Văn há»cVăn há»c Việt Nam 16.3.2004
Bùi Việt Thắng
Tiểu thuyết có phải là “Má»™t nồi lẩu nóng hổi của nghệ thuáºtâ€
- Hay là những nhầm lẫn của nhà văn Nguyá»…n Huy Thiệp? Trên tạp Ngày nay (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam từ các số 19, 20, 21, 22, 23) nhà văn Nguyễn Huy Thiệp công bố một tiểu luận văn học dài, nhan đề Thời của tiểu thuyết. Đọc tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều độc giả - trong đó có tôi - thấy nhà văn viết quá "tung bút", đặc biệt có một số nhầm lẫn đáng tiếc khi nhận định về văn học, về tiểu thuyết. Viết bài trao đổi này, tôi chỉ có một mong muốn là được đối thoại với Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn có tiếng nhờ viết truyện ngắn. Còn như Nguyễn Huy Thiệp, nhà tiểu thuyết và là người cổ súy các nhà văn trẻ hãy viết tiểu thuyết mới hòng "tiêu diệt" được các nhà văn "tiền nhiệm" thì quả thật dám lấy cột chống... trời. Cũng vì vừa viết xong tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu - chưa in ở đâu - mà Nguyễn Huy Thiệp kêu gọi khẩn thiết "Tiểu thuyết. Trường thiên tiểu thuyết. Phải là tiểu thuyết. Đó là một nhu cầu của thời hiện tại". Trong văn chương, nhiều khi nhiệt tình không thay thế được tài năng. Kính thưa nhà văn - tác giả truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp!
1.
Cổ nhân thường nói "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng". Một trong những sai lầm tai hại nhất của con người là ngộ nhận về mình. Còn nhớ dạo Nguyễn Huy Thiệp mới lóe sáng trên văn đàn, nghe đâu có nhà khá nổi tiếng lúc đó nghĩ rằng mình có thể đổi cả nghiệp văn chương để viết được "một cái" như Tướng về hưu. Văn giới thì đồng tình nhận xét rằng "thần nhập" vào Nguyễn Huy Thiệp. Quả thật cho đến bây giờ, sau gần hai chục năm xuất hiện, mọi người đều công nhận Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng truyện ngắn. Không phải không có lý do khi ai đó cho rằng "Thể loại chọn nhà văn chứ nhà văn không chọn được thể loại". Anh thuộc loại nhà văn thành danh nhờ truyện ngắn (thuộc loại "đứng được" với giời gian, viết đồng đều được khoảng 30 truyện - nói theo cách của chính Nguyễn Huy Thiệp). Thế mà giờ đây anh lại khuyên các nhà văn trẻ phải tìm "hình thức mới, thể loại khác, mới hòng tiêu diệt được các nhà văn tiền nhiệm đáng ghét. Lại nữa, Nguyễn Huy Thiệp khi bị Nguyễn Hoàng Đức phê bình, chợt nhận ra người phê bình có lý "nếu như tôi cũng chỉ là một tác giả truyện ngắn mà thôi". Không phải thấy người khác làm gì thì mình cũng làm như thế. Kiểu ấy gọi là "a dua". Rõ ràng là, vì sốt ruột thấy cả làng văn đổ xô viết tiểu thuyết, Nguyễn Huy Thiệp cũng chẳng thua ai, liền tung ra Tuổi hai mươi yêu dấu. Tuổi hai mươi yêu dấu thì đúng, còn tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu thì khó mà yêu. Với 30 đoạn văn ngắn ghép lại, gắn lại bằng một thể thức "tiểu thuyết - du ký", tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đúng là "một nồi lẩu nóng hổi của nghệ thuật". Người ta nói sở dĩ huyền thoại bóng đá thế giới Pêlê trở thành Vua là vì anh ta giã từ sân cỏ đúng lúc. Còn Nguyễn Huy Thiệp khó trở thành nhà tiểu thuyết vì đã từ bỏ truyện ngắn - thể loại làm nên tên tuổi nhà văn. (Hơn thế như anh thừa nhận : "Tôi cũng có viết kịch, tiểu thuyết và tiểu luận văn học nhưng không phải ai cũng đọc nó và không phải ai cũng biết cách đọc nó").
Làm cái gì cũng phải tính đến sở trường sở đoản của mình, đừng biến cái nọ thành cái kia, thất bại ắt tự mình chuốc lấy. Vì coi tiểu thuyết là "một cung cách làm việc buồn tẻ song đứng đắn hơn nhiều" còn truyện ngắn chỉ là bài tập văn chương, nên Nguyễn Huy Thiệp độ này quyết tâm, xắn tay áo viết tiểu thuyết. Anh hô to cho cả làng nghe "Phải là tiểu thuyết. Đó là một nhu cầu của thời hiện tại".
Đó là nhầm lẫn thứ nhất của Nguyễn Huy Thiệp!
2.
Nhà tiểu thuyết Anh Angus Wilson xác nhận: "Là một hình thức nghệ thuật nghiêm túc, tiểu thuyết đã lớn lên từ chủ nghĩa cá nhân Tin lành, sau đó tiến tới chủ nghĩa nhân đạo" (Số phận của tiểu thuyết - NXB Tác phẩm mới, 1983). M.Kundera (nhà văn gốc Czech viết bằng tiếng Pháp) thì cho rằng "Nếu lẽ sống của tiểu thuyết là thường xuyên soi sáng thế giới sự sống và bảo vệ chúng ta chống lại sự quên lãng con người, thì phải chăng sự tồn tại của tiểu thuyết lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết". (M.Kundera - Tiểu luận. Nghệ thuật tiểu thuyết. Những di chúc bị phản bội. NXB Văn hóa - Thông tin, 2001). Tôi cũng không có điều kiện trích dẫn ra hàng loạt ý kiến, quan niệm về tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam và thế giới bàn về "Cỗ máy cái văn học"; về "Một nghệ thuật khám phá đời sống"; về "Tấm gương soi xã hội"... vì khuôn khổ một bài báo nhỏ.
Tôi cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đã nhầm lẫn khi cho rằng: "Tiểu thuyết như một nồi lẩu nóng hổi của nghệ thuật". Có lẽ cách ví von của Nguyễn Huy Thiệp là căn cứ vào "độ dày và tạp của tiểu thuyết có một cái gì đấy hấp dẫn" (hấp dẫn người viết hơn là người đọc). Trong thực tế, nồi lẩu cũng không phải là một thứ tạp nham mà vẫn có phân biệt rành rẽ bởi thức dùng chủ công của nó (hoặc "lẩu bò", "lẩu cá", "lẩu gà", "lẩu dê"...). Cái nồi lẩu nóng hổi của nghệ thuật mà Nguyễn Huy Thiệp đổ vấy cho tiểu thuyết, không phải là cách hình dung lâu đời về thể loại này.
Từ quan niệm về tiểu thuyết như trên, Nguyễn Huy Thiệp đã tiến thêm một bước: "Nó không phải đại thuyết và nó không thể đáng tin cậy về mặt tư tưởng gì hết, nó cũng không phải là tấm gương soi của thời đại gì hết: nó kể chuyện và nhầm lẫn lung tung. Có thế thôi ! Sự hấp dẫn của tiểu thuyết chính là ở hình tượng, ở sự nhố nhăng câu chữ và sự huyễn ảo của các vấn đề mà nhà sáng tác kể chuyện". Tôi lại nghĩ khác, người đọc có thể nhầm lẫn, rối trí nhưng nhà văn thì không thể nào và không được phép nhầm lẫn, mất bình tĩnh. Thử hình dung chúng ta đang ngồi trên một chuyến xe thám hiểm vào một cõi tinh thần mà nhà văn tay lái run rẩy, loạng choạng thì tất cả xuống vực sâu là cái chắc... Té ra cái câu "Văn học là lương tri của thời đại" bấy lâu nay chúng ta nghe nhầm chăng!?
Mặc dù Nguyễn Huy Thiệp có viết thêm về tính "ăn tạp" của tiểu thuyết và lý giải tính "tạp" này như là: "khía cạnh bác học, bao trùm của thể loại này. Nhiều bộ tiểu thuyết vĩ đại đến nỗi người ta coi nó như là một bộ từ điển, một bộ bách khoa toàn thư về đời sống". Nhưng nghĩa của "ăn tạp" theo cách hiểu và viết của Nguyễn Huy Thiệp là có thể bê tất cả vào tác phẩm. Thậm chí theo anh thì cả Puskin, Heine, Neruda - nhiều khi viết, đặc biệt là thời kỳ đầu - cũng chỉ đơn giản vì cái lẽ "tham sân si" mà thôi. Đọc Tuổi hai mươi yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp ta sẽ thấy cái "tạp" của tiểu thuyết này. Có một nhận xét rất chí lý rằng "tạp và tục, ranh giới chỉ là một sợi tóc", có thể không được Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận, trong trường hợp anh viết tiểu thuyết trên.
3.
Nhầm lẫn thứ ba của Nguyễn Huy Thiệp mắc phải là dám đứng ra minh định các giá trị văn học Đông - Tây, Kim - Cổ, đặc biệt là cách phân chia, dự đoán sự phát triển của tiểu thuyết nước nhà.
Đầu tiên Nguyễn Huy Thiệp dự đoán: "Rồi đây thành công của tiểu thuyết Việt Nam sẽ không phải ở dạng tiểu thuyết chính thống, kiểu tự vấn, tự sự mà có khả năng sẽ rơi vào dạng tiểu thuyết mua vui cũng được một vài trống canh : dạng tiểu thuyết tình cảm, phiêu lưu, trinh thám hoặc cái gì từa tựa thế". Người ta nói mọi sự so sánh đều khập khiễng, thế mà Nguyễn Huy Thiệp lại đem tiểu thuyết ra so sánh với nhạc trẻ "Các ca khúc thu hút giới trẻ (nhạc trẻ) vẫn thường ăn khách ở trong các tụ điểm vui chơi nhiều hơn ca khúc truyền thống".
Tiếp nữa, Nguyễn Huy Thiệp xếp Ba người lính ngự lâm pháo thủ của A.Dumas, Ivanhoe của Walter Scott cũng chỉ thuộc kiểu tiểu thuyết mua vui. Vì đề cao tính chất "du hí" của văn chương nên anh đã kiên quyết: "Chúng ta không nên quá coi trọng thiên chức trong sự nghiệp sáng tác của Hồ Xuân Hương, Tú Xương. Ngay cả những thiên chức trong sáng tác của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu... đôi khi cũng còn đáng ngờ".
Thật tình tôi không hiểu Nguyễn Huy Thiệp căn cứ vào đâu mà hạ bút viết "Tiểu thuyết - ngay từ thuở xưa người ta đã coi là một thể loại thị phi. Nguyễn Du coi Truyện Kiều là sách mua vui cũng được một vài trống canh". Đúng là ở câu kết (số 3253) kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du viết: "Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh". Nhưng phần mở đầu, nhà thơ vĩ đại viết: "Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".
Một lần ra chuyên đề bài tập truyện ngắn, tôi yêu cầu sinh viên bình luận ý kiến của L. Tolstoi "Tôi không hiểu đâu là ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi". Sinh viên đa số đều nghiêng về phía cho rằng nhà thơ dường như không có chủ kiến !? Thật ra thì đó là cách nói của một vĩ nhân, chúng ta hóa ra là những kẻ tiểu nhân nên rất có thể hiểu không đúng người khác.
4.
"Thời của tiểu thuyết" theo cách lý giải của Nguyễn Huy Thiệp là "Tiểu thuyết hiện nay có vẻ như một trang phục hợp cách với văn học Việt Nam". Xin thưa với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nếu anh đồng ý với tôi, thì thế kỷ XX là thế kỷ của tiểu thuyết chứ không còn đợi đến bây giờ, đến khi truyện ngắn "tha hóa, xuống cấp". Xa hơn nữa, có thể coi Truyện Kiều của Nguyễn Du là kiểu tiểu thuyết - thơ như Yevgeny Onegin của A.Puskin (cũng xuất hiện đầu thế kỷ XIX).
Lại nữa, ít người đồng ý với Nguyễn Huy Thiệp khi nhà văn cho rằng: "Thời của tiểu thuyết sẽ là thời của những ta-bu ít dần đi, không còn nữa. Đấy là thời mà những kiêng kỵ, húy kỵ sẽ không còn nữa". Cái thời của tiểu thuyết lại càng không thể, như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định "Thời của tiểu thuyết phải chăng là thời của các bậc trưởng giả ngồi rung đùi viết văn ? Thế chẳng vui sao ? Thế chẳng sướng sao ?". Vậy ai là "các bậc trưởng giả" đây ? Nguyễn Huy Thiệp chăng ? Hay là các nhà văn luôn có ý chí đấu tranh với "sự tầm thường của tập thể" (như một tiêu đề do Nguyễn Huy Thiệp đặt ra trong bài viết cuối cùng in trên tạp chí Ngày nay, số 23 năm 2003).
Những nhầm lẫn nếu có ở một người nào đó cũng là lẽ thường tình (là tôi, là anh, là ai đó trong xã hội). Một người thông minh và chân tài không bao giờ sợ khuyết điểm, chỉ sợ có mà không dám nhận hoặc cố tình không nhận.
Thời nào cũng có thể là thời của tiểu thuyết (xét cụ thể trong văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ XX) và cũng là thời của thơ ca, truyện ngắn, kịch. Chỉ có điều là thiếu những văn tài đích thực mà thôi. Thời thế tạo anh hùng, anh hùng cũng tạo nên thời thế. Một nhà tiểu thuyết tài năng có thể tạo ra thời đại của tiểu thuyết. Nhưng có một trăm nhà văn trung bình, sản xuất ra một nghìn cuốn tiểu thuyết thì cũng không bao giờ tạo ra thời hay nền tiểu thuyết cả.
Thưa với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi ngờ anh viết Tuổi hai mươi yêu dấu không nhằm để mua vui, mà nhằm cái khác, nhưng không thành đấy thôi!
Hà Nội, 12.2003
Nguồn: Báo Văn Hoá, số Xuân 2004
|