trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.7.2007
Nhã Ca
Đêm nghe tiếng đại bác
 1   2   3 
 


VIII.

Kính coong... kính coong... Tiếng chuông đó nhấc bổng người tôi ra khỏi ghế. Tôi chạy băng ra ngõ. Có thư. Thư của anh Phan, của anh Nghĩa? Tôi cúi người xuống đón hai lá thư của người đưa thư luồn tay vào khe cửa định vất xuống. "Xin lỗi cô, tôi phải đi gấp". "Cám ơn". Tôi nói và nhìn theo người đưa thư dắt xe qua ngõ nhà bên cạnh, tiếng kính coong kính coong lại vang lên. Ra nhận thư đây, thư đây. Người đưa thư còn đưa tay chào tôi và mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười lại rồi đi vào nhà, vừa đi vừa đọc trên phong bì. Một lá thư của anh Phan và một lá thư ghi tên Mẫn Hải quân...

Tôi ngồi xuống đi văng và mở lá thư của anh Phan ra trước. Tôi ngạc nhiên vì lá thư của anh Phan không đề ngày tháng và hình như không phải là một lá thư mới. Những nét chữ anh Phan có vẻ nắn nót hơn những lá thư trước:

Quyên,

Anh vừa ở Ban Mê Thuột về Bun Hô. Anh đi một mình nhưng ở Ban Mê Thuột anh lại có rất nhiều bạn bè (ghi chú: 0 có bạn gái). Đáng lẽ anh phải ở Ban Mê Thuột hơn một tuần lễ, nhưng nhờ mồm mép khéo anh lo giấy tờ mau, nên chỉ ba ngày sau là anh xong hết việc. Ở Bun Hô thì rầu, mà bỏ Bun Hô mới có ba ngày đã thấy nhớ, nên anh vội về ngay. Tụi bạn ở Buôn Mê Thuột nói anh điên: mày đúng là Phan điên. Tui nó cười là anh đã không lợi dụng thời gian còn lại "hợp pháp" đó để chuồn về Đà Lạt đi nhót. Mà anh cũng điên thật phải không Quyên nhỉ? Về Đà Lạt biết đâu lại chả bắt được một nhân tình, đời thêm hương vị... tố (ghi chú xin đừng mách với me).

Vậy là anh về Bun Hô rồi. Anh vừa về tới đây buổi sáng và khi anh viết thư nầy cho Quyên là lúc trời chuyển tối đây. Buổi chiều anh vừa đi săn với một người bạn, hai đứa chẳng bắn được gì hết, bực mình anh đã bắn vào một mõm núi. Núi cũng chả biết gì phải không Quyên? Cỏ cây núi rừng đều vô tội, chỉ có con người mới đầy tội lỗi.

Trong một lá thư, thư rất cũ của Quyên, Quyên có viết nhạo anh một đoạn: Quyên cầu cho anh gặp một quả bom ái tình rơi trúng vào đầu, cho ngẩn ngơ, hết trêu chọc. Và bây giờ lời nguyền của Quyên đúng rồi, anh đang ngẩn ngơ đây. Ngẩn ngơ nhưng không phải loại ngẩn ngơ của những thứ thất tình đâu nhé. Anh mà thất tình? Không, không bao giờ anh thất tình vì không có cô nào có thể làm cho anh thất tình được cả. Anh oai vệ vậy đó, mà bây giờ cũng ngẩn ngơ...

Bởi vậy, hôm nay anh mới viết lá thư này gửi riêng cho Quyên, Quyên nhớ là anh chỉ muốn riêng Quyên đọc và Quyên giúp anh một việc. Anh nhờ Quyên giúp anh về một vấn đề tình cảm riêng của anh. Anh chỉ nhờ Quyên, bởi anh biết Quyên khôn khéo, chỉ có sự khôn khéo của Quyên mới giúp được anh thôi. Đáng lẽ ra, từ đầu anh phải nói ngay với Quyên, nhưng anh lại cứ con cà con kê mãi. Bởi chuyện khó quá.

Đây nầy, Quyên đọc kỹ nhé: Anh có một chuyện muốn nhờ vả Quyên. Nhưng không, không phải một chuyện mà là hai chuyện. Không, cũng không phải nữa, không phải hai chuyện mà là một chuyện. Thật khó nói quá, nhưng anh đã lỡ nói ra với Quyên rồi phải không?

Như thế nầy, chắc Quyên biết chuyện giữa anh và Hoà chứ? Đối với anh thì hoàn toàn chưa có gì, nhưng ba me đã tin cẩn rằng anh sẽ bằng lòng lấy Hoà làm vợ và đã đi dạm hỏi cho anh. Anh thì không chê gì Hoà hết và anh cũng không cãi lời ba me về chuyện đó bao giờ. Anh vẫn thường tự nhủ rằng mình thương quí ba me, phải nghe lời ba me. Và nhất là me, anh càng không muốn làm cho me buồn một chút nào hết. Mẹ của chúng ta là nhất rồi phải không Quyên và đối với me, anh chỉ muốn luôn luôn nhỏ bé để me cưng chiều. Và chắc trong gia đình chúng ta, anh em chúng ta cũng không đứa nào muốn làm phiền lòng me hết. Bởi vậy anh mới đem chuyện nầy nói với Quyên mà không nói với me, chuyện của anh và Hoà đó. Quyên chắc thân với Hoà hơn anh. Quyên với Hoà lại là chị em bạn gái, dễ nói chuyện hơn. Vậy Quyên tìm cách nói cho Hoà hiểu rằng, trong hoàn cảnh bây giờ của anh, anh chưa thể nghĩ tới việc lập gia đình với Hoà được. Anh sợ anh sẽ làm khổ Hoà, bởi hiện tại anh đang lâm vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Hoàn cảnh đó, anh kể cho riêng Quyên biết đây, nhưng Quyên hứa với anh là Quyên chỉ biết một mình thôi nhé. Và anh kể tới chuyện thứ hai, nhưng cùng liên quan tới phần thứ nhất.

Sự khó khăn mà anh sắp nói ra với Quyên đây chắc phải làm Quyên ngạc nhiên. Vậy thì nghe anh nói đây...

Thư anh Phan viết đến đây thì bỏ cách một quãng. Rồi những dòng sau có vẻ nguệch ngoạc hơn:

Hỏng rồi Quyên ạ, anh vừa có lệnh đi khẩn cấp. Khẩn cấp lắm. Anh phải dừng nơi đây. Stop nhé.

Ghi chú: anh đi hành quân. Sẽ nói chuyện trong lá thư tiếp theo. Chờ thư anh nhé. Phan.

Lá thư chỉ có chừng đó và không đề ngày tháng. Chuyện gì đã xảy ra cho anh Phan? Chuyện gì đã xảy ra giữa Hoà và anh Phan. Lại giận nhau, hờn nhau? Nhưng anh Phan có liên lạc gì với Hoà nhiều đâu? Cái thái độ cũng không niềm nở cũng không lạnh nhạt đối với Hoà của anh Phan làm tôi không thể hiểu nổi tình cảm của anh ấy. Vậy mà bây giờ anh Phan lại nhờ tôi về một chuyện tình cảm? Thế nào thì cô Hoà cũng trở thành chị dâu của mình, anh ấy có rắc rối cũng không dám để me rỏ nước mắt đâu.

Nghĩ thế, tôi yên tâm mở lá thư Mẫn ra đọc.

Quyên,
Nhớ có một lần Quyên xưng chị với tôi giữa những người bạn của tôi và của Quyên: "Hôm nào rỗi, Mẫn tới nhà chị chơi nhé". Em Mẫn đã không tới nhà chị Quyên nữa, và em Mẫn thay thế bằng lá thư nầy cho chị Quyên vậy.

Và ngay bây giờ, em Mẫn xin trả lại chị Quyên tiếng CHỊ, để chỉ có Mẫn, có tôi, gửi cho Quyên lá thư nầy cho dễ nói một câu chuyện.

Chắc Quyên ngạc nhiên và tự hỏi rằng tại sao tôi không tới thăm Quyên mà nói thẳng với Quyên? Tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng tôi nghĩ rằng khi tôi gặp Quyên, ngồi trước mặt Quyên, chắc tôi sẽ không nói được gì hết. Và biết đâu trước mặt Quyên tôi lại trở thành một đứa em ngoan ngoãn, để chị Quyên bảo rằng: Mẫn phải thế nầy, Mẫn phải thế nọ. Tôi đã nói thế đó, nhưng tôi cũng đã hận vô cùng lần Quyên xưng chị với tôi ở giữa đám đông và chính nỗi hận đã xui tôi hôm nay viết lá thư nầy tới cho Quyên đó.

Chắc Quyên còn nhớ buổi tối hôm tôi say rượu, được Quyên đưa về nhà, Quyên đã gặp chị Duyên tôi. Nhìn qua dáng dấp của chị Duyên tôi và cách ăn mặc của chị ấy, chắc Quyên cũng đoán được lối sống của chị ấy như thế nào rồi. Tôi chỉ còn lại một mình chị Duyên, tôi yêu quí chị hết lòng, bởi ngoài hai chị em tôi ra, chúng tôi chẳng còn ai để mà thương nữa. Tôi mồ côi từ nhỏ, lớn lên sống vất vơ rất nhiều. Bởi thế nhiều lúc tôi đã rất cô hồn, Quyên có hiểu đầy đủ nghĩa của tiếng cô hồn không! Nghĩa là tôi đã từng rất ma cô, du côn, du đãng, dối trá, ngạo ngược. Tôi lêu lổng theo đám bạn bè. Tôi đã vào ra nhà trừng giới cả chục lần. Tôi đã làm cho chị Duyên tôi đau khổ điêu đứng. Không hiểu sao tôi cô hồn, du đãng, du thực như thế mà lại có một khuôn mặt hiền lành, nhỏ nhít mà Quyên đã thấy. Tôi thường hỏi chị Duyên tôi, tôi giống ai thì chị không trả lời. Tôi nghĩ rằng chị sợ nói ra làm phiền lòng người chết chăng? Nhưng dù khuôn mặt tôi giống ai thì cũng là khuôn mặt của tôi rồi phải không Quyên? Du đãng, cô hồn chán, tới tuổi tôi xin vào Hải Quân và điều ngạc nhiên mà tôi không bao giờ ngờ tới là tôi thay đổi hẳn. Sự thay đổi nầy không do một phép mầu nào hết mà do ở sự tha thứ, bao bọc, che chở và thương yêu của chị Duyên tôi. Tôi hồi sinh lại. Rồi tôi được Thường, người tình của chị tôi giúp đỡ thương mến, y coi tôi như tình ruột thịt. Nhưng dù tôi ăn năn, hối hận, cố giữ mình, thỉnh thoảng cái cô hồn được nuôi dưỡng từ nhỏ trong tôi vẫn trỗi dậy. Tôi cố dằn giữ đôi tay chân bằng cách uống rượu. Nhưng rượu vào, cơn say làm tôi phá phách, cô hồn hơn và một lần tôi đã gặp Quyên.

Khi tỉnh dậy, tôi ngồi nhớ lại những hành động của Quyên, tôi không hiểu một tí nào hết. Tôi lạ lùng hết sức. Thường thường những cô gái khác mới gặp tôi, trông thấy tôi đã lánh xa, tại sao Quyên không sợ? Cái gì đã gây niềm tin cho Quyên khi Quyên giúp đỡ một thằng ma cô như tôi. Quyên đã làm cho tôi suy nghĩ. Chưa ai đối với tôi như Quyên đã đối đãi với tôi hết. Các cô gái khác mỗi lần nghe tôi huýt gió trêu chọc, họ quay lại nhìn tôi bằng đôi mắt nhạo báng hoặc khinh khỉnh bỏ đi, bởi trên ve áo tôi không có cấp bực nào hết. Với lại tôi cũng không thể tin được còn có những người con gái lương thiện trong hoàn cảnh nầy. Tôi đã từng chứng kiến những nữ sinh đi với Mỹ, những cô gái bên ngoài trông thật khả ái, vậy mà bên trong bão táp tơi bời. Tôi mất hết niềm tin từ lâu rồi, và cho rằng trong hoàn cảnh nầy, người ta không còn ai yêu thương ai nữa hết. Vậy mà tôi lại được gặp Quyên, được Quyên coi như bạn, như em. Đáng lẽ tôi phải sung sướng và đón nhận thứ hạnh phúc thần thánh đó, nhưng tôi đã dại dột từ bỏ, để tham lam mơ màng cao xa hơn. Quyên đã biết tôi mơ như thế nào không? Tôi mơ ước được Quyên yêu tôi, Quyên đã nghe rõ chưa. Quyên yêu tôi.

Nhưng Quyên có yêu tôi hay không? Tôi cũng không muốn Quyên trả lời. Bởi mai đây tôi sẽ đi xa và mang theo hình ảnh Quyên, hình ảnh một người tình khả ái. Quyên không nói với tôi và tôi cũng không cần hỏi Quyên có yêu tôi hay không? Có hay không, tôi yêu Quyên và luôn luôn có một khuôn mặt trong đời sống còn lại. Cho nên tôi mong Quyên đừng viết thư, đừng từ chối, đừng nói gì cả bởi tôi có bắt Quyên yêu tôi, nói yêu tôi đâu. Trước mặt Quyên, đối diện Quyên, tôi chỉ là một cậu trai bằng tuổi Quyên thôi, nhưng xa Quyên, tôi nghĩ rằng tôi được yêu Quyên như một người tình nhân hết sức bé bỏng.

Vậy từ bây giờ tôi gửi trả lại chức chị Quyên cho Quyên, tiếng chị đó nếu Quyên muốn giữ thì cứ giữ. Có thể đọc lá thư nầy Quyên cười tôi lắm, hoặc có thể Quyên đưa cho người tình của Quyên và nói: Thằng nhóc nầy, anh xem, cũng bày đặt yêu em. Quyên có quyền nói, có quyền làm đủ mọi thứ khuất mắt tôi. Bởi vậy, để yêu Quyên, để kính trọng chị Duyên, tôi sẽ đi. Vì nếu tôi ở lại, cái cô hồn trong tôi sẽ có lúc nổi dậy hết sức khủng khiếp. Tôi sợ cái lúc cô hồn đó trở lại, tôi giết chết mất người yêu của Quyên, hoặc một người đàn ông nào đó được sung sướng ngồi nhìn Quyên, đi với Quyên, nghe Quyên nói. Hoặc tôi sẽ giết chết tên tình nhân ngoại kiều đêm đêm vẫn bò về với chị Duyên, bởi tôi yêu quá, yêu Quyên, yêu chị Duyên, hơn cả đời sống của tôi nữa.

Vì vậy tôi xin đổi đi xa, đi xa để mang theo ảo giác được Quyên yêu, để được còn chị Duyên, hơn là ở thành phố để có hồn trở lại. Và thỉnh thoảng Quyên cho phép tôi được viết một lá thư tình cho Quyên, mà Quyên không được viết thư cho tôi. Hãy để biển cả đọc những lá thư của Quyên cho tôi nghe, hãy để biển pha màu mắt của Quyên cho tôi nhìn. Và để từ giả Quyên, tôi nhắc lại: Tôi yêu Quyên. Tôi yêu em. Tôi yêu em lắm.

Quyên ơi, Quyên ơi.

Đọc xong lá thư của Mẫn, tôi không có một ý nghĩ nào mà chỉ muốn khóc. Tôi cũng không định tìm gặp Mẫn, biên thư cho Mẫn.

Lá thư của Mẫn được giấu kín trong một hộc tủ. Tôi nghĩ là tôi đã làm vui lòng Mẫn. Còn lá thư của anh Phan? Không, tôi không thể giấu ba mẹ tôi, dù anh Phan bảo giấu. Anh Phan chỉ thích riêng tư, tôi không thích riêng tư mà muốn chia sớt hết mọi chuyện cho người thân, ba mẹ tôi, chị Phượng.

Tôi nghĩ tiếp: Bây giờ thì chắc Mẫn cũng đi xa rồi cũng nên... Và không hiểu sao tôi lại thở dài coi như ảo não lắm.

IX.

Me tôi bày mấy bó rau muống ở trên nền gạch hoa và nói với chị Phượng.

"Con tắt ngọn đèn trong phòng đi, ra đây chẻ rau muống với me".

Tôi cũng đến ngồi bên me tôi: "Me để con giúp với". Me tôi cười bảo: "Ừ tập ăn tập làm đi thì vừa..." Ý me tôi muốn nói tới câu làm dâu làm con người ta, nhưng me tôi đã giữ lại kịp. Me tôi sợ tôi buồn, tôi nói thầm: "Cảm ơn me hết sức, nhưng con không buồn đâu". Ba tôi lôi ra một tờ báo, chị Phượng hỏi ngay: "Tờ Tiền Tuyến phải không ba? Truyện đi đến đâu rồi ba?" Truyện đây là chị muốn nói tới truyện Kiều Phong A Tỷ đăng trên nhật báo nầy. Ba tôi nói là để tao đọc xong rồi kể cho mà nghe. Me tôi kêu trời ơi, rồi kính đeo vào mắt, lúc nào ba con các ông cũng Kiều Phong A Tỷ, Kim đang đứng táy máy bên chiếc ra dô nghe me tôi nói, hắn cười: "Đọc truyện cũng hay nhưng hao nước mắt lắm. Nhớ hồi nhỏ đi xem cải lương với me, tới cảnh thảm me khóc mà em cứ tưởng trời mưa. Khi ra khỏi rạp me sút có tới ba bốn ký lô. Thôi con xin can me". "Quỉ đâu đó". Me tôi trừng mắt doạ thằng Kim. Thằng Kim làm bộ cúi xuống lau ra dô và khúc khích cười. Chị Phượng nói: "Không biết mình chẻ rau trước mai rau có nát đi không?" Me tôi nói: "Bỏ vào tủ lạnh thì hàng hai ba ngày cũng được". Rồi me tôi than chiếc tủ lạnh dạo nầy có vẻ dở chứng quá. Chị Phượng nói để Nghĩa và anh Phan về sửa cho, dạo con làm hư cái bàn ủi điện, Nghĩa và anh Phan tháo tung ra sửa, vậy mà tốt ra phết đó me ạ. Me tôi nói tụi nó về để cho tụi nó đi chơi chứ bắt chúng làm thợ tội nghiệp. Chị Phượng nhúng hai tay vào thau nước, tôi nhìn thấy những sợi gân xanh nổi lên làn da trắng nuột, những ngón tay búp măng của chị đã kém tròn. Tôi nhìn chị, mắt chị Phượng trũng sâu và da mặt hơi xanh, chị gầy đi nhiều. Sự chờ đợi làm mỏi mòn nhiều quá. Tôi nghĩ tới mai đây tôi cũng sẽ rơi vào chờ đợi, lo âu như chị Phượng. Tội nghiệp, vậy mà lúc nào chị cũng cố vui cố cười để tạo cho không khí gia đình đầm ấm. Me tôi nói: "Con Phượng chẻ rau đi chứ, lớn rồi mà ngồi nghịch nước mãi". Chị Phượng lại thoăn thoắt chẻ rau. Hôm nay me tôi vui mừmg ra mặt. Còn chị Phượng nét chờ đợi như đã chín già. Ngày mai, gia đình tôi chắc chắn sẽ hưởng một ngày vui trọn vẹn nhất. Me tôi nói:

"Không biết mai tụi nó về sáng hay chiều".

Chị Phượng nói:

"Mình dọn chiều đi me, các anh ấy có về sáng cũng phải nghỉ ngơi ăn mới ngon. Mà có về chiều cũng không lỡ bữa".

"Nhưng không biết ngày mai trời có mưa không?"

Chúng tôi buồn cười quá mà không dám cười lớn, chỉ nhìn nhau thôi.

Mưa hay nắng thì có can dự gì đến gia đình chúng tôi đâu. Me tôi thật lẩm cẩm. Câu nói của me tôi buồn cười vậy mà không thấy ba tôi nói gì hết.

Ông đang cắm đầu vào tờ báo. Tôi nói coi xong chưa ba, ba tôi nói gần rồi, ly kỳ lắm. Một lát ba tôi la lớn:

"Ly kỳ, ly kỳ, hay tuyệt".

Ba tôi la lớn quá làm me tôi giật mình. Me tôi gắt:

"Trời ơi, tôi tưởng người ta xuống đường chứ, la gì mà la dữ vậy. Tôi suýt bị dao đâm phải tay đây này".

Ba tôi vội giảng hoà:

"Ấy chết, tay bà có sao không? Đứa nào lấy băng, thuốc, băng tay cho me đi. Khổ quá, tại cái miệng này".

Ba tôi đưa tay bịt lấy miệng. Chúng tôi cười, ba tôi cũng cười. Chị Phượng nói: "Tới đâu rồi ba". Ba tôi nói tụi bây đọc tới đâu rồi. Me tôi nhất định không cho ba kể. Me tôi nói: "Không nghe chuyện luyện chưởng đâu. Cái gì mà đẩy một chưởng mà núi bay cây gãy. Nói láo". Rồi me tôi lại nhắc tới Nghĩa và anh Phan. Me tôi hỏi ba tôi xem báo có tin gì lạ không, ba tôi nói không có gì lạ hết. Gia đình tôi vẫn có thói quen hay thức khuya, dạo ở Hà Nội cũng vậy, khi anh Phan và chúng tôi học bài, ba tôi đọc sách. Me tôi cũng không chịu đi ngủ sớm, bà ngồi đan áo hoặc khâu vá. Dạo đó me tôi cũng đã đeo kính nhưng me tôi chưa già và mập như bây giờ. Tôi nhớ me tôi còn chiếc áo màu hoàng yến, cổ thấp, may nút thắt theo kiểu Huế, chiếc áo đó may hồi me tôi vào Huế thăm một ông cậu làm quan ở triều đình và may một chiếc mang về. Chiếc áo đó me tôi đã mặc chật từ lâu, chị Phượng đem cắt may cho tôi một chiếc áo cánh, nhưng tôi không dám mặt đều, sợ nó rách hư mất một kỷ niệm đẹp của me tôi để lại.

Hai bó rau muống đã vơi dần, những cọng rau chẻ, mảnh mai xoắn tít trong thau nước thật xanh mát. Me tôi chẻ rau rất mau, ba tôi thường kể lại là hồi mới lấy nhau, me tôi chỉ có trổ tài chẻ rau muống, bởi thế bữa cơm nào ba tôi cũng là nạn nhân của rau muống chẻ. Nhưng ba tôi lại nói rằng, vắng món đó, ba tôi nhớ lắm và nuốt cơm không vô. Ba tôi nói đúng, chúng tôi đi ăn ở đâu, món rau muống chẻ trộn dầu dấm cũng không thấy ngon bằng dĩa rau muống chẻ trộn của me tôi làm cả. Thằng Kim đã lúi húi bỏ pin vào ra dô xong, nó vặn nghe nhạc. Me tôi nói thứ nhạc gì mà inh cả tai, thằng Phan nó có thích nghe mấy bản quỉ đó như thằng Kim đâu. Me tôi bảo Kim tắt máy và nói với chị Phượng:

"Phượng, thôi con rửa tay rồi vào lấy lá thư của anh Phan mầy vừa gởi cho con Quyên ra đọc lại cho me nghe đi".

Me tôi vẫn bắt chúng tôi đọc thư của anh Phan cho bà nghe hoài, dù lá thư đã được đọc đi đọc lại mấy lần. Nghe chị Phượng đọc lá thư anh Phan viết cho tôi. Thằng Kim phát ngôn trước tiên:

"Chắc anh ấy lăng nhăng với cô nào, rồi anh chị giận nhau. Bây giờ anh ấy mới nhờ chị Quyên giảng hoà đó".

Me tôi gắt lên:

"Bậy mà, còn con Hoà đó nữa chi".

Ba tôi cười:

"Có con Hoà thì con Hoà, biết đâu nó còn lăng nhăng với cô nào khác, con trai mà..."

Me tôi nói lẫy:

"Ông suy bụng ta ra bụng người. Thằng Phan nó có giống ông đâu".

"Vậy nó giống ai vậy bà?"

"Giống ai? Chúng bây xem, ba chúng bây ăn nói thế đó. Nó con ai thì giống người đó chứ. Nó giống tôi chứ giống ai?"

"Không, tôi có nói lẫy bà đâu. Tôi ghen đó. Tại bà bảo nó không giống tôi. Bây giờ, tôi lấy quyền làm chồng để hỏi bà: Nó giống ai?"

Me tôi trả lời không được phải để Kim đỡ lời. Nó chỉ lên cái ảnh hồi ba tôi còn trẻ trên tường:

"Anh Phan con giống cái ông đó kìa, ông đó đâu có xấu xí già cỗi như ba. Phải không me? Bây giờ thử ba theo tán me con xem me con có thèm không?"

Câu nói của Kim làm chúng tôi cười ngất. Thế là huề, chúng tôi lại bàn về lá thư của anh Phan. Ba tôi nói:

"Hay nó và con Hoà giận nhau?"

"Giận nhau? Ông nói còn vô lý nữa. Nó mà biết giận ai, thấy con Hoà sang là đỏ mặt tìm cách lỉnh mất. Biểu nó dẫn con nhỏ đi ciné, nó nói khéo làm sao mà gài con Quyên vào đi chung nữa".

"Tại nó chưa muốn lấy vợ".

"Thì tôi có ép nó đâu. Hôm nói chuyện con Hoà nó nói tuỳ me, con là phận trai me đặt đâu con ngồi đó. Nói chuyện cưới nó bảo để nó giải ngũ đã, tôi nghe nó nói cũng đúng. Vợ chồng trẻ mà sống xa nhau tụi nó buồn lắm".

Kim xen vào:

"Chừng nào anh ấy giải ngũ?"

"Hai năm nữa". Me tôi nói. Kim kêu trời rồi nói tiếp rằng hai năm ai mà chờ đợi nổi, không khéo người ta có con trước ngày cưới mất. Me tôi mắng con nít mà nói nhảm. Ý me tôi nói rằng Kim còn nhỏ quá, chưa nên biết chuyện đó. Kim che miệng cười với tôi. Me tôi lại thắc mắc:

"Lạ thật, không biết chuyện gì mà rắc rối tình cảm, hay nó đổi ý muốn cưới gấp?"

"Không phải đâu me, anh ấy có viết cho con rằng trong hoàn cảnh nầy anh ấy chưa thể cưới vợ được".

"Nó chỉ bày đặt tạo cớ nầy cớ nọ thôi. Me tôi hờn dỗi".

Ba tôi nói:

"Chắc nó muốn nhờ con Quyên làm mai cho nó một đứa bạn nào đó của con Quyên chớ gì? Tôi hiểu lắm mà..."

Ba tôi nói xong cười ra vẻ mình đã đoán được hết mọi chuyện. Nhưng chị Phượng nghiêm trọng nói:

"Không phải vậy đâu. Thường thường anh ấy chỉ thích tự mình giải quyết mọi việc và mọi chuyện đối với anh đều khôi hài được hết. Chắc có gì quan trọng thật đó ba me ạ".

Câu nói của chị Phượng làm tôi giật mình. Có lẽ thế thật. Tính anh Phan tôi vẫn coi thường mọi chuyện, chuyện rắc rối tới đâu anh cũng đùa bỡn được. Chắc có gì anh không giải quyết được rồi nên mới nhờ tôi. Tôi định lên tiếng thì ba tôi nói:

"Thôi chuyện gì cũng gác lại, ngày mai nó về thì biết hết.

Tôi dặn dò:

"Nhưng ngày mai anh ấy về, ba me, chị Phượng và Kim đừng tỏ vẻ gì đã biết lá thư của anh ấy hết nhé".

Kim nói:

"Đã đành. Nhưng lỡ mai anh không về thì sao?"

Me tôi kêu:

"Ơ, cái thằng nói nhảm nhí quá nhỉ? Con cái gì đâu mà mở miệng ra là nói dại rồi".

Kim nhất định không chịu câu nói của me tôi là: mở miệng ra là nói dại. Kim cãi rằng lá thư của anh Phan viết rõ ràng là đi hành quân gấp. Nhưng me tôi cãi lại là lá thư không đề ngày tháng. Vậy lá thư đó viết đã lâu sau đó định viết tiếp nhưng có giấy phép được về nên không viết nữa. Me tôi nói cũng có lý mà Kim nói cũng có lý. Tuy vậy chúng tôi vẫn đinh ninh chắc là anh Phan về. Và buổi chả giò ngày mai vẫn được bàn đi bàn lại mãi.

Me tôi dặn chị Phượng ngày mai đi chợ nhớ nhắc me tôi mua món nầy, món nọ. Me tôi để hết tâm trí vào buổi chả giò ngày mai làm chúng tôi vừa cảm động vừa bực mình. Đã chả giò lại còn phụ thêm các món ăn anh Phan tôi vẫn thích. Thật me tôi cưng con quá rồi quên là anh Phan cũng chỉ có một cái bao tử nhỏ xíu như chúng tôi thôi. Ba tôi thấy me tôi lăng xăng, ông không nói gì hết, chỉ im lặng mỉm cười. Đôi mắt ba tôi nhìn me tôi vẫn như độ nào, không thay đổi. Đôi mắt trầm ấm, thương yêu quen thuộc, và hình như càng ngày càng gần lại. Tôi chỉ muốn ôm hết ba me tôi, chị Phượng, anh Phan và Kim trong cánh tay. Nhưng cánh tay tôi nhỏ bé quá không ôm đồm hết nổi.

Rau muống đã chẻ xong nhưng cả gia đình chúng tôi vẫn còn ngồi ở phòng khách, không nói chuyện thì nhìn nhau, không nhìn nhau thì nói chuyện. Riêng chị Phượng khi thật vui, khi thật buồn. Tôi cũng sắp như chị. Tôi nghĩ đến bữa ăn ngày mai và một ít ngày vui sau đó nữa. Rồi anh Phan sẽ đi, anh Nghĩa sẽ đi và Hoàng nữa, Hoàng cũng xa tôi nữa. Tôi nhìn ba me tôi, chị em tôi, không, tôi không có quyền buồn khổ, chán nản. Tôi ph?i chia s?t m?i n?i vui bu?n v?i gia dình, m?i ngu?i trong gia dình cung ph?i chia s? chung v?i tôi...

Đi ngủ đi con. Đi ngủ đi ba. Đi ngủ đi me, ngủ đi em, ngủ đi chị. Ngọn đèn giữa phòng khách đã tắt.

Khi lên tới gác, chị Phượng hỏi tôi là có bảo Hoà ngày mai tới ăn cơm không. Tôi chợt quên là lâu lắm tôi không gặp Hoà và cũng không bảo Hoà tới. Chắc anh Phan cũng không tin ngày về cho Hoà biết đâu. Vài ba kỳ nghỉ phép anh mới thăm gia đình Hoà một lần, hoặc đi với ba tôi, với me tôi hoặc cả mấy anh em chúng tôi. Dù me tôi vẫn khen tính Hoà hiền, chăm chỉ, tôi cũng không thân với Hoà được. Tôi vẫn nghĩ Hoà không thân với tôi như bạn, nhưng làm chị dâu tôi thì rất tốt. Bởi Hoà vẫn hay yên lặng, hay mỉm cười mà không góp ý kiến. Hoà hiền, khó hiểu nhưng tôi cũng không bao giờ tìm hiểu làm gì. Tôi không thân với Hoà mà lại quý Hoà. Me tôi đã quý, đã chọn, chúng tôi không phải thắc mắc nữa. Tôi nói với chị Phượng là tôi không nói, quên nói. Như thế tiện hơn. Chị Phượng tiếp: "Chắc có chuyện gì quan trọng lắm. Ngày mai anh ấy chưa gặp Hoà càng tiện cho anh ấy". Tôi không hiểu chị Phượng muốn ám chỉ gì, nhưng tôi cũng không hỏi.

"Quyên không cầm tờ báo lên đọc Kim Dung?"

"Thôi ngủ đi chị. Ngày mai mới có sức mà mừng chứ".

"Quyên có tin ngày mai các anh ấy về không?"

Dù hơi ngần ngại, tôi cũng trả lời:

"Tin chứ, chắc chắn các anh ấy về mà".

Chị Phượng lặng im. Tôi kéo chị bảo đi ngủ thôi. Hai chị em tắt đèn.

Trong bóng tối, tôi bỗng nhiên muốn nhìn rõ khuôn mặt chị Phượng, hình ảnh chị Phượng trong đêm tối lặng lẽ lạ lùng. Tôi muốn hỏi có phải chị khóc không mà không mở miệng được. Tôi lăn sát vào người chị, vòng một tay qua bụng chị. Chị Phượng nằm nghiêng, quay mặt vào phía tường. Chị cầm bàn tay tôi lắc lắc và cũng không hỏi tôi có ngủ được không, rồi chị nói đêm nay sao nghe tiếng súng như gần hơn. Tôi chú ý nghe và cũng thấy tiếng súng gần thật. Tôi rủ chị.

"Mình ra balcon coi đi chị".

"Đi".

Chị Phượng đứng dậy. Tôi theo chị ra phía ngoài balcon. Đêm tối vẫn mênh mông. Khu vực nhà tôi vừa bị cúp điện, đèn đường tối om. Chúng tôi nhìn phía xa, nơi tiếng máy bay rì rầm, những trái hoả châu sáng chói một vùng, từ trên cao là xuống rồi tắt, những trái khác lại sáng. Cứ như thế, những trái hoả châu tắt đỏ, những tiếng máy bay ì ầm, những đốm đèn xanh như mắt ma và đỏ như máu bầm. Nơi đó, tiếng súng, tiếng đại bác liên tiếp, dữ dội.

"Đánh đâu gần quá chị ạ".

"Ừ".

"Không biết ngày mai các anh ấy có về được không?"

"Không biết".

"Nầy chị..."

"Cái gì hở Quyên?"

"Không, mà nầy, chị có thấy gì không?"

"Không, chị cũng không biết nữa..."

Không biết nữa. Tôi cũng vậy, cũng không biết nữa, không biết có những gì trong tôi mà ruột gan tôi cứ cồn cào, héo hắt.

"Làm sao ấy em ạ".

"Chắc tiếng súng làm chị khó chịu chứ gì?"

"Không phải, nhưng chị thấy như mình buồn nôn. Không, không phải buồn nôn mà là buồn, người nó cứ nhói nhói cùng khắp. Ừ, sao chị..."

Tôi bỗng hốt hoảng lên một giây. Tự nhiên chỉ một giây thôi. Tôi nghe ba tôi ho dưới nhà, ba tôi cũng chưa ngủ. Tôi cầm tay chị Phượng thật chặt và cười thành tiếng:

"Nhảm quá, đêm nay không riêng gì chị mà cả nhà không ai ngủ được đâu. Nhất là me, giờ chắc đang vừa cười vừa khóc ở dưới nhà ấy. Em nghĩ tới mai gặp anh Phan... Ừ, em nhớ anh Phan quá chị ơi... Nhưng ngày mai chị mới là người mừng nhất, sung sướng nhất.

"Còn em. Quyên nầy, mấy bữa nữa..."

"Không, chị đừng an ủi gì em hết. Gia đình mình không ai được quyền vui buồn một mình hết".

Nói xong câu đó tôi muốn lăn vào lòng chị Phượng mà khóc.

"Thôi mình đi ngủ, ngày mai đi chợ với me sớm chứ chị".

Hai chị em vào nằm và cũng không có ai hỏi nhau đã ngủ chưa nữa.

Tiếng đại bác như mỗi lúc một gần, mỗi lúc mỗi dội lớn trong tai tôi, trong đầu tôi. Nơi đâu có tiếng đại bác là nơi đó có anh Phan của tôi. Nơi đâu có hoả châu là khuôn mặt anh Phan tôi ngời sáng ở đó. Lạy Trời, Phật, gia đình con, gia đình tôi đừng bao giờ, đừng bao giờ... Tôi run sợ đến lịm người. Tiếng đại bác vẫn không tha. Tiếng đại bác vẫn nổ. Vẫn đi. Vẫn kêu réo. Ba tôi vẫn nói:

"Đừng sợ hãi một điều gì. Hãy sống cho hết mình và thương yêu cho hết mình. Thưa ba, con thương yêu hết mình, con đang yêu thương hết mình, yêu ba me, yêu anh chị em, yêu gia đình ta, tổ quốc ta, yêu tất cả mọi người, yêu cả tiếng đại bác kêu réo nầy nữa. Tôi chảy nước mắt và cầu nguyện mãi. Trong giấc ngủ mơ màng với đại bác, với hoả châu, tôi mơ thấy tuổi nhỏ của tôi, của anh em chúng tôi. Đó là một cánh đồng, những thảm cỏ xanh, và mùi thơm của phân bò, phân trâu ngây ngất, thân ái.

X.

"Mấy giờ rồi con?"

"Dạ, năm giờ me".

"Chúng nó đã tới đông đủ chưa".

"Có ai đâu mà đông, me".

"Sao thằng Kim bảo là nó sẽ đưa mấy thằng bạn của nó về nhà. Còn Hoà nữa, bộ chưa đứa nào báo tin cho nó sao?"

"Bọn con chả thấy thằng Kim nói gì cả. Chắc nó quên luôn rồi. Còn Hoà thì mấy hôm trước con có ghé nhưng không gặp. Con định chiều qua sẽ trở lại. Nhưng thôi. Có lẽ để chờ anh Phan về xem ý anh ra sao đã. Me ạ".

"Cái thằng thật lắm chuyện. Mà sao giờ nầy chưa thấy tăm hơi bọn chúng đâu cả. Mẹ sốt ruột quá".

"Chắc tại tàu bay trễ đó me. Dạo nầy con nghe xin máy bay quân sự khó lắm. Đôi khi phải chờ đôi ba ngày cũng nên".

"Ai thì phải chờ chứ anh Phan thì khỏi đi. Anh ấy mồm mép lắm. Chắc thế nào cũng xoay ra máy bay để về kịp trong ngày. Me yên tâm đi".

Tuy nói me tôi yên tâm. Nhưng tôi biết cả nhà tôi lúc nầy không ai yên tâm nổi đâu, nhất là me tôi.

Từ buổi trưa đến giờ, bà luôn luôn hỏi mấy giờ và chốc lại kêu sốt ruột quá.

Chị Phượng nói:

"Chắc tại me nôn quá, rồi suốt đêm qua không chợp mắt được nên bây giờ sốt ruột chớ gì".

Chị Phượng nói vậy nhưng chính chị cũng đứng ngồi không yên. Dạo nầy sau mỗi bữa cơm, giờ tụ tập trong phòng khách của gia đình tôi thường kéo dài lâu hơn. Cả nhà thường nói nhiều về những trận đánh, những tin tức chiến sự. Buổi tối, ba tôi thường ngồi lâu hơn trước máy thâu thanh, sau bản tin chiến sự hồi 9 giờ của đài Sài Gòn. Me tôi cũng không còn lòng dạ nào để thích nghe chèo cổ nữa. Nhất là chị Phượng. Cầm báo, mục chị coi trước nhất không còn là truyện Kiều Phong A Tỷ nữa mà là tin chiến sự. Chị thuộc lòng từng tên làng, tên địa điểm, tên các loại súng, tên những trận đụng độ. Và khi giở vào trang trong các nhật báo, chị đã bắt đầu chê trách mấy nhà văn mà trước đó chị vẫn theo dõi, rằng họ vô trách nhiệm, chả biết viết gì về cuộc chiến nầy cả. Chị Phượng thế đó, còn tôi, trái ngược với chị, tôi không biết gì hết, không nhớ gì hết, không hiểu gì hết, mà chỉ thấy chiến tranh, bom đạn, chết chóc đủ thứ vo tròn lại một cuộc nhào lộn trong đầu.

"Mấy giờ rồi nhỉ?"

"Thôi con Quyên để đó mẹ với chị Phượng làm cho, lên trên lo dọn rượu với thằng Hoàng đi".

"Vội gì me. Hãy còn sớm mà. Hoàng đang nói chuyện với ba con ngoài hiên ấy. Để con làm xong món nước mắm nầy đã".

"Quyên coi giùm bếp lửa cho chị một tí. Không chả giò thành than cả bây giờ".

Tôi gắp bớt vài cục than ra khỏi bếp lửa cho chị Phượng, rồi tiếp tục cầm mấy trái chanh gọt vỏ, tế múi. Mùi chanh chua khé cổ làm cổ họng tôi đắng chát những nước bọt. Không hiểu Hoàng đang nói cùng ba tôi những chuyện gì trên nhà. Chắc lại không ngoài chuyện chiến tranh chính trị. Chị Phượng đang lấy rau muống chẻ trong tủ lạnh ra sắp lên đĩa. Những sợi rau xanh mát, quấn quít lấy nhau trông thật ngon mắt. Biết đến bao giờ đời sống lại tươi mát như thế. Chị Phượng thấy tôi nhìn đĩa rau thì bảo:

"Thôi cô, có cho cái món nước mắm của cô xong mau lên không. Chắc các ông ấy về đến nơi giờ đó".

"Đôi khi lúc nầy bọn nó đã tới phi trường rồi cũng nên há".

Sáu giờ chiều, bữa chả giò được dọn đầy đủ lên bàn ăn".

Mùi chả, mùi nước mắm, thơm phức. Nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi gì của anh Phan, anh Nghĩa. Để đỡ nóng ruột, cả nhà tôi và Hoàng ngồi quây trong phòng khách vừa uống nước, vừa đọc mấy tờ báo mới. Nhưng đến khoảng hơn bảy giờ thì me tôi không còn đủ sức chịu đựng thêm nữa. Đang ngồi nghe đọc một cái phóng sự chiến trường, mẹ tôi đột nhiên đứng bật dậy:

"Hay là đứa nào lấy xe ra phi trường xem sao đi. Me sốt ruột quá".

Me tôi nói xong, bà vẫn đứng nguyên giữa phòng khách, nhìn từng đứa một trong chúng tôi như để cầu cứu. Hoàng buông tờ báo xuống, hướng về ba tôi:

"Hay ba me để con với Kim chở nhau ra phi trường hỏi coi chiều nay có chuyến bay nào không".

Câu nói của Hoàng làm tôi thấy nô nức. Ừ nhỉ, tại sao chúng tôi không cùng kéo nhau vào phi trường hỏi coi. Chị Phượng cũng nô nức như tôi, và có lẽ cũng muốn tranh phần Kim để đi cùng Hoàng vào phi trường như tôi. Nhưng ba tôi đã đặt mạnh ly rượu chát của ông xuống bàn, nói với Hoàng:

"Con cứ ở nhà đi, không có đi đâu hết. Bộ me chúng nó quẩn đấy. Bảy giờ hai mươi rồi. Giờ nầy, ai cho người ngoài vào phi trường".

Rồi ngừng lại một giây, ba tôi lại tiếp:

"Mà dù có cho vào nữa cũng không việc gì phải đi. Bà tưởng chúng nó không biết đường về nhà mình nữa sao. Cứ đứa nầy đi kiếm đứa nọ rồi đuổi nhau đến bao giờ cho gặp".

Và ông kết luận bằng cách bảo Hoàng:

"Thôi, con đọc tiếp cái phóng sự cho me con nghe đi. Mình chờ chúng nó thêm 40 phút nữa".

Đoạn phóng sự trong tờ báo Hoàng đọc tiếp đang tả một trận đánh ngoài Ba Lồng, Quảng Trị. Ba tên Việt Cộng lọt được vào đồn bằng ngõ Tây Nam. Một trái lựu đạn tung vào vị trí súng cối. Ba xạ thủ của đồn bị thương. Nhưng một chiến sĩ của ta đã nhận ra bọn đột nhập. Anh rút kíp lựu đạn, chờ cho ba tên nầy vừa nhô khỏi chỗ núp là ném. Trái lựu đạn nổ tung. Nổ tung... Nổ tung... Nổ tung. Hoàng vẫn đọc tiếp. Nhưng tôi chỉ nghe đến đấy. Rồi mấy câu nổ tung, nổ tung, cứ vang lên mãi trong đầu tôi, như tiếng nói trong một khúc đĩa hát cũ bị mũi kim giắt lại. Tiếng Hoàng đọc vang trong căn phòng càng ngày càng có vẻ như được khuếch đại thêm bởi hình như cũng chả còn ai nghe. Hoàng đọc hết cái phóng sự chiến trường, đọc thêm sang một lô tin tức, bài vở khác ở mấy tờ báo, mà vẫn không làm ngắn được phút chờ đợi. Thỉnh thoảng, Kim pha trò một câu, hay bật lên cười hô hố. Nhưng sự huyên náo của nó chỉ làm lặng lẽ trống trải thêm những phút sau đó.

Trời tối dần bên ngoài. Rồi Kim bật tách một cái. Đèn sáng. Rồi chiếc đồng hồ quả lắc phía trên tủ trà đổ chuông. Vẫn không thấy gì. Đến tiếng chuông đồng hồ thứ ba, thứ bốn gì đó thì ba tôi nhỏm dậy, tuyên bố:

"Thôi, ngồi vào bàn ăn đi. Vậy là chúng nó không về rồi".

Hoàng ái ngại nhìn me tôi:

"Hay là để chờ thêm nửa tiếng nữa. Biết đâu các anh ấy..."

Ba tôi cương quyết đứng dậy kéo ghế:

"Thôi, ngồi vào bàn đi. Không thể chờ chúng nó được nữa" - và ông gắng pha trò - "kiến bò bụng lắm rồi. Ba chịu không nổi. Thôi me nó, con Phượng, con Quyên, Hoàng, Kim ngồi vào đi..."

Cả nhà theo chân ba tôi, lần lượt ngồi quanh bàn ăn. Nhưng vừa cầm đũa lên là me tôi khóc ngay:

"Thôi, thế là chúng nó không về thật rồi. Thằng Phan không về thì thằng Nghĩa cũng không về được đâu".

Ba tôi gắt:

"Ơ hay, cái bà nầy ăn nói hay nhỉ. Sao bà bảo chúng nó không về. Chưa bữa nay thì bữa mai chứ sao".

Thằng Kim phụ hoạ với ba tôi:

"Thì con chả bảo với me trước sao. Cuối lá thư, anh Nghĩa đã viết là các anh ấy bận đi hành quân gấp đó thôi".

Hoàng nói:

"Có thể các anh ấy về muộn. Đôi khi tới bữa ăn, các anh ấy kéo nhau về lại còn vui hơn nữa".

Bình thường, ba tôi nói gì ít khi me tôi chịu thua, nhưng không hiểu sao, sau câu gắt của ba tôi vừa rồi, bà có vẻ sợ:

"Thằng Phan nó thích chả giò lắm. Mà phải chả giò tôi làm nó mới thích".

Ba tôi cười:

"Thì ngày mai ngày mốt chúng nó về, lại làm một bữa nữa. Bộ bà tưởng không có cái vé số trúng 500 của bà, nhà nầy không làm nổi một bữa chả giò hay sao?"

Me tôi nửa khóc nửa cười:

"Thôi, con Phượng lấy cho me cái đĩa ra đây, me để phần chả của chúng nó lại. Để lát nữa chúng về cho có ăn. Còn Hoàng, thôi ăn đi con".

"Cầm đũa đi. Cầm đũa đi".

Kim sốt ruột thúc giục. Còn ba tôi thì nhìn tôi rồi nâng ly với Hoàng:

"Cụng ly với ba đi, Hoàng. Đây đúng là tiệc mừng người thi trượt đây, phải không. Kìa coi mấy cái mặt. Coi chừng làm hỏng bữa chả giò của me chúng bay đấy. Nước mắm nầy đứa nào pha đây?"

"Tác phẩm của chị Quyên đó ba. Coi nầy, chị Quyên chia nước mắm cho anh ấy đi chứ".

Hoàng vừa sớt một muỗng nước mắm vào chén, vừa cười:

"Đây là tiệc ba me cho con để lên đường đây. Mấy tháng nữa, xong ở Thủ Đức ra con sẽ xin xoay về chung một tiểu đoàn với anh Phan, anh Nghĩa".

Kim vừa nhồm nhoàm vừa ráng gân cổ la:

"Me, chị Phượng, chị Quyên, nâng chén mừng anh Hoàng đi nào".

Nhờ ba tôi, không khí quanh bàn ăn trở thành vui vẻ lại dần. Chị Phượng và me tôi để phần chả giò cho anh Phan, anh Nghĩa xong, cũng bắt đầu góp chuyện về chuyện Hoàng sắp đi Thủ Đức. Hoàng trở thành nhân vật chính của bữa ăn, và tôi, thật tôi biết ơn ba me tôi, biết ơn gia đình tôi quá sức.

Nhưng chúng tôi ăn chưa đầy nửa bữa thì có tiếng chuông reo ngoài cửa, chị Phượng đang cầm ly nước trên tay, giơ luôn cả ly nước ra ngoài:

"Kìa, me coi".

Me tôi kêu lên:

"Phan hở. Kìa chúng bay, ra mở cửa mau lên. Me tôi nói quên cả nuốt. Nói chưa dứt câu bà đã đứng dậy. Nhưng không ai cười me tôi cả, bởi tất cả đều mải nhìn ra ngoài. Sau cánh cửa, tôi thấy bóng một bộ tay-di thấp thoáng. Chị Phượng ngồi xa cửa hơn tôi. Nhưng tôi chưa kịp đứng dậy thì chị đã ra đến gần cửa. Cả bàn ăn đứng lên. Chị Phượng đã ra đến nơi. Hai cánh cửa mở tung ra một lần. Nhưng tôi chưa kịp nhìn rõ gì thì đã nghe thấy tiếng me tôi rơi phịch xuống ghế và kêu lên:

"Ồ. Không phải rồi".

Bấy giờ khoảng sân phía ngoài đã sáng rõ hơn. Một người lính cao lêu nghêu, vai mang ba lô đã bước vào sân. Người lính cao hơn chị Phượng hẳn một cái đầu, bóng anh ta in dài trên bức tường cạnh đó. Hình như người lính nói gì với chị Phượng, tôi không nghe rõ, nhưng tôi trông thấy chị gật gật. Lát sau, chị ra dấu mời người lính vào và tôi nghe chị nói: "Mời trung sĩ vào. Có ba me tôi trong nầy".

Người lính đã vào đến giữa nhà. Anh ta đứng trước bộ xa lông, hướng về phía ba me tôi chào nghiêm theo kiểu nhà binh. Tôi nhận ra người lính còn cao hơn tôi tưởng và chiếc ba lô anh ta mang trên lưng có vẻ nặng.

"Thưa cụ, chúng tôi là trung sĩ Đảo, trung đội phó trung đội của anh Phan".

Chị Phượng nói thêm:

"Thưa ba me, trung sĩ đây ở cùng đơn vị với anh Phan và anh Nghĩa.Trung sĩ mang tin hai anh về nhà".

Hoàng đứng dậy lại bên người lính:

"Mời anh ngồi, chắc anh vừa về tới thành phố. Xin anh hãy để ba lô xuống đã".

Còn ba tôi thì đon đả:

"Chúng tôi đang mong các con tôi về. Cháu ngồi đi đã. Cứ gọi tôi là bác. Người nhà cả mà. Con Quyên rót thêm bia đi con. Cháu dùng một chút bia đã nhé".

Mặc dù nghe rõ ba tôi sai rót bia nhưng không hiểu sao tôi vẫn không nhúc nhích gì được. Tôi nhìn khuôn mặt người lính: anh chừng độ 26, 27. Đen và rắn. Vừa rồi, khi anh chào nghiêm theo lối nhà binh, tôi thấy dáng dấp anh có vẻ mạnh mẽ. Nhưng lúc nầy đây, sau khi anh xưng danh và gỡ mũ ra cầm tay, tôi bỗng thấy anh hiện rõ vẻ lúng túng. Hoàng đưa tay đỡ chiếc ba lô trên lưng anh xuống nhưng anh lính quýnh tránh sang một bên, gần như không muốn cho Hoàng đụng đến nó. Chị Phượng nói:

"Chúng tôi có nghe anh Phan nhắc đến trung sĩ. Chắc trung sĩ với anh tôi thân lắm".

"Dạ".

Người lính ấp úng nói. Nhưng anh vẫn chưa chịu ngồi xuống. Rồi trong phút chốc, tôi vẫn thấy anh đưa mắt nhìn quanh nhà. Nhìn ba tôi. Nhìn tôi. Nhìn Kim. Nhìn bàn chả giò. Nhìn bức tường. Nhìn chiếc bàn, chiếc ghế như muốn tìm kiếm một dấu hiệu nào đó trên những thứ ấy. Tôi nghe thấy tiếng me tôi gấp rút:

"Thằng Phan nhà tôi có nhắn gì với trung sĩ không?"

Ba tôi cũng đã đến bên người lính, nói:

"Thì bà để cháu nó ngồi nghỉ một tí đã nào. Ngồi xuống đi cháu.

Ba tôi nắm tay người lính, kéo anh ngồi xuống ghế. Nhưng trông những ngón tay ba tôi đang bấu vào tay áo người lính, tôi thấy nổi rõ trên nền xanh một vẻ vì khác lạ, tôi bắt đầu run. Me tôi cũng có vẻ ấy. Bà không chờ đợi nổi nữa, mà bật lên hỏi:

"Mấy đứa nó có sao không cậu?"

Người lính đã ngồi xuống salon. Chị Phượng đã thay tôi mang ra một ly bia. Chiếc ba lô đã được Hoàng đỡ xuống cạnh, và bây giờ hai bàn tay người lính đang bóp chặt lấy ly nước như muốn bóp nó bể. Rồi anh cúi xuống, nói nhỏ với ba tôi:

"Thưa, thế hai bác chưa nhận được tin gì của anh Phan, anh Nghĩa cả ạ?"

Thôi rồi. Trước mắt tôi tối sầm. Tiếng người lính vang tiếp:

"Cháu vừa từ Pleiku về đây chiều nay. Cháu tưởng hậu cứ ở đây đã báo tin anh Phan, anh Nghĩa rồi, nên mới xin về chia buồn cùng hai bác".

Người lính rời ly nước, cúi xuống nhấc nhấc chiếc ba lô lên:

"Nhân thể, cháu đem về hai bác những di vật của anh Phan, anh Nghĩa".

Sau mấy tiếng của người lính, có đến hơn một phút căn phòng khách nhà tôi lặng đi, không một tiếng thở nhỏ. Rồi đột nhiên tôi nghe xoảng một tiếng như có tiếng gì rơi vỡ đâu đó. Rồi một tiếng kêu, không, không phải tiếng kêu, mà là một tiếng rú, của me tôi tru lên, cùng với tiếng bà vật mình xuống nền đá. Phút chốc, cả phòng khách hỗn loạn và tôi ngã vào tay Hoàng lúc nào tôi cũng không biết nữa.

"Vực me chúng mầy lên đi văng đi. Con Phượng, con Quyên, lấy chai dầu ra đây. Ơ hay, chúng mầy làm cái gì cả vậy. Thằng Kim, thôi thằng Kim vào tìm chai dầu cho me mầy. Đi. Mau lên. Chúng mầy đâu rồi. Chúng tôi không đi đâu hết. Chúng tôi vẫn ở đó. Ở trong phòng khách. Chị Phượng vẫn ngồi trên ghế, mắt mở lớn bất động. Ba tôi, Hoàng, và cả người lính đang vực me tôi lên đi văng, xúm xít quanh me tôi. Còn tôi, tôi đã rời tay Hoàng và dựa người vào tường, nhìn trân trân xuống cái ba lô mà người lính vừa thả bên ghế. Cái gì vậy. Di vật của anh Phan, anh Nghĩa đó sao. Anh Phan đó sao? Anh Nghĩa đó sao? Không, không. Tôi không tin. Tôi không tin đâu. Ai mà tin được.

Có tiếng rên, tiếng khóc từ phía trong đi văng. Me tôi đang tỉnh dần, rồi đột nhiên bà vùng dậy kêu lớn:

"Phan ơi là Phan. Con ơi là con. Sao con không về. Bao giờ con về".

Cả ba tôi và Hoàng phải cùng nhau giữ me tôi lại, không cho bà vùng vẫy. Me tôi vừa dẫy dụa vừa kêu tên anh Phan. Một lát, bà lả dần xuống, rồi lảm nhảm luôn miệng:

"Nó không về. Không bao giờ nó về nữa đâu. Con ơi".

Người lính đứng tần ngần phía trong một lát, rồi anh chầm chậm đi lại phía tôi:

"Tôi thật bậy. Tôi không ngờ chính tôi lại mang tin buồn nầy lại. Tôi ân hận hết sức".

Tôi nhìn người lính xa lạ mà thấy anh bỗng như thân thuộc gắn bó với gia đình tôi từ lâu. Tôi hỏi anh:

"Thưa anh, anh Phan tôi gửi được về cho chúng tôi những gì?"

Người lính lấy trong túi ra một cái lắc bạc nhỏ đưa cho tôi:

"Đây là tấm lắc ghi số quân và số máu của anh Phan".

SQ. 264279. LM O. Tấm lắc trong tay tôi lạnh buốt. Đúng rồi. Anh Phan. Anh đeo cái gì lủng lẳng ở cổ vậy? Sinh mạng của anh đấy. Cái gì mà sinh mạng, mà lại có đến hai ba tấm lận. Quyên biết tại sao hai tấm không. Trước khi tử thương, anh sẽ gỡ tấm nhỏ nầy gửi về cho me. Còn cái lớn nầy sẽ giữ lại ở cổ. Để làm gì à. Để cho người ta biết số quân, số máu của mình mà cứu. Thấy chưa. Lính là thế. Cái gì cũng số. Mỗi người trở thành một con số. Anh Phan đã nói thế và cười với tôi. Mới đó. Và đó, những con số của anh ở trong tay tôi. Hình như bắt đầu méo đi, nên giọng người lính trước mặt tôi cũng đượm vẻ dỗ dành hơn. Anh hỏi tôi:

"Xin lỗi! Cô có phải là Quyên không?"

Tôi gật đầu nhưng vẫn nhìn sững tấm lắc sinh mạng anh Phan trong tay tôi. Người lính lại tiếp:

"Anh Phan vẫn thường nói với chúng tôi chuyện nhà. Về Quyên và Phượng. Tôi có giữ một khăn tay của Quyên. Anh Phan mất hôm kia, trong một cuộc chạm súng ở gần Bu Hon. Anh mất vào lúc 5 giờ chiều. Chắc chỉ nay mai nhà sẽ được tin báo. Quyên ngồi xuống đi".

Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống, theo lời người lính. Tôi hỏi anh:

"Thế còn anh Nghĩa tôi. Xin anh..."

"Cho đến nay chúng tôi chưa được tin tức chính xác của anh Nghĩa. Chỉ có tin báo là anh ấy mất tích. Lúc anh Phan mất, anh Nghĩa có ở bên tôi. Anh lồng lên xách súng lao đi rồi thôi. Có thể anh Nghĩa bị bọn chúng bắt mất. Trận nầy chúng có đến hơn hai tiểu đoàn".

Tiếng khóc của me tôi ray rứt ở ngay bên tai tôi. Cả ba me tôi, Hoàng, chị Phượng và Kim đều đã quây quanh người lính từ bao giờ. Ba tôi hỏi:

"Nó có kịp nhắn gì không cháu?"

"Dạ có. Anh ấy có nhờ cháu ghé lại nhà ở đường Yên Đổ thăm chị ấy. Thật khổ. Chị Hạnh cũng đang có mang. Vừa rồi, nghe tin, chị ấy cũng đã ngất đi ngay giữa nhà. Anh Phan có bảo cháu nói chị ấy xuống săn sóc bác gái".

Tiếng khóc me tôi vẫn không ngớt. Hình như me tôi không nghe thấy gì nữa. Chị Phượng nhìn tôi, rồi nhìn ba tôi. Chúng tôi không hiểu người lính nói gì. Nhưng cũng không ai đủ sức hỏi lại.

"Tao bị rồi. Anh ấy la lớn vậy. Rồi anh ấy vùng lên, không trú không núp gì hết, cứ thế nã cạc bin vào mấy gốc cây phía trước. Tôi với anh Nghĩa chạy đến. Nhưng không kịp nữa. Anh ấy bị đến 7 phát. Vào ngực. Vào đầu. Vào cổ. Vào bụng. Vào..."

Thôi! Tôi muốn la lên như vậy, nhưng tiếng không bật khỏi cuống họng. Một tiếng của mẹ tôi bật lớn lên, át hẳn tiếng nói người lính, làm anh phải ngừng nói nhìn tôi, hai mắt lúng túng như người vừa làm một tội ác. Ngồi lại một lát, rồi có lẽ thấy không nên kể thêm gì với gia đình tôi trong lúc nầy nữa, anh đứng dậy xin phép ra về, ba tôi hỏi thăm về việc lĩnh xác anh Phan. Người lính nói với ba tôi:

"Thưa bác, ngày mai, trình diện và liên lạc với hậu cứ xong, con sẽ xin trở lại hầu bác để lo cho anh Phan".

Ba tôi hỏi anh ở đâu và ngỏ ý mời anh lại ở với gia đình tôi trong những ngày nghỉ phép nhưng người lính từ chối. Khi cùng Hoàng và chị Phượng đưa anh ra cổng, tôi nghĩ đến hai tút thuốc Lucky và xấp khăn tay tôi vừa cất cho anh Phan, anh Nghĩa. Tôi nói với anh:

"Xin anh thế nào cũng trở lại với chúng tôi sớm. Bây giờ anh là anh Phan, anh Nghĩa của gia đình chúng tôi".

Người lính cảm động lắm. Anh không dám nhìn tôi nhưng anh nói:

"Quyên và Phượng yên tâm. Thế nào tôi cũng phải trở lại".

Người lính đi rồi, quang cảnh bữa chả giò dang dở trong gia đình tôi càng thê thảm thêm. Me tôi vẫn chưa tỉnh. Bà ôm chặt lấy Hoàng luôn miệng kêu: "Phan, Phan. Con của me". Rồi kéo Hoàng đến bàn ăn, bày phần chả giò bà để phần anh Phan, anh Nghĩa nhất định bắt Hoàng phải ăn, trong khi chúng tôi nhìn nhau không cười được mà cũng không còn khóc được nữa.

Một lát, Hoàng dìu mẹ tôi vào phòng trong. Ba tôi kêu chị người làm lên dọn bàn ăn, rồi trong khi ông ngồi lặng trên ghế thì tôi nhìn cái ba lô của anh Phan do người lính để lại. Tôi muốn giở cái ba lô ấy ra, muốn trông thấy đồ đạc của anh Phan, nhưng tôi không dám sợ làm me tôi điên thêm. Có lẽ biết ý tôi, chị Phượng bảo tôi: Quyên để đấy chị. Rồi chị xách ba lô lên gác. Chiếc ba lô nặng lắm, tôi biết, nhưng chị mang như không. Tôi không tưởng tượng nổi có lúc chị có thể mạnh đến như thế. Một lát, lẫn trong tiếng lảm nhảm của me tôi, có tiếng khóc của chị Phượng trên gác vọng xuống. Đã đến lúc chị không nín nổi nữa. Có lẽ chị đang gục đầu vào những đồ đạc do anh Phan tôi để lại. Ba tôi ngồi cứng như một bức tượng trong ghế bành. Mắt ông trừng trừng nhìn thẳng nhưng tôi biết ông không trông thấy gì. Tôi, tôi cũng không còn sức để nín hơn được nữa. Tôi muốn nổ tung. Muốn lăn vào lòng ba tôi. Muốn lay gọi ông. Nhưng tôi chưa kịp làm gì thì phía ngoài bỗng có tiếng đập cửa. Tiếng đập cửa liên hồi. Hối hả. Cấp bách. Me tôi đầu tóc rũ rượi từ phòng trong chạy ra, vừa chạy vừa la: Thằng Phan về. Thằng Phan về. Để tôi mở cho nó. Để tôi mở cho nó. Chúng tôi vừa kịp đứng lên thì cửa đã mở tung. Me tôi ôm chầm lấy cái bóng vừa từ ngoài bóng tối ngã vào. Bà vừa ôm, vừa kêu: Trời ơi. Con của me. Tóc gáy tôi dựng ngược. Cái bóng vừa ngã trong tay me tôi trắng toát. Anh Phan đó sao. Anh Phan về thật sao.

Nhưng không. Không phải anh Phan. Cái bóng đó là một cô gái, một người đàn bà, một người đàn bà trắng toát, mềm nhũn. Một người chưa bao giờ chúng tôi trông thấy. Hình như cô ta cũng còn đang xỉu trong tay me tôi. Tiếng ồn ào dưới nầy đã làm cho chị Phượng cùng chị người làm chạy ra. Dìu được cô gái vào giữa nhà rồi, me tôi vẫn còn ôm chặt lấy chị, nhìn chị trân trân. Rồi mặt me tôi thay đổi dần. Hình như cô gái trong tay đã làm me tôi ra khỏi cơn mê sảng. Bà nhìn chúng tôi, nhìn ba tôi, nhìn mọi người. Ngơ ngác, cô gái trong tay me tôi kêu những tiếng nho nhỏ, đứt quãng:

"Anh Phan. Anh Phan. Anh..."

Sau khi khóc được ít phút trên gác, chị Phượng đã có vẻ tỉnh táo. Chị nhìn cô gái, rồi nói với ba tôi:

"Thưa ba. Đây là chị Hạnh ở đường Yên Đổ mà vừa rồi anh Đảo nói. Chị ấy là người yêu anh Phan. Chị ấy đang có mang. Trong ba lô anh Phan có một lá thư viết tiếp cho con Quyên, nói về việc chị ấy".

Câu chuyện có vẻ khó hiểu, nhưng chúng tôi hiểu ngay. Phải rồi. Lá thư của anh Phan, lá thư dang dở. Chị Phượng, me tôi đỡ Hạnh lên đi văng. Me tôi gạt vạt áo dài của chị sang một bên, đặt tay lên bụng chị. Bụng Hạnh đã nhô lên chút ít. Me tôi gục đầu vào bụng chị vừa kêu vừa khóc: "Phan ơi là Phan. Con ơi là con. Trời ơi là trời". "Hoàng". Tôi kêu và bấu chặt lấy tay Hoàng. Tôi bấu chặt lắm. Ba tôi thở dài:

"Nó sắp tỉnh rồi đấy. Me mầy phải để cho nó nghỉ với chứ".

Rồi ông quay mặt đi. Trên khuôn mặt ba tôi, đang quay ra bóng tối ngoài cửa sổ, tôi thấy lấp lánh trên sống mũi ông hai giọt nước mắt đang lăn xuống chậm chạp.

*

Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tôi đang nghe. Tôi đang nghe đây. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Hãy gọi anh Phan về đêm nay cho me tôi thấy. Hãy mang anh Nghĩa về đêm nay cho chị Phượng tôi thấy. Hãy mang tất cả về đêm nay cho tôi thấy. Cho ba tôi thấy. Cho em Kim tôi thấy. Cho chị Hạnh thấy. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Cho tôi gửi ra những bông hồng. Những khăn tay, những bữa ăn, những gói thuốc lá. Hãy nhắn với họ. Với Đông, với Hoàng, với Mẫn, với Nghĩa, với tất cả. Tôi gửi lời thăm. Thăm tất cả. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Còn gửi gì nữa không. Còn. Tôi còn gửi. Ngủ đi Ba. Ngủ đi me. Ngủ đi chị. Ngủ đi em. Ngủ đi tiếng đại bác. Đại bác. Ngủ đi. Ngủ đi. Tôi còn gửi. Để cho tôi gửi. Gửi cả tương lai tổ quốc ta theo đó.
Nguồn: Sách xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1966, Sống Má»›i tái bản tại Hoa Kỳ. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.