trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: TÆ° liệu văn học
 1   2   3   4   5   6   7   8 
5.11.2004
Hội nhà văn Việt Nam
Đề cương đề dẫn thảo luận ở Hội nghị Đảng viên bàn về sáng tác văn học 1979
 1   2 
 
Tháng 6.1979, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một hội nghị nội bộ, dành cho các nhà văn là đảng viên, để chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn lần thứ III mà 4 năm sau, năm 1983, mới diễn ra. Để gợi ý cho hội nghị thảo luận, Ðảng đoàn thảo ra một bản Ðề cương Đề Dẫn (thường gọi tắt là Ðề Dẫn), do nhà văn Nguyên Ngọc, bí thư Ðảng đoàn chấp bút và trình bày trước hội nghị. Không khí hưng phấn trước một thời kì mới của văn học Việt Nam trong hai ngày đầu tại hội nghị ngưng hẳn sau sự phê phán gay gắt của nhà thơ Tố Hữu, ủy viên Bộ Chính trị, đối với bản Đề Dẫn. Phải gần một thập kỉ sau, văn học Việt Nam mới chứng kiến bước chuyển đã được chuẩn bị từ bản Đề Dẫn này. (Xin xem thêm “Làng văn một thời, và…” của Bùi Minh Quốc, talawas 23-24.6.2004). Cùng với việc giới thiệu những tư liệu khác, như các bài viết của Hải Triều, Trường Chinh, Tố Hữu, Mao Trạch Đông…, chúng tôi đăng văn bản chưa bao giờ được chính thức công bố này, mong cung cấp những tư liệu cần lưu ý cho những người quan tâm tới tiến trình phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam.
talawas
Bản đề dẫn này nhằm mục đích nêu ra một số vấn đề chủ yếu dự định đề nghị thảo luận ở Hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học, và về những vấn đề ấy, nêu ra một số ý kiến trung tâm có tính chất khêu gợi để các đại biểu dễ thảo luận. Những vấn đề sẽ thảo luận trong hội nghị không nhất thiết chỉ đóng khung trong những vấn đề nêu ra ở đây, và những ý kiến phát biểu trong bản đề dẫn này, tất nhiên, cũng không có ý định muốn được coi là những ý kiến khẳng định, kết luận.
Bản đề dẫn này gồm 2 phần chính:

  • Nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua
  • Những phương hướng nhiệm vụ của văn học trong tình hình mới


I. Nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua

Từ Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 2 (1.1963) đến nay, 16 năm đã trôi qua.

Đó là một thời gian lịch sử vô cùng trọng đại. Trong thời gian ấy, Tổ quốc đã liên tiếp giành được những thắng lợi hết sức vẻ vang. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc chống Mỹ cứu nước, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo chưa từng có của đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, tên sen đầm quốc tế, kẻ thù hung ác nhất của loài người, kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng tháng 8, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, đưa nước nhà đến thống nhất toàn vẹn, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Sau thắng lợi của cuộc chống Mỹ cứu nước, kể từ ngày 30/4/1975, nhân dân ta trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng vừa ra sức hàn gắn những vết thương của hơn 30 năm chiến tranh ác liệt, vừa nỗ lực to lớn trong công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, lại vừa tiến hành thắng lợi 2 cuộc chiến tranh mới bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là thắng lợi oanh liệt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược kia dài hơn 3 năm do bọn phản động Cămpuchia và bọn cầm quyền phản động Trung Quốc gây ra, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước trên biên giới phía Tây nam; đồng thời tạo điều kiện và giúp đỡ nhân dân Cămpuchia anh em, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cămpuchia, anh dũng vùng lên đập tan chế độ diệt chủng do bọn Pônpốt -Iêng Xari và bọn phản động Trung Quốc áp đặt, giải phóng hoàn toàn đất nước, thành lập nước Cộng hoà nhân dân Cămpuchia. Và tiếp liền sau đó, trong cùng một mùa xuân, là thắng lợi oanh liệt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động Trung Quốc trên biên giới phía bắc nước ta.

Trong lịch sử và trên thế giới, có lẽ ít có dân tộc nào, trong một thời gian ngắn, đã phải trải qua những thử thách hy sinh to lớn, dồn dập như dân tộc Việt Nam. Chỉ trong hơn 30 năm, nhân dân ta đã phải đương đầu với 4 cuộc chiến tranh, lần lượt đánh thắng các thế lực đế quốc và phản động lớn nhất của thời đại.

Chúng ta, những thế hệ nhà văn Việt Nam đang cầm bút hôm nay, chúng ta có vinh dự và hạnh phúc lớn là những người đương thời của một thời gian lịch sử thật kỳ lạ, thật hiếm có trong lịch sử dân tộc, cũng thật hiếm có trong lịch sử của các dân tộc.

Nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua, trước hết là nhìn lại, đánh giá sự phát triển của nền văn học chúng ta trong thời gian lịch sử hết sức đặc biệt đó, xem xét nó - với tư cách là một hình thái ý thức xã hội có tính đặc thù và là một vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh xã hội - nó đã chịu sự chi phối của nội dung lịch sử này như thế nào và đến lượt nó, trong phạm vi chức năng của nó, nó đã tác dụng trở lại nội dung đó ra sao?

Quy mô và tầm cỡ của mỗi một giai đoạn cách mạng là do ở chỗ giai đoạn ấy giải quyết những mục tiêu nhất định nào trên con đường tiến lên lâu dài của cách mạng và trên đoạn đường đó nó đã khắc phục, đánh ngã những kẻ thù nào, bằng những phương pháp cách mạng nào. Như chúng ta đều biết, cuộc giáp mặt quyết liệt giữa nhân dân ta với bọn đế quốc Mỹ xâm lược là một cuộc đụng đầu lịch sử, một tất yếu thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà đế quốc Mỹ đã chọn chính chúng ta làm đối thủ của chúng và đã lấy Việt Nam làm hướng xuất quân chiến lược của chúng kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2. Ấy trước hết là vì bản thân nội dung và tính chất cuộc cách mạng của chúng ta. Ấy là vì, như báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội IV đã chỉ rõ: "... từ một thuộc địa vùng lên giành độc lập, anh dũng đánh thắng một đế quốc to là Pháp, đưa nửa nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời kiên quyết đấu tranh để hoàn thành độc lập dân tộc trong nước, cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, là ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại, cho xu thế phát triển tất yếu của phong trào giải phóng dân tộc lên chủ nghĩa xã hội". Chính điều đó một mặt quy định tính quyết liệt, sống mái, mất còn của cuộc đụng độ, mặt khác cũng quy định ý nghĩa, tầm cao cuộc đấu tranh của chúng ta. Để đánh thắng kẻ thù cực kỳ tàn bạo, hùng mạnh, nguy hiểm như dân tộc ta chưa từng bao giờ gặp phải, chúng ta nhất thiết phải tự trang bị cho mình một sức mạnh lớn nhất, phải huy động dậy, thu hút về mình, tạo ra cho mình một sức mạnh tổng hợp lớn nhất cả trong không gian và thời gian. Sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của lý tưởng, sức mạnh của chính ta và sức mạnh của thời đại, sức mạnh tinh thần và sức mạnh trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh trong chiều sâu của mỗi một con người,... tất cả tổng hợp lại, tạo nên cái điều ngày nay vẫn thường được gọi là "sức mạnh Việt Nam". Dân tộc ta nhất thiết phải vươn mình lớn vượt hẳn lên và trong thực tế đã vươn mình lớn vượt hẳn lên để ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử lớn lao chưa từng có của mình. Đó chính là thực tiễn lớn nhất, đẹp đẽ, xâu xa và xúc động nhất đã diễn ra trên đất nước ta trong suốt thời gian mười mấy năm không thể nào quên của cuộc chống Mỹ cứu nước. Cả một dân tộc vươn mình lớn dậy, khẩn trương, dữ dội, ráo riết, mỗi một địa phương, một xóm làng, một tập thể, một gia đình, một lứa đôi, mỗi một con người ráo riết vươn mình lớn dậy, tự tìm lấy trong chiều sâu mọi mặt của chính mình và ra sức thu hút về mình mọi tiềm lực, năng lực có thể có được, đặng cuối cùng tồn tại và chiến thắng...

Hôm nay chúng ta nhắc lại những điều đó ở đây, là để một lần nữa khẳng định rằng chính thực tiễn lớn lao ấy, cuộc chuyển động mạnh mẽ và sâu xa của cả đất nước và mỗi con người Việt Nam những năm chống Mỹ, là cơ sở, là nền tảng, là ngọn nguồn của một thời kỳ phát triển văn học rất đặc biệt của chúng ta, thời kỳ văn học chống Mỹ cứu nước.

Bước vào cuộc chống Mỹ cứu nước, văn học chúng ta có thể nói có cái may mắn là đã có được sự chuẩn bị tương đối lâu dài và khá vững chắc, trên nhiều mặt. Kể gần, ít ra cũng từ cách mạng tháng Tám.

Chúng ta đã đi qua giai đoạn "tìm đường" một chừng mực nào đó khá vất vả những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, và từ khoảng nửa cuối cuộc kháng chiến này đã bước đầu tạo nên được cơ sở của một nền văn học mới khá nhuần nhị. Những lực lượng trong những năm đầu còn phải trăn trở tìm đường, thì đến đây đã dứt khoát nhận rõ và khẳng định con đường đi đúng đắn của mình. Đồng thời có một lực lượng mới, hình thành từ trong lòng cuộc kháng chiến ấy, đến đây đã dần dần chín muồi, bắt đầu xuất hiện và định hình, khá sung sức.

Chúng ta cũng đã có được thời kỳ văn học sau năm 1954, trong đó đấu tranh thắng lợi chống ảnh hưởng của những quan điểm văn học nghệ thuật tư sản phản động, khẳng định những quan điểm văn học nghệ thuật đúng đắn của Đảng, chúng ta đã thu được những vụ mùa nở rộ vào khoảng nửa cuối những năm 50...

Có thể nói đó là những điều kiện chủ quan thuận lợi của văn học ta khi bước vào cuộc thử thách mới to lớn của dân tộc, cuộc chống Mỹ cứu nước.

Song, nhìn lại thời điểm lịch sử này, có lẽ có một điều còn quan trọng, quyết định hơn, và điều này cũng là tiếp tục và phát huy kinh nghiệm của thời kỳ trước đó, ấy là: khi dân tộc ta bước vào cuộc thử thách mới nghiêm trọng hơn, cao hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây trong lịch sử của mình, thì văn học ta vốn đã được chuẩn bị đến một mức nhất định như vừa nói ở trên - đã sớm chủ động tự đặt mình vào trung tâm cơn lốc của cuộc chuyển động cách mạng lớn lao, sâu sắc chưa từng có đó, sớm tự giác và dứt khoát nhận lấy vị trí và trách nhiệm của mình trong cuộc vận động lịch sử ấy, như một người lính nhận lấy vị trí chiến đấu của mình trong đội ngũ lớn của dân tộc, một binh chủng nhận lấy trách nhiệm của mình trong thế trận hợp đồng chiến đấu chung. Ở đây, so với những thời kỳ trước, có chỗ khác nhau quan trọng. Lần này, khác trước, không còn phải có sự dằn vặt tìm đường, tìm chỗ đứng nào nữa, không còn phải mò mẫm băn khoăn, phân vân. Trái lại, lần này văn học bước vào cuộc chiến đấu với một lòng tự tin giản dị và vững chắc, tự tin rằng mình là một sức mạnh thực sự, một sức mạnh cần thiết, có ích và không thể thiếu trong hệ thống sức mạnh tổng hợp của trận đánh lớn này. Một sự "nhập cuộc" hết mình. Một nền văn học "nhập cuộc" có thể nói trọn vẹn, nhập mình trọn vẹn trong cuộc chiến đấu của dân tộc.

Nhập cuộc trọn vẹn vào cuộc đấu tranh lớn điều này thập đẹp đẽ và thú vị - văn học lập tức lại được thừa hưởng những thành quả, thành tựu của cuộc đấu tranh ấy, trong đó cốt lõi và tập trung nhất là thành tựu về sự phát triển của con người, tức là ở chính cái lĩnh vực nó đặt toàn bộ sự quan tâm của mình. Con người Việt Nam mới của thời kỳ chống Mỹ cứu nước, như đã nói ở trên, đang vươn mình lớn dậy vượt bực trong sức mạnh kỳ lạ của lòng yêu nước để ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử có ý nghĩa thời đại.

Điều này đúng với cả nền văn học, cũng đúng với từng nhà văn đã chiến đấu ở vị trí của mình trong thời kỳ đó. Hãy xin lấy một ví dụ như ở nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn -Nguyễn Thi. Ai cũng dễ nhận thấy từ Nguyễn Ngọc Tấn đến Nguyễn Thi có sự liên tục, kế tục, ở giai đoạn trước đã có sự chuẩn bị, đã chứa đựng những tiềm lực sẽ bộc lộ trong giai đoạn sau. Nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận rằng từ Nguyễn Ngọc Tấn đến Nguyễn Thi rõ ràng có một sự bột phát, cái gì như là một sự nhảy vọt. Trong sáng tác của nhà văn ấy, ở giai đoạn sau là một cao trào. Vì sao? Có thể tìm thấy câu trả lời trước hết trong chính cách sống, lao động và chiến đấu của anh. Nguyễn Thi là một trong những nhà văn đã đi vào cuộc chống Mỹ cứu nước ngay từ đầu với tất cả ý thức tự giác rất cao và tinh thần trách nhiệm rất nghiêm túc. Anh đã đi đúng vào trung tâm cơn lốc của cách mạng, và ở đây, với một tinh thần làm chủ thật sự, anh đã chiến đấu quên mình như một chiến sĩ và một nhà văn, một nhà văn - chiến sĩ, cầm súng và cầm bút, sử dụng cây bút của mình như một cây súng. Ở đây có lẽ có một điều còn sâu sắc hơn nữa: Nguyễn Thi đã coi cuộc chiến đấu chung mà anh là một chiến sĩ xung kích, như là cuộc chiến đấu cho chính mình, vì chính mình, cuộc chiến đấu để tự giải phóng mình. Kẻ nào thực sự quên mình trong cuộc sống thì lại được cuộc sống trả lại cho tất cả. Và khi văn học đã đạt được đến sự nhập cuộc thật cao, khi văn học đã tự quên được mình đi là văn học, thì cũng chính lúc đó nói lại càng đúng thực sự là văn học hơn cả, càng có sức mạnh lớn hơn cả. Thật sự chiến đấu quên mình ở trung tâm cơn lốc của cách mạng, Nguyễn Thi lại thừa hưởng được tất cả thành quả, thành tựu tốt đẹp nhất của cuộc vận động lịch sử ấy. Và bởi vì cuộc chống Mỹ cứu nước - như đã nói ở trên - là một cuộc huy động tổng lực tất cả sức mạnh và tài năng, tinh thần và trí tuệ cuả dân tộc, cho nên Nguyễn Thi, như là đứa con của chính cuộc chuyển động cách mạng ấy, đã có thể huy động dậy và phát triển lên một đỉnh mới tất cả tài năng tiềm tàng, tất cả cá tính sáng tạo nghệ thuật độc đáo và sâu sắc của anh. Ở Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi chúng ta được chứng kiến một hiện thực thật đẹp và "lạ": Chỉ trong một thời gian ngắn, vậy mà anh vừa vẫn là chính anh ấy, không lẫn lộn được, lại vừa như là một tài năng hoàn toàn mới mẻ, độc đáo, sâu sắc, nhiều mặt, đến khiến ta kinh ngạc. Có thể nói như là một hiện tượng bùng nổ của tài năng.

Nguyễn Thi là một trường hợp tiêu biểu, nhưng không phải là một trường hợp cá biệt. Điều đã diễn ra ở Nguyễn Thi, trong những chừng mực nhất định, cũng đã diễn ra trong toàn bộ nền văn học chúng ta. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhất là trong khoảng thời gian những năm 60, nền văn học chúng ta thực sự đã có một bước phát triển mới về chất, cao hơn hẳn so với tất cả các thời kỳ trước đó, có thể coi là một thời kỳ cao trào của nền văn học yêu nước Việt Nam, một nền văn học yêu nước chống đế quốc xứng đáng cho chúng ta có thể tự hào.

Chính trong thời gian này chúng ta được chứng kiến sự chín muồi của một loạt những cây bút hoặc đã được chuẩn bị tiềm tàng từ những năm trước, đặc biệt là sự chín muồi của đội ngũ những nhà văn hình thành từ kháng chiến chống Pháp. Đồng thời chúng ta cũng được chứng kiến sự xuất hiện của một loạt những tài năng mới, đầy sinh lực và nhiều vẻ độc đáo, hình thành nhanh, viết khoẻ và xông xáo, giữ lấy cả một mảng lớn của nền văn học ta. Chưa bao giờ đội ngũ chúng ta đông và khoẻ bằng lúc này. Cũng chưa bao giờ đội ngũ đông đảo gồm nhiều thế hệ ấy được bố trí đẹp như vậy, khá đều trên hều khắp mọi lĩnh vực và địa bàn của cuộc sống. Ở miền Nam và ở miền Bắc, ở miền Núi và đồng bằng, trong quân đội và trên nhiều mặt trận đấu tranh khác... Điều đáng quí hơn nữa là một số không ít trong những lực lượng ấy đã có sự bắt rễ khá sâu, chắc trên các địa bàn và lĩnh vực của mình. Thế bố trí khá rộng đó khiến cho diện mạo chung của nền văn học trở nên phong phú hơn trước nhiều.

Đây cũng là một thời kỳ phát triển mạnh và khá toàn diện của nhiều thể loại văn học, vừa hợp đồng vừa bổ sung cho nhau, thúc đẩy nhau, tạo nên một thứ "sức mạnh tổng hợp" của nền văn học chiến đấu, nếu có thể nói như vậy. Truyện ngắn và ký có bước phát triển đặc biệt. Truyện ngắn, đã có những thành tựu đáng kể từ thời gian những năm 50, nay càng chín hơn, phong phú hơn về nội dung và phong cách, có nhiều truyện ngắn được viết ra trong thời kỳ này, ngay giữa chiến tranh ác liệt, đã đạt được sức súc tích khá cao, có thể sẽ còn được đánh giá thuộc số những truyện ngắn xuất sắc của nền văn học ta. Riêng ký đã nổi bật lên như một thể loại xung kích, có tác dụng ứng chiến mạnh mẽ, xông xáo, sắc bén. Nhiều tác phẩm ký xuất sắc được viết ra trong thời kỳ này đã chứng minh khả năng nghệ thuật không hề nhỏ bé của thể loại văn học này và chắc hẳn sẽ có thể tồn tại lâu dài như những giá trị văn học có ý nghĩa đánh dấu. Còn một thể loại văn học khác tuy không hoàn toàn mới mẻ nhưng lần này đã xuất hiện thành một hiện tượng khá độc đáo, đặc sắc và giữ một vị trí không thể thay thế được trong nền văn học. Đó là thể loại "văn học tư liệu", gần với báo chí, nhiều khi không phải do các nhà văn viết ra, mà sức truyền cảm nghệ thuật từng có lúc thật lớn, và nếu ta biết chú trọng phát triển và sử dụng tốt hơn, sẽ là những cơ sở quí báu để về sau tiếp tục xây dựng những tác phẩm lớn về thời kỳ lịch sử này.

Một hiện tượng độc đáo khác là sự xuất hiện khá sớm và đã có một số thành tựu đáng kể của tiểu thuyết ngay trong những năm tháng chiến tranh hết sức ác liệt, cả ở hậu phương và ở tiền tuyến, ở miền Bắc và ở miền Nam, và đề tài chiến tranh cách mạng cũng như về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tiểu thuyết có sớm ngay giữa chiến tranh, vừa là do chính yêu cầu của cuộc chiến đấu tiến lên ngày càng phong phú, phức tạp, vừa chứng tỏ sự cố gắng lớn của các nhà văn chúng ta ra sức đáp ứng kịp những yêu cầu đó.

Thơ cũng có bước biến chuyển mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn về nội dung, phong phú hơn về hình thức, thể loại...

Mối quan hệ giữa các thể loại cũng là một điều rất đáng lưu ý. Có hiện tượng một nhà văn cùng một lúc sử dụng nhiều thể loại, và ở một số người, đều giỏi trong các thể loại ấy. Các thể loại cùng phát triển gần như song song, vừa phát huy sức mạnh riêng của từng vũ khí lại vừa quan hệ chằng chịt với nhau, khêu gợi, kích thích, chuẩn bị, tạo điều kiện cho nhau. Rất đáng chú ý và có lẽ sẽ rất thích thú nếu ta nghiên cứu sâu hơn chẳng hạn mối quan hệ giữa thể loại văn học tư liệu, thể ký và tiểu thuyết trong toàn bộ văn học và trong từng nhà văn ở thời kỳ này.

Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, chủ yếu bằng việc khẳng định những giá trị mới xuất hiện và từng bước sơ kết những kinh nghiệm mới của hoạt động văn học, hoặc làm sống lại những giá trị truyền thống của văn học dân tộc, đã cố gắng góp phần trực tiếp của mình vào thế trận chung.

Công tác giới thiệu văn học nước ngoài, ngay trong điều kiện chiến tranh, cũng đã có những cố gắng nhất định.

Tất cả những kết quả trên đây, cuối cùng dẫn đến một thành tựu tập trung nhất: đó là sự sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật mới mẻ, những giá trị tinh thần và phẩm cách mới mà văn học, trong chức năng thiêng liêng của nó phải đem đến cho con người đang đấu tranh, như một khêu gợi, một nhắc nhủ ân cần, chân tình, như một sức mạnh mới góp phần vào sức mạnh sống và chiến đấu của họ, như một ánh sáng dù là nhỏ nhoi khiêm tốn ở phía trước giúp họ vươn tới.

Tất nhiên, chúng ta hiểu rõ, những giá trị tinh thần, phẩm cách, đạo đức mới được phát triển lạ lùng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đạt đến đỉnh cao mới trong chống Mỹ cứu nước, là thành quả tập trung của chính cuộc đấu tranh vươn tới quyết liệt sâu sắc của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sự sáng tạo tinh thần tuyệt vời của nhân dân ta, Đảng ta. Nhưng nhiệm vụ của văn học nghệ thuật chính là ở chỗ sớm nhận ra nó, phát hiện, khám phá ra nó, khái quát, cô đúc, tái tạo lại nó trong những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ, nhuần nhị. "Hiểu biết, khám phá, sáng tạo", như thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói. Và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật là ở chỗ khi những thành tựu tinh thần cao đẹp ấy được phát hiện và cô đúc tái tạo lại thành những hình tượng nghệ thuật nhuần nhuyễn, có sức thuyết phục nghệ thuật sâu sắc, thì dường như nó bỗng có sự thay đổi mới về chất, nó được khẳng định, cố định lại, trở thành tài sản lâu dài bền vững của nhân dân, thành sức mạnh mới được nhân lên thêm nhiều lần của nhân dân. Trong hình tượng nghệ thuật được người nghệ sĩ sáng tạo, hiện thực anh hùng của nhân dân hiện lên dưới cái vẻ vừa như là một trường hợp giản đơn, cá biệt, vừa lại có tính khái quát cao; nó hiện lên một lần nữa và đi trở vào đời sống, cao hơn chính nó khi nó còn là nguyên mẫu, mặc dầu chính hiện thực ấy là cơ sở, là ngọn nguồn của sự sáng tạo kia. Cũng chính vì vậy mà hình tượng nghệ thuật cao đẹp, sâu sắc thì có tính dắt dẫn đối với đời sống. Con người vốn từng là nguyên mẫu của nó, bây giờ lại khát khao vươn tới nó như vươn tới những mơ ước tốt đẹp của mình. Đó là tính biện chứng phong phú và đẹp đẽ của mối quan hệ giữa hiện thực và nghệ thuật, cuộc sống và nghệ thuật.

Nhìn từ góc độ đó, chúng tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng: nếu văn học chúng ta trong chống Mỹ cứu nước, dựa chắc trên nền tảng cuộc chiến đấu quyết liệt của dân tộc, tìm lấy nguồn cảm hứng và những nguyên mẫu của mình từ những con người anh hùng đánh Mỹ tuyệt vời có tên hay không có tên, lại đã sáng tạo ra không ít những hình tượng nghệ thuật có sức rung động chính những con người anh hùng ấy (vừa là đối tượng thể hiện vừa là đối tượng phục vụ của văn học ta), được chính những con người anh hùng ấy tiếp nhận như là khát vọng tiếp tục vươn lên tốt hơn, đẹp hơn, xứng đáng hơn. Không ít đâu những người chiến sĩ lên đường ra chiến trường, đi đến những trận đánh và những chiến công của mình mà cũng là đi tới những hình tượng nghệ thuật được họ coi như là những khát vọng của họ, do các nhà văn nhà thơ chúng ta sáng tạo ra. Cũng không phải hoàn toàn không có những bài thơ, những tùy bút, những bài ký hay những trang tiểu thuyết từng được bao nhiêu người đọc anh hùng của chúng ta coi như một thứ tuyên ngôn tinh thần của chính họ, trong những ngày đánh Mỹ gian nan nhất. Trong hành trang tinh thần của những thế hệ đánh Mỹ, có thể khẳng định, có một phần tài sản do nền văn học chống Mỹ của chúng ta góp vào. Đứng trước dân tộc, đứng trước nhân dân mình đang phải tự huy động đến toàn lực tất cả sức mạnh khả dĩ huy động được để nhất thiết phải thắng trong cuộc đấu tranh mất còn, văn học chúng ta đã là một nền văn học có ích. Và điều ấy, chúng tôi nghĩ, là lớn lắm.

Tự giác đặt mình với đầy đủ tinh thần trách nhiệm vào chính giữa cơn lốc cuộc đấu tranh quyết liệt của dân tộc, tiếng nói văn học chống Mỹ cứu nước của chúng ta là tiếng nói chân chất, tiếng nói thật của cuộc đời chiến đấu. Và điều đó là quý lắm. Có thể chúng ta nói chưa được nhiều, chưa thật sâu sắc, chưa thật uyển chuyển, nhưng lời nói văn học chống Mỹ cứu nước của chúng ta rất xa lạ với những kiểu tiếng phù phiếm, hoa hoè, và về điểm này, chúng ta có thể hoàn toàn tự tin, so với bất cứ nền văn học nào khác.

Nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua, vâng, chúng ta có quyền tự hào. Chúng ta có quyền vui mừng với sự đánh giá rất cao của Đảng: "Với những thành tựu đã đạt được chủ yếu trong việc phản ánh hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học chống đế quốc trong thời đại ngày nay".

Tự hào về những thành tựu quan trọng đó, phấn khởi trước sự đánh giá cao của Đảng, chúng ta lại càng muốn nghiêm túc nhận rõ những hạn chế, những chỗ còn thiếu sót, non yếu của văn học ta trong thời kỳ lịch sử lớn này; đặc biệt chúng ta muốn nhận rõ thực chất của tình hình văn học ta hiện nay. Nhìn chung, dễ thấy ngay một sự hạn chế rõ rệt: Những thành tự văn học của ta còn chưa tương xứng với tầm cỡ cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc mấy chục năm qua. Sự nghiệp của Đảng, của nhân dân thì to lớn, hùng vĩ, sâu sắc, mà sự nghiệp văn học ta đã đạt được thì quá nhỏ bé, mờ nhạt, nông cạn. Khoảng cách giữa đời sống văn học còn khá xa.

Như chúng ta đều biết, thực tiến cách mạng đã diễn ra trên đất nước ta mấy chục năm qua là một thực tiễn hết sức phong phú, phức tạp. Trên phạm vi cả nước, "một đảng thống nhất lãnh đạo một nước tạm thời bị chia cắt làm đôi tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, đó là đặc điểm lớn nhất và cũng là nét độc đáo của cách mạng nước ta từ tháng 8 năm 1954 đến tháng 5 năm 1975" (báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội 4). Riêng miền Nam, do những điều kiện lịch sử nhất định, trong suốt thời kỳ này cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã diễn ra dưới hình thức rất phức tạp vừa là một cuộc chiến tranh vừa là một cuộc cách mạng, cuộc chiến tranh vừa mang tính chất chiến tranh giải phóng dân tộc chống đế quốc vừa mang tính chất nội chiến cách mạng gay gắt. Do đó, trải qua cuộc đấu tranh vừa lâu dài vừa khẩn trương này, đã diễn ra những sự biến động rất sâu sắc, dữ dội trong toàn bộ xã hội, trong lực lượng các giai cấp, trong từng xóm làng, từng gia đình, từng con người.

Nhìn lại những tác phẩm văn học được viết ra trong thời kỳ này, chúng ta thấy mặt đấu tranh xã hội - tức là mặt chuyển động trong chiều sâu của hiện thực - được phản ánh còn mờ nhạt. Dường như lịch sử được tái tạo trong văn học mới còn chủ yếu ở những đường nét lớn chung nhất, trên các sơ đồ chung nhất của nó; còn ở những tần số rung động sâu xa, tinh vi của nó thì chưa rõ rệt. Trong văn học, lồ lộ khá rõ là số phận chung của cả dân tộc, cả đất nước, nhưng còn số phận riêng của từng người, từng thành viên trong đội ngũ lớn đó thì còn khá sơ lược, giản đơn. Mặt yêu nước nổi bật lên - và đây là một chỗ mạnh của văn học ta thời kỳ này như đã nói ở trên - những mặt đấu tranh xã hội thì không rõ bằng. Tính thơ lý tưởng của cuộc chiến đấu được biểu hiện khá mạnh, nhưng còn tính phức tạp của đời sống thì yếu hơn. Cho nên tính hiện thực của văn học có bị hạn chế.

Điều này cũng biểu hiện cả trong sự mạnh yếu khác nhau của các thể loại. Thơ, ký, truyện ngắn, những thể hiện chiến đấu trực tiếp, khá mạnh. Tiểu thuyết - vốn là thể loại phản ánh gần và sâu hơn cuộc đấu tranh xã hội, có sức mô tả tính biện chứng tinh vi uyển chuyển hơn trong sự vận động của tâm hồn, trong số phận con người, thì ít đạt bằng. Một số tiểu thuyết có thể nói chủ yếu gần như là những bài thơ hay tùy bút dài, nói chung còn quá trơn tru, dễ dãi.

Nếu tính theo khu vực đề tài thì phần viết về chiến tranh cách mạng khá hơn phần viết về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong phần viết về chủ nghĩa xã hội, cũng chỉ mới còn chủ yếu là phản ánh một bước cải tạo quan hệ sản xuất.

Nếu tính theo thời gian thì sự phát triển trong khoảng những năm 60 tốt hơn, thuận hơn trong khoảng những năm 70.

Ít lâu nay trong người đọc, và trong cả chính người viết, có một số suy nghĩ hoặc một số dư luận khá phổ biến cho rằng từ một số năm gần đây, 5 năm, 7 năm hay khoảng mười năm trở lại đây, văn học ta đã có sự dừng lại. Mỗi người diễn đạt sự suy nghĩ, lo lắng đó một cách khác nhau: có người nói là văn học đang tụt lùi, có người gọi là "có tình trạng trì trệ". Cũng có người cho rằng ta đang ở trong một tình hình khá nguy hiểm, ấy là tình hình "nhàng nhàng" không dở không hay, không sai nhưng cũng không thật đúng. Có người cho là đang có khủng hoảng. Cũng có người bảo: một số năm gần đây ta vẫn "có nhiều sách nhưng không có tác phẩm", "vẫn có nhiều trận đánh nhưng là những trận tiêu hao, không có trận đánh tiêu diệt"...

Rõ ràng trong hội nghị này chúng ta có một công việc nghiêm túc: đánh giá thật đúng thực chất tình hình và cố gắng tìm ra nguyên nhân của nó.

Trước hết chúng tôi nghĩ rằng tình hình được phản ánh trong những suy nghĩ lo lắng vừa kể trên, tình hình đó là có thật. Quả văn học "đang có vấn đề".

Vấn đề gì? Và ở đâu?

Dường như nó bắt đầu vào khoảng đầu những năm 70. Thật ra kể từ khoảng thời gian đó, và cho đến những năm gần đây, một vài năm nay, số tác phẩm được viết ra không hề ít hơn trước, nếu không phải là nhiều hơn. Trong số đó, có những tác phẩm không hề thua kém những năm trước, nếu không nói là khá hơn. Đội ngũ sáng tác vẫn phát triển, về số lượng và chất lượng. Cả về đội ngũ lẫn tác phẩm, tình hình vẫn tiến đều, nhìn trên những con số thống kê không thấy có hiện tượng giảm sút... Vậy mà sao cái cảm giác lo lắng kia vẫn ngày càng rõ, càng đậm hơn, trong người đọc, người viết? Đứng trước cái quầy sách bây giờ, nhìn những đầu sách mới in ra, nhiều, dày, hình như ta thấy lo nhiều hơn vui. Vì sao?

Có một điều dễ nhận thấy ngay: Sách vẫn được viết, được in ra đều, chất lượng ít ra cũng bằng hoặc khá hơn trước, nhưng trong một số năm gần đây rất hiếm hoặc không có những tác phẩm gây nên được những "sự kiện văn học" mới. Sách viết ra, in ra, người ta đọc, rồi nó phào đi, không để lại được những dấu vết sâu sắc, đậm nét trong đời sống tinh thần của xã hội. Cảm giác "có nhiều sách mà không có tác phẩm" là như thế. Người đọc thờ ơ với chính những quyển sách mình vừa đọc, tuy cũng chẳng có gì để chê bai nó. Có một không khí mệt mỏi, lạnh nhạt giữa người viết và người đọc.

Như vậy, chúng tôi nghĩ, phải chăng là tác phẩm vẫn như trước kia hoặc khá hơn một ít, còn trong khi đó thì đời sống lại đã thay đổi rất nhiều rồi. Tác phẩm thì vẫn như trước, vẫn "hay" như trước kia nó đã "hay", song hiện thực đã biến đổi khác trước. Phải chăng có những vấn đề mới đã nảy sinh, những câu hỏi mới đã phát sinh trong hiện thực, trong khi đó văn học vẫn lặp lại những vấn đề cũ, trả lời những câu hỏi cũ, có thể trả lời khá hay nhưng vẫn là trả lời những câu hỏi mà hiện thực đã vượt qua rồi.

Trong hiện thực xã hội chúng ta, trong cuộc chiến đấu quyết liệt liên tục của đất nước ta, quả thực vào khoảng thời gian từ đầu những năm 70, tình hình đã có những biến đổi mới sâu sắc. Ở miền Nam, như chúng ta đều biết, đây là thời kỳ "Việt Nam hoá chiến tranh", đỉnh cao của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Cuộc chiến tranh trở nên đặc biệt ác liệt, phức tạp, toàn diện hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó. Chưa bao giờ trên chiến trường miền Nam số quân địch, cả Mỹ nguỵ và chư hầu đông bằng lúc này, chưa bao giờ số lượng bom đạn, vũ khí giết người của chúng cao đến thế, chưa bao giờ những thủ đoạn đánh phá của kẻ thù tàn bạo nham hiểm toàn diện bằng, và tất cả đều tập trung đánh thẳng vào người dân, vào cơ sở, vào từng chi bộ, từng thôn xã, từng gia đình, thậm chí từng con người, tức là vào từng tế bào nhỏ nhất của xã hội, làm rung chuyển toàn bộ đời sống xã hội... Đứng về phía ta, thời gian đó chính là đêm trước của một cao trào cách mạng mới, cao trào sẽ bùng nổ trong mùa xuân 1975. Nhưng cũng như thường thấy trong mọi đêm trước của những cao trào, tình hình dường như bỗng trở nên cực kỳ đen tối, có lúc như bế tắc. Đó là bước chuyển mình dữ dội của đêm tối để chuyển sang bừng sáng...

Ở miền Bắc, đó cũng là một thời gian đặc biệt phức tạp. Địch buộc phải ngừng ném bom, rồi lại ném bom dữ dội hơn; chiến tranh kéo dài; hậu phương lớn phải dốc toàn lực ra cho tiền tuyến lớn chuẩn bị cuộc quyết chiến sau cùng. Mặt khác, trong nền sản xuất, cơ sở của xã hội cũng đã nảy sinh những vấn đề, những mâu thuẫn mới. Quan hệ sản xuất đã được thay đổi, nông thôn đã hợp tác hoá, nhưng việc dừng lại quá lâu trong tình trạng sản xuất nhỏ, mặc dầu đã hợp tác hoá, đã làm phát sinh những ảnh hưởng tiêu cực, có khi có tính cách tàn phá của nó. Trong xã hội, do chiến tranh và do có vấn đề trong nền kinh tế, đời sống khó khăn, những hiện tượng tiêu cực xuất hiện có lúc khá nghiêm trọng.

Sau năm 1975, tình hình lại có những sự phức tạp khác, trên một mặt nào đó mà nói, còn rộng lớn hơn: những vấn đề dồn lại của một đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc hơn 30 năm, những vấn đề của một công cuộc cải tạo và xây dựng mới rộng lớn chưa từng có và lập tức bóng đen của một kẻ thù sinh tử mới đã lù lù hiện ra...

Tất nhiên không phải cứ khi hiện thực trở nên đặc biệt khó khăn phức tạp thì văn học dừng lại, tụt lùi. Trái lại mới phải. Chính những lúc đó càng cần đến tiếng nói sáng suốt, tỉnh táo và tin tưởng của văn học. Cũng chính những cảnh huống xã hội đó cho phép văn học trở nên sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng vấn đề là ở chỗ chính trong những thời điểm bước ngoặt đó, về phía chủ quan của mình, văn học ta đã bộc lộ một số nhược điểm quan trọng, đồng thời chúng ta cũng đã phạm phải một số thiếu sót trong sự chỉ đạo văn học.

Chính trong thời điểm này, các lực lượng văn học của ta trước nay đã hình thành được một thế bám sâu khá đẹp trên các địa bàn, ở các mũi nhọn của cuộc sống, nay hầu hết đều bị bật ra khỏi các vị trí của mình. Mất liên hệ với đời sống, chúng ta bỗng bối rối mất phương hướng. Hiện nay có thể nói về cơ bản chúng ta không còn, hoặc có rất ít những lực lượng sáng tác, nhất là những cây bút chủ lực, bám sâu trên các địa bàn xung yếu nữa. Có những mảng rất lớn và hết sức quan trọng của đời sống, chẳng hạn như mảng đồng bằng sông Cửu Long nơi đang diễn ra cuộc đấu tranh cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội hết sức sâu sắc, gay go, độc đáo; hoặc như ở Tây Nguyên, một địa bàn chiến lược về kinh tế và quân sự, hoặc như ở phía Tây nam và trong nhiệm vụ quốc tế cao đẹp của chúng ta ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Cămpuchia anh em; hoặc cả trên tiền tuyến phía Bắc... hiện nay gần như hoàn toàn vắng bóng các nhà văn chúng ta, những nhà văn từng có truyền thống xông xáo, bám sâu, lăn lộn tích cực trong đời sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân. Trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp... hiện nay tình hình cũng không khá hơn mấy... Nói gì thì nói, đó là một tình hình không lành mạnh, không thể bào chữa được, một tình hình đáng báo động. Sự lãnh đạo của chúng ta đã không sớm phát hiện ra tình hình này và kiên quyết, kiên trì sửa đổi nó.

Mặt khác chính đến lúc này đã bộc lộ một chỗ yếu có nguyên nhân lâu dài trong tình hình đội ngũ của chúng ta, đã khá lâu chúng ta không chú trọng đầy đủ việc xây dựng đội ngũ, nhất là lớp nhà văn trẻ. Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh xã hội của nhà văn bị buông lỏng. Việc học tập nâng cao trình độ mọi mặt của người cầm bút làm không thường xuyên, không có hệ thống, nói chung còn du kích, chắp vá. Một phần do tình hình chiến tranh, một phần do thiếu sót chủ quan của ta, nói chung trong nhiều năm chúng ta không đạt và thực hiện tốt việc xây dựng cơ bản... Cho nên, trước những phức tạp mới của hiện thực, có hình tượng những người cầm bút chúng ta không đủ sức làm chủ tình hình, không đủ sức phân tích đúng đắn, sáng suốt. Nói gì đến cung cấp cho nó một câu trả lời sáng sủa.

Cả hai mặt đó cộng lại đã sinh ra bối rối trong tâm trạng, trong tình cảm, trong sự suy nghĩ của người viết. Cũng có thể nói, có sự giao động. Khi một người cầm bút giao động, ấy là khi anh ta giao động về nhân vật trung tâm của mình, về con người lý tưởng của mình. Khi anh ta bắt đầu nghi ngờ con người ấy trong hiện thực, hoặc ít ra là anh ta bối rối về họ, từ đó mà giảm lòng tin yêu đối với họ. Cái lòng tin yêu vốn phải cháy bỏng, niềm khao khát đến cháy bỏng vì con người, có cái ấy thì mới bắt đầu có cảm hứng sáng tạo nghệ thuật chân chính, mạnh mẽ. Dĩ nhiên người nghệ sĩ không phải cứ chờ cho đến khi con người trong hiện thực đã thật hoàn hảo, suôi sẻ, khi ở họ cái tốt, cái đẹp đẽ hiện ra thật lồ lộ, minh bạch... thì mới tin và yêu họ. Nếu như vậy thì nói cho cùng cần gì đến nghệ thuật và người nghệ sĩ nữa. Chúng tôi nghĩ nhiệm vụ của nghệ thuật không chỉ là ở chỗ biểu hiện hiện thực như nó đã có, một hiện thực tĩnh tại, mà chính là ở chỗ mô tả hiện thực như là một cái gì có thể thay đổi được và bồi dưỡng lòng tin, sự khát khao mãnh liệt muốn thúc đẩy sự thay đổi ấy. Phải chăng lúc này có tfinh trạng không ít phổ biến là người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở chính điều mình viết ra. "Người là muối mà chính người lại không mặn thì biết lấy gì để muối người". Văn học, nói theo một cách đấy, là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có thể có văn học lớn.

Nhân đây chúng ta cũng muốn nói rõ: quả là trong thời gian này trong nhiều người viết chúng ta đã có bối rối, giao động, điều ấy đã hạn chế sức chiến đấu của văn học ta nhiều lắm. Hôm nay chúng ta nghiêm khắc nhận rõ thiếu sót đó. Song cũng cần khẳng định rằng: trong văn học ta, ngay ở thời gian này, không có cái gì có thể gọi là "một luồng tà khí", "phản động", "chống Đảng"... như có lúc một số người đã ngộ nhận, càng gây thêm rắc rối. Chúng tôi nghĩ trong hội nghị này chúng ta có thể chính thức báo cáo với Đảng kính yêu của mình như vậy.

Một mặt khác nữa đã góp phần không ít vào tình hình trì trệ này là sự chậm trễ, sự thô thiển kéo dài trong công tác lý luận và phê bình văn học. Sự thô thiển trước hết ở một điểm rất cơ bản: ở quan niệm về chức năng của văn học.

Trái với những quan điểm đúng đắn của Đảng, quan niệm này, hoặc có khi được phát biểu chính thức hoặc bàng bạc trong không khí phê bình, lý luận, đánh giá, đã dung tục hoá mối quan hệ giữa hiện thực và văn học. Nó tuyệt đối hoá hiện thực, và kết quả là buộc văn học phải khiếp nhược trước hiện thực, người nghệ sĩ phải khiếp nhược trước đời sống. Như vậy thực chất là nó phủ nhận khả năng cải tạo trở lại hiện thực của con người, của văn học. Nó hạ thấp văn học xuống thành một sự sao chép hiện thực, coi giá trị văn học cao nhất là làm sao cố sao chép cho đúng nguyên hiện thực, có thế thôi. Bởi vì, theo nó, "hiện thực đã tốt, đẹp đến mức không còn gì để có thể tốt, đẹp hơn...". Quan niệm không mác -xít đó đã từng biểu hiện chẳng hạn ở chủ trương tuyệt đối hoá thể "người thật việc thật" trong văn học, muốn lấy đó làm dòng chủ đạo, thậm chí dòng duy nhất của văn học ta.

Chúng tôi nghĩ viết người thật việc thật là một chủ trương đúng và tốt. Nó giúp chỉ ra cho văn học một hướng lớn của đời sống, giúp văn học hướng sự chú ý tập trung của mình đến nơi tiền tiến nhất của cuộc chiến đấu. Nhưng tuyệt đối hoá nó thì lại rất sai. Và ngay trong việc viết người thật việc thật cũng cần phải hiểu đúng hơn.

Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, thu hút không những nguyên liệu mà cả linh hồn các tác phẩm của mình từ đấy, nhưng đến lượt nó, nếu như nó muốn có ích, muốn phục vụ trở lại cuộc sống, thì nó lại phải sáng tạo ra một cái gì đó khác, mới mẻ, chưa từng có, cao hơn về chất so với cái nguyên liệu cuộc sống đã cung cấp cho nó. Ăn dâu nó phải nhả ra tơ. Nếu nó lại nhả ra những cái lá dâu thì bản thân sự có mặt của nó thành vô nghĩa. Ngay cả những tác phẩm viết về người thật việc thật cũng không thể thoát khỏi cái luật biện chứng của sự sáng tạo đó. Người thật việc thật dẫu đã cao đến mấy, khi đi vào tác phẩm văn học vẫn phải được sáng tạo lại, trở nên cao hơn. Lý do rất đơn giản: chính những con người tốt đẹp của chúng ta vẫn luôn luôn khát khao mong ước tự hoàn thiện mình không ngừng. Vả chăng, điều mà nhà văn muốn phản ánh sinh động trong tác phẩm của mình, nói cho thật đúng ra, không phải là những hình tượng của hiện thực, mà là những qui luật sâu xa của hiện thực. Người nghệ sĩ luôn luôn có khát vọng muốn nhận ra, chỉ ra bằng những qui luật bí ẩn và đẹp đẽ nào mà cuộc sống lại sáng tạo ra được những điều kỳ diệu đến thế.

Quan niệm thô thiển về mối quan hệ giữa hiện thực và văn học dẫn đến tai hại: Khi trong hiện thực có những sự phức tạp, những mặt đấu tranh phức tạp, thì nhà văn dễ đâm ra hoang mang, mất hết lòng tự tin ở chính nghề nghiệp của mình, chức năng xã hội của mình, và anh ta sẽ đành lòng làm ra một thứ văn chương "phải đạo" nhuốn đầy màu sắc chủ quan.

Quan niệm thô thiển về chức năng của văn học cũng dung tục hoá mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Nó tuyệt đối hoá chính trị, tuyệt đối hoá sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học, mà quên rằng với tư cách là những hình thái ý thức xã hội, chính trị và văn học, qua những sự khúc xạ gần xa khác nhau đều là phản ánh hiện thực đấu tranh xã hội. Chúng tôi nghĩ Đảng không bao giờ đòi hỏi văn học nghệ thuật minh hoạ chính trị, trái lại Đảng yêu cầu, còn cao hơn nhiều, văn học nghệ thuật với sức mạnh riêng của nó, làm phong phú thêm cho chính trị bằng những khám phá và sáng tạo của riêng mình, không thay thế được...

Có lẽ điều đáng lo hơn cả trong tình hình công tác lý luận, phê bình văn học thô thiểu kéo dài, là ở chỗ nó đã tạo nên có thể nói là những định kiến xã hội đơn giản; dung tục đối với văn học, xói mòn năng lực thẩm mỹ của người đọc, mặt khác thấm cả vào chính người cầm bút, xói mòn ý chí sáng tạo, dũng khí sáng tạo nghệ thuật và ý thức trách nhiệm xã hội đúng đắn của nhà văn, tạo nên sự cản trở vừa ở ngoài họ, quanh họ, vừa ở trong chính họ. Phải chăng chính đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những lối làm ăn tệ hại, hết sức đáng trách, thiếu phẩm chất trong một số người cầm bút mà chúng ta đang hết sức lo lắng.

Một nguyên nhân khác nữa đã hạn chế những thành tựu của văn học ta vừa qua là ở sự chỉ đạo cụ thể đối với sáng tác. Nói chung vừa qua, trong chỉ đạo sáng tác, chúng ta còn dừng lại ở chỉ đạo đề tài, chưa đi sâu vào chỉ đạo chủ đề, hoặc có thì cũng còn khá chung chung. Chỉ đạo đề tài là rất quan trọng. Buông lỏng chỉ đạo đề tài thì sẽ dễ dẫn đến phủ nhận chức năng xã hội của văn học. Đánh đồng tất cả các đề tài tức là phủ nhận sự cần thiết văn học phải luôn luôn hướng vào những mũi nhọn nhất của đời sống và như vậy cũng không thể nhận ra đúng đắn, sâu sắc những chủ đề lớn, những nội dung lớn của đời sống. Song, nhất là khi trong hiện thực diễn ra những biến động sâu, mạnh, phức tạp, thì việc chỉ đạo chủ đề càng có ý nghĩa quyết định. Chỉ đạo chủ đề tức là giúp cho người nghệ sĩ sớm nhận ra cái cốt lõi bên trong của sự vận động của hiện thực, mò ra qui luật của nó, từ đó, dưới cái vỏ biểu hiện bên ngoài là đề tài, có thể mô tả nó không hời hợt, không hình thức, không bối rối...

Hôm nay, trong hội nghị này, chúng ta muốn nghiêm khắc nhìn lại những thiếu sót trên đây của văn học ta vừa qua, là để, với tư cách là những người cầm bút của Đảng, tức là những người vừa là những người chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn học, vừa là bộ phận tham mưu của Đảng trên mặt trận này, chúng ta nhận rõ hơn trách nhiệm của mình, cố gắng cùng nhau khắc phục những thiếu sót đó, đưa văn học ta tiến lên ngày càng ngang tầm nhiệm vụ của nó.