trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
6.6.2006
Nguyá»…n Thanh SÆ¡n
Không thể nấp sau lưng cái “mới”
Phong Điệp thực hiện
 
Phong Điệp: Nhà văn Bảo Ninh, trong bài viết “Tiểu thuyết xếp đặt” đăng trên Văn nghệ Trẻ có viết: “Ngày nay chúng ta dường như đang dợm chân bước vào một thời buổi văn chương mới lạ mà cái ‘Tôi Đây’ là cảm hứng nếu không phải độc tôn thì cũng là cảm hứng đầu bảng cho cả quá trình sáng tác lẫn quá trình quảng cáo rao bán một truyện ngắn, một tiểu thuyết. Và như vậy thì tại sao chúng ta không dám bạo phổi lên mà làm Văn học Xếp đặt? Sao lại không thể có Truyện ngắn Chép từ truyện ngắn? Truyện ngắn Trộn thơ. Truyện ngắn Một chữ. Tiểu thuyết Không lời hoàn toàn giấy trắng. Tiểu thuyết trên kính. Tiểu thuyết Sơn mài Sơn dầu. Tiểu thuyết viết lên mặt chiếu, lên bờ tường, lên rổ rá?” Thưa anh Nguyễn Thanh Sơn, tôi muốn nghe ý kiến bình luận của anh?

Nguyễn Thanh Sơn: Câu trả lời sẽ là “tại sao không?”, mặc dù tôi nghĩ cái chúng ta “dợm chân bước vào” là cái mà thế giới đã “dợm chân bước ra” từ lâu, cho nên chúng ta phải xem lại là với những thể loại “văn học xếp đặt” như vậy, chúng ta mang lại cái gì mới hơn về tư tưởng, về nghệ thuật cho độc giả đây, hay chúng ta chỉ làm vì “cũ người mới ta”. Nhiều năm trước, khi viết về “siêu tiểu thuyết” (hyper-fiction) trong thời đại của Internet, tôi đã ví những người viết hiện nay giống như những người bị đắm tàu, ngồi vô vọng trên một hoang đảo, giữa một đại dương chồng đống những trang web bị lãng quên như xác những con tàu đắm, và tác phẩm của họ cũng giống như những bức thư bỏ trong vỏ chai thả xuống biển, tuyệt vọng kêu lên “tôi ở đây!”. Nhưng ở Việt Nam bây giờ, tôi có cảm giác người ta không mấy quan tâm đến nội dung của bức thư trong chiếc chai, mà quan tâm đến việc bỏ nó vào cái chai nào thì hợp mốt.

Phong Điệp: Để đánh giá một tác phẩm có hay hay không, anh thường dựa vào những tiêu chí nào?

Nguyễn Thanh Sơn: Có ba tiêu chí: tác phẩm có đem lại cho tôi một cái nhìn mới về tư tưởng tình cảm hay không, nghệ thuật ngôn từ có làm tôi khâm phục và tạo một khoái cảm khi đọc hay không, và nó có đóng góp gì cho hình thức thể loại của nó hay không.

Phong Điệp: Sở dĩ tôi đi hơi lòng vòng một chút trước khi đề cập đến nội dung chính của cuộc trò chuyện của chúng ta ngày hôm nay là bởi lẽ dường như nghệ thuật xếp đặt hiện nay có vẻ rất được “sính” dùng...

Nguyễn Thanh Sơn: Những người còn trẻ thường không bằng lòng với những cái cũ, và nhu cầu đi tìm những hình thức biểu hiện mới, những không gian nghệ thuật mới, những thử nghiệm mới là một nhu cầu hết sức chính đáng và đáng được tôn trọng. Nhưng họ cũng phải chấp nhận một luật chơi công bằng khác và cũng phải được tôn trọng: không thể nấp sau lưng cái “mới”, đưa ra những giá trị giả mà đòi hỏi công chúng tung hô mình. Ở đây có lẽ phải tìm một cách định nghĩa về cái mới. Tôi thiên về ý cho rằng, cái mới là cái giúp tôi có một cái nhìn mới đối với những vấn đề cũ. Cái mốt, cái thời thượng của nghệ thuật sắp đặt, của nghệ thuật trình diễn, của nghệ thuật thị giác sẽ chẳng đưa chúng ta đến đâu nếu nó không đưa ra cho chúng ta những giá trị tinh thần mới. Nghệ thuật biểu hiện là quan trọng, nhưng không bao giờ là tất cả.

Phong Điệp: Và quay về tập Thời hôm qua, khoái cảm và điên rồ hợp lý (gồm ba phần: Cửa sổ đập; Cá thể ướt kì lạ và Do đó nó lại đến) vừa mới ra mắt của tác giả Nguyễn Thuý Hằng mà chúng ta chọn để bàn hôm nay, có người cho rằng nghệ thuật xếp đặt được/ bị tác giả sử dụng đến mức lạm dụng. Anh nghĩ sao?

Nguyễn Thanh Sơn: Chúng ta đừng quên Nguyễn Thuý Hằng còn là một hoạ sĩ, cho nên, tôi nghĩ có thể hiểu được ý muốn của chị khi đưa nghệ thuật sắp đặt vào trong tác phẩm của mình. Nhưng ngôn ngữ biểu hiện của hội hoạ khác với ngôn ngữ biểu hiện của văn học, “văn học hoá” những suy tư có lẽ thích hợp hơn với tư duy hội hoạ khiến cho tác phẩm của chị trở thành một mớ bòng bong.

Phong Điệp: Nhưng giả sử - tôi muốn nhấn thêm vào hai chữ giả sử - một ai đó thành công trong việc kết hợp giữa ngôn ngữ hội hoạ và ngôn ngữ của thơ ca, dẫn đến những xúc cảm thẩm mỹ cho công chúng thì cũng là điều cần phải ghi nhận đấy chứ, phải không anh? Và vì vậy không phải vô cớ mà người ta nói rằng những thử nghiệm ban đầu luôn khó khăn và phải trả giá nữa...

Nguyễn Thanh Sơn: Vâng, nếu được thế thì còn gì bằng, nhưng hình như chưa ai thành công lắm. Ngày xưa, tôi rất xúc động khi xem những phụ bản mà Saint Exupery tự minh họa cho cuốn Hoàng tử nhỏ của mình. Các bậc thầy trong văn chương đã thử nghiệm cách xây dựng tiểu thuyết như xây dựng một tác phẩm âm nhạc chẳng hạn. Nhưng thực sự mà nói, một sự kết hợp hoàn hảo của hội họa và văn học vẫn chưa xảy ra. Tôi luôn luôn tán thành những thử nghiệm, và đánh giá cao những người dám thử nghiệm, nhưng sau đó, chúng ta phải nhìn vào tác phẩm của họ và trung thực mà nói nó có thành công hay không.

Phong Điệp: Lướt qua những địa điểm được tác giả Nguyễn Thuý Hằng chọn làm nơi viết nên những tác phẩm của mình, tôi thấy chúng đa phần là những quán cà phê. Phải chăng không gian sáng tạo của văn học thế hệ @ đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Anh nghĩ sao?

Nguyễn Thanh Sơn: Nhà văn viết ở đâu thì có gì quan trọng! Có người thích viết ở bàn làm việc, có người ở quán cà phê, có người phải thuê phòng trọ, có người viết ở sân bay… Quán cà phê hay được gọi là một “nơi chốn thứ ba” của con người, một không gian khác với không gian của ngôi nhà họ ở và cơ quan nơi họ làm việc. Có thể là thế hệ nhà văn @ có nhu cầu thể hiện, ngay cả khi sáng tác, như chúng ta đã nói ở trên, cái “tôi ở đây”. Nhưng phải xét đoán nhà văn theo tác phẩm của họ chứ không phải nơi họ viết.

Phong Điệp: Nhưng cảm hứng có thể nảy sinh từ chính nơi họ chọn để sáng tác. Anh có để ý không, trong Thời hôm qua, khoái cảm và điên rồ hợp lý, có khá nhiều đoạn cảm xúc được “đánh thức” thế này:

“sáng T7.20.1.04
Chúng tôi đã kêu hai phần ăn thật giống nhau: trứng, khoai tây, thịt rán. Chính giữa là một nước suối, một ly cam, một da con báo” (đoạn 19 - quyển 3)

“ý tưởng : mô hình cafe
Quán nhỏ, khoảng 20 người ngồi
Bàn hình vuông hoặc tròn, nhỏ, diện tích đủ cho một người. Ghế và bàn tự tay đóng lấy. Bằng gỗ. Thấp
(...) Tương tự như vậy, tôi sẽ nói tiếp những ý tưởng khác cho dạng cafe_ngồi đồng ở những mục kế tiếp” ( đoạn 32- quyển 3)

Nguyễn Thanh Sơn: Thì cảm hứng có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Người ta có thể viết về tờ thực đơn, về cái gạt tàn thuốc, về một ánh mắt, thậm chí một cái gót chân của cô gái ngồi bàn bên cạnh cơ mà. Đây chỉ đơn giản mô tả một “cú nhảy” của suy nghĩ, chứ tôi nghĩ chẳng có văn học gì ở đây cả.

Phong Điệp: Và điều tiếp theo mà tôi muốn hỏi: Liệu có thể / có nên nghi ngờ về cái gọi là thơ / sáng tạo thơ ca ở những dòng mà tôi vừa trích dẫn trên đây được không, thưa anh Nguyễn Thanh Sơn?

Nguyễn Thanh Sơn: Với tôi, đó không phải là thơ.

Phong Điệp: Theo anh, điểm khác biệt nổi bật nhất giữa thơ hiện đại và thơ truyền thống là gì?

Nguyễn Thanh Sơn: Trả lời câu hỏi này có vẻ “trói voi bỏ rọ” quá! Có thể thơ hiện đại đang trong quá trình “tìm kiếm” ngôn ngữ thể hiện, còn thơ truyền thống đã nhất quyết “yên ổn” rồi chăng?

Phong Điệp: Hơi lan man một chút, Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc mới đây diễn ra tại Hội An, một đêm thơ trẻ ngoài trời đã được tổ chức. Song điều đáng tiếc / đáng buồn là bên cạnh việc các nhà thơ trẻ đọc thơ cho nhau nghe còn những người dân Hội An thì thất vọng. Họ không tìm được sự đồng cảm...

Nguyễn Thanh Sơn: Tiếc là tôi không thể đi dự Hội nghị viết văn trẻ nên không thể bình luận gì nhiều về các nhà thơ và công chúng của họ. Tôi thuộc loại người bảo thủ cho rằng rằng thơ thì nên đọc trong im lặng chứ không phải đọc ở quảng trường.

Phong Điệp: Có một số người bạn than với tôi: họ đã đọc, nói đúng hơn là cố đọc cái gọi là thơ cách tân hiện nay. Đọc để xem các tác giả cách tân như thế nào, đọc để mình không bị tụt hậu. Nhưng càng đọc họ càng hoang mang giữa một mớ hỗn độn được khoác lên mình cái gọi là thơ...

Nguyễn Thanh Sơn: Có những thử nghiệm thành công và những thử nghiệm thất bại. Thành công thì sẽ tìm được đến với trái tim người đọc, thất bại thì sẽ trở thành một mớ hỗn độn không đáng được gọi là thơ. Tuỳ thuộc người viết tìm thấy một phương thức nghệ thuật mới hay chỉ làm trò xiếc với từ ngữ để hòng đạt được sự chú ý của đám đông

Phong Điệp: Tôi rất thích hình ảnh chú mèo với cuộn len rối mà anh dùng để nói về tập sách Thời hôm qua, khoái cảm và điên rồ hợp lý của Nguyễn Thuý Hằng. Nhưng như tác giả này tự lý giải: “Tôi từ chối một cách sống và một lối viết ngăn nắp, có trình tự và tử tế” và “tôi muốn thử thách sự kiên nhẫn của bạn đọc” hay “tôi muốn thay đổi cách cảm thụ” “thay đổi cách đọc thông thường của độc giả”... Anh sẽ bác bỏ lập luận này như thế nào?

Nguyễn Thanh Sơn: Từ chỗ “muốn” đến chỗ “làm được” là một khoảng cách rất xa. Tôi nghĩ Nguyễn Thuý Hằng muốn rất nhiều, như nhiều người viết thông thường khác, nhưng tác phẩm của chị không làm được điều đó, và khi đó, những câu như “thay đổi cách đọc thông thường của độc giả”, “thử thách kiên nhẫn của bạn đọc” chỉ là một lối nguỵ biện - và hàm chứa trong nó thái độ coi thường độc giả. Có một số người còn chê bai cái mà họ gọi là cách đọc tuyến tính của độc giả hiện nay. Thế nào gọi là cách đọc tuyến tính, thế nào là cách đọc phi tuyến tính? Bộ óc con người phức tạp như vậy, tư duy con người khó nắm bắt như vậy, làm gì có cách đọc nào gọi là cách đọc tuyến tính!

Phong Điệp: Đọc Thời hôm qua, khoái cảm và điên rồ hợp lý, không quá khó khăn người đọc có thể tìm được những mẩu tin đại loại như: “ĐẶC BIỆT ĐỂ LÀM GỎI CUỐN VÀ CHẢ GIÒ VIỆT NAM Thành phần: gạo, tinh bột sắn, muối, nước Size: 22cm Sản xuất tại Việt Nam...” Anh có bình luận gì về thủ pháp đưa những “vật thể ngoài văn chương” như thực đơn, mẩu báo, tin quảng cáo, một đoạn thư tình, bài hát xuyên tạc vào tác phẩm mà tác giả Nguyễn Thuý Hằng đã sử dụng khá nhiều trong tác phẩm của mình?

Nguyễn Thanh Sơn: Cũng là một thứ thời thượng, như cách người ta đưa âm thanh đường phố, những tiếng động kỳ lạ, những tiếng rao đêm vào các tác phẩm âm nhạc đương đại. Bản thân thủ pháp này không có lỗi, nhưng điều quan trọng là nó nói lên cái gì, phần đóng góp của nó ở đâu trong tác phẩm. Ai hay nghe nhạc của Pink Floyd chẳng hạn, luôn luôn bị ấn tượng bởi cái tính “tầng tầng lớp lớp” của các bản nhạc, khi mỗi một tiếng trực thăng, một tiếng la hét đều được tính toán và đặt đúng chỗ trong tác phẩm, tạo ra những hiệu ứng đặc biệt. Đưa những “vật thể ngoài văn học” vào văn học mà không tính được vị trí của nó, hiệu ứng của nó, thì cũng là một cách bắt chước Tây Thi nhăn mặt mà thôi.

Phong Điệp: Nhà thơ Dư Thị Hoàn cho rằng: “Năng lực bẩm sinh của người nghệ sĩ là sáng tạo ra cái mới, nhưng chính vì cái mới mà người tạo ra nó luôn bị bắt bẻ, kháng cự, thậm chí bị khước từ”. Theo anh, nói như vậy có thoả đáng hay không?

Nguyễn Thanh Sơn: Thú thật tôi rất sợ những ngôn từ bóng bẩy và cách nói khoa trương như vậy. Chỉ có tài năng bẩm sinh, chứ làm gì có năng lực bẩm sinh. Năng lực của người nghệ sĩ, theo tôi, là khả năng sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật, và sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật là tổng hoà của tài năng, tư duy sáng tạo, lao động nhiệt thành và học hỏi miệt mài - nó không dành toàn bộ chỗ cho những thứ gọi là “bẩm sinh”. Một tác phẩm nghệ thuật, ngoài cái “mới” ra, còn phải có cái “hay”. Chúng ta không thể làm một phép qui nạp đơn giản, dựa vào việc có một số tác phẩm hay phải mất một thời gian dài để được công chúng công nhận để cho rằng những tác phẩm không được công chúng công nhận là những tác phẩm hay. Không phải vì một số cái mới bị “bắt bẻ, kháng cự, thậm chí bị khước từ” mà cho rằng tất cả những tác phẩm bị công chúng “bắt bẻ, kháng cự, thậm chí khước từ” là những tác phẩm mới.

Phong Điệp: Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe Nguyễn Thuý Hằng, một người sinh ra ở Việt Nam, nói tiếng Việt - tóm lại là một người Việt Nam, có thể phát ngôn rằng: “Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng tôi luôn có cảm giác xa lạ với chính môi trường tôi đang sống” và “chỉ có thể lí giải tại sao quá khứ và hiện tại của dân tộc Việt rất có ít liên hệ với sáng tạo của tôi như việc bạn đã từng bơi quá nhiều, phải vùng vẫy và sử dụng quá nhiều năng lượng chỉ để xoay sở và tồn tại trong một vũng nước bé xíu”?

Nguyễn Thanh Sơn: Nhà văn viết truyện viễn tưởng Haminton người Anh có một truyện ngắn rất hay tên là “Đứa con của những vì sao”, trong đó ông so sánh con người của trái đất khi lần đầu tiên tiếp xúc với những nền văn minh bên ngoài như một đứa trẻ vốn sống trong nhà, lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa, bị choáng ngợp bởi thế giới ấy, vấp ngã và oà khóc. Sau bao năm lăn lộn, khi tóc đã hoa râm, con người ấy rồi sẽ trở lại, bước qua ngưỡng cửa của căn nhà quen thuộc và lại oà khóc. Tôi nghĩ Nguyễn Thuý Hằng là đứa trẻ ấy, hãy còn nông nổi và nhẹ dạ khi nhìn ra thế giới bên ngoài mà quên đi thế giới đầm ấm của ngôi nhà quen thuộc, tự làm nghèo tâm hồn mình đi bằng cách từ chối nó. Rồi với thời gian, cô ấy sẽ hiểu rằng những tuyên ngôn kiểu như vậy là những tuyên ngôn dại dột và vô trách nhiệm của một người chưa trưởng thành.

Phong Điệp: Tôi mới nhận được một bài viết của tác giả Thanh Hằng với nhan đề “Thùng rỗng thường kêu to”. Trong bài có đoạn viết: “Trong các cuộc tranh luận này, thường thấy ngay phía sau các ‘nhân tài’ là một số người tung hô, chỉ bảo; ‘thiên tài’ A thì có nhà văn X đỡ đầu, còn ‘nhà thơ của thế kỷ’ là của nhà thơ Y và mới đây nhất, ‘thiên sứ’ Z lại được nhóm ‘văn nhân’ N bảo lãnh”. Còn về tác giả Nguyễn Thuý Hằng, có người xưng tụng rằng “có lẽ Hằng đã làm nên một trường phái thơ hiện đại Việt Nam theo một nghĩa nào đó”. Anh có nghĩ rằng sự ồn ào “ngoài văn chương” đã và đang làm “nhiễu” những giá trị thực của văn chương?

Nguyễn Thanh Sơn: Vâng, tôi nghĩ những lời xưng tụng quá đáng như vậy chẳng giúp ích được gì cho độc giả cũng như cho những nhà văn mới. Chúng ta hình như có khá đủ các “siêu mẫu”, “thiên tài”, “nhà thơ thế kỷ” nhưng chẳng có ai căn cứ vào tác phẩm của họ để giải thích cho chúng ta về tài năng xuất chúng của họ.

Phong Điệp: Văn học trẻ hiện nay còn thiếu điều gì, theo anh?

Nguyễn Thanh Sơn: Thiếu những khoảng lặng, thiếu sự vô danh, thiếu rất nhiều tình yêu thuần khiết với văn học, một tình yêu bắt buộc người ta phải miệt mài học tập, làm việc để sáng tạo ra tác phẩm. Thiếu sự trân trọng với những giá trị của ngày hôm qua, thiếu hiểu biết về ngày hôm nay, thiếu tư duy về ngày mai. Có rất ít các nhà văn trẻ dám đi vào những vùng thời gian không quen thuộc với mình như quá khứ hoặc tương lai, mà vẫn quanh quẩn với những trang viết về những câu chuyện hàng ngày mà họ...

Phong Điệp: Trong bài trả lời gần đây trên báo chí anh có nói rằng: “Văn học trẻ trong nước ‘điềm tĩnh’ hơn trong các vấn đề lịch sử, chính trị, văn hóa nhưng lại dễ phấn khích hơn với những thử nghiệm mà họ cho là mới”. Vậy lợi thế và thách thức mà họ phải đối mặt là gì, theo cách phân tích của anh?

Nguyễn Thanh Sơn: Tôi đặt chữ “điềm tĩnh” ở trong ngoặc, tức là cái “điềm tĩnh” này không mang ý nghĩa tích cực. Lợi thế của văn học trẻ là họ còn... trẻ, tư duy chưa bị đông cứng, khả năng làm việc mạnh mẽ, có nhiều cơ hội tiếp xúc so sánh với các nền văn hóa khác. Thách thức của họ là liệu họ có tận dụng được hết những lợi thế của tuổi trẻ hay không, có tạo được sự cân bằng của một trái tim nóng bỏng với một cái đầu lạnh hay không.

Phong Điệp: Từ sau tập sách Phê bình văn học của tôi (NXB Trẻ, 2002) gây khá nhiều tranh cãi, anh có định tiếp tục ra một cuốn mới nữa?

Nguyễn Thanh Sơn: Bạn nói đúng. Phê bình văn học của tôi là một tập sách - nó là một tập hợp các bài viết nhỏ. Bây giờ tôi mong muốn có thể viết cho xong một cuốn sách mới.

Phong Điệp: Anh có thể hé lộ chút thông tin được chăng?

Nguyễn Thanh Sơn: Cuốn sách này có tên là Văn học Việt Nam hậu đổi mới, chủ yếu cố gắng tìm hiểu lý do tại sao văn học của chúng ta thời gian vừa qua lại ngưng trệ như vậy.

Phong Điệp: Tập sách trước, theo chỗ tôi biết, nhiều tác giả bị anh “điểm mặt” đã tỏ thái độ giận dữ. Liệu đến cuốn này...

Nguyễn Thanh Sơn: Vâng, chắc sẽ làm nhiều người còn giận dữ hơn... Cũng chẳng biết làm sao được...

Phong Điệp: Vâng, “biết làm sao được” khi anh đã chọn cho mình một “nghề nguy hiểm”! Nhưng tôi chắc nhiều người sẽ tìm đọc cuốn sách mới của anh. Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Nguồn: Diá»…n đàn Văn học Trẻ, báo Văn nghệ Trẻ số 23, ra ngày 04.6.2006