trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
23.3.2007
Hoàng Văn Chí
Trăm hoa đua nở trên đất Bắc
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
II. Phái thanh niên

Phái này gồm tất cả các nhà văn trẻ tuổi, lớn lên trong khói lửa của cuộc kháng chiến dân tộc và đã được rèn luyện đầy đủ trong hệ thống tư tưởng Mác-xít. Tất cả đều là đảng viên và đa số đã tích cực tham gia bộ đội. Trẻ nhất trong bọn là Phùng Quán (năm nay mới 25 tuổi) và nhiều tuổi nhất là Hoàng Tích Linh (năm nay chừng 45 tuổi).

Điều đáng chú ý nhất là hiện nay không có một nhà văn thanh niên nào theo Đảng, mặc dù Đảng đã đào tạo nên họ.

Họ chống lại học thuyết Mác-xít và chế độ cộng sản không phải vì quyền lợi giai cấp hoặc vì họ đã bị tiêm nhiễm những triết lý phong kiến hoặc tư sản, mà chính vì bản chất trong con người thiên nhiên của họ phải có phản ứng tự vệ để khỏi bị tiêu diệt. Tiếng nói của họ là tiếng nói của con người "nhân chi sơ", không đại diện cho một học phái nào cả, tiếng nói của những linh hồn còn trong trắng.

Trần Dần, một nhà thơ đã tham dự trận Điện Biên Phủ có thể coi là điển hình cho thế hệ này.


Trần Dần

Tiểu sử: Trần Dần sinh năm 1924 [1] ở Nam Định, học tiểu học ở tỉnh Nam rồi sau lên học trung học ở Hà Nội. Khi ông học văn chương Pháp để thi tú tài, ông bị ảnh hưởng Baudelaire và Verlaine, trở thành một thi sĩ làm thơ tiếng Việt theo lối "tượng trưng" (symbolisme) của Pháp. Cho tới ngày nay ông vẫn giữ lối thơ đó vì ông chủ trương rằng mình lời văn không đủ mà phải dùng cả âm điệu trong câu mới diễn tả được những rung động trong tâm hồn của thi nhân.

Ông mới xuất hiện là một nhà thơ thì cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Trở về Nam Định, ông tham gia kháng chiến và đảm nhận công tác tuyên truyền. Sau khi Nam Định thất thủ, ông xung phong gia nhập bộ đội và được cử lên mặt trận Sơn La. Ở đây, ông phụ trách điều khiển đoàn văn công, được các văn nghệ sĩ trong trung đoàn rất quý mến và được kết nạp làm đảng viên. Nhưng là một văn nghệ sĩ, ông không chịu nổi sự chèn ép của các cán bộ chính trị cấp trung đoàn, nên đến năm 1951, ông xin về Trung ương, nhận công tác viết báo cho Cục Quân huấn.

Trong thời kỳ này, ngoài việc viết báo, ông còn phụ trách giảng về văn nghệ nhân dân và chính sách lãnh đạo văn nghệ của Đảng đối với văn nghệ sĩ trong những lớp đào tạo cán bộ văn công. Bị phê bình là giảng sai đường lối của Đảng, ông tức mình xin đi công tác tiền tuyến và được cử lên mặt trận Điện Biên Phủ. Xúc cảm trước sự tấn công ào ạt của quân đội kháng chiến vào thành luỹ của Pháp, nhất là trước cái chết thê thảm của Tô Ngọc Vân, bạn đồng hành của ông, Trần Dần sáng tác cuốn Người người lớp lớp. Nhờ cuốn sách này ông được Đảng yêu chuộng trở lại và năm 1954 được cử đi Trung Quốc để viết bản dẫn giải bằng tiếng Việt cho cuốn phim Chiến thắng Điện Biên Phủ, là cuốn phim Việt Minh đóng lại trận Điện Biên Phủ do cán bộ Trung cộng sang quay và mang sang Tàu thu thanh.

Nhân chuyến du hành này, Trần Dần được tiếp xúc với nền văn hoá của Trung cộng. Ông lấy làm thất vọng nên khi trở về, ông nói nhỏ với bạn bè: "Chớ nên theo đường lối văn nghệ của Trung Quốc".

Cùng đi với ông sang Trung Quốc có một cán bộ chính trị phụ trách về đường lối giải thích, nhưng tên cán bộ này mặc dầu dốt đặc về văn chương cũng cứ nhất định dùng quyền lực chính trị của mình để sửa chữa từng câu, từng chữ của Trần Dần, mà có khi ngang nhiên đọc lời giải thích của mình cho Trần Dần viết. Ông lấy làm bất mãn, nên khi về đến Việt Nam, ông cùng một số văn nghệ sĩ đảng viên khác như Tử Phác, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh và Đỗ Nhuận, cùng trong cảnh ngộ, viết kiến nghị lên cấp trên yêu cầu hạn chế sự can thiệp của cán bộ chính trị vào lãnh vực văn nghệ.

Kiến nghị còn đang được cứu xét thì xẩy ra một việc quan trọng hơn. Đó là việc Trần Dần tự tiện lấy vợ, bất chấp sự cấm đoán của Đảng. Theo một đạo luật bất thành văn mà Đảng đã đặt ra, các đảng viên cấp xã phải báo cáo cho cấp trên biết trước mỗi khi dự định lấy vợ, lấy chồng; các đảng viên huyện (trường hợp của Trần Dần) phải xin phép Đảng mới được cưới xin hoặc yêu đương, còn về phần các đảng viên cấp tỉnh trở lên thì việc dựng vợ gả chồng là đo Đảng quyết định.

Trần Dần tuy là đảng viên, nhưng vẫn giữ tính chất văn nghệ sĩ, không chịu nổi luyến ái quan Mác-xít. Hồi ở chiến khu bao nhiêu lần Đảng "xây dựng" cho ông với các nữ đồng chí, ông dều không chịu và khi hoà bình trở lại, ông tình cờ gặp và mê ngay một thiếu nữ tiểu tư sản ở phố Sinh Từ, sống bơ vơ một mình, vì bố mẹ họ hàng di cư vào Nam không kịp mang theo.

Trần Dần xin phép Đảng để cưới người yêu, nhưng Đảng nhất định không cho vì một lý do căn bản: người con gái đó theo đạo Thiên chúa. Tuy vậy, Đảng không nêu lên lý do tôn giáo để từ chối mà chỉ giải thích rằng người con gái đó sống về tiền thuê nhà mà bố mẹ để lại nên thuộc vào thành phần bóc lột, và một đảng viên không thể lấy vợ thuộc giai cấp "địch".

Trần Dần không chịu cắt đứt tình yêu nên khuyên ý trung nhân mang nhà cửa bố mẹ để lại giao cho Uỷ ban quản trị tài sản của những người vắng mặt trông coi và thu hoa lợi; hai người đều cam chịu sống trong cơ cực để yêu thương nhau. Đảng bèn rẽ duyên bằng cách điều động Trần Dần lên Việt Bắc công tác, nhưng Trần Dần lấy cớ ốm đau xin về Hà Nội nghỉ dài hạn và tự ý xin ra khỏi Đảng, ngang nhiên đến phố Sinh Từ sống với tình nhân không cần cưới xin. Đảng toan trừng trị, nhưng ngặt vì lúc đó đang có phong trào di cư, nên không dám khủng bố bất cứ ai sợ làm náo động nhân tâm khiến cuộc di cư bành trướng thêm. Đảng bèn nuốt giận làm lành, chỉ gây dư luận là Trần Dần đã sa đoạ, rơi vào hố tư sản phản động.

Nhưng sau khi đóng cửa Hải Phòng, Trần Dần lại làm một việc táo bạo thứ hai là phê bình đả kích cuốn thơ Việt Bắc của Tố Hữu, một thi sĩ giữ chức trung ương uỷ viên, phụ trách lãnh đạo văn nghệ. Tố Hữu liền ra lệnh bắt cóc Trần Dần mang nhốt trên một nhà giam ở Việt Bắc. Vợ Trần Dần lại sống bơ vơ giữa Hà Nội một lần nữa, hỏi thăm chồng ở đâu, không ai biết, vẫn thất nghiệp, lại thêm bụng mang dạ chửa. Bạn bè của Trần Dần phải chung tiền giúp đỡ và thay phiên đến thăm hỏi nâng đỡ tinh thần.

Tin Trần Dần bị bắt mang đi biệt tích lan ra khắp Hà Nội và gây dư luận sôi nổi trong giới trí thức kháng chiến. Để dẹp yên dư luận, Đảng bèn sửa sai bằng cách đưa Trần Dần về mạn xuôi, bắt đi theo chiến dịch Cải cách ruộng đất. Đảng cũng gọi vợ Trần Dần đến cho công việc may vá cho mậu dịch.

Không được bao lâu, xẩy ra vụ Khrushchev hạ bệ Stalin. Nhóm văn nghệ sĩ kháng chiến nổi lên đấu tranh chống Đảng bằng cách xuất bản tập Giai phẩm 1956 (sau này gọi là Giai phẩm mùa Xuân). Lúc này Trần Dần không có mặt ở Hà Nội, nhưng Hoàng Cầm là bạn thân, biết Trần Dần hồi 1954 có viết bài "Nhất định thắng" có giá trị, nên đến nhà bảo vợ Trần Dần đưa bản thảo và mang in trong tập Giai phẩm.

Tờ tạp chí vừa in xong thì bị tịch thu ngay. Đảng ngờ rằng Trần Dần đã bị nằm tù mà còn dám viết bài chống Đảng nên gọi Trần Dần về, mang ra đấu giữa một cuộc hội nghị của đông đủ các văn nghệ sĩ, quy Trần Dần vào tội phản động, lấy cớ là trong các bài thơ ông có dùng chữ "Người" viết hoa nên gán cho ông có ý đả kích cụ Hồ và ra lệnh tống giam vào nhà pha Hoả Lò ở Hà Nội. Trần Dần uất ức quá dùng lưỡi dao cạo cứa cổ, nhưng không chết, sau này vẫn mang cái sẹo ở cổ.

Năm tháng sau, Việt cộng tuân theo chỉ thị của Đệ tam Quốc tế phát động phong trào sửa sai. Giới trí thức được dịp phát động phong trào đấu tranh chống Đảng. Họ xuất bản tờ Giai phẩm muà Thu và tờ Nhân văn, lên tiếng phản đối vụ tịch thu tờ báo Giai phẩm mùa Xuân và việc khủng bố Trần Dần. Cụ Phan Khôi có nêu hai vấn đề này trong bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ” đăng trong Giai phẩm mùa Thu và Hoàng Cầm viết một bài nhan đề "Con người Trần Dần" đăng trong tờ Nhân văn số đầu. Bị công kích không có thế đỡ, Đảng bèn thả Trần Dần về và phục hồi danh dự bằng cách ra lệnh cho Hội Văn nghệ viết bản tự kiểm thảo đăng trên các báo. Nhóm Giai phẩm bèn tái bản tờ Giai phẩm mùa Xuân trong đó có bài thơ "Nhất định thắng" của Trần Dần.

Nhưng sau khi Nga-sô đàn áp cuộc khởi nghĩa Budapest thì Việt cộng cũng đóng cửa tờ Nhân vănGiai phẩm. Một lần nữa, Trần Dần lại bị quy là phản động và bị "treo giò" không được viết văn. Nhưng đến tháng cuối năm 1957, nhân báo Văn trở lại chống Đảng, Trần Dần gửi đăng một bài thơ nhan đề là "Hãy đi mãi" nói lên ý chí cương quyết đấu tranh đòi tự do đến cùng.

Về thơ, ông còn sáng tác những bài:

"Nói thật", trong đó ông lý luận rằng chỉ vì cán bộ hèn nhát không dám nói thật với Đảng nên mới xảy ra vụ "sai lầm" trong Cải cách ruộng đất.

"Nhân văn làm lớn con người", trong đó ông đề cao nhân văn.

"Một bài thơ chưa có đề", trong đó ông ám chỉ Tố Hữu là nhà thơ "ti tỉ đờn bầu”.

Về truyện, ông viết:

"Chú bé làm văn" để chỉ trích nền giáo dục cộng sản chuyên môn tập cho trẻ em nói dối từ thuở bé để sau này nói dối thuê cho Đảng.

"Mâu thuẫn với cả nước" tả một nhạc sĩ bất tài (ám chỉ Lương Ngọc Trác) dùng thế lực Đảng, quy cho một nhạc sĩ có tài hơn mình vào tội "mâu thuẫn với cả nước".

"Lão Rồng" tả một nông dân hiền lành bị bọn "lý trưởng mới" chà đạp.

Nhưng đặc biệt hơn cả là truyện “Anh Cò Lắm”, tả sự khổ cực của nông dân trong cải cách ruộng đất. Trong truyện đó có đoạn như sau:

"Tôi đi thẳng vào nhà Cò Lắm. Vắng cả, nhà chả có ai, nhưng có tiếng trẻ khóc. Ba gian nhà nhỏ vẫn một cái giường, một cái chõng, có thêm một lá cờ đỏ rắt mái nhà rủ trước mặt bức ảnh Hồ Chủ tịch. Một đứa bé con độ lên hai bò giữa nhà, giời rét mà độc một manh áo nâu, còn cởi chuồng, chân tay lắm mụn, bôi phẩm xanh lè cả người. Thấy tôi nó càng khóc, giơ tay quẹt má. Tôi nhìn: Tay nó có cái gì vàng vàng? À ra cứt, nó ỉa một đống còn kia, cổ chân nó lại buộc một cái dây bằng vải khá dài, một đầu dây buộc vào cột nhà, chắc hẳn mẹ nó buộc nó vào dây cho nó chơi một mình.”

Trừ có hai bài thơ “Nhất định thắng” và “Hãy đi mãi” ông ký tên thật, còn tất cả những bài khác đều ký bằng bí danh, sau này bị tra khảo trong tù ông mới nhận là chính ông viết.

Sau đây chúng tôi chỉ trích hai bài: “Nhất định thắng” và “Hãy đi mãi” vừa điển hình cho lối thơ của ông, vừa nói lên tâm sự của thế hệ mới ở Bắc Việt. [2]

Nhất định thắng

Lời soạn giả: Bài thơ này đã gây nên cuộc đấu tố tác giả, khiến tác giả phải cứa cổ tự tử. Vì vậy nên tuy dài, chúng tôi cũng đăng trọn bài. Đại ý của tác giả là nêu sự đói rét của đất Bắc và nỗi u buồn trong lòng người phương Bắc hiện nay.

Tôi ở phố Sinh Từ:
Hai người
Một gian nhà chật.
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?
Tổ quốc hôm nay
tuy gọi sống hoà bình
Nhưng mới chỉ là năm thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh...
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui - khi chợt nhớ - chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ Miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta?
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm?
A! Cái lưỡi dao cùn!
Không đứt được - mà đau!
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước! Nếu mà lưng tôi lạnh
Hãy nhìn xem: có phải vết dao?
Không đứt được mà đau!
Lưng Tổ quốc hôm nay rớm máu
Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những con mưa rơi mãi tối sầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi.
- Dừng lại!
- Đi đâu?
- Làm gì?
Họ kêu những thiếu tiền thiếu gạo
Thiếu Cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh Nam chị Nữ kêu buồn
- Ở đây
Khát gió thèm mây...
Ô hay!
Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi?
Sau đám mây kia là cả miền Nam
Sao nỡ tưởng là non bồng của Mỹ!
Tôi muốn khóc giữ từng em bé
Bỏ tôi ư? - Từng vạt áo - Gót chân
Tôi muốn kêu lên - những tiếng cộc cằn...
- Không! Hãy ở lại!
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
non bồng Mỹ
triệu lần...
Mảnh đất dễ mà quên?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư? Sao chẳng nói thực thà?
Chỉ là:
- thiếu quả tim, bộ óc!
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
Nhưng sao bước rã rời?
Sao họ khóc?
Họ có gì thất vọng?
Đất níu chân đi
gió cản áo bay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Giăng giối lại: - mỗi lùm cây - hốc đá
Mỗi căn vườn - gốc vả - cây sung
Không nói được chỉ còn nức nở
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Nhìn con đuờng cũ, nhìn ngôi sao mờ
Ôi đất ấy - quên làm sao được?
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi
Hôm nay đây mưa gió dập vùi
- Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc...
Ai dẫn họ đi?
Ai?
Dẫn đi đâu? - mà họ khóc mãi thôi!
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống - quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
- khổ nhiều rồi!
Họ xấu số - chớ hành thêm họ nữa
Vườn ruộng hoang sơ - Cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm, non nước buồn thiu
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ôi đất Bắc! Hãy giữ gìn cho họ.
Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ!
họ vẫn bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi, mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào Thơ?
Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách - hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này - bạn ấy
Quyển của tôi tư lự, nét đăm đăm
Nó đang mơ: - nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Tôi đã biến thành người định kiến
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi thống nhất, phải đòi từ việc nhỏ
- từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
- từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ.
Trời mưa mãi lây dây đường phố
Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất?
Sao chúng không chắp được cõi bờ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ
Em ơi ! - ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử
À cái tin trên báo - Ừ em ạ
Chúng đang phải giậm chân đấm ngực!
Vượt qua đầu chúng nó
mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thơ, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới danh gì?
Ý muốn dân ta
là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xoá nhoà giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Nhưng Trời mưa to lụt cả gian nhà
Ôm tất cả che mưa cản gió
Con chó mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ - nó gầy - lông xấu quá
Nó thiếu ăn - Hay là giết đi ư?
Nó đỡ khổ - Cả em đỡ khổ.
Em thương nó - Ừ thôi chuyện đó
Nhưng hôm nay anh mới nghĩ ra
Anh đã biến thành người định kiến
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng người ầm ả.
- Chúng phá hiệp thương
Liệu có hiệp thương?
- Liệu có tuyển cử?
- Liệu tổng hay chẳng tổng?
- Liệu đúng kỳ? hay chậm vài năm?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng
Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy.
Người vẫn vội - Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông!
A tiếng kèn vang
quân đội anh hùng
Biển súng
rừng lê
bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà...
Lá cờ ấy là cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan
Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Từ đất dấy lên
là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được Chiến tranh
Giữ được Hoà bình
Giặc cũ chết - lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi! Chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có Lý? Và ai có Lực?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
Biết Tổ quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
Không biết nhục
Không biết thua
Không biết sợ
Hôm nay cả nước chỉ có một lời hô:
THỐNG NHẤT!
Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi
- Giả miền Nam
Tôi ngửa mặt lên trời
Kêu một tiếng - bỗng mầu trời rơi xuống
Vài ba tia máu đỏ rớt vào tôi
Dân ta ơi!
Những tiếng ta hò
Có sức đâm trời chảy máu
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Hiền hậu lắm - Nhưng mà đi cả quyết...
Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê: đâm
Giống viên đạn: xé
Giống bão mưa: gào
Giống tình yêu: thắm
Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin.
Sao bỗng đêm nay
tôi cúi mặt trước đèn?
Gian nhà vắng - chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ! Chúng nó đã biến thành tảng đá
chặn đường ta!
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có phút giây ngờ vực
Ai có lý? Và ai có lực?
Ai người tin? Ai kẻ ngã lòng tin?
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
cả nước
cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương lao lực
Anh gạch xoá tranh thơ hằn nét mực
Bỗng mặt anh nhìn thấy! Lạ lùng thay!
Tảng đá chặn đường này!
Muôn triệu con ngườI
muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực!
Anh đã nghĩ: Không có con đường nào khác
Đem ngã lòng ra
mà thống nhất Bắc Nam ư?
Không không!
Đem sức gân ra!
Em ơi em!
Cái này đỏ lắm, gọi là TIM
Anh cho cuộc đấu tranh giành THỐNG NHẤT.

(Bài thơ này lúc đầu lấy nhan đề là "Bài thơ thống nhất" và chỉ có đến đây là hết. Hoàng Cầm khuyên Trần Dần nên làm thêm một đoạn nữa để "giữ vững lập trường" mới có thể xuất bản được. Vì vậy nên mới có đoạn văn sau này và bài thơ cũng đổi nhan đề là "Nhất định thắng".)

Hôm nay Trời đã thôi mưa thôi gió
Nắng lên đỏ phố đỏ nhà
Đỏ mọi buồng tim lá phổi
Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa!
Bây giờ
Em khuân đồ đạc ra phơi
Em nhớ đừng quên
Em khuân tất cả tim gan chúng mình phơi nắng hết
Em nhìn cao tít trời xanh
Dưới phố bao nhiêu cờ đỏ!
Hôm nay em đã có việc làm
Lương ít - Sống còn khó khăn
Cũng là may...
Chính phủ muôn lo nghìn lắng
Thực có tài đuổi bão xua mưa, không thì còn khổ
Em treo cờ đỏ đầu nhà
Lá cờ trừ ma
Xua được bóng đen chúng nó!
Những vết thương kháng chiến đỏ lòm
Đã mím miệng, lên da lên thịt
Tôi bỗng nhói ở nơi lồng ngực
Em ơi
Chúng đốt phố Ga-li-ê-ni
và nhiều phố khác
Anh đã sống ở Sài Gòn thuở trước
Cảnh miền Nam thành một góc tim anh
Chúng đốt tận đâu
mà lửa xém tim mình
Tim nó bị đen thui một nửa
Từ dạo ấy
mà em chẳng rõ.
- Em hãy đỡ cho anh khỏi ngã
Đứng đây
Một lúc!
Cờ bay
đỏ phố
đỏ nhà
Màu cờ kia là thang thuốc chữa cho anh
Ai thắng ai thua?
Ai có lý? Và ai có lực?
Em ơi
Hôm nay
trời xanh
xanh đục
Nắng lên
đỏ phố
đỏ cờ
Cuồn cuộn mít tinh
Những ngày thương xót đã lùi xa
Hoà bình
thêm vững
Anh bước đi
đã thấy phố
thấy nhà
Không thấy mưa sa
Chỉ thấy nắng lên
trên màu cờ đỏ.
Ta ở phố Sinh Từ
Em này
Hôm nay
đóng cửa
Cả nhà ra phố
mít tinh
Vung cờ đỏ
hát hò
vỡ phổi.
Hỡi những người
thành phố
thôn quê
Đói no lành rách
Người đang vui
Người sống đang buồn
Tất cả!
Ra đường !
Đi!
Hàng đoàn
hàng đoàn
Đòi lấy tương lai:
HOÀ BÌNH
THỐNG NHẤT
ĐỘC LẬP
DÂN CHỦ
Đó là tim
là máu đời mình
Là cơm áo! Là ái tình
Nhất định thắng!

(Trích Giai phẩm mùa Xuân 1956) [3]


*


Hãy đi mãi

Lời soạn giả: Ngụ ý của tác giả trong bài này là kêu gọi những người yêu chuộng tự do hãy tranh đấu đến cùng, bất chấp mọi sự đe dọa.

Khi trái đất còn đeo bom
trước ngực
thắt lưng
còn lựu đạn, bao xe;
Khi bạo lực còn khua
môi mõm mốc xì,
khẩu đại bác mỏi đừ
vẫn sủa;
Khi bóng tối
còn đau như máy chém
những lời ca đứt cổ
bị bêu đầu
Lũ đao phủ tập trung
hình cụ
mặt trời lên
phải mọc giữa rừng gươm;
Khi thế kỷ còn rung
chuông lừa bịp
Những canh gà
báo trượt rạng đông.
Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngoé;
Khi xe tăng
chửa đi cấy đi cày,
như
một lũ tội nhân cần cải tạo;
Khi
con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo,
còn quay tít
trên kiếp người hạ giá;
Những khi ấy
sẵn sàng
nổi giận,
loài người
còn tổ chức nhau đi.
Hãy đi mãi như người
cộng sản
có thể mỏi mọi điều
không mỏi: tấn công!
Phải làm lại chúng ta, tất cả -
không tha,
để đừng có một ai lần lữa,
khi nào
chân lý gọi tên đi.
Hãy đi mãi! –
dù mưa băm nát mặt
Sương rơi, hơn đạn xưa
đau đầu.
Dù bốn mùa
nhưng nhức nắng mưa
mùa bão tuyết thế chân
mùa gió độc.
Hãy đi mãi! –
dù mưa đông phục kích
hay
lửa hè đánh trộm sau lưng
Dù những đêm
buồn như sa mạc hoang vu
Đoàn du mục tủi thân
vùi bãi cát.

những ngày, mũi kiếm heo may
đi hành hạ
những tâm tư trằn trọc
Hãy đi mãi! –
Dù trên biển cả
sóng như người vật vã
khắp đại dương.
Dù những con tầu
bỗng nhớ bến bình yên.
còi rúc mãi những tiếng kêu rùng rợn
Hãy đi mãi! –
Dù khi cần thiết
người ta cần đói khát
vượt bình sa.
Ta bỗng có thể nhịn lâu
hơn cả lạc đà
đi
đến tận những kinh thành no ấm.
Hãy đi mãi! –
Dù có phen chót ngã
Hãy bó đôi chân lầm lỡ
mà đi.
Hãy tin chắc
rồi ta
xứng đáng
một vòng hoa đỏ nhất
phủ quan tài
Tôi chửa có khi nào quên táo bạo
chửa khi nào quên hát
quên đau.
Tôi yêu đất mẹ đây –
có cỏ hoa làm chứng
Tôi yêu chủ nghĩa này
cờ đỏ cãi cho tôii.
Nhưng
chẳng thể rúc kèn củ rích,
vác loa mồm kêu:
"Hiện tại rất thiên đường!"
Không!
Thiên đường chúng ta
là nối đuôi nhau
vô tận triệu Thiên đường.
Đi mãi
chẳng bao giờ thoả.
Tôi có thể mắc nhiều
tội lỗi,
chẳng bao giờ quá ngu đi
mắc tội: nằm ì
Han rỉ
khác gì cái chết?
Chết con tim chẳng còn dám
đau thương.
Chết khối óc
chẳng còn dám nghĩ!
Nếu
tôi chửa đến ngày thổ huyết
phổi tôi còn xâu xé mãi
lời thơ.
Tôi có thể mặc thây
ngàn tiếng chửi tục tằn
trừ tiếng chửi: -
"Sống không sáng tạo!"
Nếu tôi bị gió sương
đầu độc,
một hôm nào ngã xuống
giữa đường đi
tôi sẽ ngã
như người lính trận
hai bàn tay chết cứng
vẫn ôm cờ.
Nếu vầng nhật
thui tôi làm bụi,
nắng oan khiên đốt lại
làm tro.
Bụi tôi sẽ
cùng tro –
vẫn sống
vẫn chia nhau gió bấc
xẻ mưa phùn.
Nếu dĩ vãng đè trên lưng
hiện tại
nặng nề
hàng tạ đắng cay,
tôi sẽ nổ tung
ngàn kho đạn tiếng kêu
tan xác pháo
mọi cái gì cũ rích,
Nếu
hàm răng chuột nhắt của gia đình
gậm nhấm
cả tình yêu cùng dự định
tôi sẽ biến thân tôi thành
thép nguội
làm thất bại
mọi thứ rũa đã quen rũa người
tròn trặn quá hòn bi.
Ở trong tôi
nếu còn sức mạnh gì
chính là sức những ai
nghèo khổ nhất.
những ai
lao lực nhất –
địa cầu ta.
Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu
nặng nề sáng tạo
như
nâng một viễn vọng đài
trên cuộc sống hàng ngày
nhí nhách
Tôi vẫn cháy
ngọn hải đăng con mắt
ở trong biển sống
từng đêm.
Tôi vẫn đóng những câu thơ
như người thợ
đóng tàu,
chở khách
đi về phía trước,
nói
loài người –
đã biết sống chung nhau.
Nói
tất cả -
chẳng còn ai bần tiện,
chẳng còn lo
cơm áo
nợ nần

(Trích báo Văn số 28, xuất bản ngày 15-11-1957)


*


Phùng Quán

Phùng Quán, năm nay 25 tuổi, là một thanh niên nghèo. Trước đi bộ đội, sau được giới thiệu về trường Dự bị Đại học để học thêm. Về Hà Nội anh lại tiếp tục công tác văn nghệ trong quân đội.

Anh viết văn theo lối hiện thực xã hội và được coi là Triệu Tử Long trong nhóm đối lập. Những bài thơ của anh được dư luận gọi là những "bom nguyên tử".

Chúng tôi trích đăng bài "Chống tham ô lãng phi" đăng trong Giai phẩm mùa Thu, tháng 10-1956 và bài "Lời mẹ dặn" đăng trong tờ Văn, tháng 9-1957.

Anh không đòi hỏi gì khác hơn là quét sạch những rác rưởi trong xã hội và yêu cầu các nhà văn phải trung thành với tâm hồn của mình: "Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét". [4] Anh bị khủng bố chỉ vì dám nói như vậy. Phùng Quán bị lôi đi chỉnh huấn và phải viết bài thú tội. Trong bản này nhà thơ trẻ tuổi thú nhận rằng sau khi nhóm Nhân văn-Giai phẩm bị giải tán thì suốt ngày chỉ chơi với một con bú dù. Các bạn hỏi tại sao thích nuôi bú dù, Phùng Quán trả lời: "Chơi với người chán lắm rồi, thành phải chơi với bú dù".

Một chế độ đã đào luyện cho thanh niên một tâm trạng như vậy đủ làm cho chúng ta suy nghĩ về chân giá trị của chế độ đó vậy.

Thơ cái chổi - Chống tham ô lãng phí

Ta đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt:

Tôi đã gặp
Những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng
Bởi đồn giặc trồng ngô tỉa lúa.

Tôi đã gặp
Những cô gái trồng bông
Hai mươi? Ba mươi?
Tôi không nhìn ra nữa.
Mồ hôi sôi trên lưng
Mặt trời như mỏ hàn xì lửa
Đốt đôi vai cháy hồng.

Tôi đã đi qua
Nhiều xóm làng vùng Kiến An Hồng Quảng.
Nước biển dâng lên ướp muối các cánh đồng
Hai mùa lúa không có một bông.
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ.

Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu.
Cơm thòm thèm độn cám với rau
Mới tháng ba đã ngong mong đến Tết
Để được ăn cơm no có thịt
Một bữa một ngày…

Tôi đã đi
Giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm

Tôi đã gặp
Chị em công nhân đổ thùng
Yếm rách chân trần
Quần xắn quá gối
Run lẩy bẩy chui vào hầm xia tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn một thùng
Có người không dám vác
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con.

Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của quần chúng anh hùng lao động
Đang buộc bụng thắt lưng để sống
Để xây dựng kiến thiết nước nhà
Để yêu thương nuôi nấng chúng ta.

Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm rời bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ xanh đỏ sáng loà
Như trang giấy kim
Dán lên quân trang
Đẫm mồ hôi và máu tươi của cách mạng
Như công nhân
Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Các đồng chí ơi!
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem.
Đài xem lễ [5] họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng thiếu tiền bỏ dở.
Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu.

Những con chó sói lãng phí quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!

Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ “đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước chúng ta không đếm hết người nghèo
Đêm nay thiếu cơm thiếu áo.
Những tên quan liêu Đảng đã phê bình trên báo
Và bao nhiêu tên chưa ai biết ai hay
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gày
Khắp mặt đất
Như ruồi nhặng
Ở đâu cũng có!
Đảng muốn phê bình tất cả
Phải một nghìn số báo Nhân dân!

Tôi đã đến thăm nhiều hố xí cầu tiêu
Giấy trắng nửa mặt, xé toang chùi đít
Những người này không bao giờ họ biết
Ở làng quê con cái nhân dân ta
Rọc lá chuối non đóng vở học i-tờ!

Tôi đã đến dự những phiên toà
Họp suốt ngày luận bàn xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, chị gái
Còng lưng, rỏ máu lấn vành đai!

Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng lập đội quân trừ diệt
- Có tôi!
đi trong hàng ngũ tiền phong.

(Trích Giai phẩm mùa Thu tập II 1956) [6]


*

Lời mẹ dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.

Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi –
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! Những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

(Trích báo Văn số 21 ra ngày 27-9-1957)



[1]Trần Dần sinh năm Bính Dần 1926 (talawas).
[2]Sau phần giới thiệu Trần Dần, trong nguyên bản có hình chụp bìa tập Giai phẩm mùa Xuân 1956, trong đó có đăng bài "Nhất định thắng" của Trần Dần (talawas).
[3]Xem nguyên văn bài thơ gồm 9 đoạn trong Giai phẩm mùa Xuân 1956. Bản đăng trong cuốn sách này có lược bỏ một số câu và nguyên đoạn 6 (talawas).
[4]Trong cuốn Bác sĩ Zhivago, Boris Pasternak có viết: "Muốn chiều cộng sản thì dể lắm. Cứ nói là yêu cái mình ghét, và cứ nói là ghét cái mình yêu".
[5]Đài xem lễ do ủy Ban thành phố Nam Định dựng lên để các đại biểu đứng xem lễ. Việc này đã bị phê bình ở báo Nhân dân.
[6]Bài thơ còn có một đoạn cuối bị lược bỏ trong sách này. Xem nguyên văn trong Giai phẩm mùa Thu tập II 1956 (talawas)
Nguồn: Hoàng Văn Chí, Trăm hoa Ä‘ua nở trên đất Bắc. Mặt trận Bảo vệ Tá»± do Văn hoá xuất bản, Sài Gòn 1959. 318 trang. Nguyệt san Ngày về tái bản, HÆ°á»›ng Việt phát hành. In tại nhà in Lion Press, 3018 Akron Ct, Denver Co. 80231. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.