Văn há»cVăn há»c Việt Nam Loạt bài: Tuần kỉ niệm Nhất Linh (25.7.1906-07.7.1963)
29.7.2004
Phạm Phú Minh
Nắm cỠđưa vỠtấc đất xưa
Mộ của nhà văn Nhất Linh hiện nay ở đâu? Ngoài việc ai cũng biết là ông đã qua đời năm 1963 và được an táng tại chùa Giác Minh ở Gò Vấp, thời gian sau đó đất nước có nhiều biến đổi, nhất là sau 1975 đã xảy ra nhiều vụ di dời mồ mả, quả thật ít ai để ý mộ của nhà văn hào nổi tiếng vào bậc nhất của Việt Nam thật sự hiện có còn ở chỗ cũ không, hay đã bị thời cuộc xô giạt đi một nơi nào.
Quả là với sự xáo trộn chung của cả miền Nam sau chiến thắng của phe cộng sản, mộ của nhà văn Nhất Linh cũng đã không còn yên vị như trước. Theo anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn cho biết thì ít năm sau 1975, chính quyền cộng sản giải tỏa nghĩa trang chùa Giác Minh ở Thông Tây Hội (Gia Ðịnh), anh Nguyễn Tường Thạch là con trai Nhất Linh đã hỏa thiêu di cốt của cha và gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu quận Ba Sài Gòn. Trong khi đó, năm 1982 bà Nguyễn Tường Tam sang Pháp đoàn tụ với con, nhưng cũng trong năm này bà qua đời, được an táng tại một nghĩa trang ở Paris.
Năm ngoái, 2001, các người con của ông bà Nhất Linh đã quyết định dời mộ ông bà và của người con gái lớn là chị Thư về Quảng Nam, nguyên quán của gia tộc Nguyễn Tường. Hài cốt của bà đã được hỏa thiêu tại Orsay (Pháp), sau đó được hai người con là anh Việt và chị Thoa đưa về Sài Gòn vào tháng Tư 2001. Anh Nguyễn Tường Thiết từ Mỹ đã về Sài Gòn trước, đón di cốt bà đưa về chùa Kim Cương, nơi này di cốt của ông đã được gửi thờ từ khoảng hai chục năm nay. Ngày 27-4-2001 nhà chùa đã làm lễ cầu siêu trọng thể với sự có mặt của tất cả thân thích trong họ có mặt ở Sài Gòn. Ngay sau lễ, di cốt của ông bà Nguyễn Tường Tam và của chị Thư được đưa lên tàu hỏa đi Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.
Ngày 28-4-01 cử hành lễ chôn cất các di cốt tại nghĩa trang riêng của họ Nguyễn Tường ở Hội An. Mộ của ông bà Nguyễn Tường Tam nằm gần mộ cụ tổ Nguyễn Tường Phổ, người đầu tiên của họ Nguyễn Tường ra làm quan và lập nghiệp ngoài Bắc, nhưng khi mất đã được mang về an táng tại quê nhà.
Theo quy định của giòng họ, hình thức bia mộ phải theo một mẫu chung là lai lịch người trong mộ được viết bằng chữ Nho và chỉ đề tên hiệu. Ðối với người không biết chữ Nho thì ngôi mộ được nhận ra là do tên tuổi của con cháu lập mộ được viết bằng chữ quốc ngữ. Ngoài ra mộ ông mộ bà phân biệt do mộ ông bên trái mộ bà bên phải – nam tả nữ hữu. Nội dung chữ Nho trên bia mộ của nhà văn Nhất Linh như sau:
Hàng trên cùng (đọc ngang, từ phải sang trái): CẨM GIÀNG (địa danh ngoài Bắc).
Hàng thứ hai (đọc ngang, từ phải sang trái): NGUYỄN TƯỜNG MÔN ÐỆ THẬP THẾ (nghĩa: Họ Nguyễn Tường, đời thứ 10).
Hàng dọc (đọc từ trên xuống): HIỂN KHẢO HIỆU NHẤT LINH NGUYỄN PHỦ QUAÂN CHI GIAI VỰC (nghĩa: “hiển khảo” là tiếng chỉ người cha đã khuất; “phủ quân” tiếng tôn xưng một người đàn ông có danh vị; “giai vực” là khu vực đẹp, một mỹ từ để chỉ ngôi mộ. Hiểu một cách nôm na: Mộ của thân phụ chúng tôi hiệu là Nhất Linh).
Riêng chữ thứ chín từ trên xuống, có lẽ do thợ khắc sai, không có nghĩa, được đoán là chữ CHI.
Từ đường của họ Nguyễn Tường nằm trên đường Phan Ðình Phùng, Hội An, ngay bên cạnh Khổng Miếu, và nghĩa trang của giòng họ cách Từ đường khoảng một cây số.
Ðây có lẽ là lần đầu tiên những người con của giòng họ Nguyễn Tường ra lập nghiệp ngoài Bắc được an táng tại mảnh đất của tổ tiên đã bao đời ở miền Trung.
Nhánh của giòng họ Nguyễn Tường từ Quảng Nam ra lập nghiệp ngoài Bắc từ bao giờ, trong trường hợp nào? Trong cuốn Hồi Ký Về Gia Ðình Nguyễn Tường, bà Nguyễn Thị Thế, em gái của nhà văn Nhất Linh, đã viết: “...Nói là quê hương thì cũng không đúng, Cẩm Giàng chỉ là nơi sinh thời ông nội làm tri huyện. Còn chính quê ở làng Cẩm Phô, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Hội An). Thời vua Tự Ðức cụ tổ phải đổi ra làm quan ngoài Bắc, lúc mất nhà vua cho đưa linh cữu về chôn ở quê nhà. Ông ngoại người Huế làm quan võ nhưng lúc mất chôn ngay ở Bắc (Cẩm Giàng) vì ra đây đã ba đời rồi. Chính vì thế không ai ngờ chúng tôi là người Quảng Nam.”
Ðúng là không ai ngờ gia đình Nguyễn Tường ở ngoài Bắc có gốc Quảng Nam, ngay cả người trong gia đình cũng có khi không nhận ra điều ấy, như trường hợp Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long mà tác giả Nguyễn Thị Thế kể lại trong quyển sách nói trên: “Sinh trưởng từ nhỏ ở Bắc nên từ giọng nói đến lối sống phong tục, nhất nhất đều theo Bắc hoàn toàn. Viết tới đây tôi lại nhớ hồi anh Tư (tức Hoàng Ðạo – PPM) chưa lấy vợ, làm lục sự tòa án ở Ðà Nẵng có người bạn cùng sở cũng tên là Long làm mối cho anh một cô gái Huế, con ông Hồng Lô tự Khanh chi đó. Cô ta cũng khá xinh đẹp, anh Tư lại không chịu, biên thơ về cho mẹ tôi nói là con không thích lấy vợ Huế đâu, thôi ta về tắm ao ta cho rồi.
Ðọc xong thơ, tôi và mẹ tôi nghĩ đến câu thơ cùng đều cười lăn. Mẹ tôi bảo họ mình, nội thì Quảng Nam, ngoại thì Huế chứ có tí gì là Bắc đâu mà đòi ta về ta tắm ao ta.”
Trong gia đình còn vậy, huống hồ người ngoài.Thời còn đi học ở quê Quảng Nam, đọc văn chương của Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam tôi hoàn toàn không thấy một chút xíu tính chất Quảng Nam nào trong đó, mặc dù thời đó ở Hội An, ai mà chẳng biết các tác giả này là gốc người làng Cẩm Phô ngay bên kia sông, và nhà thờ họ Nguyễn Tường thì ở trong địa phận thành phố này. Ngược lại chính họ là những người mang miền Bắc đến cho tôi, một miền Bắc tinh tế trong ăn uống với Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, miền Bắc với mùa thu mênh mông mà Nhất Linh đã tả trong Ðôi Bạn, hoặc cảnh nghèo nàn, lạc hậu của người dân nơi thôn quê vùng châu thổ sông Hồng trong các tác phẩm của Hoàng Ðạo, Thạch Lam. Cả cái văn đàn mà họ chủ xướng là sản phẩm của văn hóa Bắc Hà, không còn dấu vết nào của vùng quê hơi thô, hơi cứng là đất Quảng Nam từ đó người của giòng họ Nguyễn Tường đã ra đi.
Người “ra đi” đầu tiên phải kể ông Nguyễn Tường Vân (1774-1822) đã theo phò Nguyễn Ánh ở Ðàng Trong, sau khi đất nước thống nhất đã làm đến chức Binh bộ Thượng thư dưới triều Gia Long. Trước kia họ của ông là Nguyễn Văn, chính vua Gia Long đã ban chữ lót Tường thay thế chữ Văn, từ đó thành họ Nguyễn Tường. Con ông Nguyễn Tường Vân là Nguyễn Tường Phổ đậu tiến sĩ, chắc đây là người mà tác giả Nguyễn Thị Thế đã đề cập “Thời vua Tự Ðức cụ tổ phải đổi ra làm quan ngoài Bắc, lúc mất nhà vua cho đưa linh cữu về chôn ở quê nhà” mà bây giờ mộ Nhất Linh được chôn ngay bên cạnh. Ông nội của Nhất Linh là Nguyễn Tường Trấp (hay Tiếp) là con ông Nguyễn Tường Phổ, cũng đậu tiến sĩ và làm quan ở miền Bắc. Năm 2001, mộ thân phụ của Nhất Linh là Nguyễn Tường Nhu đã được con cháu tìm thấy lại ở Cẩm Giàng, sau đó đã được dựng bia và xây lại. Như vậy ta thấy việc định cư tại miền Bắc của một chi nhánh họ Nguyễn Tường xảy ra chưa lâu lắm, và cũng chưa bén rễ sâu, mồ mả các lớp người trước nằm lại trên đất Bắc không bao nhiêu, và đến thế hệ của Nhất Linh thì coi như cả gia đình ông, gồm mẹ và các anh chị em, trừ thân phụ mất sớm, đều rời đất Bắc mà đi về lại miền Nam. Việc ông bà Nhất Linh và người con lớn cuối cùng đều về an nghỉ tại Hội An là một việc rất tự nhiên và hợp tình hợp cảnh, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại.
Thời tôi còn trẻ tuổi, ngoài việc đọc hết những tác phẩm của Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam, tôi còn được biết một liên hệ trong gia tộc khiến tôi thấy những tác giả tài hoa của họ Nguyễn Tường một phần nào gần gụi với mình về phương diện quê hương bản quán. Ngày nhỏ, mỗi lần về thăm nhà thờ của họ tôi - họ Phạm Phú ở làng Ðông Bàn, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam - tôi thường được các bậc chú bác đọc và dịch cho nghe những câu liễn, câu đối, hoành phi trong nhà thờ. Tôi nhớ có một đôi liễn rất dài, bằng gỗ màu nâu chữ mạ vàng, nói là của ông Nguyễn Tường Tiếp tặng ông Phạm Phú Thứ, nguyên văn như sau:
Huệ chánh kỳ huân, Lục đầu giang Ðông hạ văn thiên lý
Hùng văn đại bút, Ngũ hành sơn Nam trung đệ nhất phong
[Công nghiệp cai trị đầy ơn huệ, từ sông Lục đầu xuôi về Ðông còn nghe ngàn dặm (câu này chỉ thời gian Phạm Phú Thứ làm tổng đốc Hải Dương đã khai khẩn nhiều vùng đất hoang cho dân định cư trồng trọt; ông Nguyễn Tường Tiếp người đồng hương với Phạm Phú Thứ, cũng làm quan ngoài Bắc, hẳn biết rõ sự việc này).
Văn tài lớn lao, phong cách số một trong vùng Ngũ hành sơn cõi Nam (Ngũ Hành Sơn là cụm núi có tiếng của Quảng Nam, ở gần Ðà Nẵng).]
Ðôi câu liễn này vẫn còn trong nhà thờ họ của tôi cho đến năm 1969, khi cả vùng Gò Nổi trong đó có làng tôi bị hủy diệt vì bom B52, không một dấu tích nào của quá khứ và của sự sống con người còn tồn tại.
Ông Nguyễn Tường Tiếp cùng làm quan triều Tự Ðức với ông cố của tôi, và sự giao du của các vị khiến cho tôi cảm thấy như có một liên hệ tinh thần với họ Nguyễn Tường, mặc dù cho đến gần đây tôi chẳng mấy khi được có dịp giao du mật thiết giống như người xưa. Sự kiện di cốt của ông bà Nguyễn Tường Tam và trưởng nữ được đem về an táng tại nghĩa trang của họ Nguyễn Tường trên đất Quảng Nam tôi cho là một sự kiện văn hóa lớn, có khả năng nối liền quá khứ với hiện tại. Quyết định này thể hiện một tinh thần gia tộc rất mạnh. Tinh hoa của một gia đình, của một dòng họ đột nhiên nổi bật lên một cách độc đáo khi đi ngược ra định cư trở lại trên đất Bắc là nơi mọi dòng họ Việt Nam xuất phát trong cuộc Nam tiến, cho thấy hình như yếu tố cội nguồn đã đóng vai trò như một dưỡng chất cần thiết để làm nảy nở những bông hoa tài năng. Bia mộ Nhất Linh cho biết ông là đời thứ mười kể từ khi người của họ Nguyễn Tường đến định cư tại làng Cẩm Phô, nếu tính một thế hệ là 30 năm thì họ này đã sinh sống tại Quảng Nam khoảng ba trăm năm rồi. Thường những gia tộc miền Trung ít khi biết gốc gác ông bà mình thuộc địa phương nào của miền Bắc trước khi vào Nam, mà chỉ biết từ người đầu tiên đến định cư, coi như ông thủy tổ của dòng họ tại đất mới. Trường hợp di cư ngược ra phía Bắc tương đối hiếm, và như gia đình Nguyễn Tường thì chỉ mới ba đời lại Nam tiến, các liên hệ với gốc gác xưa ở miền Trung vẫn còn giữ nên sự “hội nhập” (dù chỉ là sau khi chết) trở lại với quê cũ cũng khá tự nhiên.
Riêng bà Nguyễn Tường Tam trước đây đã có nhiều liên hệ với Quảng Nam. Do công việc buôn bán cau của bà, từ đầu thập niên 1940 từ Hà Nội bà thường ra vào Hội An để giao dịch mua bán với các hiệu Phước Xuân (37 đường Cantonnais [Quảng Ðông, sau đổi Nguyễn Thái Học]), Phước Hiên (10 Cantonnais) và vài nơi khác nữa. Sang thập niên 50, trước và sau hiệp định Genève bà vẫn còn tiếp tục giao dịch mua bán tuy là ít khi có dịp về tận Hội An như trước. Theo lời anh Nguyễn Ánh Anh, con của ông bà Phước Hiên, thì vào đầu thập niên 40 khi anh còn là chú bé khoảng mười tuổi, mỗi lần bà Nguyễn Tường Tam đến Hội An bà ngụ tại hiệu Phước Xuân (bà Phước Xuân là cô ruột của anh), và thường gọi anh đi với bà biếu quà các nhà quen và bà con cùng thăm từ đường Nguyễn Tường ở phía trên Chùa Cầu. Bà là người nhỏ nhẹ ai cũng mến, chơi thân với hai gia đình Phước Xuân và Phước Hiên và muốn gia đình bà có liên hệ với Quảng Nam nhiều hơn. Sau này lớn lên đi học ở Sài Gòn, anh Nguyễn Ánh Anh vẫn thường lui tới thăm bà và gia đình ở hiệu Cẩm Lợi gần chợ An Ðông. Cẩm Lợi là tên hiệu buôn của bà từ hồi còn ở Hà Nội, và một món hàng buôn chính của bà là cau khô.
Cau là một thổ sản của tỉnh Quảng Nam, thôn quê nhà nào cũng trồng cau để ăn trầu, nhưng càng về miền núi thì càng nhiều, người ta trồng những vườn cau bát ngát, đến mùa hái trái bán đi xa như một loại sản phẩm công nông nghiệp. Hái cau là một cảnh tượng rất thú vị. Một vườn cau rộng với hàng mấy trăm cây cao vút, nếu leo lên cây này hái xong lại tụt xuống leo lên cây khác thì rất tốn thì giờ, người ta không làm như vậy. Người hái cau chuyên nghiệp dùng một sợi dây thừng rất dài, cột một đầu quanh bụng, còn đầu kia thả xuống đất, bắt đầu dùng nài (một vòng dây tròn lồng hai bàn chân vào) leo lên một cây ở đầu vườn. Lên tới ngọn anh ta dùng một con dao nhọn cắt rời buồng cau ra khỏi thân cây, rồi thả cho buồng cau chạy dài theo sợi dây thừng có một người cầm đầu bên kia kéo ra chênh chếch và sẵn sàng đón bắt để buồng cau được nguyên vẹn, trái khỏi rụng rơi tung tóe. Hái xong một cây, vẫn bám trên ngọn, anh ta bắt đầu ôm thân cây mà lắc qua lắc lại, cây cau hết uốn bên này lại ngả qua bên kia cho đến khi có trớn tối đa nghiêng gần vào một cây khác thì người hái cau nhoài người ôm lấy cây ấy, thả cho cây trước tung về vị trí cũ. Lại hái, lại thả xuống đất theo đường dây thừng, rồi lại lắc để chuyền sang một cây khác, cho tới khi hết cả vườn cau. Cứ giống như trò đu bay trong gánh xiếc, trông rất hồi hộp. Cau hái xong phải róc hết vỏ, bổ ra từng miếng và sấy khô trước khi bán cho các nhà buôn. Ở Quảng Nam hột cau khô thường được dân miền biển mua để nhuộm lưới cá, giúp cho sợi nhợ được bền bỉ (thời xưa chưa dùng lưới ny-lông). Còn trường hợp bà Cẩm Lợi mua cau khô thì tôi không được biết giới tiêu thụ của bà là ai, dùng cau làm gì, nhưng số lượng bà mua lớn như thế ắt có một thị trường rất vững chắc.
Trong gia đình Nguyễn Tường ngoài Bắc, bà Nguyễn Tường Tam là người có liên hệ với dòng họ của chồng tại quê Quảng Nam nhiều nhất. Các giao dịch làm ăn và bạn bè của bà tại Hội An cũng nhiều và khá lâu năm, và xem ra bà có nhiều cảm tình với vùng đất này. Ðiều này dường như chuẩn bị cho chuyến “về quê” cuối cùng của ông và bà. Nằm ở đây ông bà đều không cảm thấy xa lạ. Sinh ra và trưởng thành ở miền Bắc, ông Nguyễn Tường Tam đã có một cuộc đời lừng lẫy, cuối cùng vào đầu thế kỷ 21, di cốt của ông bà đã tìm về mảnh đất xưa, như một kết thúc có hậu cho bao cuộc sóng gió của thế kỷ thứ 20 mà đời ông cũng như bao người Việt Nam khác đã trải qua. Cách đây ba bốn thế hệ, chuyến ra đi của một người con dòng họ Nguyễn Tường về phía Bắc có kết quả là con cháu đã đem lại một làn gió mới cho nền văn học cũng như cách mạng Việt Nam, thì nay chuyến “về lại” đầy ý nghĩa này biết đâu cũng mở ra một chân trời khác, cho dòng họ cũng như cho quê hương cũ?
Nguồn: “Nhất Linh, ngÆ°á»i chiến sÄ© - ngÆ°á»i nghệ sÄ©â€, Nhiá»u tác giả, Thế Kỉ xuất bản, California 2004
|