trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Há»™i nghị lí luận phê bình của Há»™i nhà văn Việt Nam (14-15/8/2003)
 1   2   3 
28.8.2003
Tằng Phát
Hội nghị Diên Hồng 2003
 

Thần dân nghe chăng sơn hà nguy biến..."


Không bảo thì thiên hạ ai cũng biết nói như vậy cốt để lấy sang. Hơn năm mươi năm sau cuộc tranh luận Việt Bắc, hội nghị Phê bình Lý luận lần này có lẽ chỉ giống hội nghị Diên Hồng ở chỗ những người được mời tham dự phần lớn đều thuộc thành phần bô lão. Dù Hội nhà văn đã cẩn thận không cho họp ở bến (nước) Bình Than, mà dời lên tận (núi) Tam Đảo, nhưng chắc hẳn không phải vì ý vị của một cuộc Hoa Sơn luận kiếm, mà chủ yếu để các hội viên không quá tiện nẻo mà chuồn mất sau khi nghe những tham luận đầu tiên. Nền văn chương Việt nam rõ là đang trong cơn nguy cấp, nhưng ngay từ đầu, "Quốc công Tiết chế" Hữu Thỉnh đã xác định rõ ràng đây là hội nghị chỉ có "hòa" mà không có "chiến", nên các tiền bối Tây Đọc-Đông La-Bắc Gào-Nam Thét (nói như truyện ngắn Biển lạ của nhà văn Nguyễn Việt Hà) của làng lý luận phê bình Việt nam cũng đành ấn trở lại mấy thanh "văn đao" xuống dưới cuống họng rồi ngồi kề cà uống rượu thưởng trăng cho qua (hai) ngày.

Cho nên, mặc con bệnh văn học Việt nam nằm liệt ở đó, không có phép lạ của Chúa nào xảy ra! Gần hai trăm ông lang được mời đến bốc thuốc chỉ chầu hầu bên giường bệnh mà ca ngợi công đức của bệnh nhân và than thở thói đời ô trọc ngày nay, đã không coi y đức vào đâu mà lại còn chăm chăm hỏi khi nào bệnh nhân ra viện. Tỷ như giáo sư Trần Thanh Đạm sau khi sờ trán nắm tay, cũng rung rung thống thiết nêu lên "Ba giai đoạn ba xu hướng" theo đúng văn phong báo cáo hội nghị tổng kết ba phe bốn mâu thuẫn năm xưa, có tăng tông theo điệu "đổi mới, ta phải đổi mới", có lồng tiếng tiếng ti-vi đi tìm đồng đội, có những hình ảnh láng bóng "mây mù tan, mặt trời ló dạng", thật là một áng hùng văn sáo rỗng mẫu mực. Hay như nhà phê bình Nguyễn Duy Bắc, tuổi tuy còn trẻ nhưng văn phong đã phải chống gậy lập cập ông lão tám mươi, đôi lúc nghe cứ giật mình thon thót tưởng chúng ta đang trong hội nghị bình bầu lao động tiên tiến ở thế kỷ trước. Hoặc nhà phê bình Nguyễn Văn Dân đặt ra năm thách thức của lý luận phê bình Việt nam, trong đó chủ yếu trình bày quan điểm của ông về tiếp thu có hệ thống các phương pháp lý luận nước ngoài. Trình bày thật dông dài, nhưng cuối cùng, ông nói, nếu không tiếp thu được cả hệ thống, thì có lẽ không nên tiếp nhận cái gì, lợi bất cập hại. Ấy lại lòi ra cái vị "đẻ non và tuyệt nòi" của Lỗ Tấn mà Phạm Xuân Nguyên một lần đã dẫn: "các vị đều nói, không thể đi về đông hoặc tây, hoặc nam hoặc bắc. Cuối cùng tôi thấy được điều giấu kín trong lòng họ; chẳng qua là "không nên đi đâu cả mà thôi"!

Tất nhiên, cũng đầy những cú lườm nguýt, huých sườn của các lang Tỳ lang Phế kiểu (nó chết vì) "ai bảo nó đã sốt còn ăn mận" như thời mồ ma Vũ Trọng Phụng ngày xưa. Nhà thơ Vũ Quần Phương đăng đàn khen ngợi nhà thơ Trần Mạnh Hảo là "cộng đi trừ lại thì anh Hảo vẫn dương tính", nhân thể tạt sườn giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh là "tiểu khí" và "nhỏ nhen" trong các phát biểu trên bài phỏng vấn đăng ở tờ báo mới toe có tên là Ngày nay trước khai mạc hội nghị vài ngày. Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức, bị bỏ sót trong danh sách mời, nhưng cũng chớp nhoáng có mặt phát tán một bài phỏng vấn trong đó ông nêu đích danh một số đại biểu được mời, nếu không "lờ lợ một thứ nước đường" thì cũng "một ngăn kéo rỗng". Cùng họ Nguyễn Hoàng, nhưng nhà thơ kiêm rất nhiều nhà Nguyễn Hoàng Sơn ý nhị hơn, mặc dù vẫn nung nấu trong lòng nỗi uất ức với "lớp trưởng giả mới" của văn chương, nhưng lại chọn cách trút nỗi lòng bằng việc kể lại "Lốt sư tử" của Maugham, ngầm ví mình như "người quân tử" còn "kẻ mà ai cũng biết là ai đấy" chỉ tập tọng cứu chó con. Trong số đó, tất nhiên không thể thiếu nhà thơ Trần Mạnh Hảo, người đang "hầu chuyện các giáo sư" bằng nhiều chiêu ngoạn mục, và không phải không có lúc dồn được các giáo sư vào chỗ "nỏ biết mần răng chừ"!

Công bằng mà nói, dù không có những "chùm râu phẫn nộ" nhưng cũng đã có những ý kiến trung thực. Nhà văn già Xuân Cang, trong bài tham luận ngắn của mình, thừa nhận cái gọi là "khủng hoảng của văn hóa đọc" chỉ là tấm áo của hoàng đế đang cố che chắn cho một nền văn học trì trệ, buồn tẻ. Tuy vậy, dẫn chứng của ông về những cuốn sách được công chúng "hào hứng đón nhận", lại không thuyết phục (Hồ Quí Ly của Nguyễn Xuân Khánh chẳng hạn). Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử nói về tính hiện đại của lý luận phê bình văn học, sự cần thiết của những cách đọc mới và bình đẳng trong tranh luận, cũng như sự cần thiết phải "học mới" những vấn đề tưởng như đã cũ, như chủ nghĩa Marx. Trong buổi sáng tranh luận của ngày làm việc thứ hai, ở thời điểm mà sau này nhà phê bình Lại Nguyên Ân gọi là "45 phút xuất thần của ý thức văn học", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chất vấn "ba cái sợ" trong phê bình hiện nay: các tác phẩm bị sợ (cấm chính thức và không chính thức) như Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), ViLi (Vi Thuỳ Linh); phê bình văn học bị sợ - không có chỗ cho phê bình văn học trên các báo, tạp chí; và cuối cùng, sợ một môi trường tranh luận vô luận, phê bình chính trị, rời xa văn bản văn học. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái chán nản về một nền văn học và phê bình văn học không có triết học, còn nhà phê bình Nguyễn Hoà thì phang thẳng cánh "ngày nào báo Văn nghệ còn là diễn đàn cho hai bố con ông lưỡng quốc trạng nguyên Đỗ Văn Khang tâng bốc nhau, ngày nào những bài viết như của giáo sư Trần Thanh Đạm còn được coi là lý luận phê bình văn học, ngày nào ông Trịnh Đình Khôi (cố vấn cao cấp của ban Tư tưởng Văn hoá) còn ngồi ở Hội đồng Lý luận phê bình văn học...ngày đó tôi còn rất lo cho lý luận phê bình văn học Việt nam".

Nhưng những hòn đá ném xuống mặt cái ao bèo phê bình cũng lại "không một tiếng vang". Không ai định đi tìm phương thuốc đặc trị cho lý luận phê bình. Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh đề xuất một thang cam thảo trần bì "dịch và giới thiệu một cách chính xác và có hệ thống một số công trình lý luận, nghiên cứu văn học ở nước ngoài thực sự có giá trị; nghiên cứu có hệ thống di sản lý luận về phê bình văn học của ông cha ta; xuất bản tuyển tập các tác phẩm nghiên cứu lý luận phê bình văn học có giá trị nhất từ năm 1945 đến nay", kể thì cũng hay, nhưng con bệnh đâu phải chỉ riêng ngành lý luận phê bình? Người cần được chữa chạy phải là cả nền văn học đang ốm o, già cả, lẫn cẫn hiện nay, chứ phải đâu chỉ riêng một bộ phận -mà cũng đang còn mải cãi nhau xem mình là cái đầu, cái tay hay cái chân- của cơ thể văn học.

Cho nên, mặc dù Ban Tổ chức có bị bất ngờ vì hoá ra phần "đánh bốc" lại rôm rả hơn phần "đánh bài tây", nhưng vẫn yên tâm "với thành công lớn nhất của hội nghị là tinh thần đoàn kết", bởi vì những câu hỏi hóc búa như "văn học là gì", "văn học Việt nam đang ở đâu", "văn học Việt nam nên đi về đâu" vẫn đang chém treo ngành để đấy.

© 2003 talaw