trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
3.4.2008
Nguyá»…n Danh Lam
Ghi rời cùng Op
(Tham luận tại hội thảo “Orhan Pamuk - giữa Đông và Tây” do Công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam tổ chức ngày 11.3.2008, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ sách TPHCM lần thứ 5)
 
Cầm Op trên tay lần đầu. Tự hỏi mình đã biết gì về Thổ? Đầu tiên là hồi ức, những năm cuối 70, đầu 80, một chiều thứ Bảy nào đó nghe vang vang trong gió: Vào lúc mười chín giờ tối nay, mời đồng bào đồng chí đến bãi chiếu bóng thị xã B, đón xem bộ phim truyện mầu chiến đấu của Ru-ma-ni (mơ hồ nhớ thế) - Ngôi sao thành Êghe, rồi Ngọn giáo Thổ Nhĩ Kỳ (mơ hồ nhớ thế)… Cả xóm xôn xao, cả thị xã bàn luận, con nít dàn quân cầm gậy đứng trên tường nhà, phía dưới là lớp lớp những kẻ thù tưởng tượng xếp thành hàng ngút đến tận chân trời, gươm giáo dựng ngược, giáp trụ sáng lòa… Hãy tiêu diệt quân Thổ!

Hình như là 1983- 1984, bố cầm ở cơ quan về một cuốn sách, giấy đen, bìa nhàu, gáy choãi… bởi đã qua tay cả trăm người đọc, từ những ông trí thức mắt cận má hóp, đến những bà suốt ngày săn tin cửa hàng nào có đậu phụ bán phiếu… đều say mê, khoái chí chuyền tay: Cuốn này trước bị cấm đấy, giờ mới in, ha ha sao mà giống thế, này nhé: xếp hàng mua mũ, mua than... cứ gọi là y hệt, chả trách bị cấm. Những người thích đùa - A zít Nê xin…

Chỉ có thế.

Cho đến hôm nay cũng chẳng khá gì hơn. “Mại mại” nhớ một miền đất nằm đâu đó giữa Địa Trung Hải và Biển Đen. Có đế quốc Ottoman. Hải cảng ConstantinOple. Vài câu lạc bộ bóng đá ở tầm cỡ, nhìn chung, ra đến cúp châu Âu là nhận ba trận thua ngay từ vòng bảng. Nhưng đội tuyển quốc gia lại đá rất khó chịu. Thủ đô là Istanbul thì phải, sau tra mới biết, đây chỉ là thành phố lớn nhất nước, thủ đô nằm ở Ankara…

Nhìn qua bản đồ châu Á, nếu xem một phần lục địa Á - Âu này là hình chữ nhật, thì Thổ nằm đối diện Việt Nam qua cạnh đáy. Nếu nói đấy là cái mỏm nối liền giữa những nền văn minh lớn ở trên và ở ngang cũng phải, mà nói đấy là miền đất sẵn sàng bị những đế quốc hất bay ra biển cũng chẳng sai. Lịch sử đôi bên thấm đẫm gươm đao. Chinh phục và chống cự, mở và đóng, giao lưu ảnh hưởng và bị “tẩy não” áp chế… Lật Biểu đồ những nền văn minh trên thế giới từ 3.500 trước công nguyên đến năm 2000 công nguyên và danh mục Những nền văn minh đã phát triển trong A Study of History của sử gia Arnold Toynbee. Bàng hoàng, nở mũi, có tên Việt Nam nguyên vẹn trong phần B - Những nền văn minh vệ tinh, còn Thổ Nhĩ Kỳ… chẳng thấy ở đâu cả! Danh tiếng Ottoman kinh hoàng trong lịch sử thế giới, vậy mà chẳng có mặt trong “biểu đồ văn minh” sao? Ngẫm đi ngẫm lại, dò tới dò lui, chợt thấy hai cái tên Hy Lạp và Syrie đều có trong danh sách, nằm ở phần A - Những nền văn minh đã phát triển. Mà Hy Lạp và Syrie là hai cái tên “kẹp” Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa, hay nói cách khác là nối liền nhau, chỉ qua một đoạn hở nhỏ Địa Trung Hải. Họ đấy!

Nào, giờ thì bắt đầu Tên tôi là Đỏ. Thấy chữ đỏ là liên tưởng liền: Máu! Đúng ngay những dòng đầu tiên: Bây giờ tôi chẳng là gì cả ngoài một tử thi, một cái xác dưới đáy một cái giếng… Khi rơi, cái đầu tôi, vốn bị hắn đập bằng một hòn đá, đã vỡ toác, khuôn mặt tôi, cái trán và hai má, bị giập nát; nhiều xương bị vỡ vụn, và miệng tôi đầy máu. Nghe loáng thoáng đây là một… tiểu thuyết trinh thám, vào phần đầu lại liên tưởng ngay đến “cấu trúc Hollywood”, vừa nhấn phím play trên remote là “pàm pàm pàm”, máu văng đầy tường, đầu vỡ toác, tiếng xe cảnh sát và cấp cứu rú lên… Cứ thế đã, hấp dẫn ngay cái đã, run lên ngay từ đầu cái đã! Thoáng nghĩ trong đầu: Thằng cha này cũng… muốn bán sách đây!

Tiếp sang chương hai, một nhân vật nữa xưng tôi. Tò mò lật tiếp vài chương kế, cũng vẫn xưng tôi. Chẳng lạ, cái “kiểu” này đã gặp trong Yabu No Naka (nổi tiếng ở Việt Nam qua sự chuyển ngữ thành Trong rừng trúc, ấn bản gần đây nhất thấy dịch là Bốn bề bờ bụi) của Akutagawa. Ngoài Yabu No Naka, thủ pháp này còn gặp lai rai đây đó, thậm chí là trong tiểu thuyết của các tác giả Việt Nam. Liên tưởng gần nhất là lý thuyết hậu hiện đại, những cái tôi ngoại biên mời tác giả trung tâm đi chỗ khác chơi! Với riêng trường hợp Op, liệu còn một nguyên do nào khác? Nhất là khi đọc sang Tuyết, thấy nhân vật xưng tôi nép kĩ đằng sau Ka, tôi mà chẳng phải là nhân vật chính. Hơn cả một lí do tạo “khách quan tính”, dường như Op muốn… đào thoát trách nhiệm? Có thể đây là một quy chụp, gắt gao, tự những yếu tố ngoại quan mà suy ra vậy.

Chỉ vì cái sự “đọc chỗ nào cũng thấy tôi, cứ phải lật tui lật tới bắt mệt”, Op lui hẳn vào hậu trường trên chính trang viết của mình, mời độc giả tự thân dấn bước, và như thế, cũng có nghĩa ông mời luôn có đến 80% những người đọc quen lối lớp lang tuyến tính, “truyền hình tính” gấp sách đi hát karaoke (theo khảo sát cá nhân mấy anh mấy chị từng… tò mò cầm Tên tôi là Đỏ lên). Vậy thì thằng cha này… không muốn bán sách một cách đơn giản đâu! Và “yếu tố trinh thám”, càng đi tiếp càng làm thất vọng những ai cùng lúc mua Thiên thần và Ác quỷ, đồng thời điểm phát hành. Lại nhớ Bộ ba truyện New York của Paul Auster trong lần đầu tiên tác giả “ghê gớm” này xuất hiện ở Việt Nam (với sự chuyển ngữ thành Trần trụi với văn chương), ngay lời giới thiệu ở những trang đầu, dịch giả đã phải đề cập “yếu tố trinh thám” của nó! Có thể sách sẽ… bán tốt hơn, nhưng cũng làm mất đi những người đọc… kị “dzơ” trinh thám chưa biết thông tin về tác giả.

Một khi đã là nhà văn, dầu lớn dầu nhỏ, trí tưởng tượng là một điều kiện cần. Điều này chẳng hề là một phát kiến gì mới mẻ. Nhưng với gần 600 trang sách khổ lớn chữ bé, với khoảng cách lịch sử hơn nửa thiên niên kỷ, Op miên man, rậm rịt, quét từng cái nhìn chi tiết của kính hiển vi qua mắt những chị hầu, bà góa, đại sư, sát nhân… không một dòng hụt hơi. Đọc, choáng váng, bất lực, rồi tự an ủi: đừng hoang mang, cứ viết và đọc theo tốc độ hiện tại của mình, rồi... cũng sẽ đoạt Nobel vào năm 2.026… tuổi!

Sau trí tưởng tượng là kiến thức. Với Op, hàm lượng hai yếu tố này là tương đương, dù không thể so sánh. Lật riêng một chương mấy thầy trò tiểu họa đi vào Quốc khố, đủ thấy Op có ít nhất một… Quốc khố trong đầu, hoặc để quanh mình khi viết. Nhưng quan trọng, đấy là Quốc khố của Thổ, của Ottoman, của miền đất với tượng người khổng lồ thành Rhodes đứng giang chân [1] giữa hai bờ Âu - Á. Tên tôi là Đỏ mọc lên từ đất ấy bởi Op! Mình ơi, xét đến chi tiết này, không nhìn thấy tương đồng nữa, chỉ nao lòng… tương cà, tương ớt, tương chao…

Đọc Lịch sử văn minh Ấn Độ - Will Durant, còn nhớ, vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn đã san bằng mọi thứ, rồi áp đặt sự hà khắc lên hầu hết tiểu lục địa rực rỡ này. Và nay, đọc Tên tôi là Đỏ. Họ mang đến Thổ phong cách hội họa Trung Hoa, bất phối cảnh. Quy luật hội họa này đã tìm thấy một sự tương thích mới. Đau thay cho những kẻ trời cho đôi tay của một nghệ sĩ, trí tưởng tượng của một nghệ sĩ, tâm tính bất phục muốn tìm tòi cái mới của một nghệ sĩ… lại phải làm việc, sống, “sáng tạo” theo cái kiểu ông Sạc Lô cầm “cờ lê” vặn ốc. Mà vặn sai một nhát có thể đánh đổi bằng cả tính mạng. Đấy, cái mũi con ngựa kì lạ ấy, chính là dấu vết để những người “điều tra phá án” lần theo. Một khoảnh khắc ngẫu hứng có thể chẳng do cố ý, hậu quả cũng khôn lường. Rị mọ ngày này sang tháng khác, râu quặp, lưng còng… đến khi đạt tới đẳng cấp đại sư cũng có nghĩa là đã biến thành một cái máy hoàn hảo. Mù mắt vẫn vẽ nên “kiệt tác”, chao ôi, một hình ảnh hài hước đến xót xa!

Dò ngang niên biểu, 1574 - 1595, thời của Murat III, cách một đoạn Địa Trung Hải con con, trong thời buổi thương thuyền, giao thông nhộn nhịp, trên đất Ý, Leonardo da Vinci (1452 - 1519), Michel Angel (1475 - 1564), Raphael (1483 - 1520) vừa lập nên một kỉ nguyên huy hoàng, và lớp kế cận họ vẫn đang tiếp nối, sau khi dám phá tung “đêm trường trung cổ”. Vậy mà sư phụ Osman bên này vẫn gánh một “đêm trường” khác, kì cụi, dò theo cái mũi của một con ngựa “bất tuân”. Bi kịch ấy bởi vì đâu?

Trong văn bản, chỉ một lần Op cho sắc đỏ xưng tôi, nhưng đọc mà nhức nhối khi thấy sắc đỏ nhuồm nhòa tất cả. Chẳng cần gọi tên nó làm gì, chẳng phải xét rành rọt nó ở đâu, nhưng nhắm mắt mà vẫn thấy đỏ, bịt tai mà vẫn nghe đỏ, thế mới hãi! Khi viết xong bài giới thiệu Tên tôi là Đỏ cho một tờ báo, ngồi căng óc nghĩ hoài một cái tên đặt cho bài viết ấy. Cuối cùng tự ưng ý với tựa đề “Bức tranh văn hóa gam màu đỏ”. Cứ lấy chính sắc đỏ của Op mà dùng, vừa khách quan, vừa chính xác. Khi lên trang, tựa bài lại là... “Một Thổ Nhĩ Kỳ cổ kính và rực rỡ”. Phải hiểu cho người biên tập, hẳn họ cũng thấy rằng, chẳng có gì cổ kính và nhất là rực rỡ ở đây cả, nhưng thế vẫn... dễ đăng hơn!

Cho đến trước khi đọc Tên tôi là Đỏ vẫn nghe nhiều người nói, Op và Thổ như một cây cầu nối đôi bờ Đông - Tây. Nhưng đặt gần 600 trang sách xuống, cảm giác lớn nhất lại là Op và Thổ bị kẹp giữa chính hai mũi tàu mâu thuẫn, xung khắc, va thẳng vào nhau bởi không thể thu xếp một hải trình khác, êm đềm. Hoặc ngược lại, bị căng ra, rồi xé nát ở giữa, chân bên này, đầu bên kia, bởi hai khối quan điểm ngược chiều. Bên đổi mới, bên thủ cựu, bên kiên quyết theo lối mòn, bên hướng tới những bờ bến mới… mà nạn nhân của nó chẳng ai khác chính là con người, mà một bộ phận “tinh hoa” mang gương mặt những nhà tiểu họa. Mâu thuẫn ấy kéo dài đến hôm nay, trên đất Thổ. Nhưng, một điều đáng để ngẫm nghĩ sâu xa, sự va chạm có thể xé nát tất cả, nhưng nếu đủ năng lượng cho một tiếng thét bật ra, tiếng thét ấy sẽ vọng vang đánh thức sự thờ ơ, quên lãng của phần thế giới bình an còn lại. Op đã thét lên tiếng thét của mình. Tiếng thét không “dãy nảy”, không ở cái tầm mà người ta thường gọi là “hiện thực phê phán”, nó thâm trầm, đi từ tủy sống đi ra. Bằng độ lùi của một tư tưởng gia, một văn hào, ông đứng ở vị trí của một người “khuếch âm”, một người thâu tiếng, kể cho thế giới nghe bằng những “tôi”, “Ka” thấm đẫm đau đớn, cô đơn, không biết về đâu trong thế giới này…

Cảm giác “No Country for Old Man” ấy dồn lên tức ngực khi đọc Tuyết.

Một thành phố biên giới, Kars. Tại sao lại là biên giới? Không cần nhiều liên tưởng, vẫn có thể thấy, Kars chính là một Thổ Nhĩ Kỳ thu nhỏ, biên giới Á - Âu. Trong sắc trắng của tuyết và màu đen của khăn trùm.

Có thể là một phía nhìn không tổng thể, đọc Op, vài người sẽ liên tưởng đến điện ảnh. Những câu văn lia đi như những cú máy, không lời bình, không nhạc nền, lạnh ngắt đến độ “thờ ơ”. Cảnh vật con người “lúc la lúc lắc”, vài câu thoại rời rạc. Nhân vật, sự vật, sự kiện tự thân đã đủ nói lên tất cả. Nhớ Elephant, của Gus Van Sant ở Cannes 2003, những cú máy dài thăm thẳm lia theo chân hai sát thủ nhí. Hay gần nhất, một cách rất “thời sự” chính là No Country for Old Man. Câm lặng mà khốc liệt, ơ hờ mà dãy dụa. Với Op, những cú máy ấy giao cho người đọc quyền phán xét về Ka, về Lam, về Ipek, về Kadife... Dù đứng ở phía nào cũng nhận ra nỗi cô đơn thấm đẫm trong mỗi nhân vật này. Nếu anh chọn ra đi, thì cái nơi không phải tổ quốc ấy cũng đẩy anh về. Nếu anh chọn ở lại, thì tổ quốc cũng mời anh đi, đi bằng nhiều cách, có thể là cuộc tiễn đưa cay đắng trên một con tàu, cũng có thể là lấy não quét lên tường ở một địa điểm chẳng ai biết đấy là đâu! Anh chạy trốn nỗi cô đơn của anh, giành chân lí về phía anh, nghĩa là anh đẩy những kẻ khác vào cô đơn và hy sinh cái chân lý đã trở nên hài hước đến bi thảm của họ. Nỗi đau không còn mang gương mặt Thổ Nhĩ Kỳ nữa, nó mang gương mặt nhân loại, một kiểu hiện sinh.

Đang viết dở một cuốn tiểu thuyết giữa lúc Tuyết được xuất bản. Có một nhân vật, lão họa sĩ, sống cùng vợ và mấy đứa con. Đám trẻ cần có một tương lai, chí ít là ở việc học hành, nên bà vợ quyết định, cả gia đình xuất cảnh. Căn nhà duy nhất ắt phải bán đi, để “sang bển” có tiền mua nhà mới. Số tranh cả đời quay quắt vẽ ra, chưa bao giờ được triển lãm, lão tống táng vào nhà kho của một kẻ xa lạ, rồi dứt ruột lên đường. Khi “qua bển”, thời gian đầu, đắm mình trong không khí tự do, lão hồ hởi vẽ. Triển lãm đầu tiên trên đất mới diễn ra trong một... quán phở. Và ngay lập tức... bị khủng bố! Thằng già vẽ... tranh cổ động qua đây tính bôi bẩn thế giới này sao? Lão vay mượn đủ tiền mua vé máy bay một chiều. Về đến nơi, nhà đã bán, số tranh cũ mối chuột gặm sạch. Kết cục nào dành cho lão?

Đã có một niềm cảm thông giữa nhà văn 54 tuổi đoạt Nobel và nhà văn 2026 tuổi đoạt Nobel (!), để khi cái gã thứ hai đọc tác phẩm của người thứ nhất đã chìm trong tâm trạng xé ruột. Phe phái, tôn giáo, quan điểm chính trị... một cái cối xay khổng lồ nuốt chửng bao thân phận. Con người trở nên bi thảm, tình yêu trở nên… hài hước. Đau lòng đến nỗi, một thi sĩ bay bổng như Ka, phải “thỏa mãn” tình ái bằng những cuốn phim khiêu dâm trần trụi nhất trong căn phòng đơn độc lưu vong, trước khi nhận những phát đạn không bắn từ đâu cả mà bắn từ mọi phía vào đầu. Cô đào khiêm dâm Melinda hóa ra lại là hình ảnh cuối cùng để Ka chia sẻ nỗi cô đơn, để Ka... ước mơ và tưởng tượng, sau khi bị đẩy xô bởi những thánh thần, quốc gia, kinh kệ? Có thể đây đã là một suy nghĩ cực đoan, “báng bổ” mất rồi, nhưng tại sao Op không để Ka sẻ chia cùng một cái gì khác? Mở Imagine của John Lennon nghe lại - bạn hãy tưởng tượng đi, một ngày thế giới sẽ không còn quốc gia, biên giới, tôn giáo nữa và con người sẽ sống với nhau như một, sao thấy tội nghiệp cho sự ngây thơ của anh chàng ca sĩ kính tròn. Những phát đạn tương tự là để dành cho những con người tương tự.

Sẽ còn nhiều Op khác, hay góc khác về Op khi miên man lật dở lại ông trên kệ sách mai này. Và nhiều ý tứ nảy ra, nhiều gợi ý bổ ích cho công việc viết lách. Op dĩ nhiên là một bậc thầy, mà học một bậc thầy chỉ trong vài mươi ngày đọc Tên tôi là Đỏ, Tuyết là cách đọc cưỡi ngựa xem hoa. Thật sự là một điều may mắn, khi những ông thầy “thời thượng” nhất, lừng lẫy nhất của văn học đương đại đã đến “thỉnh giảng” tại Việt Nam một cách sớm nhất có thể, khi cánh cửa xuất bản hé mở. Op sẽ lan tỏa bằng những mạch ngầm văn hóa trong một thế giới “bắt buộc phải phẳng”, để hiện diện, sau khi đã được chuyển hóa, trong những tác phẩm văn học Việt Nam.

Cuối cùng, khi đã đọc Tuyết sẽ hiểu vì sao lại Op, mà không phải là OP, hay Orhan Pamuk đáng kính. Không thể không liên tưởng Orhan Parmuk chính là Ka trong Tuyết, Ka chứ không phải KA, cho dù điều này có thể bị chính Orhan Pamuk phủ nhận…

Sài Gòn 3.2008

© 2008 talawas



[1]Bức tượng được xếp vào một trong bảy kì quan của thế giới cổ đại, đặt trên lối vào hải cảng Mandraki Harbour, bên bờ Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo khảo sát, tưởng tượng và phục dựng bằng tranh ở TK 18, tượng này đứng giang chân giữa hai bờ, ngay lối vào cảng. Tuy nhiên, những tái tạo gần đây lại cho thấy tượng này đứng chụm chân. Xin vẫn đưa chi tiết này vào bài, chỉ là một hình ảnh.