Văn há»cVăn há»c Việt Nam Loạt bài: Kỉ niệm 1 năm ngà y mất của Nguyá»…n Äình Thi
1 19.4.2004
Nguyá»…n Äình Thi
Phút nói tháºt vá» vở kịch vạch trần sá»± nói dối
Phá»ng vấn nhà văn Nguyá»…n Äình Thi vá» những vở kịch từng gây sóng gió của anh PV: Thưa anh Nguyễn Đình Thi, anh đã từng nghiên cứu triết học, soạn nhạc, làm thơ, viết lý luận phê bình, viết tiểu thuyết rồi viết kịch. Dù cho anh có nhiều sở trường, nhưng độc giả và khán giả vẫn đặc biệt chú ý đến kịch của anh, vì thơ rất gần với kịch, kịch của anh lại thường đặt ra những vấn đề triết học; như vậy là khi viết kịch anh đã phát huy được nhiều mặt mạnh. Hơn nữa, mặc dầu không phải là người hoạt động sân khấu chuyên nghiệp, kịch của anh lại thường gây ra sóng gió hơn của nhiều tác giả khác. Xin anh cho biết về xuất xứ vở kịch "Con nai đen" từ cuộc đời đến số phận của nó như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Đình Thi (NĐT): Có lần tôi đi Liên Xô dự Hội nghị các nhà văn Liên Xô, được xem vở kịch rối Vua Nai. Vì không có phiên dịch nên không hiểu đối thoại, chỉ qua hình dung, động tác của nhân vật mà đoán ra cốt truyện, trong đó có tình tiết hồn ông vua nhập vào xác con nai.
Khi về nước, vào năm 1950, tôi nghĩ cốt truyện cho vở kịch nói được gợi ý từ Vua Nai. Vở kịch rối có nhiều nhân vật phụ, trong đó có tay phù thủy rất giỏi, nhưng tôi chỉ tập trung vào một vài nhân vật chính, xoay quanh hai cái ý chủ yếu là: hồn người nhập vào xác nai và pho tượng đá hễ nghe ai nói dối thì nó cười, để thể hiện chủ đề tư tưởng: nếu thích nghe kẻ nói dối thì sẽ mất người nói thật.
Chuyện hồn nọ nhập vào xác kia thì ở ta cũng có truyện HồnTrương Ba da hàng thịt. Nhưng tôi còn biết một truyện cổ tích Ấn Độ: có hai người bạn - một anh là lực sĩ, một anh là nhà triết học. Đến khi hai anh bị chặt đầu, có thầy phù thủy làm phép chắp đầu lại cho họ, nhưng do vội vàng đã chắp nhầm đầu anh này vào thân anh kia. Hai anh sống lại, tranh nhau các bà vợ, được phân xử như sau: bà vợ anh lực sĩ thì sống với người có cái đầu lực sĩ và cái thân nhà triết học, còn bà vợ nhà triết học thì sống với người có cái đầu nhà triết học và cái thân lực sĩ. Bà vợ nhà triết học sung sướng quá vì được người chồng có cái đầu thông thái và thân hình khỏe mạnh thì lý tưởng nhất rồi còn gì! Bất đồ, vì anh ta mang cái đầu triết học nên lúc nào cũng suy nghĩ, thân hình mỗi ngày một gầy mòn teo tóp đi. Còn anh có cái đầu lực sĩ vẫn tiếp tục đánh vật, nhưng vì mang cái thân hình lẻo khoẻo của nhà triết học nên đánh trận nào cũng thua, bị người ta nện cho những vố nên thân. Chủ đề của truyện này là: hễ mình muốn cái của người khác thì cái chính của mình cũng mất đi, vì thân hình cũng biến đổi theo đầu óc. Tôi nhớ Thomas Mann, nhà văn lớn của Đức, đã dựa theo truyện cổ tích này để viết thành một tác phẩm độc đáo.
Từ những gợi ý và suy nghĩ trên, năm 1958, tôi bắt tay vào viết vở kịch Con nai đen. Cố nhiến, bối cảnh xã hội của vở kịch là thời kỳ chiến tranh, kháng chiến, trong đó có một anh hùng đánh giặc ngoại xâm, lồng vào đây cái thật cái giả. Tôi cũng viết thư nhờ bạn tìm giúp kịch bản Vua Nai, nhưng bạn trả lời không tìm thấy.
Tôi tập trung vào mấy nhân vật: ông vua, quận Khung, Quế Nga, anh bạn thân, thêm ông lão hát rong thay cho nhân vật phù thủy.
Kịch bản viết xong năm 1960, tôi đưa cho nhà xuất bản Văn Học in, bìa của Văn Cao, sách bán nhanh lắm, một tuần hết ngay. Thế Lữ được biết, đánh tiếng nhận dựng. Vì đạo diễn thích để cho một diễn viên đóng hai vai trái ngược: người và nai, khi thay hình thì tính cách thiện ác cũng bộc lộ ra, diễn viên có đất trổ tài. Vở lại giản dị ít vai, trang trí không phức tạp.
Vở kịch được Đoàn kịch nói Nam Bộ dựng. Làm việc với Thế Lữ rất thích. Lại có Nguyễn Đình Nghi trợ lý cho Thế Lữ. Thế Lữ chỉ sửa cho lời thoại bổng trầm hơn, còn nói chung không sửa gì. Hoàng Nam đóng Tô Chiêm, Huỳnh Nga đóng ông lão hát rong, Hoàng Ngọc đóng Quế Nga, Ngọc Bé vai Quận Khung, và Minh Phụng, Hữu Hạnh, Võ Thị Năm, Thu Lê, Kim Cúc… đảm nhiệm các vai khác.
Tập xong, diễn tại Nhà Hát Nhân Dân, đông người xem, không còn vé mà bán. Khi diễn vui lắm, diễn đến lớp nhà vua thử người yêu, hễ ai nói dối thì pho tượng cười, khán giả đều ồ lên thích thú. Mọi người thấy đây đích thực là kịch.
Sau khi diễn, có hai luồng ý kiến: một là cho vở kịch đặt ra vấn đề triết học sâu, một bảo là vở kịch phản động, ám chỉ Cải cách ruộng đất - đưa ra hình ảnh kẻ thù bên ngoài len vào bên trong đánh người thân tín (qua chuyện Quận Khung đánh Trung Dũng). Trong giới cũng có người như Học Phi đập mạnh vở kịch này.
Một hôm, ông Trường Chinh và Hoàng Văn Hoan đến Nhà Hát Nhân Dân xem. Tôi đứng xa xa, thấy Hoàng Văn Hoan ghé tai ông Trường Chinh nói cái gì đó, tôi thầm nhủ: "Bỏ mẹ rồi!". Sau đó có lệnh cấm diễn. Trong cuộc họp nội bộ, ông Trường Chinh lên án Con nai đen gay gắt lắm, bảo xấu hơn cả "Nhân Văn", ác hơn. Tôi đứng lên nói không đồng ý với nhận xét đó và đưa ra ý kiến của mình. Nhưng sau đó vở kịch vẫn không được diễn.
Hồi đó sắp họp Đại hội văn nghệ toàn quốc, ông Trường Chinh báo cáo, khen Vỡ bờ nhưng phê phán Con nai đen. Anh em nói lại, ông Trường Chinh rút ý kiến bảo là vở kịch phản động, chỉ nói là vấn đề nêu ra không rõ ràng. Lúc ấy người ta vẫn sợ những tác phẩm bị coi là "symbole équivoque" (biểu tượng hai mặt). Và vở kịch vẫn cứ không được diễn.
Tôi hiểu nguyên nhân vì hồi ấy ông Trường Chinh chịu trách nhiệm về Cải cách ruộng đất, nên khi nghe có kẻ nói vở kịch của tôi ám chỉ Cải cách ruộng đất, xử trí oan nhiều cán bộ trung thành với Đảng, mới nghi ngờ, thành kiến với vở kịch.
Đến năm 1987, tôi lại sang Liên Xô, vào một hiệu sách cũ tiếng Pháp thì tìm được nguyên bản Vua Nai. Té ra đó là vở kịch của nhà viết kịch Ý Gozzi, được dịch sang tiếng Pháp. Ông chuyên viết thể kịch fable (ngụ ngôn), trong số đó có vở kịch nói Công chúa Turandot đã được dịch sang tiếng Việt.
Tôi đọc vở kịch của Gozzi, so sánh với vở của mình xem thế nào thì thấy vở mình viết vẫn có thể đứng bên cạnh vở của ông. Chỉ có một câu trong vở kịch của ông "ghê quá", mình không nghĩ tới được. Đó là khi nhà vua thử người yêu xem có nói dối không thì cô quận chúa bảo: "Anh thừa biết anh với tôi thế nào rồi sao lại bày trò ra làm gì?". Ngụ ý thừa hiểu con người rồi việc gì phải thử? Ở đây vấn đề nói thật nói dối còn cao hơn nữa: bắt người ta phải nói dối như thế là làm mất nhân cách người ta. Dùng cái cười vạch ra thằng nói dối là tàn nhẫn. Mình đã thừa biết rồi thì cần gì phải hỏi pho tượng? Có khi lời nói dối lại làm cho người ta sung sướng thì sao?
Thế là ba mươi năm sau tôi mới tìm được bản gốc, đem đối chiếu với vở kịch của mình để vững tâm hơn.
Đến năm 1990-91, vở kịch được Đoàn kịch nói Kim Cương diễn lại, đổi tên là Nai đen rừng Đế Thích, theo bản tôi đã sửa sang. Sau đó vở lại được đạo diễn Ngọc Phương dựng theo bản chuyển thể của Tuấn Vinh, đổi tên là Truyền thuyết về một tình yêu, vở này theo dạng kịch vui, cũng ăn khách.
PV: Tôi nhớ có lần anh đã phàn nàn: đoàn kịch Nam Bộ diễn vở này hơi cải lương…
NĐT: Đúng như vậy.
PV: Tuy vậy những diễn viên từng đóng vở kịch này vẫn coi đó như một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời sân khấu của họ. Chị Hữu Hạnh khi trò chuyện với tôi thường nhắc đến cái hồi chị tham gia vở kịch này. Còn cô Kim Cúc từng kể: cô vào nghề sân khấu trong trường hợp đạo diễn đang đi tìm một em bé gái nhỏ để đóng vai Con Nai, cô được chọn và vai này cũng là vai đầu tiên trong đời cô.
NĐT: Anh chị em cũ khi gặp tôi cũng thường nói về vở kịch này, tôi cho đó là một sự động viên, khuyến khích rất lớn đối với tôi, giúp tôi vượt qua mọi sự hiểu lầm, vùi dập tác phẩm và tác giả.
PV: Nhân đây xin anh nói thêm về vở "Nguyễn Trãi ở Đông Quan".
NĐT: Năm 1979, tôi bắt tay viết vở kịch về Nguyễn Trãi, cốt nêu vấn đề người trí thức Việt Nam trong quá khứ. Đọc thơ văn cổ, thấy cả Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi đều có thái độ khác với quan niệm đạo lý cổ truyền, hai ông đều phê phán Khuất Nguyên, như thơ Nguyễn Trãi có câu: "Chớ người đục đục, chớ ta trong", ngụ ý không thể lánh đời để giữ cho riêng mình trong, mà người trí thức phải biết dấn thân làm việc đời.
Trước đây đã có nhiều vở kịch viết về trí thức như Khuất Nguyên của Quách Mạt Nhược, hay Galliée của Bertolt Brecht. Vở Galilée nêu chủ đề dùng chân lý khoa học chống giáo điều kinh viện của Nhà thờ. Bị tra tấn buộc tội là kẻ tà đạo, Galilée phải tạm thời rút lui ý kiến của mình để khỏi bị thiêu sống, sau đó tiếp tục nghiên cứu khoa học bằng con đường khác với xã hội đương thời.
Trong những tác phẩm viết về trí thức, thường thường người ta đặt vấn đề thân phận trí thức, có những điều người trí thức cho là phải, nhưng xã hội chưa cho là phải nên họ bị đe dọa khủng bố. Ở đây tôi muốn đặt vấn đề người trí thức Việt Nam có số phận gắn với dân tộc quyết liệt lắm, vì đất nước mình luôn luôn bị nạn ngoại xâm, hơi sơ hở một tí là mất nước hay bị đồng hóa liền. Vì vậy ngay cả giáo điều đạo Nho và tôn giáo cũng chỉ là trí tuệ hóa đá mà thôi; người trí thức phải tự tìm lấy con đường riêng cho mình để giúp đời, cứu dân cứu nước
Vở kịch viết xong năm 1980, đúng vào dịp kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. Do sáng kiến của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, vở kịch được Đoàn kịch nói trung ương dựng để phục vụ đợt kỷ niệm. Trần Tiến đóng Nguyễn Trãi, Nguyệt Ánh đóng vai cô gái câm từ đầu đến cuối. Tập mất hai tháng, thích lắm, khi diễn rất hồi hộp, được khán giả hết sức hưởng ứng, người xem đứng chật rạp, có người phải trèo tường vào xem. Diễn xong có nhiều ý kiến, nhiều người công nhận đây là vở kịch lớn.
Thình lình đoàn kịch được gọi vào diễn riêng cho Ban bí thư xem một buổi. Anh em rất hồi hộp, còn tôi là tác giả coi như việc của mình đã xong rồi nên chẳng chú ý đến nữa.
Sau đó tôi được ông Trường Chinh mời đến, trước hết nói dịp kỷ niệm lớn có khách nước ngoài đến dự đông mà trong nước có vở kịch như thế là rất tốt. Tiếp đó, hỏi tôi mấy điều như tại sao chọn địa điểm Đông Quan mà không chọn cảnh hội thề Đông Quan? Tôi trả lời: "Theo tôi thì trong vở này tôi không thể hiện nhân vật Nguyễn Trãi trên khía cạnh anh hùng dân tộc mà ở khía cạnh một trí thức Việt Nam. Nếu kể về một người có công giải phóng dân tộc, như nhiều bài viết bảo linh hồn của cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược là Nguyễn Trãi thì không phải, bởi chính Lê Lợi mới là ngọn cờ của cuộc kháng chiến, ông này giỏi lắm chứ không phải tầm thường như những người không hiểu biết nghĩ lầm, vì có giỏi mới biết dùng những người giỏi như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn… Nếu chọn Nguyễn Trãi là nhân vật trung tâm của phong trào kháng chiến thì lại thành ra xuyên tạc hình ảnh Lê Lợi. Trong vở này, tôi thể hiện Nguyễn Trãi như một người trí thức, sống giữa vùng o ép của kẻ thù, vẫn bình tĩnh, sáng suốt tìm được con đường riêng cho mình mà đi, tức là đến Lam Sơn gặp Lê Lợi, dâng kế sách khoét sâu vào những mâu thuẫn trong nội bộ của chúng để tìm cách đánh vào lòng chúng".
Ông Trường Chinh giở kịch bản ra, trong đó gạch đỏ đầy cả - thì ra người ta đã chuẩn bị gạch sẵn những câu nào mà họ cho là có ý làm loạn. Tôi bèn nói với ông: "Anh cho tôi hỏi thật, anh là người xem anh có thấy cái cảnh tôi tả cuộc trao đổi giữa Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn, có đúng như người ta nói là tôi tả cuộc họp Bộ chính trị không? Anh thấy tôi viết có gì sai với thực tế lịch sử không?". Ông liền nói: "Anh đã nói thì tôi cũng nói thật: viết và đưa lên sân khấu như thế nào, cũng phải chú ý đến hoàn cảnh nước ta bây giờ. Dân đói, Đảng và Nhà nước chịu không có cách gì, chỉ còn biết thắt lưng buộc bụng, chia đều cái đói ra ra thôi. Dân tình bây giờ đang như nồi nước sôi, chỉ cần thêm một giọt là sẽ tràn. Anh phải cẩn thận, nghĩ đến tình hình xã hội giữa lúc này mà cân nhắc xem nên viết cái gì". Thấy ông nói đàng hoàng như vậy tôi cũng cảm động, lúc chia tay nhau rất vui vẻ, không có chuyện gì.
Thế nhưng sau đó lại có thông tri của Ban bí thư gửi nội bộ, lên án vở kịch có dụng ý xấu, ra lệnh cấm diễn.
Một lần họp tổng kết công tác tư tưởng toàn quốc, ông Lê Đức Thọ phát biểu, có ý kiến kết luận về vở kịch này. Ông nói: "Tôi là người ký thông tri của Ban bí thư, vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan tôi cũng chưa xem, chưa đọc. Nhưng các đồng chí phụ trách bảo là đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nói tôi ký thì tôi ký. Sau đó tôi đã cẩn thận nghiêm túc xem lại, thấy một số người cho rằng anh Thi bóng gió xỏ xiên anh em lãnh đạo là không phải, vì anh Thi là cán bộ lâu năm của Đảng, ai lại làm chuyện ấy".
Trong một cuộc họp khác, đề cập đến vở kịch này, ông Lê Đức Thọ lại nói: "Cái gì đây? Chống giáo điều đây! Viết sâu sắc đây! Nhưng ý kiến tôi thì tả Nguyễn Trãi như vậy chưa thật đúng, tiến bộ quá! Khi đó Nguyễn Trãi còn ở Đông Quan, chưa trực tiếp lăn lộn với trận mạc, mà nhiều vấn đề đã phát triển quá sớm, chưa phải lúc".
Thấy thái độ phê phán vui vẻ, cách nói cũng khác trước, tôi cũng yên tâm. Nhưng sau đó vở kịch vẫn không được diễn lại. Tất cả câu chuyện chỉ có thế thôi…
PV: Xin cám ơn anh Thi về cuộc trò chuyện bổ ích và lý thú hôm nay.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/1992
Nguồn: Bà i đã đăng tạp chà Bông trang của Há»™i văn há»c nghệ thuáºt Sông Bé, số 2, tháng 10/1992
|