trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Tuần kỉ niệm Nhất Linh (25.7.1906-07.7.1963)
 1   2   3   4   5   6   7 
29.7.2004
Nguyễn Tường Thiết
Truyện dài Xóm Cầu Mới của Nhất Linh
(Viết nhân lần tái bản năm 2002)
 
Cuốn truyện dài Xóm Cầu Mới của Nhất Linh, thân phụ tôi, đã được ấn hành lần đầu tiên ở Sài-Gòn năm 1973 bởi nhà xuất bản Phượng Giang do tôi chủ trương.

Sau biến cố tháng Tư năm 1975, khi ở trong nước sách của Nhất Linh không được phép lưu hành thì ở hải ngoại hầu hết các tác phẩm của ông đã được một số các nhà xuất bản cho in lại ở Hoa Kỳ.

Những năm gần đây, sách của Nhất Linh cũng như của các nhà văn khác thuộc nhóm Tự Lực Văn Ðoàn lại thấy dần dà xuất hiện ở trong nước. Tuy nhiên, chỉ những sáng tác của Nhất Linh ra đời trước năm 1945 mới được ấn hành; còn những tác phẩm về sau của ông thì không những không thấy in lại mà ngay cả trong các sách bình luận văn học xuất bản ở trong nước cũng không thấy đề cập tới.

Ðó là lý do tôi dự định cho tái bản hai tác phẩm cuối đời của ông, hai tác phẩm mà tôi may mắn còn giữ nguyên được bản thảo. Ðó là hai cuốn Xóm Cầu MớiGiòng Sông Thanh Thủy.

Ðể cho quyển sách này được trung thực với nguyên tác, không phạm những lầm lỗi về ấn loát như trong lần xuất bản trước, tôi không tái bản bằng cách cho sao in lại từ ấn phẩm cũ, mà là khởi công đánh máy lại từ đầu dựa hoàn toàn vào nguyên gốc bản thảo.

Ðánh máy non năm sáu trăm trang sách với khả năng đánh “mổ cò” của tôi, việc này vừa chậm vừa tốn công. Nhưng tôi thấy việc tự tay mình đánh máy lấy là cần thiết, vả lại cũng vui thích nữa.

Thứ nhất là rất khó tìm được một chuyên viên đánh máy nào có thể vừa đọc vừa đoán những hàng chữ nhỏ li ti trong bản thảo mà không sai ý tác giả. Tôi nói nhiều chữ phải đoán ý vì bản thảo được viết cách đây đã trên một nửa thế kỷ, nhiều nét mực đã mờ đi theo với thời gian. [1]

Thứ hai là trong suốt mấy tháng cặm cụi trước bàn máy vi tính, cận kề với những trang chữ bản thảo, gõ cọc cạch từng chữ từng chữ, tôi thực sự đã sống với ông nhiều nhất kể từ ngày ông ra đi cách đây đã non bốn mươi năm. Nhìn những hàng chữ viết tay của ông, những hàng chữ gẫy vụn, nhỏ nhí, vùi dập, những kí chú bên lề riêng tây, thân mật, tôi thấy rõ là khi đọc từ bản thảo tôi gần gũi tiếp cận với tác giả nhiều hơn là đọc qua ấn phẩm. Vừa đọc, vừa đánh máy vừa thưởng ngoạn tác phẩm này, khi thì tôi tách ra bình tâm đọc văn ông như một độc giả, khi thì tôi nhập vào bồi hồi nhớ tới hình dáng một người cha thân yêu và tưởng tượng ông ra sao khi ông viết tác phẩm này, ông vui ông buồn nổi trôi theo những nhân vật và tôi vui tôi buồn theo ông qua những hàng chữ.


[1]Trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi có đúng 15 phút để trở về lần sau cùng căn phố lầu chợ An-Ðông Sài Gòn, nơi thân phụ tôi đã sống những tháng ngày cuối, tính quơ hết những gì có thể mang theo được nhưng chỉ kịp gói hai tập bản thảo Xóm Cầu Mới và Giòng Sông Thanh Thủy vào một bao nylon đem đi. Ðến đảo Guam, soát lại tôi gần muốn khóc vì sau gần tháng trời trên biển, hơi nước mặn đã làm phai thêm nhiều nét mực.
[2]Tháng 5 năm 2001, nhân chuyến về nước để mang di cốt song thân chúng tôi về chôn cất nơi nguyên quán ở Hội An, chúng tôi có dịp đi thăm lại huyện Cẩm Giàng. Tôi có mang theo Sơ đồ Xóm Cầu Mới do Nhất Linh phác họa trong bản thảo ra đối chiếu thì thấy chỉ con đường sắt, nhà ga, một dẫy phố Phủ là giống huyện Cẩm Giàng hiện tại, phần còn lại của sơ đồ có thể là hư cấu.
[3]Trong ký ức xa thẳm nhất của tôi về trại Cẩm Giàng là cái hàng hiên rộng và dài có rặng hoa ti-gôn rủ xuống và tiếng còi xe lửa rúc lên trong đêm khuya. Hai đoạn văn tả anh chàng Siêu thích sống ở căn nhà có hàng hiên và tiếng còi tàu ở Lăng Cụ Quận khiến tôi như sống lại những ngày rất xưa cũ.

Tôi hình dung một Nhất Linh vui. Hay ít ra cũng nhiều vui hơn buồn khi ông viết cái tác phẩm mà đã có lần ông định đặt tên là Vui Buồn này. Các nhân vật cứ đua nhau mà mỉm cười (tôi tẩn mẩn đếm được cả thảy 269 chữ “mỉm cười” trong toàn tác phẩm). Và tác giả mỉm cười cũng nhiều lần không kém. Hẳn thế.

Rồi tôi cũng mỉm cười liên tưởng tới một sự kiện trớ trêu: 52 năm trước ông ngồi viết những hàng chữ bản thảo này ở Hồng Kông (Trung Hoa), 52 năm sau tôi đọc những hàng chữ đó ở Seattle (Hoa Kỳ). Ðều là hoàn cảnh lưu lạc cả. Nhưng tâm trí của cả người viết lẫn người đọc đều qui về một cái huyện nhỏ ở quê nhà nằm bên con đường sắt Hà Nội - Hải Phòng thuộc tỉnh Hải Dương. Huyện Cẩm Giàng. Nơi ông đã tiểu thuyết hóa thành Xóm Cầu Mới. [2] Nơi tôi đã sống những ngày ấu thơ. [3]

Về hình thức trình bày cuốn sách tôi cũng tận dụng bản thảo. Trước hết là cái bìa sách. Tôi để nguyên không sửa đổi nguyên trang đầu của bản thảo mà Nhất Linh đã tự phác cái bìa cho cuốn truyện tương lai của mình. Sau đó các hình vẽ của Nhất Linh trong bản thảo tôi cũng cho in đầy đủ.

Sau cùng, để cho cuốn sách thêm phần phong phú, tôi có nhờ hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Võ Phiến viết bài đặc biệt để đăng trong lần tái bản cuốn Xóm Cầu Mới này. Nhân đây xin nhị vị nhận cho lòng biết ơn của chúng tôi.


Nguồn: “Nhất Linh, người chiến sÄ© - người nghệ sĩ”, Nhiều tác giả, Thế Kỉ xuất bản, California 2004