Nghệ thuáºtMÄ© thuáºt Loạt bài: Phá»ng vấn của talawas
17.9.2002
Võ Ãình
"Cái chúng ta Ä‘ang có là tạm bợ, là máºp má», giả tạo"
Há»a sÄ© Võ Ãình trả lá»i phá»ng vấn của Talawas Phạm Thị Hoà i thá»±c hiện
Talawas: Thưa anh Võ Ðình, anh vẽ và viết, nhiều khi anh viết trực tiếp về việc vẽ. Chỉ có một số rất ít hoạ sĩ Việt nam làm như vậy. Phần lớn thường từ chối phát biểu bằng lời. Phát biểu duy nhất của họ là: Tác phẩm đã đủ nói lên tất cả. Ðây có phải là một thái độ riêng của giới sáng tác hội hoạ Việt nam không? Nó có tất yếu không? Có nên giữ như vậy không?
Võ Ðình: Tôi thông cảm với những họa sĩ (Việt nam) "từ chối phát biểu bằng lời". Không, đây không phải là "một thái độ riêng của giới sáng tác hội họa Việt nam". Từng cư ngụ nhiều năm ở Pháp rồi ở Hoa Kỳ, tôi nhận thấy giới sáng tác hội họa ở đó cũng thường giữ im lặng lắm. Theo tôi, hiện tượng này có mấy nguyên do.
1. Hội họa là một nghệ thuật câm nín. Người họa sĩ không có thói quen "phát biểu bằng lời", trong cuộc sống, trong công việc. Ngày xưa, Paul Cézanne, ông cha đẻ của hội họa hiện đại, từng nói: "Người họa sĩ suy tưởng với cây cọ trong tay" (Un peintre pense avec les pinceaux dans les mains).
2. Ngôn ngữ hội họa là một ngôn ngữ dị biệt. "Nói" về hội họa thường là chỉ đi vòng quanh hội họa, khó đi sâu vào bên trong.
3. Phần đông giới họa sĩ không đủ trí thức và kiến thức để "nói" về hội họa. Thật ra, hiếm có những "tác phẩm đã đủ nói lên tất cả". Hiếm lắm.
4. Nguyên do này đặc biệt thường thấy, không những trong giới sáng tác hội họa Việt Nam mà còn, nói chung, ở người Việt nam. Ðó là sự e ngại "bút sa gà chết", đụng chạm tự ái kẻ khác, v.v...
Hai câu hỏi cuối, hai câu ngắn, tôi chịu. Chỉ có thể trả lời cho riêng tôi. Nên có thái độ bày tỏ, bộc bạch, thổ lộ, thẳng thắn hơn, thường xuyên hơn. Dĩ nhiên, với chân thành và lễ độ.
Talawas: Cézanne có thể ưa lặng lẽ, nhưng chậm nhất từ Dalí thì càng ngày càng nhiều họa sĩ thế giới biết dùng cái lưỡi và lắm thứ linh động khác phụ vào cây cọ; còn chậm nhất từ Andy Warhol, người không hề cầm cọ bao giờ, thì hội hoạ (nếu còn có thể dùng khái niệm này) hiện đại ở phương Tây không có vẻ gì là một nghệ thuật câm nín nữa. Thậm chí cả một bản thuyết trình dài như luận văn tiến sĩ, kèm theo hàng loại bài phỏng vấn và phát biểu với báo chí phải đi trước để mở đường cho một tác phẩm. Người ta không trông cậy riêng vào giá trị tự tại của tác phẩm nữa. Giới mỹ thuật phương Tây ngày nay có lẽ còn lắm lời hơn giới văn chương. Ðó chỉ là chuyện của người, hay một lúc nào đó cũng sẽ là chuyện của ta. Anh có mong chuyện đó sớm diễn ra ở ta không?
Võ Ðình: Không, tôi không mong chuyện đó sớm diễn ra ở ta. Nhưng chuyện đó sẽ diễn ra. Với cái đà "hiện đại hóa" hiện nay, người dân cứ uống nước bẩn, đô thị cứ ô nhiễm trầm trọng, nhưng rất nhiều chuyện gì đang xảy ra ở Âu Mỹ rồi cũng sẽ xảy ra ở ta. Cézanne chết như vậy là đã gần 100 năm. Nhưng câu nói của ông còn đúng lắm. Người họa sĩ có thể dùng cọ hay dùng gì khác, tùy người. Quan trọng là cái trở nên, cái làm thành, cái có mặt; người họa sĩ phải biết để dành "lời" cho tác phẩm. Salvador Dalí chứng tỏ người họa sĩ cũng có thể là cổ động viên cho chính mình. Còn Andy Warhol, trong quá khứ là một "họa sĩ thương mãi" (commercial artist) nhưng vì nhu cầu phổ biến rộng rãi, đã từ bỏ cây cọ, nhảy vào lãnh vực thủ ấn. Warhol đã bắt mạch được thời đại của ông: lằn ranh giữa thế giới gọi là "hội họa" và thế giới của quảng cáo, thời trang và, phía quần chúng, tâm lý tiêu thụ, đua đòi đang biến dạng, mờ nhạt đi. Có thể sẽ biến mất.
Talawas: Ðiều đó anh từng đề cập, với một nỗi đau không hàm lời trách, chẳng hạn trong ArtiGras. Nhưng mỹ thuật Việt nam ở một hoàn cảnh trớ trêu hơn. Nó hầu như không có công chúng Việt nam. Giới tạm gọi là trung lưu và có học vấn, tức những người lẽ ra sẽ nuôi và đỡ đầu nghệ thuật, thì trở về với những hoành phi, câu đối, sơn mài diễn tích cổ, tranh lụa mực Tầu, tóm lại là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo hướng truyền thống. Người bình dân thì treo đầy nhà tranh ảnh Trung Quốc, ngựa phi, thác đổ, hoa dâng tận chân trời. Họ không hề là một yếu tố cần tính đến, dù chỉ với tư cách người mua nghệ thuật. Các hoạ sĩ của chúng ta rõ ràng chỉ bán tranh cho nước ngoài. Không có một thị trường nghệ thuật nào ở Việt nam và cho người Việt thực sự tồn tại, vậy ranh giới giữa nghệ thuật và thương mại ở đây có thể biến mất không?
Võ Ðình: "Nhưng mỹ thuật Việt nam ở một hoàn cảnh trớ trêu hơn". Ðúng vậy. Ở đây, "trớ trêu có nghĩa là "bất thường". Xin nhắc lại câu viết hai năm trước đây: "Nghệ thuật tạo hình Việt nam chỉ trưởng thành khi nó có một sức sống tự tại, không lệ thuộc vào những dây nhợ chuyền nước biển, những máy móc hô hấp nhân tạo. Tác phẩm tạo hình Việt nam chỉ có được sự tự tín khi không còn dựa dẫm vào lòng yêu thích nhất thời của du khách, hay sự chiếu cố kẻ cả từ những cơ sở văn hóa và doanh thương của một số cường quốc."
Chúng ta chưa có "một thị trường nghệ thuật nào ở Việt nam và cho người Việt" bởi vì chúng ta chưa thực sự có một tầng lớp trung lưu. Trước, chúng ta có những ông quan và người dân quê chân lấm tay bùn. Tình trạng đó có đổi thay ít nhiều, nhưng đã đổi thay đến đâu?
"Ranh giới giữa nghệ thuật và thương mại", ở ngay các nước tiền tiến Âu Mỹ, cũng đang biến dạng, chưa hẳn biến mất. Ở VN, ranh giới đó chưa "biến mất" vì, giản dị, nó chưa thành hình. Cái chúng ta đang có là tạm bợ, là mập mờ, giả tạo. Chung qui, chúng ta cần có một tầng lớp xã hội vừa có học, vừa có tâm hồn, vừa có tiền! Cách đây hơn nửa thế kỷ, họa sĩ Ðức quốc, George Grosz, thoát khỏi gọng kìm Quốc Xã, đã viết trong Hồi Ký của ông: "Như một nghệ sĩ thứ thiệt, tôi thích dân giàu hơn dân nghèo. Người giàu cũng làm cho tôi chán ngấy như kẻ nghèo, nhưng ít nhất họ rủng rỉnh tiền bạc". Một thổ lộ vừa tếu vừa đau.
Hội họa (nói chung, nghệ thuật) Việt nam chỉ vững mạnh, phát triển, nếu có những nghệ sĩ Việt nam sống chết với nó, nếu xã hội Việt nam nuôi dưỡng nó.
Talawas: Anh có thể nói rõ hơn về cái tạm bợ, mập mờ, giả tạo mà chúng ta đang có được không?
Võ Ðình: Tôi làm quen với hội họa Việt nam đương đại qua sách vở, báo chí, chuyện trò với một số người trong cuộc, những tác phẩm đã được ngắm xem. Vì hiện nay cư ngụ ngoài nước, cái nhìn của tôi ắt bị giới hạn. Giới hạn, nhưng tôi tin rằng đầy đủ. Nhận xét của tôi ắt phải chủ quan. Chủ quan, nhưng nhắm trúng vấn đề.
Tình trạng (hội họa) mà chúng ta đang có là tạm bợ vì chúng ta đang còn ở trong trạng thái chờ đợi: Chờ đợi cho đến ngày một ngôn ngữ tạo hình hiện đại có đầy đủ những "nét" đặc thù Việt nam được thành hình. Tâm trạng "quả lắc", đong đưa giữa "truyền thống", "dân tộc" và "cách tân", "siêu quốc gia" đang chế ngự toàn cõi mỹ thuật Việt nam.
Mập mờ, bởi vì chúng ta cứ tin rằng cái chúng ta đang có là Việt nam, người nước ngoài cứ cho đó là Việt nam, trong khi ai cũng biết rằng đó chỉ là những vay mượn. Những vay mượn đôi khi thật tài tình, nhưng lắm khi quá vụng dại.
Và giả tạo bởi vì chúng ta sung sướng vuốt ve ảo tưởng là chúng ta đã tạo nên được một nền hội họa hiện đại. Bằng chứng: Người nước ngoài (?) nói đến ta với những lời ưu ái. Làm như một vài nhà buôn hay ứng sinh tiến sĩ biết ta hơn chính ta biết ta.
Ba tính cách, tạm bợ, mập mờ, và giả tạo này đan quyện vào nhau, không hiện hữu riêng biệt. Chỉ thoát ra được tình trạng này, thiển nghĩ, khi có những nghệ sĩ có khả năng vượt bực chịu sống chết với nghệ thuật. Và, cố nhiên, khi xã hội Việt nam biết nuôi dưỡng nghệ thuật.
Talawas: Thế nào là một xã hội biết nuôi dưỡng nghệ thuật? Vì sao New York chứ không phải Paris đã thành cục nam châm khổng lồ thu hút giới mỹ thuật quốc tế? Nuôi dưỡng nghệ thuật có đồng nghĩa với kích thích nghệ thuật không?
Võ Ðình: Câu hỏi thứ này gồm có 3 phần. Xin trả lời ngay phần cuối cho nó nóng sốt: "Nuôi dưỡng nghệ thuật có đồng nghĩa với kích thích nghệ thuật không?" Có. Ở mức cá nhân. Nhưng nuôi dưỡng nghệ thuật không đồng nghĩa với kích thích nghệ thuật ở mức quốc gia. Trước hết, phải nuôi dưỡng nghệ sĩ. Công việc của giáo dục, đào tạo, phát huy, tạo môi trường, cơ hội...Ở tầm quốc gia, đây là một công trình đồ sộ, dài hơi, có hệ thống, có kế hoạch.
"Thế nào là một xã hội biết nuôi dưỡng nghệ thuật?"
Thời Lê Thánh Tông, với hội Tao đàn và Nhị thập bát tú, văn học được đề cao nhưng đó không phải là nuôi dưỡng nghệ thuật. Vua quan xướng họa, ngâm vịnh thỏa thuê là thú tiêu khiển của vua quan, chẳng ăn nhằm gì đến anh dân đen cả. Một xã hội biết nuôi dưỡng nghệ thuật là một xã hội trong đó người nghệ sĩ phát triển được tài năng tiềm ẩn, và thành tựu được công trình sáng tạo của mình. Văn học nghệ thuật được coi là cần thiết, có ảnh hưởng sâu xa đến quần chúng. Văn học nghệ thuật chứ không phải "văn nghệ văn gừng". Văn học nghệ thuật chứ không phải những "sinh hoạt" tầm tầm phảng phất tí hương vị (?) nghệ thuật. Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế cho thấy, ở mức cá nhân, thời nào cũng có một vài nghệ sĩ, không được nuôi dưỡng, không được hưởng ứng, vẫn phây phây đeo đuổi nghệ thuật. Một hiện tượng may rủi, cầu âu...
Hiện nay, sách báo nói nhiều về mỹ thuật. Người nước ngoài lưu ý (?) đến mỹ thuật Việt nam. Nhưng xã hội Việt nam chưa nuôi dưỡng được nghệ thuật Việt nam vì chúng ta không có tầng lớp nào trong xã hội làm được việc đó. Chỉ khi nào người Việt nam chịu bỏ tiền mua tranh hiện đại Việt nam, thưởng thức tranh hiện đại Việt nam, chúng ta mới có một xã hội biết nuôi dưỡng nghệ thuật.
Vì sao New York chứ không phải là Paris?
Vài năm trước Thế Chiến I, New York đã sôi sục những chuyển động mỹ thuật. Nhưng New York còn nhìn qua Paris, đúng hơn, qua Âu châu để tìm hứng khởi và lối đi mới. Có thể nói họa phẩm quan trọng nhất, mở đường cho cả phong trào tiền phong ở Mỹ lại là sáng tạo của một nghệ sĩ Pháp, từ Paris: Marcel Duchamp với "Người Khỏa Thân Ði Xuống Cầu Thang" (Nude Descending A Staircase), 1912.
Triển lãm vĩ đại (gần 2000 họa phẩm!) gọi là The Armory Show ở New York năm 1913 được tổ chức và khai mạc trong khi ở Âu châu xảy ra những "đổi mới" mỹ thuật lớn lao. Ở Paris, những Delaunay, Kupka, Picabia dứt khoát đoạn tuyệt với những liên hệ thực tại trong cái vẽ lập thể của Picasso, của Braque. Ở Ðức quốc, những thành viên của nhóm "Cái Cầu" (Die Brücke) như Kirchner, Nolde... và sau đó của nhóm "Kỵ Sĩ Áo Xanh" (Der Blaue Reiter) như Kandinsky, Klee, Marc, Macke... thoát thai từ xu hướng "Dã Thú" (Fauvisme) ở Paris nhưng lại đi xa hơn. Rồi có Mondrian ở Hòa lan, Malevich ở Nga, những nghệ sĩ độc lập như Ensor (Bỉ), Kokoschka (Áo), Munch (Na Uy)...
Triển lãm Armory năm 1913 đánh dấu dứt khoát: New York đã trở thành một trung tâm nghệ thuật lớn. Nhưng rồi hiện tượng Hitler và đảng Quốc Xã lại lùa sang New York một số nghệ sĩ cự phách như Albers, Ersnt, Grosz (Ðức), như Chagall, Masson, Léger (Pháp)...
Sau Thế Chiến II, Paris bắt đầu lu mờ. Thời của Ấn tượng, rồi Lập thể, và của những nghệ sĩ đơn thương độc mã như Matisse, như Picasso không còn sáng lạn như trước. Thời Paris là "thánh địa" để nghệ sĩ tứ phương tìm đến nương náu vẫn còn nhưng không quyến rũ như trước. "Trường phái Paris" (Ecole de Paris) không còn là nơi phát sinh mầm mống cho những trỗi dậy vô tiền khoáng hậu nữa mà trở thành đồng nghĩa với một thứ hội họa "vui sống" (joie de vivre)! Những vùng vẫy ngoạn mục về sau, như của Mathieu, Manessier, không đáng kể nữa.
Với quyền lực mới tạo được do những thành công về công nghiệp, kinh tài, thương mãi, Hoa kỳ đã to lớn, trở thành ngoại hạng. New York, với liên hệ máu mủ và tinh thần với Âu châu, với cả thế giới, có đủ điều kiện lý tưởng để trở thành "cục nam châm khổng lồ thu hút giới mỹ thuật quốc tế." Rồi sự bung nở của trường phái New York, được biết đến như "Chủ nghĩa Trừu-Biểu tượng" (New York Abstract-Expressionism) với những Pollock, de Kooning...vị thế của New York càng lớn lao, vững mạnh. Sự hiện diện của những viện bảo tàng thượng hạng như The Metropolitan, the MOMA, the Whitney...củng cố cho sự lớn mạnh đó. Rồi sau này, những phong trào mới mẻ như Pop, Op, như Kinetic, như Performance, Installation, đều ra mắt trước tiên ở New York.
Như tôi đã có viết đâu đó mấy năm trước: So với New York, thủ đô Washington, DC, nơi tập trung quyền lực chính trị, chỉ là một "tỉnh lẻ" văn hóa, Paris đã lỗi thời, và London là một bà chúa già... (Xin lưu ý bạn đọc: ở đây tuyệt đối không cố tình khiếm nhã đối với Nữ hoàng Anh quốc!)
Talawas: Nói cách khác, thành công của giới mỹ thuật quốc tế ngày nay, kể cả thành công về danh lợi, cũng như khả năng gây ảnh hưởng nghệ thuật và khả năng tác động đến ý thức thẩm mỹ của đại chúng, được quyết định ở New York. Vậy thì những điều chúng ta đang nói về mỹ thuật Việt nam và cái môi trường Việt nam của nó có ý nghĩa gì nữa không? Xin lỗi anh, so sánh sau đây thật là khiếm nhã: nếu một cầu thủ Việt Nam được đá cho Real Madrid thì nền bóng đá của chúng ta cứ việc chậm tiến và vô vọng, chúng ta sẽ không bắt cầu thủ may mắn ấy đối diện với hiện thực bóng đá và xã hội Việt nam. Chỉ cần anh ta thỉnh thoảng về thăm và tuyên bố yêu nước là được. Việc các hoạ sĩ Việt nam chỉ còn quan tâm đến khả năng phát triển cá nhân của mình ở bên ngoài, dù chưa hẳn ở NYC, chứ không hề băn khoăn gì về cái gọi là nền nghệ thuật quốc gia, việc ấy không hợp lý sao?
Võ Ðình: Không, việc ấy không hợp lý (và cũng không hợp tình!) tí nào cả. Nhưng đó là ý kiến của cá nhân tôi. "Các họa sĩ Việt nam chỉ còn quan tâm đến khả năng phát triển cá nhân của mình ở bên ngoài" là cái quyền của họ. Tôi không đồng ý, nhưng tôi không lên án họ. Mỗi trường hợp cá nhân có những uẩn khúc riêng, tôi đành tôn trọng sự lựa chọn của họ. Riêng cá nhân tôi, nghĩ đến tình trạng mỹ thuật, không chỉ ở Việt nam mà còn ở nước ngoài, là một ray rứt, một khổ tâm.
Gần đây, tôi có viết một bài về họa phẩm như một... xa xỉ phẩm. Nhân tiện nhắc lại hai thái độ trái ngược từ hai người đáng yêu. Cụ Bernard Berenson, nhà mỹ thuật học lão thành cho rằng thế giới này không có nghệ thuật thì chỉ là rừng rú hoang dại thôi. Còn ông họa sĩ van Gogh thì viết thư cho mẹ già ở quê nhà rằng "chỉ lúc nào người ta đủ ăn, đủ mặc, đủ các thứ khác rồi, người ta mới cần đến tranh ảnh, sách vở." Và, "mẹ ơi, thật con còn thua cả mấy bác nhà quê!" Van Gogh cho rằng cày ruộng có ích cho đời hơn.
Không, so sánh của PTH không có gì là khiếm nhã cả. Nó chỉ chưa bao giờ là thực tại. Chúng ta chưa bao giờ có một họa sĩ Việt nam ở nước ngoài có thể đem so sánh với một cầu thủ Việt nam đá cho Real Madrid. Cầu thủ này, nếu còn ấp ủ quê hương trong tim, sẽ tìm đủ mọi cách có thể làm được để giúp cho nền bóng đá nước mình phát triển tốt đẹp.
Talawas: Song cái khoảng cách quá lớn giữa gần như toàn thể xã hội Việt nam với giới mỹ thuật, nhất là với những người đi tiên phong, có khiến cho quan hệ giữa hai bên chứa nhiều tai hoạ hơn là khả năng phát triển không? Vào những ngày đầu của chế độ mới, Lenin đã khuyên một loạt các văn nghệ sĩ trí thức Nga tạm ra nuớc ngoài thì tốt cho nước Nga hơn. Tất nhiên ta không biết lúc nào thì Lenin khuyên họ trở về. Mấy chục năm trời giới mỹ thuật Việt nam đã phải nhận những trọng trách ghê gớm nào đó với đất nước, dân tộc, phải xây dựng một mỹ cảm mới cho quần chúng bằng tranh cổ động và tượng công nông binh rồi. Bây giờ nếu họ, nhất là thế hệ trẻ, nhấn mạnh sự nghiệp cá nhân và trút bỏ một cách cực đoan những thao thức nào đó về đất nuớc, dân tộc, thì không phải là một phản ứng tất yếu sao?
Võ Ðình: Tất yếu, đúng thế. Nhưng không hợp lý, nhất là không hợp tình. Không hợp lý vì đó là một phản ứng ấu trĩ, có tính cách hờn giỗi, không phải của những người làm nghệ thuật.
Và không hợp tình vì trong toàn cảnh đất nước và thế giới, "sự nghiệp cá nhân" là một cái gì quá nhỏ nhoi, và phù du, không đáng kể.
Talawas: Ðể quan tâm tới toàn cảnh mỹ thuật Việt nam thì anh nghĩ sao về những cố gắng khai phá ở bình diện lý thuyết và phê bình như Nguyên Hưng đã bày tỏ ở diễn đàn này? Nguyên Hưng có quá kỳ vọng vào khả năng dẫn đường của phê bình mỹ thuật không?
Võ Ðình: Tôi hoan nghênh những cố gắng của Nguyên Hưng. Những cố gắng gian nan và dũng cảm. Gần đây, tôi được đọc bài của Kaomi Izu*, trong đó có câu: "Tôi biết nhiều họa sĩ tìm mua báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ bẩy, ra hàng tuần, chỉ để đọc bài viết về mỹ thuật của anh." Và "Không phải ai cũng muốn những ý tưởng từ Nguyên Hưng phát huy ảnh hưởng. Không ít thế lực tìm cách ngăn cản."
Những bài viết của Nguyên Hưng, văn phong sắc bén, lý luận chặt chẽ, tình cảm thiết tha. Tôi chỉ ước ao rằng, một ngày gần đây, Nguyên Hưng tìm được cách diễn đạt những điều phức tạp ấy với lời lẽ giản dị hơn.
Kaomi Izu bảo rằng bài viết của Nguyên Hưng "rồi cũng sẽ như 'tiếng kêu trong sa mạc'. "Tiếng kêu trong sa mạc" là tiếng kêu mất đi, không ai nghe. Tôi muốn, qua Talawas, gửi đến cả hai người, Kaomi Izu và Nguyên Hưng, lời sau đây của Albert Schweitzer: "Không một tia nắng nào có thể mất đi. Cái mầm xanh mà nó đánh thức dậy cần có thì giờ để đâm chồi kết lá; tuy nhiên, không phải người gieo hạt nào cũng nhất thiết được thấy mùa gặt tận mắt".
Xin cám ơn Talawas đã cho tôi cơ hội nói về đôi điều ấp ủ từ lâu.
Talawas: Chân thành cảm ơn anh Võ Ðình.
____________________
Họa sĩ, nhà văn Võ Ðình (tên thật là Võ Ðình Mai) sinh năm 1933 tại Huế. Thập niên 50, du học ở Pháp. Ðến nay đã có hơn 40 triển lãm cá nhân và vô số triển lãm tập thể ở châu Âu, châu Á, Canada và Mỹ. Có đến hơn 40 ấn phẩm văn chương và mỹ thuật: sáng tác, dịch thuật, minh họa. Hiện sống tại Mỹ.
* Kaomi Izu: "Đôi điều nhân đọc Phê bình mỹ thuật Việt Nam", Talawas, 13.09.2002.
© Talawas 2002
|