|
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu |
Sinh hoạt văn học trong nước nóng lên vào những tháng cuối hè với
Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu và
Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm như làn gió mát quét nhẹ những lớp bụi làm hoen ố khuôn mặt đất nước. Nói riêng Đảng và Nhà nước đều mát lòng mát dạ. Như cất được những gánh nặng trách nhiệm không làm, như làm tắt những tiếng eo xèo, ỉ ôi của dân chúng. Nhiều vị lãnh đạo hãnh diện cất cao giọng và phân bua: Thấy chưa, chúng tôi thế đấy. Nhưng càng đọc nhật ký của người con gái ấy, nếu còn chút tự sỉ thì phải thấy xấu hổ, vì đã uổng công sự hy sinh của giới trẻ. Họ đã làm mất mặt Đặng Thùy Trâm. Trong tất cả những cấp lãnh đạo ấy, chúng ta chỉ mong mỏi có một người dám nói một câu 5 chữ:
Tôi là người trong sạch. Họ kêu gào chống tham nhũng, nhưng không một ai trong số họ dám nhận mình là người trong sạch. Tôi xác tín rằng, nếu một người trong số họ là người trong sạch thôi, người đó thật sự là người anh hùng, là người lãnh đạo, là ông Môi-sen của Do Thái sẽ đưa đất nước ta đến miền đất hứa.
Hiện chúng ta đã có những người anh hùng trong chiến tranh. Điều đó không dám phủ nhận. Nhưng liệu chúng ta có được một người đạo đức trong sạch làm tấm gương cho cả nước như một Lý Quang Diệu. Ai có thể chỉ cho tôi thấy được người đó. Xin tạ ơn sự chỉ dẫn đó.
Thế là có hiện tượng
Bóng đè.
Bóng đè xuất hiện, đá lăn chiêng những thần tượng dỏm, mục rữa, để cân bằng với
Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Một bên sách hồng, một bên sách đen. Một bên tô hồng, một bên bôi đen. Có lẽ đất nước chúng ta cần cả hai thứ đó một lúc.
Câu truyện bắt đầu như thế này. Kể từ khi truyện ngắn
Tình chuột của Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện trên Hợp Lưu lần đầu tiên, nay đã ngót hai năm. Sau gần hai năm, tập truyện ngắn
Bóng đè mới được xuất bản lần đầu tiên, vào khoảng tháng 8, tại Việt Nam (trừ «Tình chuột» và 2 truyện khác bị kiểm duyệt). Kể là chậm đấy. Nó mang nhiều ý nghĩa lắm. Chậm vì có cái nhìn hạn hẹp, chậm vì đố kỵ, chậm vì sợ hãi vu vơ, chậm có thể vì mù quáng cố ý. Điều đó cũng chỉ ra rằng, sinh hoạt văn học trong nước khá trì trệ vì guồng máy quan lại phong kiến kiểu mới.
Nhưng dù chậm, nó đã gây khá ồn ào nơi người đọc trong nước và giới truyền thông báo chí. Đỗ Hoàng Diệu là người viết mới, còn xa lạ với giới độc giả trong nước. Nhưng với lối viết lạ, tự nhiên đến thẳng đuột, trơ trụi (unpolished manner), cô đã chinh phục đuợc giới độc giả trẻ. Một bản thống kê thăm dò ý kiến bạn đọc trên web «Mỗi ngày một cuốn sách» cho thấy: 96% đánh giá truyện của Đỗ Hoàng Diệu là rất hay so với truyện của một nhà văn nữ khác chỉ có zéro %. Đỗ Hoàng Diệu đã trả lời 21 cuộc phỏng vấn và số sách bán đã vượt 10.000 cuốn. Điều đó kể là đáng mừng, vì đây là hiện tượng văn học ở Việt Nam tiếp sau khoảng trống để lại từ thời kỳ
Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp và
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Mặc dầu con số 10.000 cuốn so với một con số 82 triệu người dân thì kể là quá ít.
Mới đây, theo báo
Thể thao Văn hóa, ngày 4.11.2005,
Bóng đè đứng đầu danh sách bán chạy nhất. Harry Potter, hạng 2.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm xếp hạng thứ 6.
Mãi mãi tuổi hai mươi, hạng 7.
Số lượng sách bán của Đỗ Hoàng Diệu ở thành phố Hồ Chí Minh gấp 4 lần số sách bán ở Hà Nội. Cũng mang nhiều ý nghĩa đấy chứ.
Trong một quầy sách ở một cửa hàng sách Hà Nội, cuốn truyện của Đỗ Hoàng Diệu được xếp cùng một hàng với nhật ký Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc. Người viết nhìn ra ở đó có sự sắp xếp đến là trớ trêu, mặc dầu do sự vô tình của tiệm sách. Nhưng vẫn là sự tương phản đến oái ăm, sự đối đầu hai mặt như đen với trắng. Có thể nào như thế không, một bên,
Nhật ký Đặng Thùy Trâm biến ngưòi nữ bác sĩ này
thành nữ anh hùng, sau hơn 30 năm thầm lặng. Chỉ nhờ tấm lòng và cái tình người của một người Mỹ và một thông dịch viên phía địch đã giữ được cuốn nhật ký cho đến ngày nay. Không có tấm lòng đó, Đặng Thùy Trâm sẽ là người anh hùng chết trong thầm lặng, chẳng bao giờ có ai biết tới. Nhật ký của Đặng Thùy Trâm kể là hay, nhưng câu truyện về những người lính địch phía bên kia cũng quá là hấp dẫn. Trong khi đó truyện
Bóng đè hoàn toàn ngược dòng, như trắng với đen, nội dung truyện đã biến Đỗ Hoàng Diệu
thành một nhà văn. Chữ Nhà Văn viết hoa. Đây là hai hình ảnh khá tương phản, một nữ anh hùng và một nhà văn rất ấn tượng. Một nhật ký kể lại quá khứ lý tưởng và một nhà văn đảo xới mồ mả quá khứ lên như lời nguyền rủa. Nó như một bức tranh hiện thực có hai mặt, một bên nói tới lý tưởng, tới hy sinh cao cả của tuổi trẻ và một bên đặt lại tất cả những gì đã làm nên quá khứ đó.
Đó là bi kịch của sự nghịch lý.
Người viết đã theo dõi, đã có dịp đọc hầu hết những bài viết cũng như ý kiến bạn đọc trong nước, trên báo và trên web, về cuốn truyện
Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Kể là nhiều lắm, không thể kể ra hết.
Chiều 27 tháng 9, tại Hà Nội, nhà sách Kiến Thức đã tổ chức tọa đàm về tập truyện ngắn
Bóng đè, cuốn sách đang gây nhiều nguồn dư luận trái chiều. Ồn ào là điều mà các nhà xuất bản mong muốn. Nhiều ý kiến chống, nhưng cũng rất nhiều ý kiến khen. Khen hay chê cũng là truyện bình thường.
Nhưng nay thì vấn đề không đơn giản như người ta tưởng. Khi luồng sóng khen có vẻ lấn áp, ồn ào, các quan chức văn nghệ đã nóng mặt ra lệnh: La récréation est finie. Giờ ra chơi đã chấm dứt. Người ta muốn tái lập lại trật tự. Thế là bắt đầu có sự trù dập, đánh phá một cách có hệ thống, có chính sách, nhất là bên phía các báo công an. Báo
Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới có một bài với nhan đề: «Về cái gọi là ’văn chương đổi mới’
». Cùng đồng lòng toa rập đánh phá còn có báo
Công an Nhân dân, báo
An ninh Thủ đô. Họ đều ở ngành công an cả đấy. Thêm vào đó là bài đánh phá tiêu biểu của ông Nguyễn Chí Hoan, với nhan đề: «
Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng»
, được đăng trên báo
Người Hà Nội, số 40, ra ngày 07.10.2005, được đăng lại trên talawas, ngày 18.10.2005. Bài viết kể là thô bạo, mang bản chất là trù dập có bài bản. Sự trù dập một nhà văn trẻ lần đầu tiên xuất hiện ở trong nước là một điều đáng để mọi người suy nghĩ.
Mới đây thì lại có thêm báo
Sài Gòn Giải Phóng nhập cuộc với bài viết của Ngô Ngọc Long.
Vấn đề là tìm hiểu xem tại sao họ phải trù dập như thế? Đó là câu hỏi cần được trả lời. Đằng sau các ông Nguyễn Chí Hoan, Phúc Linh là ai? Là Ban Văn hoá Tư tưởng, là báo
Nhân Dân, là các báo công an, là báo
Người Hà Nội.
Phần tôi, mong muốn giới có thẩm quyền trong nước chấm dứt tình trạng bề hội đồng một nhà văn nữ này. Quý vị cứ tự soi gương mình thì sẽ thấy im lặng là vàng.
Xin khẳng định, cho dù đánh phá thế nào đi nữa thì văn hoá, tư tưởng tự nó bao giờ cũng ở một tầng cao hơn những toan tính quy chụp, hay đánh phá. Việc đánh phá và đối trọng bị đánh phá có khoảng cách giống như biên giới cái giây lưng quần. Đánh phá thì tự hạ thấp mình, tụt hậu tính từ giây lưng quần trở xuống. Đối tượng bị đánh phá thì có chiều hướng đi lên, tính từ giây lưng quần trở lên.
Đây còn là một sự thử thách, đối đầu giữa văn học và một thể chế. Giữa một nhà văn đơn độc và Hội Nhà văn và các báo công an.
Giữa quyền lực của ngòi viết và quyền lực thế trị. Và đây không còn là truyện riêng tư của cá nhân Đỗ Hoàng Diệu nữa. Xin nói ra điều đó. Xin nói rõ điều đó.
Truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu không có cái gì gọi là văn chương đổi mới, cũng chẳng có cái gì là ảo ảnh văn chương trống rỗng. Cho dù trống rỗng thì trống rỗng ở chỗ nào? Hãy nói ra, hãy minh chứng. Nếu nhìn ở chiều sâu như một cảm nghiệm thì truyện của Đỗ Hoàng Diệu là những bi kịch đời sống, rơi vào hố thẳm của sự ruỗng mục, tồi tệ, tàn bạo đến tận cùng. Và từ đó âm vọng lên tiếng nói của nhà văn. Và cũng từ đó sự thật được bóc vỏ trần truồng đọc đến lợm cợm. Ta bị chao đảo và choáng ngợp đến sững sờ và mất tự nhiên, được cảnh báo một cái gì đó trong một thế giới người không phải là người nữa.
Nhưng cô viết tự nhiên, không rào đón chuẩn bị, và cũng chẳng cố ý nhằm chống đối rõ rệt một đối tượng nào. Và đã hẳn cũng chẳng cao vọng và mưu cầu điều gì. Nếu có được điều gì thì chính là những điều mà người ta muốn gán nhãn hiệu cho cô mà thôi. Người đọc và nhất là các quan chức văn nghệ đừng vội dị ứng. Nó có vẻ có cái trùng hợp với những ý tưởng của nhà soạn kịch Harold Pinter vừa lãnh giải văn chương Nobel viết vào năm 1958 như sau:
Il n!existe pas de frontière nette entre ce qui est réel et ce qui ne l!est pas, entre le vrai et le faux. Une chose n1est pas nécessairement soit vraie soit fausse, elle peut être à la fois vraie et fausse. [
«Không có biên giới rõ ràng giữa cái thực và cái không thực, giữa đúng và sai. Một điều có thể không nhất thiết là thật hay là giả. Nó có thể vừa là thật, vừa là giả»]
Thế giới truyện của Đỗ Hoàng Diệu quả thực có lẫn lộn như thế đấy, thật giả trộn vào nhau. Nhưng từ chỗ ấy, nhà văn xác lập cho mình một thế nhìn, thế đứng để soi rọi vào lịch sử xã hội con người, một xã hội đã mục ruỗng, xói mòn bởi đủ các thứ chuột. Đó là thế giới người lớn, của quan chức, của quyền uy như một loại củi mục.
Thường người ta nói rằng, nhìn cây thì thấy rừng. Phải rồi, nhưng nhìn củi mục thì thấy gì? Nhìn ra cái đám củi mục đó, chính là công việc của nhà văn.
Nhiều người không ưa cô là vì vậy.
Chính ở chỗ đó mà người ta không chấp nhận thế giới truyện của Đỗ Hoàng Diệu. Ông Trần Tiễn Cao Đăng không thích truyện của Đỗ Hoàng Diệu vì đã quá chú mục vào quá khứ. Cũng đúng chứ không phải sai. Nhưng thế giới truyện «Dòng sông hủi», «Tình chuột» là thế giới mà chúng ta đang phải giáp mặt mỗi ngày đấy chứ.
Sự phê bình như Trần Tiễn Cao Đăng là cần. Nhưng trù dập, bề hội đồng, dùng áp lực quyền chức, gây sức ép thì lại là chuyện khác. Và nhiều khi tác phẩm càng bị trù dập, giá trị của nó càng được gián tiếp khẳng định. Cái đó chờ thời gian sẽ rõ. Thời gian sẽ là thước đo chiều cao (giá trị tác phẩm) và chiều dài (sự tồn tục của tác phẩm) và chiều ngang (sự ngưỡng mộ của độc giả). Sau khi cuốn truyện
Bóng đè đi qua khâu kiểm duyệt, sách đã bị cắt bỏ 3 truyện: «Tình chuột», «Những sợi tóc màu tang lễ», «Cô gái điếm và 5 người đàn ông» (cả 3 đã đăng trên Hợp Lưu và 1 đăng lại trên web Tiền Vệ).
Riêng truyện «Bóng đè» thì bị cắt nghiến đi những câu như:
«Mồ mả là quá khứ, là huân chương, là tổ quốc (…)
Bây giờ đập ngay vào mắt tôi là hai huân chương liệt sĩ, một Điện Biên, một Đường 9 Nam Lào». Tại sao lại cắt? Cái đó mỗi người Việt Nam phải tự tìm cho mình một câu trả lời.
Đã hết đâu, sau khi được in, còn có một tầng kiểm duyệt mới tinh vi hơn nữa: Bôi nhọ và đánh phá tác phẩm. Đó là điều đang xảy ra cho tác phẩm
Bóng đè của nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu mà tầm mức khiến người ta nghĩ rằng các quan chức đã sơ xuất khiến phải chỉ thị cấp dưới vận dụng nghiệp vụ kềm hãm hiện tượng
Bóng đè. Xin nêu ra ở đây một số điều đáng được nói tới nhất.
Chuyện đáng nói thứ nhất:
Người viết không thấy những bài báo trong nước nói cho rõ trong trường hợp nào tập truyện
Bóng đè đã được xuất bản trong nước. Đỗ Hoàng Diệu sống ở Hà Nội, lớn lên ở đó, viết văn cũng từ đó. Viết ngay từ khi lên 9, 10 tuổi khi cô đoạt giải Tuổi Xanh năm 1990. 14 tuổi cô đoạt giải của báo
Tiền phong với truyện «Ông già hàng xóm». Bẵng đi một thời gian không biết là bao lâu, cô đã viết mà không có nhà xuất bản hay tờ báo nào đăng truyện của cô. Đó là một hình thức tự kiểm duyệt của các nhà xuất bản trong nước. Có 600 báo chí đủ loại thuộc nhà nước đều tuân thủ cái lệnh Nạo Thai Văn Học bất thành văn đó. Mà đứng đầu là Nhà xuất bản Hội nhà văn. Trong bài viết đăng trên talawas ngày 10.07.2004 với nhan đề «Một cơ cấu tổ chức cần phải thay đổi»
, người viết đã đưa ra lời lời kết luận như sau:
«Nói cho đến cùng, cái cơ cấu về quyền lực, về quyền cho phép in hay không in, về tổ chức in ấn hay xuất bản, không lành mạnh cần thay đổi. Cho đến lúc này những NXB Hội Nhà Văn, Giáo Dục, Văn Học chỉ là những chiếc dù che chắn đỡ đầu bao che cho những tài phiệt chi phối làm ăn bất hợp pháp mà mục đích duy nhất là kiếm lời». Không ai cấm, không có lệnh, không có văn bản này nọ, nhưng rất nhiều tác phẩm trong nước của một số đông tác giả đã không được giới nhà xuất bản, hoặc báo nào dám đăng.
Đỗ Hoàng Diệu chỉ còn có lối thoát duy nhất là tìm đường ra hải ngoại, cô nghĩ rằng đó là nơi chốn cho cô
vượt thoát, chỗ mà cô có thể thực hiện được giấc mơ tầm thường của một nhà văn nữ trẻ.
Phải nhìn lại chuyện này, phải suy gẫm lại điều đó như một nỗi tủi nhục cho số phận nhà văn. Đây là một bài học cho mọi người soi vào để nhìn ra bản chất sinh hoạt văn học trong nước, một thứ văn học còn quan liêu, chậm tiến, khệnh khạng, giáo điều và nhất là độc đoán kiểm duyệt. Đỗ Hoàng Diệu trong phần trả lời phỏng vấn trên Hợp Lưu số 79, tháng 10.11.2004 ở trang 231 đã cho biết: «
Còn việc tôi chọn Hợp Lưu chứ không phải một diễn đàn khác để ao ước sự vượt thoát, dường như là số phận. Số phận đã làm truyện ngắn của tôi bị từ chối in ấn, xuất bản trong nước mà có lẽ thứ số phận trước tiên là do tôi đã viết rất thật, không dối trá chính mình. Rồi số phận đã cho tôi gặp gỡ, thân quen một vài người sống bên ngoài, yêu mến văn nghệ, yêu mến Hợp Lưu đã giới thiệu tập san này với tôi. Và số phận đã mách bảo, khi tôi đọc Hợp Lưu, mình phải gửi truyện ngắn đến đấy. Tôi không quan tâm đến chuyện Hợp Lưu vẫn còn bị tịch thu ở cửa khẩu hải quan, tôi chỉ nghĩ đây là một tập san văn chương đích thực. Nhưng cũng chính vì số phận ấy, bây giờ một số bạn bè xa lánh tôi… Cẩn thận, nó dính đến hải ngoại. Họ truyền tai nhau như thế. Tôi thấy thương họ.»
Và cứ như thế, cho đến lúc bài phỏng vấn này xuất hiện, cô đã có bốn truyện ngắn đăng trên báo Hợp Lưu. Câu truyện số phận mà cô vừa nói đến ở trên bắt đầu bằng truyện ngắn «Tình chuột» được gởi đến Hợp Lưu vào khoảng tháng 10.2003.
Ban biên tập Hợp Lưu đã nhận thức ngay được rằng truyện của Đỗ Hoàng Diệu có giọng văn, hơi văn, áp suất truyện riêng biệt, có sức quyến rũ mãnh liệt trong hình ảnh, câu văn, với một nhịp văn, mạch văn lôi cuốn không ngưng nghỉ.
Nguời viết cũng xin trích dẫn một vài lá thư nhận được khi viết bài «Nhận diện một số nhà văn Việt đầu thế kỷ 21»
. Những lá thư cho thấy độc giả ái mộ truyện của Đỗ Hoàng Diệu như thế nào:
Cũng như «Bóng đè», «Dòng sông hủi» rất xuất sắc, với thông điệp rất mạnh. Đỗ Hoàng Diệu thuộc thế hệ mới, thế hệ sau Phạm Thị Hoài, mạnh mẽ và liều lĩnh, đặc biệt không rơi vào Hậu hiện đại, hủy cấu trúc hay tân hình thức (Thư đề ngày thứ tư 20.10.2004).
Em đã đọc «Bóng đè» rồi và một truyện khác của Đỗ Hoàng Diệu gần đây thôi, do một người bạn giới thiệu. Cả hai đều rất là sensual, hay lắm và em thích lắm (Thư ngày 20.10.2004
). Thưa ông, tôi vừa đọc xong truyện «Bóng đè» của cô Đỗ Hoàng Diệu tối qua, đọc tới hai giờ sáng vì truyện hấp dẫn quá không thể ngưng được. Chủ đề câu truyện thật là lạ, lối viết của tác giả cũng đôi lúc mơ hồ kỳ bí. Lần đầu, tôi đọc một nhà văn miền Bắc, tôi thấy lối viết văn của cô khác với các tác giả miền Nam, nhiều lúc tôi thấy cô dùng những từ ngữ rất lạ tai, vì chưa bao giờ được nghe. Trong truyện, cái giả và cái thật lẫn lộn gây tò mò và kích thích cho độc giả. Đọc xong câu truyện, tôi thấy tất cả mọi thành trì như luân lý, tổ tiên, anh hùng liệt sĩ... đều bị sụp đổ đến tan tành thảm bại (Thư đề ngày 23.10.2004).
Một nữ độc giả khác khi đọc xong truyện
Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đã viết như sau: «
Cần hiểu chữ phủ nhận ở đây không phải là sự chối bỏ hay đạp đổ quá khứ. Quá khứ là nền tảng, nó không có tội, nó chỉ trở thành dây trói khi người ta sùng thượng và thần thánh hoá nó, coi nó là điểm nhìn mẫu mực để phóng chiếu và xét đoán mọi suy nghĩ của lớp người sau. Theo tôi, đó là sự tôn thờ không thành tâm và trong sáng. Với những truyện ngắn ‘nhại sử’, Nguyễn Huy Thiệp đã khiến cả dân tộc phải nhìn lại mình (ý của Nguyên Ngọc). Phạm Thị Hoài, người phụ nữ đã trả lời cho văn giới và bạn đọc về cách viết tiểu thuyết cũng như cách ứng xử với những giá trị mòn cũ đã từng được coi là chuẩn mực của một thời. Đỗ Hoàng Diệu một lần nữa lại khơi lại khát vọng cởi trói còn dang dở ấy» (HTQD)
Cứ giả dụ, cô không có cái duyên phận liên lạc được với tờ Hợp Lưu, số phận nhà văn của cô có thể còn long đong, lận đận đận đến bao giờ. Như cô đã trả lời phỏng vấn của Hợp Lưu: «
Một truyện ngắn cũng chẳng in cho tôi, ai dám in cho tôi cả cuốn sách. Người ta bảo tôi phải viết gọn gàng, sạch sẽ, xinh xắn, ấm áp thì mới in được. Người ta đọc bản thảo mà cứ như đo đếm vòng eo để chọn hoa hậu không bằng. Ngay cả «Tình chuột», có đụng chạm nào đâu, người ta cũng bắt tôi phải rút ra khỏi tập truyện tôi định xuất bản. Thế thì làm sao mà tôi vào Hội Nhà văn được. Thôi, cứ thế này để được đi thi hoa hậu dài dài. Nhưng nói thật nhé, giả dụ khi tôi về già, ai đó khùng điên mời tôi vào Hội Nhà văn, tôi cũng không vào đâu. Vì tôi không có tiền nộp hội phí mỗi năm và khi chết, tôi cũng không cần ai đọc điếu văn kính thưa, kính gửi. Đấy là còn chưa nói đến chuyện, chẳng may Nguyễn Huy Thiệp lại xếp tôi vào trong đa số các nhà văn Việt Nam vô học, lưu manh thì bố mẹ tôi sẽ uất hận bao nhiêu năm thắt bụng cho con ăn học. Còn đàn ông cũng chẳng ai dám cưới tôi làm vợ, ai mà chịu được vợ lưu manh (trích Hợp Lưu, số 79, trang 231).
Phải chăng vì những lời phát biểu như trên đụng đến Hội Nhà văn, nhất là truyện
Bóng đè mà các báo công an bị dị ứng nên mới có những bài viết của các ông Nguyễn Chí Hoan, Phúc Linh, Bùi Viết Thắng? Vấn đề là tìm hiểu xem các ông ấy viết theo chỉ thị của ai hơn là tìm hiểu xem các ông viết cái gì.
Cho đến khi nhà văn Đỗ Hoàng Diệu đã tạo được cho mình chút danh phận ở hải ngoại, nhà văn Hồ Anh Thái đã tuyển truyện ngắn «Bóng đè» vào tổng tập Văn Mới 2004-2005, rồi Nxb Đà Nẵng mới nghĩ đến việc cho xuất bản truyện của cô ở trong nước. Có chậm, nhưng còn hơn không.
Nhưng qua sự cố này, người ta có thể từ đó đánh giá được sự khác biệt sâu xa và căn bản giữa trong và ngoài nước. Bài học này của Đỗ Hoàng Diệu cho thấy bản chất sinh hoạt văn hoá trong và ngoài nước có những khác biệt nền tảng. Đó là cùng một dòng văn học Việt Nam, nhưng chia làm hai nhánh: Nhánh có lãnh đạo kiểm duyệt và nhánh không có chính sách kiểm duyệt. Một bên đa dạng, đủ kiểu, đủ sắc mầu. Một bên đồng phục, cùng một kiểu, cùng một mầu. Ngay cả trong trường hợp trong nước có những tranh cãi, vẫn là thứ tranh cãi với nhau mà không thể đụng tới Đảng, tới chính quyền. Chỉ tranh cãi trong những điều kiện đã được cho phép. Điều mà trong bài phỏng vấn Đỗ Hoàng Diệu cho rằng: „
cũng đôi ba lần ngây ngấy sốt vì mấy bài tranh luận đánh nhau, chửi nhau, nhưng rồi cũng vèo qua trí nhớ như cơn gió“ (trích bài phỏng vấn Đỗ Hoàng Diệu, Hợp Lưu, số 79, trang 230).
Chuyện đáng nói thứ hai
Trong ngày xử án Saddam Hussein, ông Leith Koubba, phát ngôn viên chính phủ đã tuyên bố như sau:
La raison pour laquelle ce pays est dans un tel état est qu’un seul homme a volé la volonté de 27 millions de personnes pendant 35 ans (Cái lý do mà ngày nay xứ sở này ở trong một tình trạng như thế này là bởi vì chỉ có một con người duy nhất đã cướp đi ý nguyện của 27 triệu dân trong vòng 35 năm nay). Ta chỉ cần đổi lại một vài chữ như sau: Cái nước Việt Nam này sở dĩ nó ở trong một tình trạng bết bát như ngày nay bởi vì một lý do đơn giản là Đảng Cộng sản cầm quyền đã cướp đi ý nguyện của hơn 80 triệu dân trong vòng hơn nửa thế kỷ nay. Nếu không có cái Đảng Cộng sản cầm quyền đó, đất nước chúng ta đâu đến nỗi ra nông nỗi này. Sau 20 năm đổi mới, từ 1986 đến nay, chúng ta vẫn tụt hậu về kinh tế mà mức cạnh tranh được xếp hàng thứ 81 trên 117 nước. Và theo
Transparency International Corruption Perception Index 2005, Việt Nam đã bị xếp hạng 110 về tham nhũng hối lộ. Và hệ thống tham nhũng hối lộ như trên đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của phát triển kinh tế. Còn tham nhũng, không thể nói tới phát triển.
Cứ nhìn vào những con số xếp hạng để đánh giá Việt Nam. Mà đừng nhìn, đừng nghe, đừng tin những điều người ta nói.
Chúng ta đã thua kém so với các nước láng giềng như Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore v.v. Và nói như Jean Lacouture, người đã viết nhiều sách báo ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp như cuốn
Hồ Chí Minh, 1977;
La fin d’une guerre (Indochine 1954), 1960;
Le Viet Nam entre deux paix, 1965 và
Việt Nam, voyage à travers une victoire, 1976 đã phải thú nhận như sau:
Lãnh đạo Hà Nội đã thực hiện một chính sách chiếm đóng chứ không phải giải phóng miền Nam, và ông đã gọi cuộc chiếm đóng đó là auto-colonisation, tự thực dân hóa chính nước mình. Đó là một thứ thực dân bản xứ tồi tệ chả thua gì thực dân thời thuộc địa. Sự tự thực dân hoá chính mình bằng cách tự coi đất nước này là của riêng Đảng Cộng sản. Lý thuyết, đường lối là Đảng, trí tuệ là Đảng, lãnh đạo cũng là Đảng, cai trị cũng là Đảng. Thế giới của những người anh hùng, những nhà lãnh đạo và những nhà cách mạng. Phần còn lại là người dân. Họ chẳng khác gì đám dân bị trị dưới thời thực dân. Họ bị khai thác, bị đè nén trấn áp. Họ chỉ biết cúi đầu vâng phục.
Báo chí trở thành công cụ của guồng máy chính quyền và khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều mà trước đây gần 20 năm, giáo sư Lý Chánh Trung đã cảnh báo và gọi một cách mỉa mai việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như chủ nghĩa Marx là: «
Về một môn học mà thày không muốn dạy và trò không muốn học». (Tựa đề bài viết của Lý Chánh Trung đang trên tờ
Tuổi Trẻ, chủ nhật, 13.11.1988. Cũng là tựa đề một bài viết của tôi: «Về một môn học mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học»). Đó là môt nền giáo dục vẹt, dạy người ta biết bợ đỡ những điều thật ra là tầm thường.
Quả thật đúng vậy. Người cộng sản đã cai trị đất nước này như những chủ nhân ông bằng bàn tay sắt, độc đoán và toàn trị.
Về phạm vi báo chí, sách vở in ấn, theo phúc trình hàng năm của tổ chức ký giả không biên giới về tự do báo chí, Việt Nam bị xếp hạng thứ 158, nước Tầu thứ 159, Bắc Hàn hạng chót 167. Trong khi Nam Hàn hạng 34. Độc giả Nguyễn Lê ở Sài Gòn viết cho đài BBC như sau: «
Tôi nghĩ Việt Nam nên được xếp thứ 3 từ dưới lên trên thì chính xác hơn. Ông Đỗ Quỹ Doãn, như mọi cán bộ Việt Nam khác đã nói lấy được, bất chấp sự thực. Talawas mà không bị ngăn ư thưa ông». Một độc giả khác, ông Hoàng Tín ở Hà Nội viết: «
Tự do báo chí kiểu gì khi mọi tờ báo phát hành ra thì đều phải qua tay Đảng kiểm duyệt. Internet với các trang nói về chính trị mà không do Đảng xây dựng thì bị vô số bức tường lửa chặn đứng. Con người có hai lỗ tai mà cứ phải nghe thông tin từ một luồng thì còn đâu là khách quan. Với cái thông tin một luồng xa xả đó thì làm cho không ít người mê muội.”
Xét như trên thì 3 nước cộng sản Á châu chia nhau xếp vào 10 hạng áp chót của những nước mà quyền tự do báo chí không có. Điều đó rõ ràng như thế mà ông Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn không chịu hiểu, nhất định cãi chày, cãi cối lấy được. Theo
Worldwide Press Freedom Index, 2005 những nước như Afghanistan xếp hạng thứ 125, Ả rập Saudi xếp thứ 154, Lào xếp hạng 155, Việt Nam xếp hạng thứ 158 rồi đến Trung Hoa 159, Iran xếp thứ 164.
Chính vì quyền tự do báo chí đã không hề có, chỗ đứng của nhà văn, người làm văn học nghệ thuật không được tôn trọng. Đỗ Hoàng Diệu nhìn nhận rằng
thế hệ sau chiến tranh của cô chưa thoát khỏi sự khống chế của bộ máy chính trị đang vận hành bởi
thế hệ chiến tranh, rằng mặc dù bề ngoài có vẻ cởi mở hơn, chính trị Việt Nam vẫn luôn
canh chừng văn chương bằng cây gậy sắt. Trong thời kinh tế thị trường, nhiều cám dỗ, chỉ càng khiến các nhà văn có lý do đua nhau chạy nhanh hơn vế phía củ cà rốt, để rồi khi đó ngậm củ cà rốt, họ chẳng còn phát ra ngôn ngữ đẹp đẽ của con người, chỉ toàn tiếng ú ớ.
Đó là thứ văn chương thái giám vô vị (trích Cát Vy, Hợp Lưu, số 79). Lúc đó, viết lách chỉ là dùng ngòi bút kiếm cơm, kiếm chức, kiếm quyền,
kiếm luôn sự phỉ nhục mà lịch sử để lại. Và lũ nhà văn như những loài
lươn bị nhốt trong ống, con quằn quại tìm lối thoát, con nằm im chịu giày xéo. Người bên ngoài nhìn vào thấy thương thay, nhưng ai dám đập bể cái ống để chúng tôi chui ra ngoài.
Lâu dần thì họ làm quen với nỗi sỉ nhục, không còn thấy đó là điều sỉ nhục và chấp nhận những điều sỉ nhục đó như quy luật của cuộc sống. Nỗi sỉ nhục mới đầu đau nhức thành quen và cuối cùng trở thành tiêu chí hưởng thụ. Đó là một nền văn học hổ lốn nào danh, nào tiền bạc và cộng thêm những lời xu nịnh. Nhưng rồi mỗi ngày nỗi đau nhức, tủi nhục tan biến dần. Quy luật làm thế nào để sống còn đã lấn lướt tất cả. Giá trị tối ưu cuối cùng là miếng ăn như một thứ giá trị ngon miệng trong những bữa chè chén, nhậu nhẹt... Như trong bài phỏng vấn của talawas, Hoàng Ngọc Hiến thú nhận: «
Người ta lo cho đời sống của mình, mà đời sống thì nhiều chuyện lắm: Họ có cho mình đi nước ngoài không, rồi chuyện quyền lợi. Tuy vậy mà hội viên Hội Nhà văn được một số quyền lợi. Năm ngoái, tôi cũng được 7 triệu. Ở Việt Nam bảy triệu không phải là dễ.»
Hóa ra là như thế.
Nguyễn Huy Thiệp chửi Hội Nhà văn tuyền những bọn vô học, lưu manh. Chửi thì cứ chửi. Nhưng vẫn không ra khỏi Hội Nhà văn. Bởi vì đó là cái cần câu cơm của họ. Nhưng đó cũng là cái rọ nhốt lươn của chế độ. Những con lươn cứ tha hồ uốn éo, luồn lách. Nhưng lươn vẫn là lươn. Nhà thơ lươn, nhà văn lươn, nhà phê bình lươn, nhà sử học lươn, nhà chính trị lươn, nhà giáo dục lươn, cán bộ lươn, người dân cuối cùng cũng lươn tuốt.
Như Nguyễn Tuân, khi vào Sài Gòn, cầm ly rượu, ngửa mặt lên trời, cười đến chảy nước mắt khám phá ra cái chân lý muôn đời là: sở dĩ ông tồn tại được cho đến ngày nay chỉ vì khám phá ra cái sự thật là:
biết sợ. Một thứ vô liêm sỉ khôn khéo, biết luồn lách như loài lươn trạch. Một thứ sách lược để tồn tại. Hãy tồn tại cái đã. Chuyện khác hạ hồi phân giải. Nhà văn lươn là người biết sợ. Không là lươn biết sợ, không có cơ may tồn tại được.
Cũng chả có gì để trách họ. Trách cái rọ nhốt con lươn, ai trách con lươn làm gì. Đó là thân phận nhà văn như những con lươn trong xã hội chủ nghĩa. «
Nếu không bị gậy sắt phang vào đầu thì cũng chết bởi thị phi dè bỉu» (Trích bài viết của Cát Vy, Hợp Lưu, số 79).
Áp dụng vào trường hợp nhà văn nữ trẻ Đỗ Hoàng Diệu, ngay từ đầu khi cầm bút viết văn theo nghĩa chuyên nghiệp, truyện của cô đã không có chỗ để được đăng. Cô đã nhận thấy khá nhiều nhà văn nam nữ của Trung Quốc với những truyện tình rất mặn, thác loạn và điên cuồng, nhưng đã được dịch đăng ở trong nước như Vệ Tuệ, Cửu Đan, Mặc Ngôn v.v. Trong khi đó thì như Cát Vy vẫn phải tự nhủ mình rằng:
Cứ viết đi, không in được thì cất, chờ thời, thể nào chẳng đến lúc. Hỡi ôi, biết đến ngày nào con lươn chui ra được khỏi ống mà chờ đợi. Quậy đạp mãi rồi tàn hơi mà chết sớm. Trong giấc mơ, tôi là một nhà văn thèm được điên cuồng như Vệ Tuệ mà không bị móc mắt chặt chân» (trích Cát Vy, Hợp Lưu, số 79).
Giấc mơ đã không thành hiện thực. Tập truyện
Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đã bị móc mắt chặt chân mất ba truyện. Đó là «Tình chuột», truyện đầu tay của cô gửi đến Hợp Lưu, «Cô gái điếm và 5 người đàn ông» và cuối cùng là «Những sợi tóc mầu tang lễ». Người viết đã khổ công đọc đi đọc lại ba truyện trên để dò tìm xem vì lý do gì chúng đã bị kiểm duyệt cắt bỏ. Đành chịu. Không hiểu được lý do. Hãy lấy truyện «Tình chuột» xem sao. Câu truyện kể về một mối tình giữa một chuyên viên ở hải ngoại và cô gái Hà Nội. Vì trục trặc công việc, người yêu của cô gái ở hải ngoại không thể về đúng hẹn lo việc cưới hỏi. Cô gái muốn được đi sớm, nóng lòng nên hối lộ bọn cán bộ và hết đứa nọ đứa kia đã thay nhau ngủ với cô.
«Kinh tế thị trường mà, đâu ai cho không ai cái gì. Em ngủ với anh, anh giúp làm giấy tờ cho em đi gặp cái thằng Việt kiều hèn yếu của em. Dù em không yêu anh, em miễn cưỡng nằm phía dưới anh nhưng anh quá sung sướng, tột thỏa mãn khi làm tình với em. Anh thương em anh giúp em chứ đâu xô em vào ngõ bí. Em đã làm tình với anh rồi thì với bạn anh cũng vậy mà thôi. Hơn nữa mấy người ấy có thêm quyền ký giấy tờ cho em toại nguyện giấc mộng của mình Vy ạ. Em chiều họ đi... Nhưng bây giờ tất cả đã lõa lồ. Ý định lõa lồ, thân xác lõa lồ, cuộc đổi chác cũng lõa lồ… Thế mà không đầy năm tiếng sau, nó chỉ còn là miếng thịt heo khô. Em hủy hoại chính em, hủy hoại tất cả... Cuộc sống bao giờ chẳng có giá... Điều cuối cùng anh muốn nói với em là em thực sự ngây thơ cô gái bé bỏng ạ. Sự ngây thơ của em làm anh cười phá lên. Nhưng anh có vui khi anh cười hay không thì nắm thuốc chuột em uống đêm qua không trả lời được đâu Vy ơi. Đáng ra chính em phải trả lời câu hỏi ấy cho anh thì em lại ra đi. Tại sao em tự tử Vy ơi.»
Điều gì trong đoạn văn trên đã là cái cớ để kiểm duyệt cắt bỏ truyện ngắn này? Tình dục bạo trợn lõa lồ hay lối đổi chác lõa lồ khốn nạn của mấy gã quan chức cán bộ? Hay cái việc tự tử bằng thuốc chuột như một sự hủy diệt tất cả. Huỷ hoại chính em và hủy hoại tất cả. Thật khó mà biết được thâm ý của kẻ đại diện cho chủ để làm công việc móc mắt chặt chân. Chỉ biết rằng truyện đã bị cắt. Có thể chỉ để chứng tỏ một quyền uy. Có thể để huyễn tượng hóa về một xã hội chỉ toàn là anh hùng lý tưởng và cao đẹp. Điều mà nhà nước cộng sản hãnh diện cũng là điều tủi hổ nhất cho xã hội Việt Nam vì nhìn đâu, chỗ nào cũng chỉ thấy những anh hùng. Mà thực tế là một xã hội trên đà tụt dốc về đạo đức. Hay có thể muốn dẹp từ trong trứng nước một mầm mống nổi loạn, chối từ toàn bộ di sản thối nát của cả chế độ bằng cái chết của chính mình, hủy hoại chính mình và phủ nhận luôn cái chế độ ấy.
Phải chăng viết bạo trợn như thế nên trong tờ
An ninh Thủ đô, tác giả Bùi Viết Thắng mới không kìm được nỗi tức giận, cho rằng Đỗ Hoàng Diệu đã tự do đến mức không thể tự do hơn được nữa và cho rằng Đỗ Hoàng Diệu bắn đại bác vào quá khứ chứ không còn là súng lục nữa.
Điều mà ta phải nhận rằng, Đỗ Hoàng Diệu có cái liều lĩnh, bạo trợn, thách thức hơn những nhà văn như Phan Huyền Thư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban và Võ Thị Hảo cộng lại. Phải chăng Đỗ Hoàng Diệu muốn đưa một thông điệp mới, một tín hiệu mới về một cảnh báo về cái xã hội mà cô phải từng ngày đối mặt? Những Bùi Diễm Âu, Ấu Tím, Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh, Mạch Nha, Ðặng Mai Lan, văn chương của họ êm đềm phẳng lặng quá. Trong khi đó thì hiện thực đất nước, bản thân xã hội Việt Nam là những nguyên liệu khổng lồ mặc sức nhà văn tung bút, khai thác. Không đâu dễ bằng viết văn ở Việt Nam, vì thực trạng nguyên liệu viết quá đỗi dồi dào phong phú. Vốn, nguyên liệu ròng của nhà văn có thể không thiếu. Nhưng cũng không đâu khó bằng viết văn ở Việt Nam theo nghĩa viết thật thà, viết trung thực vì phải đối đầu với một dòng nước đục chuyên viết phải đạo, xu nịnh. Tự hỏi xem, những nhà văn trong cái Hội Nhà văn đó đã viết được gì, đã múc và lấy ra được gì từ những nguyên liệu đó? Cùng lắm viết được rời rạc dăm câu thơ chưa rõ nghĩa, hay vài ba truyện ngắn kháy khắc tủn mủn... như nhận xét của Cát Vy.
Đỗ Hoàng Diệu đã muốn làm được một điều gì hơn thế nữa. Viết như một trả giá, đòi một món nợ tinh thần mà xã hội ấy, lịch sử ấy đã một thời lừa dối, phỉnh gạt. Chính ước muốn viết lột trần xã hội, đánh tụt giá những điều phô trương phỉnh gạt, trả lại cho nó cái mẫu số chung là sự canh chừng và tước đoạt tinh thần đã là cái cớ cho sự quy chụp hiện nay.
Có gì để mà thắc mắc và lạ lùng? Và như Hoàng Ngọc Hiến nhắc nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài phỏng vấn của talawas câu:
Cái nước mình nó thế! Buồn cười lắm! Cái nước mình nó như thế. Như thế là như thế nào? Đó là lối nói chấp nhận, cúi đầu, bầy tỏ sự bất lực. Nhưng làm sao buồn cười lắm được? Phải biến những đìều buồn cười lắm thành điều không cười được đến phẫn nộ. Như một tố cáo. Hay như một đòi nợ.
Nhưng chẳng hiểu những người như kẻ viết bài này có thể cười được không. Cười thế nào được. Viết để đòi nhà nước Việt Nam phải trả lại những quyền tự do căn bản của con người. Tôi nhất định không cười.
Hãy trả cho nhà văn cái quyền được tự do suy nghĩ, tự do viết.
Lối phê bình bề hội đồng chỉ thấy ở Việt Nam hay tại các nước có chế độ độc tài toàn trị dùng bạo lực trấn áp, ngăn chặn, bôi nhọ, trù dập, đánh cho tơi bời hoa lá. Một lần nữa, hãy trả cho nhà văn cái quyền được tự do suy nghĩ, tự do viết.
Để chấm dứt bài viết, xin lấy lại một đọan văn trích trong bài viết của tác giả Đinh Từ Thức, trích lại trong «Tạp chí thông tin công tác tư tưởng chính trị lý luận» như sau :
Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, cần hiện đại hoá các phương tiện, công cụ để vô hiệu hóa các đài phát thanh của địch tiến hành chiến tranh tâm lý phát vào ta, tạo dựng được bức tường lửa để hạn chế các tài liệu trên mạng Internet có nội dung, nhất là vu khống xuyên tạc ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, phủ sóng những vùng lõm về phát thanh, tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa… để đồng bào hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và không tin vào những lời dối trá, mị dân của các thế lực thù địch (đề nghị thứ 9 của Tiến sĩ Bùi Thế Đức trong bài viết của ông Đinh Từ Thức, trích lại trên talawas ).
Một thái độ, chủ trương như thế, mở cửa một mặt, đóng cửa mặt khác sẽ tái diễn lại tình trạng 150 năm trước, trong khi Nhật mở cửa, đón gió Tây phương. Ta đóng cửa bế quan toả cảng. Đất nước chìm ngập trong đêm tối mây mù của lòng tự trọng cuồng vĩ và sự dốt nát.
Bây giờ các ông quan cán bộ phong kiến lại giẫm chân lên những sai lầm của các ông vua phong kiến triều Nguyễn trước đây. Nghĩ đến sai lầm của thứ lịch sử tái diễn lại này mà thấy khủng khiếp, lo sợ cho tương lai đất nước sẽ lại tụt hậu một lần nữa.
Truyện quy chụp nhà văn Đỗ Hoàng Diệu cũng nằm trong đường lối này. Kẻ nào không nói cùng ngôn ngữ với ta tức nhiên là kẻ địch cần ngăn chặn, triệt hạ. Xin hãy biết lắng nghe những tiếng nói lạ, tiếng nói bất đồng, bởi vì nó chỉ chứng ra sự chân thật theo nghĩa lời thật mất lòng.
Tôi tự hỏi bảng chỉ đường đất nước sẽ chỉ về hướng nào, nếu ta cứ tiếp tục tìm cách ngăn chặn, đánh phá những nhà văn, nhà thơ muốn được tự do lên tiếng, tự do phát biểu và tự do viết.
© 2005 talawas