Văn há»cVăn há»c Việt Nam 31.8.2006
Bùi Vĩnh Phúc
Vá» Cao Tần và dòng văn chÆ°Æ¡ng “hoà i cảm, nhá»› nhà †của ngÆ°á»i Việt ngoà i nÆ°á»›c (1975-1995)
Theo cách nhìn của tôi, ta có thể chia dòng văn chương ngoài nước ra làm sáu nhánh với những lưu lượng và nhịp chảy riêng khác nhau.
Nhánh thứ nhất tôi tạm gọi tên là nhánh hoài cảm, nhớ nhà. Nhánh thứ hai tạm gọi là nhánh lên đường, chiến đấu. Thứ ba là nhánh thích nghi. Thứ tư, nhánh hội nhập. Thứ năm, nhánh tiếp cận, phê phán lịch sử, xã hội, trình bày những mẫu sống bằng sự quan sát, ghi nhận khách quan, nhiều khi đượm màu sắc triết lý. Và cuối cùng, thứ sáu, là nhánh duy cảm, duy nhiên, có nhiều tính “vị nghệ thuật”, nghiêng về hướng triết lý sống... Tất cả những nhánh này, ở những mặt nào đó, lại gắn bó chia sẻ với nhau một số nét chung. Có những tác giả, trong cùng một giai đoạn hoặc trong những giai đoạn khác nhau của hành trình cầm bút, có thể ở vào những khuynh hướng khác nhau. Ngay trong một tác phẩm, ta cũng có thể thấy sự thể hiện của những khuynh hướng khác nhau trong đó (nhất là trong một tuyển tập truyện ngắn chẳng hạn).
Nhưng, như đã nói, ta hãy cứ thử làm công việc phân nhánh như thế để định tính của những dòng này. Sự phân nhánh này, từ một góc độ khác, cũng cho thấy sức vận động và phát triển của dòng văn chương Việt ngoài nước trong thời gian hơn mười ba năm qua.
Hoài cảm, nhớ nhà chỉ là một cách gọi. Cách gọi này không mang trong nó một thái độ nhìn ngắm nào gần gũi với sự mỉa mai, tiêu cực hay xem thường từ phía người khảo sát. Sở dĩ tôi nói lên điều đó vì, trong khuynh hướng này, tôi nhận ra có những đóng góp thật đẹp đẽ và hết sức sắc bén, nhạy cảm của nhiều nhà văn có tài năng và có đầy lòng yêu thương tha thiết với đất nước, quê nhà. Tôi xác định về thái độ nhìn ngắm trên của tôi với khuynh hướng văn chương này cũng chính là vì 7, 8 năm trước đây đã có một loạt bài trao đổi qua lại mang tính cách phê phán, đánh giá về một thể hiện của dòng văn chương này. Và hiện tại, vẫn có những người cho rằng dòng văn chương này có tính cách tiêu cực, đáng bị kết án.
Về chuyện 7, 8 năm trước, tôi muốn nhắc lại trường hợp thơ Cao Tần.
Thơ Cao Tần - được xếp loại chung với một số thơ của một, hai thi sĩ khác, trong một số bài báo xuất hiện khoảng năm 1980, 1981 của Thi Thi Văn Ðạt - đã bị đánh giá là tiêu cực, không có tinh thần chiến đấu, mang đầy tính vô định hướng một cách mệt mỏi. Cao Tần đã trả lời những luận cứ này bằng một bài khá dài đăng trên báo Sài Gòn Mới (?). Với lời lẽ xác đáng, đầy lửa, nhưng lại chan chứa những tình cảm chân thật của một người cầm bút lưu vong, Cao Tần đã nói lên được một cách rất hùng hồn cái thái độ sáng tác và tham dự vào văn chương của mình. Tôi đã đọc bài này quá lâu nên chỉ nhớ đại ý của nó. Cao Tần cho rằng, văn chương, theo nghĩa thuần túy cũng như theo nghĩa phản ánh tâm tình của con người trước đời sống, thời cuộc, có thể được biểu hiện bằng nhiều cách. Nếu trong lịch sử, văn chương ta đã có những bài hịch hực lửa, kích thích tinh thần chiến đấu của dân Việt trong những giai đoạn quyết liệt nhất của đất nước, nó cũng có những bài tự thán, những bài mang tính chất phẫn hận. Và tất cả đều có những giá trị văn chương cũng như xã hội của chúng. Không phải lúc nào con người cũng phải chuẩn bị mình ở trong tư thế để thét ra lửa. Người ta, có những lúc cũng muốn ngồi im một chỗ, để lòng mình lắng lại mà nhớ về dĩ vãng, nhớ về những kỷ niệm đằm thắm của cuộc đời. Có khi người ta cũng muốn tự để chảy ra một dòng nước mắt. Ðể lau rửa đi những muộn phiền uất ức mà người ta đã bị đẩy vào thế phải gánh chịu. Không phải lúc nào cũng hừng hực biến đau thương thành hành động được. Nếu người ta còn là con người, người ta còn có những lúc tìm thấy ở trong rung động mình những xót xa, đau đớn mà cuộc đời đã mang lại cho người ta; người ta còn muốn gợi lại trong tâm hồn mình những hình ảnh êm ái, tha thiết cũ mà người ta đã bị thời gian và những cuộc đổi đời cướp mất. Một con người yêu nước có lúc cầm súng chiến đấu, nhưng cũng có lúc ngồi thương nhớ vẩn vơ về một giọt lá me bay ngơ ngẩn trên đường phố quê nhà một chiều mưa tạt... Tất cả những điều ấy không có gì là đáng để bị lên án, chối bỏ.
Tôi chia sẻ với Cao Tần những suy nghĩ đó, nhất là nếu đặt tập thơ của Cao Tần trong bối cảnh nó được viết ra (khoảng 1976-1977). Trong tâm trạng dao động, phẫn uất của một người Việt Nam bị đẩy bắn ra khỏi quê hương trong một hoàn cảnh lịch sử bi thảm như vậy, Cao Tần đã phản ánh đúng cái tâm tình của một số lớn người Việt (ít ra là trong giai đoạn đó). Hơn thế nữa, thơ Cao Tần còn có cái uất khí cao ngạo (mặc dù có lúc hoang mang, mệt mỏi), cái rung động đằm thắm trữ tình, cái phong vị thênh thang gió cuốn của chính cá tính người thơ. Bao trùm trên tất cả là cái đau đớn, cái xót xa, cái phẫn uất của một con người bị bứt ra khỏi quê hương. Sau khi dao động, nghiêng ngả, phẫn hận, con người sẽ thấy rằng thời gian sẽ cho nó những cơ hội để đứng vững hơn mà nhìn về phía trước. Dù sao, ngay cả khi đã đứng vững chãi, đã qua khỏi những cơn dao động để có những hành vi quyết liệt với kẻ thù, ai cấm người ta có những lúc tự vỗ về mình, ai cấm người ta có những lúc nhớ về vườn xưa, quê cũ, về những ngõ thu phong một thuở quê nhà, về những con đường xanh um bóng lá những chiều gió nổi, về những cánh lá me bay bay như những hạt cốm thơm trong bầu trời bích ngọc ngày xưa, về những cơn mưa ở quê nhà vẫn còn đẫm ướt trí nhớ người ta những ngày lưu lạc... Những tình cảm ấy hết sức con người. Nó cho sự chiến đấu của ta một nhịp thư duỗi để ta có thể tiếp tục con đường đi tới. Trái tim con người không thể đập dồn mãi một nhịp trống trận. Con người không phải là một tập hợp những cơ động vô hồn của một người máy. Và ai dám chắc là những thương nhớ cần thiết kia không phải là một nhịp nghỉ để trái tim tiếp tục đập những nhịp đập cần thiết, những nhịp đập lên đường của nó.
Tôi cho rằng khi mà còn có những con người Việt Nam lưu thân ngoài xứ sở thì những tình cảm thiết tha, đằm thắm hoặc đau xót, nhớ thương đất nước, quê nhà kia còn sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng. Dĩ nhiên, sự
rung động, sự thương nhớ có thể dần dần đi theo những nhịp độ và những cường độ khác, những màu sắc khác, nhưng nó sẽ còn mãi và tạo ra sự đau nhức đẩy ta đứng dậy. Trong đất mềm ướt sương kia, tôi tin là đã ẩn chứa những mầm hạt lên đường, những mầm hạt làm bật lửa bình minh trên quê hương một ngày mai.
Trong khuynh hướng này, những bài viết đầu tiên trên đất Mỹ của Võ Phiến và Lê Tất Ðiều trên một số báo chí ngoài nước (Hồn Việt, Văn Nghệ Tiền Phong...), và sau đó được in thành sách, đã là những đóng góp hết sức đẹp đẽ. Những bài như "Một mùa xuân yên lành", "Chiếc chìa khóa"... của Võ Phiến, hay bài "Nếu bạn gặp một người di tản buồn" của Lê Tất Ðiều, và một số bài khác cũng của tác giả này trong tập Ly hương (in chung với Võ Phiến khoảng năm 1980), đã diễn tả một cách hết sức chân thực, và xót xa, và đầy nét nghệ thuật, cái tâm trạng nhớ nhà, nhớ nước quay quắt, thắt lòng của người tỵ nạn.
Võ Ðình, với tuyển tập Xứ sấm sét, và Nguyễn Bá Trạc, với tập Ngọn cỏ bồng, cũng diễn tả được một nỗi nhớ nhà dằng dặc khôn khuây, đượm nét triết lý sâu sắc, với phong cách khác nhau của mỗi tác giả. Tác phẩm của những nhà văn này là những đóng góp đẹp cho dòng văn chương ngoài nước của chúng ta.
Tôi nghĩ tôi phải xin lỗi vì không thể kể hết tên những người viết của chúng ta trong khuynh hướng này. Danh sách quá dài khiến việc liệt kê có thể trở nên luộm thuộm. Dù sao, tôi muốn nói là, hầu hết, nếu không là tất cả, những người cầm bút Việt Nam ngoài nước, trong một giai đoạn nào đó của quá khứ, hoặc/và trong những khía cạnh nào đó của hiện tại, đều mang “căn bệnh” nhớ nhà, nhớ nước bất trị này. Ở một cường độ mãnh liệt hơn để đi đến thái độ quyết liệt, thái độ lên đường, chiến đấu, căn bệnh này được anh em Nhân Văn (đặc biệt Phan Tấn Hải) gọi là “bệnh nước”. Nhưng người ta không nhất thiết phải luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng để có thể bứt thoát, lên đường chiến đấu. Vả lại, sự lên đường, sự chiến đấu có thể mang nhiều nghĩa khác nhau. Mỗi người có một vị trí riêng, một hoàn cảnh riêng để nghĩ và làm những điều tốt đẹp cho đất nước. Tôi nghĩ nếu chúng ta không kéo những tình cảm thương nhớ này xuống mức độ sướt mướt, quỵ lụy, mệt mỏi, vô định hướng..., mà ta thể hiện chúng một cách sâu sắc, có cá tính và có nghệ thuật, khuynh hướng văn chương... tạm gọi là “hoài cảm, nhớ nhà” này có một giá trị riêng của nó trong ngọn triều chung của dòng văn học ngoài nước, khởi đi từ 30 tháng 4, 1975, ngoài quê nhà.
Nguồn: TrÃch “Má»™t cách nhìn vá» 13 năm văn chÆ°Æ¡ng Việt ngoà i nÆ°á»›c (1975-1988)†(viết và o tháng 6.1988) trong Lý luáºn và phê bình: Hai mÆ°Æ¡i năm văn há»c Việt ngoà i nÆ°á»›c (1975-1995), California: Văn Nghệ, 1996.
|