trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
13.5.2006
Trịnh Lữ
Thư ngỏ gửi talawas và báo Lao Động
 
Bài “Dương Thu Hương trong ‘Xác tín và Lẽ phải’” của tác giả Trịnh Lữ đăng trên talawas ngày 05.5.2006. Ngày 09.5.2006 và ngày 10.5.2006, báo Lao Động số 126 và 127 đã tự ý đăng lại bài viết này, không nêu xuất xứ, nhưng kèm theo phần giới thiệu về tác giả Trịnh Lữ cũng như phần thông tin và bình luận về nhà văn Dương Thu Hương, đồng thời lại cắt xén, thêm thắt và sửa đổi mà không hề được sự cho phép của tác giả Trịnh Lữ và talawas. Như vậy, báo Lao Động đã tùy tiện đăng một văn bản bị bóp méo so với nguyên bản của bài viết này. Chúng tôi phản đối hành động vi phạm bản quyền, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đó và yêu cầu báo Lao Động lập tức có những ứng xử thích đáng để sửa lại hành động của mình trong sự việc này.
talawas
Trước hết, tôi xin cám ơn talawas đã cho đăng bài ghi chép của tôi về buổi trò chuyện của Dương Thu Hương với Robert Stone, cũng như các bài viết và ý kiến ngắn của nhiều độc giả nhân đọc bài ghi chép này, đúng với tinh thần của một diễn đàn dân chủ.

Nhưng lí do chính để tôi phải viết thư ngỏ này là việc báo Lao Động ở Việt Nam đã tự động dùng bài viết nói trên của tôi trái ngược hẳn với cung cách nghề nghiệp của một tờ báo lớn vẫn có uy tín với công chúng Việt Nam. Tôi thấy cần phải nói rõ mấy việc như sau:

Thứ nhất, tôi không phải là phóng viên hoặc cộng tác viên của bất kì tờ báo nào, ở Mỹ cũng như ở Việt Nam. Bài ghi chép của tôi hoàn toàn là một ghi chép cá nhân, và việc tôi để talawas và một vài tờ báo điện tử khác ở Mỹ đăng tải đều là do được đề nghị chính thức và có thỏa thuận phải đăng nguyên văn, không có chỉnh sửa thêm thắt hoặc bình phẩm gì ngoài lề.

Thứ hai, việc báo Lao Động tự ý đăng bài, tự ý cắt xén, tự ý thêm những thông tin và bình luận về Dương Thu Hương cũng như tự ý đăng ảnh và đưa thông tin về bản thân tôi, và đặc biệt là tự ý sửa đổi câu chữ khiến cho bài viết mang một thái độ miệt thị khác hẳn nguyên bản là một việc làm vi phạm đạo đức báo chí rất thô bạo và không thể chấp nhận được. Độc giả có thể thấy rõ những tự ý sửa đổi của Lao Động ở phần phụ lục kèm theo.

Thứ ba, tôi luôn luôn chịu trách nhiệm về nguyên văn bài viết của mình, nhưng tuyệt đối không can dự vào và chịu bất cứ trách nhiệm gì về những hành động sử dụng, xuyên tạc bài của tôi vào mục đích tuyên truyền của bất kì một cá nhân hoặc tổ chức nào. Việc làm của Lao Động đã gây tổn hại lớn cho uy tín của một người cầm bút độc lập như tôi.

Thứ tư, bài viết của tôi là theo thôi thúc cá nhân, việc tôi muốn chia sẻ nó với mọi người cũng là ý muốn của riêng tôi, và độc giả ai cũng có quyền hiểu và cảm nó theo căn duyên riêng của mình. Việc tôi chưa phúc đáp những ý kiến phản hồi về bài viết này không có nghĩa là tôi có ý coi thường độc giả, mà trái lại, tôi tin rằng đó là cách tốt nhất để tôi tôn trọng ý kiến của tất cả mọi người. Biết đâu, khi gió đã lặng, lòng đã tĩnh, mà độc giả vẫn còn quan tâm đọc lại bài ghi chép ấy, những gì tôi muốn nói giữa hai dòng chữ kia, mà nói theo lối của tôi, mới lại có cơ hội hiển lộ và bình an đến được với độc giả.

New York, 10 May 2006



Phụ lục

So sánh bản đăng trên talawas ngày 05.5.2006 với bản đăng trên báo Lao Động ngày 09.5.2006 và 10.05.2006 của bài viết “Dương Thu Hương trong ‘Xác tín và Lẽ phải’”:

  1. Toàn văn bản đăng trên talawas, không kể phụ đề cho ảnh, gồm 4480 chữ. Bản đăng trên Lao Động bị cắt 920 chữ, gồm những đoạn, câu, và đoạn câu sau:

    • “Chủ nhật trời nắng đẹp tuyệt trần. Mọi thứ hoa đều nở rộ. Tôi đi bộ ra ga tầu điện ngầm, trong balo có hai cái potato roll kẹp dăm-bông và một chai Poland Spring làm bữa trưa, với một cuốn Utopia bằng tiếng Việt vừa dịch và xuất bản ở Hà Nội. Tôi nghĩ Dương Thu Hương, cũng như những nhân vật phản kháng khác ở bất kì đâu, chắc phải có đầu óc utopia, mà có khi cũng chưa đọc cuốn sách nhỏ vĩ đại này. Biết đâu cuốn sách lại là một món quà hay của tôi ở buổi sơ giao này.”

    • “Những thành viên của PEN bao gồm nhiều tên tuổi lớn trong làng văn nhân loại: W. H. Auden, James Baldwin, Willa Cather, Robert Frost, Allen Ginsberg, Langston Hughes, Thomas Mann, Arthur Miller, Marianne Moore, Eugene O’Neill, Susan Sontag, John Steinbeck…

      Tôi biết đến chi hội PEN tại Hoa Kỳ đầu tiên là nhờ cuốn Cẩm nang cho dịch giả văn học của tổ chức này, trong đó có khẳng định vai trò đồng tác giả của người dịch và cách thực hiện vai trò này trong quan hệ nghề nghiệp với các nhà xuất bản cũng như các tác giả. Có lẽ một vài thông tin sau đây sẽ giúp ta hiểu rõ tại sao Dương Thu Hương lại có mặt ở New York City lần này: Ngoài những hoạt động bảo vệ tự do và an toàn sinh mạng cho các nhà văn bị ngược đãi và cầm tù, Chi hội PEN tại Hoa Kỳ tranh đấu cho tự do diễn ngôn, phản đối kiểm duyệt tại Hoa Kỳ và hải ngoại, bảo trợ các chương trình và diễn đàn công cộng về các vấn đề văn chương và chính trị đương thời, nuôi dưỡng tài năng và khả năng thưởng thức văn học của học sinh phổ thông, cổ võ hỗ trợ văn học quốc tế và dịch thuật văn học, tổ chức các giải thưởng văn học, đem văn học đến với tù nhân trong các trại cải huấn của Hoa Kỳ, và trợ cấp cho các nhà văn đang phải đương đầu với các tai ương tài chính hoặc sức khỏe.

      Trong thể chế dân chủ Tây phương, chuyện nhà văn bị chính quyền ngược đãi là chuyện rất bình thường, và những người viết văn đã biết họp nhau để đấu tranh tự bảo vệ mình từ hàng thế kỷ nay rồi. Cái hay của dân chủ Tây phương là vậy: nó dạy người ta đừng ảo tưởng; muốn xã hội tốt hơn thì phải biết tranh đấu cho những xác tín tốt đẹp của mình chứ không thể trông chờ ở ơn trên nào hết.”

    • “Toà nhà thư viện công cộng ở góc đại lộ 5 và phố 42 vốn quen thuộc với tôi từ bao năm nay, nhưng khi rảo bước qua những hành lang đá hoa cương đầy cột và vòm cuốn với những chặng kiểm soát và lên xuống thang máy, chỗ nào cũng đầy nhân viên an ninh đồng phục đen, tôi có cảm giác mình đang vào thăm ai đó trong một nhà tù đặc biệt. Tôi bước vào phòng hội thoại với những cảm xúc không rõ rệt.”

    • “trông anh vẫn thế, lúc nào tôi cũng có cảm giác anh đang làm một việc gì đó chưa đúng ý mình, và anh chỉ làm cho vui vui thế thôi.”

    • “Thực ra tôi có quen với em gái của Hương, và cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy Hương là cả hai chị em đều có nét nhan sắc của đàn bà đất Kinh Bắc: sắc sảo, có ý thức rõ rệt về nữ tính mạnh mẽ của mình.”

    • “PEN nên rút kinh nghiệm khắc phục tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh về ngôn ngữ đối thoại trong một liên hoan văn học quốc tế kiểu này.”

    • “Những gì tôi viết lại trong bài này là dựa vào những ghi chép tại chỗ của tôi. Không có máy ghi âm, cũng không có ý định làm tài liệu, tôi chỉ muốn viết lại cho thật đúng những gì mình nghe được và cảm thấy trong buổi hội thoại đó. Đây là câu chuyện của tôi về buổi gặp gỡ ngày hôm đó. Trong đời sống con người, ai cũng có một câu chuyện riêng của mình về cùng một sự kiện nào đó.”

    • “Hãy để tôi kể tiếp về buổi hội thoại ấy cái đã.”

    • “Tôi chợt nhớ đến nhan đề của bộ phim Lost in Translation, mặc dù chuyện phim chẳng liên quan gì ở đây.”

    • “Ồn ào ra về. Trong lúc một đám người xúm quanh Hương để chụp hình, Nguyễn Quí Đức chạy ra bắt tay tôi. Đã 5 năm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau. Nhóm quay phim đang phỏng vấn một người đàn ông Việt. Màn diễn nào lúc kết thúc cũng ngơ ngác như vậy thôi. Tôi chưa đề tặng gì vào cuốn Utopia. Ra đến ngoài, tôi ngồi hưởng nắng xuân New York và ăn hết cả hai cái potato roll kẹp dăm-bông. Lũ bồ câu quẩn chân tôi ríu rít mà chẳng có con nào tỏ ý thân thiện gì. Tôi chợt nẩy ra ý nghĩ nên có một cuốn How to Be a Dissident – For Dummies. Nhiều khi lẩm cẩm cũng là khởi đầu của cái gì đó, biết đâu đấy.”


  2. Bản đăng trên Lao Động đã sửa câu:

    “Tôi không phải là Phan Văn Khải”, Hương đáp, “nhưng tôi nghĩ ông Phan Văn Khải không có lựa chọn nào khác.”

    thành:

    “Tôi không phải là Thủ tướng Việt Nam”, Hương đáp, “nhưng tôi nghĩ ông Thủ tướng không có lựa chọn nào khác.”

  3. Bản đăng trên Lao Động đã sửa đại từ nhân xưng “chị” chỉ Dương Thu Hương thành “chị ta”, tổng cộng 8 lần, trong đoạn từ: “Anh nhà văn Pháp tiếp tục dẫn câu chuyện…” đến hết.

  4. Bản đăng trên Lao Động đã thêm dấu ngoặc kép (“ ”) vào cụm từ người phản kháng ở cuối bài.

  5. Báo Lao Động đã thêm dấu (!?) vào cuối câu: “Hương bảo là vì mấy người ấy đã có ý thức đầy đủ về bản thân và quyền làm người của họ”.


© 2006 talawas