trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
14.4.2005
Hoàng Ngọc-Tuấn
Về bài thơ "Ờ, tại sao hỏi?" của Khuyến, và phản ứng lạ lùng của Phan Nhiên Hạo
 
Hôm nay, ngày 12.4.2005, trên mục Văn học Việt Nam của talawas có đăng bài "Về một bài thơ của tôi bị đạo văn trên Tiền Vệ" của Phan Nhiên Hạo. Bài ấy có những điểm chính sau đây:

  1. Tố cáo Tiền Vệ đăng bài thơ "Ờ, tại sao hỏi?" của tác giả Khuyến là một bài thơ đạo văn của Phan Nhiên Hạo.

  2. Phản đối những người chủ trương tạp chí Việt, tiền thân của Tiền Vệ, trước kia "đã phê phán gay gắt cái mà các ông cho là trường hợp đạo văn của nhà thơ Lê Ðạt", mà bây giờ lại đăng một bài thơ đạo văn.

  3. Đòi hỏi "nếu tác giả Khuyến không biết cách hành xử như vậy, thì ban biên tập Tienve nên có trách nhiệm chú thích."

Trước khi đi vào một số chi tiết có liên quan trực tiếp đến lời tố cáo của Phan Nhiên Hạo, tôi xin thay mặt Tiền Vệ trả lời rất tóm tắt cả 3 điểm trên để độc giả có thể nắm được ngay sự thật.

  1. Tác giả Khuyến không ghi xuất xứ nguyên tác của bài thơ được sử dụng như nguyên liệu để nhái giễu, và ban biên tập không thể nhớ hết hàng ngàn bài thơ đã đăng, nên tin rằng đó là một bài thơ original.

  2. Những người chủ trương tạp chí Việt, tiền thân của Tiền Vệ, chưa từng bao giờ nói rằng nhà thơ Lê Đạt hay bất cứ ai đạo văn. Vào tháng 6 năm 2000, cá nhân tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn, trong bài viết "Sáng chế tài liệu giả..." (Hợp Lưu, số 53), đã lên tiếng về trường hợp nhà thơ Lê Đạt, trong một tiểu luận đã sử dụng những trích dẫn mơ hồ, có vẻ như bịa đặt. Trong bài viết ấy, hoàn toàn không có một chữ "đạo văn" nào cả. Tôi cũng chưa từng viết bất cứ bài nào đề cập đến một trường hợp đạo văn nào cả. Riêng Nguyễn Hưng Quốc chưa bao giờ nêu lên bất cứ một nhận xét nào xấu về Lê Đạt, kể cả trong lúc cuộc tranh luận về "Trí thức và phản trí thức" đang diễn ra gay gắt. Phan Nhiên Hạo hoàn toàn bịa đặt ra điều này để bêu xấu Tiền Vệ.

  3. Tất nhiên ban biên tập Tiền Vệ có trách nhiệm chú thích nếu biết rõ xuất xứ (và chúng tôi đã từng làm điều này cho rất nhiều bài đã đăng trên Tiền Vệ, đặc biệt là các tiểu luận). Nhưng, như đã nói ở điều 1, ban biên tập không thể nhớ hết hàng ngàn bài thơ đã đăng trên Tiền Vệ (và hàng triệu bài thơ đã đăng khắp nơi), nên nếu chúng tôi không thấy có điều gì đáng ngờ, thì chúng tôi vẫn xem bài thơ của một tác giả gửi đăng là original. Nhân đây, chúng tôi thành thật xin lỗi Phan Nhiên Hạo về sơ suất ngoài ý muốn ấy. Tuy nhiên, trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng vẫn là trách nhiệm của chính tác giả. Trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một tờ báo bị đưa ra toà vì đăng nhầm một bài thơ của một tác giả bị lên án là đạo văn. Chính tác giả mới là người phải trả lời về hành vi của mình.

Trước khi đi vào những chi tiết cần thiết dưới đây, tôi muốn thưa cùng độc giả rằng tôi lấy làm tiếc khi một tai nạn như thế này đã lỡ xảy ra. Từ trước đến nay, talawas vẫn luôn luôn liên lạc với Tiền Vệ để kiểm chứng tính xác thực của những sự kiện liên hệ trong những đoạn văn có đụng chạm đến Tiền Vệ, dù rất nhỏ. Lần này, có lẽ vì một lý do nào đó, talawas quên kiểm chứng trước khi đăng. Tôi tin rằng nếu talawas đã liên lạc với chúng tôi như thường lệ để kiểm chứng các chi tiết liên quan đến Tiền Vệ trong bài viết của Phan Nhiên Hạo, thì tôi đã khỏi phải viết bài viết chẳng đặng đừng này, và đã để cho những điều không hay ho trôi vào quên lãng. [1]


1. Về bài thơ "Ờ, tại sao hỏi?” của Khuyến:

Trong bài tố cáo, Phan Nhiên Hạo đã nhập đề với những lời rất thẳng thừng:

Hôm nay, 8 tháng 4, 2005, Tienve có đăng bài thơ của tác giả Khuyến: “Ờ, tại sao hỏi?”. Bài này sử dụng nguyên văn một bài thơ của tôi, bài “Tại sao hỏi”, in trong tập Chế tạo thơ ca 99-04, và trước đây cũng đã xuất hiện trên chính Tienve.
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1595

Tác giả Khuyến đã biến nguyên văn bài thơ của tôi thành bài của ông/bà ta, ngoại trừ thêm vào vài câu trong ngoặc đơn, mà không có một dòng chú thích nào. Rõ ràng đây là trò đạo văn. Tôi không quan tâm (đôi khi đồng nghĩa với khinh bỉ) những trò ám chỉ kiểu du kích thảm hại. Ðiều tôi thắc mắc là ban biên tập Tienve, những người từng lớn tiếng chống lại việc đạo văn trước đây, nay lại đi phổ biến một món hàng ăn cắp.

Tôi xin được giải thích sự việc này như sau:

Vào ngày 3 tháng 1, 2005, tác giả Khuyến (mà cho đến ngày 7.4.2005 tôi mới biết tên thật của anh Khuyến là chị Nguyễn Trần Khuyên) đã gửi đến Tiền Vệ 4 bài thơ:

  1. "Một bài thơ vận mệnh/Cô ấy ví von”
  2. “Qué lồn cài”
  3. “Tắm hơi 54”
  4. "Ờ, tại sao hỏi?"

Cả 4 bài đều trông như những bài thơ hoàn toàn original, nghĩa là tác giả có lẽ đã quên ghi xuất xứ các nguyên tác được sử dụng để nhái giễu. Tuy nhiên, tôi, người phụ trách biên tập, đã phát hiện ngay rằng bài "Một bài thơ vận mệnh/Cô ấy ví von” là sự nhái giễu bài “Chùm thơ vận mệnh” của Đinh Linh; “Qué lồn cài” nhái-giễu “Cái lồn què” của Bùi Chát; và “Tắm hơi 54” nhái giễu “Căn phòng 2.2-âm thanh sóng” của Lê Thị Thấm Vân.

Riêng bài "Ờ, tại sao hỏi?", thì lúc ấy chúng tôi chưa phát hiện rằng tác giả Khuyến (Nguyễn Trần Khuyên) đã nhái giễu ai, vì ký ức tôi có hạn nên không thể nhớ nổi một bài thơ không thực sự gây ấn tượng mạnh trong số hàng ngàn bài thơ đã đăng trên Tiền Vệ và hàng triệu bài thơ ở khắp nơi.

Tiền Vệ không đăng 3 bài thơ đầu, vì nhận định rằng sự nhái-giễu ấy chỉ là sự bắt chước lại một lối chơi của nhóm Mở Miệng, chứ không phải là một sáng kiến mới. Còn bài thơ thứ 4, thì chúng tôi còn do dự, vì không biết có phải đó là một bài nhái-giễu hay là bài original.

Vào ngày 6.4.2005 (ngày Úc), ban biên tập talawas có chuyển đến chúng tôi bài viết "Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực" của Nguyễn Trần Khuyên để kiểm chứng lại một chi tiết có liên quan đến việc Tiền Vệ vì kỳ thị phái tính đã từ chối đăng thơ của chị ấy. Chi tiết ấy nằm trong đoạn văn sau đây. Nguyễn Trần Khuyên viết:

Tính đực và sự cổ hủ, chuyên quyền “đực” của Tiền Vệ càng xuất hiện rõ khi vào khoảng đầu tháng 3, để góp thêm minh chứng cho bài viết này, chúng tôi thử dùng một bút danh khác, nhái - giễu lại thơ của Đinh Linh (bài “Chùm thơ vận mệnh” thành “Một bài thơ vận mệnh/Cô ấy ví von”), Bùi Chát (bài “Cái lồn què” thành “Qué lồn cài”), Lê Thị Thấm Vân (bài “Căn phòng 2.2-âm thanh sóng” thành “Tắm hơi 54”), nhưng xoay ngược nội dung về bình quyền nam-nữ thì BBT hoàn toàn im lặng, không cho đăng, không hồi âm một dòng nào về loạt bài mà Tiền Vệ đã nhận. Chúng tôi thử gửi thêm một email đến Tiền Vệ hỏi về việc có sử dụng những bài này hay không thì vẫn nhận được sự im lặng tuyệt đối. Nên sau đó, chúng tôi rút ra 2 kết luận: một là chúng tôi -những người đọc/viết nữ đã vô tình xúc phạm đến tính đực của “khối cộng đồng đực” BBT Tiền Vệ, hai là đường lối và chủ trương của Tiền Vệ là nơi “tự do, bất chấp địa lí, chính trị” không đúng với sự thật lắm, thuận phe mình thì mới đăng (nội dung càng “bốc” và “dâng hiến” cho phe nam thì càng được đón nhận, miễn đừng có ý bẻ đường lối của Tiền Vệ). Và Tiền Vệ cũng không phải là sân chơi tự do theo đúng nghĩa, không được công bình, cởi mở cho lắm khi nhận thơ copy, thơ nhái lại của nhóm Mở Miệng mà lại không nhận bài nhái, copy của tác giả khác.

Đoạn văn này cho thấy cách làm việc rất "ly kỳ" của Nguyễn Trần Khuyên. Trước hết, chị xăn tay thực hiện một bài viết từ cái giả thuyết rằng Tiền Vệ là một website có tính đực và sự cổ hủ, chuyên quyền "đực". Rồi để "thêm minh chứng cho bài viết này", thay vì bỏ thì giờ đọc kỹ xem Tiền Vệ có vừa khít với cái giả thuyết ấy chăng, chị lại tạo ra "minh chứng" qua một cuộc thí nghiệm khéo léo: Chị lôi vài bài thơ trong Tiền Vệ ra để giễu nhại và (để cho kết quả cuộc thí nghiệm được chắc ăn hơn), chị ký một cái tên cộc lốc có vẻ "đực" (thay vì dùng tên của mình), rồi gửi về Tiền Vệ để... chờ kết quả. Và quả đúng như chị mong đợi, Tiền Vệ đã không đăng (may quá, nếu Tiền Vệ đăng thì hỏng cả bài viết và cái giả thuyết thú vị!).

Ngay sau khi đọc đoạn văn này của chị, tôi đã có gửi ngay một email đến ban biên tập talawas và tác giả Nguyễn Trần Khuyên. Trong email đó, tôi có giải thích như sau:

[...] Hàng ngày, Tiền Vệ nhận rất nhiều bài vở do các nhà thơ/nhà văn gửi qua web (mục "gửi bài"). Sau khi gửi, nhà thơ/nhà văn sẽ nhận được ngay một thư hồi báo automatic từ website Tiền Vệ. Vì không có đủ nhân lực và thì giờ, BBT Tiền Vệ không thể trả lời riêng cho tất cả những người gửi bài, mà chỉ gửi thư trao đổi hoặc báo tin khi bài được chọn đăng.

Về trường hợp các bài thơ của chị Khuyên, chúng tôi có nhận được qua web Tiền Vệ vào đầu tháng 3, nhưng không chọn đăng không phải vì một ý nghĩ phân biệt giới tính. Lý do là tác giả chỉ ký một chữ "Khuyến", nên chúng tôi không thể biết được tác giả là nam hay nữ. Vả lại, tên "Khuyến" thường là tên nam. Xin nhắc lại, tác giả đã chỉ ký 1 chữ "KHUYẾN" cho những bài thơ, chứ không phải ký tên Nguyễn Trần KHUYÊN như trong bài viết gửi talawas. Do đó, tôi tưởng một anh chàng nào tên "KHUYẾN" đã viết những bài thơ đó.

Chúng tôi không chọn đăng, vì suốt vài tháng vừa qua, chúng tôi nhận được quá nhiều thơ nhái giễu từ quá nhiều tác giả khác nhau. Mỗi tháng, chúng tôi có thể nhận được vài chục bài như thế. Bởi vậy, phần lớn những bài thơ ấy không được chọn đăng, vì lý do như anh NHQ đã nhận xét:

"hình thức nhại văn thơ của người khác chủ yếu là sáng kiến của LĐ, BC và nhóm Mở Miệng. Khi chúng xuất hiện lại dưới những ngòi bút khác, chúng không còn tính 'sáng tạo' nữa mà chỉ là sự lặp lại, sự bắt chước mà thôi, bất kể nội dung như thế nào. Bởi vậy, vấn đề ở đây không phải là phái tính mà là nghệ thuật."...

Ngày 7.4.2005, tôi thấy bài "Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực" của Nguyễn Trần Khuyên xuất hiện trên talawas, trong đó, Nguyễn Trần Khuyên vẫn giữ nguyên những lời phàn nàn như trên về thái độ kỳ thị phái tính của Tiền Vệ trong việc từ chối đăng các bài thơ của chị ấy (mà chị ấy đã ký tên "Khuyến").

Tôi hiểu rằng Nguyễn Trần Khuyên muốn "góp thêm minh chứng" cho lời tố cáo rằng Tiền Vệ kỳ thị phái tính, để làm mạnh thêm cho luận điểm nữ quyền của chị, nên chị ấy đã phớt lờ lời giải thích của tôi. Tất nhiên là thế, vì Nguyễn Trần Khuyên thậm chí còn hoàn toàn phớt lờ tất cả những tiểu luận và sáng tác phẩm nữ quyền triệt để đã đăng trên Tiền Vệ từ trước đến nay!

Tuy nhiên, tôi thấy việc tranh cãi về những chi tiết ấy là không quan trọng. Thậm chí, tôi cũng thấy không cần phải tranh cãi về cái nhận định nhầm lẫn của chị (cũng giống như của một số người khác) về những tiêu chuẩn gọi là "tự do", "công bình", "dân chủ" trong việc chọn đăng các sáng tác phẩm nghệ thuật. (Những tiêu chuẩn này nên áp dụng trong việc đăng những bài tranh cãi: nếu hòn bấc ném đi, mà không cho hòn chì ném lại là hỏng. Ngược lại, cái tiêu chuẩn chọn đăng các sáng tác phẩm nghệ thuật thì khác: nó đặt cơ sở trên chất lượng thẩm mỹ và giá trị sáng tạo. Không phải hễ chúng tôi đã đăng một bài thơ lục bát của ông X, thì phải đăng tất cả những bài thơ lục bát của mọi người trong thiên hạ cho được "công bình", "dân chủ". Không phải sáng tác phẩm bất kể chất lượng ra sao cũng được đăng thì mới gọi là "tự do".)

Tôi đã không muốn tranh cãi về những điều này, vì bản thân tôi thấy thích nhiều điểm khác từ bài viết của chị. Tôi thích thấy một cây bút lý luận phái nữ có ý thức mạnh mẽ về nữ quyền xuất hiện trong khung cảnh văn học Việt Nam hiện nay. Do đó, ngay trong bức email tôi gửi Nguyễn Trần Khuyên, tôi đã phát biểu sự tán thưởng đối với ý tưởng của chị.

Để chứng tỏ cho Nguyễn Trần Khuyên rằng chúng tôi không hề có ý nghĩ kỳ thị đối với thơ của chị ấy, mà còn ủng hộ lập trường nữ quyền của chị ấy (dù chị ấy đã đưa ra những phê phán thiếu chính xác về Tiền Vệ), ngay hôm sau, ngày 8.4.2005, tôi cho đăng trên Tiền Vệ bài thơ "Ờ, tại sao hỏi?” của Khuyến. Lúc ấy, tôi tin rằng bài thơ "Ờ, tại sao hỏi?” là bài thơ hoàn toàn original của Khuyến, vì chính Nguyễn Trần Khuyên đã cho biết trong bài viết trên talawas rằng 3 bài thơ "Một bài thơ vận mệnh/Cô ấy ví von”, “Chùm thơ vận mệnh” và “Tắm hơi 54” là sự nhái-giễu từ các bài của Đinh Linh, Bùi Chát và Lê Thị Thấm Vân, mà không thấy chị đề cập gì đến bài "Ờ, tại sao hỏi?”.


2. Về phản ứng lạ lùng của Phan Nhiên Hạo:

Đầu đuôi sự việc hoàn toàn chính xác là như đã trình bày trên đây. Do đó, tôi cảm thấy hết sức buồn cười khi đọc đoạn văn mang tính paranoid sau đây của Phan Nhiên Hạo:

Tôi ngờ rằng bên cạnh mục đích hướng dư luận ra khỏi cuộc tranh luận về đề tài văn chương thanh tục đang diễn ra hiện nay, bài thơ đạo văn này còn nhằm đặt tôi vào tình trạng tự mâu thuẫn với luận điểm “dĩ độc trị độc” mà tôi đề cập trong một bài viết gần đây. Trong bài “Ông Hà Minh nã đạn nhầm vào nhà văn Kiệt Tấn”, tôi có cho rằng việc Kiệt Tấn dùng lời lẽ tục tĩu để chỉ trích chính sự lạm dụng tục tĩu trong văn chương là cách “lấy độc trị độc” hiệu nghiệm; nay có thể tác giả Khuyến muốn bắt bí tôi, bằng cách lập luận việc đạo văn của ông/bà cũng là cách “lấy độc trị độc” nạn đạo văn.

Bài thơ "Ờ, tại sao hỏi?” được Khuyến viết xong vào ngày 27 tháng 2 (có ghi ngay dưới bài thơ), và gửi cho Tiền Vệ ngày 1 tháng 3. Mãi đến ngày 25 tháng 3 mới có bài viết "talawas đang trượt dài sang lĩnh vực 'văn chương dâm uế'…" của Hà Minh xuất hiện trên talawas. Đến ngày 28 tháng 3, mới có bài “Ông Hà Minh nã đạn nhầm vào nhà văn Kiệt Tấn” của Phan Nhiên Hạo trên talawas.

Thử hỏi Khuyến có phải là nhà đại tiên tri không mà có thể viết XONG bài thơ hơn một tháng trước đó để "bên cạnh mục đích hướng dư luận ra khỏi cuộc tranh luận về đề tài văn chương thanh tục đang diễn ra hiện nay, bài thơ đạo văn này còn nhằm đặt tôi vào tình trạng tự mâu thuẫn với luận điểm “dĩ độc trị độc” mà tôi đề cập trong một bài viết gần đây" như Phan Nhiên Hạo nghi ngờ?

Phan Nhiên Hạo đọc bài thơ Ờ, tại sao hỏi?, thấy ngày 27 tháng 2 năm 2005 được ghi rành rành như thế, mà vẫn nghi ngờ đây là một âm mưu ám hại mình. Nỗi nghi ngờ này thật lạ lùng. Nếu nó không là triệu chứng paranoia, thì có lẽ nó là sự nghi ngờ giả vờ của một ác ý, muốn kiếm chuyện để bêu xấu Tiền Vệ. Theo tôi, ác ý này hoàn toàn có liên quan đến những nhận định vô lối của Phan Nhiên Hạo về Tiền Vệ trong bài viết “Ông Hà Minh nã đạn nhầm vào nhà văn Kiệt Tấn” của anh.

Trong bài ấy, Phan Nhiên Hạo đã bất ngờ đưa ra một lời nhận định về Tiền Vệ như sau:

talawas đang chơi cuộc chơi dân chủ rất tự tin và công bằng (fair). Hy vọng về phương diện này, Tienve cũng không quá cách xa talawas, cũng sẽ lắng nghe những ý kiến khác với chủ trương “cách tân” của mình mà không chụp cho chúng ngay cái mũ “hủ lậu” hoặc “phản động”.

Đọc lời nhận định này, tôi hết sức ngạc nhiên. Từ trước đến nay, Tiền Vệ đã đối xử với Phan Nhiên Hạo một cách rất đặc biệt, thân ái, và hoàn toàn đẹp đẽ. Chúng tôi chưa hề từ chối bất cứ tác phẩm nào của anh, và vẫn luôn luôn thực hiện mọi yêu cầu của anh có lợi cho anh. Và chắc hẳn anh đã thấy tôi, ở trách nhiệm người biên tập chính của Tiền Vệ, đã chăm sóc từng tác phẩm của anh như thế nào. Tôi luôn luôn cẩn thận dò tìm và sửa chữa bất cứ một lỗi chính tả nào của anh. Tôi luôn luôn cân nhắc và ân cần góp ý cho anh về từng chữ anh dịch nhầm, dịch sót. Trao đổi với anh, tôi luôn luôn dùng ngôn ngữ thân ái và nhã nhặn nhất. Ngay trong ngày anh đang tung ra lời nhận định lạ lùng ấy, Tiền Vệ đang đăng một bản dịch của Phan Nhiên Hạo từ một truyện ngắn Anh ngữ của Đinh Linh. Bởi thế, tôi thoạt tiên tôi lấy làm kinh ngạc về lời nhận định của anh, nhưng tôi vẫn nói với anh em trong ban biên tập Tiền Vệ rằng có thể đó chỉ là một sự trục trặc trong cách viết của Phan Nhiên Hạo.

Thế nhưng, ngay sau đó, lời nhận định lạ lùng này đã gây ra những phản ứng khôn lường từ phía độc giả (như sau đó chúng tôi đã trình bày trong bài viết ngắn có nhan đề "Tiền Vệ chụp mũ?", đăng trên talawas ngày 30 tháng 3, 2005). Tôi có trao đổi qua email với Phan Nhiên Hạo và hỏi anh ấy về ý nghĩa của lời nhận định trên. Anh có giải thích với tôi rằng ý anh muốn nói là Tiền Vệ cũng không khác với talawas bao nhiêu trong tinh thần dân chủ, chịu được những ý kiến khác với mình, và anh mong Tiền Vệ cũng vẫn là một diễn đàn như vậy trong tương lai. Tôi bèn đề nghị anh nên sửa lại câu văn trong bài viết ấy cho trong sáng như điều anh muốn nói, thì anh lại đề nghị nên bỏ qua, vì anh cho rằng đây là một sự hiểu lầm nhỏ nhặt. Khi tôi trình bày với anh về những phản ứng mãnh liệt của độc giả đối với Tiền Vệ, thì anh lại đề nghị Tiền Vệ đừng nên lưu tâm đến những phản ứng ấy, và nếu tôi có gửi cho anh xem những feedbacks của độc giả thì anh sẽ không đọc. Khi tôi tiếp tục trình bày với Phan Nhiên Hạo về sự cần thiết của một lời minh giải từ phía anh đối với độc giả, thì anh đề nghị Tiền Vệ gửi một bài viết ngắn gọn lên talawas yêu cầu Phan Nhiên Hạo làm rõ ý, để rồi anh sẽ trả lời cũng ngắn gọn về điều ấy, thay vì anh phải tự sửa lại những gì đã lỡ viết ra. Sau đó, anh Nguyễn Hưng Quốc thay mặt Tiền Vệ viết một bài ngắn, và chúng tôi đã gửi bài ấy đến talawas và Phan Nhiên Hạo. Bài viết ấy đã được talawas đăng ngay vào mục "thư độc giả"! [2] Sau đó, Phan Nhiên Hạo lập tức trả lời bằng một bài viết còn ngắn hơn bài thắc mắc của Tiền Vệ, và bài viết của anh được đăng ngay vào mục "Văn học Việt Nam"! Đồng thời, Phan Nhiên Hạo yêu cầu chúng tôi đăng lại cả bài thắc mắc của Tiền Vệ và bài trả lời của anh lên trang Tiền Vệ để độc giả dễ dàng theo dõi. Và chúng tôi đã làm như thế.

Tất nhiên, khi đọc bài trả lời của anh trên talawas, tôi thấy rõ ràng ý anh trình bày không được giống như ý anh trao đổi với tôi. Nhưng vì muốn mọi chuyện kết thúc êm đẹp, tôi đã gửi email thân ái cảm ơn anh.

Ngay từ đầu, anh em trong ban biên tập Tiền Vệ đã thấy có điều gì trục trặc trong lời nhận định của Phan Nhiên Hạo về Tiền Vệ. Nhiều độc giả và một số nhà văn/nhà thơ cũng đã gửi thư về toà soạn Tiền Vệ, nhận xét rằng lời nhận định ấy có mang ác ý. Bài trả lời của Phan Nhiên Hạo đã có cố gắng loay hoay giải thích ý nghĩa câu văn ấy ở một mức độ khác, nhưng tôi tin rằng bất cứ độc giả văn chương bình thường nào cũng nhận ra ngay một sự trục trặc khác thường. Để dễ liên tưởng đến cảm giác của người đọc trước câu văn của Phan Nhiên Hạo, tôi xin đặt nó song song với một câu có mô thức tương tự:

  1. talawas đang chơi cuộc chơi dân chủ rất tự tin và công bằng (fair). Hy vọng về phương diện này, Tienve cũng không quá cách xa talawas, cũng sẽ lắng nghe những ý kiến khác với chủ trương “cách tân” của mình mà không chụp cho chúng ngay cái mũ “hủ lậu” hoặc “phản động”.

  2. Hồng Hồng cư xử rất ngay thẳng và đạo đức. Hy vọng về phương diện này, Tuyết Tuyết cũng không cách quá xa Hồng Hồng, cũng sẽ ăn ở đàng hoàng chứ không lẻn ra ngoài đường để hút xách hoặc làm đĩ.

Phan Nhiên Hạo giải thích câu văn 1 như sau:

Nếu quý vị đọc kỹ lại câu văn trên của tôi, sẽ thấy nó là một câu được viết ở thì tương lai, thể hiện qua hai từ: “HY VỌNG” và “SẼ”. Câu này diễn tả những mong đợi của tôi về Tienve. Cụ thể, tôi mong Tienve cũng như talawas, sẽ là những diễn đàn dân chủ “chịu được những ý kiến khác với chủ trương” của mình. Vì câu của tôi ở thì tương lai, nên cái mệnh đề: “mà không chụp cho chúng ngay cái mũ “hủ lậu” hoặc “phản động” cũng nhằm diễn tả một giả định tương lai. Mệnh đề này chỉ nhằm hoàn thành cái logic của câu văn: tôi hy vọng anh chị sẽ làm chuyện X mà không làm chuyện Y, vì hai chuyện này trái ngược nhau. Nó không nhất thiết có nghĩa tôi khẳng định Tienve đã hoặc đang chụp mũ ai. Rất tiếc, một số người đọc câu văn này khác xa với chủ ý của tôi.

Nếu lời biện giải của Phan Nhiên Hạo là có lý, thì người khác cũng có thể giải thích câu văn 2 như sau:

Tôi không có ác ý gì với Tuyết Tuyết, vì đó là một câu được nói ở thì tương lai, thể hiện qua hai từ: “HY VỌNG” và “SẼ”. Câu này diễn tả những mong đợi của tôi về Tuyết Tuyết. Cụ thể, tôi mong Tuyết Tuyết cũng như Hồng Hồng, sẽ là những cô gái ngay thẳng và đạo đức. Vì câu của tôi ở thì tương lai, nên cái mệnh đề: “chứ không lẻn ra ngoài đường để hút xách hoặc làm đĩ” cũng nhằm diễn tả một giả định tương lai. Mệnh đề này chỉ nhằm hoàn thành cái logic của câu văn: tôi hy vọng Tuyết Tuyết sẽ làm chuyện X mà không làm chuyện Y, vì hai chuyện này trái ngược nhau. Nó không nhất thiết có nghĩa tôi khẳng định Tuyết Tuyết đã hoặc đang hút xách hay làm đĩ. Rất tiếc, một số người nghe câu nói này khác xa với chủ ý của tôi.

Ai theo dõi Tiền Vệ thật kỹ sẽ biết rõ rằng chỉ có một lần duy nhất Tiền Vệ sử dụng hai chữ "hủ lậu" và "phản động" trong bài "Về bài báo trên tờ Thanh Niên ngày 29/1/2004", nhằm để phản công bài báo "Trò bôi bẩn văn chương" của Hà Phan (một người phụ trách trang văn học của báo Thanh Niên). Bài báo của Hà Phan là một bài báo mang tính chất đe doạ, sử dụng ngôn ngữ công an, trong đó, tác giả đã thẳng thừng đề nghị chính quyền trấn áp Tiền Vệ bằng "một biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chận và xử lý".

Trong bài phản công của Tiền Vệ có câu:

Chúng tôi chỉ băn khoăn về một số cách suy nghĩ rất lạc hậu, và vì lạc hậu nên trở thành “phản động” (theo nghĩa chống lại xu hướng vận động và đổi mới) đằng sau bài viết ấy.

Sau khi Tiền Vệ phản công mạnh mẽ, và dư luận độc giả trong và ngoài nước kịch liệt phản đối bài báo ấy, tờ Thanh Niên đã nhận ra cái sai lầm của họ và lập tức xoá hẳn bài báo ấy trên trang web của họ. Bởi vậy, thật khó để tôi tưởng tượng rằng Phan Nhiên Hạo lại cảm thấy bức xúc dài lâu khi Tiền Vệ dùng hai chữ ấy để phản công bài báo của Hà Phan.

Thế nhưng, ngoài bài viết rất cần thiết ấy của Tiền Vệ, không còn chỗ nào khác trên Tiền Vệ để Phan Nhiên Hạo nhặt ra hai chữ "lạc hậu" và "phản động" khi đề cập đến thái độ ứng xử của Tiền Vệ trước "những ý kiến khác với chủ trương “cách tân” của mình". Nếu không như thế thì thật là khó hiểu khi thình lình từ hư vô hai chữ ấy xuất hiện trong trí Phan Nhiên Hạo lúc anh đang nhận định về Tiền Vệ. Quả thật, điều này cũng khó hiểu như hai chữ "hút xách" và "làm đĩ" từ hư vô thình lình nẩy sinh trong đầu kẻ đang chúc phúc cho cô Tuyết Tuyết con nhà lành vậy!

Vừa thốt lên xong cái nhận định với lối lập ngôn khó nghe và vô cớ ấy cách đây được hai tuần lễ, tưởng đã yên, thì nay Phan Nhiên Hạo lại thình lình tung ra bài viết "Về một bài thơ của tôi bị đạo văn trên Tiền Vệ". Nếu quả tình đây không phải là sự khai triển cái ác ý sẵn có, thì hẳn phải là một thái độ cơ hội chủ nghĩa của một thương nhân xấu bụng, vin vào một điều nhỏ nhặt (có thể điều chỉnh lập tức hết sức dễ dàng, và chúng tôi đã điều chỉnh bằng cách thêm một lời chú thích vào dưới bài thơ "Ờ, tại sao hỏi?", mời quý độc giả vào xem), và thổi phồng nó thành một scandal thật lớn, để tiếp thị. Vốn là một cộng tác viên rất gần gũi và vẫn thường xuyên trao đổi email với chúng tôi, Phan Nhiên Hạo có thể viết một email nhắc Tiền Vệ nhớ lại bài thơ của mình, để Tiền Vệ bổ sung ngay cái chú thích vào bài thơ của Khuyến, thay vì lẳng lặng viết và gửi đăng trên talawas một bài dài chứa đựng những lời tố cáo hoàn toàn bịa đặt và và nêu lên cái nghi vấn hoàn toàn vô căn cứ như thế. Nhưng không, Phan Nhiên Hạo đã cố thổi phồng nó thành một scandal thật to, như thể anh muốn nhân cơ hội này để làm ầm ĩ, nhằm tiếp thị bài thơ rất bình thường của mình đến ký ức của mọi người. Buồn thay!

Sydney, 12.04.2005

© 2005 talawas



[1]Chú thích của talawas: Khi nhận được một bài phê bình (hoặc có những điểm phê bình) một diễn đàn đồng nghiệp, chúng tôi tuân theo nguyên tắc sau:
  1. Trong trường hợp talawas quyết định đăng bài, sau khi hoàn thành khâu biên tập, chúng tôi thông báo lịch đăng bài đó đến diễn đàn đồng nghiệp để họ đón đọc. talawas cũng có thể gửi bản đã biên tập trước khi đăng đến diễn đàn đồng nghiệp, song đây không phải là việc bắt buộc và chỉ được thực hiện nếu tác giả không phản đối.
  2. Trong trường hợp còn một số thông tin cần phải xác minh mà bản thân talawas không có đủ nguồn tin cần thiết, chúng tôi liên lạc với diễn đàn đồng nghiệp để kiểm chứng trước khi quyết định có đăng bài hay không.
Vì các thông tin liên quan đến Tiền Vệ trong bài viết của Phan Nhiên Hạo (bài thơ “Tại sao hỏi” của Phan Nhiên Hạo và bài thơ “Ờ, tại sao hỏi” của Khuyến) là những thông tin công khai trên mạng, chúng tôi thấy không cần phải đề nghị Tiền Vệ kiểm chứng, nên chỉ thông báo lịch đăng bài như đã nêu ở trường hợp 1.
[2]Chú thích của talawas: Đăng bài “Tiền Vệ chụp mũ” trong mục nào là một trong những việc cần quyết định tập thể của cả BBT talawas. Trừ quyền phủ quyết (cho đến nay chưa bao giờ phải áp dụng) của Tổng biên tập, các quyết định tập thể của talawas dựa trên cơ sở đa số phiếu. Đại đa số phiếu của các biên tập viên đã quyết định đưa bài nói trên vào mục “Thư độc giả”.