Tổ quốc và Thơ! Đề tài quá lớn này xin dành cho các nhà lý luận văn học chuyên nghiệp. Ở đây tôi chỉ nhặt ra một mảnh, nhưng là một mảnh gương lồi, tuy nhỏ nhưng cũng đủ thu gọn một khuôn hình về xã hội và Tổ quốc Việt Nam trong thơ.
Mảnh gương rơi vào tay tôi là một bài thơ chuyền tay có nhan đề như một câu hỏi “
Thế này là thế nào…”, ký tên Trần Ái Dân. Ái Dân chắc hẳn là một bút danh, bút danh chưa xuất hiện bao giờ và không được giới thiệu thì tạm coi là ẩn danh vậy.
Bài thơ ngắn và dân dã.
Nhưng muốn hưởng hết thi vị của bài thơ dân dã này, lại phải khai vị bằng một bài thơ “bác học”, cũng mở đầu từ một câu hỏi, cũng phác họa một chân dung đất nước. Ấy là bài thơ nổi tiếng “
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”của Chế Lan Viên mà rất nhiều người đã thuộc lòng vì nó hoành tráng, nó đã từng
bơm cho mọi người bay lên cùng “Tổ quốc”.
Từ nhà viết Hồ Tây năm 1965 Chế Lan Viên thấy cuộc đời, thấy xã hội Việt Nam đang đẹp quá rồi (cứ cho là ông nghĩ thế thật), nhưng nghĩ rằng cái đẹp hoành tráng ắt phải phát ra từ sông từ núi, ông bèn gọi Sông Hồng ra làm kẻ phát ngôn:
Hỡi Sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Sông Hồng bèn đáp ngay tắp lự:
Chưa đâu! Ngay cả trong những ngày đẹp nhất…
Rồi Sông Hồng nói rất cụ thể: Những thời đẹp nhất của Việt Nam từ trước đến nay với những chiến công hiển hách của Nguyễn Trãi, Hưng Đạo, Quang Trung, với những kiệt tác như
Kim Vân Kiều… cũng chưa thể sánh với cái đẹp hôm nay!
Thực ra hỏi để mà hỏi thôi, chứ Chế thi sĩ thừa biết Sông Hồng sẽ trả lời như thế nên mới hỏi. Sông Hồng nói như Đảng nói. Khi Đảng đã tuyên bố với cả núi sông rằng Đảng quyết thực hiện “
sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối” thì Sông Hồng chứ “ông cụ thân sinh” ra Sông Hồng cũng không dám nói khác.
Thế là Chế thi sĩ bắt đầu yên tâm và triển khai.
Là “nhà thơ trí tuệ” bậc nhất, ông hiểu linh hồn của Tổ quốc chính ở nơi con người, nên bên cạnh những vẻ đẹp của những “chiến công”, những “sự nghiệp” (như đánh thắng tướng Đờ Cát, những cánh đồng hợp tác lúa vàng bội thu, những mùa nhãn Hưng Yên, những mẻ thép Thái Nguyên, những công trình thuỷ điện…), ông tập trung ca ngợi vẻ đẹp của những con người. Những con người hiện ra trước mắt ông toàn là những người sung sướng, yêu thương nhau, anh hùng và vĩ đại.
Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt
Đêm no ấm, giọng chèo khuya khoan nhặt
…
Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!
“
Vóc nhà thơ” thì “
đứng ngang tầm chiến luỹ”. Thậm chí “
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt”, cũng tức là có khả năng thành một Phù đổng Thiên vương!
Khi từng bộ mặt “con người mới xã hội chủ nghĩa” đều đẹp như thế thì mặt trời cũng muốn thức dậy thành người Việt Nam:
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn…
“Ca” nhau tài đến thế là cùng!
Xúc động nhất khi ta thấy nhà thơ mủi lòng “
Thương thay những thế kỷ vắng anh hùng”! Ở một xã hội mà châu báu đã dư thừa (ra ngõ gặp anh hùng) thì lòng thương vẫn thường “bao la” như thế!
Thế là cái thực tế trước mắt thì vô cùng tươi đẹp rồi, nhưng Chế Lan Viên lại tài hơn Tố Hữu ở chỗ chưa coi đó là “
Thiên đường của các con tôi” chưa coi đó là “
đỉnh cao muôn trượng” mà còn mở triển vọng ra đến vô tận:
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn
Theo ông dưới sự lãnh đạo của Đảng thì ngày tháng nào cũng đẹp, và càng ngày càng đẹp (chỉ có đẹp trở lên thôi), nhưng ông chọn cái hôm nay là đẹp nhất chỉ vì đây là “
buổi Đảng dựng xây đời, mắt được thấy dòng sông ra gặp bể”.
Mới ở cửa bể mà đã đẹp thế này, thì khi vẫy vùng ngoài biển lớn sẽ sung sướng đến chừng nào, ai mà hình dung ra được nhỉ? Tài thật.
Nhưng đọc một bài thơ ca ngợi chế độ tài tình như thế, ta không khỏi thắc thỏm một mối lo: xã hội (năm 1965-66) mới đẹp đến mức này nhưng may mắn có một thi sĩ thiên tài như thế để mô tả, nếu mai sau lại còn đẹp hơn nữa thì lấy đâu ra thiên tài thứ hai mà ca ngợi cho xứng đây? Xã hội thì hàng ngày hàng giờ cứ bay lên như Phù đổng, thử hỏi 40 năm sau chẳng hạn thì sự vĩ đại sẽ kinh khủng đến nhường nào, và lúc ấy ai sẽ là người mô tả nổi nó đây?
Câu hỏi khó thế mà thời đại cho câu trả lời ngay nhỡn tiền: Thì đây, đúng 40 năm sau, năm 2006, với bài thơ “
Thế này là thế nào…” mối lo ấy đã được giải đáp.
*
Đã xong bài thơ khai vị, tôi xin trở lại với bài thơ chính mà tôi đã giới thiệu lúc đầu để cùng nhau “nhấm nháp”. (Xin cứ nhắp một
ngụm rượu Chế Lan Viên khai vị, rồi lại
nhắm một
miếng thơ dân dã Ái Dân cho hai thứ song hành, đối chiếu, quyện vào nhau mà nâng thi vị của nhau lên).
Thế này là thế nào…
Thời buổi thế này là thế nào hả giời
Làm xịt lốp xe – đinh rải đầy đường xá
Giữa phố đông người rạch mặt người
Khách tàu hoả tha hồ ăn đá
Thời buổi thế này là thế nào hả giời
Các cô gái ra đường mông phải độn các-tông
Sợ những mũi kim tiêm cắm phập
Kim bết si đa đâu phải vô trùng
Thời buổi thế này là thế nào hả giời
Đến cục cứt cũng là cứt rởm
Nông phu phải miết tay, phải ngửi kiểm tra
Người ta luyện đất sét giống cứt người ghê gớm
Thời buổi thế này là thế nào hả giời
Trò giữa lớp phang Thày, con nện Cha trước bàn thờ tổ
Thịt lợn quay bôi véc ni đỏ lự
Foóc-môn ngâm xác người pha bánh phở cho ngon
Thời buổi thế này là thế nào hả giời
Xương trâu bò thế xương liệt sĩ
Trâu bò lên ngôi “Tổ quốc ghi công”
Được toàn dân dâng hoa, quỳ bài bái lễ
Thời buổi thế này là thế nào hả giời
Vua xuất xứ từ một anh hoạn lợn
Diễn văn eng éc tiếng lợn kêu
Đất nước tàn tạ xót xa
Triều đình cắn xé thối tha
Vua vẫy tai nhởn nhơ, hếch mũi lên hơn hớn
Thời buổi thế này là thế nào hả giời
Trần Ái Dân
Bức chân dung thật của nhân dân mình, hình hài thật của Tổ quốc mình là thế nào đây?
Câu hỏi ấy nhà thơ thượng thặng Chế Lan Viên đã hỏi rồi, và đã được núi sông giải đáp rồi, sao Ái Dân còn phải băn khoăn hỏi lại?
Phải hỏi lại vì sách vở gì, văn thơ gì cũng không đánh đổ được thực tế. Những khuôn mặt của những kẻ rải đinh, ném đá, cắm kim tiêm bết máu si-đa, những khuôn mặt trò phang thày, con nện cha, nặn cứt giả và hài cốt liệt sĩ giả, những khuôn mặt cắn xé nhau tranh bả cung đình… kinh tởm thế, liệu mặt trời kia còn có thể “
ghé môi hôn” được không? Không lẽ mặt trời cũng xạo? Nên phải hỏi xem “
Thế này là thế nào hả giời”. Con người đầy ắp tình yêu thương, đoàn kết, anh hùng, giàu lý tưởng… hay ty tiện, gian trá, lọc lừa, lì lợm, tàn ác, lưu manh, vô giáo dục, lòng người chai lỳ, thất vọng và ly tán? Hay hiện thực nằm trong cả hai bài thơ, “
hiện thực xã hội chủ nghĩa” và “
hiện thực dân gian”?
Bảo Ái Dân cường điệu ư? Không đâu, Ái Dân chỉ mới đưa ra vài nét chấm phá, thực tế còn khủng khiếp gấp vạn lần.
Những ngư dân Hậu Lộc đói rách quanh năm, phải đánh cá với chiếc thuyền nát tại lãnh hải của Tổ quốc mình, bị người ta bắn chết để thị uy và vu cho tội xâm phạm lãnh hải của người ta để ăn cắp lưới, mà các cấp chính quyền trên dưới đều ra rả hùa theo. Dư luận về mười sáu tấn vàng không cánh mà bay, nhân dân không được biết tung tích. Chuyện Mục Nam quan, Thác Bản Giốc và bao nhiêu cao điểm quân sự để phòng thủ đất nước bỗng dưng chui về lãnh thổ người ta… Tất cả những dấu hỏi như thế mà cả mấy trăm nghị sĩ mũ cao áo dài không một ai dám hé răng, không một cánh tay dám giơ lên chất vấn, mà lại kênh kiệu rủ lòng “
thương” cho “
những thế kỷ vắng anh hùng” thì thật là những não trạng điên loạn.
Ở những xứ sở “
vắng anh hùng” chắc chắn những vấn đề ấy đã có nhiều người lên tiếng chất vấn. Đáng “
thương” chăng là “
thương” cho giới cầm quyền của các nước ấy: làm Tổng thống, Thủ tướng mà chẳng được quyền tự tung, tự tác, quyền trói tay bịt miệng nhân dân, quyền tự do lùa dân đi hướng này hướng nọ như “dắt trâu bò” (chữ của chủ tịch Hồ Chí Minh).
Có nghe không tiếng khóc của những gia đình ngư phủ chết oan, của những em gái ngây thơ bị phơi trần cho thiên hạ chọn, hay bị bán thử một đêm cho những tên vô lại nước ngoài…, có nghe không những tiếng rên la của người dân bị cướp nhà cướp đất, những lời uất nghẹn của hàng nghìn vụ án oan sai mỗi năm…? Hay chỉ nghe thấy “
giọng chèo khuya khoan nhặt”, thấy “
mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười” (và tự hào rằng tiếng cười ấy là do Nguyễn Văn Trỗi dạy cho!), nghe tiếng “
chim cu gần, chim cu gáy xa xa”, và nghe cả “
tiếng hát 4 nghìn năm” của Sông Hồng nữa?
Đừng thắc mắc sao Sông Hồng lại “hát” những lời y như một cán bộ tuyên huấn của Đảng, vì Chế Lan Viên đã giải thích ngay:
Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát!
À ra thế, phải tựa vào Đảng mà hát, chứ có phải cứ đứng thẳng giữa trời mà hát được đâu? Đứng trong dàn đồng ca của Đảng, dẫu là Lịch sử, là Sông Hồng, hay là Trường Sơn gì nữa thì cũng phải hát theo bè, theo cánh tay người bắt nhịp chỉ huy.
Nên ta chẳng trách chi một thi sĩ có tài như Chế Lan Viên. Chẳng qua trong dàn đồng ca, ông có chất giọng tốt hơn thì phải lĩnh xướng. Cái quý của ông là sau giờ lĩnh xướng ông đã bùi ngùi nghĩ về thân phận “xướng ca”của mình. Ông đã biết tự phủ định mình trước khi bị thực tế phủ định.
Một trí tuệ mẫn cảm như Chế Lan Viên đã biết trước sẽ có ngày “
Những người ấy nhắc những bài thơ tôi làm, mà tôi xấu hổ”. Ông đã tự nhủ thầm những tác phẩm tô hồng như bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” chẳng qua chỉ là “
Bánh vẽ”.
Chỉ một bài thơ “Bánh vẽ”, một bài “Trừ đi”, một bài “Ai, tôi!” trong phần di cảo Chế Lan Viên đã đủ để hậu thế cảm thông cho ông, xoá hết cho ông mọi lỗi lầm mà về một mặt nào đó có thể coi là bất khả kháng. Ông vẫn là một bậc thầy của thi ca. Chỉ có phần bùi ngùi tiếc cho ông thôi. Dẫu có lấy nhãn quan đời sau mà phê phán ông, vẫn không thể không dành lại một phần mến yêu và khâm phục tài thơ.
*
Non sông, Tổ quốc là hình tượng thiêng liêng cao quý của mỗi dân tộc. Loài người đã định nghĩa Tổ quốc từ nghìn đời rồi, thiết nghĩ chẳng cần nói lý thuyết làm chi. Nhưng hễ cái gì là thiêng liêng cao quý là y như rằng có kẻ muốn chiếm đoạt, muốn dùng làm của riêng, thậm chí còn muốn đổi tên Tổ quốc, gò Tổ quốc vào cái khuôn thể chế chính trị nhất thời của mình.
Năm nay là năm Con Lợn. Nghĩ đến câu
Tổ quốc là Mẹ hiền (ngôi Mẹ hiền để dành cho Tổ quốc, anh nào tự xưng Mẹ hiền là hỗn với Mẹ đấy), bất giác tôi hình dung một cách ngộ nghĩnh
Tổ quốc Mẹ hiền như con Lợn mẹ thanh thản nằm kềnh ra cho đàn con bú sữa. Đàn con tranh nhau, những con nhỏ yếu hơn thì bị những con khoẻ hơn đẩy bật ra để chiếm lấy núm vú nhiều sữa nhất. Loài vật nó tranh nhau là lẽ thường, loài nào chẳng vậy.
Thế mà có một lần, tôi được chứng kiến cảnh một con Lợn mẹ hất đứa con khoẻ nhất đàn ra, dành vú cho một con yếu nhất.
Tôi cứ nhớ mãi đến tận bây giờ.
Tháng 12-2006
© 2006 talawas