|
Nhà văn Nguyên Ngọc, ảnh: Trần Hữu Dũng |
talawas: Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X vừa kết thúc. Ông có thấy những mong đợi của mình, một đảng viên lão thành, được phản chiếu trong kết quả của Đại hội?
Nguyên Ngọc: Tôi nghĩ là không, hoặc ít ra là không nhiều. Tôi cho là người ta đã chờ đợi ở Đại hội nhiều hơn. Tuy nhiên chính ở đây lại có chỗ có thể là "hay". Đây có thể là một nét rất đáng chú ý ở Việt Nam bây giờ: Đại hội thấp hơn đời sống, lạc hậu hơn so với đời sống. Và có chỗ rất "tiểu thuyết": hình như chính Đại hội cũng tự biết điều đó. Biết nhưng vẫn cứ làm như vậy, thật là vô cùng "Việt Nam"!
Như vậy có cả hai mặt, vừa đáng mừng vừa đáng lo: một mặt xã hội vẫn cứ phát triển, và sự phát triển đó theo tôi là có nhiều khía cạnh lành mạnh (những khía cạnh lành mạnh đó, chẳng hạn, được phản ánh trong những thảo luận khá cởi mở trước Đại hội); mặt khác, sự lạc hậu nói trên tất sẽ tạo ra cản trở cho sự phát triển đó, gây chậm trễ, thậm chí đến một lúc nào đó có thể cả xung đột. Và theo tôi, nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam bây giờ là quá chậm trễ. Cuộc chơi chung của thế giới bây giờ không chờ mình.
talawas: Theo quan sát của cá nhân ông, phần lớn trong số 3,1 triệu đảng viên hiện nay có chia sẻ những đánh giá như vậy không?
Nguyên Ngọc: Tôi nghĩ là khá nhiều người nghĩ như vậy, tuy họ không nói ra. Sau Đại hội, trong xã hội có một sự im lặng rất không bình thường. Cứ như người ta không còn quan tâm đến nó nữa.
talawas:
Và có thể coi nguyện vọng của phần lớn đảng viên ĐCSVN – dù chỉ thể hiện bằng sự im lặng - là nguyện vọng của đại bộ phận dân tộc Việt Nam không?
Nguyên Ngọc: Nếu nói "phần lớn" thì tôi tin là có, vẫn còn có. Bởi vì "phần lớn" ấy, với tấm thẻ Đảng, trước hết vẫn là Dân.
talawas:
Dường như phong trào góp ý cho Dự thảo Báo cáo chính trị trước Đại hội X đã gieo khá nhiều hi vọng vào một bước chuyển rõ rệt trong cải cách chính trị. Những khái niệm như “Đổi mới II” và “Thời cơ vàng” đã dọn đường cho Đại hội suốt nhiều tuần lễ… Đó có phải là một hiện tượng "lạ" trong lịch sử đời sống chính trị Việt Nam cho đến nay?
Nguyên Ngọc: Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây không phải là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu đảng viên và cả những người ngoài Đảng góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ trình bày ở đại hội trước khi diễn ra đại hội Đảng, ít ra cũng là trong mấy kỳ đại hội gần đây. Tuy nhiên, quả thật lần này đã có "hiện tượng lạ": một số vấn đề cơ bản nhất, thậm chí có thể nói liên quan đến "vận mệnh" của Đảng, đã được nêu ra và thảo luận trong quá trình góp ý kiến. Ông Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng, nêu vấn đề "kinh tế quốc doanh nhất thiết phải luôn là chủ đạo" và định nghĩa đấy mới chính là chủ nghĩa xã hội; ông Nguyễn Đức Bình phản đối quyết liệt chủ trương để cho đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô; đặc biệt ông này thẳng thắn yêu cầu đặt vấn đề đó lên bàn nghị sự. Và quả thật vấn đề đã được đặt lên bàn nghị sự như ông Bình muốn, nhiều nhất là trên internet, nhưng cũng không phải không có trên một số báo chí công khai trong nước. Động đến hai vấn đề trên tức là đã động đến vấn đề sở hữu, một vấn đề nền tảng của hệ thống lý thuyết vẫn được coi là chính thống của chế độ. Tức là lần này, dầu muốn hay không, đã chạm đến "lõi". Hiện tượng này, theo tôi vừa "lạ", vừa không lạ. Lạ là vì lần đầu tiên nó được đặt lên bàn nghị sự một cách công khai như vậy; song cũng không lạ, vì việc nó bị, hay được đặt ra, là tất yếu. Chính cuộc sống đã đòi hỏi.
talawas:
Và Đại hội đã giải quyết vấn đề cốt lõi ấy một cách rất "sáng tạo": nền tảng lý thuyết vẫn không hề bị lay chuyển, đồng thời đòi hỏi của cuộc sống cũng không đến nỗi bị sao nhãng. Nói cách khác, Đại hội đã chấp nhận dùng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội vững chắc hơn, và cho phép các đảng viên gia nhập giai cấp tư sản đỏ để trong tương lai có thể trở thành những người vô sản đích thực hơn. Ông không ngưỡng mộ tính sáng tạo này?
Nguyên Ngọc: Tôi nghĩ có thể bạn hơi "lô gích hình thức" đây! Ở đây sự thể đang đi theo một thứ lô gích khác: lô gích vòng vo. Hay đúng hơn, nghịch lý hiển nhiên trong những điều đang được tuyên bố phản ánh sự lúng túng trong việc tìm một con đường phát triển sòng phẳng, minh bạch. Tôi không tin rằng ngày nay còn có ai thật sự mong muốn trở thành "người vô sản đích thực hơn" đâu. Song người ta đã ấp úng khi nói ra điều đó. Kết quả là sẽ tạo nên một thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã. Những vụ kiểu Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến... đang phổ biến, chắc chắn còn phổ biến, là chứng minh.
talawas:
Thưa ông, một câu hỏi khác: phần lớn các thảo luận về những chủ đề ít nhiều nhạy cảm, đặc biệt về đa nguyên chính trị, về việc tách bạch giữa bộ máy Đảng và bộ máy nhà nước, về việc dân chủ hoá và làm trong sạch nội bộ Đảng… hầu như chỉ diễn ra trên internet. Còn đại bộ phận dân chúng - những người không có điều kiện và thói quen theo dõi thông tin trên mạng – thì sao? Đại hội X có thật sự khiến họ quan tâm không?
Nguyên Ngọc: Ở đây, theo tôi có chỗ khá tế nhị, và cũng thú vị. Đúng là đại bộ phận dân chúng không có điều kiện theo dõi thông tin trên mạng, ít được biết đến những cuộc thảo luận này, thậm chí họ cũng không quan tâm gì lắm đến chúng. Ở nông thôn thì có mấy ai nghe và biết gì đâu. Nhưng lại có mặt khác: vì sao những vấn đề cốt lõi và nghiêm trọng như vậy đã được đặt ra, và được thảo luận khá thẳng thắn, cởi mở? Những người tham gia thảo luận đều là những nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà khoa học, những người trí thức, mà chắc chắn tuyệt đại đa số nông dân thậm chí không hề biết đến tên, cũng chẳng hề "uỷ nhiệm" cho họ phát ngôn thay mình. Nhưng, nếu các "nhà" kia đã nói đến những vấn đề trước đây được coi là động trời đó, và có người đã nói cũng tương đối đến nơi đến chốn, thì là vì chính những người im lặng bên dưới, vô danh và thậm chí cũng chẳng hề quan tâm đến Đại hội X, bằng hoạt động cụ thể và thiết thân đến sự sống của họ, họ đã và đang thật sự "giải quyết" những vấn đề đó trong cuộc sống. Hình như đó cũng là một đặc điểm của tình hình ở Việt Nam: không phải lý thuyết thắng trước đâu, mà là cuộc sống thắng trước, rồi lý thuyết mới lần theo sau. Công cuộc gọi là Đổi mới hồi năm 1986 thực tế đã diễn ra như vậy: nông dân bên dưới phá ra trước, rồi lý thuyết (đường lối) bên trên mới thay đổi theo sau. Có thể lần này có phần hơi khác lần trước: lần này lý thuyết (của các "nhà") tích cực hơn, và cũng có phần sớm hơn. Tức họ đã phối hợp với cuộc phá ra của bên dưới tốt hơn.
Theo tôi, hiện nay trong xã hội Việt Nam có một hiện tượng rất đáng quan tâm: những cái trước đây, và cả hiện nay,
được coi là chính thống, tức đứng ở trung tâm, chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống, thì trong thực tế đã trở thành
cái bên lề (marginal), bị đẩy, bị loại ra bên lề; còn cái bên lề thì trong thực tế đang đi vào trung tâm thực của đời sống, trở thành cái chủ đạo trong đời sống, dù người ta không công khai công nhận như vậy. Tức, "vậy mà không phải vậy". Và ai cũng biết vậy, mặc dầu các "nhà" thì nói thẳng ra, còn văn kiện chính thống thì vẫn nói như cũ. Điều này diễn ra trong mọi mặt của đời sống xã hội, trước hết trong kinh tế, và cũng không hề dừng lại ngay cả trong văn học nghệ thuật. Trong kinh tế, mặc dù người ta vẫn nói quốc doanh là chủ đạo, nghị quyết Đại hội Đảng X vừa rồi cũng không nói khác, nhưng trong thực tế thì nó không còn là chủ đạo, mà đã trở thành bên lề rồi, trong khi đó kinh tế tư nhân đang thực sự trở thành chủ đạo trong đời sống kinh tế của đất nước. Cuộc sống cứ thế lững lững đi tới.
Sự thay đổi vị trí trong thực tế đó, cái chính thống thành cái bên lề, cái bên lề thành cái chính thống, dù người ta không nói thẳng ra, có thể là đặc điểm quan trọng nhất của tình hình ở Việt Nam hiện nay.
Vậy cuộc thảo luận có phần cởi mở của các "nhà" lần này có ý nghĩa gì không? Theo tôi thì có, thậm chí khá quan trọng nữa. Nó vừa là phản ánh của vận động xã hội bên dưới, đồng thời nó là sự hỗ trợ cần thiết về lý thuyết cho vận động đó, làm cho vận động đó vững chắc hơn.
talawas:
Hai mươi năm sau, một hiện tượng “xé rào” khác hẳn cũng đã xảy ra: phong trào đình công của công nhân. Ít nhất phong trào này cũng cho thấy một hiện thực không thể phủ nhận: cái đang diễn ra trong một khu vực kinh tế nhất định tại Việt Nam không còn một dáng dấp xã hội chủ nghĩa nào nữa, mà là chủ nghĩa tư bản ở dạng nguyên thủy và tàn bạo nhất. Đề tài này không hề được đặt ra, ở cả phía chính thống lẫn phía cải cách?
Nguyên Ngọc: Đúng như vậy đấy: một thứ chủ nghĩa tư bản che giấu và hoang dã, hoang dã vì che giấu, ấp úng. Theo tôi thì đề tài này không phải đã không có người đặt ra, bằng cách này hay cách khác.
talawas:
Nhưng những phát ngôn trên báo Nhân dân
, trước ngày khai mạc Đại hội X không xa, lại là những thông điệp không thể hiểu sai, và Đại hội X đã xác nhận những thông điệp ấy: Trước sau như một, Đảng CSVN định nghĩa tương lai dân tộc thông qua mục đích tối hậu là chủ nghĩa cộng sản, với thời kì quá độ là chủ nghĩa xã hội. Như thể toàn bộ sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu gần 20 năm trước và sự thất bại của dự án cộng sản ở quy mô toàn thế giới không đóng một vai trò gì…
Nguyên Ngọc: Tôi không tin lắm những điều được nói đó. Tôi thậm chí không tin rằng chính những người nói ra những điều như vậy thật sự tin ở điều mình nói hay viết ra. Và theo chỗ tôi biết, người ta đọc những bài như vậy, rồi bỏ qua, chẳng mấy quan tâm làm gì, vì hầu như ai cũng biết hẳn chính những người nói hay viết đó cũng là nói, viết cho xong chuyện, chẳng lẽ không nói, chẳng lẽ viết khác. Như đã nói trên, "nói vậy mà không phải vậy", và ai cũng biết thế, cả người nói lẫn người viết. Tôi tin rằng "sự thất bại của dự án cộng sản ở qui mô toàn thế giới", một trong những bi kịch lớn của nhân loại, chắc chắn không thể không ảnh hưởng chút gì đến cả những đầu óc bảo thủ nhất. Ngay đến cả những đầu óc ấy cũng đã thấy không ổn rồi, con đường đi mà trước đây họ tin và định dẫn dắt đất nước đi theo, chính họ bây giờ cũng thấy nó mờ mịt và chẳng còn hy vọng mấy rồi. Nhưng thoát ra như thế nào thì còn rất lúng túng. Trong khi đó, chính cuộc sống bên dưới đang mở đường đi tới, lừng lững, chẳng gì ngăn lại được, và trong thực tế nó đang thắng, nó đang phá vỡ cái "dự án" kia, ở cả những chỗ cốt lõi nhất.
Tuy nhiên còn có điều thế này: cái bên trên lúng ta lúng túng như vậy thì nhất định sẽ kìm hãm sự phát triển bên dưới, gây chậm trễ rất nhiều. Tôi không bi quan về xu thế đi tới tất yếu, và thực tế đang diễn ra của đất nước, nhưng tôi rất lo lắng về sự chậm trễ. Bởi ngày nay còn có vấn đề thời cơ. Chậm quá, thì đến một cái "ngưỡng" nào đó sẽ là tuyệt vọng hoàn toàn, sẽ bị loại ra bên ngoài cuộc chơi chung. Theo tôi, đấy là nguy cơ lớn nhất hiện nay.
talawas:
Bản thân ông, một người cộng sản, có nhìn thấy số phận dân tộc Việt Nam bắt buộc phải gắn với chủ nghĩa cộng sản và những tín điều của nó không? Hay chúng ta có quyền đến với những chọn lựa khác?
Nguyên Ngọc: Thế hệ chúng tôi đã đi theo Đảng Cộng sản vì lòng yêu nước, thiết tha giải phóng dân tộc. Và trong công cuộc vô cùng khó khăn ấy, Đảng đã phải "mượn" những lực lượng, không thể còn tìm thấy ở đâu được khác nữa, để làm cái công cuộc đó. Nhưng, ở đời là vậy, mượn rồi thì phải mắc nợ. Vấn đề bây giờ, theo tôi, là phải quả cảm cắt đứt với món nợ ấy.
Vừa rồi đã có cuộc kỷ niệm lớn, mà theo tôi người ta đã làm một cách khá hời hợt: kỷ niệm 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh. Khác và đi trước tất cả những người cùng thời, và cả những người sau thời của ông, Phan Châu Trinh không đặt vấn đề độc lập dân tộc một cách đơn độc, riêng biệt. Vì là người đầu tiên trong thời của ông nhận ra được rằng thế giới đã thay đổi một cách căn bản, hoặc nói như ngày nay, nhận ra rằng trên thế giới đang diễn ra một cuộc toàn cầu hoá - cuộc toàn cầu hoá lần thứ nhất - và Việt Nam phải sống trong thời đại toàn cầu hoá đó cùng với thế giới, nên ông chủ trương đặt việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc trong một phạm trù rộng lớn, bao quát hơn, là phát triển dân tộc, phát triển mới là mục tiêu tối hậu, phát triển dân tộc trong thời đại mới, trong đó độc lập dân tộc chỉ là một bước, một điều kiện, có thể giải quyết bằng cách này hay cách khác, bạo lực hay không bạo lực, tuỳ tình thế cụ thể. Dừng lại ở độc lập dân tộc thì vô nghĩa.
Vấn đề của Việt Nam hiện nay, theo tôi, là như thế đó: do những điều kiện lịch sử nhất định, độc lập dân tộc đã được giành lại bằng cách đắt giá nhất. Nhưng dầu sao cũng đã xong rồi (tất nhiên với bao nhiêu vết thương, có cả những vết thương mình tự gây ra cho mình). Vấn đề bây giờ là phát triển dân tộc, và theo "dự án" nào đây? Tôi không chia sẻ một dự án đã chứng minh sự sụp đổ của nó, lại là ở qui mô toàn cầu, và được thử thách trong cả một thế kỷ mà E. Hobsbawm gọi là "thế kỷ 20 ngắn". Tôi chia sẻ với Phan Châu Trinh.
Trước hết cần quả cảm dứt ra khỏi món nợ ta đã bắt buộc phải mượn một thời, không việc gì phải đeo nó nặng trĩu mãi trên lưng, không việc gì phải tự ràng buộc mình vào nó, làm nô lệ cho nó mãi, trong khi hầu như cả thế giới đã dứt khỏi nó rồi. Có dám dứt ra hay không? Câu hỏi này hiện nay cũng sống còn như câu hỏi về độc lập dân tộc gần trăm năm trước.
talawas: Nếu sự cáo chung của dự án cộng sản là tất yếu và tại Việt Nam ngày nay, niềm tin vào đó cũng không còn thực sự tồn tại như ông vừa nói, thì vì sao những người lãnh đạo đất nước vẫn cương quyết bám vào danh nghĩa của chủ nghĩa cộng sản? Họ phải có những lí do đủ lớn để huy động một dân tộc trên 80 triệu người tiếp tục hướng đến những giá trị đã phá sản?
Nguyên Ngọc: Có thể có rất nhiều lý do: Vì những đặc quyền đặc lợi mà người ta phải cố giữ bằng mọi cách; vì sự lúng túng như đã nói trên kia... Bạn có để ý điều này không: có một hiện tượng "sống gấp" khá phổ biến trong nhiều người có chức có quyền bây giờ. Vì sao? Vì chính họ cũng không tin ở sự bền vững của những dự án, những giá trị mà họ hàng ngày kêu gọi mọi người đi theo. Thật sự là họ đang sống theo những giá trị khác. Vậy thì nhân dân không dại gì mà cắm cúi đi theo những giá trị chính họ đã từ bỏ trong thực tế đó. Tôi nghĩ rằng càng ngày càng ít người hơn trong số 80 triệu người như bạn nói còn thật sự hướng đến những giá trị ấy.
talawas:
Vậy sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN cần được biện minh thế nào trong khung cảnh này? Tuy chỉ là một trong 147 điều của Hiến pháp nước CHXHCNVN, nhưng điều 4 lại là điều duy nhất có thể vô hiệu hoá 146 điều còn lại…
Nguyên Ngọc: Thì chính điều này cũng đã được một số người "bày lên bàn nghị sự" vừa rồi. Nghĩa là nó cũng đang bị đặt lại. Thậm chí có người đã công khai đặt vấn đề quay lại Hiến pháp 1946... Tuy nhiên, ngay những người đặt lại vấn đề đó cũng thấy không thể có ngay sự thay đổi ở đây. Trong thực tế, chưa có những lực lượng xã hội cho một sự thay đổi như vậy. Hay đúng hơn, những lực lượng như vậy đang còn trong quá trình hình thành. Và tôi cho rằng, cũng là sự hình thành tất yếu trước hết từ kinh tế. Kinh tế vẫn là chỗ quyết định nhất, và hiện nay năng động nhất, cho một chuyển động xã hội cơ bản. Chính vì thế mà những người như ông Đỗ Mười và ông Nguyễn Đức Bình mới hoảng hốt đến thế, và, rất nhạy cảm, hoảng hốt đúng vào chỗ đáng hoảng hốt nhất đối với họ.
Tôi nghĩ rằng, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thật sự còn là một đảng yêu nước, như nó từng là như vậy và do đó tạo được sức mạnh cực lớn để làm được những việc thật lớn trong quá khứ, thì ngày nay chính nó phải chủ động – một cách khôn khéo, không gây ra rối loạn và đổ vỡ quá đau đớn, tôi đồng ý như vây – chuẩn bị cho sự thay đổi đó. Đặt quyền lợi của sự phát triển dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng, chứ không phải ngược lại.
Và chính ở đây, cần có vai trò của các "nhà". Họ cần làm công việc chuẩn bị về lý luận cho sự chuyển động ấy.
talawas:
Mẫu số chung của những chuẩn bị về lý luận này là phương châm cải cách từ bên trong hệ thống, nhằm ngăn chặn sự suy thoái của hệ thống, khiến nó trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, có khả năng tồn tại lâu hơn. Dường như đây là mấu chốt của sự xung khắc giữa các quan điểm cấp tiến hoặc cải cách với các quan điểm đối lập hoặc bất đồng chính kiến hiện nay? Ông có tin rằng hệ thống này có thể được cải biến từ bên trong không? Đã có một ví dụ thuyết phục nào trong lịch sử nhân loại về khả năng một hệ thống toàn trị tự chữa lành căn bệnh toàn trị của nó chưa?
Nguyên Ngọc: Vừa qua nhiều người đã nói khá rõ rằng vấn đề không phải những suy thoái cục bộ mà là ở hệ thống. Khi nói như vậy tức là chừng nào người nói đã đứng ra bên ngoài hệ thống để nhìn nhận lại hệ thống. Như vậy đã ít nhiều không còn cái "mẫu số chung" như bạn nói. Và đấy có thể chính là điểm mới của tình hình hiện nay.
talawas:
Không ít người thuộc của cả hai nhóm, cải cách và đối lập, đều đưa ra những phạm trù đạo đức để kêu gọi lương tâm hoặc đánh thức những tình cảm cao quý ở giới lãnh đạo cao nhất trong Đảng. Lịch sử của quyền lực trên khắp thế giới cho đến nay đều không vận hành trên cơ sở của đạo đức, lương tâm hay tình cảm của cá nhân những người nắm quyền lực. Việt Nam sẽ là một ngoại lệ chăng?
Nguyên Ngọc: Tôi thấy rất nhiều người đã biết rằng vấn đề không phải là "lương tâm" hay "đạo đức", và đã không còn ảo tưởng kêu gọi ai đó vì những cái ấy mà thay đổi. Người ta đã nói đến "cơ chế" (theo nghĩa rộng), thậm chí hệ thống, hay thể chế.
talawas:
Trong thời gian trước, trong và sau Đại hội X, ngoài sự lên tiếng của một số nhà văn độc lập, không nằm trong guồng máy chính thống hoặc đã ra khỏi guồng máy đó, chúng ta chứng kiến sự im lặng của đại bộ phận những người cầm bút còn lại. Ông có thấy mình là mẫu nhà văn dấn thân đang tuyệt chủng tại Việt Nam không?
Nguyên Ngọc: Không đâu. Không có sự "tuyệt chủng" hay "đơn độc" đâu. Có điều mỗi người tuỳ hoàn cảnh, điều kiện của mình mà hành động theo cách thích hợp với mình. Tôi thì tôi vẫn tin ở đại đa số những người cầm bút của chúng ta, và tôi tôn trọng sự lựa chọn phương thức hành động của từng người.
talawas:
Đã có rất nhiều lời hô hào xuất phát từ niềm tin vào những sức mạnh kỳ diệu nào đó của dân tộc Việt Nam. Riêng ông, ông tin vào điều gì nhất ở dân tộc này?
Nguyên Ngọc: Tôi vẫn chăm chú theo dõi những chuyển động đang diễn ra trong xã hội và tôi không quá bi quan. Có những lực lượng mới đang hình thành trong xã hội, cho những chuyển động mới. Có những nhà doanh nghiệp ngày càng giàu tâm huyết và có văn hoá, lại đủ khôn ngoan để tồn tại và phát triển. Cũng có một lớp trí thức trẻ mới đang hình thành và cũng không chịu ngồi yên đâu. Vấn đề là họ phải hình thành một tầng lớp xã hội thì mới thật sự tạo thành động lực xã hội.
Chính trên nhận thức đó, mà tôi thấy Đại hội vừa rồi là đáng lo. Với kết quả vừa rồi, tôi e nó sẽ là kìm hãm chứ không thúc đẩy. Vấn đề cần theo dõi hiện nay và sắp đến là tương quan giữa hai phía này, phía cuộc sống đang đi tới và phía một nhóm lãnh đạo vẫn đầy quyền lực nhưng trì trệ, tương quan đó sẽ chuyển động như thế nào đây. Quả thật như vậy thì mệt nhọc và tốn sức quá, nhưng đó là thực tế hiện nay.
Tôi không đặt lòng tin vào những "đức tính" trời cho nào đó của dân tộc như nhiều người vẫn hy vọng. Tôi tin và chờ đợi ở sự vận động của các lực lượng xã hội. Và trong sự vận động đó có những điều là tất yếu. Nói lại một lần nữa: chỉ e rằng mất sức nhiều quá, và do đó chậm trễ quá!
talawas: Xin cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc đã dành cho talawas cuộc phỏng vấn này.
© 2006 talawas