Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!
Nghĩ lai rai – Ba mốt 1. Hãy thả hồn về dĩ vãng... dĩ vãng êm đềm...
Cái thuở bần tăng mới bể tiếng, mới nhổ giò, mới biết trét bidăngtin lên tóc, biết bận cái quần
din xanh lè đầu đời để làm cao bồi hương thôn, biết liếc gái, biết rung động vì yêu nữ, và biết... làm thơ! Đâu khoảng 14 hay 15 tuổi gì đó – nhưng cũng có thể sớm hơn nữa không chừng.
Mà một khi đã rớ tới thơ rồi là không bỏ được nữa. Kể từ đó bần tăng làm thơ dài dài cho tới 18, 19 tuổi. Rồi 20, 21, 22 tuổi… May quá! Mọt mối không biết từ đâu bỗng kéo tới thanh toán những tập thơ đầu đời giùm bần tăng – ăn nhằm loại thơ này ắt khó tiêu là cái chắc! Gẫm ra, con sâu cái kiến cũng có chỗ đắc dụng của nó. Mới biết cái Lẽ Trời vốn nó huyền diệu khôn cùng.
Kìa thế cục như in giấc mộng / Máy huyền vi mở đóng khôn lường! Mới thấy (thơ) đó, bỗng rồi mất (thơ) đó.
Cho tới năm 26 tuổi thì bởi trót nghe theo lời (u mê) xúi dại của bạn bè, bần tăng cho in tập thơ đầu tay
Điệp khúc tình yêu và trái phá – cái tựa mới nghe qua đã mệt cầm canh! Hơn nữa, đã thơ mà lại còn là thơ “tự ro”, muốn viết sao đó thì cứ viết, người đọc phải rán cắn răng mà chịu.
Trong tập có bài “Con vịt sở thú”, hoàn toàn tự ro… như cánh vịt giời. Đại khái bài thơ ta thán nỗi đau khổ rất hiện sinh phi lý rong rêu của một con vịt cù lần bị nhốt chung với con già đãy hói đầu (rất khoái siêu hình), con công xoè múa (vươn tới cái đẹp), con đà điểu gân guốc (xưng tụng anh hùng), con gà trống ham gáy (ca ngợi tình yêu), con hạc trắng ngóng trời (đi tìm Thượng đế). Và kết thúc:
con vịt chắp tay sau đít đi vòng vòng ngắm những chấn song sắt mà nhức đầu, nó đến bên hồ vốc nước rửa mặt, nó nắm chặt tay lại và nước chảy hết ra ngoài, nó nhìn nó dưới nước nhăn mặt thè lưỡi nói cạp cạp cạp cạp… cặp cặp cặp cặp… cặcặcặcặp… rồi lăn ra cười, cười chảy cả nước mắt nước mũi.
2. Không hiểu vì lẽ nào mà ngay từ những tuổi hai mươi, bần tăng đã bắt đầu nghi ngờ
trí tuệ con người và dị ứng với những thứ gì mà trí tuệ
bày đặt ra (có phải mơ hồ thấy đó toàn là
hoang tưởng?) Cũng may thời đó chưa có “đỉnh (cứt) cao trí tuệ”. Nếu có, chắc là bần tăng đã tiêu tùng xí quách trong trại cải tạo. Quả thật là “đầu xanh vương khổ hận”! Một mầm non văn nghệ chưa lên mà đã… xuống. “Vừa mới chớm yêu em đã biết sầu!”
Rủi thay bài “Con vịt sở thú” lại lọt vào mắt xanh của một nhà thơ rất là “rằng nghe nổi tiếng cầm đồ” thời đó. Nhà thơ bèn nhăn mặt cau mày và buông lời cằn nhằn có ý trách móc sao người mần thơ trẻ tuổi đã dám coi thường trí tuệ và dám hỗn láo buông tiếng kêu
cặcặcặcặp trước những
bàn thờ vốn đã được nhân loại khổ công gầy dựng bằng (đỉnh cao) trí tuệ từ bấy lâu nay. Vì bần tăng chỉ mần thơ theo cảm tính thôi nên không có đưa ra lập luận gì cứng như bê tông để binh vực cho cái ý nghĩ mơ hồ của mình.
Rồi thời gian trôi qua… trôi qua mau… trôi qua rất mau… Mãi đến 40 năm về sau, tình cờ đọc tạp chí
Văn thấy nhà thơ năm xưa, đến gần cuối cuộc đời, đã phát biểu: « Và nói trí tuệ là nói vô cùng, nói đảo điên, nói xuôi nói ngược đều được.
Càng ngày tôi càng coi thường trí tuệ". "Coi thường", vậy hả? Người có nói lộn cho người nói lại. Trước kia người coi trọng trí tuệ, bi dờ người coi thường? Mới biết đâu phải chỉ có những tư tưởng lớn mới gặp nhau. Những tư tưởng nhỏ cũng cụng đầu nhau chan chát toé khói đều đều.
Coi thường trí tuệ! Dù có
hơi muộn, nhưng cũng tốt thôi. Cũng đủ để cho người ngậm cười (khúc khích) một cách hồn nhiên nơi chín suối… Lồ Ồ.
3. Khi nói tới
trí tuệ thì người ta thường liên tưởng tới
thông minh. Như thể trí tuệ tự nó là
thông minh vốn sẵn tính trời. Một trong những định nghĩa: Thông minh là khả năng giải quyết vấn đề. Đã có lần bần tăng hạ bút:
Một mình nó, trí thông minh không giải quyết được gì hết. Nó tạo thêm vấn đề nhiều hơn là giải quyết. Theo chỗ bần tăng trộm nghĩ thì trong thời điểm hiện tại, con người chỉ mới bò lên được tới trình độ
khôn vặt chớ chưa đạt tới cái thông minh
thực sự. Khôn vặt là loại thông minh nhỏ, gần với tiểu xảo, loại trí khôn chỉ nhằm phục vụ cho mình và bè đảng mình. Dĩ nhiên, thông minh là một vấn đề gây ra nhiều cuộc tranh cãi bất tận. Dài dòng lắm. Nói chuyện thực tế có lẽ dễ hiểu hơn.
Lần vừa rồi bần tăng về thăm quê hương, có con nhỏ cháu dâu Bắc cờ than phiền là thời buổi nầy nó cứ bị bà con ngoài Bắc vô Sài Gòn gạt gẫm hoài, mặc dầu (mặt mỡ) nó rất là đề cao cảnh giác. Bần tăng an ủi nó chiếu lệ và căn dặn: “Bởi có tin nên mới bị gạt”, nó chớ nên để cho người khác lung lạc bằng những lời hứa nhăng cuội. Nó ngẫm nghĩ một hồi rồi buông ra phán xét (cuối cùng): “Người nào gạt được mình là người đó
thông minh!” Bần tăng la lớn: “Là phường gạt gẫm điếm đàng chớ thông minh con mẹ gì! Nó đã lường gạt mình mà mình còn sụp lạy ca tụng nó. Cái gì mà quái gở vậy?” Bần tăng nổi sùng quạt cho nó một trận tơi bời hoa lá cành. Nó than phiền với thím Sáu: “Chú Sáu khó quá!” Rồi tới phiên vợ ta quạt lại ta trả thù – mát quá mát!
Chưa hết. Bận nọ bần tăng luộc một con vịt béo rồi kéo một thằng bạn hoạ sởi lẩm cẩm tới nhậu chơi cho vui. Chuyện vãn, nó than phiền là đã bị một thằng điếm ba da văn nghệ rủ hùn vốn làm tạp chí và đã gạt gẫm nó ba bốn bận rồi. Bần tăng tức quá: “Gặp tao tao đánh bỏ mẹ! Sao mà mầy cù lần quá vậy? Không dám chửi nó một tiếng nào hết?” Nó đáp tỉnh bơ: “Tại tao
khiêm nhường”. Thiệt hết cỡ nói! “Tại mầy nhu nhược thì có!” Ngẫm nghĩ sao, nó lại bồi cho bần tăng thêm một đòn chí tử: “Thằng nào gạt được tao là thằng đó
thông minh!” Nữa, lại thông minh nữa! Y chang như con nhỏ cháu dâu Bắc cờ. Bần tăng lại tái bản hung hăng con bọ xít lần nữa. Và vì tức cành hông nên bỏ ăn… thịt vịt luôn.
“Thông minh” ? Mẹ rượt! Thiệt tình hiểu không nổi. Có lẽ người bị gạt muốn ám chỉ “cái thằng gạt tui nó khôn hơn tui” để nâng cấp trí tuệ của mình lên lai rai hầu gỡ gạc lại chút đỉnh danh dự (!) chăng? Nôm na: cho đỡ mất mặt bầu cua. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Giờ nói chuyện lớn hơn: chuyện quốc tế.
4. Trở lại cuộc chiến Mỹ – Quốc – Cộng vừa qua. Tới đầu những năm 70 thì cuộc chiến bắt đầu kết thúc. Hoà đàm được mở ra tại Kinh đô Ánh sáng Paris. Phía Mẽo có ngoại trưởng Kissinger. Phía cộng sản Bắc Việt có ngoại trưởng Lê Đức Thọ. Dĩ nhiên còn có phe Quốc gia và MTGPMN tham dự. Bốn phe phải mất gần một năm trời để cãi nhau về hình dong cái bàn hội nghị (tròn, vuông, dài, méo, tam giác, bầu dục, khoanh vòng...) và phe nào ngồi chỗ nào, ngồi đâu, phía sau hay phía trước. Dĩ nhiên, trong khi đó thì binh sĩ và bộ đội tiếp tục chết tự nhiên, chết dài dài, chết nhăn răng trên chiến trường Việt Nam. Nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Mầy muốn chết cho mầy chết luôn!
Hoà đàm đang diễn tiến thì Kissinger đi đêm thậm thụt nói chuyện lén với Trung cộng. Và năm 72 thì cái tên thuộc nòi “bán Chúa” này đã dắt Nixon đi gặp Mao xếnh xáng tại Bắc Kinh, luôn tiện tính chuyện bỏ đứt miền Nam cho cộng sản xơi tái. Chưa hết. Song song với chiến trường Việt Nam, đồng thời còn có chiến tranh Trung Đông giữa Do Thái và Palestine (Á-rập). Mỹ đứng về phía Do Thái, dĩ nhiên. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Về bản chất thì Mẽo vốn cũng là một dòng Do Thái cách tân và cùng thờ chung một tôn giáo:
Thờ Tiền. Tên Kít bèn đội “da cu lên đầu” và vận động với quốc hội Mẽo nhằm chuyển ngân khoản viện trợ quân sự cho miền Nam sang yểm trợ cho mặt trận Do Thái. Thuật ngữ chính trị: làm
lobby. Với hai đòn hèn đó của tên bán Chúa thì việc gì phải đến tất đến: Miền Nam mất vào tay cộng sản Bắc Việt năm 75.
Cái màn “hoà đàm Paris” là chỉ nhằm để che mắt thiên hạ và ru ngủ dư luận quốc tế. Tới năm 73 thì “Hoà ước” (!) được ký kết. Thọ và Kít được trao giải Nobel Hoà bình một triệu đô chia hai. Hai con buôn quốc tế bắt tay nhăn răng cười hả hê tại bàn hội nghị Paris cho phóng viên chụp hình lưu niệm để đời. Kít bỏ túi khỉ 500 ngàn đô. Thọ được Đảng ta chỉ thị không cho nhận tiền vì Bắc Việt còn đánh nữa chớ hoà bình con mẹ gì! Xơi trọn miền Nam còn ngon lành hơn gấp triệu lần cái món tiền lẻ tẻ 500 ngàn đô. Được tin Thọ “em chả! em chả!”, Kít lỡ bộ nên cũng giả đò đem tiền Nobel hoàn lại cho khổ chủ - thuở đời Do Thái mà chê tiền (như Chệt chê mì), tin nổi không? Kít dư biết, khi nhận tiền Nobel là hắn ta đã cam kết không được trả lại. Thì cũng lại giả đò bấm bụng và muối mặt mà nhét 500 ngàn đô trở lại túi khỉ lần nữa chớ sao. Tiền mà, đâu có mùi miếc gì đó mà sợ. “Ê! Có chớ. Mùi máu của lính miền Nam!” Thật là xứng mặt với cái lời dặn in trên tiền đô Mẽo:
“In God we trust. The others pay cash” Tuy nhiên, bần tăng gợi lại mấy trang huyết sử vừa qua không phải nhằm để nhắc nhở cái chuyện “Kít ăn dơ” 30 năm về trước, chuyện mà hầu như bà con ta ai nấy đều đã biết. Cái sự thể về sau nó còn
tức ói máu hơn nhiều.
5. Năm 75, miền Nam mất vào tay Bắc Việt. Cộng sản tràn chiếm trọn lãnh thổ, từ ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau (Cà lẹ?). Việc đầu tiên của phe chiến thắng:
Trả thù! Trước hết chiếm nhà cửa, chiếm đất đai, chiếm tài sản, chiếm vợ con phe chiến bại. Kế đến, hốt hết những thành phần bị xếp vào hàng
“Ngụy quân”: quân nhân, công chức, nghệ sĩ, đối lập, tình nghi… tống tuốt tuột vào các trại
“cải tạo” để bắt học tập cách mạng. Ai nấy đều đã biết rõ, tưởng không cần nhắc lại.
Trong số những người bị hốt, có đông đảo thân hữu của bần tăng, trong đám có một nhân vật rất đáng chú ý. Bạn ta vừa là sĩ quan vừa là một nhà thơ cũng thuộc hạng “rằng nghe nổi tiếng cầm đồ” trong giới cầm bút ở miền Nam thời đó. Bạn ta bị giam rất kỹ ở những trại cải tạo càng lúc càng xa mút tí tè, ra tới tận miền Bắc, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Kay… Đằng đẵng mười mấy năm trường. Nhiều lần tưởng đã bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc. Có lúc bị lôi ra toà để chờ lãnh án tử hình. Thế nhưng, nhờ có chân mạng đế vương nên bạn ta còn sống sót để mà ngó mặt trời. Sau đó, nhờ sự can thiệp của các hiệp hội quốc tế, của chính phủ Mẽo và sự tận tâm của các bạn bè nên bạn ta được móc ra khỏi trại cải tạo và đưa sang Mỹ tị nạn.
Sau khi định cư và đoàn tụ với vợ con đình huỳnh tại Mẽo được vài năm, bạn ta bèn làm một chuyến viếng thăm Âu châu. Nhân tiện ghé Paris chơi, và tấp vào tịnh xá của bần tăng mà thăm dân cho biết sự tình. Gặp nhau, tay mặt bắt tay trái, mừng lắm. Rồi nhậu nhẹt, dĩ nhiên. Nói chuyện bù khú. Nhắc lại chuyện năm xưa hồi lâu, bạn ta bỗng nghiêm giọng và buông lời vàng ngọc: “Trên thế giới này có một nhân vật rất là
thông minh”. Bạn ta ngừng một chút. Ta chờ đợi. Bạn ta bèn dứt điểm:
“Đó là Kissinger!” Trời hỡi!
Kissinger mà là đệ nhất thông minh? Bần tăng thiếu chút nữa đã hét lên một tiếng lớn mà té nhào xuống ngựa, hộc máu có chậu như Châu Du. Lại
“thông minh”! Mà lại là tên bán Chúa,
bán luôn miền Nam và đưa bạn ta ở tù mút chỉ hơn mười mấy năm dài. Bây giờ bạn ta nỡ đành sụp lạy và tôn vinh cái tên Kít “đội da cu” lên hàng thông minh quốc tế! Thiệt không tưởng nổi! “Trời cao có thấu! Cúi xin người ban phước cho đời con”.
Tuy nhiên, vì là bạn lâu năm mới gặp lại nên bần tăng không tiện đốp chát. Dù vậy, trong bụng mình bần tăng cũng hầm hầm muốn tống ra một câu: “Mẹ rượt! Cái mửng nầy, thằng Kít nó có bán đứng vợ con mầy cho con mụ Tú Bà chắc mầy sẽ còn bốc thơm nó
thông minh hơn lên thập bội!” Mẹ rượt và mẹ rượt! Sao
trí tuệ con người nó
thúi tha tới mức đó? Vậy mà là
đỉnh cao đấy, đừng có giỡn mặt tử thần. Mẹ rượt!
6. Sẵn bàn về trí tuệ và thông minh thì hãy bàn cho tới bến.
Đây nói qua về
Truyện Tam quốc, cái thời – Xứ Giữa của Ba Tàu được chia ra làm ba nước, theo thế chân vạc: Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, mỗi ông Chệt hùng cứ một phương. Gia cát Lượng, tự là
Khổng Minh theo phò Lưu Bị vào thời Hán mạt, làm quân sư. Khổng Minh mưu trí hơn người, làu thông quá khứ, đoán được tương lai, giỏi thiên văn địa lý, điều binh khiển tướng như thần, chiến thắng nhiều trận ngoạn mục.
“Mưu kế Khổng Minh!” Địch quân nghe tới là sợ toé khói, vắt giò lên cổ mà chạy. Khổng Minh đã từng bày mưu xúi Tào Tháo lập trận Xích Bích để đốt Tào Tháo cháy rụi hết râu. Tào tặc bỏ chạy tắt qua ngã Huê Dung để mong tẩu thoát. Đã đoán biết trước như vậy nên Khổng Minh sai Quan Vân Trường chận đón Tào A Man tại Huê Dung đạo hầu mượn đỡ cái đầu Tào tặc về cho Lưu Bị đội nón. Tào Tháo phải xuống ngựa kể lể ân tình ráo hết nước miếng và lạy sói trán mới được Quan Công tha mạng. Đời sau, đại thi hào Đỗ Mục có tới thăm Xích Bích và cảm khái đề thơ:
Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu / Tự tương ma tẩy nhận tiền triều / Đông phong bất dữ Chu lang tận / Đồng tước xuân thâm tỏa nhị Kiều. Chu lang nói trong thơ đây là Chu Du (hay Châu Do), đô đốc kiêm quân sư rất giỏi theo phò tôn Quyền trấn giữ đất Ngô. Còn nhị Kiều là hai cô em gái xinh đẹp của Tôn Quyền: Tiểu Kiều là vợ Chu Du, và Đại Kiều thì còn đang kén chồng có máu mặt trong thiên hạ. Tôn Quyền bèn đem cô Đại Kiều ra dụ khị Lưu Bị sang đất Ngô cưới về làm vợ hầu bắt cóc đối thủ giết đi để trừ hậu hoạn, theo kế bày của Chu Du. Dè đâu Khổng Minh lại trở mưu “gậy ông đập lưng ông”, sai Triệu Tử Long theo phò Lưu Bị sang đất Ngô. Sau đó gạt cả Tôn Quyền lẫn Chu Du cướp được nàng Đại Kiều về làm vợ (thứ ba) cho Lưu Bị, khiến cho Chu Du tức ói máu. Chưa hết. Sau này, Khổng Minh còn bày mưu gạt và chọc quê Chu Du hết mức thêm hai lần nữa. Lần cuối cùng, Chu Du tức quá phải ngửa cổ lên trời mà hét lớn:
“Thiên sanh chi Do hà do sanh Lượng!”, có nghĩa là trời đã sanh Châu Do sao lại còn sanh chi Gia cát Lượng? Hét xong bèn té nhào xuống ngựa hộc máu có chậu mà thác. Vì thế, nghe tới
“mưu kế Khổng Minh” đã từng gạt đối phương nhiều phen chí tử, thiên hạ sợ vỡ mật xanh là cũng bởi lẽ đó. Bận nọ, các tướng thủ thành cho Lưu Bị đều xuất trận đi xa hết ráo. Địch quân biết được, kéo tới vây đánh thành, Khổng Minh bèn bình tĩnh lấy thang máy lên lầu cao chót vót. Đoạn cho thắp đèn nê-ông sáng trưng quanh chỗ mình ngồi. Xong, quân sư mở hộp đờn lôi ra cây vĩ cầm cũ mèm mà kéo vi vút một bài
“Khổng Minh toạ lầu” tỉnh bơ. Kéo tới kéo lui nhiều bận. Ấy vậy mà không một tên địch nào dám cả gan tiến vô thành. Bởi lẽ địch quân sợ quân sư dụ cho lọt ổ phục kích thì bỏ mẹ cả đám – trước đó phe địch đã từng bị Khổng Minh gạt như vậy rồi nên còn tởn cho tới bi giờ.
“Một lần tui tởn tới già / Đừng đi nước mặn mà hà ăn chưn!” 7. Khổng Minh gạt được hết mọi người, vậy mà trong suốt thời Tam quốc duy có một người độc nhứt gạt được Khổng Minh:
Lưu Bị! Không gạt ra mặt mà là gạt ngầm, gài bẫy khiến cho quân sư bị
“kẹt” đành phải theo phò Lưu Bị suốt đời. Mà đâu phải chỉ có mình Khổng Minh bị “kẹt”. Kẹt dài dài, kẹt cả đám. Tất cả các tướng giỏi theo phò Lưu Bị sát cánh đều bị kẹt mà quên mình, quên cả vợ con. Không phải quên mà là “bỏ hết” chuyện lấy vợ đẻ con.
Trong trào “mạt Hán”, duy chỉ có mỗi một mình Lưu Bị là có vợ. Không phải chỉ một vợ mà là có tới hai bà xã, một lớn một nhỏ – và sau này còn cưới thêm nàng Đại Kiều đất Ngô về làm vợ thứ ba! Do đó mới có sự tích
“Quan Công phò nhị tẩu”, có nghĩa là Quan Công cắp thanh long đao theo phò hai bà chị dâu, hầu đem hai bà về cho Lưu Bị hú hí. Ban đêm Quan Công phải chong đèn đọc sách suốt sáng, sợ thiên hạ dị nghị mình cắm sừng ông đại ca. Sau đó ba anh em kết nghĩa Lưu Quan Trương và nhị tẩu bị Tào Tháo đánh cho một trận tan tành xí quách, thất lạc tứ tán.
Hai bà vợ của Lưu Bị bồng đứa con trai nhỏ (ấu chúa) chạy lạc. May nhờ có Triệu Tử Long cang cường bám sát bảo vệ và giải cứu. Trong lúc hỗn loạn, bà vợ lớn bị thương, bèn giao ấu chúa cho Triệu Tử Long bọc lại, buộc chặt vào bụng mình. Xong bà nhảy xuống giếng tự tử để khỏi làm bận bịu tướng quân. Triệu Tử Long phải liều chết xả thân chém giết tưng bừng, máu nhuộm đỏ giáp trắng (lúc đi
bạch giáp, lúc về
hồng giáp) trong trận Đương Dương Trường Bản mới bảo vệ được ấu chúa an toàn đem về cho Lưu Bị… nựng. Lưu Bị mở bọc vải ôm con khóc lóc và buột miệng than:
“Thiếu chút nữa vì mi mà ta đã mất một tướng tài!” Than xong, bèn liệng ấu chúa ra phía sau. Triệu Tử Long đứng sẵn phía sau bèn hoảng hồn phản xạ dang hai tay ra chụp được ấu chúa, như thủ quân thiện nghệ chụp được quả bóng bất thần – Lưu Bị đã thừa biết trước! Triệu tướng bèn lật đật sụp lạy mà năn nỉ Lưu Bị chớ nên làm tổn thương ấu chúa, hầu có người để nối nghiệp sau này. Thiệt hết cỡ nói!
Lưu Bị có tới ba cái gối ôm nơi phòng the, còn các tướng thì sao? Khổng Minh: không vợ! Quan công: độc thân! Trương Phi: cà nhỏng chống xâm lăng! Triệu Vân: sầu ôm gối chiếc.
Người đà yên phận tốt (ba) đôi / Riêng tui lẻ bóng mồ côi một mình. Khi các tướng qua đời hết rồi là kể như đứt chến, không người nối dõi. Tuy nhiên, chỉ một mình Quan Công có được một thằng con trai độc nhứt là Quan Bình. Không phải con rơi mà là con nuôi.
Trở lại chuyện cái ông quân sư và chuyện thông minh cho nó khỏi lạc đề. Một bận nọ, bần tăng họp bạn nhậu nhẹt và nói chuyện trời trăng. Rồi bắc sang nói chuyện Tam quốc. Và chuyện “mưu kế Khổng Minh”, dĩ nhiên. Ai nấy đều hết lời ca ngợi chước quỉ mưu thần của Gia cát Lượng – mặc dù
thương ông Gia cát tài lành / Gặp cơn Hán mạt phận đành phui pha – và khen quân sư là người
thông minh đệ nhứt thiên hạ. Bần tăng bèn cất giọng ba ngù: “Nhưng Khổng Minh là một tên
điếm!” Mọi người nhốn nháo phản đối. Bần tăng giải thích lằng nhằng: “Cha nội nầy chuyên môn gạt gẫm thiên hạ, không phải
điếm thì là cái gì?” “Nhưng đó là mưu kế.” “Kế gì thì kế, cũng đều nhằm gạt gẫm thiên hạ hết ráo, không phải vậy sao? Mà một khi đã gạt gẫm thiên hạ rồi thì gọi là điếm, không phải sao?” “Ối! cái thằng nầy nói ngang, ba làng nói không lại!” Nói ngang, vậy sao?
Bần tăng gãi đầu, lên tiếng hỏi: “Giả thử bây giờ Khổng Minh đứng ra làm chủ hụi và gọi tay con, có thằng nào ở đây dám vô một chưn không?” Im lặng. Hỏi tiếp: “Nếu Khổng Minh mở
casino, có thằng nào dám vô đánh bạc không?” Vẫn im lặng. Lại hỏi: “Nếu Khổng Minh rủ hùn hạp làm
bizinết, có thằng nào dám bỏ vốn ra hùn không?” Lại im lặng. Tuy hỏi khó vậy, chớ trong thâm tâm mình, bần tăng lại trộm nghĩ: nếu thử thời bây giờ Khổng Minh bỗng nảy ra sáng kiến lập kế để đi ăn cướp nhà băng thì là bần tăng theo liền. Và nếu Khổng Minh bỗng nảy trong đầu âm mưu mở hãng bảo hiểm, bần tăng cũng ô kê và theo luôn. Và còn nhiều chuyện khác nữa, Khổng Minh rủ theo là bần tăng cũng sẽ vô cùng hồ hởi. Chẳng hạn như xổ đề, lắc bầu cua, quăng bài ba lá, tổ chức bầu cử... Ối thôi, thiếu gì! Tuy nhiên, nếu khen mấy thằng lường gạt – trong đó có Khổng Minh, có Kissinger, có Bush con, có thằng điếm ba da... – là
thông minh, thì bần tăng sẽ phản đối tới cùng. Chết bỏ!
8. Trở lại thời kỳ hiện đại (trước khi vọt sang thời hậu hiện đại). Chuyện đâu còn có đó, đừng có gấp quá mà vấp té trước cái ngưỡng cửa “tình dục tân kỳ”.
Ai cũng biết ở xứ Tân Tây Lan đồng cỏ bát ngát nên có nuôi rất nhiều cừu. Nuôi cừu một mặt để ăn thịt cừu cha cừu con, mặt khác để hớt lông cừu biến chế thành len may mặc. Lông cừu Tân Tây Lan rất tốt nên xuất cảng khá nhiều sang Pháp – cái xứ nổi tiếng về thời trang. Len được tung ra thị trường dưới hai dạng: len thường có lẫn lộn chất lạ, và len tinh khiết chỉ gồm toàn là lông cừu thứ thiệt. Pháp gọi loại len này là
laine vierge, có nghĩa là
len trinh nữ, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Do đó nên mới có câu đố: “Khi nào thì có được
len trinh nữ ?” Rồi lần nọ, một thằng cù lần không nắm vững vấn đề đã đáp rất là gà mờ: “Khi nào có được
len trinh nữ à? Thì khi nào mấy con cừu cái chạy lẹ hơn cái thằng chăn cừu!”
9. Lần nọ, trong một buổi ra mắt sách, bần tăng đã phát biểu: “Tôi chỉ thích viết về những đề tài mà tôi có thực sự trải nghiệm và có sống thực. Vì vậy, có hai đề tài mà tôi thường viết tới, đó là
đàn bà và
quê hương”.
Về nhà, nằm đêm gác chưn lên trán nghĩ lại thì tuy nói là hai vấn đề, nhưng thiệt ra chỉ có một mà thôi. Bởi lẽ đàn bà, nghĩ cho cùng, cũng là quê hương của bần tăng. Có lần bần tăng đã viết trong một bài thơ của mình:
Anh cám ơn các nàng đã cho anh mượn thân thể để anh cư ngụ. Ấm no là cái chắc! Ôi cái quê hương yêu dấu! Vô đó ở rồi là hết muốn ra luôn. Tử thủ. Chết bỏ! Bởi vậy, khi thiếu vắng đàn bà là bần tăng đứng ngồi không yên, bần thần suốt buổi, bể nghể cả ngày. Gẫm ra mới biết, ấy là do bởi
“xa quê hương nhớ mẹ hiền!” mà ra hết cả. Trong người bần tăng có một thằng con nít nhớ má kinh niên. Cũng như lão ngoan đồng Châu Bá Thông trong truyện Kim Dung vậy đó. Từ ngày xưa, ngay ở bậc tiểu học, sách Quốc văn giáo khoa thư đã có dạy rằng:
Chỉ có quê hương ta là đẹp hơn cả. Chí lý! Chí lý!
10. Ông già của bần tăng là một nhân vật ly kỳ, rất ư là quá cỡ... thợ mộc! Nói hoài không hết. Mà bần tăng có tới hai ông già (chết cha!): một ông già vợ khoái đá gà, và một ông già ruột khoái đá vịt.
Một bận nọ, tới nhà thăm anh suôi thấy ông đang ngồi chuốt cựa gà nòi đá độ ngoài sân nắng, ba tôi kề tai ông nói nhỏ: “Anh theo tui đi
đá vịt vui hơn” Đá vịt? Ông già vợ tôi tưởng anh suôi mình nói lộn, cho nói lại. Ba tôi vẫn nhứt quyết là “đá vịt” chớ không phải “đá gà”. Ông kề tai anh suôi bổ túc thêm chi tiết: “Bà Tư Cắc kè ở xóm tui mới có mấy con
vịt mái tơ ngộ lắm!” Bấy giờ ông già vợ tôi mới “À” lên một tiếng bồi hồi và chợt hiểu ra.
Chưa hết. Hồi ở Xóm Mới xó xỉnh tại Bạc Liêu, nhà bần tăng có nuôi nhiều gà vịt, trong đó có con vịt xiêm đực Đại Bàng mắc chứng cuồng dâm. Gà vịt heo ngỗng gì, bất luận trống mái, đều bị Đại Bàng ta hiếp dâm hết ráo. Bận nọ, bà chủ cho gia đình bần tăng mướn nhà ngồi khuất trong lùm cỏ cao “giải thuỷ”, tưởng đà yên chí. Dè đâu Đại Bàng nằm vùng sẵn ở đó tự bao giờ, bèn đưa mỏ cứng ướm thử cái bàn ngồi của bà chủ một phát. Bà hoảng hồn la làng chói lói, rồi phủi đít chạy vô nhà méc má bần tăng là bà bị con vịt xiêm phải gió của gia chủ nó rỉa. Ba bần tăng che miệng cười và nói nhỏ với anh Hai bần tăng: “Gặp tao tao cũng rỉa nữa, huống hồ là con vịt!”
Thiệt tình! Cái ông già thợ mộc nầy thiệt là… quá cỡ thợ mộc!
© 2008 talawas