trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
15.5.2003
Nguyễn Hoàng Ðức
Bàn về thực chất văn phẩm của Nguyễn Huy Thiệp
 
Khi tôi bước vào văn học thì tiếng tăm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã như tiếng sét nối tiếp rền vang. Cả một chuỗi sét rền vang, nhưng tựu chung chỉ tụ quang một tiếng "Nguyễn Huy Thiệp - tác giả của Tướng về hưu". Càng ngày tôi càng thực chứng tiếng sét này. Lần nào cũng vậy, mỗi lần đến thăm nhà anh, nếu có một "độc giả - nghiên cứu" nào từ phương Tây đến, thì đều hỏi anh hai câu chính:
  1. "Tướng về hưu" anh viết có dựa trên cốt chuyện thật nào không?

  2. Anh đã từng viết tiểu thuyết chưa ?
(Câu trả lời luôn luôn là "chưa từng", mới đây tôi biết anh Thiệp có ra mắt cuốn tiểu thuyết "Tuổi hai mươi yêu dấu" - 200 trang).
Văn của Nguyễn Huy Thiệp, điểm mấu chốt nhất theo tôi: Tướng về hưu vừa là vé vào cửa vừa là vương miện.

Bàn về Nguyễn Huy Thiệp nói riêng và văn học Việt Nam nói chung thật khó. Như chúng ta đã biết, ngay các giải thưởng của Hội Nhà Văn hẳn hoi, trao giải rồi nhưng khép lại tranh luận không để cho các cây bút khác cùng độc giả có thể nhận ra giá trị của giải thưởng, mong học hỏi cũng như tôn vinh. Ðúng là kiểu "ấp úng như ngậm hột thị". Không rõ có phải các tác phẩm được giải như quả thị kia "chỉ ngửi không ăn được", mà người ta vẫn ăn, nên đành ngậm hột, ấp úng không nói lên lời? Với bản thân tôi, chưa kịp nhận xét về Nguyễn Huy Thiệp hay các tác giả khác vài câu đã bị người đối thoại cố tình chụp cho chiếc mũ "không đủ tài văn chương thì đố kị". Ngược lại, hơn mười năm qua, dường như tôi chưa gặp nổi một khuôn mặt đưa ra nhận xét về tác giả này hay tác phẩm kia một cách có chứng lý đàng hoàng. Tất cả chỉ nói "tôi đọc thấy thích".

Trước khi đi sâu vào nghiên cứu tài năng của tác giả Nguyễn Huy Thiệp, tôi xin đưa hai nhận xét đã ủ kỹ. Từ lâu tôi đã thẳng thắn thừa nhận: Nguyễn Huy Thiệp là tác giả vượt trội hơn hẳn các cây bút cùng thời mình bởi hai lý do tự thân chính sau:
  1. Anh viết bằng một mặc cảm người bị điều lên công tác miền núi, xứ khỉ ho cò gáy, sau là mặc cảm quê mùa, sau nữa là mặc cảm tiểu thị dân ở ven đô.

  2. Anh viết bằng một sự mẫn cảm, một cẩn trọng, một run rẩy hiếm có. Mỗi truyện ngắn có thể viết trong vài tháng. Truyện "Sang sông", theo anh nói, viết khá nhanh đã phải mất hàng tuần.
Khi tôi nói Nguyễn Huy Thiệp viết văn bằng mặc cảm miền núi và quê mùa, không phải cách dè bỉu, mà chữ "mặc cảm" ở đây được dùng theo lối trọng thị, như việc Napoléon mặc cảm là người đảo Corse. Chính bởi mặc cảm này Nguyễn Huy Thiệp đã run rẩy, cẩn trọng nhích từng bước thao thức vào văn chương. Và tạo ra một hiệu quả - một thành quả hơn hẳn các cây bút cùng thế hệ với mình.Có thể nói, sự kiện Nguyễn Huy Thiệp là sự kiện rạn nứt - làm rách ra bức tranh của văn học đương thời. Một bên là những cây bút vẫn còn chầu rìa ăn tem phiếu bao cấp, xếp hàng viết sản xuất ra những tác phẩm mậu dịch quốc doanh nhất loạt. Còn bên kia Nguyễn Huy Thiệp đã nhảy vọt qua thời mở cửa kinh tế thị trường.

Sự kiện Nguyễn Huy Thiệp bứt phá từ văn bao cấp mậu dịch sang văn thời thị trường đúng cả về nghĩa bóng và nghĩa đen. Hoạ sĩ Hồng Hưng, một người không xa lạ gì với Nguyễn Huy Thiệp cả về con người và bút pháp vẫn thường nói: "Thiệp là cây bút cập thời vũ". Nghĩa là người được gặp thời. Ðúng lúc nhà nước thực hiện mở cửa thị trường còn chưa kịp kiểm soát, thì "Tướng về hưu" nhanh chóng chui lọt vào cửa báo Văn Nghệ. Sau đó nhà nước thực thi "mở cửa có kiểm soát" thì chẳng có tác giả nào có thể trình làng một văn phẩm "hiện thực" như Tướng về hưu.

Nguyễn Huy Thiệp tài hơn hẳn các nhà văn cùng thế hệ, nhưng tài hơn đến đâu? Liệu anh có ra khỏi nhận xét chung của Hội Nhà Văn: Nước ta chỉ có tác phẩm bé và vừa? Liệu cái hay, cái tài, cái khéo, cái nhiệt huyết, cái miệt mài, cái cô đúc các xúc cảm mặc cảm của "Những bài học nông thôn", "Chảy đi sông ơi" "Thương nhớ đồng quê"... có chắp nổi đôi cánh tư tưởng để bay vượt qua vòm cung thời đại hay vẫn chỉ là thứ cò - dù đẹp - dù mẫu mã thị trường bay lả bay la trên cánh đồng quê lam lũ? Muốn trở thành tác giả lớn, mới chỉ có miệt mài lớn thì chưa đủ, mà phải có tư tưởng lớn, tri thức lớn! Từ bé đến giờ, đọc đã khá nhiều sách, tôi chưa gặp một tác giả nào vĩ đại trên thế giới mà chỉ cầu may vào cái gọi là tài năng, trong khi đó tri thức thấp, tư tưởng thấp, nhân cách thấp.

Tất cả cái gọi là lương tri, tư tưởng, nhân cách lớn, đều phải bắt nguồn từ tri thức. Từ tri thức mới có lương tri, rồi mới sinh tư tưởng. Tri thức của Nguyễn Huy Thiệp ở cỡ nào? Tất nhiên anh đã tốt nghiệp Ðại học Sư phạm, khoa sử. Nhưng nước ta ngày nay có cả triệu sinh viên, và đến vài triệu sinh viên đã tốt nghiệp. Các nhà giáo qua họp mặt mới đây nói rằng, trình độ đại học ở ta đang ở mức học sinh cấp bốn. Tóm lại trình độ đại học với số cả triệu - triệu người, mới chỉ là mức văn hoá phổ thông nâng cao. Ðể kiếm một nơi ấm chỗ có công ăn việc làm thì "đủ", nhưng để trở thành nhà văn tầm vóc vĩ đại thì trời ơi còn thiếu nhiều lắm. Kể ra thì trình độ học vấn của Nguyễn Huy Thiệp cũng được đào tạo chính quy hơn hẳn các cây bút đào tạo cấp tốc thời chiến, học dở cấp ba, vừa lao động sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu, vừa cầm bút. Nhưng mà "trông lên vẫn chẳng bằng ai".
Dẫu vậy, tại sao không chỉ bạn đọc mà có rất nhiều cây bút ảo tưởng rằng dù học vấn có hạn, nhưng trời phú cho ta, một tài năng bẩm sinh hơn người, như con sáo không cần tập hót vẫn hót hay, ta không cần cố gắng có nhiều đầu vào vẫn nhả tơ may mắn ở đầu ra, và được hơn người. Ðây là tâm lý cầu may tiểu nông, như nạn chơi lô, chơi đề tràn lan hiện nay. Không muốn trồng cây lại muốn hái quả. Cầu may, mong được may mắn hơn người, trúng tài năng như trúng số độc đắc, bỗng ngày nào tay trắng nổi cơ đồ. Theo các nhà mỹ học, đây là cách nghĩ thụ động của hạng nô tài, mà đã cầu may kiểu nô tài, thì không thể nào thành tài lớn được. Triết gia Nietzsche nói: "Chúng ta không nên đón nhận mà phải sáng tạo. Chúng ta không hèn đến mức ngửa tay xin sự bố thí của thần thánh". Cách tu dưỡng tri thức, chữ nghĩa, nhân cách ít ỏi của nhiều người, sau đó nằm cầu may ta có thiên phú hơn người, hoàn toàn là lối "ăn mày thần thánh". Ðể khỏi rơi vào võ đoán, chúng ta hãy nghe chính Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận. Trong báo An Ninh Thế Giới cuối tháng số 20 tháng 4 năm 2003 vừa ra (talawas, 07/5/2003), Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn.

Về việc cầu may: "Cũng có người nói như thế, thiên tài 99% là kiên nhẫn, còn 1% còn lại là thiên phú. Cũng có người nói ngược lại, 99% là trời mang đến. Theo tôi thì nó có cả hai yếu tố đấy 50 - 50".

Một nhà văn đòi lớn mà lại đòi cầu may đến 50% thì thật hết chỗ để lùi. Một cách không thể nào cãi được, triết gia Aristote cho rằng: Dù con người học bất cứ ngành nào, thời gian học chữ cũng là công phu nhất. Chữ nghĩa như vậy, theo ông, đó là con đường giáo hoá bản năng, nó càng mang sứ mệnh "nhân tạo" mới càng vĩ đại, vì khi đó nó chứng tỏ tác phẩm sáng tạo là của con người chứ không phải của thiên nhiên. Một cách chính thống, xưa nay chưa một nhà mỹ học dù cách tân đến đâu có thể vượt qua nguyên lý: Nghệ thuật - văn chương là Nhân tạo! Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp lại đòi cầu may trời phú đến 50%, có khác nào một hang đá tự nhiên chẳng tài cán gì, được gió thổi qua, bỗng có tiếng hú như là tiếng sáo.

Có một điều hệ trọng cốt tử là, xưa nay, từ cổ chí kim, từ đông chí tây, từ đạo chí đời, chưa một ai thoát khỏi nguyên lý "Nhân - Quả", trồng cây nào hái trái ấy. Vậy Nguyễn Huy Thiệp có cầu may được đầu vào ít, đầu ra thì vĩ đại không? Và những cây bút cùng các bạn đọc thiếu lý trí thẩm định chỉ biết a dua liệu cũng có thể mong chờ vào cơ may trúng số để nhảy vọt khỏi vòng nhân - quả?

Về tri thức cũng như nhân cách, Nguyễn Huy Thiệp trả lời như sau: "Ðương nhiên. Thế nhưng trong cái nọ lại có cái kia. Trong thiện có ác, trong ác có thiện. Trong cái thị có cái phi, trong cái phi có cái thị. Trong cái phải có cái quấy, trong cái quấy nó cũng có cái phải của nó".

Các nhà triết học và đạo đức học gặp nhau ở chỗ: Lương tâm con người cốt ở sự hiểu. Vì không biết cái tốt để làm, cái xấu để tránh thì làm sao có thể đạt tới đạo đức. Vì thế người ta mới gọi là "Lương tri". Vậy thì cái lối trong ác có thiện của Nguyễn Huy Thiệp nêu trên, đã được các học giả Trung Quốc gọi là ba phải, trung dung, tuỳ tiện. Còn người Việt thì gọi đó là "nôm na mách qué", "dở ông dở thằng", "nửa nạc nửa mỡ", và là bạc nhạc, bầy nhầy. Nhẹ thì như khí có thể bay, nặng như nước có thể chảy, đằng này lại chỉ là thứ nửa nước - nửa khí hoá sương mù "bạc nhạc". Chính thế, mà Nguyễn Huy Thiệp đã thú nhận:
"Nhiều chứ! Tôi cũng là một con người dao động, là một con người cũng thiếu tự tin… ừ! Hay tôi là một cái thằng có thể nói là hèn, ít chịu hy sinh mà cũng không dám mất nhiều".
Nhận mình là hèn, đúng là binh pháp của Hàn Tín sẵn sàng luồn chôn để tồn tại. Thử hỏi làm sao văn học Việt còn chưa chạm đến nổi các hàng rào của danh dự, lương tri, cũng như tư tưởng?

Người đời luôn biết, cái gì không hợp qui luật thì không thể tồn tại. Các tác phẩm nghệ thuật cũng vậy, muốn có được giá trị chung thuộc về công lý phải ra công truyền để mọi người cùng bàn đi xét lại. Xưa nay, nhân loại chưa gặp một giá trị nào dù khó đến đâu đem ra công truyền lại thất bại. Ngược lại chỉ những thứ bí truyền mới là thứ vừa ích kỷ, vừa gây tội lỗi. Vậy để tìm đến giá trị thực của Nguyễn Huy Thiệp, tôi xin đi sâu vào mấy điểm. Trước hết là:


1. Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng trên mặt bằng bạn đọc nào?

Triết gia Nietzsche có nói: "Một dân tộc có thiên tài không quan trọng bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó". Ðây là một sự thật hiển nhiên đến mức, dân tộc nào trước hết cũng lo đào tạo Dân trí rồi mới lo đến có thiên tài. Bởi lẽ, một dân tộc không biết trồng nho làm sao đòi uống rượu vang ngon; một dân tộc không có kỹ nghệ luyện kim thì làm sao có thể làm tầu vũ trụ?

Vậy, cách tiếp xử văn học ở ta đang ở mức nào? Một lần trong một ngày lễ lớn, tôi có ngồi ăn cạnh một mâm gồm nhiều người trên trung lưu của xã hội - từ tiền của, địa vị, đến học vấn đều ở mức khá hơn người. Rượu được vài tuần, họ bắt đầu phun châu nhả ngọc những lời văn học, nào là":

"Trẻ con không biết ăn thịt chó!" ám chỉ truyện ngắn của Nam Cao. Rồi:
"Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh", ám chỉ truyện "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố. Và thoả mãn khi mời nhau:
"Mỗi các cụ chim to lên mâm trên", ám chỉ một câu trong một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.

Vậy đấy, hầu hết bạn đọc Việt Nam mới chỉ ở mức lấy thơ, lấy văn ra đùa nghịch. Chưa nói bạn đọc, ngay các nhà thơ, tết Nguyên Tiêu Quí Mùi vừa qua còn mở lễ hội thơ, đánh trống rước cờ, như chơi hội làng, đúng là còn mang nặng tư duy vui chơi làng xã của nền văn minh lúa nước. Chỉ với vài câu trên, mấy chàng trí thức nửa mùa đã hí hửng nghĩ rằng ta đã băng tắt qua cả "lịch sử văn học đương đại".
Còn cách đọc thì sao? Ðọc ai, khen ai, chê ai, xổ toẹt, họ chỉ cần nói "Tôi thấy thích!" "Tôi thấy xúc động!" "Tôi thấy vào lắm!"… Ðây là cách trực cảm bản năng, mà hai triết gia Platon và Aristote đã chỉ rõ: Trực cảm bao giờ cũng là thụ động và mang tính nô tài, bởi lẽ trực giác luôn luôn cần đối tượng để mà cảm. Chẳng hạn, xúc giác cần chạm vào vỏ cây để thấy xù xì, thính giác cần nghe tiếng xột soạt của vải vóc để thấy mê mẩn, thị giác cần nhìn ngũ sắc để thấy hay… Mà đã phụ thuộc vào đối tượng cũng như các trực giác của mình thì không thể nào trở thành: người sáng tạo được! Làm sao có thể coi một người là sáng tạo khi anh ta là nô lệ cho chính trực giác của mình? Vì thế, nền văn học của chúng ta đầy rẫy những cây bút bắt chước, Nguyễn Huy Thiệp cũng không vượt ra khỏi thông lệ đó, khi bút pháp của anh gần 99% là bắt chước lối "dã sử kiểu Tầu". Còn bạn đọc, thì than ôi trong vài năm tôi chưa gặp nổi một khuôn mặt coi thưởng thức văn chương là việc nghiêm túc, trái lại chủ yếu là số a dua, ăn theo nói leo, tồi tệ hơn, có nhiều người khen người này chê người kia, chẳng qua lấy chính tác giả và tác phẩm làm lá chắn che đỡ cho đời sống dục vọng ích kỷ, chỉ muốn thúc thủ vinh thân phì gia. Hầu hết muốn sáp vô chơi với văn chương theo kiểu lễ hội làng, "vui đâu chầu đấy". Khi tôi nói vậy, xin quý độc giả chớ vội tự ái, mà ngay đây tôi sẽ xin nêu ra những nhà văn có danh tiếng hẳn hoi bàn về Nguyễn Huy Thiệp ấm ớ thế nào.

Nhiều nhà văn khá có tiếng nói về văn của Nguyễn Huy Thiệp thế này: "Văn Thiệp hay lắm!", "Thiệp viết ma lắm!" Tóm lại họ muốn diễn tả: Nguyễn Huy Thiệp viết văn, có khả năng lung lạc tâm hồn người si mê như quỉ thần. Thật buồn cười, "viết ma lắm", chẳng nằm trong bất cứ tiêu chí mỹ học nào, và người nói vậy đã muốn chứng tỏ: không thể nào phân tích được đâu. Có nhiều người khác, khi nghe vậy liền phản đối, họ nói: "Phật một tấc, ma ba trượng". Nghĩa là làm phật, làm thần thánh, thì tiến lên một tấc cũng khó, trong khi đó làm ma cao ba trượng dễ như trở bàn tay.

Có một nhà văn trẻ khác, còn suýt xoa tán tụng rằng: "Thiệp đưa cứt vào văn học hay thật, không dung tục, mà rất thanh cao". Tôi liền hỏi "Cứt thanh cao thế nào?" Anh ta liền trả lời: "Cứt, Thiệp viết không giống người, khác lắm!" Cũng về chuyện này, mấy lần hoạ sĩ Hồng Hưng có nói với vài người trong đó có tôi là: "Tôi nhiều lần đã nói với Nguyễn Huy Thiệp, ông là người có công đưa cứt tươi vào văn học".

Gần đây, có anh bạn hoạ sĩ khá nổi tiếng ca tụng hết lời rằng: "Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn thiên tài vĩ đại". Tôi hỏi, anh chứng minh đi, anh ta bảo: "Ðọc văn Thiệp tôi thấy thích lắm!" Tôi nói: "Thích mới là tiêu chí thấp nhất của mỹ học" Sau đó, tôi hỏi anh ta: "Anh tự nhận là bạn đọc mỹ học hay bạn đọc bình thường?" Sau một lúc ấp úng anh ta nói: "Tôi chỉ là bạn đọc bình thường yêu thích văn của Nguyễn Huy Thiệp thôi". Tôi liền bảo: "Anh không có tư cách pháp nhân cũng như đại biểu để bàn về văn học, vì trước ca mổ, y bác sĩ hội chẩn không thể nào cho phép mấy ông bà vu vơ vào hội chẩn. Nếu anh là bạn đọc bình thường, thì khác gì trăm, vạn, nghìn người khác, anh xe thồ, cô bán rau ở ngoài kia, sao có thể xét đoán tầm vóc của một nhà văn?"

Phần lớn các bạn đọc xứ ta đều quan niệm nghệ thuật là cái gì để vui, để thích. Vậy "văn dĩ tải đạo" mệt lắm rồi! Kết thúc phải có hậu cổ điển lắm rồi! Ðạo đức giáo huấn theo kiểu người tốt việc tốt mệt lắm rồi! Và văn của Nguyễn Huy Thiệp cho người ta được yên chí về dục vọng của mình "vì trong cái tốt có cái xấu, trong cái xấu có cái tốt lo gì!" Ðây là quan niệm lệch lạc vô cùng ấu trĩ và khuyết tật. Xưa nay chưa có nhà văn nào trở nên vĩ đại mà từ bỏ con đường đạo lý. Ðạo lý là qui luật lớn nhất của con người. Hơn cả thế, đó là luật trời nổi xuống luật người. Từ I-liatÔ-đi-xê của Homer, cho đến Vua Lia của Shakespeare, đến "Chiến tranh và hoà bình" của L. Tolstoi, đến Dịch hạnh của Camus, Vụ án của Kafka… Chưa ai có thể đi ra khỏi đạo lý - cũng là qui luật sống còn của loài người, mà trở thành danh tiếng cả. Cũng chính vì thế, văn phẩm cao quí nhất của loài người đều nhắm đến danh dự, tình yêu dâng hiến, tư tưởng công chính, lý tưởng toàn thiện. Trái lại, không thể có nhà văn đáp ứng sự yêu thích tuỳ tiện của dân chúng mà trở nên vĩ đại. Nếu con bạn có nói, một chiếc kẹo cao su thích hơn một bài giảng trên lớp, thì không có nghĩa: chiếc kẹo đó giá trị hơn tinh thần của một bài học.


2. Bút pháp hình thức - nhà văn của những mệnh đề đơn giản

Văn của Nguyễn Huy Thiệp hầu hết đều là câu đơn giản. Ðể khách quan, tôi xin dẫn nguyên một đoạn:

"Chị Ngữ là chị dâu tôi, lấy anh Kỷ. Anh Kỷ đang làm công nhân trên mỏ thiếc Tình Túc Cao bằng. Chị Ngữ là con ông giáo Quỳ. Ông giáo Quỳ có nhiều sách. Mọi người bảo ông là "đồ gàn", lại bảo ông là "lão dê già", "Quỳ dê". Ông giáo Quỳ có hai vợ, vợ cả sinh ra chị Ngữ, chị dâu tôi. Vợ hai là thím Nhung, vừa là thợ may, vừa bán quán sinh ra thằng Văn bạn tôi. Thím Nhung trước kia là gái giang hồ ở Hải Phòng ông giáo Quỳ lấy về làm vợ nên uy tín chẳng còn gì" (Thương nhớ đồng quê).

Thật là đoạn văn tả theo lối trích ngang, lối "tả - khoán gọn - cho xong". Câu đơn giản hoặc mệnh đề đơn giản là gì? Nêu lên các bạn chớ có cười. Kỳ thực trong đội ngũ viết văn, làm thơ của ta, có đến hơn 90% không biết đến khái niệm này. Câu đơn giản - gồm một mệnh đề, không có đại từ quan hệ, tiếng Pháp gọi là "Pronom relatif". Chưa nói đến việc trở thành nhà văn - là bậc thầy của ngôn ngữ, dù bạn học bất cứ thứ ngoại ngữ theo dòng châu Âu nào, Anh, Ðức, Pháp, Nga, La-tinh … thì chỉ sau vài tuần, người ra đã bắt các bạn phải học về "đại từ quan hệ" để có thể nói được câu phức hợp.

Người Trung Hoa nói "Y phục xứng kỳ đức", và cũng nói "tư duy của người ta thế nào thì bước chân đi thế ấy", người trí lớn bước sẽ dài và khoan thai, người hẹp hòi tủn mủn bước chân sẽ lặt nhặt… Văn của Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu thiên về kể chuyện con cà con kê nhà quê, nên chẳng thể có nội dung tư tưởng phức hợp để diễn tả bằng những mệnh đề phức hợp. Người có ý tưởng đơn giản thì dùng mệnh đề đơn giản để thể hiện là chuyện không thể nào khác được. Và một nền văn học còn quá nhiều độc giả dân trí thấp, ngại tư duy, thích đọc những mệnh đề đơn giản để đỡ mệt óc, cũng là chuyện không thể nào tránh được.


3. Bút pháp nội dung - cũng là tính tư tưởng

Trong các loại hình nghệ thuật, văn học là cao nhất. Và trong văn học, đối thoại là phẩm chất cao nhất của bút pháp. Bởi vì, mâu thuẫn đối đầu là hình thức cao nhất của sinh tồn, một mất - một còn; và đối thoại là hình thức cao nhất của ngôn ngữ.

Văn của Nguyễn Huy Thiệp có hai dạng chính: 1) Viết về lịch sử. 2) Viết về nông thôn, rừng núi.

Theo các nhà mỹ học, viết về lịch sử là dễ nổi tiếng nhất vì lịch sử bao gồm các nhân vật đã nổi tiếng, các cốt truyện đã được tinh lọc và cất cánh. Viết về hiện tại là khó nhất, vì là sứ mệnh chính của nhà văn, vì nhà văn vừa là nhân chứng vừa là thông điệp của thời đại. Vậy đề tài nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp đã đủ trưởng thành vóc dáng của tư tưởng chưa? Từ xưa đến nay, người Hy Lạp thì coi khinh nông dân, người Trung Quốc thì gọi là "lũ quê mùa cục súc", cho đến thời đại xã hội chủ nghĩa là chìa cánh tay hữu ái nhất cho tầng lớp nông dân mà cũng nhất khoát rằng: "Giai cấp nông dân không thể làm được cách mạng vì tâm lý tiểu nông, tủn mủn, manh mún, hẹp hòi - giỏ nhà ai quai nhà nấy... " Vậy thì nông dân có đạt đến tầm tư tưởng không ? Chắc chắn không, họ mới chỉ đạt đến tâm sinh lý và khí thế. Không có tư tưởng nhất khoát không có đối thoại. Trong hơn bẩy trăm năm trang tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, hầu như chẳng có đối thoại thực sự bật ra từ mâu thuẫn cần giải quyết, mà chủ yếu là ngôn ngữ kể lể thông tin.


4. Ấu trĩ về bút pháp đến mức hầu như chẳng hiểu gì cả

Văn chương xưa nay có hai loại hình chính: Bi kịch Hài kịch. Trong cả hai loại hình, thì tác giả nghĩa người sáng tạo đều phải biết làm chủ các nhân vật của mình, vì thế người ta mới gọi là "sáng tạo".

Vậy mà các truyện của Nguyễn Huy Thiệp đầy rẫy các tai nạn chết ngẫu nhiên: "Chảy đi sông ơi" , Thắm chết; "Tướng về hưu", cha mẹ đều chết; "Cún", cha chết; "Không có vua", lão Kiền chết; "Ðời thế mà vui", ông khách ngoẻo; "Tội ác và trừng phạt", vài người chết, "Những bài học nông thôn", anh Triệu ngẫu nhiên bị trâu húc chết; "Thương nhớ đồng quê": "Cái Minh em tôi và cái Mi con dì Lưu đèo nhau đi học về, qua ngã ba thì bị chiếc ô tô chở cột điện cán chết". Cả hai cái chết đó chỉ phục vụ cho tác giả đọc một bài thơ đám ma.

Bi kịch là gì? Là tác giả phải dựng lên quá trình, dù cho nhân vật không phải bằng xương bằng thịt nhưng phải "được chết" trong nguyên lý, không thể có cái chết tuỳ tiện dành cho nhân vật ! Vậy Nguyễn Huy Thiệp bắt các nhân vật phải chết ngẫu nhiên để làm gì? Vì theo tâm lý làng xã, mọi người xem cải lương hay chèo về thường nói với nhau: "Vở kịch hay quá, tôi khóc từ đầu chí cuối". Thêm nữa, cái chết bao giờ cũng ru người ta vào sự vừa thương tiếc vừa hệ trọng. Thế là truyện của Nguyễn Huy Thiệp được đưa vào khung cảnh lâm li … Ðiều này là không thể chối cãi được, vì tác giả của bi kịch phải là tác giả của tư tưởng, mà Nguyễn Huy Thiệp với trình độ chưa có nổi tư tưởng thì buộc phải tạo ra cái chết ngẫu nhiên. Trông giống bi kịch, mà không phải! Riêng điểm này cũng đủ nói lên trình độ bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp hết sức ấu trĩ và tuỳ tiện.

Ðể kết luận, tôi xin nhắc lại, Nguyễn Huy Thiệp viết văn hay hơn hẳn những cây bút cùng thời vì mặc cảm hơn và kỹ lưỡng hơn. Nhưng hơn ở mức nào? Tôi xin nói để chia sẻ cùng mọi người rằng: chưa nói đến tài năng, cây bút nào chưa đạt đến tầm chuyên nghiệp thì đừng mơ ước thành tài. Ðầu vào của anh còn quá ít nên không thể nhả tơ để thành văn phẩm ở đầu ra. Dăm cân cái đồng, mấy cân cốm dù có thơm tho ở đầu vào sao có thể hoá thịt cá voi ở đầu ra? Và ngựa thiên lý không thể là thứ ngựa chỉ phi vài dặm, bắt chấp việc mấy chục truyện ngắn, chục vở kịch, hay cuốn tiểu thuyết có hay đi nữa, nhưng đã đủ để cho một cây bút xây dựng lên con đường vạn dặm sáng tạo của mình chưa? Nhưng có một số người đã biện hộ rằng: hay không cốt lớn, không cốt dài.

Làm sao một đống đá nhỏ dù là đá quí có thể dựng thành lâu đài? Và các nhà mỹ học cho biết điều kiện đầu tiên bất thành văn của mọi tác phẩm, mọi nhà văn để trở nên vĩ đại: trước hết phải tràn đầy sinh khí sống (cái người ta gọi là hoành tráng). Nói "hay không cốt lớn, hay không cốt dài" là cách biện hộ của những kẻ vừa nhược thiểu vừa yếu đuối, vừa lười nhác. Những kẻ chỉ thả lưới mấy vần thơ đòi vớt cả cuộc đời.

Không thể muộn hơn, đã đến lúc chúng ta phải "ngửa bài" Nguyễn Huy Thiệp. Sự ngửa bài đó giành cho tác giả thì ít mà chính là nó phơi ra cả đời sống văn học còn đang trì trệ ấu trĩ của chúng ta: vừa "cả vú lấp miệng em", vừa "ấp úng như ngậm hột thị", vừa "ngậm miệng ăn tiền" của một cơ chế văn học bao cấp vẫn quen ngửa cổ để chính phủ và nhân dân rót đường sữa, tem phiếu vào những cơ thể vừa còi cọc, vừa thiếu tài năng.

23/4/2003

© 2003 talawas



Nguyễn Hoàng Đức, nhà thơ, nhà phê bình văn học, hiện sống tại Hà Nội