trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
14.9.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tỉnh thức, cảnh giác nhưng thông cảm và bao dung
 
(Trao đổi nhân bài viết "Những người đi tìm tổ quốc" và những bài viết mới khác của Trần Trung Đạo cùng những ý kiến tham gia trên talawas)

Trước đây không lâu, từ khi có điều kiện đọc được một số bài viết của Trần Trung Đạo, tôi thực sự mến mộ cách suy nghĩ đầy tính nhân bản, tinh thần dân tộc, không định kiến và phóng khoáng của anh (xin được phép gọi bằng anh thay cho từ "ông" lịch sự nhưng xa cách) khi nhìn nhận những vấn đề lịch sử gai góc, từ đó mở ra những cách tiếp cận có khả năng xóa bớt định kiến, hận thù để mọi người có thể gần nhau hơn trong tình nhân ái. Dù thế, tôi biết vẫn có nhiều người không đồng tình với các quan điểm của anh và đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận gay cấn. Đối với tôi, cũng có một số luận điểm của anh tôi chưa tán thành. Và tôi hiểu rằng thật khó khăn vô cùng để những người Việt Nam thông cảm với nhau khi đã trải qua hai cuộc chiến trong gần nửa thế kỷ tang thương máu lửa và phân ly, thù hận.

Vì một số lý do riêng, bài này được viết hơi chậm kể từ khi bài của anh được đăng tải nhưng có lẽ nó cũng không quá muộn vì những vấn đề vẫn còn đó, cũng như chuyên mục "Chiến tranh nhìn từ nhiều phía" của talawas vẫn nhận được bài đóng góp đều đặn. Tôi sẽ không trực tiếp trao đổi về những luận cứ trong các bài viết của anh hay ý kiến của những người khác góp ý cho anh mà chỉ viết như những lời tâm sự được gợi hứng từ các bài viết, các ý kiến đó, và tôi cũng mong được anh và nhiều người khác chia sẻ và trao đổi thêm.

Từ thời thơ ấu tôi đã chịu đựng thảm họa của chiến tranh khi mất cha từ lúc 5 tuổi và gia đình sống trong cảnh lưu lạc nghèo nàn nhưng tôi chỉ thực sự bị tác động mạnh bởi chiến tranh khi vào đại học, lúc bắt đầu có nhận thức độc lập về cuộc sống. Một lần tôi đi ngang qua bến Thương Bạc của thành phố Huế, tôi chứng kiến cảnh một xác người đã thối rữa trôi trên sông tấp vào bờ. Dân chúng bu lại xem. Có người nói: Xác của Việt cộng đó, cứ để cho cá rỉa. Người khác nói: Biết đâu là xác của người dân vô tội. Người khác nữa: Xác của ai cũng là người, vớt lên chôn cất kẻo tội nghiệp… Tôi sững sờ đau đớn và suốt đêm hôm đó tôi không sao ngủ được.

Con sông Hương là nơi ôm ấp nâng niu tuổi thơ tôi, nơi tôi đã học bơi lần đầu trong đời để có thể bơi vượt sông qua bờ bên kia vào các khu vườn ăn trộm trái cây cùng với lũ bạn nghịch ngợm phá làng phá xóm, nơi tôi có thể bơi ra giữa dòng khoát nhẹ tay nằm phơi mình trên sóng nước và đám rong rêu bập bềnh hàng giờ liền để mơ mộng. Con sông Hương cũng là nơi chứng kiến cuộc tình đầu lãng mạn đầy trăng của tôi với cô bé hàng xóm nơi bến đá rập rình sóng nước dưới chân ngôi tháp cổ những đêm khuya khoắt. Con sông xanh, êm, mềm, dịu dàng như lụa đã từng là người mẹ, người tình của tôi bây giờ trở thành chiếc quan tài đẩy đưa một xác thân người mục rữa vô thừa nhận.

Cũng như mọi người chứng kiến, tôi không biết xác người đó là ai nhưng tôi biết chắc đó là một người Việt Nam và chính chiến tranh đã gây ra thảm cảnh này. Ngay từ thời đó, trong sinh viên, với tầm nhìn rất giới hạn của mình, chúng tôi đã tranh luận với nhau về vấn đề mà cho đến nay chúng ta vẫn còn tranh luận: "Gọi tên gì cho cuộc chiến?". Chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh ở Việt Nam. Chiến tranh ý thức hệ. Chiến tranh giải phóng. Chiến tranh xâm lược. Chiến tranh chính nghĩa. Chiến tranh phi chính nghĩa. Chiến tranh ủy nhiệm…

Điều trực tiếp tác động mạnh đến chúng tôi là sự hiện diện của người Mỹ. Năm 1964, chúng tôi đứng nhìn thán phục tinh thần và thái độ làm việc của những người lính công binh Mỹ ở trần, đầu không đội mũ, lái xe ủi làm việc quần quật suốt ngày để san ủi mặt bằng xây dựng trường Đại học Sư phạm (ngôi trường mới nơi mà chúng tôi sẽ vào học từ năm sau) và trường Trung học Kiểu Mẫu bên bờ sông Hương. Năm 1965, trong một lần đi xe đò trên quốc lộ 1, tôi chứng kiến cảnh một toán lính Mỹ tắm trần truồng, cười hô hố bên dòng sông cắt ngang quốc lộ khi hành khách quay mặt không dám nhìn vì xấu hổ. Tôi cảm thấy nhục nhã vì cả một dân tộc bị khinh khi. Tiếp theo là vô số những cảnh động chạm đến tự ái dân tộc khi những tên lính viễn chinh say rượu, chọc ghẹo phụ nữ, lái xe bạt mạng hất ngã, cán chết người trên đường phố…, tiếp theo là những chuyện lính Mỹ và đồng minh tàn sát người dân ở nông thôn. Thế là ý thức chống Mỹ bùng lên. Năm 1966, sinh viên Huế tổ chức giải tỏa đường Duy Tân là nơi người Mỹ rào lại để bảo vệ các cơ quan của người Mỹ đóng trụ sở vì không chấp nhận việc người ngoại quốc lại có thể làm chủ một con đường trên thành phố quê hương. Khi một toán lính Mỹ đi hành quân về, xé biểu ngữ "Yankee, go home!" của sinh viên treo trên tưòng khuôn viên đại học, Hội đồng Sinh viên Liên khoa đã gởi tối hậu thư cho tòa Lãnh sự Mỹ, yêu cầu toán lính Mỹ phải đến xin lỗi trong vòng 24 giờ, nếu không sẽ không bảo đảm tính mạng của người Mỹ…

Ở đây tôi còn muốn mô tả sâu hơn chuyển biến nội tâm của mình trong một kinh nghiệm cá nhân.

Sau khi phong trào tranh đấu năm 1966 bị dẹp tan, tôi bị bắt giam ở trại tạm giam của Trung tâm Thẩm vấn thành phố Huế. Ở khu đất trống bên cạnh dãy nhà giam cũ, người ta bắt đầu xây thêm một trại giam mới. Theo nhiều nguồn tin, tù kháo nhau rằng đây là một trại giam tối tân của Mỹ. Mỗi phòng giam rất nhỏ chỉ để nhốt một người, đặc biệt chỉ giam những cán bộ cộng sản cao cấp để khai thác và sau này dùng trao đổi tù binh. Trại giam mới được xây một cách chớp nhoáng và được sử dụng ngay khi hoàn thành. Một số nhân viên hành chánh được tuyển vào làm việc. Các nhân viên này đi làm bằng cổng cũ của trại tạm giam, ngang qua phòng giam tôi đang ở. Phòng giam này nhốt hơn 30 người, có một cửa sổ rất nhỏ mà những người lính gác đã nhân đạo không đóng lại cho chúng tôi có chút khí trời để thở. Chúng tôi tranh nhau ra đứng ở ô cửa sổ để nhìn các nhân viên đi qua vào giờ đi làm và tan sở. Trong số nhân viên đó, tôi đặc biệt chú ý đến một cô gái. Tôi thấy cô thật lạc lõng trong khung cảnh này.

Cô còn rất trẻ, khoảng mười tám tuổi, rất xinh đẹp. Từ khuôn mặt, quần áo, dáng đi đều tỏa ra một cái gì vô cùng dịu dàng tinh khiết. Cô có mái tóc đen huyền buông xõa ôm lấy khuôn mặt trắng ngần. Đôi mắt cô xa xôi hiền dịu và hình như chan chứa một nỗi buồn mênh mông. Cô thường mặc áo trắng, áo hoa xanh nhạt hay áo lụa vàng. Bàn chân cô trắng hồng trên đôi dép quai nhung thấp thoáng dưới tà áo dài bay bay.

Khi đi ngang qua gần cửa sổ, cô thường cúi đầu nhìn bàn chân hay trang nghiêm nhìn thẳng về phía trước. Tôi chú ý nhận ra dần dần từng đặc điểm của cô sau mỗi sáng mỗi trưa mỗi chiều ra cửa sổ đứng ngắm. Dần dần tôi trở nên say mê hình ảnh cô gái. Tôi cảm thấy mình xôn xao và ngóng đợi thường xuyên giờ phút cô đi qua. Mỗi ngày bốn bận, hình ảnh cô thoáng qua như một cánh bướm, một ảo ảnh. Giờ phút đó tôi bám vào song sắt cửa sổ, dõi mắt nhìn theo cho đến khi cô đi khuất và ngẩn ngơ bàng hoàng đến mấy phút. Tôi cảm thấy khắc khoải nuối tiếc, mong mỏi như vừa mất đi một điều gì vô vàn thân thiết.

Có lần khi đi qua cô gái bất ngờ thoáng nhìn vào cửa sổ. Tôi giật mình bủn rủn chân tay và sau đó ngất ngây suốt cả một buổi. Các bạn tù trẻ trong phòng chế giễu tôi đã trồng cây si và bảo nhau nhường chỗ cho tôi mỗi khi cô gái đi ngang qua. Dần dần cô gái liếc vào cửa sổ như một thói quen. Cái liếc nhìn vội vàng đó đối với tôi hình như có ẩn chứa một thứ tình cảm ngập ngừng man mác. Tôi luôn luôn đứng ở đó, trung thành và khao khát. Tôi sửa soạn sẵn nụ cười trên môi, ánh mắt đam mê thiết tha để đợi cô gái. Tôi muốn trao gởi đến cô gái cái gì nồng nàn nhất của tâm hồn tôi, trong vô cùng im lặng và câm nín. Cô là một thoáng hạnh phúc tuyệt vời, một nôi ru bình an, một giấc mơ vươn thoát cho tôi giữa chốn tù ngục, dù tất cả điều đó đều lướt qua như một cánh chim nhẹ nhàng bé bỏng.

Tôi biết rằng đây chỉ là sự trở về lãng đãng của một thứ tình yêu vô cùng lãng mạn phóng khoáng ngày trước. Bây giờ không phải là lúc cho tôi yêu đương mơ mộng nữa. Tù ngục đã cho tôi quá nhiều nhọc nhằn thống khổ, nuôi lớn lòng phản kháng và rèn cho tôi nghị lực phấn đấu. Đôi lúc tôi cũng muốn buông thả cho mình bay cao lên vùng trời trăng sao của một thứ tình yêu vô danh thần thánh để lãng quên chốn lao tù. Nhưng không thể được. Căn phòng giam với ba mươi mấy người gầy gò, bệnh tật, đau khổ, bị đày đọa đã luôn kéo tôi trở về.

Đứng giữa đám người này, tình yêu xanh cao của tôi dành cho cô gái đã bị hoen ố vì những câu hỏi dần dà nẩy sinh trong đầu óc tôi. Tại sao cô đi làm cho Mỹ, nhất là làm ở một trại thẩm vấn? Cô nghĩ gì về tôi, về những người tù trong trại giam này, những đồng bào của cô đang bị đối xử còn thua những con vật? Cô làm công việc gì trong trại giam đó? Bọn cố vấn Mỹ khả ố đối xử thế nào với một cô gái xinh đẹp như cô? Cô đã bằng lòng cho chúng nó những gì để đổi lấy đồng lương và những đồ hộp, những quà tặng sang trọng của bọn Mỹ? Tôi run lên và thấy mình bừng bừng với những câu hỏi này. Một niềm phẫn nộ dâng lên trong tôi như cơn nước lũ. Hình ảnh cô gái nhảy múa nhòe nhoẹt trong óc tôi và hình như bị bôi đen đi bằng những vết sơn tàn bạo. Không, tôi không muốn oán trách cô. Tôi chỉ thấy xót thương thôi. Xót thương cho bàn chân trắng hồng xinh đẹp của cô đang bước vào vũng lầy bẩn thỉu. Không phải tội ở cô mà tội ở chiến tranh và người Mỹ. Nếu người Mỹ không đến đây thì cô chắc chắn vẫn còn tha thướt trong sân trường, trên con đường xanh bóng cây dọc theo bờ sông sau khi tan học. Và tôi đã có thể đứng đợi cô nơi bến đá để cùng cô đi một chuyến đò ngang qua con sông rất dịu dàng của Thành phố Thơ này.

Tôi bỏ không ra đứng ở cửa sổ để đợi nhìn cô gái nữa. Cô đã biến thành sức nóng nung đốt lòng phản kháng và ý chí đấu tranh nơi tôi. Hình ảnh dịu dàng thanh khiết của cô, tình yêu câm nín siêu thoát của tôi dành cho cô không cần thiết nữa. Tất cả đã thể nhập vào con tim nồng nàn ngọn lửa thiêu xiềng hủy xích của một người tù sinh viên trẻ tuổi.

Như thế đó. Chúng tôi (những người cùng hoàn cảnh và tâm trạng như tôi) chống Mỹ không phải theo ý nghĩa tinh thần "chống Mỹ cứu nước" của những người cộng sản đưa ra hay tuyên truyền mà chỉ là phản ứng tự nhiên của những người yêu nước khi thấy đất nước bị lăng nhục vì sự có mặt của lính viễn chinh, mặc dù trên phương diện cá nhân chúng tôi vẫn có quan hệ tốt vối một số người bạn Mỹ, vẫn khâm phục nền văn minh Mỹ. Về sau này chúng tôi nghiệm ra có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng nhất cho sự thất bại của chính quyền Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa là việc chấp nhận đưa quân Mỹ và quân đồng minh vào Việt Nam. Nó đã làm thổi bùng lên ý thức bài ngoại trong nhân dân và giúp những người cộng sản có lý do để tuyên truyền cho chính nghĩa của cuộc "chiến tranh giải phóng", không chỉ trong nước mà còn trên cả thế giới và ngay trên đất Mỹ. (Thực tế lúc đó ở Miền Bắc cũng có mặt quân đội Liên Xô và Trung Quốc nhưng số lượng ít và họ khéo léo che đậy. Chủ yếu họ nhận tài trợ và vũ khí, đạn dược.)

Về các chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đối với chúng tôi không có chính quyền nào đáng tôn trọng. Sau khi bị lật đổ vào năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm được tổng kết đánh giá như một chính quyền "độc tài, gia đình trị". Các chính quyền kế tiếp cho đến năm 1975 là những chính quyền thư lại hay độc tài quân phiệt, tất cả đều lệ thuộc người Mỹ ngày càng nặng nề.

Thể chế chính trị và cuộc sống của nhân dân miền Nam lúc đó, theo chúng tôi cần phải được thay đổi tốt hơn. Chúng tôi và nhân dân nói chung cần chấm dứt chiến tranh, cần tự do dân chủ thực sự, cần no cơm ấm áo, cần độc lập tự chủ, không lệ thuộc vào ngoại bang. Chúng tôi tham gia đấu tranh để chống lại hay lật đổ các chính quyền không đáp ứng được các yêu cầu này với ước mong sẽ góp phần xây dựng được một chính quyền có thể mang lại hạnh phúc cho dân tộc vốn đã chịu đựng quá nhiều đau khổ.

Trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện một số người được mệnh danh là thiên tả hay thiên cộng. Những người này tạm gọi là trí thức ở thành thị vì phần lớn họ là sinh viên, giáo sư trung học hay đại học và một số nhà văn, nhà báo, kể cả một số tu sĩ của các giáo hội. Tuy nhiên, thái độ và sự lựa chọn của họ không hoàn toàn giống nhau. Có người chỉ là một thái độ tinh thần. Có người là thái độ chính trị. Có người dấn thân tranh đấu. Có người tự nhận là "thành phần thứ ba" (không phải là quốc gia hay cộng sản). Có người thân cộng hay trở thành cộng sản. Lựa chọn của những người này, nhất là những người thực sự dấn thân hành động có thể nói là dũng cảm vì họ có thể gặp hiểm nguy, tù đày, thậm chí hi sinh cả tính mạng trong khi họ có thể có cuộc sống bình an, sung túc nếu họ chấp nhận đi cùng chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Thái độ và hoạt động của những người thuộc thành phần này nói chung bất lợi cho các chính quyền miền Nam và là sự hỗ trợ hữu hiệu (dù có ý thức hay không) cho Mặt trận Giải phóng và cộng sản Bắc Việt.

Khi lựa chọn thái độ và hành động chính trị như trên, thành phần này không phải không hiểu chút gì về cộng sản Bắc Việt hay Mặt trận Giải phóng. Tuy nhiên sự hiểu biết này không thấu đáo và đầy đủ. Chuyện cải cách ruộng đất hay vụ Nhân văn - Giai phẩm ở miền Bắc xảy ra không lâu lắm nhưng hơi xa vời và phần nào có tính chất tuyên truyền của chính quyền miền Nam. Mặt trận Giải phóng lệ thuộc hay có thể chính là con đẻ của cộng sản Bắc Việt nhưng lại mang một mầu sắc lãng mạn cách mạng, đồng thời là lực lượng duy nhất có thực lực có thể đối đầu với chính quyền miền Nam trong khi các lực lượng đối lập công khai khác ở các đô thị không đủ sức để lật đổ các chính quyền này. Điều quan trọng hơn cả là họ chỉ chú tâm đến việc tìm cách chấm dứt chiến tranh, chống lại hay lật đổ chính quyền miền Nam trước mắt mà họ cho là thối nát, bất lực, lệ thuộc ngoại bang. Họ chưa suy nghĩ sâu xa đến tương lai hay có một tầm nhìn lịch sử về thể chế cộng sản sau này trên đất nước.

Rõ ràng đó là những hạn chế đồng thời cũng là lỗi lầm nghiêm trọng của thành phần này, nhất là khi tình hình đất nước sau năm 1975 diễn ra hoàn toàn khác hẳn, nếu không nói là trái ngược với những gì họ mong đợi. Đối với những người còn giữ được con tâm trong sáng của những ngày dấn thân vì lý tưởng thì tình hình này là một sự phản bội, một bi kịch của chính họ và đất nước. Tuy nhiên cũng không ít người vẫn tự hào là đã đứng về phía chiến thắng và khi đã gắn mình vào guồng máy cai trị, quyền lực và quyền lợi đã làm họ quên đi lý tưởng ngày truớc, để trở thành giai cấp thống trị mới. Một số khác tuy có bẽ bàng, ray rứt bên trong nhưng rồi cũng nhắm mắt đưa chân, xuôi theo dòng chảy và dần dần nhạt phai đi tinh thần phản kháng, điều đã làm họ trở thành những người thiên tả dũng cảm dấn thân ngày nào.

Bây giờ ta có thể dễ dàng so sánh tình hình trước và sau năm 1975 để đặt dấu hỏi hay phê phán, lên án những người thiên tả, thân cộng ngày trước tại sao là trí thức họ lại "ngu dốt" khi góp phần đạp đổ một chính quyền, một chế độ tồi tệ để rồi góp phần xây dựng một chính quyền, một chế độ còn tồi tệ hơn. Vấn đề thực ra không phải được đặt ra đơn giản như vậy. Nếu những người đó có thể nhìn thấy trước được tuơng lai rõ ràng như hiện nay, chắc không ai dại dột hay điên rồ dấn thân vào con đường không ít bất trắc và nguy hiểm mà họ đã lựa chọn. Dĩ nhiên sự hạn chế đó cũng là lỗi lầm cần phải sám hối nhưng đó không phải là điều không thể hiểu được.

Một khía cạnh quan trọng và phức tạp khác là có thể tách rời tổ quốc và chế độ nhưng khó tách rời chính quyền và chế độ. Làm sao có thể bảo vệ một thể chế dân chủ tự do khi đồng thời chấp nhận một chính quyền độc tài, gia đình trị hay quân phiệt, chính quyền này lại là đại diện chính thức cho thể chế đó. Người dân có các quyền tự do một cách tương đối là ưu điểm của thể chế chính trị ở miền Nam trước 75 nhưng đồng thời chính quyền vẫn không ngần ngại đàn áp nhân dân khi việc thực hiện các quyền tự do đó có hại cho việc củng cố quyền lực của họ. Tự do báo chí nhưng chính quyền vẫn kiểm duyệt, "hốt cắt đục", truy tố, đóng cửa báo chí đối lập đến nỗi ký giả phải "xuống đường đi ăn mày". Tự do tín ngưỡng nhưng Phật giáo không được treo cờ tôn giáo của mình trong ngày lễ Phật Đản và chùa chiền, sư sãi bị ruồng bố. Tự do bầu cử và ứng cử nhưng lại tổ chức bầu cử độc diễn và gian lận phiếu. Tự do lập đảng nhưng lãnh tụ và các đảng viên đảng đối lập bị khủng bố, ngồi tù. Tự do biểu tình nhưng phải sẵn sàng hít lựu đạn cay, lãnh dùi cui hay phi tiễn, có khi đạn thật và sau đó bị tra tấn trong nhà tù…

Các chính quyền miền Nam không đàn áp triệt để các thành phần đối lập không phải vì họ có ý thức dân chủ cao mà vì họ không đủ sức mạnh để làm. Khi có thể làm được, họ cũng không ngần ngại gì. Vậy thì trong chế độ đó, những người thiên tả có lý do để hoạt động chống đối hay lật đổ các chính quyền đương nhiệm. Không thể vì bảo vệ chế độ tự do dân chủ mà bảo vệ luôn những chính quyền đàn áp tự do dân chủ. Họ đâu ngờ rằng sau này khi những chính quyền độc tài đó bị lật đổ, họ và nhân dân lại phải chịu đựng một chính quyền còn độc tài và tồi tệ hơn.

Đối với những người được gọi là "quốc gia" hay thuộc guồng máy của Việt Nam Cộng hòa, vấn đề này lại là vấn nạn nan giải theo hướng ngược lại. Gạt ra một bên những người thực sự là "tay sai thực dân đế quốc", những người dùng quyền lực để hưởng thụ trên xương máu đồng bào, cứ coi những người còn lại có lý tưởng bảo vệ tự do dân chủ, chống lại "cộng sản miền Bắc xâm lược". Trong khi những người này hoạt động hay chiến đấu, đương nhiên họ phải ở trong guồng máy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, họ không chống lại chính quyền này, mặc nhiên họ chấp nhận và củng cố chính quyền đang đi ngược lại lý tưởng tự do dân chủ của họ. Điều này thật mâu thuẫn.

Mặt khác trong khi những người này luôn luôn lên án tội ác của cộng sản trong cuộc chiến, ngoài những tội ác cũ, như các vụ pháo kích giết dân lành, đặc biệt là vụ Mậu Thân ở Huế, những chuyện đáng lên án thật, nhưng họ lại không nói gì đến những tội ác do họ gây ra hay phải liên đới chịu trách nhiệm. Họ cũng tham gia chiến dịch diệt cộng, dồn dân vào ấp chiến lược, bắn phá tự do vào các "vùng trắng", hành quân "lùng và diệt" ở những nơi mà người dân vô tội cũng bị tổn hại. Và họ có liên đới chịu trách nhiệm gì không trong những vụ quân đội đồng minh gây ra tội ác như vụ tàn sát dân thường ở Mỹ Lai, việc rải chất độc màu da cam, việc oanh tạc miền Bắc…? Ở miền Nam hay miền Bắc, người dân bị giết hại cũng là đồng bào Việt Nam. Ai đã đồng ý, cho phép và chấp nhận quân đội ngoại quốc đến gây tội ác trên đất nước mình? Dù là vì lý do cuộc chiến, quyết định này có phải là một tội ác và những ai không phản đối nó có thể coi như không liên quan gì? Nói rộng ra, việc cả hai miền đều sử dụng vũ khí của nước ngoài để tàn sát nhau trong cuộc chiến là điều không gì có thể biện minh được.

Điều đáng buồn là về sau này khi những người lính Mỹ, lính Đại Hàn, lính Úc tham dự cuộc chiến năm xưa đã trở lại Việt Nam để sám hối về tội ác của họ trong cuộc chiến nhưng chưa thấy người lính Việt Nam nào, chính quyền hay tổ chức nào ở cả hai phía, tỏ lòng ăn năn về những tội ác đã gây ra cho chính đồng bào mình. Chỉ nghe thấy tiếng reo hò của lòng kiêu hãnh về chiến thắng, lời lăng mạ khinh miệt đối với kẻ địch hay sự nguyền rủa đầy hận thù của kẻ chiến bại. Nhân dân làm sao có thể quên được những tai họa và thảm cảnh mà cuộc chiến đã gây ra dù cuộc sống vẫn không ngừng đi tới.

Còn đối với những người cộng sản, nhân dân miền Bắc và những người được gọi là trí thức xã hội chủ nghĩa, vấn đề được đặt ra như thế nào?

Trừ những người lãnh đạo cộng sản cao cấp và có thẩm quyền trong việc hoạch định đường lối, có lẽ tất cả còn lại đều bị lôi theo dòng cuốn của cuộc chiến tranh một cách tự giác hay không tự giác. Trong một xã hội mà Đảng độc quyền lãnh đạo, độc quyền chân lý, độc quyền tuyên truyền và cai trị bằng cách tạo ra sự phục tùng và nỗi sợ bao trùm lên toàn xã hội thì người dân khó có thể có cách sống, cách nghĩ nào khác. Có thể lấy một ví dụ đơn lẻ để minh họa điều này là hai cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm mà thời gian gần đây đang được cả hệ thống thông tin báo chí trong nước ra sức tuyên truyền. Nguyễn Văn Thạc đi bộ đội vì bị bắt buộc, không đi không được. Đặng Thùy Trâm tình nguyện đi B vì một lý do riêng tư thầm kín. [1] Những điều này rất bình thường, rất người, không có gì đáng ngạc nhiên hay phê phán. Nhưng rồi trong nhật ký của họ cũng nói rất nhiều đến "miền Nam rên siết dưới gót giày quân xâm lược", "đế quốc Mỹ tàn bạo khát máu", đến "giác ngộ giai cấp"… những điều thực ra họ không hiểu rõ mà chỉ là kết quả của sự tuyên truyền nhồi sọ trong một xã hội bưng bít thông tin. Trong việc này, họ cũng không có lỗi gì cả vì tư duy con người đã bị điều kiện hóa và đó chỉ là hệ quả tất yếu. Dĩ nhiên lòng yêu nước và nhiệt huyết muốn cống hiến của tuổi trẻ cho tổ quốc nơi họ là điều không ai phủ nhận. Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã lên đường cầm súng chiến đấu trong hoàn cảnh và tâm trạng, ước mơ tương tự. Nhưng cũng với lòng yêu nước và nhiệt huyết đó, một số đông tuổi trẻ ở miền Nam lại có cách thể hiện hoàn toàn trái ngược. Thế là thanh niên hai miền, những tinh hoa và người chủ tương lai của đất nước gặp nhau, đối mặt trên chiến trường, không phải như những anh em đồng bào mà là kẻ thù cần phải tàn sát.

Có người trách trí thức xã hội chủ nghĩa là hèn nhát, thậm chí là bất hạnh cho đất nước. Điều này nằm trong cách đánh giá vai trò của trí thức trong lịch sử và mối quan hệ giữa trí thức và quyền lực, không hề đơn giản và không đồng nhất cho mọi hoàn cảnh lịch sử, mọi đất nước và nền văn minh. Riêng về lịch sử Việt Nam hiện đại, vấn đề phải được nhìn ở những góc độ phức tạp hơn nhiều.

Trước đây, khi đọc lịch sử Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa, tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao giới trí thức Trung Quốc lại có thể trải qua những hoàn cảnh bi thảm nhục nhã mà không dám phản kháng. Cách phản kháng mạnh bạo duy nhất là tự sát. Còn lại tất cả đều bị hành hạ, phải kiểm điểm, tự thú và đi cải tạo. Sau này qua hoàn cảnh Việt Nam và chiêm nghiệm cá nhân, tôi hiểu ra rằng dưới một chế độ độc tài toàn trị sắt máu và khi "cuồng tín nhân dân" được kích động bản năng lên đến tận cùng (theo cách nói của Hữu Loan), lương tri và sự phản kháng của trí thức vốn chân yếu tay mềm và không quyền lực hầu như đã bị đè bẹp.

Sau việc đàn áp nhóm Nhân văn - Giai phẩm, trong một thời gian dài, giới trí thức miền Bắc hầu như đã bị tê liệt tinh thần phản kháng. Một hai trường hợp lẻ tẻ của các nhà văn phê phán chế độ, dù là bóng gió, bị trù dập ngay, cộng thêm với việc trí thức bắt buộc phải gắn chặt về mọi mặt với chế độ, nhất là việc làm và đời sống, đã củng cố thêm sự "liệt kháng" này. Sau 1975, tình hình vẫn không khá hơn nhưng càng về sau này, nhất là mấy năm gần đây, trong bối cảnh chung của việc hội nhập quốc tế, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội và tác động của phong trào dân chủ hóa đất nước, một số trí thức dần dần đã khôi phục lại phần nào vị thế của mình.

Trí thức chỉ có quyền lực tinh thần và họ cũng có nhu cầu sống, làm việc, lo cho hạnh phúc của bản thân và gia đình như tất cả mọi người. Khi đánh giá sự cống hiến và lòng dũng cảm của trí thức trong chế độ độc tài toàn trị, nhiều người chỉ căn cứ vào mức độ phản kháng của họ đối với những sai trái của nhà cầm quyền chứ ít nhìn vào những cống hiến của họ cho sự tiến bộ xã hội. Trong cái nhìn toàn cục về sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân, không thể nói giữa việc đấu tranh cho dân chủ của những trí thức bất đồng chính kiến với công việc cứu người của các bác sĩ trong bệnh viện hay công việc xây dựng của các kỹ sư trên những công trình thủy điện, cầu đường, công nghệ thông tin…, thậm chí với những công nhân bình thường, ai có giá trị hơn. Việc chuyển đổi từ chế độ độc tài toàn trị sang tự do dân chủ là trách nhiệm và sự đóng góp bằng hành động của toàn xã hội chứ không phải chỉ của riêng trí thức, mặc dù trí thức có vai trò tiên phong trong tư tưởng, nhận thức. Mặt khác xây dựng cuộc sống hằng ngày trên mọi lãnh vực vẫn là điều bức thiết. Thực tế là nhân dân các vùng nghèo khổ trước mắt cần một cái cầu bắc qua sông, một ngôi trường cho trẻ em đi học hơn là lý luận về tự do dân chủ. Dĩ nhiên những điều này không đối nghịch hay loại trừ nhau. Có thể nếu có tự do dân chủ, cây cầu và trường học sẽ được xây dựng nhanh hơn nhưng nếu chưa có tự do dân chủ mà vẫn có cây cầu và trường học thì nhân dân sẽ được hạnh phúc sớm hơn phần nào.

Nếu có những trí thức hoàn toàn đồng quan điểm với chế độ nên ra sức củng cố nó như một lý tưởng của đời mình thì đó là điều tất yếu không có gì đáng nói hay đáng nói ở một phương diện khác. Đây là vấn đề chân lý của cuộc sống chứ không phải thái độ của người trí thức. Điều đáng trách là những trí thức khi đã nhận ra những sai trái của chế độ nhưng vì quyền lợi và sự an toàn của bản thân vẫn lớn tiếng ngợi ca và góp phần củng cố nó bằng tài năng, kiến thức và sự thiếu lương thiện, ngụy tín của mình. Trong lãnh vực tuyên truyền và văn hóa văn nghệ, ảnh hưởng của sự đóng góp này rất to lớn và nguy hiểm cho toàn xã hội, có thể nói chính xác là góp phần vào tội ác. Những bài thơ di cảo của Chế Lan Viên là một sự tự thú muộn màng về điều đó. Dĩ nhiên muộn còn hơn không. Còn nếu họ không vượt qua được nỗi sợ và mối lo toan cho hạnh phúc của bản thân và gia đình, họ im lặng làm việc trong lãnh vực chuyên môn của mình thì điều đó có thể thể tất, không nên nặng lời phê phán. Có ở trong cuộc mới thâm cảm sự lựa chọn một thái độ sống khó khăn như thế nào, không dễ dàng như đứng bên ngoài để nhận định. Con người có những giới hạn thường tình không thể vượt qua, trí thức cũng thế, có khi trí thức còn yếu đuối hơn vì họ suy nghĩ, đắn đo nhiều quá. Những người có thể vượt qua được thường hiếm hoi và họ thực sự là những anh hùng. Nhưng anh hùng thì không thể cứ ra ngõ là gặp.

Đối với những người cộng sản, vấn đề còn phức tạp hơn. Tôi đã có lần trong một bài viết, phân biệt các khái niệm cộng sản nói chung với lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản, đảng viên cộng sản lãnh đạo và đảng viên cộng sản thường. Đối với một số người chống cộng cực đoan, cộng sản là một cái gì cực kỳ xấu xa, những người cộng sản là những kẻ tàn bạo khát máu, như quỷ dữ tù dưới địa ngục chui lên. Có phải như thế không?

Không nói đến những người cộng sản Việt Nam đầu tiên, những cán bộ cộng sản lãnh đạo sau này mà ai cũng biết để có thể nhận xét, trong thời gian trước đây, tôi đã từng biết và hiểu về một người cộng sản cụ thể. Họ là những người bình thường như mọi người. Nông dân ít học (đàn ông và cả phụ nữ), công nhân, sinh viên, giáo sư, nhà văn, nhà báo… Trong những hoàn cảnh bức xúc hay do lòng yêu nước, bị áp bức, lý tưởng công bằng xã hội thôi thúc, với điều kiện thuận lợi, họ trở thành đảng viên cộng sản. Sau khi trở thành cộng sản, họ là những người chiến đấu, chịu hi sinh gian khổ nhiều hơn, rất ít người trở nên kẻ độc ác. Bản thân tôi cũng đã là đảng viên cộng sản trong 15 năm (từ 1974 – 1989).

Trong chuyến đi xuyên Việt năm 1988 cùng với Bùi Minh Quốc và Hữu Loan, chúng tôi vận động văn nghệ sĩ và trí thức yêu cầu Đảng đổi mới thực sự, đòi tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản, đề nghị cách chức Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ trưởng Văn hóa Thông tin và những người tỏ ra chống đổi mới hay không có khả năng đổi mới. Chúng tôi đã thu thập được 118 chữ ký ở các tỉnh miền Trung và Hà Nội trong một bản tuyên bố và thực hiện nhiều bản kiến nghị liên tịch giữa các hội văn nghệ địa phương. Sau chuyến đi tôi có làm một bài bút ký thơ tựa đề "Mở cuộc giao tranh" ghi lại chuyến đi này với đoạn kết:

"Giành quyền sống chứ không xin quyền sống
ai đổi mới và ai không đổi mới
ai chống Đảng và ai dựng Đảng
ai phá nước và ai dựng nước
phân tuyến ra và mở cuộc giao tranh." [2]

Trong bản thảo lần đầu, hai câu cuối tôi viết: "Ai cộng sản và ai giả danh cộng sản/Phân tuyến ra và mở cuộc giao tranh". Lúc đó tôi đang là đảng viên cộng sản và tôi thành thực tin rằng mình là người cộng sản chân chính, trong công cuộc đổi mới, phải góp phần làm cho dân tộc được hạnh phúc hơn theo như lý tưởng mình đã lựa chọn lúc gia nhập Đảng, xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa có bộ mặt nhân bản chứ không phải là chế độ xã hội chủ nghĩa "trại lính" như hiện có. Những ngày tháng sau đó là những ngày đấu tranh gay gắt trong đảng bộ nơi tôi sinh hoạt. Tôi thấy mình không thể là đảng viên cộng sản theo cách mình nghĩ trong chế độ và guồng máy này nên tôi đã viết bản tuyên bố ra khỏi Đảng. Tôi đề nghị với Bùi Minh Quốc cùng tuyên bố như tôi nhưng Quốc không nhất trí. Quốc cho rằng cần phải ở trong Đảng để đấu tranh và nếu bị khai trừ, cũng là một cái cớ để tiếp tục đấu tranh. Vì chỉ có hai người (trong phạm vi hẹp) chia sẻ cùng một cuộc chiến đấu và cùng chung số phận, tôi không thể tách rời Quốc vào thời điểm đó và cuối cùng cả hai đều bị khai trừ. Tuy nhiên sau đó khi Quốc tiếp tục viết đơn khiếu nại lên Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và những cơ quan chức năng khác thì tôi quyết định không viết một dòng nào chính thức gởi cho tổ chức Đảng nữa, trừ "Thư ngỏ gởi những người cộng sản Việt Nam" (không phải viết cho tổ chức Đảng) vào năm 1996 trước Đại hội VIII để bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề lớn của đất nước khác với quan điểm chính thống.

Làm "người cộng sản chân chính" với lý tưởng xóa bỏ bất công áp bức và xây dựng thế giới đại đồng phải chăng chỉ là (hay chính là) một ảo tưởng và chúng tôi chỉ là những kẻ hoàn toàn ngây thơ trong chính trị? Hay "lý tưởng cộng sản", cũng chính là một lý tưởng nhân văn, phổ quát không thể nào thực hiện được bằng con đường của chủ nghĩa cộng sản hoặc bất cứ chủ nghĩa nào khác trong thế giới đầy dẫy bất công áp bức và chia rẽ, hận thù này? Tuy nhiên tôi cho rằng những gì gọi là "tội ác cộng sản" ở các nuớc xã hội chủ nghĩa và Việt Nam trước đây chủ yếu là do những người lãnh đạo, do chế độ, guồng máy và phương thức đấu tranh, cai trị, đặc biệt là với chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, dùng mục đích để biện minh cho mọi phương tiện, cùng sự chi phối của các nước đàn anh cộng sản chứ không phải do lý tưởng của người cộng sản và tất cả những người cộng sản.

Thật ra cũng khó tách bạch những điều trên nhưng nếu nói tất cả những người cộng sản đều tàn bạo khát máu thì hoàn toàn không đúng. Tuy vậy con người bị chi phối bởi hoàn cảnh và hành xử theo hoàn cảnh, dĩ nhiên không phải tất cả và có nhiều ngoại lệ. Thí dụ những người lính viễn chinh phần lớn cũng có thể là những người con ngoan, chồng tốt, hàng xóm thân thiện nhưng khi đi ra nước ngoài, một số họ trở thành những kẻ hiếu chiến, man rợ, vô nhân tính. Một số những người cai ngục hầu như trong chế độ nào cũng tàn bạo giống nhau. Trong lịch sử cuộc đấu tranh của mình, không thể phủ nhận những người cộng sản là những người đầy lý tưởng, ngoan cường, chịu đựng gian khổ, mất mát, hi sinh nhiều nhất mà không đảng phái nào khác có thể so sánh được nhưng khi nắm được chính quyền họ lại sắt máu hơn ai cả. Những người cộng sản trong guồng máy độc tài toàn trị sau này đã hoàn toàn đổi khác so với thời kỳ chiến đấu vì lý tưởng ban đầu. Giáo điều, quyền lực và lòng tham làm cho họ trở nên kinh khủng hơn mọi loại độc tài đã từng có trong lịch sử.

Bây giờ ở Việt Nam, có những người cộng sản kiên trung gần nửa thế kỷ như Nguyễn Hộ đến cuối đời lại thấy lựa chọn cộng sản là một sai lầm của đời mình, có người như Trần Độ thấy Đảng Cộng sản này không còn là đảng của mình nữa. Có một người bạn không phải là đảng viên nói với tôi (khi tôi còn là đảng viên), rằng nếu tôi còn có lòng trắc ẩn, tình nhân đạo thì tôi là thứ "cộng sản dổm". Có một người cộng sản già rất hiền lành khi phê phán những suy thoái của guồng máy cai trị hiện nay nói với tôi (sau khi tôi đã bị khai trừ Đảng), rằng bây giờ chỉ còn những người như chúng ta thực sự là cộng sản. Đây là điều oái ăm và bi kịch của một số người cộng sản. (Trong một bài viết mới đây trên talawas, Nguyễn Khoa Thái Anh đã đề cập đến khái niệm "người cộng sản chân chính" nhưng tiếc bài viết quá ngắn, thiếu dẫn chứng và phân tích khi nhắc đến vài trường hợp quá cụ thể nên có thể gây ra nhiều ngộ nhận. Ở đây tôi cũng chưa phân tích đầy đủ vì chỉ nêu một số ý có liên quan theo mạch suy tưởng của vấn đề đang đặt ra.)

Thực ra vấn đề hiện nay ở Việt Nam chính yếu không còn là vấn đề cộng sản nữa mà là vấn đề sự tha hóa của một số đông những kẻ nắm quyền lực trong chế độ độc tài toàn trị. Sự tha hóa này không những là tai họa cho đất nước, cho dân tộc mà còn cho chính những người cộng sản, nhất là những "người cộng sản chân chính". Những người cộng sản sẽ (hay đang) đánh mất vai trò lịch sử và trở thành tội đồ của dân tộc khi sự độc quyền cai trị và độc quyền tiên phong tha hóa dẫn tới sự tha hóa của toàn xã hội này còn tiếp tục. Quốc nạn tham nhũng, sự suy thoái của guồng máy cai trị, nỗi bất hạnh và oan khuất của nhân dân sẽ là vô phương cứu chữa nếu vẫn còn chế độ độc tài toàn trị, không có tự do dân chủ thực sự. (Tuy nhiên có người lại cho rằng vấn đề cộng sản vẫn còn đó và những người cộng sản không thể sửa chữa được sai lầm của họ trừ phi họ đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản. Có lẽ đây cũng là những vấn đề lớn xứng đáng được trao đổi và tranh luận một cách chân thành, nghiêm túc.)

Vậy thì có cần thiết không tiếp tục kéo dài sự hận thù và đối đầu "quốc - cộng" theo tinh thần và cách thế thời chiến tranh? Dĩ nhiên quan điểm của những người đã từng đứng hai bên chiến tuyến cho đến nay vẫn còn khoảng cách, trái ngược hay tranh cãi, thậm chí cho đến khi họ từ giã cõi đời này. Vấn đề có thể vẫn còn đó nhưng không phải là điều quan trọng nữa. Không cần thiết phải nhai lại để phê phán, phỉ báng nhau với những luận điểm "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản", "cộng sản độc tài khát máu" hay "nô lệ ngoại bang, tay sai đế quốc"… Điều quan trọng hơn là làm được gì cho tương lai khi quỹ thời gian của những người đã trải qua cuộc chiến còn quá ít. Hơn 60% dân số Việt Nam hiện nay sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Chính họ mới là người làm chủ tương lai thật sự của đất nước. Điều bức thiết mà những người đã trải qua cuộc chiến có thể làm được là hóa giải hận thù, hòa giải hòa hợp dân tộc (những khái niệm và cụm từ nghe có vẻ như sáo mòn nhưng thực sự quan trọng và không dễ thực hiện), tỉnh thức và cảnh giác nhưng thông cảm và bao dung để làm sao góp phần cho tương lai không còn lặp lại bi kịch cũ. Nếu không làm được như thế, gia tài mà thế hệ này để lại cho đàn em và con cháu không gì khác hơn là u mê và sân hận.

Có người cho rằng khía cạnh đạo đức của hòa giải hòa hợp là hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi và đối với những người thực sự có thiện tâm, thiện chí của các bên đối nghịch nhau trước đây, vấn đề không phải là nan giải. Vấn nạn thuộc về những người thực tâm không chịu hòa giải vì quan điểm hẹp hòi, lòng thù hận hay vì những mục đích ích kỷ khác, không đặt quyền lợi và hạnh phúc dân tộc lên trên hết, nhất là về phía nhũng người đang nắm chính quyền.

Trong cuộc chiến vừa qua, giữa bối cảnh chiến tranh ý thức hệ toàn cầu và sự mặc cả của các cường quốc để sắp xếp số phận của các nước nhược tiểu, phần lớn người Việt Nam vừa là nạn nhân vừa là người tham dự chủ động vào tấn bi kịch lịch sử. Cho nên nói đến một sự sám hối toàn dân tộc không phải là không có lý. Sử dụng từ và khái niệm của Phật giáo, có thể nói chính chúng ta đã tạo ra "nghiệp", một thứ "cộng nghiệp" nên cần tự mình "giải nghiệp". Tại sao dân tộc Việt Nam sau bao nhiêu chiến đấu, hi sinh và đau khổ đến nay vẫn còn phải chịu áp bức, mất tự do trong chế độ độc tài toàn trị? Điều này có phần nào gần với câu "Nhân dân nào chính phủ ấy"? Đó cũng là luật nhân quả. Một số người, trong đó có Nguyễn Tường Bách trong tùy bút "Mộng đời bất tuyệt" đã đề cập và lý giải vấn đề này, dù chỉ thoáng qua. [3] Cộng nghiệp này chỉ có thể được giải bằng sự chuyển nghiệp của toàn dân tộc, bằng hành động cụ thể được hướng dẫn bằng minh triết chứ không phải là hận thù, u mê hay tham lam, bạc nhược. Đây không phải chỉ là niềm tin tôn giáo mà còn là quy luật đấu tranh xã hội.

Số phận hay nghiệp của một dân tộc không phải là điều vô căn cứ. Chính bối cảnh địa – chính trị, nền văn hóa, tâm thức, ý thức và hành vi của dân tộc đó dẫn đến hoàn cảnh cụ thể của đất nước qua từng giai đọan cụ thể. Với kinh nghiệm đau thương của Việt Nam, có lẽ chúng ta thông cảm sâu xa hơn ai hết niềm đau của nhân dân Iraq hiện nay. Tất cả mọi lý do đều không thể biện minh cho sự tàn sát hằng ngày trên đất nước này. Những thông tin về các vụ đánh bom khủng bố, các cuộc xung đột vũ trang thật lạnh lùng vô cảm trên các phương tiện thông tin báo chí toàn thế giới. Nhưng niềm đau về sự thương vong, chết chóc, tàn phá đối với từng người dân trong cuộc là sâu xa, quằn quại, khốc liệt. Bên cạnh những tác động ngoại lai, chính người dân Iraq vì lý do phân biệt sắc tộc, tôn giáo, quyền lợi phe phái, lòng hận thù đã tham dự vào việc gây ra thảm kịch cho chính mình. Họ là nạn nhân nhưng đồng thời cũng đã gieo nhân và gặt quả tức thì trong nước mắt, máu và sự hủy hoại cả tương lai.

Cho nên cần phải luôn luôn tỉnh thức và cảnh giác, bằng mọi cách không để cho sự xung đột và thù hận diễn ra trong lòng đất nước. Muốn thế cần hết sức thông cảm, bao dung giữa mọi thành phần dân tộc và khi cần, đấu tranh bằng những phương tiện hòa bình, tránh xa bạo lực vì bạo lực khơi dậy bạo lực, "máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu" chỉ mang đến không gì khác hơn là hủy diệt.

Bản thân tôi hoàn toàn tin tưởng vào con đường này và đã có một số kinh nghiệm cá nhân làm cơ sở.

Vào năm 1994, khi cuốn tiểu thuyết tự truyện Nửa đời nhìn lại của tôi được xuất bản ở Mỹ, nội dung đi sâu phân tích phản tỉnh nội tâm của một người cộng sản, một số nhà văn và độc giả hải ngoại tự nhận là "quốc gia", chống cộng đã bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ. [4]

Tôi có một người anh em họ là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, sau 75 đã "đi cải tạo" đến 13 năm trước khi được xuất cảnh sang Mỹ. Mặc dù đã có một thời gian thơ ấu sống thân ái bên nhau nhưng sau khi qua Mỹ, lá thư đầu tiên anh viết cho tôi là để nói rằng anh căm thù tôi, một kẻ "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản", "đâm sau lưng chiến sĩ" còn hơn là những nguời cộng sản chính tông "hét ra lửa, mửa ra khói". Tôi trả lời anh tôi không "ăn cơm quốc gia" mà ăn cơm của nhân dân, tôi không đâm sau lưng chiến sĩ mà tôi đứng trước lưỡi lê, họng súng, trong lựu đạn cay và nhà tù của chính quyền Sài Gòn. Sau này anh và tôi còn công khai tranh luận qua các bài viết đăng trên mạng. Cuối cùng, anh cũng nhận ra rằng tôi chỉ là một kẻ suốt đời phản kháng, chỉ cố gắng sống theo những điều mình nghĩ và chúng tôi lại trở nên thông cảm và thân ái.

Tôi còn có một người bạn thân thuở học trò, sau này cũng là sĩ quan một binh chủng "dữ dằn" của quân đội Việt Nam Cộng hòa, di tản sang Mỹ ngay trước ngày 30-4-75. Sau gần 30 năm xa cách, không có tin tức gì về nhau, lần đầu về nước anh đã cố công đi tìm tôi và chúng tôi đã gặp lại. Nói chuyện với nhau nhiều ngày đêm, chúng tôi không hề đề cập đến chuyện chiến tranh, chuyện ý thức hệ mà chỉ nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, trong đó đặc biệt chuyện hai chúng tôi cùng yêu một cô bé học trò 13 tuổi, học sau chúng tôi vài lớp, ở một ngôi trường tỉnh lẻ ngày nào. Chúng tôi vô cùng ấm lòng trong tình bạn cố tri thân thiết.

Còn đối với những người cộng sản, những cán bộ đảng viên lão thành đã từng "đấu" tôi, những cán bộ công an đã từng theo dõi, canh gác, thẩm vấn tôi trong thời gian tôi bị quản chế, sau này mỗi lúc gặp tôi ngoài đường, họ vẫn chào hỏi, chuyện trò như với những người quen biết bình thường. Cho dù có thể đó là những biểu hiện bề ngoài, nhưng tôi tin rằng, về phương diện cá nhân, bên trong họ cũng không ẩn chứa lòng thù hận hay căm ghét, bởi tôi đã không làm gì khác hơn là bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề lớn của đất nước dù trái với quan điểm của nhà cầm quyền.

Tuy vậy cũng còn có những chuyện đáng buồn. Sau các bài viết của tôi trên mạng, vẫn có những ý kiến không ăn nhập gì đến nội dung bài viết mà chỉ nhai lại chuyện "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản" để phê phán, mạ lỵ, thậm chí còn chụp cho tôi cái "nón cối Mậu Thân Huế" 1968 tàn sát thường dân vô tội mặc dù thời gian đó tôi không còn ở Huế và từ trước cho đến năm 1972, tôi chẳng liên quan gì đến cộng sản. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng tôi phản bội cách mạng, xuyên tạc lịch sử, nói xấu Đảng và nhà nước… Dù sao tôi cũng tin rằng các ý kiến loại đó đều không phải là xu thế chung của những người thực tâm muốn xây dựng đất nước dù trước đây họ ở bên nào của cuộc chiến.

Tôi là người đã từng ở trong guồng máy và đã ở tù dưới cả hai chế độ. Tôi chưa từng cầm súng để bắn giết ai hay có kẻ thù cụ thể ở bất cứ phe nào. Ngược lại, tôi có bạn bè thân thiết ở cả hai phía. Những điều tôi suy nghĩ có thể đúng, có thể sai nhưng không phải là nhận định của kẻ đứng ngoài, đứng bên lề hay thuần lý mà là tình cảm và suy tư của một người luôn luôn ở trong cuộc, luôn luôn tự vấn, phản tỉnh và lắng nghe một cách chân thành trong từng ngày sống.

Có bạn đọc trên mạng than thở giùm tôi, đại ý nói Tiêu Dao Bảo Cự ơi, cuộc sống có bao lâu mà phải bầm dập lận đận làm khổ đời mình… Tôi cũng biết cuộc đời ngắn ngủi và vô thường. Tôi vẫn hay băn khoăn dằn vặt về thái độ sống của mình. Dù sao tôi đã lựa chọn và cố gắng sống với điều mình chọn lựa. Tôi cũng biết cách im lặng và chỉ im lặng khi thấy điều đó thực sự là giải thoát.

Đà Lạt 9/2006

© 2006 talawas



[1]"Mình đã sẵn sàng làm theo yêu cầu của Đảng chưa? Chưa! Phải thành khẩn nhận lấy điều đó. Mình đi bộ đội, chẳng qua là buộc phải đi! Không đi ư, thì tức là anh đã chống lại chính sách, chống lại Đảng. Đấy, những ngày đầu mình đi bộ đội là như thế". (Mãi mãi tuổi hai mươi, trang 182 – 183, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh Niên 2005)
[2]Trang 130, " Hành trình cuối đông", Bút ký Tiêu Dao Bảo Cự, NXB Văn Nghệ, California 1998
[3]"Và dường như tâm thức giác ngộ đó thúc tôi hiểu thêm cho rõ rằng, chính cộng nghiệp của một dân tộc đã tạo tiền đề cho một nhóm người nhất định lên nắm chính quyền và cai trị lại chính mình". (" Hương sen", Mộng đời bất tuyệt, trang 36, Nguyễn Tường Bách, NXB Văn Nghệ, TPHCM 2006)
[4]Phần phụ lục tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại, NXB Văn Nghệ, Cali tái bản 1997