|
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trong buổi trò chuyện với talawas (ảnh của talawas) |
talawas:
Thưa anh Phạm Xuân Nguyên, mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ văn học thường có những nhà phê bình của nó. Hoài Thanh ở thời Thơ Mới; Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ ở thời văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa; Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh… ở thời văn học đổi mới… Còn thời kì sau đổi mới và hiện nay? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thấy mình thuộc về đâu?
Phạm Xuân Nguyên (PXN): Tôi viết phê bình văn học từ năm 1985, và được coi là gắn với đời sống văn học đương đại, với lớp tác giả từ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, đến Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh... Nhưng những nhà phê bình nổi bật trong văn học sau đổi mới đúng là chưa xuất hiện rõ ràng, tuy trong giới lí luận chuyên có thế nhắc đến những người như Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn,… Nhưng rồi sẽ phải có, buộc phải có những nhà phê bình của văn học sau đổi mới. Mới đây, với tuyển tập truyện ngắn Việt Nam dịch sang tiếng Pháp
Tầng trệt thiên đường, hình như tiến sĩ Đoàn Cầm Thi ở Paris cũng muốn làm nhà phê bình, nhà lí luận, nhà dẫn thuyết, người phát ngôn cho thế hệ sau đổi mới này. Trong bài Tựa cho tuyển tập đó, Đoàn Cầm Thi tuyên bố rằng thế hệ của những Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh… qua rồi, bây giờ là một thế hệ mới, thế hệ trên dưới 30 tuổi mà tập sách đó giới thiệu. Đoàn Cầm Thi có vẻ có ý thức về việc thế hệ văn học này chưa có và cần có nhà phê bình của nó. Cách cô ấy đề cập đến vấn đề này trong các bài viết cho thấy cô ấy muốn nhận lãnh sứ mệnh đó. Từ góc độ người làm nghề, việc nhận lãnh trách nhiệm là đáng hoan nghênh. Làm được đến đâu lại là chuyện khác.
talawas: Một nền phê bình lớn bao giờ cũng là bộ phận của cả một trào lưu tinh thần lớn, theo phát biểu của Adorno trong một bài viết mà chúng tôi đã giới thiệu trên talawas. Diện mạo tinh thần của thời Thơ Mới hay thời văn học chống Mĩ quả nhiên đều là những diện mạo đậm nét; phê bình văn học phát triển như một dòng chảy trong toàn bộ cái trào lưu chung đó. Thời đổi mới cũng vậy, có một vận động xã hội, chính trị và tư tưởng rất lớn trùm lên tất cả mọi lãnh vực xã hội. Phê bình văn học hiện nay lâm vào tình trạng thiếu rõ ràng, vì nó gắn với bối cảnh tinh thần “tranh tối tranh sáng”, thiếu định hướng rõ rệt, của xã hội Việt Nam ngày nay chăng?
PXN: Đúng, có như vậy. Đổi mới có chững lại và nhiều thứ theo quán tính mà trở về chỗ cũ. Nhưng theo tôi, còn có thể giải thích bằng một điểm nữa: Ý thức về phê bình văn học và tính chất của phê bình văn học đã khác đi. Lấy ví dụ cặp Hà Minh Đức - Phan Cự Đệ. Hai ông này không phát hiện gì cả. Nguyên tắc, nguyên lí căn bản thế nào thì đã được cung cấp sẵn, các ông ấy chỉ cần vận dụng là xong. Nhưng bây giờ, một người rất chịu khó bám sát đời sống văn học như Lại Nguyên Ân, khi chạm vào thực tế của nhóm Mở Miệng, hay của các nhà thơ trẻ khác, cũng thấy bất cập. Chính những người sáng tác như Lý Đợi, Nguyễn Hữu Hồng Minh… phải tự mình đứng ra “lập thuyết”.
Bài của Nguyễn Hữu Hồng Minh trao đổi lại với Hoàng Hưng trên talawas là một thí dụ. Sự thay đổi quan niệm về phê bình văn học như thế là điều đáng mừng.
talawas: Trong khi đó, vào “đêm trước” của đổi mới thì vai trò tiên phong lại không thuộc về giới sáng tác, mà một nhà phê bình như Hoàng Ngọc Hiến với bài “phải đạo” đã khơi ngòi cho một vụ tranh luận lớn, trong đó nổi bật lại là những bài phê phán của Tô Hoài, Chế Lan Viên, những người thuộc giới sáng tác…
PXN: Bài đầu tiên đánh ông Hiến trong vụ “phải đạo”, theo như tôi nhớ, là bài của Tô Hoài trên tạp chí
Học tập (tức Tạp chí
Cộng sản hiện nay). Ngay cả ông Trần Độ hồi đó cũng đánh. Tôi nhớ trong một bài viết của mình, ông Độ có nói một ý thế này: Anh Hiến rất tốt, rất có thiện tâm. Anh ấy muốn thay chậu nước bẩn, nhưng anh ấy đổ chậu nước đi thì hắt luôn cả đứa bé đang ngồi trong chậu. Nhưng bài của ông Hiến lại được gợi ý từ bài tiểu luận
Viết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu đăng trước đó. Tuy nhiên, từ một gợi ý bắt được của ai đó, ông Hiến có khả năng khái quát lên rất cao. Ông ấy là người làm phê bình văn học đích đáng.
talawas: Ở thời văn học chống Mỹ, con đường lớn của văn học đã được vạch sẵn, mọi người chỉ việc bước lên đó mà đi. Đi xa đến bao nhiêu, chúng ta không bàn ở đây, nhưng đường, hướng, mốc, tất cả đều rõ ràng, không có gì để tranh cãi cả. Đến thời đổi mới, con đường một chiều, một luồng đó bỗng được phép rẽ ra một số nhánh khác. Thực ra những nhánh “mới” này cũng được cho sẵn, chứ các nhà văn không cần tự đi tìm, nhưng thay vì thẳng tiến một con đường…
PXN: …thì người ta có thể tạt ngang tạt ngửa.
talawas:
Vâng. Đoạn đường và những nhánh đường được phép đi thì đã đi được rồi. Nhưng đoạn tiếp theo, cơ hội tiếp theo rất có thể chỉ mở ra với cái giá là sự đoạn tuyệt rất ghê gớm, thậm chí đoạn tuyệt với cả những cơ hội do thời đổi mới đem lại. Song những điều kiện để dẫn đến sự đoạn tuyệt đó thì dường như chưa xuất hiện. Vì vậy người ta đứng chờ và nói về những cơ hội của tương lai, nhưng vẫn đẩy nó về phiá tương lai chứ chưa hiện tại hoá nó. Khủng hoảng hiện nay của giới lí luận phê bình văn học Việt Nam xuất phát từ vị trí lui về quá khứ chẳng nỡ, tiến về tương lai chưa dám này chăng?
PXN: Khủng hoảng thì tôi chưa dám nói, nhưng đúng là có tình trạng lúng túng, đối phó. Toàn bộ xã hội Việt Nam hiện nay đang lúng túng trước nhiều câu hỏi chứ không riêng gì giới lí luận phê bình văn học. Ngay cả về mặt chính trị cũng vậy: Nếu cứ tiếp tục duy trì chủ nghĩa xã hội thì điều gì sẽ xảy ra? Chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Việt Nam, ứng với chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc hay sao? Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, cả những người phê phán quyết liệt nhất, cấp tiến nhất, cũng vẫn là những người nằm trong hệ thống, chỉ tìm cách thay đổi, hoàn thiện, bổ khuyết cho hệ thống đó. Chưa ai nghĩ đến sự thay đổi mang tính đoạn tuyệt.
Trong văn học, giải pháp tạm thời mới chỉ là: Thứ nhất, trước đây thì nền phê bình văn học dung tục thống trị, bây giờ khắc phục cái dung tục đó, cắt cái đuôi dung tục đi, nhưng vẫn nặng về hướng phê bình xã hội học thô giản (để phân biệt với bộ môn xã hội học văn học đích thực). Nói cách khác, phê bình văn học Việt Nam hiện nay mới đang cố gắng giảm thiểu tính chất chính trị hoá và tăng tính chất khoa học. Thứ hai, trước đây chẳng có gì ngoài một lí thuyết phê bình độc tôn, bây giờ ta như người đói, ăn giả bữa, phải cần một thời gian để dịch, giới thiệu các loại lí thuyết khác nhau. Rồi lại cần một thời gian để tiếp thu, tiêu hoá, nhận thức. Thêm nữa, lực lượng sáng tác đang có nhiều cách tân hiện nay lại là lực lượng không chính thống mà bàng thống, là những đợt sóng ngầm không hiện diện trên bề mặt chính. Nhưng phản ứng của đời sống văn học đối với nó thì lại là phản ứng chính thống. Cái khác giữa trước và sau đổi mới trong đời sống văn học có lẽ chỉ là - tôi nhắc lại một ý của ông Nguyễn Đăng Mạnh - trước đổi mới thì sáng tác và phê bình mâu thuẫn nhau, đến đổi mới thì nhóm sáng tác và phê bình này mâu thuẫn với nhóm sáng tác và phê bình kia. Sau đổi mới, sự chia rẽ đó vẫn tiếp tục tồn tại.
Một hiện tượng khác cũng gây lúng túng: Internet. Ở Việt Nam người ta vẫn hô hào, nào là phát triển công nghệ tin học, nào là phổ cập Internet, gì gì đó nữa. Nhưng người ta không biết cách thích nghi với hoàn cảnh mới của xã hội tin học. Những sáng tác hiện nay có vẻ mới mẻ nhất, tất cả đều ở trên mạng. Một lớp phê bình mới, quen thuộc với lớp độc giả Internet, phải ra đời, vì lớp cũ không còn theo kịp.
talawas: Trong bối cảnh chính trị - xã hội của Việt Nam, mọi thay đổi bao giờ cũng là từ trên rót xuống. Thời đổi mới bắt đầu với lời kêu gọi «văn nghệ sĩ đừng bẻ cong ngòi bút» của cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, rồi sau đó đến ông Trần Độ với «Nghị quyết 05», v.v. Mới đây, có sự kiện đáng lưu ý là bài phát biểu của ông Nguyễn Khoa Điềm tháng 11.2004, rồi
báo cáo đề dẫn của ông Hồng Vinh tháng 1.2005. Qua đó những người lãnh đạo văn nghệ cao nhất tại Việt Nam đã đưa ra một số quan điểm có thể nói là khá cởi mở, thậm chí cấp tiến, so với các quan điểm chính thống nhiều năm nay, từ cách đánh giá thành tựu của lí luận phương Tây, đến cách nhìn nhận lại vai trò của chính trị đối với văn học… Đã có dư luận coi đó là các dấu hiệu lạc quan của một cuộc đổi mới II. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có thuộc những người lạc quan này không?
PXN: Tôi không lạc quan mà cũng chẳng bi quan. Khi nghe bài phát biểu của ông Nguyễn Khoa Điềm ở Hội thảo của Viện Văn học, mọi người rất phấn khởi. Ngay sau đó, tôi đi dạy trong Sài Gòn, đem cái sự phấn khởi ấy vào. Gặp Lê Ngọc Trà kể chuyện, ông ấy hỏi: «Có thật thế không?». Có thể ông Trà không tin hay cho rằng «một cánh én không làm nổi mùa xuân». Khi ông Điềm mới ra Hà Nội, nhà thơ Trinh Đường có đọc cho tôi nghe hai câu anh em lẩy Kiều vịnh ông: «Ở ăn thì nết cũng hay / Nói điều ràng buộc thì tay cũng già». Có người cho rằng dưới thời ông Điềm làm Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hoá, nhiều sách bị cấm. Tính ra đến trên 10 cuốn thì phải. Nhưng lại có người lưu ý cái hiện tượng là, dưới thời ông Điềm, sách toàn ra rồi mới bị cấm, trong khi trước đây cấm từ trong trứng nước, cấm từ bản thảo. Biết đâu chẳng là một cách cấm nhưng để cho biết, có biết thì mới chuyền tay được chứ. Một hình thức quảng cáo chăng? Mà thực ra nhiều khi cũng chẳng biết từ đâu mà cấm.
talawas: Cấm nhưng tác giả không bị đàn áp. Ông Bùi Ngọc Tấn gần đây còn được chính thức công nhận, thông qua Giải thưởng của Hội Nhà văn.
PXN: Giải B cho cuốn
Rừng xưa xanh lá. Trở lại chuyện Hội thảo. Hồi Hội thảo về phê bình tháng 7.2004, ông Điềm chỉ dự nửa buổi, giao cho Hữu Thỉnh phát biểu kết luận. Ông Thỉnh nói những câu rất sáo rỗng và rất giả dối, tóm lại là rất «điếm». Đến Hội thảo về lí luận tháng 11.2004, ông Điềm dự cả ngày, cuối Hội thảo thì phát biểu tại chỗ, không chuẩn bị trước trên giấy. Bài nói tại chỗ này được thu băng, gỡ băng, rồi báo
Văn nghệ xin đăng trước. Nhưng Hữu Thỉnh, tổng thư ký Hội Nhà văn và tổng biên tập báo, thay hai chữ của ông Điểm. Ông Điềm phát biểu là: «Nhưng về mặt đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, Nguyễn Huy Thiệp là người
mở đường». Trong bản in trên
Văn nghệ, ông Thỉnh sửa thành: «Nhưng về mặt đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, Nguyễn Huy Thiệp là người
có đóng góp.» Tôi cho rằng ông Điềm vừa là người lãnh đạo, nhưng cũng vừa là một nghệ sĩ, một trí thức. Khi vở
Quỷ ở với người của Nguyễn Huy Thiệp đăng trên
Sông Hương (Bình Trị Thiên), nói với Trần Thùy Mai thì ông ấy khen hết lời. Nhưng ở Hội trường Đỏ…
talawas:
Hội trường Đỏ?
PXN: À, Hội trường Tỉnh ủy, thì ông ấy lại phê Nguyễn Huy Thiệp hết lời. Điều ấy chẳng có gì lạ. Khi khen Thiệp với Trần Thùy Mai, đó là lời đánh giá giữa hai nhà văn về một tác phẩm văn học. Ở Hội trường Đỏ, ông ấy nói với tư cách nhà lãnh đạo chính trị của tỉnh, phải vận hành theo nguyên tắc chính trị. Guồng máy bắt buộc.
talawas:
Trở lại với bản báo cáo đề dẫn của Hồng Vinh…
PXN: …Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo
Nhân dân, bây giờ là phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Thường những văn bản như vậy ở những hội nghị như vậy là do trưởng ban đọc, nhưng chắc hôm họp đó ông Điềm bận việc khác nên để ông Vinh đọc. Còn văn bản báo cáo đó do ai viết thì không biết.
talawas:
Vâng, sau khi một báo cáo mang tính mở hướng tại một Hội thảo ở cấp cao nhất như vậy được chính thức công bố trên tờ báo của Hội Nhà văn, theo ghi nhận của chúng tôi thì dư luận của giới văn nghệ trong nước dường như khá im ắng, hầu như không có phản ứng gì,
trong khi chúng ta có thể nhớ lại việc Nghị quyết 05
đã được hân hoan tiếp nhận như thế nào ở thời đổi mới I.
PXN: Đúng vậy. Thứ nhất, hội viên Hội Nhà văn thì có báo
Văn nghệ biếu không, nhưng không nhiều người đọc. Thứ hai, có mở tờ báo ra thì những bài kiểu như báo cáo, nghị quyết, xã luận lại càng ít người đọc. Thứ ba, có đọc thì cũng chẳng thấy có gì mới cả.
talawas:
Mặt hàng đã bị lạm phát quá kinh khủng?
PXN: Hồi
Nghị quyết 05 hoàn toàn khác. Đó là sau hai ngày gặp mặt giữa Nguyễn Văn Linh và các văn nghệ sĩ, lại đang trong cao trào đổi mới. Hiện nay chúng ta không được chuẩn bị tâm lí. Không có không khí phong trào. Tôi cam đoan rằng chẳng có một phản ứng nào như ở bên ngoài hình dung đâu. Người ta không để ý. Người ta không buồn đọc vào câu chữ.
talawas:
Có nghĩa là, bây giờ nếu tuyên bố rằng sáng mai cách mạng đến gõ cửa, cũng không ai để ý?
PXN: Không, không ai để ý. Đó là sự thật, tôi không bôi bác gì cả.
talawas:
Vì dửng dưng, nguội lạnh, hay lười biếng?
PXN: Ở Việt Nam, người ta chỉ nhìn vào thực tế cụ thể, hành xử cụ thế. Chúng ta vẫn vụ sự việc hơn vụ lí thuyết. Một tác phẩm mới mẻ nào đó nếu được đăng công khai thì sẽ có tác dụng mạnh hơn nhiều, gây tiếng nổ lớn hơn bản báo cáo đề dẫn nhiều. Chẳng hạn, nếu phụ san Thơ của tờ
Văn nghệ bỗng đăng một loạt thơ của nhóm Mở Miệng.
talawas:
Phụ san Thơ không thể làm điều đó sao?
PXN: Làm thì có thể, nhưng không được duyệt thì cũng chịu. Nên nhớ rằng Nguyễn Trọng Tạo không làm báo Thơ nữa, ngoài chuyện lương bổng không xứng đáng còn là chuyện phải nằm trong cái rọ của Hữu Thỉnh. Y hệt như cách đây 10 năm, khi tờ
Văn nghệ Trẻ vừa ra. Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập hồi đó cũng rất hân hoan, nhưng rồi cũng chỉ là múa gậy trong bị.
Văn nghệ Trẻ đã muốn tách riêng ra, hàng tháng nộp cho tờ báo mẹ một số tiền nhất định. Nhưng không được. Họ sợ nó vượt ra khỏi vòng tay của tờ báo mẹ. Cho nên
Văn nghệ Trẻ không phải là diễn đàn của giới trẻ, phụ san
Thơ không thực sự phục vụ cho sự cách tân thơ một cách triệt để được. Mà rồi những người làm
Văn nghệ Trẻ bức bối bỏ đi sang làm cho tờ
An ninh Thế giới Cuối tháng thì lại «quậy» được phần nào. Mà cũng vì «quậy» thế mà tờ báo này của ngành công an cũng suýt bị đóng cửa, à không, nói theo ngôn ngữ chính thức là suýt tự đình bản.
talawas:
Nếu vậy thì định hướng của đại hội nhà văn năm nay hoặc năm tới sẽ là thế nào?
PXN: Đấy cũng lại là một chuyện cụ thể nữa. Họ vẫn không dám cho đại hội nhà văn là đại hội toàn thể.
talawas:
Họ là ai?
PXN: Họ là cấp trên, là lãnh đạo văn nghệ cấp trên, có khi là cấp cao nữa ấy chứ. Cụ thể ở đây là Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương. Có lần lý do được đưa ra giải thích rất buồn cười là do vấn đề kinh phí. Nhưng thay vì tổ chức một đại hội toàn thể ở Hà Nội với bảy tám trăm hội viên về dự thì lại phải chia nhỏ ra thành hàng loạt hội nghị từng vùng miền để bầu đại biểu, tính tổng chi phí thì cũng thế cả. Nhưng quan trọng nhất, điều mà nhiều người và tôi vẫn thường nói, là các hội viên, không ai đại diện cho ai được. Rất nhiều người bảo, nếu thiếu tiền thì chúng tôi sẵn sàng tự bỏ tiền ra để đi dự đại hội toàn thể. Năm năm mới gặp nhau một lần, hơn nữa nhà văn này làm sao có thể bỏ phiếu thay cho nhà văn kia được. Nhưng kêu thì kêu vậy, nói thì nói vậy, cuối cùng vẫn phải theo cách của họ, trừ khi là ra khỏi Hội như Nguyễn Mạnh Tuấn, hay không ra khỏi Hội nhưng cũng chẳng tham gia gì nữa như anh Nguyên Ngọc.
talawas:
Có nghĩa là các nhà văn tuy có thắc mắc, tuy có bực dọc, nhưng vẫn chấp hành lệnh?
Đó có phải là một chứng chỉ cho sự nghèo nàn về tinh thần và bản lãnh không?
PXN: Thì nhà văn chúng ta vốn hèn rồi. Điều này tôi đã nói từ năm 1987 trong bài viết «Cái hèn của người cầm bút» đăng ở tạp chí
Sông Hương.
talawas:
Theo anh, sắp tới người đứng đầu Hội Nhà văn sẽ là ai?
PXN: Có thể vẫn Hữu Thỉnh, nếu trên chưa chọn được ai khác. Vấn đề là trên chọn chứ không phải đại hội bầu.
talawas:
Trên chọn?
PXN: Tất nhiên. Báo cáo phải được trên thông qua. Nhân sự phải được trên thông qua.
talawas:
Danh sách nhân sự không do dưới đề nghị sao?
PXN: Danh sách do đại hội đưa ra, nhưng trước đó còn có những động thái khác, đó là hội nghị trù bị, rồi hội nghị đại biểu đảng viên. Tuy là một hội nghề nghiệp nhưng cách thức hoạt động thì như một tổ chức chính trị.
talawas:
Có nghĩa là khi ra đại hội chính thức, các nhà văn là đảng viên không được phép đi ngược lại nghị quyết đã thông qua trong hội nghị đảng viên?
PXN: Đúng.
talawas:
Mà số nhà văn là đảng viên lại chiếm đa số trong đại hội?
PXN: Đúng. Chỉ có một lần có một đại hội nhà văn theo đúng nghĩa dân chủ, đó là đại hội IV năm 1989, đại hội toàn thể, kéo dài mười bốn ngày, một sự kiện lớn của phong trào đổi mới. Đại hội đó tự bầu ra, trực tiếp bầu ra Tổng thư kí, ông Vũ Tú Nam. Hồi đó Nguyễn Duy có bài thơ “Nhìn từ gần... Đại hội nhà văn”:
Nhà văn thì cứ tự do/ Thằng nào xứng đáng ta cho vào hòm.
talawas:
Đại hội dân chủ nhất trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam bầu ra một tổng thư kí mờ nhạt nhất trong lịch sử của Hội?
PXN: Nó thế đấy. Tôi kể một chuyện vui. Có một đại hội, Hoàng Nhuận Cầm đưa ra sáng kiến bầu Ban chấp hành 15 người thế này: Đưa 7 cặp vợ chồng nhà văn như Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân, Vũ Tú Nam - Thanh Hương, Nguyễn Xuân Sanh - Nguyễn Thị Cẩm Thạnh v.v, vào là được 14 người, cộng thêm Trần Đăng Khoa vào làm số lẻ là xong. Nhưng cuối cùng bầu mãi chỉ được 5 người là Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Ma Văn Kháng, Lò Ngân Sủn, nên lại bật ra một câu, chắc cũng của Nguyễn Duy:
Ban chấp hành của Hội ta/ Ba thằng họ Nguyễn, một Ma, một Lò. Câu đó tóm gọn cái thực chất bầu bán. Sau đó trên thấy không đủ, gợi ý ban chấp hành bổ sung đại diện phiá Nam vào, không thông qua đại hội, nên lại có câu:
Gió đâu lay động chấp hành/ Rẽ song lại thấy Sở Khanh lẻn vào. Nhưng chỉ đặt tếu thế thôi, không ai công khai có phản ứng gì.
talawas:
Nhưng với tư cách một hội viên Hội Nhà văn, người ta có thể gửi ý kiến đến báo chí, công luận, đề nghị có một đại hội toàn thể chứ?
PXN: Không ai làm thế. Người ta cho thế là vẽ việc, không giải quyết được gì cả. Bản thân tôi thì không vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng là người làm văn học Việt Nam hiện đại, theo sát đời sống văn học, tôi thấy cái gì không có lợi cho sự phát triển văn học nước nhà là tôi cứ nói.
talawas:
Ở phương Tây, giữa một nhà phê bình có uy tín, có thế lực lay động hoặc thậm chí khuynh đảo công luận và một nhà phê bình còn vô danh là những bậc thang rất rõ ràng, sự cạnh tranh để chiếm bậc thang cao hơn cũng rất gay gắt. Còn ở Việt Nam hiện nay, lời khen hay tiếng chê của các nhà phê bình hình như đều thoảng qua như nhau cả?
Dường như ở đó, sự xuất sắc không được tưởng thưởng và sự tầm thường cũng chẳng bị trừng phạt, không kéo theo một hậu quả nhãn tiền nào cho cả giới phê bình, độc giả, lẫn giới sáng tác?
PXN: Muốn thế nào thì phê bình văn học ở phương Tây cũng dựa trên một xã hội dân chủ đã được bồi đắp từ lâu. Ở ta, hãy lấy trường hợp Trần Mạnh Hảo làm ví dụ: Hảo là một hiện tượng bền bỉ từ nhiều năm nay, có ý thức quậy cái mặt ao tù của phê bình văn học lên, bằng cái lối của Hảo – lúc thì chính trực, lúc thì không hẳn là chính trực – gây được dư luận. Nhưng vấn đề là người ta để cho Hảo độc tôn, trong khi những ý kiến khác không được có cùng cơ hội như vậy. Vừa rồi, xét Giải thưởng Hội Nhà văn bộ môn lí luận phê bình, có 3 cuốn vào: cuốn
Vừa làm vừa nghĩ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, cuốn
Ba đỉnh cao Thơ Mới của Tiến sĩ Chu Văn Sơn, và một cuốn nữa của dịch giả Nguyễn Trung Đức (đã mất) tôi không nhớ tên. Trong ba cuốn đó, theo tôi cuốn của Sơn viết về thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính là xứng đáng. Trần Mạnh Hảo tập trung đánh Sơn ở mảng Hàn Mặc Tử. Luận điểm của Sơn cho thi pháp của Hàn Mặc Tử là thi pháp thơ điên. Nhưng Hảo có lối nói vống lên, đăng báo tràn lan khắp trong Nam ngoài Bắc, rồi lại sao các bài viết của mình ra từng bản, gửi cho các ông ở Hội đồng Lí luận Phê bình của Hội Nhà văn. Mà cái lối của Việt Nam là cứ trước giải thưởng, cuốn nào có cơ được xét là thể nào cũng có những bài hoặc khen để cổ vũ vào giải hoặc đánh để bật giải thưởng. Cuối cùng thì Hảo cũng đánh bật được cuốn của Sơn, với cái lập luận kì cục thế này: Chu Văn Sơn cho rằng thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên. Đến nỗi có một vài ông ngồi Ban chung khảo của giải thưởng này hỏi tôi: “Thằng Chu Văn Sơn nó viết cái gì? Có phải nó viết rằng thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên không?”
talawas:
Những người ngồi Ban chung khảo không tự đọc à?
PXN: Họ đọc hay không thì không biết. Hay ít nhất là họ hỏi tôi như vậy thì chẳng biết họ có tự đọc không. Kết quả là Sơn bị bật. Có vài bài nói lại Hảo, phân tích cái được của Sơn, nhưng chẳng có tác động gì đến ban xét giải. Thì đã nói là ở ta cuốn sách nào đã bị chê, bất luận đúng sai, mà lại chê to mồm lu loa như Trần Mạnh Hảo thì đố ông nào cả gan công tâm mà trao giải, dù thâm tâm cũng thấy nó là xứng đáng. Hèn thế đấy. Tôi nói thật, nếu báo
Văn nghệ đăng được những bài tranh luận văn học như trên talawas, tức là bài khen bài chê thế nào thì tùy người viết, nhưng phải được bình đẳng xuất hiện, là nhất định báo tăng
tirage, bán được và gây được sự chú ý. Người ta chán báo
Văn nghệ vì toàn những bài một chiều, đã một chiều lại còn viết không kĩ. Tôi vẫn thường phát biểu ở trong nước: Tại sao người ta vẫn tích cực viết bài, thậm chí viết rất kĩ, rất dài, cho các trang mạng như talawas, mặc dù nhuận bút không có, lại còn bị tường lửa tường liếc nữa? Vì người ta cần diễn đàn. Đọc một số bài trên talawas thì biết, cần bao nhiêu tháng trời mới viết được một bài như thế. Nếu trong nước làm được thế là tạo được dư luận, tạo được đời sống phê bình ngay. Nói đâu xa, ngay
bài của Lại Nguyên Ân trong Toạ đàm “Phê bình văn học - Bản chất và đối tượng” tháng 5.2004. Một bài xuất sắc như thế, nói trúng vấn đề như vậy, mà trong nước không đâu đăng. Đấy, phải nhìn vào những chuyện cụ thể như thế chứ đừng nhìn vào báo cáo đề dẫn. Phải nhìn vào việc talawas bị firewall chứ đừng nhìn vào bài
phỏng vấn ông Đỗ Quý Doãn.
talawas:
Thế thì anh không lạc quan cũng phải. Còn tại sao anh không bi quan?
PXN: Như tôi đã nói, có những vận động, những luồng mạch hướng tới sự đổi mới cả về văn hoá văn nghệ lẫn kinh tế, chính trị, xã hội. Họ không cưỡng được các vận động đó, nhưng họ có thể loay hoay tìm cách chặn, và trong lúc loay hoay thì cứ áp dụng giải pháp cấm cái đã. Không quản lí được thì cấm. Cấm dĩ nhiên là phương án hạ sách. Mặc dù biết cấm là vô ích, cấm cũng không được, có khi thành trò hề, nhưng chưa nghĩ ra cái gì hay hơn thì cứ tạm áp dụng. Nhìn cung cách cấm đoán vì quản lý bất lực như cấm xe máy, cấm karaoke, cấm talawas..., tôi đã định viết một bài với đầu đề “Tư duy cấm và cấm tư duy”.
talawas: Trong cách diễn đạt của anh, dường như những rào cản, trở ngại vẫn nằm ở phiá HỌ, tức không phải TA. HỌ ở đây thường được ngầm hiểu như phần trên chứ không phải phần dưới của guồng máy. Nhưng HỌ không bao giờ có cơ hội làm một số điều nào đó, nếu TA không chấp nhận HỌ làm như vậy…
PXN: Đáng tiếc rằng cái số không chấp nhận đó lại hơi là thiểu số, hoặc chỉ là đa số thầm lặng.
talawas: Chúng ta không nói đến một số đông trong nhân dân mà trình độ có thể còn thấp, mà đang nói đến một số đông sáu bảy trăm người trong Hội Nhà văn kia mà, những người được coi là tinh hoa của đời sống văn học, văn hoá.
PXN: Đâu có tinh hoa theo nghĩa ấy. Nhà văn viên chức, nhà văn cán bộ thôi, thậm chí không phải là nhà văn chuyên nghiệp theo đúng nghĩa. Nếu là tinh hoa thật thì ta đã có một nền văn học samizdat sinh sôi nảy nở. Hồi glasnost, Liên Xô mở ra một cái là có hàng loạt tác phẩm samizdat trong ngăn kéo, được lôi ra in. Ở ta thì không có gì hết. Ngay cả bây giờ, sau đổi mới hai chục năm, người ta vẫn nghĩ: viết để in, không in được thì không viết. Rất ít, hầu như không có những bản thảo được viết vì nhu cầu bức xúc, vì không thể không dùng văn chương để thể hiện những điều cần nói, rồi cứ để đó, bất chấp có được in hay không. Thế thì nói gì đến ý thức dấn thân. Nhà văn Việt Nam vẫn là những cán bộ ăn lương, hầu như tất cả đều là viên chức nhà nước, ngay cả những người dũng cảm nhất.
talawas: Còn nhật kí, hồi kí trong ngăn kéo thì sao? Chúng ta đang chứng kiến một cú bùng phát hồi kí của những nhân vật từng tham gia đời sống chính trị, phần lớn đều không được chính thức xuất bản. Những tác giả vừa mất: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận…, họ có thể để lại những trang nhật kí mà chúng ta chưa biết?
PXN: Trong lớp nhà văn mới, ít người có thể ghi nhật kí như Nguyễn Huy Tưởng hay Nguyễn Thi, có lẽ cũng vì khi cới mở hơn, người ta ít phải trao gửi tâm sự thầm kín vào nhật kí hơn. Mà ngay cả trong số các hồi kí mà ta đã được biết, trường hợp thật sự là một hồi kí cá nhân cũng rất ít, dù là thể loại hồi kí nhưng cũng phải khép cái cá nhân vào một cái khác. Hồi kí của những người như tướng Trần Văn Trà hay ông Tô Hoài mà còn “bị” thì nói gì nữa. Ở Nga, sau đổi mới, có một nhà xuất bản ra tủ sách tên là “Thế kỉ 20 của tôi”, chuyên đăng hồi kí của nhà văn, nhờ đó mà tôi đọc được của E. Yevtushenko, của A. Rybakov, v.v. Ở ta thì hồi kí hầu như chẳng nói được điều gì. Được như cuốn của
Nhật Hoa Khanh phỏng vấn Tố Hữu thì cũng còn tốt, ít ra là nó khác với cuốn hồi kí
Nhớ lại một thời của chính Tố Hữu.
talawas:
Anh có cho rằng cách giải quyết chính thức hiện nay đối với cuốn của Nhật Hoa Khanh là hợp lí không? Chỉ cần cơ quan công an đứng ra tuyên bố rằng nó là tài liệu giả mạo, vậy là xong?
PXN: Không, hoàn toàn không thể xong được. Cả chuyện cơ quan công an tuyên bố, lẫn chuyện Ban thư kí Hội Nhà văn tuyên bố và ra một quyết nghị như thế là một trò hề! Dù tính xác thực của tài liệu đó chưa được kiểm chứng, nhưng nhiều người – trong đó có bản thân tôi – cho rằng ở đây có sự tiếp xúc thật giữa Tố Hữu và Nhật Hoa Khanh, và những lời ghi lại đó phần lớn phải là lời của Tố Hữu, vì đơn giản là với tuổi tác và địa vị của mình thì Nhật Hoa Khanh có muốn bịa cũng không bịa nổi những lời như vậy.
talawas: Có một trường hợp trong lịch sử văn học thế giới có thể đem ra so sánh: Thomas Mann. Gia đình Thomas Mann là một gia đình rất đặc biệt, trong đó bà vợ có thể nói là người đặt bàn tay lên tất cả mọi chỗ không chỉ riêng trên thân thể chồng mình. Chỉ vì muốn giữ và quảng bá một hình ảnh Thomas Mann đẹp nhất trong lòng độc giả mà có nhiều trường hợp bà đã cầu đến cả toà án để ngăn chặn việc công bố một số công trình về Thomas Mann sau khi ông mất. Tiếc rằng bà chưa bao giờ thành công. Công luận có quyền được biết những điều về Thomas Mann tuy không vừa ý bà. Những công trình đó vẫn được xuất bản theo đúng tinh thần mà tác giả của chúng muốn chứ không phải do gia đình Thomas Mann muốn. Tuy nhiên, ở các nước dân chủ, công luận - quyền lực thứ tư trong xã hội – và hệ thống pháp luật giúp đạt được điều đó. Ở Việt Nam thì có phương tiện nào?
PXN: Trước hết, tác giả phải được quyền công bố tác phẩm và chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Bà Vũ Thị Thanh không có trách nhiệm gì với tác phẩm của ông Nhật Hoa Khanh. Ban thư kí Hội nhà văn cũng chẳng có tư cách gì để ra quyết định về việc này. Nhưng không cho xuất bản mà cuối cùng mọi người đều đọc cả, rồi dư luận vẫn nghiêng về phiá Nhật Hoa Khanh. Thế có phải là trò hề không? Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện: Năm 1988, nhà văn Ngọc Giao, sau một thời lận đận vì bị coi là nhà văn “dinh tê”, được in cuốn hồi kí về các bạn văn, cuốn
Đốt lò hương cũ ở Nxb Phú Khánh, trong đó có một bài về Nam Cao. Ông ấy thuật chuyện Nam Cao, vốn là một anh giáo khổ tỉnh lẻ, một hôm bỗng nổi hứng mời bạn văn về nhà ở quê chơi. Khách đến, ngồi uống nước một hồi thì nghe tiếng gà quang quác. Một lúc sau có mâm cơm gà bưng lên. Đang ăn thì bỗng nhiên nghe hàng xóm kêu mất gà, chửi thằng nào ăn cắp gà. Miếng ăn đắng lại trong miệng khách. Nam Cao bảo: Thôi thôi, việc ấy để tớ lo, các cậu cứ yên tâm về Hà Nội. Bài ấy của Ngọc Giao ra, một loạt các nhà văn phản đối. Tạp chí
Tác phẩm Mới của Hội Nhà văn đăng mấy ý kiến liền phản đối Ngọc Giao. Tôi rất bất bình. Ông Ngọc Giao khi ấy còn sống, ở khu Trung Tự, Hà Nội. Không ai thèm đến hỏi ý kiến. Hay ít ra là hỏi ý kiến những bạn văn của Nam Cao thời ấy, như ông Tô Hoài. Những người phản đối đều tư duy như thế này: Một nhà văn như Nam Cao không thể nào ăn cắp gà được! Như vậy là bôi nhọ hình ảnh nhà văn yêu quý! Đến nhà văn còn bị ám ảnh tư duy thần thánh hóa, thần tượng hóa như vậy thì nói gì ai, và trông mong gì được những tác phẩm lớn và hay.
talawas: Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là: Thật ra cuộc phỏng vấn Tố Hữu mà Nhật Hoa Khanh ghi lại đã cho thấy một hình ảnh tuyệt đẹp về ông Tố Hữu, rất nhân ái, khoan dung, ưu ái đồng nghiệp, đầy trách nhiệm trước việc công, trăn trở với đất nước. Không hề có một điểm bất lợi nào cho Tố Hữu trong đó. Vì vậy, điều khó hiểu nhất là tại sao cả bà vợ của ông Tố Hữu lẫn nhiều cơ quan lại muốn xoá bỏ hình ảnh đẹp đẽ đó bằng cách nhất quyết cho rằng đây là tài liệu giả?
PXN: Không phải thế. Khi đọc tài liệu đó, nhiều người lại cho rằng Tố Hữu quá trơ trẽn, đã nhúng tay như vậy mà nay trơn tuột đi.
talawas: Người ta đọc giữa hai hàng chữ và các cơ quan quan tâm đến vụ này cũng tính đến việc người ta sẽ đọc giữa hai hàng chữ hay sao?
PXN: Người ta thấy tởm. Nếu Tố Hữu kể cho Nhật Hoa Khanh như vậy thật thì quá tởm, quá giả đạo đức. Như thế là phủi hết. Ông ấy từng gây ra biết bao vụ mà bây giờ coi như không có trách nhiệm gì. Người ta đọc như thế. Người ta cũng đặt câu hỏi là sao ông ấy không nói như vậy trong cuốn hồi kí đã xuất bản trước đây? Hơn nữa, vì Tố Hữu là người nắm giữ văn hoá văn nghệ Việt Nam suốt một thời gian dài, nên những phát biểu ấy có thể động đến nền tảng của cả một đường lối. Nếu một con người ở cương vị quan trọng như vậy sẵn sàng công khai tráo trở thì cũng có thể dẫn đến sự tráo trở của một đường lối, một chính sách, một hệ thống. Vì vậy họ phải xử lí.
talawas: Phần tạm gọi là có dấu hiệu tráo trở ấy chắc chỉ là một phần nhỏ trong bài phỏng vấn, liên quan đến những người Nhân văn-Giai phẩm. Phần lớn còn lại đâu có gì tráo trở?
PXN: Có chứ. Ông Tố Hữu có bị điều tiếng, liên quan đến tướng Giáp, nhân kỉ niệm 30 năm Điện Biên Phủ năm 1984. Ông ấy cắt câu “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp”. Đó là hồi ông Giáp không hề được phép xuất hiện. Trong cả bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu hồi ấy, tên ông Giáp cũng biến luôn. Đến kỉ niệm 40 năm, năm 1994, ông Giáp mới được phục hồi. Chính vì thế, người đọc phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh mới lập tức nghi ngờ những lời đề cao đối với tướng Giáp của ông Tố Hữu. Tóm lại là có rất nhiều câu hỏi phiá sau, không biết thế nào, nhưng giải pháp tốt nhất là cứ phải in ra, thực giả thế nào thì tác giả phải có trách nhiệm giải trình trước toà dân sự. Trong một xã hội dân sự, đó là điều bình thường. Nhưng vì chúng ta chưa được bình thường như thế, nên người ta cứ loay hoay xử lí. Mà toàn xử lí rất dở. Chẳng hạn một chuyện khác: Giải thưởng ASEAN là giải thưởng lập ra để thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy giao lưu văn hoá văn học giữa các nước trong khối, mỗi năm nước nào cũng được đề cử người nhận, đề cử ai là người ấy được, không phải bình chọn gì cả. Chẳng hiểu được tham mưu, thông tin thế nào mà năm đầu tiên ta cử luôn ông Tố Hữu. Ở ta là thế, cứ phải cử người “to” nhất. Nhưng sau đó so sánh thì thấy ông ấy là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, mà mấy nhà văn nhận giải này của các nước khác lại cũng chỉ xoàng xoàng, bậc trung thôi. Hơn nữa, nghe nói khi nhận giải phải quỳ trước Thái tử Thái Lan, nên ta không cho ông Tố Hữu đi nhận nữa. Cái cách chúng ta xử lí là như vậy, tham mưu dở mà xử lí cũng dở.
talawas: Còn chính bản thân nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có bị tác động bởi những sự kiểm duyệt, xử lí… đó không?
PXN: Không. Đúng sai, hay dở thế nào thì chưa bàn, nhưng riêng trong lĩnh vực văn học, tôi bao giờ cũng viết điều tôi nghĩ, điều tôi nhận xét. Tôi có thể tự nhận rằng mình là người thẳng thắn trong lĩnh vực này, tức dám nói những điều mình nghĩ. Tôi vẫn quan niệm rằng không dám NÓI những điều mình NGHĨ thì không dám NGHĨ những điều mình nói.
talawas: Nhưng trong lúc NGHĨ, anh có cảm giác là có thể anh đã bị cài sẵn chương trình cho một độ lùi nhất định không? Chúng tôi muốn nói đến một cơ chế vô thức, một nhà kiểm duyệt trong anh…
PXN: Có. Nhưng mặc dù biết rõ là câu này hay câu kia nhất định sẽ bị gạch, tôi vẫn viết ra. Chẳng hạn có lần tham gia viết chung một tập sách về văn thơ Hồ Chí Minh, tôi biết là nhất định phải dùng chữ “Người”, viết hoa, nhưng trong bản thảo tôi vẫn dùng chữ “ông”. Khi bản in ra thì “ông” thành “Người” hết.
talawas: Khi cái băn khoăn lớn cuả nhà phê bình là chọn đại từ nhân xưng “ông” hay “Người” thì theo anh, phần năng lượng sáng tạo còn lại sẽ đủ để làm gì?
PXN: Đó không phải chuyện nhỏ đâu nhé, không phải chuyện chữ nghĩa thôi đâu, mà là cả quan niệm tư duy đấy. Đến như ông Phạm Văn Đồng thủ tướng, về hưu rồi, viết sách mà còn phải vòng vo cả một chú thích dài để được gọi “Hồ Chí Minh” là “Hồ Chí Minh” chứ không phải thêm «Bác» hay «Chủ tịch» gì cả. Vấn đề là ở một bản văn kỷ niệm, lễ nghi, người ta có thể gọi theo lối tôn kính Bác Hồ, Hồ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ở bản văn khoa học, nhất là bản văn nghiên cứu văn học, thì Hồ Chí Minh là một đơn vị tác giả, đứng ở tư cách một nhà văn nhà thơ như bao người khác, vậy thì gọi Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài được, sao không gọi Hồ Chí Minh được. Mà dịch sang tiếng nước ngoài thì “ông” hay “Người” cũng chỉ là “He”, “Il”, “Он” thôi. Nhưng đã nói đây là chuyện quan niệm, chuyện tư duy, hệ trọng lắm, không đơn giản là gọi “ông” hay “Người” đâu. Tôi viết là cứ theo cái lý khoa học mà viết. Nhiều người cũng biết cái lý ấy nhưng họ không viết, họ chiều theo cái thông lệ chính trị. Một chút nhúc nhắc tư duy ấy đã không muốn, thì nói chi đến một chuyển động tư duy. Mà thôi, phải phân biệt các chuyện ra. Chẳng hạn, tôi là nhân viên của Viện văn học, ông Viện trưởng có quyền quản lí giờ giấc làm việc của tôi, tôi đi đâu cả tháng không xin phép là không được. Nhưng tôi cũng là thằng làm khoa học, khoa lí luận phê bình, ông Viện trưởng quản lí cái tôi nghĩ trong đầu thế nào được. Tôi chịu trách nhiệm về cái tôi nghĩ trong đầu tôi chứ! Có thể chưa cho phép công bố công trình nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975 hay văn học hải ngoại chẳng hạn, nhưng mà phải để cho tôi nghiên cứu đã chứ!
talawas: Viện Văn học tại Hà Nội hiện có khoảng 60 nhà nghiên cứu văn học. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có thể coi đó là một lực lượng hùng hậu, thậm chí một xa xỉ phẩm. Anh đánh giá những thành tựu của Viện như thế nào, và định hướng của nó?
PXN: Viện Văn học đã được 50 năm, tính từ thời Ban Văn Sử Địa, được lập nên theo mô hình tại các nước xã hội chủ nghĩa trước kia. Nó tập hợp được những người cùng nghề, làm việc chung trong những công trình nghiên cứu tập thể, đặc biệt là ở mảng văn học Cổ Trung đại. Chẳng hạn công trình “Văn học Việt Nam 10 thế kỉ”, được cấp kinh phí mấy tỉ. Nhưng xu hướng chung của những năm gần đây trên thế giới là Viện không tách khỏi trường đại học, mà các đại học lại dần dần tổ chức theo mô hình phương Tây, chắc sớm muộn thì Viện cũng sẽ nhập vào đại học. Cái dở ở Viện là: Nó là chỗ dễ cho người ta yên thân, dường như về đây không làm gì cũng được.
talawas: Có chứ. Làm tiến sĩ. Ở Viện có chế độ phổ cập trình độ tiến sĩ…
PXN: Bạn bè thường đùa tôi, ở Viện Văn chỉ còn bà bán nước ở cổng và tôi là không tiến sĩ. Vừa rồi ở Paris, Cao Việt Dũng tặng tôi câu thơ kiểu Bút Tre: “Viện Văn có một Phạm Xuân / Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình”, tôi thích lắm, khi nào in sách tôi sẽ lấy nó làm lời giới thiệu cho mình. Quay lại chuyện tiến sĩ ở Viện Văn học, có nhiều học hàm học vị, nhưng chuyên gia thì ít. Hay nói theo cách ở Việt Nam là “hàm lượng khoa học trong các bài nghiên cứu của cán bộ ở Viện còn thấp”. Tính chuyên nghiệp cũng rất thấp. Ví dụ, Viện Văn hàng năm vẫn được rót kinh phí mua sách báo cho thư viện. Riêng báo chí tiếng Nga đã trên mười loại, Đức hai ba loại, Tầu bốn năm loại, Pháp năm sáu loại. Nhưng gần như không ai đọc. Mặc dù ở Viện lực lượng đi Nga về nhiều, nhưng sử dụng tiếng Nga rất ít, tiếng Đức có vài người, tiếng Anh, tiếng Pháp cũng thưa thớt. Nhưng tôi nhắc lại là gần như không ai có ý thức và nhu cầu đọc tài liệu nước ngoài bằng ngoại ngữ để nâng cao trình độ khoa học cả. Vì có nhu cầu tất phải học, phải đọc. Tôi làm biên tập, thấy nhiều bài của cán bộ trong Viện không hề có bất kì một chú thích trích dẫn gì từ sách báo nước ngoài. Ở đây còn có vấn đề là khi xét Tiến sĩ, Giáo sư và Phó giáo sư, tiêu chuẩn ngoại ngữ chỉ là tiêu chuẩn chiếu lệ, điều này về mặt nào đó cũng có nghĩa là coi nhẹ tính khoa học.
talawas: Trường hợp của anh lại hơi khác. Anh tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn trong nước, nay anh là dịch giả của nhiều tác phẩm từ tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh…
PXN: Chẳng qua vì thích ngoại ngữ. Tôi bắt đầu bằng tiếng Nga trong đại học. Đang học năm thứ 3 thì đi lính, từ 1978 đến 1982. Vì là lính sinh viên nên lẽ ra phải đi đánh nhau ở Campuchia thì đi dạy văn hoá cho bộ đội trong Sài Gòn, rồi mua sách tự học tiếng Anh và tiếng Pháp qua tiếng Nga.
talawas: Bộ “Từ điển văn học Việt Nam” do Gs Nguyễn Huệ Chi chủ biên cũng là công trình của Viện Văn? Nếu thông tin của chúng tôi là chính xác thì bộ Từ điển này ra đời khá vất vả…
PXN: Nó là “Từ điển văn học” chứ không phải “Từ điển văn học Việt Nam”. Bộ đó đúng là của Viện Văn, nói đúng hơn là của Ban văn học Việt Nam cổ cận đại của Viện với một lực lượng cộng tác viên đông đảo ở ngoài. Nó vốn đã ra hai tập từ năm 1983, do Gs Đỗ Đức Hiểu và Gs Nguyễn Huệ Chi chủ biên, nay Gs Hiểu đã mất. Sau hơn hai mươi năm, có nhiều thông tin, nhận định, đánh giá cần thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung, chẳng hạn đưa thêm một số tác giả
francophone, một số tác giả miền Nam… Mặc dù ở bộ mới này vẫn phải có một số nhân nhượng, thí dụ tác giả miền Nam mà sau 1975 bị đi tù, đi cải tạo thì trong phần tiểu sử những chi tiết đó được lờ đi, nhưng đến phút chót vẫn có những rắc rối, thí dụ có mấy mục từ do chị Thụy Khuê viết bị loại ra. Không hiểu là do mục từ hay do người viết mục từ. Tất nhiên những cuốn lớn như vậy thì bị săm soi, dòm ngó kỹ lắm. Hồi làm cuốn
Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tôi có đưa vào mấy bài của chị và để nguyên tên, nhưng rồi bị loại hết. Họ không đọc bài, họ chỉ nhìn tên. Chẳng hạn bài của anh Phan Huy Đường, để bút danh là Trần Đạo, thì lọt. Mà in ra có vấn đề gì đâu, sách lại bán chạy vì tập hợp được nhiếu đánh giá khác nhau về “hiện tượng” Nguyễn Huy Thiệp.
talawas: Xin hỏi anh sang một chuyện “trần thế” hơn: Lương cơ bản của anh ở Viện hiện nay hệ số mấy?
PXN: Hệ số mấy, tôi không biết vì chẳng bao giờ để ý, chỉ biết là lương nghiên cứu viên của tôi nhận ở tài vụ là khoảng 900.000 VNĐ. Làm biên tập biên thì được thêm mấy trăm, tổng cộng là chưa đến triệu rưỡi, nghĩa là chưa được một trăm dollar Mỹ. Sắp tới hưởng lương mới chắc thêm được trăm ngàn gì đó nữa.
talawas: Hàng tháng anh trả hết bao nhiêu cho xăng xe, điện thoại và internet?
PXN: Điện thoại di động, điện thoại cố định, và internet của tôi một tháng thường là khoảng từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi. Xăng xe không tính.
talawas: Vậy anh sống bằng cách nào?
PXN: Tôi cũng không biết tôi sống bằng cách nào.
talawas: Áp lực bắt buộc anh phải có một nguồn thu nhập khác có mạnh không?
PXN: Thật ra cũng có. Phải viết báo. Phải dịch.
talawas: Mặc dù nhuận bút dịch những bài nghiêm túc rất bạc bẽo…
PXN: Đúng thế. Nhưng thích thì vẫn dịch.
talawas: Anh vừa sang Pháp dự một hội nghị về Cao Hành Kiện?
PXN: Hội nghị này mang tên “Tác phẩm tiểu thuyết và sân khấu Cao Hành Kiện, Nobel văn chương năm 2000” do Đại học Provence tổ chức, chủ yếu tập hợp những người nghiên cứu Cao Hành Kiện ở nước ngoài, gốc Hoa, chẳng hạn bà Mabel Lee, Đại học Sydney, Úc, người đã kiên trì giới thiệu Cao Hành Kiện ở phương Tây, dẫn đến giải Nobel cho ông. Ngoài ra có ông Malmqvist, thành viên Hội đồng Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển, người đã dịch Cao Hành Kiện sang tiếng Thụy Điển. Bản thân Cao Hành Kiện cũng đến ngay từ đầu. Khi xe chở đại biểu đến, ông ấy đứng bắt tay từng người, giản dị lắm. Hội nghị ngồi như trong giảng đường, chẳng có phông màn long trọng gì như kiểu Việt Nam đâu. Tôi sang dự với một báo cáo về Cao Hành Kiện ở Việt Nam. Cùng kiểu với báo cáo của tôi có báo cáo về Cao Hành Kiện ở Đài Loan và ở Nhật Bản. Tôi nêu ra ba điều, một là việc tiếp nhận Cao Hành Kiện ở Việt Nam, hai là lối viết của
Linh sơn, ba là Cao Hành Kiện với tư cách một nhà văn lưu vong trong so sánh với các nhà văn Việt Nam hải ngoại. Về điều thứ nhất, tôi phát biểu rằng ở Việt Nam, các sự kiện văn hoá thế giới thường rất đậm đặc, từ sự kiện bóng đá, văn học đến điện ảnh. Giải Oscar hay giải Nobel đều là những sự kiện rất được chú ý ở Việt Nam. Nhưng riêng với trường hợp Cao Hành Kiện, nhà văn Trung Quốc li khai, thì hơi khác. Vì Trung Quốc phản đối nên Việt Nam lúc đầu cũng phản đối, đưa tin rất dè dặt, kiểu đưa tin có định hướng, đại loại Cao Hành Kiện không xứng đáng, ở Trung Quốc có những nhà văn gì gì đấy còn xứng đáng hơn, rằng giải thuởng này còn mang tính chính trị, v.v. Trung Quốc hắt hơi thì Việt Nam phải sổ mũi mà. Sau khi Cao Hành Kiện được giải tháng 10.2000, bản thân tôi có dịch một bài của ông ấy về kĩ thuật tiểu thuyết hiện đại, trích trong quyển
Sơ thám tiểu thuyết hiện đại. Tôi thích cái ý tưởng của ông ấy rằng: Nhà văn viết tiếng mẹ đẻ là đủ thành dân tộc rồi, còn dùng kĩ thuật gì thì miễn bàn. Nên tôi dịch, rồi gửi đăng Tạp chí
Sông Hương số Xuân 2001.
Sông Hương đi dự Hội báo Xuân, đáng lẽ được giải B, nhưng mở ra thấy bài của Cao Hành Kiện nên trượt giải B. Nhưng cũng thời gian đó,
Tiền phong có trích đăng một đoạn
Linh sơn thì chẳng bị gì. Lúc đầu thì có dè dặt như thế, nhưng năm 2002, bản dịch
Linh sơn từ tiếng Pháp của Trần Đĩnh ra. Hiện nay
Linh sơn có 3 bản dịch, ngoài bản của Trần Đĩnh còn có bản của Hồ Quang Du từ tiếng Trung, lấy tên là
Linh sơn, và bản của Ông Văn Tùng cũng từ tiếng Trung, lấy tên là
Núi thiêng. Sau đó Nhà xuất bản Công an Nhân Dân lại ra một tập truyện ngắn của Cao Hành Kiện. Tôi cầm sang cho ông ấy mấy cuốn. Ông này rất thoải mái, chẳng hỏi bản quyền gì cả, rất vui vẻ. Có một bản dịch nữa cũng sắp xuất bản, đó là
Kinh Thánh của một con người.
|
Phạm Xuân Nguyên và Cao Hành Kiện tại hội nghị (ảnh của Phạm Xuân Nguyên) |
talawas: Còn về Cao Hành Kiện với tư cách một nhà văn lưu vong?
PXN: Trong một bài viết, ông ấy có kể rằng khi sang Pháp và với vốn liếng văn hoá Pháp có sẵn, ông ấy nhập vào xã hội Pháp hơn là vào cộng đồng Hoa kiều hải ngoại. Trong báo cáo của tôi, tôi lưu ý đến ý của ông ấy rằng: Ở đâu không quan trọng, quan trọng là 1) dùng tiếng của dân tộc mình để nói với thế giới và 2) tận dụng được hết mọi thành quả văn hoá của môi trường mới của mình.
talawas: Và trong liên hệ với văn học Việt Nam hải ngoại?
PXN: Thực tế là trong nước đọc hải ngoại rất ít, trước sau cũng chỉ khoanh vào một nhóm nhỏ những người có thông tin, liên lạc với hải ngoại. Còn lại chỉ đọc qua một số tuyển tập được chọn theo hướng tình tự dân tộc, nhớ thương đất nước. Những ai có dịp đọc Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Văn, Văn Học… thì cũng ghi nhận là ở đó có sự cởi mở hơn, mới mẻ hơn, nhưng cần phải nói là cái háo hức ban đầu của trong nước đối với hải ngoại cũng đã bớt đi nhiều. Một số người ở hải ngoại đã nuôi ảo tưởng rằng nếu được tự do phổ biến thì văn học hải ngoại sẽ như một làn gió mới, gây nên những chấn động gì kinh khủng lắm. Có lẽ không như vậy. Gây chấn động bây giờ có phải dễ đâu. So với những sáng tác của hải ngoại thì có khi lối viết phê bình của Nguyễn Hưng Quốc lại gây tác động với trong nước nhiều hơn. Ông Quốc hội tụ được cả ba điểm: Một, tiếp thu được những lí thuyết mới; hai, nắm chắc văn học Việt Nam, vì lí thuyết giời mà không nắm chắc văn học Việt Nam thì cũng hỏng; ba, có một lối viết vừa là khoa học vừa là văn chương.
talawas: Trong những khoảnh khắc hoàng kim của nó, chẳng hạn ở thời đổi mới với vụ tranh luận xung quanh Nguyễn Huy Thiệp, phê bình văn học không chỉ tậo trung vào những vấn đề của thi pháp, của nghệ thuật, mà dường như còn thay thế cả vai trò của triết học, của xã hội học, chạm tới những vấn đề rất cơ bản của đời sống chính trị xã hội, tức ít thuần túy văn học nhất. Anh hình dung tương lai của phê bình văn học ra sao? Nó sẽ phải đụng đến những vấn đề trung tâm của đời sống xã hội như ở thời đổi mới thì mới gây được sự chú ý của công luận đông đảo, hay nó sẽ đi theo xu hướng hiện đại, càng ngày càng chuyên môn hoá và chỉ đạt tới một số nhóm hẹp mà thôi?
PXN: Tất nhiên phê bình văn học có mặt gắn với thời sự và chính trị xã hội. Nếu lại có một đợt sóng như đổi mới, nó sẽ dâng theo. Nhưng tôi nghĩ trong tương lai nó sẽ thuần về chuyên môn hơn và mang nhiều tính học thuật hơn, khám phá và vận dụng những công cụ khoa học mới hơn. Thế nhưng, nếu đọc bộ
Văn học Việt Nam thế kỉ 20 mà ông Phan Cự Đệ chủ biên vừa ra thì lại thấy nhiều chỗ cực kì cũ, ngỡ như không còn gì mới dưới gầm trời này để mà nhìn nữa.
talawas: Anh là một tác giả từng gặp những phê phán gay gắt trên chính diễn đàn talawas này…
PXN: Với tôi, diễn đàn nào tạo được sự tự do, bình đẳng và chính trực trong những cuộc trao đổi về bất kì đề tài gì, chính trị xã hội hay văn học, thì tôi sẵn sàng tham gia.
talawas: Xin chân thành cảm ơn anh Phạm Xuân Nguyên.
Berlin, tháng Ba 2005
© 2005 talawas