trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
Loạt bài: World Cup 2006
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
1.7.2006
Bùi Văn Phú
Bóng đá nhìn từ nước Mỹ
 
Người Việt mê bóng đá ngay từ lúc còn nhỏ
Nếu còn ở Việt Nam tôi cũng đã trở thành một người cuồng nhiệt mê bóng đá như cả nước và cả tỉ người trên thế giới hôm nay.

Ngày xưa, nhà chẳng có ti-vi nên chưa bao giờ tôi được coi một trận của Giải Túc cầu Thế giới - ngày đó cụm từ World Cup chưa được toàn cầu hoá như bây giờ - mà chỉ nghe qua đài hay đọc tin qua báo. Có được tận mắt xem đá bóng trên sân cỏ thì là những trận đấu giao hữu, kiểu tập dượt, vào sáng Chủ nhật trên sân vận động quân đội, cạnh Bộ Tổng tham mưu gần nhà.

Năm 1974 tôi nhớ có cầu thủ Hoà Lan Gion Kờruýtphờ [Johana Cruijff], dai sức, bao sân từ đầu này qua đầu kia và có những cú đá sấm sét nên phóng viên phong cho danh hiệu “oanh tạc cơ”. Đội Hòa Lan năm đó vào chung kết có lối dàn trận lạ 10-1, nhưng thua Cộng hoà Liên bang Đức.


*


Qua Mỹ, đi học Anh ngữ ngang qua một trường trung học, thấy mấy cầu thủ học sinh chơi football mà cứ chạy đâm sầm vào miếng gỗ do hai bạn khác nắm giữ, như biểu diễn thái cực đạo hơn là chơi banh. Cầu thủ độn cho vai u thịt bắp, đầu đội nón trông như phi hành gia, chạy húc đầu, huỵch vai nhau chứ chân cẳng chẳng đụng vào banh. Tiếng Anh mới học, từ vựng đôi trăm chữ nên khi thày cô hỏi về thể thao của nước mình, tôi trả lời Việt Nam cũng có football, nhưng cách chơi không giống Mỹ. Sau mới học được từ “soccer” trong tiếng Mỹ có nghĩa là môn bóng đá mà cả thế giới ưa chuộng, trừ Hoa Kỳ đã nhầm lẫn gọi môn bóng cà-na của họ là football.

Bóng đá đã ra khỏi tim óc tôi trong nhiều năm, thay vào bằng football. Tôi trở thành fan của đội Bears (Đại học Berkeley) trong trận Big Game đấu với đội Cardinals (Đại học Stanford) vào tháng Mười Một mỗi năm. Ngoài đội sinh viên, những đội banh pro trở nên quen thuộc: Raiders, 49ers, Oilers, Chargers, Steelers. Trong vùng có Oakland Raiders và San Francisco 49ers nên tôi cũng hò hét ủng hộ đội nhà khi xem những trận đấu trên truyền hình.

Năm 1980, con số sinh viên Việt Nam ở Berkeley tăng lên nên ban chấp hành hội có tổ chức đội bóng đá, trước đó chỉ có bóng chuyền, luyện tập vào mỗi chiều thứ Sáu để thi thoảng sáng thứ Bảy ra sân đấu. Những cặp giò dẻo dai của đội, không có tôi, là Lê Mạnh Sơn, anh em Phạm Duy Hưng và Hưởng, anh em Lê Phước Thành và Toại, Bùi Huy Thiện Trí, Mai Thanh Tùng, Lê Khắc Anh, Trần Thụy Hùng, Nguyễn Trọng Vũ, Nguyễn Trường Phú và thường đá giao hữu với đội học sinh trường Trung học Kỹ thuật Oakland (Oakland Tech High School) do thầy Nguyễn Trường Hy, dạy môn khoa học xã hội, nhưng cũng dành giờ lo dìu dắt đội banh học sinh Việt Nam.

Đội banh sinh viên Berkeley lúc đó có dịp đón một cựu cầu thủ của Việt Nam. Anh Vũ Mạnh Hải, từng đá cho một đội banh Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975, rồi vượt biển, định cư ở Vancouver, Canada, nơi có đội White Caps mà anh muốn vào đầu quân nhưng không được. Anh ghé sân cỏ một cuối tuần, chỉ cho sinh viên vài đường đưa banh, lừa banh, bắt banh và vài cú sút. Nghe anh kể chuyện bóng đá quê nhà, chúng tôi vừa buồn cười, vừa chia sẻ nỗi bực tức về những trận đấu giữa Sài Gòn và Hà Nội mà đội trong Nam phải đá để thua, chứ không được thắng.

Những năm sau sinh viên liên trường Bắc California tổ chức Đại hội Đoàn kết, một chương trình thể thao và văn nghệ kéo dài ba ngày, thì đều có môn bóng đá với sự tham dự của hơn mười trường trong vùng. Đội Berkeley mang danh hiệu Đại Cồ Việt ra quân không tệ, có thắng có thua. Không như đội football của trường, thường thua đội Stanford dài dài.

Trong thời gian đầu của tôi ở Mỹ, World Cup diễn ra hai lần. Nước Mỹ hiện đại, thông tin mau lẹ, nhưng nếu hỏi tôi có còn chút ấn tượng gì về World Cup ‘78 và ‘82 thì trí óc hoàn toàn trống rỗng vì bóng đá không phải là môn thể thao phổ thông ở Mỹ. Tôi chỉ nhớ đầu thập niên 1980 có cựu đại tá Nguyễn Thanh Điền đứng ra thành lập Tổng cục Túc cầu Việt Nam miền Bắc California và đã tổ chức nhiều trận tranh tài ở San Jose. Sau này quan hệ Mỹ-Việt mở rộng ra, đã có đội Việt Nam qua Mỹ và đội của người Việt ở Bắc California về nước đá giao hữu.

Riêng thành phố San Jose có đội Earthquake chiếm giải quán quân cuả Liên đoàn Bóng đá Mỹ (Major League of Soccer) năm 2001 và 2003. Nhưng nước Mỹ hiện đại nhất thế giới chưa lập nên thành tích nào từ nửa thế kỷ qua, dù quá khứ đội bóng Mỹ đã có thời vẫy vùng sân cỏ. World Cup ‘30 Hoa Kỳ hạ Paraguay 3-0, hạ Bỉ 3-0, vào bán kết bị Argentina cho đo ván 6-1. Kể từ thập niên 1950 bóng đá Mỹ xuống dốc cho đến thập niên 1980 mới có những cố gắng hội nhập với thế giới. Một đội bóng ở New York đã bỏ ra nhiều triệu đô-la mời Pélé về làm nhà dìu dắt.


*


Một trận đá banh trên sân cỏ ở Togo, châu Phi năm 1984
Tôi sống ở châu Phi một thời gian, nước Togo tuy nghèo nhưng không khí bóng đá cũng rộn ràng từ thủ đô đến thôn làng hẻo lánh. Miền quê không có điện, chiếc ra-đi-ô cát-sét chạy pin của tôi đã thu hút hàng xóm, học trò khi có trực tiếp truyền thanh của đài Afrique No. 1 những trận giao đấu giữa các đội tuyển trong vùng như Togo, Cameroun, Ghana, Ai-Cập hay Côte d’Ivoire. Thi thoảng có đội tuyển từ châu Âu hay Trung Quốc qua đấu giao hữu. Nghe người xướng ngôn nói lẹ, nhất là khi banh vào vùng cấm địa thì giọng càng khẩn trương, lên cao, kéo dài làm tôi nhớ đến giọng ký giả Huyền Vũ của đài Sài Gòn trên Sân Cộng hòa năm xưa, nhớ đến những tên tuổi của làng túc cầu miền Nam như Rạng, Ngôn, Tam Lang, Trung đầu hói.


Những lúc trao đổi với học trò về thể thao, tôi kể cho các em nghe chuyện football ở Mỹ với cầu thủ ôm banh húc nhau, chạy hay ném banh chứ không đá, các em lăn ra cười và gọi đó là “football americain”.


*


Mười hai năm trước World Cup tổ chức tại Hoa Kỳ, ngay vùng Vịnh San Francisco, nhưng trong khu vực vẫn không có không khí hào hứng. Đa số người Mỹ không ngồi dán mắt vào màn hình ti-vi. Cuộc sống vẫn êm đềm trôi qua với những chuyến đi du lịch, nghỉ hè trong khi cả tỉ người trên thế giới sội động, hồi hộp theo dõi từng trận tranh tài được truyền đi từ nước Mỹ. Sân cỏ của Đại học Stanford là nơi diễn ra nhiều trận đấu, nhưng trên khán đài luôn còn chỗ trống.

Nếu còn chút ký ức gì về World Cup ‘94 thì đó là chuyện cầu thủ Columbia Andres Escobar trong một trận giao đấu với Hoa Kỳ đã đá ngược banh vào khung thành của mình. Về nước, Escobar bị một fan đội nhà tức giận bắn chết. Lần đó, tuy là nước đứng tổ chức, Hoa Kỳ đã về chót trong số 32 đội của vòng loại.


*


Tuần đầu của World Cup ‘06, khi đến trường chỉ nghe đám học trò gốc Mỹ La Tinh bàn tán, không sôi nổi ồn ào như trong mùa tranh tài football vào mỗi đầu năm dương lịch, khi có những cổ võ cho đội nhà, có đánh cá đội nào ăn thua, cầu thủ hay dở.

Các trận World Cup ’06 đang diễn ra trong giờ làm việc nên tối tôi mới coi chiếu lại trên đài nói tiếng Tây Ban Nha. Chẳng cần hiểu ngôn ngữ, chỉ nhớ mầu áo và mắt bám sát banh là có thể theo dõi dễ dàng. Khi banh vào cấm thành thì giọng người phóng viên tăng tốc. Banh lọt lưới là nghe tiếng la lớn “gô-lờ, gô-lờ” và góc màn hình hiện to lên chữ “gol”.

Nhưng xem bất cứ môn thể thao nào mà không có bạn, không có bia là không có vui.

Tuần vừa qua tôi có mặt ở thành phố Grand Rapids và Chicago nằm bên Ngũ Đại Hồ. Buổi ăn trưa trong một nhà hàng lớn gần Viện Bảo tàng Tổng thống Gerald Ford cho tôi những giây phút hứng thú với bóng đá khi trên màn hình chiếu trực tiếp trận đấu giữa Anh và Trinidad-Tobago. Quán đông khách, với gần chục màn hình treo cao, một nửa chiếu bóng chầy, một nửa chiếu World Cup. Ở đây tôi đã gặp được những người Mỹ hâm mộ bóng đá, biết được luật chơi nên có bàn tán về thẻ vàng, thẻ đỏ, có reo hò trước những đường banh đẹp. Đến Chicago, nơi có nhiều dân gốc Đức, Ba Lan, Ý tôi thấy trên phố Magnificent Mile (Michigan Avenue) có vài áp-phích quảng cáo World Cup của FIFA.


*


Các báo ngoại ngữ ở California tường thuật về World Cup ’06
Trở về California. Những quán cà-phê San Jose là nơi buổi sáng sớm có đông người Việt hâm mộ bóng đá say mê ngồi xem trực tiếp truyền hình. Thành phố này đông dân Mỹ La Tinh và Việt nên trang thể thao nhật báo Mercury News luôn đưa tin World Cup lên hàng sốt dẻo. Các báo khác như San Francisco Chronicle hay Oakland Tribune thì chỉ loan tin ngắn bên cạnh tin chính về bóng chầy đang mùa World Series. Báo Việt ngữ cũng như báo tiếng Tây Ban Nha chạy tít World Cup mỗi ngày hay mỗi cuối tuần. Các báo Người ViệtViệt Báo còn mở mục đố vui có thưởng cho những tiên đoán đúng về các đội thắng.

Người Mỹ gốc Mễ ở Oakland, California theo dõi trận bóng đá giữa Argentina và Mexico hôm 24.06
Trong cách sử dụng ngôn ngữ thể thao, người Mỹ có tính tự cao tự đại, cho mình là cả thế giới. Môn bóng chầy (baseball) chỉ tranh đua giữa những đội Hoa Kỳ mà cũng gọi là World Series. Hay như đội nào đoạt giải Super Bowl của môn football mỗi năm thì được gọi là World Champion. Vô địch thế giới với ai? Cả thế giới mấy ai biết đến Barry Bonds, Babe Ruth hay Jerry Rice, O.J. Simpson. Nhưng nhắc đến Maradona, Ronaldo hay Beckham thì hầu như ai cũng biết.

Trưa thứ Bảy 24.06 có trận đá giữa Argentina và Mexico. Tôi xuống khu Fruitvale ở thành phố Oakland, trung tâm thương mại của người gốc Mỹ La Tinh, để theo dõi và ghi nhận sinh hoạt. Mấy khu phố dọc theo International Street thường nhộn nhịp giờ trưa nhưng hôm nay vắng vẻ. Nhiều người ở nhà hay đang trong quán uống bia, ăn nhậu và xem bóng đá. Vào quán Taqueria San Jose ở góc đường số 35 vừa đúng giờ mở màn trận đấu, tôi gọi 4 taco, 2 bò, 2 gà, một chai Corona và một Coca-Cola cho đứa con trai. Đồ ăn thức uống chưa ra thì đã nghe tiếng người phóng viên hét lên, giọng khẩn trương, rồi thì “gô-lờ, gô-lờ”. Mexico vừa đá lọt lưới trái đầu tiên vào phút thứ 6. Mấy chục khách vỗ tay reo hò, cao tay Hi Five với nhau và với bố con chúng tôi. Nhưng niềm vui của những người Mễ mới được vài phút thì Argentina đã gỡ huề 1-1 vào phút thứ 9. Trước giờ ra sân đã có nhiều tiên đoán đội Mexico thua, nhưng Mexico đã bất ngờ làm bàn trước. Dù thua 2-1 đội Mexico đã chơi rất đẹp.


*


Đời sống trại tị nạn thiếu thốn nhưng không thiếu sinh hoạt bóng đá. Galang, Indonesia, 1986
World Cup ‘86 diễn ra ở Mexico, lúc đó tôi đang công tác trong trại tị nạn Galang, Indonesia. Điều kiện sống trong trại và giờ giấc những trận đá bóng không cho người vượt biển cơ hội theo dõi trực tiếp truyền hình mà chỉ nghe tin qua đài BBC vào sáng sớm. Tối đến, những quán cà-phê trên đảo là nơi họp bàn World Cup.

Năm đó đứa em trai viết thư xin tôi gửi về cho một bích chương hình Maradona. Việt Nam cũng vừa công bố chính sách đổi mới, mở cửa với những nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, nên ý tưởng giao lưu văn hoá, hơn là chuyện World Cup, đã choáng ngập đầu tôi khiến tôi đọc lộn ra thành Madonna, siêu sao Mỹ đang lên vùn vụt. Tôi mua một hình lớn của cô ca sĩ trẻ đẹp này và gửi về cho em qua đường bưu điện từ Singapore. Ba tháng sau tôi nhận lại gói hàng với ghi chú: “loại hàng Việt Nam cấm nhập khẩu”.


*


Cứ mỗi bốn năm, gần như cả thế giới lại bừng lên sự hào hứng với bóng đá, từ nước tiến bộ văn minh - trừ Hoa Kỳ - cho đến những nơi nghèo kém. Cũng như mỗi năm khi Giáng Sinh về lại rộn lên không khí lễ hội ở những nơi có đông người Ki-tô giáo cũng như ở vùng đất vắng bóng giáo đường. Nhìn ở một góc độ nào đó, bóng đá như một tôn giáo ngày nay đã trở nên toàn cầu hoá. Nếu còn có những nơi xa lạ với không khí vui đón Giáng Sinh, thì Hoa Kỳ là nơi nhiều người dân vẫn thờ ơ với môn thể thao này, vẫn một mình thưởng thức World Series, vui chơi mùa hè, trong khi thế giới đang hồ hởi, hồi hộp theo dõi World Cup.

Ở Mỹ còn một điều nghịch lý nữa là cụm từ “soccer mom” để chỉ người phụ nữ không làm việc ngoài đời, ở nhà lo việc gia đình, bếp núc, sáng đưa con đến trường, chiều đón về, hết sức nhàm chán như môn bóng đá. Thế nhưng kể từ khi có giải vô địch thế giới bóng đá dành cho phái nữ từ đầu thập niên 1990, đội tuyển Hoa Kỳ đã hai lần đoạt cúp vô địch, năm 1991 và 1999.


*


Hôm khai mạc World Cup ‘06, trên đài phát thanh tôi nghe một phóng viên Mỹ nói: “This is the sport of the immigrants” – Đây là môn thể thao của những người di dân. Công dân Mỹ, ngoài người da đỏ, hỏi có mấy ai không phải dòng dõi di dân? Trong không khí đang có tranh luận về chính sách nhập cư, tôi liên tưởng đến sự kiện Christopher Columbus đặt chân lên vùng đất này năm 1492. Ông cũng là một người di dân và chắc chắn là đã đến đây bất hợp pháp.

Tuần tới có Lễ Độc lập Hoa Kỳ, ngày 4 tháng Bảy được nghỉ. Mê bóng đá thì sáng xem World Cup, chiều đến, như những năm qua, tôi và gia đình sẽ đi xem đấu bóng chầy. Sau trận đấu, khán giả được xuống sân, nằm trên cỏ, ngó thẳng lên trời xem pháo hoa nở rực rỡ đủ mầu trước mắt, được nghe những tổng thống, vĩ nhân Hoa Kỳ nói về lịch sử Hoa Kỳ, về tự do, dân chủ, về bình đẳng, bình quyền, trong tiếng nhạc khơi dậy lòng yêu nước.

Vài ngày sau đó sẽ tụ họp bạn bè lại uống bia, nhâm nhi khô mực, lạc rang, xem trận tranh cúp vô địch World Cup ’06.

Hè đến rồi, mùa để vui chơi, thư giãn. Phải không bạn.

(Ảnh trong bài của Bùi Văn Phú)

Nguồn: Tuần báo Việt Tribune, số 9, ngày 30.06.2006. San Jose, California.