trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
5.5.2008
 
Một kiểu canh tác huỷ hoại sự sống
(Bài của nhóm nhà báo Spiegel: Rüdiger Falksohn, Jens Glüsing, Horand Knaup, Padma Rao, Thilo Thielke, Wieland Wagner)
Trần Kh. dịch
 
Santarém là một thành phố nhỏ yên bình nằm ở trung tâm của rừng mưa nhiệt đới Brazil. Những chiếc tàu chở hành khách xinh đẹp nằm ở bờ đê sông Rio Tapajós, nơi con sông này đổ vào dòng Amazon, nhiều cặp tình nhân âu yếm nhau trên những con đường dành cho khách tản bộ. Khung cảnh này hẳn là trông sẽ còn êm đềm hơn, giá như về phía chân trời không có bóng dáng trạm tải hàng của công ty đa quốc gia Cargill in lên bầu trời nhiệt đới phủ đầy mây.

Một thiết bị thép cao lớn vươn lên trời như một con hươu cao cổ liên tục nhả hàng tấn đậu nành vào các khoang tàu. Cứ mỗi giờ lại có một tàu vận tải to lớn nhổ neo vượt 600 km chạy đến cửa sông của dòng Amazon. Và từ đấy chúng sẽ tiếp tục hành trình để đi đến Trung Quốc.

Mãi đến cuối thế kỷ vừa rồi thì đậu nành hầu như không được trồng trọt ở vùng Amazon này. Chỉ sau khi một bến tàu chuyển ngũ cốc được xây dựng thì rất nhiều nông dân trồng đậu nành từ Nam Brazil đã bị cuốn hút đến đây. Đất đai ở đây rẻ hơn, các ngân hàng thì cho vay tín dụng với lãi suất thấp, và công ty Cargill cam kết sẽ thu mua nông phẩm.

Và như thế, nhiều làng mạc, đồn điền cao su và đồng cỏ cho trâu bò bỗng chốc biến thành những cánh đồng đậu nành. Các chủ nông trại đã biến nhiều mảnh rừng già thành những dải đất trồng đậu, cho đến khi những người bảo vệ môi trường tạm thời ngăn chặn được cơn phá rừng điên rồ này. Tại bang Mato Grosso - một vùng nông nghiệp thuộc hàng quan trọng nhất Brazil - đã có một thoả thuận giữa những người trồng trọt và những nhà hoạt động bảo vệ môi trường về việc tạm ngưng mở rộng canh tác đậu nành trong vòng hai năm ở vùng Amazon này.

Bây giờ thì việc khai thác loại cây này lại nên được tiếp tục, giá đậu nành cao trên thị trường là một lý do đầy hấp dẫn. Theo Pedro Jacyr Bongiolo, chủ tịch tập đoàn André-Maggi - một trong những nhà sản xuất đậu nành lớn nhất thế giới - thì giá cả tăng lên, trước hơn hết, là do cơn đói nguyên liệu của Trung Quốc.

Từ vùng Rio de la Plata cho đến vùng Amazon, thị trường đậu nành đã bị người Trung Quốc hút sạch. Phần lớn đất đai của bang Mato Grosso đã biến thành một dải đất xanh độc canh (monoculture) ô nhiễm hoá chất diệt trừ sâu bọ. Vào mùa khô, từ tháng tám đến tháng mười một, thì thành phố Cuiabá, thủ phủ của Moto Grosso, bị bao trùm bởi một lớp khói. Dù bị cấm, nhiều chủ nông trại vẫn ngang nhiên đốt rừng để có thêm đất trồng trọt.

Cách đây hai tuần, ngay cả thủ đô Buenos Aires của nước láng giềng Argentina cũng bị tối hẳn đi bởi những màn khói dày đặc. Lý do là những người chăn nuôi súc vật ở vùng châu thổ sông Paranás nằm gần đấy đã đốt trụi hết nhiều dải bụi rậm to lớn, bởi chính những đồng cỏ truyền thống vốn dành cho súc vật của họ đã bị teo tóp lại do việc trồng đậu nành ngày càng lan rộng. Tại đây, loại nông sản này cũng được thu mua bởi Trung Quốc.

Và những kẻ chịu thiệt thòi trong cơn sốt đậu nành cũng đã được xác định từ lâu. Ở Santarém hàng trăm tiểu nông trở nên thất nghiệp sau khi đã bán ruộng đất của họ cho các chủ trại trồng đậu. Tiền bán đất bị tiêu hết nhanh chóng và bây giờ họ phải sống trong những khu nhà ổ chuột, việc canh tác loại cây có dầu này hầu như không tạo ra được việc làm.

"Canh tác cây đậu nành như ở đây là một kiểu canh tác huỷ hoại sự sống", nữ lãnh đạo công đoàn Ivete Bastos nói. Thế nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến những ý kiến như thế, và nó lại càng không được màng đến ở vùng đất tận cùng phía bên kia trái đất, cách Brazil 16.000 km. Trung Quốc xem Brazil như một trong những đối tác thương mãi quan trọng nhất của mình. Những hợp đồng dài hạn có thể bảo đảm cho Trung Quốc nguồn nguyên liệu, và trong thời gian qua, trước hơn hết là đảm bảo về mặt lương thực.

Cường quốc thế giới đang trỗi dậy với dân số 1,3 tỷ người đang phải tính toán để chính nó không bị đe doạ trở lại bởi nạn đói, sau khi nạn đói kém dường như đã được khắc phục trên bình diện rộng ở quốc gia này. Nhu cầu to lớn về lương thực của Trung Quốc cùng lắm chỉ có thể so sánh với Ấn Độ, nơi hiện nay cũng có khoảng 1,1 tỷ người đang sinh sống. Hai quốc gia châu Á này cộng lại phải nuôi sống tổng cộng một phần ba dân số thế giới - và trong thời đại giá lương thực bùng nổ thì nội con số khổng lồ này cũng đủ để làm cơn khủng hoảng thêm phần gay gắt.

Mới đây Ấn Độ đã quyết định xây dựng thêm một dự trữ lương thực chiến lược, vì sản lượng lúa mì từ năm 2000 đến nay giậm chân tại chỗ. Các chuyên gia thống kê đã tính ra rằng cứ mỗi 1% tăng trưởng kinh tế thì cũng kéo theo sự gia tăng của 0,7% nhu cầu về lương thực. Nội trong năm vừa rồi, thời gian mà chỉ số tăng trưởng kinh tế tính theo đầu người của Ấn Độ tăng 7,5% thì nhu cầu lương thực cũng tăng 5,2%, trước hơn hết là nhu cầu về những thực phẩm cao cấp.

Ở Trung Quốc cũng tương tự như thế. Việc Trung Quốc tìm cách thu mua đậu nành trên khắp thế giới là hệ quả của việc thói quen ăn uống đã thay đổi tại nước này. Trên nửa sản lượng đậu nành của toàn thế giới được tiêu thụ tại Trung Quốc.

Do đó chẳng khó khăn gì để ước đoán rằng giá lương thực sẽ biến đổi như thế nào, một khi hai quốc gia khổng lồ về dân số này cũng tìm cách thu mua theo kiểu vơ vét tương tự như thế đối với những loại lương thực khác. Càng ngày càng có thêm nhiều nước nghèo mà ở đấy lúa mì hoặc thịt là những thứ xa xỉ chẳng thể nào với tới được đối với người dân, đói kém và những vụ nổi loạn vì thiếu ăn hẳn rồi sẽ càng ngày càng gia tăng. Nhà văn Raj Patel sống tại Luân Đôn nói: "Những gì xảy ra vừa qua ở Haiti là một điềm gở."

Phần lớn lượng đậu nành được thu hoạch trên thế giới được mua bán tại sàn giao dịch sản phẩm ở Chicago bằng những hợp đồng đặt mua trước. Người ta chẳng thấy bóng dáng một người Trung Quốc nào ở đấy, thay vào đó thì họ là những người cung cấp đề tài chính cho các câu chuyện. Vào một số ngày nhất định, người Trung Quốc đã quét sạch thị trường "như bằng một cây chổi khổng lồ", các thương gia đã kể lại như thế. Lý do là vì nông dân Trung Quốc ngày càng cần nhiều hơn ngũ cốc cho việc chăn nuôi súc vật, và nhu cầu về dầu ăn của các gia đình Trung Quốc cũng càng ngày càng tăng.

Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia ở Bắc Kinh đã nhận lãnh nhiệm vụ giải quyết các mối khủng hoảng. Cơ quan này đã tìm cách kìm hãm việc giá cả leo thang bằng cách hạ mức thuế quan cho các loại lương thực nhập khẩu, nhưng việc này đã không mang lại kết quả như họ hy vọng. Thậm chí mới đây trong một siêu thị ở Trùng Khánh đã diễn ra một cơn hoảng loạn tập thể, khi một lượng lớn khách hàng giành giật nhau mua dầu ăn đại hạ giá, khiến cho 3 người bị giẫm chết và 31 người bị thương.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo vẫn thường thích tự an ủi mình và đồng bào của ông bằng câu châm ngôn: "Kẻ nào có ngũ cốc trong tay thì chẳng sợ phải lâm vào cảnh hoảng loạn." Thế nhưng giờ đây Đảng Cộng sản đang lo là những thiếu hụt trong việc cung ứng và điều phối lương thực có thể là một mối nguy hiểm cho sự bình yên và trật tự xã hội. Ngay cả ở một nơi giàu có hơn như Hồng Kông vừa rồi cũng đã diễn ra cảnh thiên hạ đổ xô nhau mua sạch hết gạo ở các cửa hàng trong một cơn đồn đại gây hoảng sợ tập thể. Các cơ quan truyền thông nhà nước vì thế đã phải liên tục truyền đi cảnh những cánh đồng phì nhiêu và những siêu thị đầy ắp lương thực.

Về mặt lúa gạo thì phần lớn Trung Quốc đủ khả năng tự cung tự cấp cho mình, ông Ôn Gia Bảo trấn an như thế, thậm chí nhà nước còn có một lượng dự trữ tồn kho khoảng 40 đến 50 triệu tấn. Thế nhưng trên thực tế thì mức thiếu hụt là khoảng 10%, điều này có nghĩa là họ phải nhập thêm gạo cho khoảng 130 triệu người. Hiện giờ thì điều này là một việc nan giải, vì những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan, Nam Dương, Việt Nam cũng đã hạn chế việc xuất khẩu gạo - để tránh tình trạng các vựa gạo của họ bị mua sạch bởi những nhà buôn mua tích trữ và rồi chính dân họ phải lâm vào cảnh thiếu gạo để ăn.

Từ tháng giêng năm nay Trung Quốc cũng đã ngăn cản việc xuất cảng ngũ cốc bằng một hàng rào thuế quan mới. Hạn ngạch xuất khẩu, các trợ cấp cho nông dân và việc kiểm soát giá cả thị trường là những biện pháp nhằm bảo đảm việc cung ứng lương thực trong nước. Thậm chí đất canh tác cũng được canh gác bằng vệ tinh, để tránh tình trạng đất trồng trọt bỗng biến thành đất xây dựng một cách bất hợp pháp.

Thế nhưng về lâu về dài thì những điều này cũng sẽ chẳng còn hiệu quả. Trung Quốc và Ấn Độ rồi cũng sẽ phải đi mua lương thực ở mức độ càng ngày càng nhiều hơn ở nước ngoài, vì dân số hai nước này ngày một tăng trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm. Bắc Kinh đã ước tính rằng họ cần phải có khoảng 120 triệu hecta đất trồng trọt để có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực quốc gia. Trên thực tế thì hiện giờ diện tích đất nông nghiệp hầu như không cao hơn mức này và mỗi ngày vẫn có nhiều mảnh đất màu mỡ biến mất dưới những lớp bê tông.

Bởi vì bất cứ mảnh đất nào có khả năng sinh ra hoa màu cũng đều bị tận dụng tối đa, nên về lâu về dài đất đai cũng bị bòn rút đến mức kiệt quệ. Hiện nay Trung Quốc là nước tiêu thụ một phần ba tổng sản lượng phân hoá học của toàn thế giới. Điều này về phần nó lại làm cho giá sản phẩm gia tăng, và đến một lúc nào đó thì ngay cả phân bón cũng chẳng còn giúp được gì nữa.

"Đa số những biện pháp nhằm làm tăng sản lượng với những phương cách đơn giản như thế đã được tận dụng hết mức", chuyên gia Jonathan Anderson của ngân hàng Thụy Sĩ USB tin như vậy. Hơn đâu hết, đất đai ở miền Bắc Trung Hoa xấu đến độ chính quyền đã ra chỉ thị không cho phép thả rong súc vật mà phải giữ chúng trong chuồng trại, để các đồng cỏ không tiếp tục bị bào mòn và qua đó cản nước mưa trôi chảy tự do.

Trung Quốc đang ráo riết tìm cách giải quyết tất cả những vấn đề này. Các chuyên gia của Bộ Thương mãi đề nghị các nhà sản xuất nông nghiệp nên đầu tư trực tiếp tại các quốc gia Đông Nam Á hoặc châu Phi, theo họ nếu có nhiều nông trại được xây dựng ở đấy thì nguồn cung ứng ngũ cốc cho Trung Quốc cũng được bảo đảm. Mặc dù ở châu Phi hiếm khi có tình trạng thặng dư sản phẩm nông nghiệp, nhưng các chuyên gia Trung Quốc vẫn có mặt để huấn luyện cho các nông dân ở đấy.

Trước đây trên mười năm, nông dân Trung Quốc đã thành lập hơn một chục nông trại ở Zambia. Họ được hưởng nhiều ưu đãi từ giới cầm quyền ở Lusaka, chịu mức thuế rất thấp và đóng vai trò là những động cơ mới mẻ thúc đẩy nền kinh tế quốc gia châu Phi này.

Tại Uganda chính quyền của Yoweri Museveni đã giao khoảng 4000 hecta đất canh tác cho 400 nông dân Trung Quốc. "Chúng tôi mang theo đến đây nhiều kinh nghiệm và máy móc hiện đại", Liu Jianjun, chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa-Phi, phát biểu đầy hào hứng. "Và chúng tôi cũng mang đến đây nhiều loại hạt giống cao cấp cho sản lượng cao hơn nhiều những hạt giống bản xứ."

Những người châu Á này hy vọng rằng những nỗ lực của họ rồi một lúc nào đấy sẽ mang lại lợi lộc, vì không phải là họ chỉ theo đuổi ở đấy những mục đích trợ giúp phát triển hoàn toàn vô vị lợi. Tại quê hương của họ, nhiều thành phố mới thành hình lấn vào đất đai thôn quê và đã xua đuổi hàng triệu nông dân ra khỏi ruộng làng của họ. Cho nên thật là tiện lợi nếu nhiều nông dân có cơ hội đi làm ăn ở xứ khác. Hiện nay đã có đến 750.000 người Trung Quốc đang làm việc tại châu Phi.

Không như ở Trung Quốc, trong khuôn khổ cải cách thị trường tại Ấn Độ vào những năm 90, hàng trăm ngàn nông dân Ấn đã rơi vào cảnh bị lệ thuộc những tập đoàn đa quốc gia. Vì được hứa hẹn bởi những điều tốt đẹp mà kỹ thuật gien sẽ mang lại, họ đã chuyển canh tác từ cây lương thực qua việc trồng trọt cây công nghiệp, chẳng hạn như cây bông sợi. Thế nhưng những loại cây này rất dễ bị sâu rầy phá hoại. Ngoài ra họ buộc phải sử dụng những loại phân bón đặc biệt, thậm chí mỗi năm lại phải mua hạt giống mới. Điều này đã đẩy hàng chục nghìn nông dân Ấn vào cảnh sạt nghiệp hoặc tự vẫn.

Ấn Độ vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói. Hiện vẫn còn 70% dân Ấn sống ở thôn quê hoặc những vùng hẻo lánh và đa số là trong cảnh bần cùng. Lượng nông sản thu hoạch hiện nay vẫn không vượt qua ngưỡng thu hoạch của những năm 70, thời điểm lần đầu tiên quốc gia này tuyên bố là đã có khả năng tự nuôi lấy mình, thế nhưng từ đó đến nay thì dân số Ấn đã tăng gấp đôi.

Từ tháng giêng năm nay, giá lương thực ở Ấn Độ đã tăng 40%, chỉ số lạm phát là 7%, thậm chí thủ tướng Manmohan Singh đã phát biểu rằng đấy là một mối đe doạ thúc bách đối với chính phủ liên hiệp của ông. Chính phủ đã có biện pháp trợ cấp cho dầu cọ và ngũ cốc nhập khẩu, đồng thời cũng ra lệnh cấm những hình thức ký kết hợp đồng đặt mua trước đối với ngũ cốc, nên nạn đói tạm thời sẽ không xảy ra. Những nhóm mao-ít như các nhóm Naxalite cực đoan đã hưởng lợi từ nhiều năm nay vì những điều tệ hại trong lãnh vực nông nghiệp và ngày càng xây dựng được thêm ở nhiều quận huyện một kiểu cơ quan hành chính không lệ thuộc vào nhà nước.

Thời gian qua, Ấn Độ cũng đã tìm cách bảo đảm vấn đề lương thực bằng những ký kết song phương, chẳng hạn như với Kazakstan. Ngoài ra nước này còn muốn "đầu tư mạnh hơn nữa ở châu Phi", theo lời thủ tướng Singh. Và những nhà cầm cương ở New Delhi cũng phản ứng khá nhanh trong việc hạn chế giao dịch lương thực như các quốc gia láng giềng. Vào đầu tháng ba họ đã ra lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo, điều này có nghĩa là những hạt gạo thu hoạch năm nay ở Ấn Độ, một trong những vụ thu hoạch tốt nhất từ nhiều năm nay, sẽ không có mặt trên thị trường thế giới. Loại lương thực cơ bản quan trọng nhất đối với khoảng 4 tỷ người châu Phi và châu Á này có lúc đã được bán với giá trên 1000 đôla mỗi tấn.

Hiện nay chủ yếu chỉ có những kẻ đầu cơ và những nhà sản xuất lớn là được hưởng lợi từ tình trạng mới mẻ trên thị trường lương thực thế gíới này: số cung bị hạn chế do do việc đình chỉ xuất khẩu ở nhiều nước, lượng lương thực có mặt trên thị trường thì bị mua theo kiểu giành giật vơ vét, những chuyển đổi kinh tế ở Ấn Độ và Trung Quốc với những nhu cầu mới về lương thực ngày càng có những tác động lớn lên thị trường thực phẩm thế giới. Người ta chưa thấy lối thoát cho vấn nạn này.

Giá gạo tăng cao cũng đã khiến cho lòng tham bị đánh động theo một kiểu khác, chẳng hạn như mới đây ở Thái Lan kẻ cắp đã xuất hiện vào ban đêm để trộm sạch những ruộng lúa chưa gặt. Một nông dân ở tỉnh Sing Buri phát giác ra vào sáng sớm là chỉ sau một đêm cánh đồng lúa của ông đã bị gặt trụi. Chắc chắn đám cướp này gồm nhiều người và hẳn là bọn họ cũng có cả xe máy kéo, nông dân này than thở: "Lúc giá gạo xuống thấp thì hầu như chúng tôi không có thu nhập, và lúc giá tăng cao thì chúng tôi lại bị ăn cướp."

Giờ đây ở Sing Buri nông dân phải tự cứu lấy mình bằng cách ban đêm chia nhau thức canh các thửa ruộng của mình, để cùng lắm có thể đuổi được những kẻ cướp địa phương muốn hưởng lợi từ tình trạng khủng hoảng lương thực thế giới hiện nay.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Der Spiegel, Số 18 - ngày 28.04.2008 ("Kultur des Todes")