Một người viết cho diễn đàn talawas trong bài
talawas có thực sự hướng đến cộng đồng không? có những nghi ngờ về ảnh hưởng của văn Nguyễn Huy Thiệp lên đời sống và văn học nước mình như sau:
"Có thể lấy một ví dụ nữa là Nguyễn Huy Thiệp (có thể lắp tên Phạm Thị Hoài, Bùi Giáng ... thay vào tên Nguyễn Huy Thiệp). Nếu hỏi một người hâm mộ văn của Nguyễn Huy Thiệp, nhất là người đó lại là dân phê bình văn học, về các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thì chắc chắn sẽ được nghe những lời ca ngợi hào nhóang về tính đa nghĩa và triết lý sâu sắc trong từng tác phẩm. Nhưng nếu hỏi tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có tác động như thế nào đến đời sống văn học, nền văn học Việt nam ở thời điểm chúng ra đời, ở thời điểm hiện tại, và trong tương lai thì chắc chắn câu trả lời cũng sẽ mơ hồ như tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Hơn nữa nếu hỏi về tác động xã hội của tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp thì chắc chắn câu trả lời sẽ là tịt ngóm. Tịt là cái chắc vì rất ít, rất ít các bạn trẻ trong nước dưới 24 tuổi đọc các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp."
Nhận định trên đây theo tôi hết sức chủ quan và thiếu cơ sở: Bằng kinh nghiệm bản thân tôi dám khẳng định rằng: những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (NHT) (văn học đích thực) đã có tác động rất mạnh, rất sâu sắc vào đời sống xã hội của người Việt Nam chúng ta. Tôi còn nhớ hơn một thập niên trước đây, thời "cởi trói cho Văn nghệ", người ta truyền tay nhau, người ta kể cho nhau nghe về những chùm truyện ngắn của "anh Thiệp" (cách gọi thân mật) như
Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Con gái thủy thần... đã được nhà văn Nguyên Ngọc "tháo khoán" cho bung ra lần đầu tiên trên tuần báo Văn Nghệ. Không khí hồi đó rạo rực như "tiền khởi nghĩa": Người ta bàn tán, người ta rỉ tai nhau, người ta tìm đọc, người ta phê bình như một làn sóng ngầm bất tận. Có người còn đao to búa lớn chụp mũ NHT là kẻ "bắn súng lục vào quá khứ" và dọa..." tương lai sẽ bắn ca nông vào anh."cho đến nay đã hơn một thập niên trôi qua cũng chưa thấy có phát ca nông nào bắn vào nhà văn... mà có chăng chỉ là những phát ca nông bắn vào thành trì bảo thủ trì trệ, và những thành trì thủ cựu này đang dần dần sụp đổ, giải phóng những tiềm năng to lớn của đất nước. Chính tôi cho là những nhà văn dũng cảm như NHT đã góp phần đập tan những điiều húy kị, những vùng cấm, những thói quen cũ mòn để từng bước nêu lên cái đẹp cái hay, phê phán cái dở cái tồi, cái đạo đức giả...
Tôi cho là văn của NHT rất sâu sắc, rất hiện thực, rất giản dị và cũng rất dễ hiểu. Ngườii đầu tiên đem lại một hình ảnh vua Quang Trung sinh động như trong đời thường và rất ấn tượng. Và điều đặc biệt là nó giúp giải tỏa những bức bối xã hội thời kỳ đó: thời "giá lương tiền", hô khẩu hiệu, ăn cơm độn bo bo, nghèo tập thể, ca ngợi những thành tựu viển vông như kiểu bay vào vũ trụ để nghiên cứu bèo hoa dâu, v.v. Một tầng lớp đông đảo cần có sự nổi loạn hay ít ra là sự khuấy động nào đó để cùng thoát ra khỏi sự bế tắc lúc đó.
Có thể nói, những đóng góp "vô hình" của văn học nói chung hay của NHT nói riêng là vô giá, đọc
Tướng về hưu,
Không có vua xong gấp sách lại tôi vẫn thấy trăn trở, và hàng vạn hàng triệu người như tôi cùng trăn trở băn khoăn về chính cái xã hội chúng ta đang sống vào lúc đó để đặt ra hàng loạt những nghi vấn về mọi thứ giá trị tưởng như là cố định. Những thứ trước đây được kín đáo che đậy: thói bon chen, cơ hội, tính tham lam thiển cận, thói giả tạo đạo đức giả...nay đã bị các nhà văn hiện thực như "anh Thiệp" xé toang, phơi bầy dưới ngọn bút hết sức linh hoạt.
Để ngày hôm nay, chúng ta tiến được xa hơn là vì đã có sự đổi mới ngấm ngầm trong tư tưởng từ lãnh đạo đến người dân và ngược lại từ người dân đến lãnh đạo. Hoàn cảnh của các "tướng về hưu" ngoài đời thật bây giờ và gia đình họ không đến nỗi bi đát như trong truyện, con cái họ đã phong lưu khá giả hơn nhiều và tất nhiên đã nhận thức được ra một số điều hay, lễ phải. Suy rộng ra nếu toàn xã hội ai cũng giác ngộ được những luân lý sống cần thiết thì xã hội ta, nước ta còn tiến xa và tiến nhanh hơn nữa. Quả thực văn học thời kỳ "cởi trói" như là những viên đá lát đường cho thế hệ a-còng @ tiến vào ngưỡng cửa tự do công bằng văn minh và phồn thịnh.
Nhận định trên của bạn trẻ N. Xu quả là dễ hiểu, bạn chắc còn quá bé vào thời kỳ sóng gió nhất của Việt nam (khoảng thập niên cuối 80 đầu 90) là lúc bắt đầucông cuộc đổi mới. Người lớn gọi là lúc "xuống đáy" hay "về mo". Hãy nhớ những người như bí thư Kim Ngọc của Vĩnh Phú, người dám chủ trương đấu thầu ruộng cho nông dân và bị vô hiệu hóa chịu kỷ luật và đã chết trong tủi nhục. Tôi thiết nghĩ cả nước ta nên dựng tượng đài kỷ niệm ông chứ không riêng gì tỉnh Vĩnh Phú. Nhờ có những con người quả cảm như vậy ngày nay ta mới tiến lên được và có những thành tích đáng nể về phát triển kinh tế hay văn hóa thể thao như kỳ SEA GAMES lần này.
Những nhà văn "âm thầm" dùng ngòi bút của họ đánh thẳng vào cái xấu cái dở cái lạc hậu của xã hội đem lại những tác dụng hết sức lớn lao, tuy nhiên công lao của họ ít ai biết đến, họ bị người đời cho chung một rọ "nhà văn nói láo nhà báo nói điêu" hay chí ít cũng bị chìm vào quên lãng ("bạc là dân, bất nhân là lính"). Thế hệ a còng ngày nay phần đông vọng ngoại, thích những thứ giải trí dễ dãi và thiếu sâu sắc, ta cũng không thể trách họ vì xã hội đã và đang luôn luôn biến đổi, đến một tầm tuổi nào đó lớp trẻ trở thành "già", hy vọng họ sẽ có cái nhìn khác về văn học Việt nam.
Vũ Trọng Phụng thời trước đã đả phá xã hội cổ hủ trong
Số đỏ bằng các nhân vật: Xuân Tóc đỏ, Típ phờ nờ, rất hay. Ai có thể phủ nhận vai trò của những tác phẩm vượt thời gian như thế với xã hội lúc bấy giờ. Sức công phá của "văn học đích thực" (chứ không phải văn chương minh họa) mạnh như sự va đập của một tảng băng ngầm, chậm nhưng khủng khiếp. Đặc biệt văn học không phải chỉ đơn thuần là sự kiện như báo chí, văn học. Không trực tiếp nêu tên tuổi đích danh của từng cá nhân để phê phán hay đả kích, như tường thuật một vụ án. Văn học mạnh hơn thế rất nhiều, văn học đánh vào cả một nhóm người, một tập thể, một thói quen chung, một tập quán xấu, một xu hướng không lành mạnh và do đó nó có tác dụng hết sức rộng rãi đến toàn xã hội và hàng triệu người. Tôi xin nhại lại danh ngôn: "làm thầy thuốc giỏi anh cứu được một người, làm thầy giáo giỏi anh cứu được một nhóm người, làm một nhà văn giỏi anh cứu cả một thế hệ".
Đọc truyện ngắn
Mãi không tới núi của Nguyễn Việt Hà, ta thấy câu chuyện hết sức nhẹ nhàng tưởng như vô thưởng, vô phạt nhưng nhà văn bất ngờ "dao găm" một câu thật tuyệt vời:
"Có một đêm Vọng cũng ngủ một mình ở giữa rừng sau bữa nhậu ở nhà một phó chủ tịch tỉnh mến khách làm rất nhiều món lạ. Trưởng đoàn của Vọng say mềm thiêm thiếp nằm trong lòng một thiếu phụ trẻ có búi tằng cẩu, suốt tối ông cố trốn uống với cớ mai phải về Ba Đình họp quốc hội sớm".
Ái chà chà: Những ai đã từng làm như vậy chắc chắn phải tự sờ gáy mình, nhất lại là những người nắm vận mệnh của hàng triệu người khác. Thử hỏi bài học đạo đức nào hay bằng một câu văn bâng quơ như vậy. Nếu họ có đọc, họ sẽ rút ra những gì: một là bớt sa đà ăn chơi đàng điếm, hiệu quả: sẽ có nhiều thời gian làm việc cho dân cho nước và sẽ bớt các sai lầm và kéo theo là dân đen bớt khổ, hai là bớt bệnh...nói phét. Có thể ông chưa phải là đại biểu quốc hội nhưng giữa đám các em, nhất là các em dân tộc, ông cứ đàng hoàng tự phong là ...thủ tướng.
Bài viết này không phải là một bài phê bình văn học do vậy người viết không mở rộng phần trích dẫn mặc dù còn quá nhiều điều tuyệt vời về văn học việt nam đương đại. Người viết chỉ muốn minh họa cho lập luận về tác dụng của văn học với đời sống xã hội. Nhà văn nhà báo là những người hướng dẫn xã hội, và ngược lại cũng bị xã hội hướng dẫn. Tác phẩm hay, sâu sắc sẽ có tác dụng làm thay đổi xã hội một cách êm đềm mà ta không nhận thấy và sẽ tồn tại lâu dài theo năm tháng. Tác phẩm dở sẽ bị thời gian đào thải là điều tất yếu.
Có lẽ nên tạm dừng ở đây, bài kế tiếp sẽ đề cập đến chuyện dịch tác phẩm nước ngoài hay ảnh hưởng của nhạc Trịnh Công Sơn đến các thế hệ già trẻ người Việt.
Bất giác tôi chợt nhớ câu thơ: "Thân ta ta bắc lên cầu/ để cho con cháu lên lầu tự do..." của Hoàng Cầm thuở nọ.
© 2003 talawas