trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
Loạt bài: World Cup 2006
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
14.6.2006
David Runciman
Chơi cứ chơi, nhưng không bao giờ thắng
Phạm Toàn dịch
 
Tràn trề tài năng và suốt đời bị gọi là lực lượng mới trỗi dậy, các nước châu Phi sẽ vẫn không thắng trong World Cup này, cả cuộc tiếp sau cũng thế, David Runciman nhận xét. Vì sao? Tiền cứ vung ra, song ở cơ sở thì chẳng có gì thay đổi hết.

Pelé đem lại cho World Cup đôi ba thời điểm vô cùng lớn lao, nhưng ông ta cũng tự chuốc gánh nặng lên vai mình bằng một trong những lược đồ vô cùng to tát: năm 1977 ông nói là đến cuối thế kỷ 20, một quốc gia châu Phi có thể vô địch bóng đá thế giới, một lời tiên đoán mà cả Pelé lẫn châu Phi không khi nào được phép quên. Sau khi có các sự kiện cho thấy mình sai, Pelé liền kéo dài hạn chót tới năm 2010, nhưng ông cũng lại có thể bị nhầm lần nữa. Tại cuộc chung kết năm nay ở Đức, chẳng đội nào nào trong số năm nước châu Phi được coi là có đẳng cấp (Angola, Ghana, Ivory Coast, Togo, Tunisia) lại đang trên đường thắng lợi, và quả sẽ đáng ngạc nhiên nếu có đội nào thắng được ngay từ vòng loại (vòng đấu bảng).

Vấn đề là, trong số năm nước đó, chỉ có Tunisia từng tham dự World Cup. Một trong những điều mà một quốc gia cần để có thể mơ tưởng một cách thực tế muốn ngoi lên hàng đầu của một cuộc đấu như World Cup, ấy là kinh nghiệm. Bất kỳ quốc gia châu Phi nào muốn thực hiện được lời tiên đoán của Pelé thì trong những năm xen giữa hai kỳ World Cup, nước đó cần phải chứng tỏ là có tiến bộ đều đặn, chắc chắn, trên các bậc thang bóng đá quốc tế. Nhưng chẳng có đội bóng châu Phi nào có được sự tiến bộ chắc chắn như vậy. Quả thật, như cuộc chơi năm nay cho thấy, thành công của các đội bóng châu Phi dường như được phân bổ ít nhiều ngẫu nhiên. Thành công rồi lại tuột đi, chẳng để lại gì sâu sắc.

Song vẫn có người, kể cả bản thân con người vĩ đại kia, nghĩ rằng Pelé hầu như vẫn đúng. Một yếu tố khác mà các đội bóng ấy cần có để thắng ở World Cup chính là thuận lợi ở sân nhà, và vào năm 2010 lần đầu tiên Giải Vô địch Bóng đá Thế giới sẽ được tổ chức ở châu Phi. Chỉ có hai lần trong lịch sử bóng đá thế giới có chuyện vô địch World Cup rơi vào tay một nước nằm ngoài lục địa tổ chức giải (năm 1958 và 2002 – và cả hai lần thì nước vô địch vẫn là Brazil). Vậy thì năm 2010 sẽ chắc chắn là cơ may cho châu Phi, và Pelé mới đây đã gợi ý rằng, cuối cùng thì trong vòng bốn năm nữa một đội châu Phi chắc sẽ đoạt giải. Nhưng đó là đội nào? Chủ nhà Nam Phi thì đang trong tình trạng lình xình: họ không đạt được đẳng cấp cho cuộc đua tranh năm nay và chẳng thắng một trận nào trong Cúp châu Phi mới đây, và cũng chẳng ghi được một bàn nào hết. Còn trong cuộc đua tranh ấy, Ai Cập đoạt giải chủ yếu vì họ là nước chủ nhà; World Cup năm 2010 sẽ là một kết cục xấu cho người Ai Cập tại lục địa của mình. Những thế lực bóng đá lâu đời của châu Phi – Nigeria, Cameroon, Senegal – thì quá bận bịu đấu tố nhau về thất bại trong giải năm nay, họ khó mà có thể lên được một kế hoạch hữu hiệu cho năm 2010. Thêm vào đó, Nigeria, nước tiềm tàng trong số những đối thủ mạnh hơn cả cho giải bốn năm sắp tới, thì lại đang có nguy cơ bị cấm tranh tài mà lý do là vì vụ cãi cọ giữa vị đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Quốc gia và Bộ trưởng Thể thao nước này. World Cup năm 2010 có thể là cơ hội lớn nhất cho châu Phi, nhưng thật không thể nào xác định nổi có một quốc gia châu Phi nào sẽ đủ sức chiếm lấy vận may đó.

Song điều trớ trêu là, trong khi các đội quốc gia châu Phi khó có thể thực hiện được những gì Pelé trông đợi, thì các chân bóng cá nhân lại tiến bộ vô cùng nhanh. Việc mở cửa thị trường cầu thủ thế giới, cũng như trong mọi chuyện khác, có nghĩa là những thanh chắn lịch sử ngăn cản thành công đã được dỡ bỏ: nếu anh đá đủ tốt và giá mua anh đủ rẻ, thì sẽ có người tìm đến anh; và nếu họ thấy anh đủ trẻ trung, thì các câu lạc bộ ở nước ngoài sẽ tìm cách nuôi dưỡng tài năng anh theo những cách mà các liên đoàn quốc gia châu Phi chẳng sao sánh kịp.

Nhiều cầu thủ của đội Bờ biển Ngà (kể cả Didier Drogba của đội Chelsea) đã trải qua nhiều năm đào tạo ở Pháp, còn với những cầu thủ học nghề ở quê nhà thì có nhiều cậu được qua lò quốc tế trước đây của ông người Pháp Jean-Marc Guillou, người có nhiệm vụ chà đi sát lại cả nước Bờ biển Ngà để tìm kiếm tài năng thô, đưa chúng đi học ở những nơi đầy đủ phương tiện xịn rồi đem xuất sang Pháp và xuất đi nhiều nơi khác. Với những cầu thủ nào gặp may, nhất là những cậu nào thu hút được sự chú ý của các huấn luyện viên cỡ như Arsène Wenger và Mourinho, thì đây có thể coi như là con đường dẫn tới bất kỳ trung tâm huấn luyện bóng đá thế giới nào, và có khi cũng là giấy thông hành để đến chỗ cực kỳ giầu (Michael Essien của Ghana mỗi tuần kiếm được hơn 55.000 bảng Anh tại đội Chelsea và anh là đại diện cho một quốc gia có thu nhập bình quân hàng năm dưới 300 bảng Anh). Song phần lớn tiền làm ra là do các câu lạc bộ, họ có quyền kiếm các cầu thủ về với giá thỏa thuận hoặc thông qua các thứ mối lái biết cách đút lót bôi trơn để mua được cầu thủ giá rẻ. Vô cùng ít ỏi trong số tiền đó tìm được đường trở lại với các cơ sở bóng đá tại châu Phi.

Thật là đủ kiểu ngây thơ khi trông chờ món tiền ấy sẽ quay về. Ai là người có động cơ muốn đầu tư vào những phương tiện có thể bảo đảm thành công kéo dài của nền bóng đá châu Phi? Chính phủ các nước châu Phi có vẻ như còn nhiều vấn đề quan trọng hơn để mà lo. Khi có chút tiền dôi dư ra, thường là họ chẳng được những người dân nghèo khó cảm ơn vì họ đã đổ số tiền ấy vào những sân vận động lạ kỳ mới xây. Những đội bóng châu Âu đã gạn hết tài năng châu Phi cũng chẳng có việc gì phải lo phát triển hạ tầng cơ sở của trò bóng đá này nốt: cái họ quan tâm nhất là tiền sang nhượng, ta hiểu vì sao nhiều cầu thủ trẻ châu Phi đã được họ nhặt đi để đưa vào những đội hạng dưới rồi tìm cách đá họ lên các câu lạc bộ lớn với hy vọng kiếm được nhiều lời.

Bây giờ ta thử xét đến chính các cầu thủ kia. Nhiều ngôi sao châu Phi cũng nghĩ là họ có nghĩa vụ trả lại chút gì cho những xứ sở họ chào đời. Nhưng tại sao lại trả về cho bóng đá kia chứ? Cũng có anh, như cầu thủ nổi tiếng George Weah người Liberia những năm 1990, đã đi vào hoạt động chính trị; có những anh khác đem tiền đi xây bệnh viện, trường học hoặc mở doanh nghiệp tư nhân, nơi họ có thể trực tiếp làm ra cái gì đó tốt đẹp. Ta không trông đợi những cầu thủ Anh được nuông chiều với mức lương mỗi tuần 100.000 bảng Anh đem tiền đầu tư vào những cơ sở bóng đá nước này. Thế thì tại sao chúng ta lại trông đợi điều đó ở những cầu thủ của những nơi có hệ thống ngân hàng thường hoạt động hỗn loạn và các liên đoàn bóng đá thì bao giờ cũng chỉ thấy sự hủ hoá?

Thay đổi thực sự của bóng đá châu Phi trải 30 năm qua không phải là sức mạnh về bề sâu của trò chơi đó, mà là sự kiện bây giờ người ta có khả năng xây dựng những đội bóng tương đối thành công ở những nơi bất ngờ nhất. Nghề kinh doanh đi chộp những siêu sao tương lai ở khắp nơi có nghĩa là ở đâu cũng đều có cơ may đón chờ thời vận lớn, bất kể điều kiện địa phương có tồi tệ thế nào chăng nữa. Nước Bờ biển Ngà có GDP thấp nhất trong số những quốc gia vào chung kết World Cup năm nay; đó cũng lại là quốc gia duy nhất có nền kinh tế năm ngoái bị ngả nghiêng chao đảo. Angola hầu như bị nội chiến hủy diệt. Nhưng mùa hè này, người dân nào của Bờ biển Ngà hoặc Angola cũng có thể ngồi gần chiếc máy thu thanh hoặc chiếc mày thu hình và cũng sẽ đoàn kết lại trong sự gắn bó đam mê với đội tuyển quốc gia nhà mình. Tình đoàn kết sinh ra từ bóng đá thường mang tính hời hợt (ta hãy nhớ lại cái ảo tưởng thoáng qua về sự hài hòa đa sắc tộc ở Pháp sau chiến thắng năm 1998), song ai lại nỡ ganh tị với cái quốc gia trước đây toàn phải ngồi nhìn sự hứng khởi của thời khắc vinh quang ngắn ngủi của một quốc gia bên ngoài?

Bờ biển Ngà, Angola, Ghana, Togo là những nước thụ hưởng tác động của sự bình đẳng trong nền bóng đá quốc tế. Đó là một sự bình đẳng của vận hội: các quốc gia có may mắn hấp dẫn sự chú ý của những nhà săn lùng tài năng bây giờ có thể cưỡi may mắn mà đi suốt các trận của các vòng đấu lớn. Và đâu chỉ có châu Phi là được hưởng những thứ đó. Trước khi các nhà săn lùng tài năng bóng đá để mắt đến châu Phi, các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu thường săn lùng ở Đông Âu, nơi có đủ loại cầu thủ làm ta ngây ngất, trong đó phải kể cả anh chàng tiền đạo ở Kiev tên gọi là Andriy Shevchenko. Bây giờ đội Ukraine do Shevchenko lãnh đạo cũng lọt vào vòng tham dự World Cup. Lần đầu tiên lọt được vào đây cũng có cả Trinidad và Tobago với hai cầu thủ ngôi sao được nuôi dưỡng ở châu Âu – Dwight Yorke và Shaka Hislop – đã lôi đất nước này ra khỏi bóng tối. Ngay cả những đội tuyển sừng sỏ thì cũng được thứ may mắn đó làm cho biến đổi hẳn. Đội tuyển Anh vốn kinh niên xếp hạng sàn sàn với nhiều đội khác đã thành đối thủ thực sự khi có Wayne Rooney, cũng lại là một người đến từ đẩu đâu. Sự trỗi dậy cuả Rooney không liên quan gì hết tới cơ cấu bóng đá Anh hoặc tiền chi cho các phương tiện huấn luyện, hoặc công việc quản lý của Liên đoàn Bóng đá. Đó là cơ may, đó là sự khám phá tình cờ được một thanh niên có thiên tài bóng đá ẩn mình đâu đó ở những phố tối tăm ở Wirral. Đó cũng có thể như là những khu phố tối tăm của Accra (Ghana) hoặc của Port of Spain (Trinidad và Tobago), hoặc bất kỳ nơi đâu.

Chỗ khác nhau là ở nước Anh thì bao giờ cũng có được một ai đó đi săn tìm một Rooney tiếp theo, và trong lúc chờ đợi thì có đủ sự chú ý đến quá mức tới những ý thích của Rooney để giữ cho đội tuyển quốc gia đứng vững. Nhưng ở châu Phi việc đi tìm cầu thủ mới lại do ý muốn đi tìm sức lao động sẵn có, và khi các quốc gia bắt đầu tỏ ra kỹ tính hơn về chất lượng cầu thủ họ sản xuất ra, khi ấy thương đoàn săn lùng tài năng tất phải chuyển bước. Bờ biển Ngà đã thông qua luật mới cấm buôn bán cầu thủ địa phương dưới mười tám tuổi đưa ra nước ngoài. Điều này có thể tăng cường các cơ sở bóng đá trong nước, nhưng có nhiều khả năng nó sẽ đẩy các câu lạc bộ châu Âu đi tìm kiếm người ở chỗ khác.

Sự phân bố thắng lợi và tai họa có vẻ ngẫu nhiên ấy vốn vẫn quấy rầy nền bóng đá châu Phi, nay đã thành trầm trọng thêm vì cuộc tìm kiếm không ngưng nghỉ và không bao giờ thỏa cơn khát vào một thùng chứa tài năng khác không vặn nút khoá vòi. Trong lúc đó, các đội tuyển quốc gia càng ngày càng phụ thuộc vào việc làm cách gì cho các ngôi sao của mình được hài lòng. Trong bối cảnh tiền lương cách nhau rất xa giữa các cầu thủ có cơ sở ở châu Âu và các cầu thủ chơi cho các đội châu Phi, và trong hoàn cảnh khó mà làm cho các câu lạc bộ châu Âu thực sự coi trọng các cuộc đua tranh Cúp châu Phi, tinh thần đội tuyển là một vấn đề cực kỳ khó khắc phục.

Thành công dài hạn trong bóng đá quốc tế đòi hỏi không chỉ vài ba cầu thủ ngôi sao mà đòi hỏi sức mạnh bề sâu, sao cho những con người giỏi giang đặc biệt nhập vào đội nào thì phải chắc chắn như ghép cành vào cây. Ở châu Phi, cái quốc gia duy nhất đã làm hết sức để xây dựng hạ tầng cơ sở bóng đá và các thiết chế bóng đá là Nam Phi; thật không may chút nào, Nam Phi đã không moi ra đủ những cá nhân có tài năng đủ sức tranh đua với các nước khác trong lục địa, chưa kể đến các nước khác trên thế giới.

Quốc gia duy nhất trải một thế hệ đã thành tựu được bước tiến bộ, như Pelé trông đợi cho một quốc gia châu Phi, ấy là Hoa Kỳ. Đội tuyển Hoa Kỳ giờ đây đã có đẳng cấp và trải qua một mạch năm lần World Cup và kỳ World Cup lần trước họ đã vào đến tứ kết, nơi họ chẳng may đã bị đội tuyển Đức đánh bại. Ngày nay họ xếp đồng hạng thứ 5 theo cách xếp hạng bóng đá thế giới của Fifa (Anh xếp thứ mười; Bờ biển Ngà, xếp cao nhất trong các đội có đẳng cấp của châu Phi, xếp thứ 32). Các cầu thủ Mỹ rất có tổ chức và cực kỳ hiệu quả trong mọi việc họ làm; Mỹ cũng dồi dào nguồn lực với những sân vận động mới và những phương tiện huấn luyện thường xuyên được nâng cấp. Mỹ đã hưỡng thuận lợi từ sự không công bằng của hệ thống đánh giá đẳng cấp của Fifa cho World Cup – Mỹ chỉ có việc lọt vào ba nước hàng đầu của tổ chức tương đối yếu CONCACAF (Liên đoàn Bóng đá Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbe) để vượt lên – để xây dựng kinh nghiệm cho cuộc đua tài quốc tế đến độ như ta chứng kiến họ ngày nay. Nền bóng đá Hoa Kỳ đã đến World Cup theo một con đường mà không một quốc gia châu Phi nào có thể theo kịp.

Song mặc dù là ở bậc cao nhưng đội tuyển Mỹ không thực sự có nhiều cơ may thắng cuộc trong cuộc đua tài mùa hè năm nay bằng một trong những đội tuyển của châu Phi. Vấn đề của đội tuyển Mỹ là, dù rất có tổ chức và đá có hiệu quả, họ vẫn thiếu những cá nhân thực sự giỏi đột xuất, cần thiết để hạ bệ đối thủ tốt nhất thế giới. Nhưng điều này dường như đang như thay đổi. Một trong những triển vọng đầy hứng khởi của bóng đá thế giới là cậu Freddy Adu mười sáu tuổi sinh ra ở Ghana, người đã cùng cha mẹ di cư sang Hoa Kỳ và trở thành công dân Mỹ năm 2003. Những thần đồng thiếu niên không phải bao giờ cũng đúng như quảng cáo, mặc dù trong bóng đá có nhiều trường hợp lại vẫn đúng (ta hãy nhớ lại Diego Maradona, Ronaldo, Rooney, và ngay cả Joe Cole nữa). Ngay cả khi Adu đúng là tuyệt trần như mọi người nói, cậu vẫn có thể bị lu mờ vì cầu thủ đầy ấn tượng John Obi Mikel người Nigeria hiện đang đá ở Na Uy, người mùa bóng năm ngoái là đối tượng của cuộc “tranh giành con nuôi” chướng mắt giữa Chelsea và Manchester United.

Song cho dù Mikel có là cầu thủ tốt hơn hay không, xét trạng thái bấp bênh của bóng đá Nigeria, Adu vẫn có cơ may lớn hơn nhiều được tỏa sáng trên sân cỏ thế giới vào năm 2010. Biết đâu đấy, cậu rất có thể là cái tia đánh lửa khởi động cho Hoa Kỳ lên đỉnh cao thực sự. Một đội bóng châu Phi vẫn còn khó mà có thể thắng tại World Cup sẽ diễn ra sau đây 20 năm, nhưng người Mỹ thì lại có thể lắm. Đó chính là toàn cầu hóa cho bạn.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas