|
Từ trái sang phải: Antoine Audouard, Robert Stone, Dương Thu Hương, Nguyễn Quí Đức trong buổi nói chuyện ngày 30.4.2006 tại Thư viện Thành phố New York |
Thấy
Liên hoan Văn học Quốc tế New York loan báo Dương Thu Hương và Robert Stone sẽ đối thoại với nhau về thực tế chiến tranh, tình trạng kiểm duyệt và vai trò của nhà văn trong xã hội Việt Nam tại thư viện công cộng thành phố vào giữa trưa Chủ nhật 30 tháng 4, tôi vội mua vé qua Smarttix và đi xe buýt Greyhound mất cả ngày thứ Bẩy từ Montreal về New York City.
Chủ nhật trời nắng đẹp tuyệt trần. Mọi thứ hoa đều nở rộ. Tôi đi bộ ra ga tầu điện ngầm, trong balo có hai cái potato roll kẹp dăm-bông và một chai Poland Spring làm bữa trưa, với một cuốn
Utopia bằng tiếng Việt vừa dịch và xuất bản ở Hà Nội. Tôi nghĩ Dương Thu Hương, cũng như những nhân vật phản kháng khác ở bất kì đâu, chắc phải có đầu óc utopia, mà có khi cũng chưa đọc cuốn sách nhỏ vĩ đại này. Biết đâu cuốn sách lại là một món quà hay của tôi ở buổi sơ giao này.
Đây là lần thứ hai chi hội PEN tại Hoa Kỳ (PEN American Center) tổ chức Liên hoan Văn học Quốc tế có tên gọi
World Voices (Tiếng nói của Thế giới). PEN, tiếng Anh nghĩa là cây bút viết, là tên của tổ chức nhân quyền và văn học đã hoạt động từ năm 1921 nhằm cổ xuý cho văn chương, bảo vệ tự do diễn ngôn và xây dựng một cộng đồng văn sĩ quốc tế trên cơ sở đồng đẳng và hữu ái. Chi hội PEN tại Hoa Kỳ đã có từ 1922, là chi hội lớn nhất và hoạt động mạnh mẽ nhất trong số 141 chi hội của PEN trên khắp thế giới, thường được biết đến với tên gọi chung là PEN International. Những thành viên của PEN bao gồm nhiều tên tuổi lớn trong làng văn nhân loại: W. H. Auden, James Baldwin, Willa Cather, Robert Frost, Allen Ginsberg, Langston Hughes, Thomas Mann, Arthur Miller, Marianne Moore, Eugene O’Neill, Susan Sontag, John Steinbeck…
Tôi biết đến chi hội PEN tại Hoa Kỳ đầu tiên là nhờ cuốn
Cẩm nang cho dịch giả văn học của tổ chức này, trong đó có khẳng định vai trò đồng tác giả của người dịch và cách thực hiện vai trò này trong quan hệ nghề nghiệp với các nhà xuất bản cũng như các tác giả. Có lẽ một vài thông tin sau đây sẽ giúp ta hiểu rõ tại sao Dương Thu Hương lại có mặt ở New York City lần này: Ngoài những hoạt động bảo vệ tự do và an toàn sinh mạng cho các nhà văn bị ngược đãi và cầm tù, Chi hội PEN tại Hoa Kỳ tranh đấu cho tự do diễn ngôn, phản đối kiểm duyệt tại Hoa Kỳ và hải ngoại, bảo trợ các chương trình và diễn đàn công cộng về các vấn đề văn chương và chính trị đương thời, nuôi dưỡng tài năng và khả năng thưởng thức văn học của học sinh phổ thông, cổ võ hỗ trợ văn học quốc tế và dịch thuật văn học, tổ chức các giải thưởng văn học, đem văn học đến với tù nhân trong các trại cải huấn của Hoa Kỳ, và trợ cấp cho các nhà văn đang phải đương đầu với các tai ương tài chính hoặc sức khỏe.
Trong thể chế dân chủ Tây phương, chuyện nhà văn bị chính quyền ngược đãi là chuyện rất bình thường, và những người viết văn đã biết họp nhau để đấu tranh tự bảo vệ mình từ hàng thế kỷ nay rồi. Cái hay của dân chủ Tây phương là vậy: nó dạy người ta đừng ảo tưởng; muốn xã hội tốt hơn thì phải biết tranh đấu cho những xác tín tốt đẹp của mình chứ không thể trông chờ ở ơn trên nào hết.
Dương Thu Hương hội đủ điều kiện để trở thành khách mời của PEN từ Việt Nam. Và tôi thật sự muốn chứng kiến Dương Thu Hương sẽ góp lời mình như thế nào vào chủ đề Faith & Reason (Xác tín & Lẽ phải) của Liên hoan Văn học Quốc tế New York kì này.
Toà nhà thư viện công cộng ở góc đại lộ 5 và phố 42 vốn quen thuộc với tôi từ bao năm nay, nhưng khi rảo bước qua những hành lang đá hoa cương đầy cột và vòm cuốn với những chặng kiểm soát và lên xuống thang máy, chỗ nào cũng đầy nhân viên an ninh đồng phục đen, tôi có cảm giác mình đang vào thăm ai đó trong một nhà tù đặc biệt. Tôi bước vào phòng hội thoại với những cảm xúc không rõ rệt.
Cử toạ phần lớn là người Mỹ đã có tuổi. Một tốp quay phim người Việt. Tôi nhận ra một mục sư vẫn chủ trì bút nhóm Lửa Việt. Ngay cạnh tôi là một nữ thanh niên từ Hà Nội sang đang theo học báo chí ở NYU. Một nhóm người Việt ngồi trên hàng ghế đầu trông không ra dân New York tí nào, chắc là từ California sang.
Giới thiệu. Vỗ tay. Robert Stone trông đã khác xưa: già hơn, đẹp hơn, chậm rãi hơn, và bình thản hơn. Hoá ra Nguyễn Quí Đức làm phiên dịch cho Dương Thu Hương; trông anh vẫn thế, lúc nào tôi cũng có cảm giác anh đang làm một việc gì đó chưa đúng ý mình, và anh chỉ làm cho vui vui thế thôi. Cuộc hội thoại sẽ được dẫn dắt bởi một nhà văn người Pháp, tôi không nghe kịp tên, tiếng Anh giọng Pháp của anh nghe rất dễ chịu. Và Dương Thu Hương. Đây là lần đầu tôi nhìn thấy người đã viết
Thiên đường mù. Tôi mới đọc cuốn đó của chị thôi, cũng không có cảm nhận gì rõ rệt lắm. Cảm giác của tôi về văn sĩ này phần nhiều có từ những tin tức có phần đồn thổi về những gì chị đã làm bên ngoài văn chương. Thực ra tôi có quen với em gái của Hương, và cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy Hương là cả hai chị em đều có nét nhan sắc của đàn bà đất Kinh Bắc: sắc sảo, có ý thức rõ rệt về nữ tính mạnh mẽ của mình.
Stone đã từng làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết
Dog Soldiers của ông có những nhân vật cựu binh Mỹ tại Việt Nam và chuyện buôn lậu ma tuý ở Nam California. Cha đẻ của nhà văn Pháp dẫn chương trình đã từng đánh trận ở Đông Dương. Anh mở đầu cuộc hội thoại bằng một đoạn tự giới thiệu hơi quá dài dòng về mối quan hệ của mình với Việt Nam, rồi nói rằng lần nào gặp Dương Thu Hương, anh cũng nghe Hương nói là “Hương sẵn sàng chết bất cứ lúc nào”, rằng “ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng của Hương”. Đến nỗi cứ nghĩ đến Hương là anh lại nhớ đến mấy câu nói ấy.
Không hiểu sao PEN lại chọn một người Pháp để điều khiển cuộc hội thoại về chủ đề chiến tranh, kiểm duyệt và vai trò của nhà văn giữa một người đàn ông Mỹ và một người đàn bà Việt, tôi đang bụng hỏi dạ thế thì nghe tiếng Hương cất lên – một giọng đàn bà rất khỏe và đanh qua hệ thống loa của phòng họp: “Vì tôi chọn con đường làm giặc, nên biết rằng mình có thể chết bất kì lúc nào”. Nguyễn Quí Đức, không hiểu vì lí do gì, lại dịch chữ “làm giặc” ấy của Hương là “trouble-maker” thôi chứ không phải là “rebel”. Hay là anh cố tình làm dịu câu chuyện? Mà giọng anh nghe thật mềm mỏng, như mấy làn sóng vội lan ra sau khi hòn đá “làm giặc” của Hương vừa rơi xuống nước vậy.
Câu nói mở đầu ấy của Hương đã khiến tôi ngạc nhiên hết sức. Không phải chỉ là những chữ ấy, mà là cả cái giọng của Hương, thật đanh thép, như thể đang đứng ở pháp trường vậy, mà có vẻ chỉ là một pháp trường để quay phim.
Trong suốt 45 phút tiếp theo đó, cái ý tưởng “tôi làm giặc” của Hương mạnh đến nỗi cả Stone và anh nhà văn Pháp đều không sao lái câu chuyện về chủ đề dự tính của nó được.
Có lẽ phiên dịch là một vấn đề trong cuộc hội thoại này. Nguyễn Quí Đức chỉ dịch thầm vào tai Hương những câu hỏi được nêu ra, nên cử toạ hiểu tiếng Việt không biết liệu anh có chuyển tải đúng những câu hỏi ấy không. PEN nên rút kinh nghiệm khắc phục tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh về ngôn ngữ đối thoại trong một liên hoan văn học quốc tế kiểu này. Nhiều câu trả lời của Hương chẳng liên quan gì đến câu hỏi của Stone hoặc anh người Pháp kia. Cô gái học báo chí ngồi cạnh có lần hỏi tôi: “Anh ấy dịch sai? Chị ấy không hiểu, hay là né tránh?”
Những gì tôi viết lại trong bài này là dựa vào những ghi chép tại chỗ của tôi. Không có máy ghi âm, cũng không có ý định làm tài liệu, tôi chỉ muốn viết lại cho thật đúng những gì mình nghe được và cảm thấy trong buổi hội thoại đó. Đây là câu chuyện của tôi về buổi gặp gỡ ngày hôm đó. Trong đời sống con người, ai cũng có một câu chuyện riêng của mình về cùng một sự kiện nào đó.
Stone hỏi Hương về việc chị xung phong đi chiến trường, và muốn biết chị nghĩ gì về những thanh niên khác cùng lứa. Hương nói: “Hồi ấy chúng tôi tham gia chống Mỹ hầu như là nghe theo bản năng mà thôi, sau này chúng tôi mới thấy là mình bị lừa”. Rồi sau khi nói phần lớn nhân loại là bị lừa, Hương đanh thép tuyên bố rằng: “Thời đó chúng tôi sống như súc vật!”. Như thể đó là nguyên nhân đã khiến cho chị và thế hệ của chị đã tham gia chống Mỹ vậy. Và để minh chứng cho cuộc sống súc vật ấy, Hương nói tiếp: “Tuyên truyền của miền Nam lúc bấy giờ là hoàn toàn đúng khi họ nói rằng ba thằng Việt cộng đánh đu một cọng đu đủ cũng không gẫy. Chúng tôi không có cả bát ăn cơm, phải dùng gáo dừa làm bát, phải ăn ngô của lợn, ăn ruột đu đủ. Miền Bắc nhập khẩu loại sữa dùng để nuôi gia súc và cũng chỉ cán bộ cao cấp mới được phân phối loại sữa ấy.”
“What’s the matter with this woman?” Tôi tự hỏi, và thấy xấu hổ vì câu hỏi ấy đã vang lên trong đầu mình bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Ngay cả bây giờ, khi đang viết những dòng này, tôi cũng vẫn còn thấy xấu hổ vô cùng, cho ai và vì cái gì thì tôi không muốn nghĩ đến. Hãy để tôi kể tiếp về buổi hội thoại ấy cái đã.
Stone đã đọc sách của Hương và biết rằng chị có dạy hát cho đồng đội trong lúc ở chiến trường. Ông hỏi: “Chị có viết ra những bài hát ấy không?”. Hương đáp, may quá tôi không viết ra chúng, tôi chỉ dạy người khác hát chúng thôi. “Ô”, Stone nói, mái tóc bạc của ông rung rung, “tôi cứ ngỡ rằng sự nghiệp văn chương của chị đã bắt đầu từ việc viết những ca khúc chiến tranh ấy”. Trong giây phút im lặng tiếp theo, tôi cứ ngỡ mình đã nghe thấy Stone thì thầm: “Thật đáng tiếc”. Vớ vẩn thật.
Nhưng Stone vẫn chưa nản, ông hỏi tiếp: “Cuộc đời chị đã đi theo hai hướng: đầu tiên chị theo đuổi tham gia phục vụ sự nghiệp của dân tộc mình; sau này thì có vẻ như chị lại đi theo quan niệm về chân lí của riêng mình. Chị có thể nói về chuyện này được không?”
Câu hỏi hay quá, tôi thấy bồn chồn. Nguyễn Quí Đức thì thầm một lúc với Hương. Cử toạ im phăng phắc. Rồi tiếng Hương cất lên, sang sảng: “Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp như ông Stone!”
Thế là thế nào? Hương định nói rằng những câu hỏi như vậy chỉ dành cho các nhà văn hay sao? Cả hội trường ồn ào lên một lúc. Chẳng biết mọi người nghĩ thế nào. Rồi Stone hỏi tiếp : “Tại sao chị lại từ chối danh hiệu nhà văn?”
Hương đáp: “Ông to lớn, còn tôi thì nhỏ bé. Từ nhỏ tôi chỉ mơ làm quán quân bóng bàn chứ chưa bao giờ quan tâm đến viết văn. Nhưng mà tôi bị lừa, và tôi muốn viết để người khác khỏi bị lừa như tôi.”
Stone và anh nhà văn Pháp nhìn nhau. Stone hơi nhún vai, nhưng kịp thời ngăn mình không bộc lộ gì khác. Anh nhà văn Pháp chẳng biết dẫn dắt câu chuyện thế nào, cứ nhìn sang Stone, và ông lại lên tiếng, rất khó khăn, chậm chạp, như thể vừa nói vừa nghĩ xem mình đang nói gì. Tôi hiểu rằng ông đã nói như sau: “Sự thật là cái đẹp. Nhà văn là người khiến cho sự thật hiển lộ và được nhận diện. Tôi nghĩ đó là vai trò và chức phận của nhà văn”. Anh nhà văn Pháp nói: “Đó là một nhận định, không phải là một câu hỏi”. Stone nhún vai. Anh nhà văn Pháp hỏi Hương: “Chị nghĩ gì về nhận định này?”.
Nguyễn Quí Đức thì thầm. Rồi Hương nói rằng chị muốn trả lời bằng cách dẫn một đoạn thơ của Petofi. Đoạn thơ này tôi cũng đã thuộc từ hồi còn là học trò phổ thông, vì nó rất phổ biến trong đám mới lớn ở Hà Nội trong những năm 1960, nhưng bây giờ thì tôi không sao nhắc lại cho đúng được, ngay cả khi Hương đọc từng câu cho Nguyễn Quí Đức dịch. Đại khái đoạn thơ nói rằng cuộc đời thì như biển cả, còn tình yêu thì như ngọc châu hay ngọc trai gì đó, và để tìm được ngọc ấy thì mình có thể mất mạng chứ không dễ dàng gì. Có lẽ Hương muốn nói rằng chị sẵn sàng chết để làm cho sự thật được hiển lộ.
Stone nhìn nhà văn Pháp. Anh này lên tiếng: “Mới viết chị đã rất nổi tiếng, sau đó sách của chị bị cấm, 15 năm qua chị sống cô lập với đồng bào của mình, chỉ cảm thấy thế nào?”.
“Tôi chọn con đường làm giặc,” Hương nhắc lại, và Nguyễn Quí Đức vẫn dịch là “trouble-maker”, “và tôi yên ổn, một mình, tự mình thấy đủ.”
“Tại sao chị chọn làm trouble-maker”, anh nhà văn Pháp hỏi tiếp, “quyết định ấy có trải qua một quá trình lâu dài hay không?”.
Chắc hẳn mọi người đến dự buổi hội thoại này cũng đều muốn biết về cái quá trình mà nhà văn Dương Thu Hương đã trải qua để từ một nữ thanh niên xung phong trở thành một người “làm giặc” trong văn chương với nghĩa phản lại tất cả những xác tín thời trẻ tuổi của mình. Ai cũng muốn biết tại sao, cái gì đã khiến cho chị thay đổi như vậy, và có thể rút ra được bài học gì, giá trị gì, ở câu chuyện này.
Vẫn đanh thép như thế, Hương nói rằng khi chiến tranh kết thúc và miền Nam được giải phóng, mọi người đều vui sướng, “còn tôi thì khóc như cha chết” vì đội quân thắng trận lại thuộc về một thể chế man rợ hơn bên bại trận. “Cuộc chiến ấy là một trò đùa man rợ của lịch sử”, Hương khẳng định, “và nó cho thấy cái đẹp không phải lúc nào cũng thắng, văn minh có lúc phải qui hàng”. Hương cũng nói rõ rằng Việt Nam trước đây thì là phong kiến, đến khi bị chia làm hai thì miền Bắc trở thành man rợ hơn miền Nam.
Mọi người đều im lặng. Nhà văn Pháp nhìn sang Stone. Ông này cựa quậy một tí, nhìn tờ giấy của ông trên tay, rồi lên tiếng: “Đây là một câu hỏi mà tôi thấy rất ngại phải đưa ra cho chị. Chị nghĩ gì về câu nói của William James về cái đồng đẳng đạo lí của chiến tranh (the moral equivalent of war)? Đại ý ông ta muốn nói là OK, chúng ta ai cũng ghét chiến tranh, nhưng chiến tranh lại là cái duy nhất khiến cho con người bộc lộ được những phẩm chất rất tốt của mình như lòng hy sinh, ý thức tận hiến, vân vân. Phải chăng thực tế của chiến tranh cũng là điều kiện giúp nhà văn tìm thấy và làm hiển lộ được sự thật và cái đẹp?”.
Rõ ràng Stone muốn câu chuyện quay về chủ đề “realities of war and the writer’s role”. Và chắc chắn ông già đã chuẩn bị kĩ lưỡng những câu hỏi của mình.
Nguyễn Quí Đức thì thầm một lúc lâu với Hương. Cuối cùng, Hương nói: “Chiến tranh là cái tất cả chúng ta ai cũng phải lên án, bất kì ở đâu và lúc nào”. Tôi chợt nhớ đến nhan đề của bộ phim
Lost in Translation, mặc dù chuyện phim chẳng liên quan gì ở đây.
Anh nhà văn Pháp quay lại câu hỏi về chuyện Hương sẵn sàng chết bất kì lúc nào, và nói có lẽ người Việt Nam có tâm lí không sợ chết. Hương nói: “Người Việt Nam có đủ cam đảm để chết, nhưng không đủ khôn và khát vọng để sống. Tôi phải làm giặc để giúp dân tôi mở mắt ra và biết sống cuộc sống con người!”. Nguyễn Quí Đức vẫn trung thành với danh từ “trouble-maker” của anh khi dịch câu trả lời này của Hương. Tôi tự hỏi không biết mình đã biết thế nào là cuộc sống con người hay chưa.
Anh nhà văn Pháp nói có theo dõi sự kiện thanh niên Việt Nam nồng nhiệt đón mừng Bill Gates trong những ngày vừa rồi. “Người Việt Nam bây giờ rõ ràng đang hướng đến tương lai”, anh nói, “tại sao chị vẫn mải mê lục lại quá khứ chiến tranh như vậy?”.
“Những phản ứng của người Việt Nam hiện nay đều là để phản kháng lại chính quyền”, Hương tuyên bố. Cho đến lúc này tôi vẫn chưa thể hiểu nổi chị định nói gì. Tại sao nồng nhiệt đón Bill Gates, một thượng khách của Thủ tướng, mà lại là phản kháng lại chính quyền? Cô gái bên cạnh cũng nhìn sang tôi với một vẻ thắc mắc như vậy. Rồi Hương nói tiếp: “Có ba yếu tố đang ghìm giữ Việt Nam trong tăm tối. Một là Việt Nam chỉ biết chống ngoại xâm chứ chưa bao giờ biết chống nội xâm. Hai là dân còn ngu tối, chưa biết phải sống như thế nào mới là ra cuộc sống con người. Ba là mọi người vẫn còn mê muội trong hào quang chiến thắng từ khi kết thúc chiến tranh. Cho nên tôi có nhiệm vụ phải vạch trần sự phi lý của cuộc chiến tranh ấy, để cho xã hội đừng có ngửi hít mãi những xác chết ấy nữa.”
Một cảm giác ngao ngán xâm chiếm lấy tôi, khiến tôi không thể để ý được lời dịch của Nguyễn Quí Đức và phản ứng của cử toạ ra làm sao nữa. Sao Hương lại nhắc đến những xác chết của cuộc chiến? Ai là người thực sự vẫn muốn dựng những xác chết ấy lên để ngửi hít như Hương nói?
Stone liếc nhìn đồng hồ đeo tay của mình, rồi quay sang hỏi Hương: “Thủ tướng Việt Nam đã sang thăm Mỹ, và ông nói nhiều đến việc hoà giải giữa hai nước. Chị nghĩ gì về quá trình hoà giải hiện nay?”.
“Tôi không phải là Phan Văn Khải”, Hương đáp, “nhưng tôi nghĩ ông Phan Văn Khải không có lựa chọn nào khác.”
Stupid! Ấy là tôi bật ra trong đầu. Làm giặc cũng phải có kiến thức thì mới được chứ. Nhưng chắc là tôi nhầm rồi, làm giặc khác, làm người phản kháng khác, nhất là làm một nghệ sĩ, văn sĩ hoặc nhà khoa học có ý thức phản kháng cái xấu để xây dựng cái tốt.
Stone, ông già đáng kính đầy kiên nhẫn, vẫn muốn đưa câu chuyện về chủ đề mà tôi tin rằng đã thuyết phục được ông tham dự buổi hội thoại này. Ông nói: “Đạo lí của nghệ thuật là ở chỗ nó nhận diện được sự thật. Văn chương cũng vậy. Chị nghĩ gì về điều này?”.
Hương đáp: “Ông quá thương tôi nên mới hỏi tôi một câu to tát như vậy. Tôi đã nói tôi không phải là nhà văn mà, thưa ông. Tôi xin cám ơn vì ông đã tốt với tôi như thế.”
Nguyễn Quí Đức dịch cái ý “thương” và “tốt với tôi” ấy của Hương bằng từ “compassion”. Và Stone lập tức phản ứng một cách khá gay gắt: “Compassion is not required here!” Rồi ông nói thêm vài lời nữa, như thể tự biện chứ không phải cho cử toạ nghe, rằng chúng ta đến nói chuyện với nhau ở đây hôm nay không phải là vì thương cảm xót xa gì với nhau, mà là vì muốn tìm hiểu ý kiến của nhau mà thôi.
Anh nhà văn Pháp vội can thiệp bằng một câu hỏi khác mà anh nghĩ là chắc Dương Thu Hương sẽ hiểu và trả lời đàng hoàng được: “Những văn phẩm của chị đề cập đến tấn bi kịch hiện đại của Việt Nam, nhưng chúng có vẻ luôn gắn liền với quá khứ. Bản thân chị có cảm thấy mình là một phần của truyền thống chung của tổ quốc chị không?”.
“Tôi có hai con người”, Dương Thu Hương đáp, “một chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ, và người kia là một mụ đàn bà răng đen mắt toét. Và chính người đàn bà ấy đã giúp tôi sống sót bằng lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng.”
Tôi biết nói gì nữa đây?
Anh nhà văn Pháp tiếp tục dẫn câu chuyện bằng cách hỏi rằng có phải đúng là Hương đã tự bỏ phiếu khai trừ mình ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam hay không? Hương kể rằng chị vào Đảng chỉ vì muốn tranh đấu cho quyền lợi của đồng nghiệp. Chị nói xưởng phim nơi chị làm việc có hơn 600 người, và số phận của họ được định đoạt bởi một dúm đảng viên có toàn quyền quyết định về lương bổng, nhà ở, và tất cả mọi chuyện khác của tất cả mọi người. Vì chị là người dám nói và biết cách phản đối cấp trên, nên đồng nghiệp đã dùng kẹo bánh quà cáp hối lộ chị suốt cả một năm trời và thuyết phục chị vào Đảng để đấu tranh cho họ. Cử toạ cười ầm lên khi Hương kể đến đó, có vẻ rất thích thú. Tôi ngồi đó mà như người lênh đênh giữa biển, như thằng Pi của Yann Martel vậy. Tôi lõm bõm nghe Hương nói tiếp về chuyện ra khỏi Đảng, rằng khi chị thấy trò chơi ấy đã chấm dứt thì chị tự bỏ phiếu khai trừ chính mình.
Rồi đến lượt cử toạ được đặt câu hỏi. Một cô gái Việt muốn biết tại sao Hương lại xây dựng mấy nhân vật ngoại tình với nhau mà để họ không hề có cảm giác xấu hổ hoặc băn khoăn như nhẽ ra phải thế, nhất là ở Việt Nam. Hương bảo là vì mấy người ấy đã có ý thức đầy đủ về bản thân và quyền làm người của họ. Một cô gái Việt khác hỏi tại sao tất cả các nhân vật nam của Hương đều yếu đuối và vớ vẩn. Hương nói chị không có ý thức làm như thế, mà chỉ viết theo những ý nghĩ tự nhiên của mình. “Tôi không có ý định hạ nhục nam giới, xin quí vị hiểu cho”, Hương nói, và cử toạ lại một lần nữa cười ầm cả lên, có vẻ vui lắm. Rồi một ông trung niên trên hàng ghế đầu nói nhóm của ông đã bay từ Cali sang chỉ cốt được gặp mặt văn sĩ, mà “trời ơi gặp được chị còn khó hơn cả gặp tổng thống Bush nữa nè...”. Đến đó thì người chủ trì cuộc gặp cương quyết cắt ngang và nói rất tiếc phải dừng ở đây để cuộc hội thoại tiếp theo có thể bắt đầu sau 15 phút nữa.
Ồn ào ra về. Trong lúc một đám người xúm quanh Hương để chụp hình, Nguyễn Quí Đức chạy ra bắt tay tôi. Đã 5 năm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau. Nhóm quay phim đang phỏng vấn một người đàn ông Việt. Màn diễn nào lúc kết thúc cũng ngơ ngác như vậy thôi. Tôi chưa đề tặng gì vào cuốn
Utopia. Ra đến ngoài, tôi ngồi hưởng nắng xuân New York và ăn hết cả hai cái potato roll kẹp dăm-bông. Lũ bồ câu quẩn chân tôi ríu rít mà chẳng có con nào tỏ ý thân thiện gì. Tôi chợt nẩy ra ý nghĩ nên có một cuốn
How to Be a Dissident – For Dummies. Nhiều khi lẩm cẩm cũng là khởi đầu của cái gì đó, biết đâu đấy.
Ngồi trên tầu E trên đường về nhà, tôi nghĩ Dương Thu Hương rõ ràng không phải là một nhà văn khi đối thoại với đồng nghiệp Tây phương, mà là một người phản kháng thì chị làm tôi thất vọng. Mọi chuyện ồn ào về chị bỗng trở thành chẳng có ý nghĩa gì. Chắc phải tin lời chị thôi: “Tôi chọn con đường làm giặc...” Còn để làm gì thì đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi.
New York City, 03.5.2006
© 2006 Trịnh Lữ
© 2006 talawas