) của những tư tưởng gia, văn nghệ sĩ vào những năm 1950, 1960 ở Âu Mỹ (???). Nhưng tôi vẫn thấy chữ “Hậu Hiện Đại”, tuy có thể là tối nghĩa, nói lên được tư duy thật của những người hiện tại chỉ vọng về ngày mai. Sống cái ngày hôm nay (hiện đại) đóng cửa cho mọi ngõ trở về quá khứ, chỉ giữ lối dẫn vào ngày mai, “ngày mai” không hệ lụy, không bị ám ảnh bởi một “bóng ma nào của quá khứ”!

Siêu hình học “ngày mai huy hoàng”, siêu hình học “thế hệ A Còng”, “Hậu Hiện Đại” chỉ có thể là sự phiến diện của tâm linh trí tuệ con người. Có thể nói cái điều mà J. Derrida muốn nói trước hết là con người thật cá nhân hay tổng thể phải có những ám ảnh, những bóng ma. Mở đầu cho bài thuyết trình, J. Derrida đã thấy cần phải dông dài nhắc đến Hamlet của Shakespeare, nhân vật phản bác tất cả những gì mà siêu hình học “ngày mai huy hoàng” tượng trưng. Đối với Hamlet, “ngày mai” là một niềm khắc khoải tự hỏi “sống hay không nên sống” (To be or not to be, that is the question!). Hamlet không có ngày mai, chỉ vọng về quá khứ. Người ta có thể nghĩ rằng tất cả chỉ vì Hamlet không muốn đối diện cái ngày mai, ngày mai phải đi trả thù cho người cha, vạch trần tội lỗi của người mẹ. Nhưng sự thật sâu xa hơn thế, mỗi một sọ người được lôi ra từ lòng đất đều là một dịp cho Hamlet nghĩ đến cuộc sống của con người với những tham vọng phù phiếm, với những xa hoa nông cạn tranh giành danh và lợi, là một dịp cho Hamlet nghĩ đến sự mất mát của tình yêu, đến sự chết. Hamlet luôn luôn là một nhân vật, tâm linh ẩn khúc của chúng ta, chính là vì như thế Hamlet biểu hiện một “thử tại bản thể nhân sinh” của con người, ám ảnh bởi quá khứ với những người xưa đã sống làm sao và đã chết.

Hamlet và siêu hình học “ngày mai huy hoàng” đều là sự kiện của “thời gian trật bản lề” (the time is out of joint!), “hiện tại” như cánh cửa gẫy chỉ cho phép đi một chiều về quá khứ hoặc vào tương lai. Dòng thời gian phải là dòng sông, con người trôi theo dòng nhưng luôn luôn bồng bềnh giữa xoáy lốc, long đong xuôi ngược. Tất cả những gì mà người ta đã làm được, giúp cho sự trưởng thành của nhân loại, giúp cho đời sống con người có ý nghĩa, phải là nặng những nhớ nhung, những ám ảnh của quá khứ cùng một lúc hướng về tương lai, tương lai phủ đầy bởi những khắc khoải, những nghi vấn ngày xưa, mang mang bao nhiêu hứa hẹn, những hoài bão không cùng vô định. Tôi nghĩ đặc biệt đây về những sáng tác nghệ thuật của con người. “Chỉ trong nghệ thuật, con người mới tìm được sự cứu thoát” (Nietzsche). Chỉ trong nghệ thuật, chúng ta mới ly khai được cái thực tại một chiều của khoa học kỹ thuật.

Trong một bài hát (Hạ trắng), Trịnh Công Sơn đã có câu:

Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…

Một câu không nói gì hơn là về sự ám ảnh của quá khứ. Ám ảnh ở đây có thể chỉ là một giây phút đã sống; ám ảnh đây là manh áo, mà một lần ta đã cởi hay đã cài hộ khuy cho nhau. Hình ảnh nhỏ nhoi nhưng chiếu tỏa một ánh sáng êm dịu thông suốt cho tất cả đường đời ta đi tới. Một tỉ dụ điển hình của những ám ảnh, những bóng ma, cần thiết mà người nghệ sĩ chân chính phải mang nặng trong tâm hồn. Những bóng ma làm cho nét vẽ hay màu sắc của họ có cái rung động huyền ảo của tâm linh, cho câu thơ của họ có một chiều sâu mông lung như cuộc đời; những người ngưỡng mộ họ sẽ biết nhận ra như tìm ra lại cái thế giới nhân sinh “thử tại”, bao gồm toàn khối quá khứ, hiện tại và tương lai, cái thế giới tâm linh trí tuệ cá nhân của chính mình.

Còn của Bùi Giáng, tôi nhớ câu xác nhận sau:

“Tôi đọc Nguyễn Du mười năm, đọc Tô Đông Pha ba năm rồi mới nghĩ làm thơ…”
(Mùa thu trong thi ca)

Bùi Giáng đã muốn nói cho tâm linh trí tuệ mỗi người, ta phải biết thừa kế gia tài để lại của người xưa. Ở Tô Đông Pha, Bùi Giáng có thể đã tìm thấy tư tưởng siêu dật đượm mùi Thiền, ở Nguyễn Du tâm hồn lãng mạn và ngôn ngữ Việt Nam muôn đời. Gia tài đó không là một phương trình Toán hay Vật Lý Hóa học, cũng không là một phương kế kỹ thuật như sẽ làm sao đặt một chip điện tử vào đầu óc của sinh vật… Nó nằm ở giai tầng “hình nhi thượng” khác, giai tầng của “những bóng ma”, mà ta phải chấp nhận sự ám ảnh như cái gia tài mà riêng tư ta thừa kế, hưởng thụ từng giờ từng phút cho sự trưởng thành của cái “Tôi”. “Những bóng ma” này có tính cách phổ quát, nó không phải là bóng ma đấng vua cha của Hamlet, manh áo ngày xưa của Trịnh Công Sơn, nó cũng không phải là mùi hương bánh madeleine của Marcel Proust; những bóng ma này ám ảnh cái “Tôi”, cái tôi của nhà thơ Bùi Giáng, con người hàm chứa một ý nghĩa tổng thể.

Con người tổng thể - mà chính J. Derrida nhắc nhở tới - thể hiện như là “người trí thức Âu Châu” trong một nhận định của Paul Valéry (1871-1945), thi sĩ và văn học gia người Pháp: “người trí thức Âu Châu… có Kant đến trước Hegel, có Hegel đến trước Marx, có Marx đến trước… (chính mình)…”. Vậy con người tổng thể là “con người lịch sử” , lịch sử của một dân tộc, của một văn hóa, của một dòng tư tưởng… “Người trí thức Âu Châu", dòng văn học tư tưởng Âu Châu, mang mãi cái gia tài phải thừa kế, những bóng ma, những ám ảnh của Kant, ý niệm vật tự thân Tự do và Đạo đức…, của Hegel, phạm trù của những khái niệm và biện chứng pháp,“sự thật chỉ là một cuộc truy hoan mà các tân khách đều say mèm không đứng vững”… Của Marx? Đó là đề tài J. Derrida thấy cần phải thuyết trình.

Nhưng nhắc lại câu trên của Paul Valéry, J. Derrida không có ý định luận trình theo kiểu kinh viện trường quy chúng ta phải biết thế nào thừa hưởng gia tài để lại của những triết gia vĩ đại như Kant, Hegel hay Marx. Như trên tôi đã nói, bản thuyết trình của J. Derrida là gồm những ý tưởng phức tạp đột phá, rối ren đan kết. Đặc biệt nói về những bóng ma của Marx, bản thuyết trình của J. Derrida trước hết là một cái nhìn lịch sử, “thời gian vừa qua, hiện tại và tương lai đang sống, và cả tương lai xa xôi với những lời hứa và mệnh lệnh”. Đó là cái nhìn luận chiến vào thời cuộc thế giới, đưa ra một lập trường chính trị nhân sinh. Tuy J. Derrida đã nói đây vào năm 1993, nghĩa là hơn mười năm trước, theo tôi nghĩ chúng ta bây giờ càng có thể bàn lại và cảm nhận một cách thấm thía một số ý tưởng trình bầy, áp dụng vào tình trạng hoàn cầu hiện tại, cũng như về bản thân và đất nước của riêng chúng ta.

Tôi phải nói ngay rằng tôi hoàn toàn chia sẻ cái nhìn tiêu cực bi quan của J. Derrida. Cuộc hội thảo: Chủ nghĩa Marx đi về đâu? tháng 4-1993 là để nhận định sự sụp đổ của những chính thể chuyên chế xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội Marxít, nền móng của những chính thể đó và rằng nếu chủ nghĩa xã hội Marxít còn tồn tại ở những nước như Trung Quốc, Việt Nam thì đều là chủ nghĩa xã hội đã bị “giải tỏa” (perestroika) và tha hóa trong sự “đổi mới”. Nhưng không phải vì thế, J. Derrida nhấn mạnh, mà chúng ta có thể nói theo một Francis Fukuyama nào đó (The End of History and the Last Man) [1] rằng chúng ta đi đến sự cáo chung của lịch sử, trong cái nghĩa là nhân loại, con người cuối cùng chỉ còn biết tiến tới tự do dân chủ. Tiến tới xã hội tự do dân chủ? Tiến tới “miền Đất Hứa của thời hậu thế của Chúa Cứu Thế”?

Với nền tự do dân chủ, ngọn cờ chiêu bài của những nước khoa học tân tiến tư bản Âu Mỹ, người dân phải có quyền bằng lá phiếu tự chọn những người thay mặt mình điều khiển đời sống xã hội, tổng thống, thủ tướng, hội đồng nhân dân xã, huyện… Nhưng cái quyền tự do công dân đó có thật được truyền bá trên thế gian? Không nói gì ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, cũng có những hội đồng nhân dân, cũng có quốc hội, nhưng công khai dưới quyền độc tài đảng trị, những đại biểu của nhân dân đều là những thành viên mà tập đoàn đảng kín đưa ra, những thành viên với lai lịch xa hay gần đều tức khắc được nhân dân chấp thuận với 90 phần trăm lá phiếu! Mà ở ngay nước Mỹ, mệnh danh là xã hội tiền phong dân chủ, chúng ta không thể quên được sức mạnh của hệ thống máy móc tuyên truyền thông tin đại chúng, những guồng máy nằm trong tay những tập đoàn tài phiệt, công ty sản xuất vũ khí, chủ mỏ dầu ở Trung Đông…; những tập đoàn này với những guồng máy đó làm nhũng loạn và có khi đủ điều kiện gian lận làm méo mó ước vọng chân chính của người dân: trước mắt chúng ta chính là sự ra đời của chính phủ G. W. Bush hiện tại! Ở nước Mỹ, đệ nhất cường quốc tư bản dân chủ, chính phủ G. W. Bush tồn tại trong tám năm, chính là hung triệu của thời bất ổn (the time is out of joint) trong cái tương lai hiện tại!

Nhưng để luận chứng lời phán đoán trên, chúng ta nên theo J. Derrida nhận định lại chúng ta đã thừa hưởng gia tài gì, những bóng ma gì của Marx để chúng ta biết trung trực phê phán và can đảm giải cấu thực tại xã hội, thế giới và lịch sử. Nếu năm 1993, có sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội Marxít, thì đó là cái chủ nghĩa giáo điều của những tập đoàn đảng trị, của những chính thể chuyên chế đã sụp đổ ở Đông Âu. Cái chủ nghĩa khô cứng, mà chắc chắn Marx phủ nhận, trở thành giáo điều, mang thảm họa cho nhân loại với Stalin tàn bạo vô nhân đạo, với Polpot điên rồ giết hại dân tộc của chính mình, với Mao Trạch Đông thần thánh hóa, phi nhân tính của phong trào “quyển sách đỏ”… Cái chủ nghĩa Marxít đó thật đã chết rồi đối với những ai đã trưởng thành vào những năm 1960 (thế hệ của J. Derrida), khi cuộc chiến tranh giải phóng những thuộc địa, cuộc tranh đấu của nhân dân lao động quốc tế đã mất cái nên thơ phổ quát ban đầu, trở nên eo hẹp bè phái cố hủ mù quáng trong tay những tập đoàn lãnh đạo quan liêu, khô cứng hà khắc ác nghiệt trong tay những chính đảng cầm quyền cố vị. Nhưng J. Derrida nói Karl Marx, triết gia vĩ đại, không phải là cái chủ nghĩa Marx mà chúng ta biết đó. J. Derrida nhắc lại một ý nghĩ của Michel Henry(?), nhà văn người Pháp, rằng Karl Marx là cả một nền tảng triết lý đưa chúng ta nhìn ra cái “hố thẳm của sự sống” . Không có một sự kiện lịch sử nào “trong tương lai mà không ẩn hiện những bóng ma của Marx”. Thật nếu Freud nói về những ám ảnh áp chế trong tiềm thức cá nhân từng người, mà mỗi người phải biết nhìn ra và khống chế để khỏi rơi vào điên loạn vô thức, Marx nói lên những bóng ma, những bóng ma ngay trong xã hội tư bản khoa học tân tiến. Bóng ma của đồng tiền, bóng ma của hàng hóa thị trường, bóng ma của những nhu cầu càng ngày càng lớn và rộng… Những bóng ma của xã hội tư bản phủ đầy và làm điên đảo lịch sử.

Karl Marx (1818-1883) đã không sống để thấy cái hưng thịnh hiện tại của xã hội tư bản, cùng những thành tựu hầu như bất tận của khoa học kỹ thuật. Chắc chắn Marx có những nhận định lỗi thời về xã hội và thế giới -tỉ như, sự tranh đấu giai cấp trong bối cảnh kinh tế hiện đại không hẳn còn là động cơ của lịch sử. Nhưng J. Derrida nhấn mạnh “tinh thần của Marx” -cái hồn ma triết lý- vẫn ở bên chúng ta để cùng biết triệt để giải cấu và phê phán. Đi theo bóng của Marx, chúng ta luôn luôn có những ý niệm hiển nhiên như sau. Mọi sự vật đều mang theo mình mầm ung độc, tha hóa và suy đồi. Không bao giờ có sự cáo chung của lịch sử -xã hội cộng sản lý tưởng Marxít cũng chỉ có thể nằm ở tận cuối cùng của thời gian- con ma cách mạng luôn luôn ẩn chìm đâu đó sẵn sàng đột phát hiện giải tỏa những mâu thuẫn của thực tại (cơn xoáy lốc của Hegel trong phạm trù của những khái niệm và biện chứng pháp). Có lẽ sau cùng và trước hết, chúng ta ghi nhớ rằng K. Marx không ngừng tuyên dương tinh thần khoa học của khoa học, can đảm lý luận tận cùng, không dùng những sáo ngữ nhàm chán, những mặt nạ, những bóng ma (phải những bóng ma!), những từ ngữ cách tân, đổi mới để che đậy những tội lỗi, những phản bội đã qua, những mâu thuẫn hiện tại, đẩy tất cả vào tủ kín đồ thải dù vẫn bị ám ảnh biết rằng những tội lỗi, những phản bội, những mâu thuẫn đó sẽ không tan biến, mầm mống cho sự diệt vong của chính mình.

J. Derrida xác định phải là tín đồ của một loại Phúc Âm mới, che một siêu hình học thần bí Do thái-Cơ đốc đạo kín nào đó, để tin rằng trong thế kỷ thứ 21 này, thế giới sẽ hòa đồng đi tới xã hội tư bản toàn thịnh, hội nhập tự do kinh tế hoàn cầu, chia chung một dân chủ chủ nghĩa, một nhân quyền chủ nghĩa khoa học kỹ thuật máy móc cơ giới. Đó phải là sự mù quáng phủ nhận những bóng ma -những bóng ma của Marx, và điên loạn chìm trong những ám ảnh áp chế của tiềm thức, không nhìn những sự kiện lịch sử ngay gần đây để nghĩ rằng chúng ta đi tới thời cáo chung của lịch sử, tới thời của con người cuối cùng, “thế hệ A Còng” với những nhu cầu không ngừng tăng tiến và được đồng đều thỏa mãn. Và cái điều ngây thơ phi lý nhất là với Francis Fukuyama tin rằng chính đế quốc Mỹ, xã hội tư bản toàn thịnh tiêu biểu, sẽ đưa dẫn nhân loại tới ngày mai “hậu thế của chúa cứu thế” huy hoàng đó. Đế quốc Mỹ! Mỹ châu hợp chủng quốc, xã hội giàu sang thịnh vượng với hơn 300 triệu dân, độ một phần 1/20 dân số của thế giới nhưng chiếm đoạt tiêu thụ hơn ¼ tài sản của loài người, nửa thế kỷ rồi tiếp tục tuyên dương chiêu bài dân chủ nhân quyền chủ nghĩa trong ý đồ bá chủ hoàn cầu, duy trì địa vị sở hữu đế quốc tư bản độc tôn… Lá cờ dân chủ nhân quyền của đế quốc Mỹ, với tự do kinh tế cũng là tự do đầu tư vụ lợi của tài phiệt, thật hàm chứa bao nhiêu giả dối, thối tha tội ác; muốn chứng minh điều đó, chỉ cần nhắc lại những tay sai, những kẻ được tài phiệt Mỹ bao dung và hỗ trợ nhân danh quyền lợi của đế quốc, những tội phạm lịch sử đẫm máu đối với tự do nhân quyền, đối với nhân loại: Batista ở Cuba, Duvalier Doc ở Haiti, Pinochet ở Chili… và một thời chính cả Sadam Hussein ở Iraq (vào thập niên 1980, mở cuộc chiến tranh tàn ác với Iran, cuộc chiến tranh với vũ khí của Mỹ, cả vũ khí độc dược, trừng trị Iran đã làm nhục và phản lại quyền lợi đế quốc tài phiệt Mỹ, một cuộc chiến tranh có hàng triệu nạn nhân nhưng thế giới tân tiến văn minh quay mặt đi như không biết).

Nếu đời sống giàu sang thừa thãi của đế quốc Mỹ (the American Way of Life) làm tiêu chuẩn cho mọi người, chúng ta phải tự hỏi khi hơn tỉ người Trung Hoa, hơn tỉ người Ấn Độ với tỉ người Phi châu, Nam Mỹ cùng đi tới sự xa hoa đó thì tài nguyên trái đất có đủ cung cấp không và nếu có, môi trường hoàn cầu sinh thái chắc phải bị hủy diệt, tất cả chìm đắm dưới những đồ gadgets sa thải… Francis Fukuyama tin rằng khoa học kỹ thuật sẽ có cách trả lời cho tất cả, trong cái viễn tượng nghĩ cho cùng rất xa xôi. Nhưng trong cái tương lai hiện tại, Âu châu đã thành lập làm một khối, kinh tế của Trung Quốc, của Ấn Độ tăng cường, cái phần của kinh tế đế quốc Mỹ không còn có thể là độc tôn với ¼ tài sản của nhân loại nữa; cùng với sự đổi thay diện mạo kinh tế thế giới, theo tinh thần của hồn ma Marxít, sự bá chủ hoàn cầu của đế quốc Mỹ cũng bắt buộc là một vấn đề cần phải xác định lại. Tập đoàn tài phiệt, quân phiệt G.W. Bush có ảo tưởng tin rằng sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ vẫn cho phép duy trì quyền bá chủ của Mỹ quốc. Những hỏa tiễn, những quả bom nguyên tử sạch! Nhưng chúng ta tự hỏi Israel với những quả bom nguyên tử bí mật cất giấu có đủ can đảm tiêu diệt tất cả dân tộc Palestine, hỏi đế quốc Mỹ rồi đây có đủ can đảm dội bom thủ tiêu toàn đất nước Iran? Sự sa lầy quân sự của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, và bây giờ ở Iraq, bức tường ảo tưởng mà Israel đang xây để tự bảo vệ và cô lập giữa bể người Hồi giáo đã gián tiếp trả lời cho chúng ta. Một bóng ma đang phủ đầy Trung Đông và thế giới! Cái bóng ma mà người ta gọi là “chủ nghĩa khủng bố”. Chính J. Derrida trong một bài diễn trình khác coi đó là vấn đề chính trị, có lẽ là khởi đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, bắt nguồn từ cuộc chiếm đoạt Jerusalem của người Do Thái dưới bóng của đế quốc Mỹ, với lá cờ Do Thái-Cơ đốc đạo [2] . Một cuộc chiến tranh, (như cuộc chiến tranh ở Iraq hiện nay) mà chính đế quốc Mỹ tự gây nên trong cái ám ảnh áp chế hoảng sợ, bằng mọi cách phủ nhận sự suy bại tất yếu của mình, một cuộc chiến tranh đặt lại trật tự kinh tế và địa lý chính trị hoàn cầu. Phải! Không cách gì chúng ta có thể sống trong hòa bình khi hơn nửa nhân loại sống trong bần cùng thiếu thốn, khi 1/20 sống trong xa hoa thừa thãi. Những bóng ma của Marx hiển hiện đâu đây với những mệnh lệnh nhắc nhở chúng ta hãy tìm ra điều phải làm cho một tương lai, khi bao nhiêu người sẵn sàng vứt bỏ ngay cả sinh mệnh của chính mình để đòi hỏi một thế giới khác -thần linh ở bên kia thực tại?- công lý và nhân cách nằm trên mọi giá trị thị trường…

J. Derrida nghĩ rằng cuộc hội thảo tháng 4 năm 1993 này đúng ra phải có đề tài: “Thế giới đi về đâu?”, “Nhân loại đi về đâu?”. Thế giới đang đi tới thời xao động, cục diện địa lý kinh tế chinh trị đổi thay, xác nhận lại nhân quyền và chính nghĩa. Hay là con người chúng ta tất cả cùng đi vào thế giới hư vô của những người Anh Cả (the Big Brothers), đầu óc máy móc điện tử nằm trong tay hệ thống thông tin tuyên truyền đại chúng chỉ đạo tư duy từng giây từng phút của mỗi người. Đặt câu hỏi và suy luận, chính là trở về suy ngẫm trên gia tài mà chúng ta thừa kế của những triết gia vĩ đại. Những bóng ma của Marx! Vấn đề không phải là sự cáo chung của chủ nghĩa Marx, mà là theo J. Derrida trong trường hợp của Marx, bây giờ hơn bao giờ hết trước sự phá sản của một giáo điều xã hội chính trị mệnh danh Marx, những triết gia, những nhà nghiên cứu, học giả Marxít phải biết đọc lại Marx, đúng trong ý niệm Praxis của Marx, nghĩa là đọc lại với một ngôn ngữ luôn luôn cải tiến: “Triết gia tìm hiểu xã hội, vấn đề chính yếu cũng là vạch trần những thối nát của xã hội xung quanh”… “Thuốc phiện làm ngu muội người dân, chính là những giáo điều khô cứng đặt những đường rày tư tưởng, với những sáo ngữ không đâu, nhắc đi nhắc lại qua máy truyền thanh thông tin đại chúng”…

Lữ Phương [3] bình luận về công trình dịch thuật của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, với những cuộc hội thảo dưới nhan đề “Chống diễn biến hòa bình”, cùng những bài báo của những nhà tư tưởng chính thống Marxít Việt Nam xung quanh bài trình thuyết này của J. Derrida, kết luận rằng tất cả chỉ tiếp thu một câu thôi: “Không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”, mà những học giả Marxít chính thống Việt Nam diễn dịch là J. Derrida muốn nói nhân loại phải ôm giữ chủ nghĩa xã hội Marxít, cái chủ nghĩa xã hội mà nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một thành trì không thể nào bị lay động. Đây thật là vấn đề chứng tỏ những tư tưởng gia Marxít chính thống, những cán bộ thẩm quyền trên nền văn hóa, văn học nghệ thuật của Việt Nam bây giờ không đi ra khỏi đường rày tư tưởng, dù có thể đã bị ám ảnh bởi tinh thần của Marx, tinh thần khoa học của khoa học với những bóng ma của Marx, trong những nhận định của J. Derrida; với cái nhìn qua phân tâm học freudian, chúng ta còn có thể nghĩ rằng họ bị ám ảnh áp chế hơn nữa là sợ bị chụp lên đầu cái mũ tông đồ của Chủ nghĩa xét lại. Xã hội Việt Nam đã thành công dễ dàng đi vào nền kinh tế mới, chắc không bao lâu nữa đạt tới cấp tư bản tân tiến như nước Thái Lan, tiêu biểu ở Đông Nam Á, nhưng văn học nghệ thuật chúng ta vẫn còn ở trong thời kỳ trì trệ, thời kinh tế bao cấp tất cả nằm dưới sự chi phối của đảng và nhà nước, những nhân tài phải nằm trong khuôn khổ hiện thực xã hội chủ nghĩa và đợi phép mới được lộ diện, lý luận phê bình văn nghệ hời hợt, thân hữu tập đoàn bè phái. Một sự lệch lạc, hiệu chứng khủng khoảng xã hội hiển hiện ngay trong tương lai hiện tại. Bao nhiêu cuộc hội thảo gần đây về sự sa lầy của lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng không dẫn đến đâu nếu những tư tưởng gia, những cán bộ lãnh đạo văn học nghệ thuật Việt Nam không xét lại vấn đề căn bản, nhân văn xã hội chủ nghĩa chính thống, và can đảm tự phá giải những mâu thuẫn nội tâm sơ đẳng. Cái mâu thuẫn điển hình trong câu chuyện sau đây, ngụ ngôn nhưng hiện thực:

Có một cán bộ lão thành trong Ban Tư tưởng Văn hóa. Buổi sáng, nhà tư tưởng tham dự một hội thảo về lý luận phê bình văn học, đọc bài thuyết trình nhấn mạnh sự cần thiết đánh giá đúng mức những tác phẩm văn nghệ xưa và nay, đặc biệt nhắc lại tất cả phải quan tâm đến sự giáo dục tư tưởng của các con em, tỉ như nên cho các con em biết bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan chỉ “phản ánh cuộc sống và tâm trạng của một số người nhỏ bé, xa lạ với vận mệnh của quần chúng nhân dân” [4] . Nhưng buổi chiều, dự lễ truy điệu Cù Huy Cận vừa quá cố, cũng nhà tư tưởng ấy lâm ly thống thiết đọc bài thơ Tràng giang” -một bài thơ có nội dung và hình thức không ra ngoài cái khuôn sẵn có của người xưa, trữ tình hiện sinh và trữ tình hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan- tuyên dương bài thơ đó phản ảnh tâm tư thâm thúy của người Việt Nam, là một kiệt tác của nhà thơ Huy Cận, “cây cổ thụ của thi ca Việt Nam, thi sĩ mang nặng (trái) sầu nhân thế đã biết dấn thân theo Đảng để tiếp tục sự nghiệp và làm cách mạng vì dân, vì nước”( [5] .

Paris tháng Giêng năm Ất Dậu

© 2005 talawas



[1]Francis Fukuyama: The End of History and the Last Man,The Free Press, New York 1992
[2]J. Derrida: Bài diễn văn nhận giải thưởng Adorno, talawas ngày 21-11-2002
[3]Lữ Phương: Về một cái bóng ma của Marx, tiểu luận đăng trên tạp chí Diễn Đàn, Paris 1995
[4]Đánh giá Bà Huyện Thanh Quan, trong Lý luận văn học, NXB Giáo Dục 2004, sách giáo khoa, chương trình Đại Học Sư Phạm Hà Nội ( xem Phạm Vĩnh Cư – talawas ngày 26-2-2005)
[5]Lời bàn của Đài Truyền hình Việt Nam, Cáo phó cho nhà thơ Cù Huy Cận tháng 2-2005