NgÆ°á»i ta khen hay chê tôi thì nhiá»u nhÆ°ng ngÆ°á»i ta Ãt khi chịu trả tiá»n tác giả
talawas: Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, cách đây 3 năm, trước khi rời "Thị trấn Giữa Đàng" ở California để về định cư tại Sài Gòn, ông đã giới thiệu đến thính giả hải ngoại 10 bài Hương ca cùng phần 3 của Minh hoạ Kiều. Đến nay, thính giả trong nước đã biết đến những sáng tác mới nhất này của ông chưa? Phạm Duy: Chúng tôi chưa hề xin phép phổ biến
Minh hoạ Kiều.
Khi Công ty Văn hoá Phương Nam xin phép phổ biến 5 bài
Hương ca của tôi thì được giấy phép ngay. Năm bài này đã được in ra và được thu thanh qua các tiếng hát Duy Quang (
Trăm năm bến cũ, Tây tiến), Đức Tuấn (
Chiếc cặp tóc thơm tho), Ngọc Tuyền (
Quê hương vô thường), ban hợp ca ACM (
Hương rừng)
. talawas: Được biết ông vẫn đi lưu diễn thường xuyên, dù đã gần 90 tuổi. Xin ông kể sơ lược về những chuyến đi, những chương trình nhạc Phạm Duy, những cuộc gặp gỡ với bạn bè cũ-mới, cùng một số kỷ niệm đáng nhớ của năm 2007 vừa qua. Phạm Duy: Tôi đã được Công ty Văn hoá Phương Nam tổ chức cho một chuyến đi từ Lạng Sơn tới Cà Mâu và đi tới đâu, gặp lại cảnh vật cũ (ví dụ Ải Chi Lăng, Sông Thương...), gặp lại người xưa (ví dụ Hoàng Cầm, Hữu Loan...) thì đều thu hình những cuộc gặp gỡ đó. Không thể kể hết những chuyện vui của chuyến đi này. Mời coi cuốn video đang được ráp nối và sẽ được phát hành nay mai...
|
Nhà thơ Hữu Loan và nhạc sĩ Phạm Duy, Thanh Hoá, 2007 |
Còn việc đi lưu diễn thì tôi đã cùng các ca sĩ hạng nhất, hạng nhì tới hát tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... hội ngộ với người yêu nhạc và đều có kết quả tốt, ban tổ chức luôn luôn bán hết vé. Nhưng vì con tôi là Duy Quang mở một phòng trà ở Sài Gòn và cần sự có mặt hàng đêm của tôi cho nên tôi không muốn đi lưu diễn nhiều.
talawas: Hình như "Phương Nam Film" chịu mua bản quyền tất cả các sáng tác của bác: nhạc phẩm, bài viết, hồi ký, công trình nghiên cứu… và chịu trách nhiệm trong việc xin phép Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam để phát hành dần dần các sáng tác này. Xin ông cho biết thêm chi tiết về mối quan hệ giữa ông và "Phương Nam Film". Phạm Duy: Công ty Văn hoá Phương Nam đã liên lạc với tôi từ ngày tôi mới về thăm quê hương và ngỏ ý muốn được độc quyền ấn hành tất cả văn hoá phẩm của tôi... và tôi đã ưng thuận ngay lập tức, một năm trước khi quyết định trở về sinh sống ở Việt Nam. Tôi thật may mắn vì từ việc xin phép cho tới việc ấn hành, lưu diễn đều do Công ty Phương Nam quản lý, tôi chẳng phải làm gì hết. Hàng tháng tôi được Phương Nam trả tác quyền rất sòng phẳng.
talawas: Ba CD nhạc do “Phương Nam Film” sản xuất chỉ mới giới thiệu đến người nghe tại Việt Nam 30 ca khúc của Phạm Duy. Trong CD "Đức Tuấn hát Tình ca Phạm Duy" (2007), thính giả cũng chỉ được thưởng thức 10 trong số 30 ca khúc đó thôi. Theo ông, ở các phòng trà hoặc tụ điểm ca nhạc, các ca sĩ trong nước có "vượt rào", hát các ca khúc khác của Phạm Duy chưa được chính thức cho phép phổ biến không? Phạm Duy: Vì tôi không phải lo liệu trong việc in ấn hay sản xuất CD (việc này do Công ty Văn hoá Phương Nam lo liệu) cho nên tôi không biết rõ việc Phương Nam phổ biến ít hay nhiều những ca khúc của tôi, ca sĩ nào hát bài của tôi v.v... Tôi đi chơi tại những phòng trà HÁT VỚI NHAU thì thấy nghệ sĩ hay quần chúng ở đây hát nhạc Phạm Duy không thiếu một bài nào cả, thì tôi không còn quan tâm tới việc xin phép hay cho phép, phổ biến nhiều hay phổ biến ít. Đối với tôi, thế là đủ! Việc xin phép hay cho phép theo tôi chỉ là một thủ tục mà Phương Nam phải làm. Còn một ca sĩ nào đó hát 10 trong 1 CD hay 30 bài của tôi trong 3 CD thì đó là chuyện thương mại, chuyện bán được hay không, bán nhiều hay ít.
talawas: Ông có nhận xét gì về vấn đề tác quyền của nhạc phẩm Việt Nam trong nước và ở hải ngoại? Những ca sĩ trong nước, khi trình bày hoặc thu thanh nhạc phẩm của nhạc sĩ sống tại hải ngoại, có nghĩ đến chuyện trả tác quyền cho tác giả không? Tương tự như vậy, câu hỏi cũng được đặt ra cho ca sĩ hải ngoại hát các ca khúc được sáng tác trong nước. Phạm Duy: Tôi sống suốt đời bằng âm nhạc, nhưng trước khi trở về quê hương, sống dưới những chế độ cũ, chưa bao giờ tôi được hưởng tác quyền một cách xứng đáng. Người ta khen hay chê tôi thì nhiều nhưng người ta ít khi chịu trả tiền tác giả. Giờ đây, ở Việt Nam đã có luật về tác quyền, ai sử dụng nhạc của tôi đều phải trả tiền cho Phương Nam là nơi tôi đã ký giấy cho họ độc quyền. Tôi nghĩ rằng ca sĩ hải ngoại cũng phải trả tác quyền khi hát các ca khúc được sáng tác trong nước.
talawas: Cảm nhận của ông về âm nhạc Việt Nam trong vài năm gần đây như thế nào? Những nhạc phẩm, nhạc sĩ, ca sĩ nào gây cho ông sự chú ý? Phạm Duy: Tôi chưa biết hết về tình trạng âm nhạc Việt Nam hiện tại. Xin cho tôi miễn trả lời câu hỏi này...
talawas: Theo ông, lớp ca sĩ trẻ tại Việt Nam hiện nay có đủ nhạc cảm để hát "đúng" ca khúc Phạm Duy hay không, nhất là những bài hát đã được sáng tác cách đây nửa thế kỷ? Phạm Duy: Thế nào là đúng? Thế nào là sai? Tôi chỉ thấy họ hát rất hay! Không cứ gì các "ngôi sao", những ca sĩ hạng B hát cũng tốt lắm.
talawas: Âm hưởng dân ca có mặt trong rất nhiều ca khúc Phạm Duy. Trong mấy năm vừa qua, sống ngay tại quê nhà, ông có công trình nghiên cứu nào về âm nhạc cổ truyền Việt Nam không? Theo ông, vọng cổ, hát chèo, ả đào, quan họ, hò Huế, các điệu Lý, hát đối, ru em, đồng dao… còn sống sót được đến bao lâu? Có cách nào để bảo tồn và phát triển âm nhạc cổ truyền Việt Nam không? Phạm Duy: Ca nhạc cổ truyền ở Việt Nam rất phát triển, nhất là nhạc miền núi, nhờ ở những nhạc sĩ trẻ đóng góp tài năng của mình vào. Có thêm nhiều sáng tạo. Dân ca cổ truyền hiện nay coi như đã được hiện đại hoá và đã trở thành "dân ca mới" cả rồi. Nó sẽ còn phát triển hơn nữa...
talawas: Ông có những dự định gì cho năm 2008 này không? Phạm Duy: Tôi sẽ đề nghị với Công ty Văn hoá Phương Nam xin phép phổ biến những tác phẩm lớn của tôi như
Đạo ca, Thiền ca, Rong ca, Hàn Mặc Tử và
Minh hoạ Kiều.
talawas: Xin cảm ơn ông. Rất nhiều thính giả trong và ngoài nước luôn mong mỏi được nghe lại và nghe thêm những sáng tác của Phạm Duy. Kính chúc ông luôn khoẻ mạnh, an vui và như ý trong mọi việc. © 2008 talawas