Vá» việc cố tình bôi nhá» danh dá»± ngÆ°á»i khác của ông Lại Nguyên Ân
Trên mạng talawas phát ngày 15-5-2004 có in bài của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân viết tại Hà Nội ngày 8-4-2004, nhan đề: “
Ông Hảo thanh toán chứng từ Ly thân đi chứ!” nhằm bịa tạc, vu khống, bôi nhọ cá nhân chúng tôi một cách ác ý vô bằng cớ. Thí dụ khi ông Ân viết như sau:
Người ta thì thầm: “TMH thế mạnh lắm, có ông lớn dùng, mạnh lắm.”- “Thật không?” – “Thì khi được hỏi sao các anh để TMH phê phứa đi, đánh tùm lum như thế?”, ông kia bảo: “Thì chúng tôi cũng phải có ‘đầu gấu’ của chúng tôi chứ!”. “Thấy chưa, thế là được dùng, được đảm bảo rồi nhé!”. Toàn những chuyện đồn thổi không thể xác minh, tôi bị nghe không ít những chuyện tương tự mà chẳng tin chuyện nào.
Có thể nói, bài viết này của Lại Nguyên Ân đều lấy “toàn những chuyện đồn thổi không thể xác minh” làm cứ liệu, làm dẫn chứng như ông vừa nói trên để đưa ra những kết luận bôi nhọ danh dự cá nhân chúng tôi, mà chính ông Lại Nguyên Ân cũng “chẳng tin chuyện nào” như ông nói trên. Tại sao những điều đồn thổi nhảm nhí do những người bị chúng tôi phê bình bịa ra mà ông Ân cũng chẳng tin, lại được ông dùng làm căn cứ trong bài viết để chống chúng tôi? Ví phỏng, hiện nay, đang có rất nhiều tin đồn về sự xuất hiện khá bất thường và liên tục của ông Lại Nguyên Ân trên các buổi văn học nghệ thuật của các đài phát thanh nước ngoài phát tiếng Việt; nơi ông Ân dùng làm diễn đàn dưới nhãn hiệu trả lời phỏng vấn, cũng như trên một số trang web hải ngoại để “tố” các anh em từng đồng môn “phê bình nghiên cứu văn học” với ông theo quan điểm “Mỹ học Mác-xít” một thời, giờ theo ông thảy đều là phê bình “xu phụ”, “phê bình chỉ điểm”, “phê bình đấu tố”, “phê bình quan phương”...; đồn rằng ông Ân đã được một “bà lớn” hải ngoại dùng, rằng ông Ân kiếm chác được cũng khớ...? Người ta còn đồn thổi nhiều điều rác tai về Lại Nguyên Ân lắm... Nếu tôi cũng theo phương pháp “hóng chuyện đồn nhảm” của ông mà viết một bài báo, kể ra những tin đồn khắp nơi về ông Ân, cốt dùng nó làm chứng cứ nói xấu ông như bài viết rất dài của ông về chúng tôi trên talawas, thì người đọc sẽ nhìn tôi bằng cặp mắt phản cảm ngay thôi. Bởi vì việc nói xấu người khác một cách vô bằng cứ là chuyện chẳng hay ho gì. Ðúng như ông Ân viết trong bài báo của mình rằng:
“Lời nói nào ít chân lý có khi lại dễ làm lộ chân tướng người nói”.
Chính Lại Nguyên Ân trong bài viết này, lại toàn dùng những “lời nói ít chân lý” để nói về chúng tôi, như ông viết rằng:
“Có những lời giải thích rụt rè nhưng tựu trung chẳng có gì rõ ràng cả”. Một nhà nghiên cứu văn học như Lại Nguyên Ân chẳng lẽ không hiểu việc làm sơ giản nhất của khoa học là phải “nói có sách, mách có chứng” hay sao? Cớ gì ông Ân lại dùng những lời đồn thổi xàm tấu mà ông cho là “chẳng có gì rõ ràng”, “những chuyện đồn thổi không thể xác minh” ra làm căn cứ để quy kết về hành vi chúng tôi, đến nỗi chính ông cũng phải thốt lên “tôi chẳng tin chuyện nào” thì lạ thật!
Xin quý vị đọc tiếp những kết luận của Lại Nguyên Ân về Trần Mạnh Hảo:
Chỉ có điều muốn hay không muốn cũng phải tin, đó là những gì TMH viết với tư cách nhà phê bình trong 10 năm nay, xét về quan điểm xã hội thì hoàn toàn ngược so với quan điểm xã hội của tác giả tiểu thuyết “Ly thân”. Hẳn là TMH đã quẳng “Ly thân” vào sọt rác rồi, chỉ có điều ông chưa nói rộng ra mà thôi. Mười năm rồi còn gì, bút ông đã cứng theo đường khác rồi còn gì! Dẫu sao tôi vẫn muốn nhắc ông: cần phải thanh toán chứng từ “Ly thân” đi chứ, ông Hảo.
Trước hết, xin hỏi ông Lại Nguyên Ân rằng từ ngày ông bảo nền phê bình văn học Việt Nam hầu như là “phê bình xu phụ” thì ông đã thanh toán những chứng từ là những bài báo ông viết, những cuốn sách ông xuất bản còn nằm trên giá sách nhà chúng tôi “tố cáo ông” vốn từng ca ngợi nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa một thời chưa? Sau nữa, xin thưa với ông Lại Nguyên Ân rằng chuyện chúng tôi viết cuốn tiểu thuyết
Ly hân (ra đời năm 1989) và việc viết phê bình của chúng tôi từ năm 1994 đến nay là một hành trình thống nhất về quan điểm xã hội và quan điểm học thuật, chẳng có gì gọi là “trở cờ”, “phản phé” hay “trái ngược về quan điểm xã hội” như ông nói cả. Chúng tôi cũng không đến nỗi điên rồ ném cuốn tiểu thuyết
Ly thân rất tâm huyết của mình vào sọt rác như ông vu cáo. Trong bài viết của mình, ông Ân đã dành gần một nửa số trang để tóm tắt nội dung
Ly thân. Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói qua về cuốn
Ly thân của mình. Chúng tôi đã viết cuốn tiểu thuyết này sau “cuộc cởi trói cho văn học” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tức là ngay sau khi có lệnh “cởi trói” – một cuộc đổi mới văn học ngoạn mục. Tiểu thuyết
Ly thân nhằm lên án những sai lầm một thời về quan điểm nhìn nhận con người một cách duy tâm, thiếu biện chứng, coi con người là phương tiện mà chủ nghĩa mới là mục đích, coi rẻ trí thức, một kiểu xã hội chủ nghĩa trại lính thiếu nhân tính, tạo cơ hội cho những kẻ “cách mạng” giả hình trục lợi, tha hồ ra uy làm hại người ngay thẳng... Khi cuốn sách đã phát hành gần hết thì một số báo mới đăng tin có lệnh thu hồi; rồi cứ thế mà rộ lên rằng
Ly thân đã bị tịch thu, tác giả và giám đốc NXB Ðồng Nai nơi in cuốn sách đã bị quản thúc tại gia... Một số bài phê phán nặng nề cuốn sách đã đăng trên các báo, mà bài báo đầu tiên phê bình cuốn sách này viết với giọng điệu rất “bảo hoàng” lại in trên tờ báo
Tuổi Trẻ, một tờ được tiếng từ đó đến nay là tờ báo “đổi mới-cấp tiến”... Thực ra, cho đến hôm nay, nhà xuất bản Ðồng Nai và bản thân tác giả chưa hề nhận được văn bản nào của Cục xuất bản hay Bộ Văn hoá ra lệnh thu hồi
Ly thân; chẳng qua chỉ là lệnh miệng của ai đó từ A 25, hay Ban Tư tưởng Văn hoá mà thôi. Chúng tôi thấy việc báo chí đua nhau trấn áp
Ly thân, nên đã viết bài thanh minh nhưng không báo nào đăng cả. Rằng chúng tôi viết
Ly thân nhằm dụng ý tốt, rằng muốn hướng về tương lai đúng đắn thì phải dũng cảm chia tay quá khứ sai lầm, dũng cảm “Ly thân” với những ấu trĩ thời cũ, phải chịu đau đớn giải phẫu khối ung nhọt ngày hôm qua thì xã hội mới có cơ lành bệnh. Nhưng tác giả đã bị báo chí lúc đó bịt miệng, tha hồ bài bác, vu khống
Ly thân đủ điều. Chính trong lúc tranh tối tranh sáng đó thì may mắn thay, báo
Văn Nghệ do nhà thơ Hữu Thỉnh làm tổng biên tập đã cho hội thảo về tiểu thuyết
Ly thân và dành hẳn 2 trang báo lớn cho nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học phát biểu nhận xét về cuốn sách này. Chỉ có điều chính tác giả
Ly thân không được quyền dự cuộc hội thảo về cuốn sách của mình (là do tình hình lúc đó nó thế, phải ứng xử thế). Trong hàng chục ý kiến góp ý của cuộc hội thảo nơi báo
Văn Nghệ, không ai quy
Ly thân là phản động, là chống Đảng như một số bài báo cực đoan đã quy chụp chúng tôi. Cho đến hôm nay, “vụ án
Ly thân” vẫn bị bỏ lửng đấy, chẳng có lệnh cấm chính thức nào mà lạ thay, còn “đáng sợ” hơn là thà nó có lệnh cấm thật. Chúng tôi hiểu mình đã bị dư luận thời đó hiểu lầm, do sự giật dây nào đó muốn dùng
Ly thân làm việc “thí tốt”, hòng răn đe những “tay nào” dám viết ra hết mọi sự thật... Cho đến nay, cuốn tiểu thuyết của chúng tôi vẫn còn bị một án treo có tên là “oan ức”, bị đối xử bằng những biện pháp thiếu dân chủ, thiếu minh bạch, thiếu công khai...
Sau
Ly thân, chúng tôi đã im lặng suốt 4 năm dài, không dám viết thêm một cuốn tiểu thuyết nào nữa. Ðột nhiên, đầu năm 1994, báo chí đăng tải một số ý kiến về thơ rất thiếu tính chuyên nghiệp của các vị : GS. Phong Lê, ông Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hoàng Hưng và một số người khác. Các vị trên đưa ra những đánh giá lạ tai rằng: sau năm 1945, thơ Việt Nam nói chung và thơ Việt ở miền Bắc (sau năm 1954) nói riêng chỉ là thứ thơ nhại lại giọng điệu thơ tiền chiến (tức Thơ Mới 1932-1945), không có gì mới cả; chỉ có thơ Việt miền Nam mà đại diện là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền của nhóm Sáng Tạo là có công đầu đổi mới thi ca, là bước thứ hai thay đổi thi pháp thơ sau bước thứ nhất của Thơ Mới. Những đánh giá phiến diện phi khoa học, phi học thuật này trước hết đã phủ nhận chính thơ của tôi và của lứa các nhà thơ mà người ta quen gọi là “các nhà thơ thời chống Mỹ” ví như các anh chị Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Ðiềm, Nguyễn Ðức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Thanh Tùng... Thơ của lứa chúng tôi về thực chất hoàn toàn khác cả về thi pháp lẫn bút pháp so với Thơ Mới 1932-1945. Kể cả thơ của lứa các nhà thơ chống Pháp cũng đã khác hẳn Thơ Mới rồi. Chính vì để bảo vệ mình và thành tựu thơ của thế hệ mình, tôi đã bước ra từ mặt bằng sáng tác để viết nhiều bài tranh luận với các vị muốn phủ nhận thành tựu thơ của thời chúng tôi. May mắn thay, chúng tôi đã tìm được những cứ liệu sống là những bài viết của ông Thanh Tâm Tuyền từng phủ nhận Thơ Mới, rằng thực ra thơ tiền chiến vẫn chỉ là hồn thơ cũ tân trang, không có gì mới, chỉ có nhóm Sáng Tạo của ông mới là bước thứ nhất cách tân thơ, khác hẳn với đánh giá của Phong Lê và Phạm Xuân Nguyên. Còn nhà văn Võ Phiến từng có khi cho cuộc “đổi mới” của Thanh Tâm Tuyền là cuộc đưa thơ vào chỗ tăm tối. Chính Thanh Tâm Tuyền sau này viết lại, sám hối rằng thời “đổi mới” thơ của ông và của nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn năm 1960 (mà Phong Lê và Phạm Xuân Nguyên hết lời ca ngợi) chỉ là do nhận thức về thơ lúc ấy còn ấu trĩ, còn “chưa chỉnh” mà thôi! Như vậy, chính nhà thơ Thanh Tâm Tuyền mà nhóm Phong Lê sùng bái đã “vô tình” đứng về phía chúng tôi để phản bác lại chính các ông. Chúng tôi đã trích nguyên vẹn lời của Thanh Tâm Tuyền và Võ Phiến trong các bài báo đã công bố 10 năm trước, nay chỉ trích ra một đồng minh khác là nhà phê bình Thi Vũ (tức ông Võ Văn Ái nổi tiếng chống cộng ở hải ngoại). Ông Thi Vũ đã “vô tình” đứng hẳn về phía chúng tôi để bảo vệ thành tựu thơ cách mạng và kháng chiến, chống lại chính ông Phong Lê (lúc đó là Viện trưởng Viện Văn học và ông Phạm Xuân Nguyên là cán bộ Viện) đang ra sức phủ nhận “dòng thơ Việt trong chống Pháp và thơ Việt miền Bắc”. Xin quý độc giả và ông Lại Nguyên Ân đọc lại đoạn trích viết rất đúng của một người Việt chống cộng nhất, là nhà phê bình Thi Vũ, khẳng định công đổi mới thơ sau Thơ Mới thuộc về thơ cách mạng và kháng chiến, như sau:
Thực ra, thơ tự do đã khởi phát từ hồi Cách mạng mùa Thu năm 1945. Ở những giai kỳ lịch sử, khi tâm hồn toàn thể quần chúng bị xáo trộn dữ dội, thi ca- dự báo của ý thức và tư tưởng- lại lột xác để đi tìm ngữ thức mới để bộc lộ. Suốt bốn năm (45-49) cao trào cách mạng và kháng chiến sục sôi, hình thức thơ tiền chiến bể vụn như chiếc phễu thủy tinh hết dung chứa nổi khối lượng đường phèn rò chảy. Như con sông trong xanh lặng lờ bỗng thác nguồn tuôn lũ lụt, dềnh lan hai bờ, dềnh ngập làng mạc ven sông. Ý, chữ, câu, cuồn cuộn tung thơ, chảy thành dòng cuồng nhiệt xôn xao. Bài thơ cứ thế dài lênh, thoáng, đầy, theo những chữ so le bất tận. Thời điểm loạn li ấy, người ta không thể nói ngắn, không thể viết đằm. Ngọn núi lửa đang phun không có kiến trúc. Ngoài lý do lịch sử, còn sự kiện một số người mới đòi hỏi chỗ đứng. Ðội ngũ làm thơ đông lên và trẻ. Họ phải có mặt để nói lên tâm thức thời đại. Họ không muốn, hoặc chưa thể làm những bài thơ đã đạt vị kiểu tiền chiến. Sự cần thiết có mặt, có danh, khiến họ khai phá một thể thức diễn đạt mới. Người cố chôn dìm, người nhắm mắt vượt lớp thi nhân đi trước. Thơ tự do ra đời. Ý lực phủ nhận thơ tiền chiến đã được nổi đuốc bởi nhiều thi sĩ: Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi, Trần Dần, Hồng Nguyên...”. (Trích trong trang 510, đoạn nói về Thanh Tâm Tuyền trong cuốn
Bốn mươi năm thơ Việt Nam 1945-1985 của Thi Vũ, NXB Quê Mẹ ấn hành 1993 tại Paris)
Viết rất đúng về thơ cách mạng và kháng chiến như ông Thi Vũ trên, theo logic Lại Nguyên Ân viết về chúng tôi, chắc ông Ân sẽ quát lên rằng: “Ai cho anh Võ Văn Ái chuyên chống cộng được quyền nói lên sự thật là ca ngợi thành tựu thơ cách mạng và kháng chiến thế?”. Rồi ông Ân chắc sẽ khẳng định: “Viết như ông Thi Vũ này là trở cờ, là phản bội lại ’phe’ của chính ông, là quay ngoắt 180 độ, là lá mặt lá trái”, là “chiêu hồi” ư?
Không, nói lên một điều gì đó đúng sự thật, là quyền của một con người có lương tri, không thuộc độc quyền của bất cứ ai. Chúng tôi dùng lý lẽ của ông Thi Vũ, của chính Thanh Tâm Tuyền và của nhà văn lão thành Võ Phiến làm chứng cứ để chống lại sự nói và viết sai sự thật của Phong Lê – Phạm Xuân Nguyên trong trường hợp các ông này phủ nhận thành tựu thơ cách mạng và kháng chiến. Rõ ràng, việc phê bình này của chúng tôi là việc làm chân chính của một con người cố sống chết đi theo sự thật và lẽ phải, giống những nguyên lý chúng tôi dùng viết tiểu thuyết
Ly thân; tuyệt nhiên không phải là những lời xàm tấu như Lại Nguyên Ân bôi nhọ vu khống chúng tôi:
Bút ông đã cứng đi theo đường khác… Những ai cùng phe cũ nghe giọng Hảo chợt thấy khác, ngày càng rõ là khác hẳn. Trong giới kháo nhau: TMH về phe kia rồi, quay cờ rồi. Cẩn thận đấy, những tay chiêu hồi bao giờ cũng đánh đồng đội cũ trúng nhất, ác nhất, đau nhất, độc hại nhất!
Xin thưa với ông Lại Nguyên Ân là bản thân tôi không đứng về phe nào cả, “đổi mới” thì đã có ông và các ông khác... đang nhảy ra sân khấu diễn trò, “bảo thủ” thì cũng không đến lượt tôi, một người năm 1989 đã bị đuổi ra khỏi biên chế nhà nước và khai trừ Đảng, có đâu được vinh dự ăn lương cán bộ văn nghệ của nhà nước suốt đời như ông! Chúng tôi chỉ một lòng luôn cố gắng đứng về phe sự thật và lẽ phải, không bao giờ nhảy ra kiếm lợi như ai đó từng viết rất nhiều bài ca ngợi nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nay bỗng phủ nhận sạch trơn quá khứ mình, để nói công khai trên các đài hải ngoại, trên các trang web hải ngoại, đi “tố”, đi “tâu” với một số phương tiện truyền thông hải ngoại... rằng những kẻ cùng hội cùng thuyền với mình ngày xưa thảy là đám “phê bình xu phụ”, là đám tôi đòi của kẻ nắm quyền lực cả!
Cũng xin thưa lại với ông Lại Nguyên Ân rằng, chín phần mười những bài phê bình của chúng tôi là dành để phê bình những cái sai của sách giáo khoa văn học, cũng như các giáo trình văn học ở bậc đại học. Chẳng lẽ khi chúng tôi phê bình ông Nguyễn Ðăng Mạnh soạn sách giáo khoa và soạn các bài văn mẫu đã bảo “văn chương vốn là vật vô tri”, bảo nền văn học ông cha ta từ Lý Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du “là quá sức đơn sơ, bé nhỏ”, bảo “phong cách văn Nguyễn Tuân là ngông, là lan man, vớ vẩn, dông dài...”, bảo “văn chương là lĩnh vực tư tưởng”, bảo bài thơ
Mời trầu của Hồ Xuân Hương là “lời mắng chửi kẻ đến cầu duyên”... và hơn 50 điều bảo sai, dạy sai về văn học của vị GS này do chúng tôi chỉ ra là “trở cờ”, là “bảo thủ”, “đánh lại anh em đổi mới” hay “chiêu hồi” ư? Cũng như vậy, chúng tôi đã viết hàng trăm bài vạch ra cả một hệ thống dạy sai kiến thức văn học của các vị GS đầu ngành, đến nỗi bộ GD & ÐT phải cho sửa và in lại sách giáo khoa văn trung học, chẳng lẽ là việc làm tráo trở, quay quắt, đánh vào “đổi mới văn học” như ông Ân vu cáo chúng tôi ư? Chả lẽ khi chúng tôi viết hàng chục bài phê phán nền giáo dục đang đi sai đường của chế độ, đòi cách chức những người có trách nhiệm làm tha hoá nền giáo dục hiện nay từ bộ trưởng giáo dục trở lên... là “phản phé”, là “đánh lại anh em đổi mới” như ông Ân vu cáo ư?
Bài viết đã dài, chúng tôi xin đợi sự trả lời của ông Lại Nguyên Ân. Bởi chân lý bao giờ cũng cụ thể. Xin ông hãy căn cứ vào văn bản để trao đổi lại với chúng tôi, chứ đừng căn cứ vào những lời “chẳng có gì rõ ràng”, “chuyện đồn thổi không thể xác minh”, những điều mà chính ông “cũng chẳng tin” như bài trên talawas để ra làm cứ liệu nhằm lên án chúng tôi. Nếu sau khi chúng tôi công bố bài viết này, mà ông Ân vẫn im lặng không hồi âm, thì cứ coi như những điều ông viết về chúng tôi trong bài trên talawas thảy đều là trò bịa đặt vu khống, bôi nhọ danh dự người khác ác ý; hay đây là động thái ra mắt ngoạn mục với các anh em “đổi mới văn học” từ... xa của ông Lại Nguyên Ân?
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9-9-2004
[1]Chú thích của talawas: Hiện nay, mọi thư từ gửi từ địa chỉ toà soạn talawas (red@talawas.org) đến các địa chỉ email mang đuôi “fpt.vn” đều bị ISP này từ chối, và rất nhiều tác giả, độc giả dùng điạ chỉ email mang đuôi “fpt.vn” cũng không thể trực tiếp gửi thư về toà soạn talawas. Trong tất cả các ISP tại Việt Nam, cho đến nay chỉ riêng FPT thực hiện chính sách triệt để thanh lọc email đối với talawas.