trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
6.4.2006
Nguyá»…n Thanh SÆ¡n
Câu chuyện chú mèo và cuộn len hay về Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý của Nguyễn Thuý Hằng
 
Từ trái sang phải: Nguyễn Chí Hoan, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thanh Sơn trong buổi toạ đàm tại Viện Goethe Hà Nội, 31.3.2006 (Ảnh: Hoà Bình)


Hai mươi năm trước, tôi vẫn còn đủ ngây thơ để tin rằng, đối với một người có chút năng khiếu viết lách, chỉ cần có thể ngồi viết ra tất cả những gì hiện lên trong đầu, không làm dáng, không đạo đức giả, thì bạn hoàn toàn có cơ may trở thành một nhà văn lớn. Giờ đây, với những cuốn sách như Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh hay Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý của Nguyễn Thuý Hằng, niềm tin đó trong tôi đã bị lung lay.

Bạn có bao giờ để ý đến hình ảnh êm đềm của người phụ nữ ngồi đan một mình trong đêm đông, với chú mèo con bên cạnh. Đối với tôi, hình ảnh ấy tiềm ẩn trong nó một ẩn dụ sâu sắc. Một nhà văn thực sự, cũng giống như người phụ nữ đan len, cẩn thận nắm lấy suy nghĩ đầu tiên của mình, luồn nó vào sợi kim đan, và bắt đầu nhẫn nại đan nên chiếc áo-tác phẩm của mình. Theo vòng quay của cuộn len, những suy nghĩ cứ nối nhau xuất hiện, được rút tỉa, thít chặt, nối thêm, để cuối cùng, trở thành một tác phẩm, với muôn ngàn ý tưởng phức tạp được kết nối lại hài hoà, nhưng vẫn được bắt đầu từ một suy nghĩ đầu tiên.

Những người viết vội vàng cũng giống như chú mèo con bị cuộn len ý tưởng hấp dẫn. Trò chơi nhiều màu sắc kia trông quả thật thú vị, chú mèo nhẩy cẫng lên, lao qua lao lại bên cạnh cuộn len, vung bàn chân ra vả vào những sợi len để tìm cách kéo nó ra. Không có đủ sự kiên nhẫn cần thiết, sợi len đầu tiên quấn lấy chân chú, và chẳng mấy chốc chú đã quay cuồng trong đám len, làm rối tung các ý nghĩ, cho đến khi những sợi len cuộn chặt lấy chân làm chú ngã xuống, hoặc có ai đó lôi chú ra khỏi đám hỗn độn mà chú vừa tạo nên.

Nguyễn Thuý Hằng cũng giống như chú mèo ấy, và đám hỗn độn là ba tập sách vừa được xuất bản Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý.


*


Các môn đệ mù quáng của chủ nghĩa hậu hiện đại luôn cổ xuý cho sự hỗn độn. Âm thanh và cuồng nộ của Faulkner theo họ là một sự hỗn độn. Sáng tạo của Milorad Pavic, Salman Rusdie là hỗn độn. Nhưng họ cố tình quên đi một điều: sự hỗn độn trong các tác phẩm của các bậc thầy luôn tuân theo một trật tự bên trong của nó, một qui luật bí ẩn mà càng lùi ra xa hơn, chúng ta càng thấy rõ chất keo nào đã gắn các mảnh cắt của hồi ức, hiện thực và cả tương lai thành một bức tranh khảm tuyệt vời. Các nhà văn lớn luôn kiên trì tập trung đi theo dòng cảm xúc của mình, cho nên, ngay cả những mối liên tưởng có vẻ như đột ngột nhất trong tác phẩm của họ, cũng có thể truy ngược lại nguồn gốc, và bên trong vẻ hỗn độn ở cấu trúc của họ vẫn tồn tại những mối dây liên kết nhiều tầng lớp. Bởi vậy, có lẽ sẽ không có gì phải bàn nếu coi ba tập sách của Nguyễn Thuý Hằng như những cuốn sổ ghi chép các ý nghĩ lộn xộn, những ý tưởng thoáng qua của một người viết, nhưng nếu coi nó là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh thì quả là chưa ổn. Cấu trúc tác phẩm theo sự hỗn hợp kỳ cục của những công thức nấu ăn viết bằng tiếng Anh kiểu như “Fishsnack- Ingredients: fish meat, potato starsch, milk calcium, salt, sugar…” những ý tưởng bìa sách, sắp đặt, hội hoạ với những câu chữ cố làm ra vẻ kỳ bí “hôm nay gà trống tơ có quá nhiều con quỉ đến uống nước và trao đổi suy nghĩ cho nhau, chúng đánh đổi trái tim nhàu nát hoặc quả thận đã thối rữa chỉ dùng cho sáu ngày. Tôi ngồi giữa những con quỉ đó quan sát tuần hoàn máu của nó. Lại một lần nữa màu đỏ có sức quyến rũ dữ dội, bên dưới chiếc mông của nó, một màu đỏ cũng lặng lẽ chảy êm đềm, cuốn hút say mê, nệm ghế và quần lót cũng màu đỏ nốt. Tôi phải pha loại cà phê gì đây? Người đứng trong quầy hỏi, đến giờ này cà phê cũng có chung một màu đặc sệt. Tôi nói, cà phê dành cho tiểu đường, thật nhiều đường, máu. Những con bò trôi lượn lờ dưới chân bàn, thả tiếng kêu trong lỗ tai, bọn chúng lại hỏi: đối lập với bí mật là gì…?” có thể doạ nạt được những người yếu bóng vía, nhưng không đủ để trở thành một tác phẩm văn học. Thủ pháp đưa những “vật thể ngoài văn chương” như những mẩu báo, thực đơn, tin quảng cáo, một đoạn thư tình, bài hát xuyên tạc...vv vào tác phẩm từ lâu đã không còn được coi là độc đáo, nhưng nó vẫn có tác dụng nếu như chúng kết hợp với nhau theo một giai điệu bên trong nhiều tầng. Cái Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý thiếu, chính là một trật tự bên trong của cái hỗn mang, một nhịp điệu bí ẩn của tạo nên sự hài hoà của những mảnh vụn, những bứt phá trong cấu trúc. [1] Cho nên, nếu chúng ta thử cắt bỏ những thực đơn, những mô tả nghề nghiệp về chất liệu sơn dầu, những “man, coffee, chocolate/The richer, the better” ra khỏi tác phẩm, liệu bạn hình dung thấy nội dung cuốn sách có một thay đổi nào hay không? Tôi tin là không! Cho nên, khi chưa làm chủ được một kỹ thuật mới, lạm dụng nó là một điều nguy hiểm.

Sự hỗn độn của Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý còn nằm trong cả ngôn ngữ. Một tác phẩm hay là một tác phẩm làm giàu thêm cho ngôn ngữ Việt. Trong Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý có những câu chữ không còn là tiếng Việt, đọc như những bài dịch tiếng Anh dở của một học sinh trung học (“trở thành/một dị biệt, xương kéo dài hoặc thình lình thu ngắn lại, chóp mũi hay chóp nhà thờ [2]trong tổng thể rạn nứt ấy thế nào cũng có một hoàn chỉnh [3] … tôi thích sự kiệt sức, háo mòn hết nước [4] ... hắn cầm vô lăng, bẻ tay thật mạnh để/không thấy tôi không còn thấy tôi nữa trong/lối rẽ trái tuyệt đẹp [5] ”. Một hình ảnh khả dĩ như “Tôi đi giữa một mùa địa ngục. Những con quỉ có nếp nhăn trên trán với lỗ tai đầy lông lá mời mọc tôi lắng nghe câu chuyện khả ố. Nụ cười của chúng là những chấm tròn trên da người chết thăn lại” thì ngay sau đó lại “Tôi đi giữa một mùa địa ngục. Hai thái dương là hai quả sắt, làm trì trệ tất cả sự bền vững[6] . Tôi hiểu sự say mê - và phần nào ảnh hưởng của tư duy - của thế hệ “con người của thế giới” đối với thứ ngôn ngữ đại chúng kia, nhưng chẳng lẽ chúng ta quên ngôn ngữ mà chúng ta dùng nó làm chất liệu là ngôn ngữ Việt?

Một tác phẩm hay cũng là một tác phẩm mới, hay nói đúng hơn, gợi cho chúng ta những cái nhìn mới với hiện thực và cuộc đời. Đọc Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý mà thấy như chúng ta đang bị tống về thời hôm qua, gần nửa thế kỷ trước, với Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu, làm bạn với những Im lặng hố thẳm, Mặt trời không bao giờ có thực, Thời của những kẻ giết người, lại Rimbaud, lại Mùa địa ngục để thấy lại cái cliché “thức dậy, thấy mình cần giết một ai đó” [7] , lại “nắng ấm, thối rữa, rong chơi bên kia tinh cầu, lũ chim câu bay vù” [8] , lại “não chảy dịch màu vàng, lớp nhầy mưng mủ”, lại “mông, má, giấy tờ”, sau “lều phều mặt giường là bọt khí của ta” [9] lại quay về với một dị bản khác (cố tình hay vô ý?) của thơ Vi Thuỳ Linh “trên quần thể say mê ấy, môi tôi và môi nhân loại nứt khô, chúng tôi thèm nhau quấn trong chăn trong suốt, chúng tôi sơ khai, nở nhuỵ” [10] , hay minh hoạ thô kệch cho một lý thuyết xưa như trái đất của Freud [11] với Vòng lục giác.

Tôi tự hỏi điều gì đã khiến Nguyễn Thuý Hằng và một số người viết thế hệ chị cứ mãi quẩn quanh với những “hạt kinh nguyệt không đồng đều”, những “hạ bộ mặt trời”, những “bọt khí”, “chấm đen đầy máu” hay “ não chảy dịch vàng”, “lớp nhầy mưng mủ”, những “tụt quần”, những “mở khoá quần”... Phải chăng vì ý thức tạo ra một thứ phản-lãng mạn làm đối trọng cho một thứ chủ nghĩa tình cảm đã làm cho họ chán ngắt, ảnh hưởng của chủ nghĩa nữ quyền, hay từ mặc cảm của một thế hệ bản lề - chưa đủ bứt phá mà cũng không còn chịu nổi cái cũ? Nhưng vậy tại sao họ không thể làm giầu hơn nữa hệ thống ngôn ngữ ấy, sao không trân trọng, ve vuốt yêu thương hay đùa diễu, nhạo báng chúng mà vẫn đối xử với chúng như một thứ trang sức đi mượn - hãnh diện trưng ra với đám đông nhưng trong thâm tâm vẫn ngượng ngùng, không bao giờ dám đi quá xa ranh giới của người đi trước? Và thế là, từ một thứ văn hoá sinh ra để chống lại văn hoá dòng chính (mainstream), chính nó lại biến mình thành một thứ ngôn ngữ rập khuôn của một dòng chính khác.

Một tác phẩm hay còn là một tác phẩm giúp ta khám phá ra trong ta những cái tôi khác nữa; một tác phẩm hay ẩn sâu trong nó một triết lý giản dị nhưng sâu sắc giúp ta bình thản hơn, bao dung hơn hoặc dũng cảm hơn với cuộc đời và thế giới. Người Mỹ thường hay nói với các nghệ sĩ “Đừng nói với người ta. Hãy chỉ ra cho người tạ” [12] - chỉ ra bằng chính tác phẩm của mình. Tư duy triết học của nhà văn phải được thể hiện bằng chính tác phẩm của mình, chứ lớp vỏ từ ngữ lừa mị của những ngôn từ cũ kỹ sáo rỗng như “cá thể”, “chủ thể” không thể che đậy được những suy nghĩ tản mạn, vụn vặt, không đi tới tận cùng của tác giả. Không được dẫn dắt bởi một tư duy triết học rõ ràng, không ngạc nhiên khi tập sách này chỉ dừng lại ở một dạng hỗn độn còn dang dở, một đứa con tinh thần chưa đủ tuổi đã vội vã bị tống ra với cuộc đời.

Trong Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý, tất nhiên, cũng có một vài hi vọng. Những chi tiết vụn, cho dù có chút ảnh hưởng của Borges cũng có thể được gọi là một truyện ngắn khá. Cõng người lạ, Nắp cống, đi đi giọng nói bị hỏng cũng là hai truyện độc đáo. Khi ở đâu Nguyễn Thuý Hằng chịu khó theo đuổi suy tư của mình đến tận cùng bằng một trí tuệ minh mẫn, chịu lắng nghe tiếng nói của logic bên trong của tình cảm, không bị cuốn theo sự phù phiếm và thói thời thượng của một cái “mới” giả tạo... thì ở đó chị sẽ thành công.

(Bài thảo luận về thơ Nguyễn Thuý Hằng tại Viện Goethe Hà Nội, tối 31.3.2006)

© 2006 talawas


[1]Tiểu thuyết Paris, 11 tháng 8 của Thuận có thể là một ví dụ cho việc sử dụng thủ pháp cắt dán thành công. Những mẩu tin về nạn nóng của mùa hè nước Pháp trên các tờ báo Le Figaro, RTL, Nhân đạo, của đài Radio France được đặt thay cho đề từ của mỗi chương sách duy trì một nhịp độ căng thẳng thường xuyên cho người đọc, một dòng chảy khác, lạnh lùng đi bên cạnh số phận của những nhân vật. Hình ảnh xuyên suốt của chiếc xe trâu trong Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương, và trong một góc độ nào đấy, hình ảnh con tê giác chuyển động trong tiểu thuyêt Đâm sừng vào bóng tối của Nguyễn Viện cũng là những người thành công trong việc tạo ra những nhịp điệu, những dòng chảy khác nhau trong tác phẩm của mình.
[2]Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý. I- Cửa sổ đập. Nxb Trẻ 2006. tr. 15
[3]Sđd tr.16
[4]Sđd tr.26
[5]Sđd tr.35
[6]Sđd tr.75
[7]Sđd tr.11
[8]Sđd tr.12
[9]Sđd tr.21
[10]Sđd tr.14
[11]Người cha ghen với đứa con trai vì cho rằng con trai đã cướp đi bầu vú của người mẹ lẽ ra phải dành cho ông ta.
[12]Don’t tell them. Show them!