1.
Trên tạp chí
Ngày Nay, cơ quan của hiệp hội các câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, liên tiếp trong ba số 4, 5, & 6 năm 2004, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có bài viết
Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn. Ông Thiệp viết tiểu luận thì là chuyện thường, vì ngay hồi mới xuất hiện bằng những truyện ngắn gây chấn động ông cũng đã trình làng những bài tiểu luận "khó nghe" mà báo chí trung ương không chịu được đành phải gửi đăng ở mấy tạp chí địa phương miền Trung gan góc như
Sông Hương, Đất Quảng, Cửa Việt. Ông viết tiểu luận cũng lạ như ông viết truyện vậy, lạ từ cái tên bài:
Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn; Nhà văn và bốn trùm mafia. Tiểu luận của ông Thiệp gây tranh cãi, phản đối, phê phán thì cũng lại chuyện thường, vì ông nói suy nghĩ của ông và nói theo cách của ông. Cho nên cái bài
Trò chuyện lần này của ông có gây phản ứng om sòm, khiến nhiều người tự cho mình là đứng đắn cực chẳng đã phải la lối lên, tôi chẳng coi là sự lạ. Ngược lại thì có khi mới là bất bình thường vì một dạo nay phê bình văn học nước nhà đang cảnh "chửi nhau như hát hay".
Nothing 1
Hoài Thanh - Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam:
"
Với Nguyễn Vỹ, chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu ngạo ấy và ngơ ngác thấy xếp cùng hàng với… chó. Cái lối xếp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý Tản Đà. Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: "Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?". Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: "Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?"
2.
Cả bài
Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn khá dài, đề cập nhiều chuyện theo một mạch viết vừa có vẻ lớp lang nhưng vừa lung tung lộn xộn kiểu như gặp đâu nói đấy, nghĩ gì nói nấy, lý luận thì bỗ bã, mà bỗ bã thì lý luận. Đọc vừa buồn cười vừa thú vị, vừa nhoi nhói vừa khoai khoái. Ấy vậy mà cả làng văn, xin lỗi, cả làng Hội Nhà văn Việt Nam, xúm vào "bề hội đồng" Nguyễn Huy Thiệp ở mấy dòng ông nói "trắng phớ" ra về thực trạng của Hội: "
Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả." Ông Thiệp đã dự liệu phản ứng này nên chắc ông không bị "sốc". Người bị choáng có lẽ là công chúng độc giả khi thấy các nhà văn 'có học" ra đòn hội chợ như vậy.
Nothing 2
Cuối năm 2003, Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức kết nạp thêm 28 hội viên. Nhà văn Yên Thao, người được kết nạp vài khóa trước đó, vịnh rằng:
Ghét nhau, cùng chiếu không ngồi
Cùng chai không uống, cùng nồi không ăn
Chỉ trừ có Hội nhà văn
Ghét nhau như chó, vẫn lăn xả vào...
Nghe đâu, biết chuyện, Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam trách Yên Thao về chữ "ghét nhau như chó". Ông Yên Thao đáp lại rằng: "Nói "như chó" thế còn là nhẹ đấy, đúng ra phải là "hơn chó" cơ!"
3.
Bài viết của ông Thiệp đã vô tình may mắn cứu nguy (cứu thua) cho cái gọi là cuộc
Hội thảo phê bình ở thành phố Hồ Chí Minh (3/2004). Một cuộc họp bàn về lý luận phê bình văn học hiện nay mà toàn người già, mà toàn chỉ nghe kêu thiếu tiền, mà toàn chỉ thấy ngồi chờ ngửa cổ ngóng lên trên xin ban phát chỉ thị đường lối. Đến nỗi Trần Mạnh Hảo tuy là tháu cáy cho mình nhưng cũng phải kêu lên: "Giấy mời nói về LLPB mà bàn nhiều về quản lý." Trong cái không khí đặc sệt buồn tẻ và chán ngắt đó, bài viết của ông Thiệp đã được vồ lấy làm cái xả xú páp cho cơn tức khí bức xúc của các vị muốn chứng tỏ mình là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Một nhà báo đã mô tả như sau: "
Người bức xúc nhất, có lẽ là nhà văn Anh Đức (đã photo lại bài báo cho mọi người cùng xem), cho rằng: "Đây là vấn đề mà những nhà phê bình như Mai Quốc Liên, Trần Mạnh Hảo cần phải tham gia để uốn nắn". Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên thì có ý "dè dặt": "...Không ai trả tiền cho chúng tôi để làm chuyện đó...". Người bức xúc không kém là nhà phê bình Trần Mạnh Hảo: "Nguyễn Huy Thiệp là người chửi bậy có hệ thống, đây là hội chứng chửi có thưởng. Tôi đã thu thập rất đầy đủ những bài viết, trả lời PV của anh Thiệp đăng trên các báo, đài... Bài viết của anh Thiệp đăng trên tạp chí Ngày Nay sẽ là "tức nước vỡ bờ", Thiệp tự sát rồi!...". Hỡi ôi, cảnh tượng xuất quân đánh trận phê bình thế này đây: tướng quân phát lệnh cho hai cảm tử quân, một người thì muốn lùi vì xông lên đầu tiên thì "tiền đâu", người kia thì vẫn say máu sát phạt hung hăng nhận ấn tiên phong vì tin rằng đối phương đã tự sát mình ra đòn dễ như vào chỗ chết rồi. Và thật quả Trần Mạnh Hảo vẫn là Trần Mạnh Hảo giỏi xoay người đổi hướng.
Nothing 3
Trần Mạnh Hảo kể chuyện:
"
Thôi! Bây giờ trở lại hai bài thơ Khóc Nguyên Hồng. Đó là hai bài thơ tôi viết vào dịp bác Hồng mất, năm 1982. Bài đầu in báo Nhân Dân, còn bài sau thì không thể in được. Khi ấy tôi đang ở trại viết và tôi làm trưởng trại. Trong trại hồi đó có Nguyễn Quang Thân, Nhật Tuấn… Hồi ấy gọi là "trại", nghe sợ sợ là. Tôi làm trại trưởng, gọi cho nó oai, chứ trại trưởng thực chất chỉ là đi bê cơm, báo cơm chứ có gì đâu…
Hôm ấy tôi nhớ là có cái thuyền vượt biên bị chìm ở biển. Của Chúa lại trả về Chúa. Tất cả thuyền ấy đều bị dạt vào bờ hết. Hàng mấy chục xác chết bị dạt vào bãi Dứa, tức là bãi Trước. Tức là chỗ trung ương du lịch bây giờ. Trại viết mở cửa nhìn ra đó. Và mọi người đã chứng kiến cảnh đau lòng này ở thành phố Vũng Tàu.
Bữa cơm trại trưa đó, vô tình tôi đọc được ở tờ báo Nhân Dân kê nồi. Tôi chợt nhìn thấy dòng cáo phó có tên Nguyên Hồng, không có quê hương, không có địa chỉ, không có một dòng sự nghiệp. Rồi chúng tôi bàn nhau tổ chức. Nguyễn Quang Thân viết một bài, tôi viết một bài thơ. Và tôi đã làm bài thơ đúng trong 15 phút có tên Cho một nhà văn nằm xuống. Lời đề từ cũng rất hiện đại: "Kính tặng anh Nguyên Hồng và kính tặng hương hồn lũ chúng ta". Chính cái chết của bài thơ này bắt đầu từ "hương hồn lũ chúng ta". Sau này người ta đai ra thành chuyện lớn. Bài này tôi bị đánh "nặng nề". Trên tạp chí Sân Khấu còn đăng bài của Hoàng Tùng và Hoàng Mạnh Tường, nói là Trần Mạnh Hảo đã quay súng bắn vào Đảng. Tạp chí Sông Hương còn tường thuật lại vụ này. Anh nên nhớ rằng hồi ấy Bùi Minh Quốc và Dương Thu Hương đọc bài này đã đỏ gay mặt. Hồi đó Dương Thu Hương đang phấn đấu vào Đảng. Bài thơ này đã sinh ra hệ lụy, tôi không muốn kể. Bài thơ và sự việc bài thơ còn kéo dài một năm nữa để khai trừ Đảng tôi nhưng không có lý do để khai trừ. Tôi cũng cố gắng để không bị khai trừ. Vì nếu khai trừ, hồi đó có lẽ tôi sẽ bị bắt".
Tư liệu của Viện Văn học, lưu trữ tại Viện, V.V.S ghi ngày 01.9.2001, tác giả đã xem lại
4.
Điều đáng buồn và đáng cười là những vị dự cuộc Hội thảo kia chỉ vớ lấy một phần ba bài viết của Nguyễn Huy Thiệp trong có cái đoạn bị cho là "khủng bố" ấy thế rồi la làng, thế rồi xung trận với khí thế "không cho chúng nó thoát". Trong khi bài viết của ông Thiệp đăng ba kỳ tản mạn nhẩn nha nhiều chuyện thế sự nhân tình nghề nghiệp mà có những chuyện lẽ ra đáng phải được chia sẻ luận bàn nếu như người ta thực lòng làm văn cho dân Việt nước Việt, nếu như người ta thực lòng là người viết văn vì văn chương chứ không phải vì chức tước bổng lộc nhà cửa ghế ngồi. Ví như nói về cuốn tiểu thuyết mới của Nguyễn Khải: "
Tôi thấy rất rõ ông đã "ngửi" thấy lối đi của tiểu thuyết hiện đại, có điều khi viết, cảm hứng cười cợt về sự nhục nhã của kiếp người đã lấn át mất những ngọn lửa nhiệt thành khác trong lòng ông". Ví như bàn về lao động nhà văn chọn chữ đặt câu: "
Việc tìm ra một câu văn cho phù hợp đòi hỏi một cường độ suy nghĩ, cân nhắc hơn người: đấy chính là thứ "lao động nhân văn" chết người, nhọc nhằn và gian khó không phải ai cũng làm được". Ví như nghĩ về một kiểu nhà văn mới sẽ xuất hiện: "
Có lẽ đã đến lúc người ta phải nghĩ đến một "typ" nhà văn khác: lớp nhà văn trí thức của một xã hội phát triển. Họ viết văn có bài bản, có lý luận, lý lẽ chứ không mò mẫm. Trước đây, ở Việt Nam hầu như chưa có những điều kiện xã hội để xuất hiện "typ" nhà văn này". Một Hội thảo phê bình mà đọc một bài viết của nhà văn cắt khúc ra như thế ấy, mà đối phó phê bình như thế ấy đủ biết lý do vì sao phê bình hiện nay lại có hình dạng như thế ấy. Câu thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu hơn bảy mươi năm trước "Dân hai lăm triệu ai người lớn / Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con" có bị coi là câu chửi nước chửi dân không?
Nothing 4
Trần Mạnh Hảo kể chuyện:
"
Xin nói tiếp, tại sao lại phải làm thêm một bài thơ nữa về Nguyên Hồng. Thời ở trong rừng, tôi có biết ông Võ Trần Chí và ông Võ Văn Kiệt, mà ông Hoài Vũ lại là bạn thân của hai ông này. Hoài Vũ là cố vấn riêng cho Võ Trần Chí. Mà Nguyễn Quang Sáng và Hoài Vũ, Thép Mới đều biết rõ "sự kiện" bài thơ này. Ông Thép Mới có bảo với ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí sai Hoài Vũ đến gọi tôi lên.
Đúng vào tối 19/5/1983 tôi vào gặp hai ông ở văn phòng Bí thư thành ủy. Câu đầu tiên ông Kiệt nói là:
-Hảo à! Đù má… Mày làm cái gì mà dữ vậy?
Anh phải hiểu rằng tính cách người Nam Bộ là thế. Sống với nhau trong cơ quan hay lúc sinh hoạt thường hay dùng câu ĐM kèm theo. Thân tình mới có câu ĐM. Còn đã gọi nhau bằng đồng chí là "có chuyện". Nghe được lời mắng của anh sáu (Võ Văn Kiệt) lại có kèm ĐM, tôi biết ngay là "thoát". Anh Sáu còn nói thêm về tác hại của bài thơ cho tôi hiểu và hỏi tôi:
-Thế bây giờ mày định làm thế nào?
Tôi chân thành đáp lại ngay:
-Em sẽ làm một bài thơ khác cải chính lại.
Thế là tôi làm lại một bài thơ khác viết theo ý ngược lại. Tôi đọc cho anh Sáu nghe. Anh vẫn thấy chối tai. Cuối cùng anh bảo:
-Thôi dẹp ba cái trò thơ phú ấy đi…
Nhắc lại để anh biết thêm về vụ Trần Mạnh Hảo làm thơ khóc Nguyên Hồng thế nào."
Tư liệu của Viện Văn học, lưu trữ tại Viện, V.V.S ghi ngày 01.9.2001, tác giả đã xem lại
5.
Trên báo
An Ninh Thế Giới cuối tháng (12/2003) nhà văn Tô Hoài đã có cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn về văn học Việt Nam hiện đại. Nhà văn gạo cội này không ngần ngại cho Tố Hữu là "theo thời" (và ông cũng tự nhận mình là theo thời kiểu cò con), Nguyễn Đình Thi là một "quan chức còm", Xuân Diệu là "không có gì", Hoàng Cầm là "làm thơ tán gái", và chung lại ông nhà văn nào cũng là cán bộ cả. Được hỏi "
Cái tinh thần của Hội nhà văn lúc ông làm tổng thư ký có khác gì, khác như thế nào với cái tinh thần, sứ mệnh của Hội nhà văn thời nay không?", Tô Hoài trả lời: "
Khác nhiều, khác nhiều chứ! Khác nhiều là ở cái chỗ lúc ấy trên nói dưới nghe ghê lắm. Tôi nói cái khác nhiều là bây giờ chả có gì nhưng hình như ai cũng sợ. Cái gì không làm được thì cũng không ai dám nói khác đi." Thiên hạ đọc thích lắm, khoái lắm, cũng bàn tán xôn xao khắp Hà thành, nhưng vì bậc già làng văn chương sống nhiều biết kỹ nói thật nên ngay đến kẻ "đầu gấu" trong chợ văn cũng không dám ho he vung gậy, bởi cây gậy ấy mà vung lên thì Tô Hoài vẫn bình yên vô sự còn kẻ đánh sẽ bị gậy đập ngay vào đầu. Cái tờ báo hỏi chuyện Tô Hoài cũng chả bị ai lôi ra hạch sách, đe dọa. Bài viết của Nguyễn Huy Thiệp mở đầu là bàn phiếm về những ý tứ trả lời này của Tô Hoài, và cứ thế miên man, chủng chẳng tác giả dẫn dắt ý nghĩ của mình. Và khi chạm đến Hội Nhà văn, đến các nhà thơ thì Nguyễn Huy Thiệp bị "rách việc". Ngoài phố không ít người bảo nhau "Thằng Thiệp hắn nói đúng, nhưng mà thái độ…". Tờ Ngày Nay cũng vì thế mà bị "tố".
Je ne sais qu'une chose c'est que je ne sais rien. Này ông Socrate ơi, ông nói thế là các nhà văn thơ xứ Việt tôi không chịu đâu đấy.
Nothing 5
V. Nabokov nói về B. Pasternac:
Pasternac là nhà thơ chứ không phải nhà văn xuôi. Cũng như cuốn tiểu thuyết "Bác sĩ Zivago" không là gì cả, nó hoàn toàn tuân thủ phong cách bảo thủ của văn học Xô Viết. Nó cứ loanh quanh, giống như "Cuốn theo chiều gió", thêm nữa lại có quá nhiều cảnh cải lương và đủ thứ quấy quá. So với Pasternac thì Steinbeck là một thiên tài.
Ivy Magazine. 1959. February, p. 28
Tôi chỉ quan tâm đến mặt nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết. Và xét từ góc độ này thì "Bác sĩ Zivago" là một tác phẩm chán ngán, nặng nề, mang tính cải lương, với những tình huống khuôn sáo, những tên cướp lang bạt và những sự trùng hợp tầm thường. Đây đó có thể bắt gặp những âm hưởng của nhà thơ tài năng Pasternac, nhưng quá ít ỏi để cứu cho cuốn tiểu thuyết thoát khỏi tính chất dung tục tỉnh lẻ vốn là đặc trưng của văn học Xô Xiết. Cái nền lịch sử tái hiện trong đó thì mù mờ và hoàn toàn không đúng với thực tế.
Niagara Fall Gazette. 1959. January 11, p. 10-B
V. Nabokov nói về văn học Xô Viết:
Không có các tiểu thuyết hay. Tất cả chúng hoặc là mang tính chính trị, hoặc là mang tính cải lương, rất tầm thường và bảo thủ về phong cách, đầy những sự khái quát và những nhân vật chán ngấy đưa chúng ta trở lại thời Dickens. Thậm chí những tác phẩm được bí mật đưa ra khỏi nước Nga và có vẻ như thể hiện các xu hướng đối lập chế độ cũng thường là được mang đi với sự đồng lõa ngầm của cấp lãnh đạo. Hiện nay chính quyền Xô Viết cho rằng họ cần có một cái giống như là sự đối lập trung thành. Chúng ta cố đi tìm trong tác phẩm của các nhà văn trẻ Xô Viết những dấu hiệu cho thấy sự xói mòn của tảng băng chính trị. Nhưng thực tế sự hửng ấm chẳng được là bao và nhất thiết là do Nhà nước điều khiển.
Làm thế nào ở Nga có thể ra đời được một nền văn học tốt đẹp và độc đáo, nếu như các nhà văn không hề biết phương Tây là gì, tự do thực sự là gì? Ngay cả một số tác giả đã đến thăm Anh, Mỹ cũng chỉ dạo xem như một khách du lịch bình thường: bảo tàng Anh quốc, công viên Trung tâm, điệu nhảy twist; không cái gì thay đổi được hình dung họ có về chúng ta trước khi đến. Đối với một số người, hơi thở tự do đầu tiên là khi thấy những người Mỹ xọc tay túi quần, duỗi dài chân, nằm ngồi ngả ngốn trên các chiếc ghế. Nhưng đáng tiếc, họ không có khả năng cảm nhận được đó là một trong những biểu hiện của dân chủ. Họ cho như thế là vô văn hóa. Họ nói: "Người Mỹ… ra là thế đấy".