trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
7.6.2008
 
Việt Nam đang cảm thấy sức nóng
 
Một loạt rạn nứt nghiêm trọng đã xuất hiện trong nền kinh tế và hệ thống tài chính của Việt Nam trong những tháng qua, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này. Liệu Hà Nội có thể đưa ra được những biện pháp đúng đắn nhằm tránh được tình trạng suy thoái, kinh tế hay không?
1. Điều khác biệt trong một năm qua

Đầu năm ngoái, một loạt bài viết trên báo chí quốc tế ca ngợi Việt Nam như là "một sự thần kỳ châu Á mới" và "con hổ châu Á tiếp theo". Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 1/2007, tạo ra một bước nhảy vọt về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, lên tới hơn 20 tỷ US$. Thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh dường như có lửa, với việc chỉ số chứng khoán đạt đỉnh điểm 1.170 điểm trong tháng 3/2007 tăng 140% so với năm trước. Việc tăng giá hàng hóa trên toàn cầu đã đẩy thu nhập từ xuất khẩu cửa Việt Nam lên 50 tỷ US$ tăng hơn 20% so với năm 2006. Tính cả năm 2007, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,5%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1996.

Tháng 3/2008, một hội nghị của các nhà đầu tư lớn với tiêu đề "Duy trì tăng trưởng và cải cách ở một con hổ mới ở châu Á" đã đột nhiên bị hủy bỏ theo đề nghị của chính phủ Việt Nam do "những quan ngại khẩn cấp về kinh tế vĩ mô và vi mô". Chính phủ Việt Nam sau đó cho hay việc cấp phép cho cơ quan tổ chức chưa đúng trình tự. Ngày 25/3/2008, thị trường chứng khoán Việt Nam đã rớt xuống mức thấp kỷ lục ở mức 496 điểm, giảm 57% so với mức đỉnh điểm một năm trước đó. Trong cùng tháng, tỷ lệ lạm phát chính thức đã lên tới mức 19,4% do giá thực phẩm tăng 31% Thâm hụt thương mại trong quý I/2008 lên tới 7,4 tỷ US$, gấp 4 lần so với quý I/2007.

Sự suy giảm kinh tế bất ngờ của Việt Nam đã làm dấy lên mối quan ngại về tính ổn định của hệ thống tài chính của nước này, đặc biệt nếu điều kiện tiếp tục xấu đi. Tin vui là các nền móng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn tốt. Việt Nam vẫn chưa bị rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, tăng trưởng xuất khẩu vẫn mạnh và Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam đã gia tăng đáng kể vào nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia trong năm qua. Việt Nam vẫn chưa hội nhập vào thị trường tài chính toàn cầu như Thái Lan và Indonesia, vì vậy chưa phải chịu ảnh hưởng nhiều từ việc suy sụp của thị trường cho vay thế chấp thứ cấp ở Mỹ. Chính phủ Việt Nam có thể khôi phục sự ổn định một cách nhanh chóng qua việc kiểm soát đối với chi tiêu công và vay mượn của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tin xấu là sự kiềm chế chính trị có thể đặt nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản này vượt qua tầm với của các nhà lập chính sách.


2. Kinh tế Việt Nam đã quá nóng

Các nhân tố toàn cầu như giá năng lượng và thực phẩm cao đã đóng góp vào lạm phát, nhưng việc giá cả ở Việt Nam tăng nhanh hơn ở các nước láng giềng khác cho thấy các nhân tố trong nước là quan trọng hơn. Các nhân tố này bao gồm tăng trưởng tín dụng vượt 50% và thâm hụt tài chính tương đương với 7% của tổng GDP. Sự tăng trưởng cung ứng tiền tệ đã làm giá cả các loại sản phẩm phi thương mại tăng theo hình xoắn ốc và tiếp nhiên liệu cho bong bóng bất động sản, đẩy giá bất động sản cơ bản tăng lên gấp đôi hay gấp ba chỉ trong vòng một năm.

Nguồn gốc của việc tăng quá nóng có thể tìm được thấy trong việc bất ngờ tăng dòng chảy tư bản trong năm 2007. Việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, sự gửi tiền về nước, viện trợ phát triển và các luồng vốn đầu tư khác đã vượt quá 20 tỷ US$, hay chiếm 30% tổng GDP. Giống như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam đưa ra những nỗ lực đáng kể nhằm thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, nhưng lại không chuẩn bị cho tình huống khi luồng vốn đầu tư đổ vào với số lượng lớn. Ngân hàng Nhà nước thường đặt ra tỷ giá hối đoái và cho phép việc cung tiền tệ được điều chỉnh, một chiến lược có thể có ý nghĩa trong một nền kinh tế mà nhiều người thích thực hiện kinh doanh bằng ngoại tệ và giữ tài sản bằng ngoại tệ. Thêm vào đó, các công cụ chính sách tiền tệ chưa hoạt động tốt ở Việt Nam. Lãi suất là một công cụ tồi khi mà tín dụng trực tiếp cho các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới ½ tổng khoản cho vay và khi các ngân hàng được tổ chức thành cartel nhằm tránh bùng nổ cạnh tranh. Thị trường trái phiếu chính phủ là rất mỏng manh và thị trường thứ cấp vẫn còn trong trứng nước. Do lãi suất trái phiếu chính phủ thấp hơn tỷ lệ lạm phát nên những người mua trái phiếu đánh cược rằng cơ chế tỷ giá hối đoái cố định sẽ được duy trì. Do mặt trái của vụ đánh cược này tăng lên, trái phiếu bằng tiền đồng đã trở nên ít hấp dẫn đối với người nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

Thất bại trong việc ngăn chặn dòng tiền vốn nước ngoài tràn vào (qua việc bán chứng khoán bằng tiền đồng) đã tiếp sức cho tăng trưởng cho vay của các ngân hàng cổ phần nhỏ. Những ngân hàng này đã tích cực cho các nhà phát triển địa ốc và người mua nhà cũng như những người mua chứng khoán vay tiền. Bất động sản và cổ phiếu tăng giá đã làm tăng thêm tiền của những người chủ tài sản, thúc đẩy họ vay thêm tiền. Nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước cũng tham gia thị trường bất động sản điên cuồng này, đặc biệt khi họ được Ngân hàng Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi.

Góp phần vào việc tăng trưởng của tín dụng là việc tăng luồng vốn đổ vào trong nước, cung cấp tài chính cho việc mở rộng thâm hụt cán cân thương mại hiện thời. Sự khác biệt quan trọng chia rẽ Việt Nam với các nước Đông và Đông Nam Á khác là việc Việt Nam là nước chỉ nhập khẩu vốn. Nói cách khác, cán cân thương mại hiện thời thâm hụt của Việt Nam đã được tài trợ bởi dòng chảy vốn nước ngoài vào Việt Nam. Đây không phải là điều xấu hay rủi ro đối với một đất nước ở giai đoạn đầu của thời kỳ công nghiệp hóa. Việt Nam cần phải mua thiết bị và công nghệ cho các ngành công nghiệp đang tăng trưởng và phải cung cấp tài chính cho việc nhập khẩu này qua việc phối hợp xuất khẩu với dòng chảy vốn của nước ngoài. Vấn đề là ở chỗ dòng chảy vốn ngắn hạn có thể sẽ không ổn định nếu có sự thay đổi đột ngột của nhà đầu tư.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cú sốc tiền tệ của Việt Nam là chính sách tài chính nới rộng, dẫn đầu là việc đầu tư công. Năm 2007, đầu tư từ GDP đã tăng hơn 40%, một nửa trong đó được đưa vào cho ngành công cộng và một phần do ngân hàng nhà nước cung cấp tiền. Đó cũng là điểm khác biệt giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Những nước thành công hơn ở Đông Á và Đông Nam Á đã thực thi chính sách tài chính bảo thủ. Những chính phủ này có kinh nghiệm rằng lạm phát giá cả sẽ dẫn tới nhu cầu đòi tăng lương của công nhân và làm xuất khẩu giảm sức cạnh tranh. Họ cũng thấy được mối liên hệ giữa nhà nước và phúc lợi của những người không được bảo vệ trước lạm phát, như giáo viên, công nhân nông nghiệp, người về hưu và người nghèo thành thị.

Phản ứng của chính phủ đối với áp lực lạm phát là tăng đòi hỏi dự trữ tiền tệ đối với các ngân hàng thêm 100 điểm cơ bản trong tháng 2/2008, bù vào 500 điểm cơ bản đã tăng lên trong tháng 5/2007. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng lớn hơn mua vào 20.300 tỷ đồng trái phiếu tài chính nhà nước với lãi suất 7,8% một năm vào giữa tháng 3. Tại thời điểm đó, Ngân hàng nhà nước đã hạn chế việc mua US$ để kiểm soát việc tăng trưởng tiền tệ. Những biện pháp này đã khuyến khích ngân hàng tích trữ tiền mặt, buộc tỷ lệ cho vay của liên ngân hàng tăng lên tới mức 43% vào cuối tháng 2. Lo ngại về ảnh hưởng của làn sóng kêu gọi sổ dư trên bảng cân đối của các ngân hàng nhỏ, chính phủ cũng thu hẹp biên độ giao dịch trong ngày của thị trường tài chính từ 5% xuống còn 1%.

Những điều chỉnh nhỏ này đã tạo ra ảnh hưởng đối với lãi suất cho vay và thị trường bất động sản. Bằng chứng là việc giá đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh đã giảm đi 20% so với mức đỉnh điểm trong tháng 12/2007. Tuy nhiên, chính sách của chính phủ vẫn không đổi. Ngân hàng Nhà nước đã khống chế lãi suất tiết kiệm dưới mức 12%. Quan trọng hơn, bên cạnh việc kêu gọi chung chung sử dụng hiệu quả quỹ công, chính phủ đã không làm gì để điều chỉnh Ngân hàng Nhà nước hay các chương trình đầu tư công cộng. Một khi chính sách tài chính còn nới rộng, các biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ giúp lấy đi vốn từ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé. Trong khi đó, lạm phát sẽ tiếp tục mở rộng.


3. Khả năng của nhà nước

Việt Nam không thiếu người hiểu được nguyên nhân của sự bất ổn định kinh tế hiện nay và các biện pháp cần thiết để giảm lạm phát giá cả và khôi phục ổn định cho thị trường. Vấn đề của Việt Nam là việc quá phức tạp hóa hay không thể quản lý nổi. Đáng tiếc, những người này đã không được đưa vào vị trí để giải quyết những vấn đề đó. Những cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam dường như bị tê liệt. Chính sách tiền tệ được dành riêng cho Ngân hàng Nhà nước, nhưng Bộ Tài chính lại được trao trách nhiệm khống chế lạm phát. Chính sách tiền tệ cũng được xem xét bởi Uỷ ban Chính sách Tài chính và Tiền tệ Quốc gia, bao gồm những cố vấn kỹ thuật và đại diện của các cơ quan chính phủ khác. Bộ Tài chính đặt ra chính sách tài chính và chỉ tiêu, nhưng việc chi tiêu đầu tư lại được đặt dưới Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc chỉ định chức danh lại được đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản, cơ quan đưa ra đường lối lãnh đạo. Trong khi đó, các công ty độc quyền nhà nước lại báo cáo trực tiếp lên thủ tướng, bỏ qua các bộ quản lý.

Cải tổ cơ bản là cần thiết để đơn giản hóa cơ quan hoạch định chính sách. Đa số các nước Đông Á và Đông Nam Á khác đã thiết lập ra một ban cố vấn với những nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng, các chuyên gia được trả lương cao để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Trong một số trường hợp, những cơ quan này được sử dụng quyền lực, và trong một số trường hợp khác, họ đưa ra những lời khuyên cho các nhà lãnh đạo chính trị. Ví dụ, Ủy ban Kế hoạch hóa Kinh tế của Hàn Quốc được kiểm soát trực tiếp về kế hoạch, chính sách và thống kê tài chính, trong khi Hội đồng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế của Đài Loan lại thiên về chức năng tư vấn.

Các cơ quan Việt Nam được chỉ đạo bởi đường lối mơ hồ về đồng thuận. Mặt khác, các chính khách Việt Nam luôn bị ràng buộc bởi vấn đề ổn định. Nhưng việc đưa ra quyết định đồng thuận sẽ tạo ra xu hướng tận dụng kẽ hở trong toàn bộ hệ thống. Vấn đề này đã được minh chứng trong việc phân bổ đầu tư công. Các chính khách Việt Nam đã thông qua 10 dự án mà chỉ một là đáng làm, và trải dài các dự án này trên toàn quốc. Ví dụ, Việt Nam đang xây dựng một chuỗi cảng sâu ở miền Trung, bất chấp một sự thật là các cơ sở cảng ở các tỉnh miền Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, những nơi đã tạo ra tăng trưởng hơn 50% việc làm và thu nhập ngoài dầu lửa cho ngân sách trên toàn quốc, đang bị rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Các cơ quan chức trách về đường cao tốc Việt Nam đã dự định đầu tư 40 tỷ US$ cho những con đường mới. Các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam được đánh giá là đắt đỏ theo tiêu chuẩn quốc tế, trong khi chất lượng được cho là không tốt. Mặc dù chính phủ nhận ra sự cần thiết phải khép lại thâm hụt tài chính để kiểm soát lạm phát, nhưng cũng khó có thể thấy được ai dám để nghị đẩy mạnh đầu tư công có hiệu quả hơn.

Tham nhũng phát triển mạnh khi nó được cho là chi phí bình thường của hoạt động kinh doanh. Ngày 18/4, Tòa án Nhân dân Tối cao đã bỏ tội hối lộ cho Bùi Tiến Dũng, cựu lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 18 (PMU 18) thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Cáo buộc đối với lãnh đạo của Bùi Tiến Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Việt Tiến, đã bị hủy bỏ trong tháng Ba, bất chấp sự hổ thẹn của quốc gia trước việc sử dụng sai trái nguồn viện trợ phát triển của Nhật Bản và của Ngân hàng Thế giới. Việt Nam đã nhận được đánh giá thấp nếu so sánh với các nước Đông Á và Đông Nam Á khác về chống tham nhũng. Ví dụ, bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới đã đặt Việt Nam dưới cả Trung Quốc trong việc chống tham nhũng, trong khi còn xa so với Thái Lan và Malaysia. Tham nhũng tràn lan đã làm cho Việt Nam khó có thể khép lại được thâm hụt tài chính, do quan chức ở tất cả các cấp đều được hưởng lợi từ việc phổ cập các dự án chi phí cao.


4. Quy chuẩn hóa các tập đoàn nhà nước

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, quan ngại về sự điều hành kém cỏi của các doanh nghiệp công nghiệp nhà nước đã dẫn đến việc chính phủ thử nghiệm cách tiếp cận mới. Các tổng công ty và tập đoàn đã được thiết lập từ những công ty nhỏ, được cho là học tập mô hình Keiretsu của Nhật Bản và Chaebol của Hàn Quốc. Sáng kiến này cho rằng các công ty lớn hơn có thể là sự thể hiện qui mô và tầm cỡ của nền kinh tế, và cho phép họ cạnh tranh trên thị trường quốc tế tốt hơn. Kẽ hở trong logic trên là đa số các tập đoàn như Tập đoàn Mỏ [Than và khoáng sản] Vinacomin, Tập đoàn Vận tải Biển Vinalines, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Dầu lửa Quốc gia Petro Vietnam chỉ thu được lợi nhuận từ việc bán khoáng sản hay từ việc có được ưu tiên trong thị trường nội địa. Ngược lại việc lao vào thị trường cạnh tranh quốc tế, đa số các tập đoàn này lại muốn xây dựng tiềm lực tại thị trường nội địa ở Việt Nam, tiến vào thị trường bất động sản thu được nhiều lợi nhuận ở trong nước, hay trong ngành dịch vụ tài chính, bưu chính viễn thông và du lịch.

Các tập đoàn này không tham gia thị trường thế giới, mà tìm cách học hỏi cách thức thu được lợi nhuận từ ảnh hưởng chính trị của mình ở trong nước. Ngân hàng Nhà nước vừa trao giấy phép ngân hàng cho ba tập đoàn, bao gồm FPT, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Petro Vietnam, và còn nhiều tập đoàn khác đang xếp hàng để chờ giấy phép. Các công ty này đã sao chép hình mẫu tương tự từ các nước Đông Nam Á khác trong việc tạo ra một tập đoàn đa dạng xung quanh một cơ chế độc quyền tiền tệ và một ngân hàng để dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn.

Một số công ty sản xuất hàng xuất khẩu đã lợi dụng mối quan hệ chính trị để đảm bảo khoản vay mượn do chính phủ bảo đảm nhằm mở rộng vào các ngành không liên quan. Tập đoàn đóng tàu Vinashin đã được nhận toàn bộ số trái phiếu nước ngoài đầu tiên của chính phủ Việt Nam phát hành năm 2006 và sau đó đã có được hàng tỷ US$ tiền vốn từ ngân hàng Credit Suisse. Gần đây Vinashin và Vinatex (tập đoàn sản xuất dệt may) đã có được khoản vay từ ngân hàng Deustche Bank, lần lượt là 2 tỷ US$ và 500 triệu US$, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm Đức.

Chính phủ cũng có dấu hiệu mất bình tĩnh đối với các tập đoàn này. Tại một cuộc họp gần đây với lãnh đạo các tổng công ty tổng hợp để thảo luận các biện pháp kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Việt Nam cho hay mặc dù các tổng công ty và các công ty nhà nước khác chiếm tới 60% các khoản nợ quá hạn của các ngân hàng thương mại và 70% các khoản vay mượn nước ngoài của Việt Nam, nhưng họ chỉ sản xuất ra 40% tổng GDP. Đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng đã ra lệnh tất cả các tổng công ty và tập đoàn phải đầu tư ít nhất 70% tổng số vốn của họ vào lĩnh vực kinh doanh chủ yếu. Tuy nhiên, phản ứng của các tổng công ty này cho thấy việc đưa họ vào khuôn phép không phải là dễ dàng. Chủ tịch Petro Vietnam Đinh La Thăng coi sắc lệnh trên là một "liệu pháp tâm lý sốc", và nhận xét rằng "ngay cả khi các tập đoàn và công ty nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh không phải là cốt yếu khoảng từ 40-50% tổng số vốn và nếu những đầu tư này mang lại lợi nhuận thì chính phủ không thể ép buộc họ từ bỏ đầu tư vào đó vì điều này sẽ làm doanh nghiệp sụp đổ".


5. Chia sẻ tăng trưởng

Việt Nam đã giành được sự ca ngợi của cộng đồng quốc tế về kỷ lục giảm nghèo, phổ cập giáo dục cơ sở và cải thiện các chỉ số cơ bản, như tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và việc tiếp cận nước uống sạch. Tuy nhiên, đối với một chính phủ công khai tự nhận là xã hội chủ nghĩa, Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn chi bên ngoài để cung cấp tiền cho y tế và giáo dục cơ bản. Chi tiêu công cộng cho y tế ở mức thấp gần chót trong khu vực, chỉ cao hơn Indonesia. Quỹ công cộng trợ giúp người nghèo vẫn thường xuyên không tới được họ. Theo một chương trình phát triển của Liên hợp quốc gần đây, 45% thanh toán cho y tế là thuộc về 1/5 số người giàu nhất, so với việc chỉ có 7% thanh toán dành cho người nghèo nhất. Con số tương tự đối với trợ giúp giáo dục tương ứng là 35% và 15%.

Vượt trên vấn đề số liệu, cũng còn có quan ngại về chất lượng y tế và dịch vụ giáo dục. Hãng Intel đã giáng một đòn vào hình ảnh ngôi sao đang lên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp dựa trên trí thức, khi công ty tuyên bố rằng sau khi thử nghiệm 2.000 sinh viên từ 5 trường đại học công nghệ hàng đầu của Việt Nam, chỉ có 40 sinh viên đạt tiêu chuẩn ở mức thấp của họ. Theo Intel, đây là một tỷ lệ thấp nhất ở nước mà họ có mặt cho tới nay. Vì vậy không nghi ngờ gì về việc các hộ gia đình Việt Nam đã chi tới 1 tỷ US$ một năm cho việc cho con du học nước ngoài. Hệ thống giáo dục trong nước đã thất bại trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, kể cả đối với những người có đủ khả năng chi trả.

Gore Vidal từng miêu tả nền kinh tế Mỹ là "xã hội chủ nghĩa đối với người giàu và doanh nghiệp tự do cho mọi người". Việt Nam đang nhanh chóng hướng theo con đường đó. Việc hình thành một lớp người giàu có được tiếp cận với quyền lực và tài nguyên quốc gia là hậu quả chính trị nghiêm trọng của một đảng lãnh đạo cho rằng họ đại diện cho quyền lợi của người lao động. Giá thực phẩm tăng đã ảnh hưởng tới người nghèo, nhưng chưa phải là mối đe dọa ngay tới sự ổn định chính trị. Quan niệm ngày càng tăng rằng nhà nước chỉ quan tâm tới lợi ích của những người có quyền lực trong khi để mặc người nghèo tự đối phó với cuộc sống của mình sẽ gặm nhấm quyền lực của chính phủ trong một thời gian dài.

Cải cách kinh tế thành công ở Việt Nam vượt trên cả mong đợi của nhiều người. Hòa nhập vào thị trường toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống của hàng triệu người Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu đạt mức trung bình hơn 20% một năm kể từ năm 1990, với những ngành có nhiều lao động thu được ngoại tệ lớn như dệt may và hải sản. Những ngành công nghiệp này đã tạo ra việc làm cho hàng triệu nông dân Việt Nam, những người trước đó chỉ biết đến cuộc sống không được bảo đảm và nghèo khó. Tăng trưởng xuất khẩu được thúc đẩy bởi người nông dân, ngành kinh tế tư nhân nhỏ bé bao gồm các công ty nhỏ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thành phần kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài đã chiếm hầu hết lĩnh vực tăng thêm việc làm trong bảy năm qua.

Gắn kết với thành phần kinh tế cạnh tranh nhưng lợi nhuận thấp này là một hệ thống phân tán, bao gồm các xí nghiệp quốc doanh đói vốn tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho thị trường nội địa. Những xí nghiệp này chiếm hầu hết khoản tiền vay từ các ngân hàng nhà nước và bắt đầu vay mượn ở nước ngoài. Họ đã lợi dụng ảnh hưởng chính trị để lao vào thị trường bất động sản và tài chính. Mặc dù dữ liệu về hoạt động của các doanh nghiệp này còn thiếu nhưng tỷ lệ hoàn vốn của họ còn thấp hơn nhiều so với ngành tư nhân và có đầu tư nước ngoài.

Điều đáng lo hơn là các tập đoàn nhà nước được phép mở ngân hàng và các công ty tài chính phi ngân hàng. Thế giới đang phát triển có rất nhiều ví dụ về sự mạo hiểm của các tập đoàn phối kết hợp với lợi ích ngân hàng. Từ tập đoàn Grupos của Chile cho tới Chaebol của Hàn Quốc và Konglomerat của Indonesia, việc kết hợp cả ngân hàng và tập đoàn có quyền lực mạnh với nhau đã dẫn tới việc cho vay thiếu thận trọng trong nội bộ của tập đoàn, và đã dẫn tới sự bất ổn định về tài chính. Việt Nam phải suy nghĩ cẩn trọng về việc thực hiện chiến lược này trước khi tiếp tục lao thêm xuống dốc trên con đường đó.

Tình hình lạm phát hiện nay và sự bất ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là hậu quả trực tiếp của các vấn đề tăng trưởng lâu dài của đất nước. Bản thân việc thắt chặt tiền tệ không thể giải quyết được vấn đề lạm phát ở Việt Nam. Tăng cường lãi suất nhưng thiếu các hành động nhằm giảm thâm hụt tài chính có thể thành công trong việc làm nguội sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân nhỏ, nhưng chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ đối với các tập đoàn lớn, những cơ sở đã được vay tiền từ ngân hàng nhà nước với lãi suất ưu đãi hoặc từ nước ngoài. Chi phí vay mượn cao hơn sẽ gây khó khăn cho việc giảm thâm hụt tài chính trong một thời gian ngắn. Chính phủ sẽ không thể giảm được lạm phát nếu họ không khôi phục được sự kiểm soát đối với đầu tư công và học được cách thức quy chuẩn hóa các tập đoàn nhà nước.

Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu nhận ra rằng họ không thể xây dựng được một thị trường chứng khoán năng động nếu không có sự bảo đảm đầu tiên rằng hệ thống ngân hàng là lành mạnh. Ngân hàng nhà nước đang theo dõi cẩn trọng cán cân thanh toán của các ngân hàng nhỏ để tìm ra các dấu hiệu trục trặc. Điều này là quan trọng, vì những ngân hàng này đã chi quá nhiều cho thị trường bất động sản lạm phát. Nếu một trong số họ tới Ngân hàng Nhà nước để xin hỗ trợ, nhà chức trách sẽ sẵn sàng tiến hành một số hành động để đảm bảo rằng vấn đề sẽ nhanh chóng được kiểm soát.

Các nhà quan sát Việt Nam lâu năm đã nhanh chóng ghi nhận rằng các nhà lập chính sách của Việt Nam có cách chắp vá các giải pháp thực dụng với nhau khi cần thiết. Cái gì bắt đầu bằng "phá rào" thì thường kết thúc như là một chính sách tài chính. Các nhà lập chính sách Việt Nam sẽ không để tư tưởng chen vào cách thức mà họ cho rằng đang thực hiện tốt. Nhiều người cho rằng thái độ này sẽ làm cho Việt Nam luẩn quẩn trong việc vượt qua tình thế bất ổn định hiện tại. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, chính phủ đã làm nhiều việc hơn là chỉ có đứng bên ngoài. Sự vượt rào hiện nay được đưa ra dưới hình thức các tập đoàn nhà nước thiết lập ngân hàng và xây dựng tư dinh. Thay vì trừng phạt thái độ này, nhà chức trách cần phải điều chỉnh lại. Đặc biệt, việc tự do hóa tài chính là hình thức kinh doanh rủi ro nếu thiếu khung quy định lành mạnh và sự thực thi pháp luật có uy tín. Vấn đề lả kinh tế mới của Việt Nam có tạo ra được nền chính trị mới, một thể loại dựa ít hơn vào vấn đề tư tưởng, ít hơn vào việc hình thành một nhóm lợi ích đầy quyền lực, đây chính là thách thức trọng tâm đối với ban lãnh đạo Việt Nam không chỉ trong năm nay mà còn trong nhiều năm tới.
Nguồn: Tạp chí Far Eastern Economic Review số tháng 5/2008. Bản tiếng Việt của Thông tấn Xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 125-TTX, thứ Ba, ngày 1/6/2008, tr. 1-10.